CHÚA NHẬT THỨ III PHỤC SINH NĂM A

Lc 24,13-35

      Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chọn chủ đề cho Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI này là “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. Chủ đề chính yếu là tính “hiệp hành” trong Giáo hội. Chủ đề này được đào sâu dưới 3 khía cạnh là “hiệp thông”, “tham gia” và “sứ vụ”.

      Các giáo hội địa phương đều tiến hành công tác mục vụ theo chủ đề này. Các giáo phận Việt Nam cũng rất năng động trong công tác này và mỗi giáo phận đều có một logo riêng để định hướng cho công tác mục vụ từng năm.

Chúng tôi xin giới thiệu bài hướng dẫn về logo của Giáo phận Xuân Lộc, lồng trong đoạn Tin Mừng  nói về hai môn đệ đi về làng Em mau, Luca 24,13-35, do cha Giuse Huỳnh Công Hạnh, SVD. 

      Trước khi tìm hiểu những ý nghĩa của giáo phận, Chúng ta thử nhìn vào Logo này: Cụm hình ba người đan kết vào nhau: Mỗi người có hình thể như một trái tim đan quyện vào nhau. Một người có vẻ lớn hơn mang màu xanh lam. Chúng ta gọi đó là hình ảnh của Chúa, đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Màu xanh lam biểu tượng cho niềm tin mà chính Chúa là Đấng các ông tin.

      Một người nhỏ hơn mang màu đỏ, biểu tượng cho tình yêu và một người nhỏ nữa mang màu xanh lá cây, biểu tượng cho sức sống và hy vọng. Giữa ba người này có Thập giá màu đỏ. Đó là đề tài hai môn đệ nói chuyện với “người khách lạ” dọc đường tiến về Emmau. Đó là Chúa Giêsu vì yêu nhân loại đã hiến thân chết treo trên thập giá. Đây là điểm trung tâm nối kết ba biểu tượng người lại. Khi ngồi lại với nhau và “bẻ bánh” các ông mới nhận ra Chúa. 

     Cụm hình dưới ba người này thoạt đầu tưởng là hình nghệ thuật, nhưng khi nhìn kỹ ra, đó là cuốn Kinh Thánh được lật từng trang để đọc, mang niềm yêu mến (trang màu đỏ phía bên trái) và sức sống cùng niềm hy vọng (trang màu xanh lá cây bên phải). Hình thể đậm và dầy là quyển Kinh Thánh, mang màu xanh lam: biểu tượng cho Lời Chúa có trọng lượng và chúng ta cần tin vào Lời Chúa nói. 

     Dưới cuốn sách là ba cụm từ: Giáo Xứ, Hội Đoàn, Gia đình. Giáo xứ (màu xanh lam) sống đức tin. Hội Đoàn (màu xanh lá cây) mang niềm hy vọng và sức sống. Gia Đình (màu đỏ) sống tình yêu mến. Cả ba liên kết với nhau vào trong giáo xứ, sống đức tin, đức cậy và đức mến. 

     Tất cả các cụm hình trên nằm trong một vòng tròn như một tấm bánh, nghĩa là chúng ta sống thực hành Lời Chúa và tham dự vào phép Thánh Thể, múc nguồn năng lượng nơi Chúa, để rồi lên đường, ra đi loan báo Tin Mừng, được biểu hiện bằng vòng tròn bên trong, có một lối ra. Ở trong vòng tròn lớn có năm 2022-2023 là thời điểm Giáo phận Xuân Lộc sống và thực hành Logo Hiệp Hành: Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ.

     Chúng ta hãy dùng đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca 24,13-35 để giải thích Logo này. Dữ kiện địa lý trong Kinh Thánh cần được nêu lên: Emmau cách Giêrusalem chừng 11 cây số (Lc 24,13b). Giêrusalem là thủ đô cũ của nước Do Thái, nằm ở phía đông so với làng quê Emmau, nằm ở phía tây. Đoạn đường này cần từ 2 giờ rưỡi tới 3 giờ đi bộ.

     Đoạn Tin Mừng nói về hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35) rất thích hợp với đề tài Hiệp hành này. Chúng ta nhìn vào Logo có chữ Hiệp Hành. Đằng sau hai chấm (của Hiệp Hành) có ba cụm từ được viết bằng chữ màu đỏ: Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ. Hãy tìm hiểu từng cụm từ. 

  1. Hiệp thông: Hiệp thông ở đây là cảm thông và đồng hành.

Chúng ta nghe đoạn Tin Mừng:

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu (Lc 24,17-19a).

     Chúng ta thấy ngay phần đầu của câu chuyện: Hai môn đệ buồn rầu, bỏ Giêrusalem mà về làng quê Emmau. Họ đi trong thất vọng, nhưng vẫn trao đổi với nhau về việc Chúa Giêsu bị người ta giết chết bằng cách treo trên thập giá. “ Mộng vàng” của hai ông, cũng như của toàn dân đều “tan mây”. Đang khi môn đệ trò chuyện thì “người khách lạ” tiến đến cùng đồng hành với họ. Khách bộ hành đó là Chúa Giêsu, mà mắt họ không nhận ra. Chúa bắt chuyện trước. Chúa đi bước đầu để hỏi chuyện họ, nghĩa là Chúa là người khơi dậy cho hai môn đệ nói lên cái buồn rầu, bức xúc từ tâm hồn họ. Chúa gợi chuyện, còn hai môn đệ trả lời và được thúc đẩy trong tâm hồn để nói ra những cảm nghiệm, bức xúc của mình. Giữa họ và Chúa có cuộc đối thoại. Trong đoạn Tin Mừng trên Chúa hỏi, họ đáp, rồi Chúa lại hỏi, họ được đà kể tiếp. Trong khi họ kể thì Chúa lắng nghe. Sau khi nghe, tới phiên Chúa chia sẻ và hướng dẫn họ về Kinh Thánh. Các môn đệ lắng nghe. Đây quả là bài học tuyệt vời về cuộc đối thoại, đồng hành thể lý và tâm linh!

      Áp dụng vào cuộc sống gia đinh: Có bao giờ chúng ta quan tâm và thấy niềm vui, nỗi buồn của người bạn đời mình hoặc của con cái mình, để đồng hành và cảm thông không? Khi còn là vợ chồng trẻ, chúng ta đối thoại dễ dàng, vì có nhiều chuyện để kể. Nhưng khi đã chung sống với nhau lâu năm trong đời hôn nhân /gia đình, chúng ta gần như “biết hết” chồng / vợ mình muốn nói gì rồi, nên dù chàng /nàng có muốn bắt chuyện để chia sẻ cõi lòng, thì gần như “bị chặn lại” (không muốn nghe), làm cho người bạn đời không có cơ hội chia sẻ. Vì thế, cõi lòng của bạn đường không được thanh thản. Và nếu có nói chuyện với nhau, thì thường xảy ra những cuộc tranh cãi vô bổ và không theo luật đối thoại: người này nói thì người kia lắng nghe và ngược lại. Do đó, không tránh khỏi những sứt mẻ tình cảm trong gia đình. Hãy học bài học của Chúa Giêsu nhé! 

  1. Tham gia

2.1. Tham gia vào Lời Chúa

Chúng ta nghe đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

25 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ,  Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. (Lc 24,25-27).

      Hai môn đệ đã chia sẻ những suy tư, cảm nghĩ của mình và nhìn các sự kiện vừa xảy ra tại Giêrusalem một cách rời rạc. Nhưng “người khách lạ” đã khéo lôi kéo các sự kiện ấy trong một tầm nhìn bao quát và có trích dẫn Kinh Thánh cho hai ông hiểu biết thêm. Các ông đã tham gia tích cực vào Lời của Chúa khi chăm chú lắng nghe. Vì thế đường dài trở nên “ngắn hơn” và lý thú hơn.

      Có bao giờ chúng ta đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh để hiểu biết thêm? Có bao giờ ta lắng nghe Chúa nói trong đời ta không? Chúa nói như thế nào? Có lẽ ta chưa quen nhận ra tiếng Chúa nói. Nhưng tối thiểu là mỗi lần tham dự Thánh lễ ta có lắng nghe Lời Chúa nói trong các bài đọc và bài Phúc Âm không? Thái độ lắng nghe của ta như thế nào? Bài giảng của linh mục làm mở rộng tâm hồn, để hiểu Lời Chúa sâu xa hơn, ta có chăm chú lắng nghe không? Hay là mơ mơ màng màng, chia lòng chia trí? Thái độ của ta như thế nào đối với Lời Chúa?

2.2. Tham gia vào lời cầu xin (cầu nguyện)

Chúng ta nghe đoạn Kinh Thánh kế tiếp:

28 Khi gần tới làng (Emmau) họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ, Người mới vào và ở lại với họ (Lc 24,28-30).

      Lúc đầu hai môn đệ đi về Emmau vẻ mặt buồn rầu, và trong lúc đó có “người khách lạ” đồng hành và giải thích Kinh Thánh cho họ nghe. Họ như được ôn lại và học hỏi thêm kiến thức về Kinh Thánh. Đó là món quà quý mà họ cảm nhận được từ “người khách lạ” dành cho họ. Khi tới nơi họ muốn đến thì trời đã xế chiều. Họ mời “người khách lạ” này vào nhà và trọ đêm để nối tiếp những chia sẻ dọc đường. Kinh Thánh chép: “Họ nài ép Người”. Chữ “nài ép” có nghĩa là vừa nài nỉ van xin, vừa thật lòng muốn vị khách ở lại với mình, một phần vì “trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”, phần khác nữa là họ gặp được “người bạn đường mới” tâm đầu ý hợp. Do đó, họ muốn tỏ lòng cám ơn “người khách lạ” về đoạn đường đồng hành và những lời giải thích Kinh Thánh cho họ nghe.

      Lời mời của hai môn đệ: “Mời ông ở lại với chúng tôi” (Lc 24,29a) như là lời nguyện xin tha thiết. Chúng ta hãy tự hỏi: Có bao giờ tôi tha thiết nài xin Chúa ở lại trong gia đình mình / ở lại trong tâm hồn mình vì bất cứ một lý do nào không? Có bao giờ tôi cám ơn ai đã làm điều gì cho mình một cách nhưng không? Có bao giờ tôi nhận ra hồng phúc của Chúa đổ xuống trên tôi, qua những người đồng hành với tôi trong cuộc sống? Rồi áp dụng vào cuộc sống: Có bao giờ tôi mời ai điều gì thật lòng không? Hay chỉ là chào rơi, xã giao? Mời cho có lệ? Hoặc ngược lại: Chúa tha thiết mời ta tham dự Thánh lễ một cách tích cực, nhưng ta lại có thái độ lơ là, thờ ơ? Hoặc là đi cho có lệ, đi vì người trong gia đình thúc giục? Đi cho khỏi bị nghe lải nhải?

2.3. Tham gia Tiệc Thánh và các sinh hoạt giáo xứ

30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất (Lc 24,30-31). 

      Lời nài xin tha thiết của hai môn đệ đã đươc đáp lời bởi “người khách lạ” là nhận lời bước vào nhà của họ. Đường dài làm họ cảm thấy đói. Họ cần ăn uống như nạp năng lực vào người. Họ dọn bàn ăn và mời “người khách lạ” cùng ăn. Người Việt chúng ta khi ăn thường có cơm là chính, cộng thêm thức ăn. Còn người Do Thái khi ăn, bánh là chính, nên họ dọn bánh ra. Họ không ngờ “người khách lạ” được mời lại là Chúa Giêsu đã từng là người mà họ gặp gỡ trước kia, là người liên quan để cả hành trình dọc đường đã chia sẻ Kinh Thánh cho họ nghe và là Thầy của họ.

      Trước bữa ăn họ là người chủ mời “người khách lạ”. Nhưng trong lúc ăn thì chính “người khách lạ” lại là chủ bữa ăn và họ là khách được mời! Tại sao? Họ đã nhận ra bốn động tác quan trọng của Chúa Giêsu khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều tại Galilê (Lc 9,12-17) . Đó là Chúa (1) cầm lấy bánh, (2) dâng lời chúc tụng, (3) bẻ ra, (4) trao cho họ.

      Chắc chắn hai môn đệ này đã đi theo Chúa từ Galilê và có mặt trong phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều. Họ đã tham gia vào “sự bẻ bánh” ở Galilê, gần hồ Genezareth và giờ đây họ được tham gia ở ngay nhà của họ. Hình ảnh bẻ bánh ở Galilê của Chúa làm họ nhận ra ngay: Đó chính là Thầy của mình, đã từng giảng giải cho dân chúng nghe, làm nhiều phép lạ và chữa lành những người bệnh tật. Nếu hai môn đệ này đã không tích cực tham gia hành trình hoạt động rao giảng Tin Mừng của Chúa, không có mặt lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, thì chắc rằng hai ông cũng không nhận ra Chúa lúc bẻ bánh ở ngay trong nhà họ. Nhưng Kinh Thánh chép: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất”. Có nghĩa là các ông đã thấy bốn cử chỉ của Chúa khi cầm bánh làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ lúc trước rồi, lúc các ông tham gia vào sinh hoạt mục vụ của Chúa, nên các ông mới nhận ra đó là Chúa Giêsu. Nhưng khi thấy lại điều đó, họ nhận ra Chúa, thì Chúa đã biến mất.

       Chúng ta tham dự Thánh lễ hằng ngày, tối thiểu là hằng tuần là điều cần thiết để được kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Tốt hơn nữa là tham gia cụ thể vào một hội đoàn sinh hoạt trong giáo xứ, làm cho nội tâm mình phát triển, làm cho giáo xứ mình sinh động hơn và góp phần mình là tảng đá sống động xây dựng giáo hội (1Pr 2,5a).

       Quý phụ huynh hãy quan tâm tới con cháu mình. Nếu ngay từ nhỏ chúng đã không tham dự một đoàn thể nào, làm sao chúng có thể sẽ tiếp tục đóng góp cho những sinh hoạt giáo xứ? Vậy hãy chia sẻ và khuyến khích chúng tham dự Thánh lễ và các sinh hoạt trong giáo xứ tùy theo độ tuổi, hiểu biết và giới tính nhé!

  1. Sứ Vụ

Chúng ta tiếp tục nghe đoạn cuối: 

“32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” 33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh (Lc 24,32-35). 

      Khi nhận ra Chúa lúc bẻ bánh và Người biến mất liền sau đó, hai môn đệ tự hỏi: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Giờ đây các ông tin chắc rằng Chúa đã sống lại. Các ông tràn ngập niềm vui thay cho bao nhiêu thất vọng, tràn đầy ánh sáng nội tâm thay cho tâm hồn buồn rầu lúc chiều tối từ Giêrusalem về làng quê Emmau. Chúng ta biết hai môn đệ lúc chiều tối rời Giêrusalem (phía đông) đi về Emmau (phía tây), nghĩa là đi về phía mặt trời lặn, trời càng ngày càng tối hơn. Chúng ta thử tưởng tượng xem: Ngày xưa cách đây chừng 2000 năm, làm gì có đèn đường như ngày nay? Chắc chắn là trời tối! Đường đi về sẽ khó khăn hơn, không dễ định hướng. Thêm vào đó, lòng trí các ông rối bời về sự kiện “ông” Giêsu bị giết, lại còn rối bời hơn nữa khi đi vào bóng tối. Tâm trí các ông chìm vào đêm tối như đi vào ngõ cụt, không có lối thoát. Nhưng may cho họ! Họ có “người khách lạ” cùng đồng hành như một trợ lực lớn lao và làm cho họ tự tin hơn. Họ đã đến đích an lành, mà không bị lạc đường. 

      Nhưng sau khi họ nhận ra Chúa lúc bẻ bánh, họ không thể kiềm chế niềm vui, không thể kiên nhẫn đợi tới sáng mới lên đường trở về Giêrusalem. Không! Họ đã mau mắn lên đường, ngay sau khi họ đã nhận ra Chúa. Lúc này Chúa không còn đồng hành với họ về thể lý nữa, nhưng đồng hành với họ trong tâm linh. Lòng hân hoan phấn khởi cùng với niềm xác tín Thầy mình đã sống lại là ánh sáng đức tin soi đường dẫn lối, là la bàn cho hai môn đệ, mau mắn trở về Giêrusalem để báo cho các môn đệ khác biết tin vui mà các ông cảm nghiệm được.

      Đây là sứ vụ mà các ông đã hoàn thành. Hai môn đệ đã đồng bàn với Chúa, tức là tham gia vào Tiệc Thánh / Thánh lễ và đã nhận ra Chúa. Đây là nguồn năng lực mà các ông cảm nhận được. Những buồn rầu, chán nản, thất bại cũng như thất vọng của các ông được trao cho Chúa. Người đã đổi những điểm tiêu cực này thành những tích cực tươi sáng, Người đã biến đổi các ông thành những nhân chứng và các ông hân hoan lên đường chia sẻ niềm vui. Khi tâm hồn tràn ngập niềm vui, ta sẽ chia sẻ cho người xung quanh bằng nụ cười, anh mắt. lời nói và cử chỉ…

      Có bao giờ chúng ta nhận ra Chúa trong cuộc đời không? Có bao giờ chúng ta mang niềm vui của Chúa cho anh chị em không? Cho gia đình và người thân của mình không? Có Chúa là có tất cả! Hai môn đệ không còn sợ hãi chi, mặc dù trời tối. Họ mau mắn lên đường chia sẻ niềm vui. Chúng ta có để cho Chúa đồng hành với mình không? Có tham dự Thánh lễ tích cực không? Có đón nhận Mình Thánh Chúa mỗi khi đi tham dự Thánh lễ không?

      Vâng, nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời mình là một trợ lực tâm linh rất cần thiết để chúng ta hân hoan lên đường mang Chúa đến cho mọi người. Đó là sứ vụ của chúng ta. Chúng ta hãy ý thức và mang Chúa đến cho nhiều người.

     Tóm lại, Tin Mừng về “Hai Môn Đệ Trên Đường Emmau” là cấu trúc căn bản của Thánh lễ :

Chúa nói trong bài đọc 1 – Chúng ta lắng nghe Chúa.
Chúng ta nói qua phần xướng-đáp Thánh Vịnh – Chúa nghe chúng ta.
Chúa nói trong bài đọc 2 – Chúng ta lắng nghe Chúa.
Alleluia: Chúng ta chúc tụng Chúa – Chúa nghe chúng ta.
Chúa nói trong Phúc Âm – Chúng ta lắng nghe Chúa.
Bài giảng (diễn giải Lời Chúa) – Chúng ta lắng nghe Chúa.
Kinh Tin Kính: Chúng ta tuyên xưng niềm tin – Chúa nghe chúng ta.
Lời Nguyện Tín Hữu – Chúa nghe chúng ta.
Đây như cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và chúng ta.
Đó là phần phụng vụ Lời Chúa

      Phần kế tiếp là phần “bẻ bánh”

Chúa (1) cầm lấy bánh, (2) dâng lời chúc tụng, (3) bẻ ra, (4) trao cho họ.
Các phần này chúng ta thấy trong Phụng Vụ Thánh Thể.
      Và cuối cùng là sai đi: “Anh chị em hãy đi bình an!”

Đi bình an là đem bình an của Chúa mà ta nhận được trong Thánh lễ, bằng chính Mình Thánh Chúa, đem đến cho muôn người. Ta hân hoan lên đường làm cho môi trường xung quanh nhận ra Chúa ở giữa chúng ta. Đó là sứ vụ của chúng ta.

      Ước mong chúng ta sống liên kết với Lời Chúa và phép Thánh Thể để chúng ta được thánh hóa và trở nên men trong bột, muối cho đời. Chúng ta mang niềm vui đến cho muôn người.

      [Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết hiệp thông tình Chúa, tình người, để chúng con sống trong lòng Giáo Hội, tham gia và thực thi những điều Mẹ Hội Thánh dạy, để từ đó, chu toàn sứ vụ Chúa trao là rao giảng Tin Mừng cho mọi người.]

NB: Trên đây là nội dung Cha Giuse Huỳnh Công Hạnh,SVD chia sẻ trong buổi tĩnh tâm với các cựu huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể GX Bắc Hải, GP Xuân Lộc. Một vài chi tiết được thay đổi cho phù hợp với bài chia sẻ tin mừng cho mọi người.Chân thành cảm ơn cha Giuse.                                                             

                                                                   Nguyễn Đức Lân