CHÚA NHẬT THỨ IV PHỤC SINH NĂM A

Ga 10,1-10

   Việt Nam chúng ta là một nước nông nghiệp. Chúng ta quen với đồng lúa, con trâu, cái cày, làng xóm, lũy tre… Người Do Thái sống đời du mục, nay đây mai đó. Họ quen với những hình ảnh lều trại, đàn chiên, đồng cỏ, suối mát và mục tử. 

Hình ảnh mục tử, đàn chiên đã được nói đến ngay từ trong Cựu Ước: …Nhờ danh vị Mục Tử, tảng đá của Israel.(St 49,24).

       Môsê là mục tử, là người lãnh đạo dân Do Thái. ông được gọi để chăn dắt dân của Chúa, khi ông đang chăn cừu cho bố vợ trong hoang địa.(Xh 3,1).

       Vua David cũng xưng tụng Chúa là Mục Tử: 

*Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. (Tv 23,1).

 *Chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.(Tv 95,7).

Các ngôn sứ cũng nhấn mạnh:

*Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt (Is 40,11)

 *Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính ta sẽ cho chúng nằm nghỉ.(Ed 34,15) 

       Tóm lại, Thiên Chúa là Mục Tử tối cao. Người chỉ dẫn, dưỡng nuôi và bảo vệ dân. Người cũng muốn các vua quan, các nhà lãnh đạo khác cũng là những mục tử như Người.

       Trong Tân Ước Chúa Giêsu chính là Mục Tử Nhân Lành: 

* Mục tử nhân lành dẫn dắt chiên đến đồng cỏ, cho chiên ăn uống no đủ. 

* Mục Tử nhân lành bảo vệ chiên, để chúng không đi lạc hoặc bị trộm cướp và thú dữ tấn công.

*Mục Tử nhân lành đi tìm những con chiên lạc và chữa lành những con thương tật. 

* Mục Tử nhân lành lấy mạng sống mình để bảo vệ đàn chiên.

       Trở lại dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta biết, thời Chúa Giêsu, chiên cừu được nuôi theo bầy hàng trăm con, tại những đồng cỏ xanh tươi. Mục tử luôn đi sát với đàn chiên 365 ngày một năm, 24 giờ một ngày. Ban ngày chiên được dẫn đi ăn uống. Ban đêm, được đưa vào ngủ một nơi được gọi là ràn chiên và người mục tử luôn canh giữ ở cửa ràn chiên này.. 

      Mục tử biết rõ từng con chiên như lời tiên tri Isaia: Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng ta. (Is 43,1)

      Dụ ngôn này được đặt sau tin mừng Gioan đoạn 9, nói về việc người Pharisiêu phản đối Chúa Giêsu, khi Ngài chữa cho anh mù được sáng mắt trong ngày sabát. Những người Pharisiêu là những người lãnh đạo tinh thần trong Do Thái giáo, họ chính là mục tử. Nhưng thái độ của họ trái ngược với thái độ của Mục Tử nhân lành Giêsu. 

Họ không hề yêu thương, cảm thông với người mù. Họ dùng lề luật để bắt bẻ Chúa Giêsu. Họ như người chăn chiên thuê. 

      Trái lại, Chúa Giêsu yêu thương, nhân từ đối với mọi người, đặc biệt những người đau yếu, bệnh tật. Ngài đích thực là mục tử nhân lành.

       Ngài sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11) “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (10,10).

            Chúa Nhật thứ tư phục sinh còn là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn Thiên triệu, chúng ta hãy mượn lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để cầu cho các linh mục, tu sĩ:

       “Lạy Chúa, xin gởi cho chúng con những người hướng dẫn tinh thần mà cộng đoàn chúng con đang cần: những linh mục thực sự của một Thiên Chúa sống động, những người được ánh sáng Lời Ngài soi chiếu, để có thể nói về Ngài và dạy người khác nói với Ngài. Xin hãy làm cho Giáo Hội của Ngài lớn mạnh nhờ sự phát triển của những con người thánh hiến, những người dâng hiến tất cả cho Ngài để Ngài cứu độ tất cả mọi người”. 

      Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim thuộc trọn về Chúa, nên cũng thuộc trọn về con người.

      Xin cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu dâng hiến, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

      Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

      Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện, có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho, tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

      Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục có trái tim của Chúa, say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

Nguyễn Đức Lân