CHÚA NHẬT THỨ V THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 5,1-11 CHÚA KÊU GỌI

Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Nếu thánh sử Gioan thuật lại là Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình và các ông đã đi theo Chúa (Ga 1,35-39), thì riêng 3 Tin Mừng nhất lãm đều thuật chuyện Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên, khi các ông đang lo việc đánh cá ở nơi Luca gọi là hồ  Ghen nê xa rét,( ông không gọi là biển, vì ông là người gốc Địa Trung Hải), trong khi Mátthêu và Mác cô gọi là biển hồ Galilê( Mt 4,18; Mc 1,16). Nếu Mát thêu và Mác cô thuật lại Chúa Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì gặp và kêu gọi các môn đệ đầu tiên, thì Luca lại thuật rằng Chúa gọi các ông sau khi đã làm phép lạ về mẻ cá hầu như rách cả lưới  đổ đầy hai thuyền, đến gần chìm.

      Vì đám đông chen lấn trên bờ, nên Chúa Giêsu phải nhờ Phêrô chèo thuyền ra xa một chút để Ngài giảng dạy. Giảng xong, Chúa nói ông Phêrô chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá (Lc 5,4), trong khi nhóm của ông vừa giặt lưới, sau một đêm vất vả mà không được gì.

Thật là chuyện ngược đời. Phêrô là người đánh cá chuyên nghiệp, đã nhiều năm trong nghề, còn Chúa Giêsu chỉ làm nghề thợ mộc. Người đánh cá chuyên nghiệp biết rằng đánh cá ban đêm và chỗ nước cạn mới có kết quả, đàng này ban ngày ban mặt, một người không chuyên nghề đánh cá, lại  chỉ cho người kinh nghiệm là thả lưới ban ngày, chỗ nước sâu. Ta không hiểu được làm sao Phêrô có thể vâng lời tối mặt như vậy. Chuyện lạ đời. Chắc hẳn trước đó  ông đã nghe biết về Chúa Giêsu, nên ông mới có thể vâng lời: Thưa thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời thầy, tôi sẽ thả lưới (Lc 5,5)

      Theo tin mừng thứ tư, các môn đệ đầu tiên được thầy mình là Gioan tẩy giả giới thiệu với Chúa Giêsu,  các ông đến mà xem, rồi ở lại với Chúa một ngày, sau đó các ông đi theo Chúa. Sau khi đã gặp gỡ và tìm hiểu, các ông đã đi theo Chúa. Điều này có thể hiểu được.

     Theo Tin Mừng Mátthêu và Máccô, việc Chúa gọi các các môn đệ đầu tiên xem như có vẻ tình cờ và đột xuất, khi Chúa đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy các ông, Ngài bảo:” các anh hãy theo tôi”(Mt 4,18-19; Mc 1,16-17). Lập tức các ông đi theo người (Mt 4,20; Mc 1,18). Lời Chúa như có một uy lực tuyệt đối nào đó; các môn đệ như bị hớp hồn và không thể cưỡng lại được. Cũng như sau này Chúa gọi Lê vi (Mát thêu), Da kêu và Sao lô (Phao lô).

      Thử tưởng tượng một ngày nào đó, khâm sứ tòa thánh hay đức giáo hoàng đến Việt Nam, ghé một công ty hay một gia đình và mời một người nào đó hãy theo tôi. Ít ra người đó cũng cần một thời gian 45 ngày để làm đơn xin nghỉ việc và bàn giao công tác. Còn trong gia đình, chí ít  cũng phải bàn bạc với cha mẹ, vợ con, bạn bè và sắp xếp công việc, trước khi ra đi.

      Không biết các thánh sử có viết  cách cường điệu quá không, nhưng chúng ta biết chắc là dân Israel đang rất mong đợi đấng Thiên Sai. Có thể các môn đệ đã nghe nói hay nhìn thấy công việc Chúa làm đâu đó và các ông đã chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng để đón nhận Chúa.

      Tuy lời Chúa có uy quyền và có sức lôi kéo người nghe, nhưng lại không ép buộc. Người đối diện vẫn có quyền tự do để  đón nhận hay không đón nhận. Bằng chứng là đã có trường hợp Chúa gọi người thanh niên giàu có, nhưng anh ta đã không đi theo Chúa. (Mt 19,21-22).

       Nếu như trong Tin Mừng Mátthêu và Mác cô, chúng ta ngạc nhiên về sự nhanh nhẹn và dứt khoát của các môn đệ đầu tiên, thi trong Tin Mừng Luca chúng ta có thể hiểu được thái độ của các môn đệ đầu tiên, vì các ông đã thấy phép lạ mẻ cả. Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi. (Lc 5,8). Chúa Giêsu  bày tỏ uy quyền Thiên Chúa nơi Ngài. Các môn đệ đã nhận ra sự thánh thiện cao sang nơi Chúa, đồng thời thấy mình tội lỗi. Ta hiểu được thái độ của Phêrô lúc này và việc các ông đi theo Chúa cũng là điều tất yếu.

      Dẫu đã tìm hiểu Chúa hay được Chúa chinh phục bằng mẻ cá lạ, thì việc ra đi theo Chúa cũng là một quyết định ray rứt, liều lĩnh. Phải bỏ mọi sự gia đình, cha mẹ, vợ con, công việc, nghề nghiệp. Phải bỏ chính mình.

       Ngày nay lời mời gọi của Chúa vẫn còn vang vọng trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có lắng nghe, có phát hiện và có đáp trả lời mời gọi này không.

      Trong đợt đại dịch covid bùng phát lần thứ tư tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2021 vừa qua, tại nhiều dãy phố và các khu vực nhà trọ, nhiều người dân đói lả, khát khô, vì mọi nguồn tiếp tế, mọi đường tiếp xúc đều bị bị ngăn chặn, cách ly, nhưng trong các giáo họ, giáo xứ Công Giáo, người dân vẫn tìm cách cách tiếp tế lương thực, thực phẩm, chia sẻ cho nhau từng bát cơm, ổ bánh, gói mì, rau củ quả, thậm chí cả tôm, cá và thịt; tuy có phần hạn chế nhưng vẫn có thể cầm cự qua cơn dịch. Nhiều người dân ngoài công giáo bảo nhau: khi hết dịch sẽ tìm về khu vực người Công Giáo để sống, để được đùm bọc, che chở và chia sẻ. Phải chăng họ đã nghe được tiếng Chúa để tìm đến con cái của Chúa, để tìm đến với Chúa.

      Cũng trong cơn dịch này, lúc đầu khi các linh mục, tu sĩ và giáo dân, những thiện nguyện viên làm việc trong các bệnh viện dã chiến vẫn còn bị hạn chế, nghi ngờ, về sau các bác sĩ, các nhân viên y tế  và bảo vệ đã nói thẳng với các cha: các linh mục cứ việc xức dầu gió và cho bệnh nhân ăn bánh quy. Phải chăng họ đã nghe được tiếng lương tâm, tiếng của Chúa.

      Những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, một linh mục trẻ, Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, dòng Đa minh, bị sát hại tại Saloong, Dark Mot, Giáo phận Kon Tum. Không riêng gì dòng Đa Minh, các linh mục tu sĩ và giáo dân giáo phận Kon Tum, mà mọi người trong cả nước cũng như trên thế giới đều nhắc nhở tới  Saloong. Chắc chắn rồi đây sẽ có  những bước chân nối tiếp công việc truyền giáo dang dở của cha Thanh tại nơi xa xôi hẻo lánh này. Chắc hẳn lời mời gọi của Chúa đang vang vọng trong tim nhiều người.

      Lạy Chúa, xin giúp chúng con lắng nghe tiếng Chúa, nhận ra tiếng Chúa kêu mời và mau mắn, mạnh dạn đáp trả.

Nguyễn Đức Lân