CHÚA NHẬT THỨ V PHỤC SINH

CÂY NHO THẬT ( Ga 15, 1-8)

     Chúa Giê su thường dùng những hình ảnh rất thân quen làm dụ ngôn, để giảng dạy các môn đệ và dân chúng: Hạt cải, hạt lúa mì, người gieo giống, người tìm ngọc quí, mục tử, chuồng chiên, cửa chiên…Nếu con chiên là một động vật thân thương, thì cây nho cũng là một loại thảo mộc quen thuộc, rất được ưa thích ở Israel .

    Cây nho là loại cây được trồng tỉa khéo léo, được chăm sóc kỹ lưỡng, sẽ xum xuê hoa trái. Rượu nho là thứ làm cho thần minh và người đời phấn khởi. (Tl 9,13) . Nó ẩn chứa một mầu nhiệm sâu xa, nó làm phấn khởi lòng người (Tv 104,15).

     Trong cựu ước, Israel là cây nho được Thiên Chúa vun trồng, chăm sóc cẩn thận (Gr 2,21; Is 27,3). Nhưng rồi Israel lại là cây nho bất trung của Thiên Chúa ( Hs 10,1-2). Trong Tân ước, cụ thể là trong Tin Mừng Gio an, Chúa Giê su chính là cây nho thật, đối chiếu với Israel cũ. Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.(Ga 15,1).

      Nếu Chúa Giê su ở Việt Nam, chắc hẳn Ngài đã dùng hình ảnh cây mướp hoặc cây bầu. Nho mới chỉ được trồng rải rác tại Phan Rang, Ninh Thuận. Dĩ nhiên, là thảo mộc thì lá và cành cây phải gắn liền với thân cây mới hút được nhựa cây, mới quang hợp, mới trao đổi được ánh sáng và không khí để phát triển xanh tươi, nở hoa và sinh trái… Còn cành nào sinh hoa trái , thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn (Ga 15, 2b).

     Cành nào kết hợp với cây và được cắt tỉa thì sinh nhiều hoa trái. Ngược lại, cành nào không liên kết với cây thì sẽ khô héo, sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa: Ai không ở lại trong Thầy thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (Ga 15,6).Cũng như trong cựu ước, Israel đã bị án phạt vì bất trung: Nay nó bị quăng làm mồi cho lửa… (Ed 15,4). Cũng như gỗ cây nho trong đám cây trên rừng đã bị ta quăng làm mồi cho lửa, thì dân cư Giê ru sa lem cũng bị ta thiêu rụi như thế.(Ed 15,6).

     Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.(15,4).Trong đoạn 15, 4-10, Chúa Giê su nhấn mạnh đến động từ ở lại 11 lần, cho thấy việc phải kết hợp giữa cành nho và cây nho, giữa môn đệ và Thầy cần thiết và khẩn thiết tới mức độ nào. Thầy ở lại trong môn đệ, môn đệ ở lại trong Thầy khắng khít tới mức độ nào. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. (Ga15,5). Người Việt ta thường nói : Không thầy đố mày làm nên.Thật rất chí lý trong trường hợp này.

     Một hình ảnh khác nói đền sự liên kết, đó là thân thể chúng ta. Nếu chi thể nào không liên kết với thân thể thì sẽ chết khô, chết vì hoại tử. Gần nhà tôi có một em bé bị đứt tay, bà mẹ lấy bông băng vết thương, rồi lấy giây thun quấn quanh ngón tay. Quên đi, 2 ngày sau xem lại, ngón tay chú bé đen sẫm, hoại tử, phải đi bệnh viện tháo khớp. Tội nghiệp chú bé mang biệt danh cậu chín. Vì ngón tay không liên kết với thân thể, máu không đến được nên ngón tay bị chết.

     Chúng ta cũng liên kết với Đức Ki tô trong một thân thể mà Ngài là đầu.

Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh …(Cl 1,18). Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của  Đức Kitô sao?(1Cr 6,15).

     Mùa hái nho bội thu, Rượu thơm nức lòng người, chủ vườn nho hoan lạc tràn trề, phấn khởi tâm can. Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy, đó chính là điều làm Chúa cha được tôn vinh . (Ga15,8).

     Lạy Chúa Giê su, xin ở lại trong chúng con và cho chúng con ở lại trong Chúa, để chúng con sinh nhiều hoa trái, như cành nho liên kết với cây nho.

Nguyễn Đức Lân