Mc 3,20-35
Trong những năm sống công khai, Chúa Giêsu đã đi hết mọi miền đất nước Israel từ Nam ra Bắc. Chúa đã rao giảng ở mọi nơi: trong đền thờ, trong các hội đường, trên sườn núi, dưới thung lũng, bên bờ biển, bờ sông, bờ hồ, trên cạn, dưới thuyền. Ngài gặp gỡ mọi hạng người, nhưng đặc biệt gần gũi những người yếu đau bệnh tật, mù lòa, què quặt, tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm và bị quỷ ám.
Dân chúng lũ lượt đi theo Người. Nhưng các thầy thông luật và Biệt Phái thì, không những xa lánh mà còn tìm cách xét nét, bắt bẻ Người. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa vì Chúa sống như một người bình thường, một người tầm thường,
Họ ghét Chúa Giêsu, họ ghen với Chúa. Vì dân chúng ca tụng, tung hô Chúa nhưng lại xa lánh, chê bai họ.
Đằng khác, khi giảng dạy, Chúa còn phê bình, chỉ trích họ, vì họ kiêu ngạo, phô trương, giả hành và bất công.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Mc 3,20-35), thánh Mác cô thuật lại là các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.(Mc 3,22).
Nhìn các kinh sư vượt cả trăm cây số từ Giêrusalem đi Galilê, để chỉ trích, kết án Chúa Giêsu, ta thấy sự thù hận mãnh liệt đến mức độ nào.
Bê-en-dê-bun là thần của thành Ecron, của người Canaan, được Vua A-khat- gia, người Samari tin tưởng và kêu cầu, nhưng người Do Thái lại coi đây là tướng quỷ.(2V 1,2).
Chúa Giêsu được các thần ô uế sấp mình thờ lạy và tuyên xưng: Ông là Con Thiên Chúa (Mc 3,11);Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1,24);
Vậy mà giờ đây các kinh sư lại gọi Chúa là Bê-en-dê-bun, là người bị quỷ ám, dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.
Làm sao Xatan lại diệt trừ Xatan?
Chúa Giêsu đã khẳng định với họ:
“Tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Mt. 12, 28).
Những tưởng chỉ có những nhà lãnh đạo tôn giáo hay những người xa lạ phản đối, chỉ trích Chúa, ai dè hàng xóm láng giềng, bà con thân thuộc cũng nghi kỵ, coi thường Chúa.
Khi Chúa trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế. Ông không phải là con bác thợ mộc sao?. Mẹ ông không phải là bà Maria. Anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa sao?(Mt 13,54-55) Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giêsu bảo họ: Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.(Mt 13,57).
Có lẽ họ cũng có quan niệm như một số người Việt Nam chúng ta: đi tu làm linh mục, tu sĩ cũng phải có đất, phải có dòng dõi. Cậu Giêsu này chỉ là một tay thợ trẻ. Học hành ở đâu, tu luyện ở đâu mà dám xưng mình là tiên tri, là Con Thiên Chúa?
Thay vì cộng tác với các vị hiểu biết Lề Luật, tinh thông Kinh Thánh, thì Chúa Giêsu lại giao du với những người yếu đau, bệnh tật, phung cùi, tội lỗi. Những thành phần mà người Do Thái cho là ô uế, là bị Thiên Chúa chúc dữ, nguyền rủa. Chúa kết thân, đi lại và dạy dỗ những người này đến độ không sao ăn uống được.(Mc 3,20).Và thân nhân của Chúa đã nói rằng Người mất trí. (Mc 3,21).
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Người cũng là người thật.Người cũng có một gia đình, có cha mẹ, có anh chị em họ hàng, có liên hệ máu mủ ruột thịt với nhiều người khác.
Thánh Mác cô thuật lại có lần Chúa đang giảng dạy, đám đông ngồi chung quanh Người, thì mẹ và anh em Người đứng ở ngoài muốn gặp Người. Người ta báo có mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy. (Mc 3.32).
Chúa hỏi một câu, nghe có vẻ lạnh nhạt: Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?
Người lại giải đáp ngay: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. (Mc 3,35).
Chúa Giêsu không coi nhẹ tình gia đình, cũng không lãnh đạm với mẹ và anh em Người. Chúa muốn đề cao hơn mối liên hệ thiêng liêng dựa trên Lời Chúa mà Người đang rao giảng. Lời Chúa sẽ dệt nên niềm tin và lòng mến cho người lãnh nhận. Những ai lắng nghe, suy gẫm Lời Chúa và đem ra thực hành mới thực sự là mẹ, và anh chị em của Chúa.
Nói như thế có phải Chúa Giêsu xem thường mẹ mình không?
Không phải thế! Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng: Khi nói như thế là Chúa đề cao Đức Mẹ. Đức Mẹ làm mẹ Chúa hai lần. Một lần sinh ra Chúa, một lần là người luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa. Thực thế, sau khi nói lời Xin Vâng, Đức Mẹ đã gắn chặt đời mình vào thánh ý Thiên Chúa. Mẹ hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,19).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vững tin nơi Chúa, cho chúng con biết lắng nghe, suy gẫm Lời Chúa và đem ra thực hành, để chúng con được là người thân của Chúa, là anh em của Chúa.