Lc 4,21-30
Đoạn Tin Mừng Luca 4,21-30 hôm nay nối tiếp bài Tin Mừng chúa nhật trước, thuật lại Chúa Giêsu vào hội đường ngày sabát. Ngài đọc đoạn tiên tri Isaia 61, 1-2 nói về sứ vụ của vị Thiên Sai. Chúa kết thúc: “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Mọi người tán thành và thán phục Chúa. Nhưng nhìn lại thân thế của Chúa, họ đâm nghi ngờ: Ông này không phải là con ông Giuse đó sao? (Lc 4,22).
Thành kiến là bệnh của mọi thời đại. Ông này là con ông ông thợ mộc tầm thường làm sao có thể làm tiên tri, làm Đấng Mêsia được? Ít ra phải là con của tư tế hay của kinh sư thì mới có cửa chứ. Ngày đó người ta đã xét người khác theo lý lịch rồi. Con vua mới được làm vua. Và Chúa phải thốt lên: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.(Lc 4,24).
Người ta thuật lại có một bà cố, có con mới chịu chức linh mục. Các bà bán hàng ngoài chợ xầm xì với nhau: Bán cá mà cũng được làm bà cố à?-( Bà cố thường đi chợ bán cá). Cuối cùng, người ta dị nghị quá, bà cố phải đổi nghề.
Ngày cha phó mới về phục vụ giáo xứ. Thấy ngài đi lại khó khăn vì “tốt bụng”, giáo lý viên bảo nhau: Thật buồn, một linh mục trẻ mới ra trường mà bụng phệ như thế, chỉ có thể ở vào hai trường hợp: thứ nhất là dân nhậu chuyên nghiệp, hoặc thứ hai là, như ca dao nói:
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem
Và chúng tôi giữ thái độ “kính nhi viễn chi”. Chỉ một thời gian sau, khi được ngài mời gọi cộng tác, chúng tôi mới khám phá ra ngài là một linh mục đạo đức, khéo léo, một cha phó tuyệt vời nhất trong các đời cha phó tại giáo xứ. Ngài thực sự tốt bụng. Chúng tôi phải xin lỗi Chúa và tạ lỗi với ngài. Thành kiến thật tệ hại!
Không những không đón nhận Chúa, người dân Nazareth còn phẫn nộ, chống đối và tìm cách giết hại Ngài.
Sứ mệnh của tiên tri, của người phát ngôn của Thiên Chúa là một sứ mệnh hết sức khó khăn, vì thường các ngôn sứ phải nói nghịch lại với lối sống của dân chúng. Mười sáu tiên tri trong Cựu Ước, 4 tiên tri lớn và 12 tiên tri nhỏ, hầu như đều ngại ngùng, lo sợ trước ơn gọi làm tiên tri, có vị còn bỏ trốn. Chính Chúa cũng đã phán với Giê rê mia: các vua Giu Đa và các thủ lãnh sẽ giao chiến với ngươi.(Gr 1,19).
Sứ mệnh của Đấng Thiên sai lại càng khó khăn hơn nhiều.
Chúng ta nhớ lại lời ông Simêon: Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng(Lc 2,34). Hay như lời thánh sử Gioan: Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.(Ga 1,11).”Người nhà” ở đây có thể hiểu là bà con thân thuộc của Chúa Giêsu, là người dân Nazareth, là toàn dân Israel và có khi là cả chính chúng ta nữa.
Chúa Giêsu nói lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm vào Ngài, nhưng họ không tin Ngài là ngôn sứ, lại càng không tin Ngài là Đấng Mêsia. Có lúc các thân nhân của ngài đã nói là Ngài mất trí. Các luật sĩ thì nói Ngài dựa vào quyền quỷ vương Beelzebub.
Người dân Nazareth đòi Chúa làm phép lạ để chứng minh lời Ngài nói. Nhưng Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta có niềm tin. Chính Chúa cũng nói “đức tin của con đã cứu chữa con”. Nhiều khi Chúa hỏi “con có tin không?”, trước khi làm phép lạ. Cũng có khi Chúa làm những dấu lạ để người ta tin vào quyền năng của Chúa, như trường hợp hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Nhưng Chúa không hề làm phép lạ khi quỷ thách thức Chúa trong sa mạc. Trên thập giá, Chúa đã không trả lời, khi quân lính thách thức Chúa xuống khỏi thập giá để họ tin.
Sứ mệnh của đấng Thiên sai bắt đầu từ Israel, nhưng sẽ mở rộng ra toàn cõi địa cầu. Chúa trưng dẫn trường hợp tiên tri Êlia đã giúp đỡ bà góa ở Sarepta, miền Xi Đôn và tiên tri Êlisa đã chữa ông Naaman, người Syria khỏi bệnh phong.Trước khi về trời, Chúa Giêsu cũng truyền cho các môn đệ đi rao giảng cho muôn dân. Lời trưng dẫn của Chúa nói lên tính phổ quát, tính công giáo của sứ mệnh Thiên Sai của Ngài, nhưng người dân Nazareth thì lại chỉ muốn giới hạn trong khu vực của họ. Vì thế, họ phẫn nộ và tìm cách cách giết Chúa.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết vượt qua thành kiến để nhận chân giá trị của tha nhân. Xin cho chúng con hiểu được sứ mệnh Thiên Sai của Chúa là đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, để chúng con cộng tác đắc lực.
Nguyễn Đức Lân