CHÚA NHẬT THỨ XII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Mc 4,35-41.

Trong Tin Mừng chúa nhật hôm nay, thánh Mác cô thuật lại chuyện các môn đệ gặp cuồng phong khi vượt biển hồ Galilê. Các ông hoảng sợ vì sắp chết đến nơi rồi. Chúa Giêsu cũng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Cuối cùng họ phải đánh thức Chúa, xin Người cứu giúp. Và Người đã dẹp tan giông bão.
Đây là phép lạ đầu tiên trong một chuỗi những phép lạ nói lên quyền năng của Thiên Chúa, được bày tỏ nơi Chúa Giêsu. (Mc 4,35-5,43).
Người ta thuật lại trên một chuyến tàu đang bị đại dương cuồng nộ vùi dập, mọi người, từ thủy thủ đoàn đến du khách đều cuống cuồng hoảng loạn. Người lo tìm đồ ăn, thức uống, kẻ tìm áo phao, xuồng cứu hộ. Mọi người gọi nhau ơi ới. Người ta lại thấy một thiếu niên thản nhiên, bình tĩnh như không có chuyện gì. Người ta hỏi cậu: Cháu không biết lo sao? Tàu sắp chìm, chúng ta sắp chết cả đám giờ. Cậu bé thản nhiên trả lời : Lo gì, ba cháu đang lái tàu mà.
Có lẽ lòng tin tưởng của cậu bé nơi cha cậu mãnh liệt hơn hẳn niềm tin của các tông đồ với Thầy mình.
Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. (Mc 4,37). Biển hồ Galile chỉ dài khoảng 21 km, chỗ rộng nhất là 13 km từ đông sang tây. Nhưng những cơn bão từ hướng tây thường rất bất ngờ và mãnh liệt. Giữa lúc trời yên biển lặng, thì sóng gió ập tới.
Muốn biết cảm nghiệm giông bão trên biển khủng khiếp như thế nào, phải hỏi các thuyền nhân đã vượt biên trên những con thuyền mong manh, nhỏ bé. Người ta thuật lại trong những lúc tuyệt vọng, cùng cực này những người tổ chức thường yêu cầu những ai có tôn giáo hãy kêu cầu các thần linh của mình. Người Công giáo được mời gọi kêu cầu Chúa, Đức Mẹ, thánh Giuse và các thánh, được yêu cầu lần chuỗi mân côi, ăn năn tội. Nếu có các linh mục cùng đi, thì được xin giải tội tập thể và ban ơn toàn xá. Các Phật tử được đề nghị kêu cầu Phật Thích Ca và Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn.Tôi không có cảm nghiệm trên biển cả. Nhưng ngày 29 tháng 04 năm 1975, khi trên trời máy bay trực thăng Mỹ nối đuôi nhau, vận chuyển người ra hạm đội 7 ở biển Đông, khi kho đạn thành Tuy Hạ nổ liên tục, thì 4,5 gia đình chúng tôi tụ tập trong vườn của một người quen ở gần Thủ Thiêm( Quận 2 bây giờ) để tránh đạn. Một vị lớn tuổi đọc kinh thánh Giuse 15 phút mà không kết thúc được, cứ đọc đến giữa, lại lẫn lên đầu kinh. Cuối cùng phải kết thúc: lạy Thánh Cả Giuse- cầu cho chúng con.Và mọi người gục đầu ăn năn tội.
Thánh Mác cô còn đưa ra một số chi tiết cho thấy thêm nguy hiểm của hoàn cảnh:
*Khi chiều đến. (Mc 4,35). Đêm tối thường toa rập với tội ác và hiểm nguy.
*Chúa Giêsu và các môn đệ đang ở bên này biển hồ. Chính Chúa đề nghị “Chúng ta hãy sang bờ bên kia đi!”(Mc 4,35). Bờ bên kia là vùng Thập Tỉnh, vùng đất dân ngoại.
Dĩ nhiên, theo sau cuồng phong là sóng lớn.
Sóng lớn ập vào thuyền, thuyền đầy nước, có nguy cơ bị chìm.
Thật khó hiểu, sao Thầy có thể ngủ yên như một trẻ thơ vô tư, giữa cuồng phong chết người, mà lại ngủ ngay đàng lái. Họ hoàng lên, trách móc Thầy mình:
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? (Mc 4,38).Người thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển: im đi! câm đi! Cùng một lời như Thầy đã ngăm đe quỷ dữ. (Mc 1,25).
Nếu trong Cựu Ước, Thiên Chúa toàn năng nói với ông Gióp:Cửa đại dương ai ra tay khép lại, khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu.(G 38,8), thì hôm nay trong Tân Ước chính Con Thiên Chúa đã quát bảo sóng gió đại dương: im đi! câm đi!.
Người ta thường chỉ nghĩ Chúa Giêsu có quyền uy trên bệnh tật, ma quỷ,Nhưng đoạn Tin Mừng hôm nay còn cho thấy Chúa có quyền trên cả các năng lực tự nhiên trong trời đất.
Biển lặng rồi, Thầy mới trách môn đệ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?(Mc 4,40).Tai qua nạn khỏi rồi, các môn đệ vẫn hoảng sợ, sợ hơn cả lúc sóng to gió lớn. Vì đối diện với Đấng làm chủ phong ba bão táp, họ vẫn chưa tìm được giải đáp cho câu hỏi: “Người này là ai?” (Mc 4,41).
Chỉ trong một đêm, các môn đệ đã qua bao trải nghiệm: bị sóng gió dập vùi, cận kề cái chết, tuyệt vọng và hoảng loạn. Trải nghiệm cả lời trách móc sự thinh lặng của Thiên Chúa, cũng như tận hưởng bình an khi sóng yên biển lặng .
Sóng gió đưa ta đến với Chúa Giêsu để ta phó thác cho Người trợ giúp.Sóng gió được hiểu là những thử thách trong cuộc đời. Chẳng cuộc đời nào không có sóng gió, không có thử thách.
Thử thách giúp ta hiểu mình hơn.
Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn.
Thử thách giúp ta tin vững mạnh vào Chúa hơn.
Thử thách giúp đáp lại tình yêu thương của Chúa.
Thử thách giúp ta rèn luyện nhân đức.( Lửa thử vàng, gian nan thử đức).
Người xưa nói: Ví thử đường đời bằng phẳng hết, anh hùng hào kiệt có hơn ai?
“Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.
Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng. (Tv 107,28-29).

Hát là hai lần cầu nguyện.(cantare bis orare), ta hãy mượn lời ca trong bài Cho Con Vững Tin của linh mục Nguyễn Duy để cầu nguyện:

Con tưởng rằng con vững tin, tin vào Chúa là Cha nhân hiền, khi cuộc sống nhẹ trôi êm đềm với tháng ngày lặng lẽ bình yên. Nhưng khi đường đời gieo nguy khó, bên trời ngập tràn cơn giông tố. Con lo âu lạc bến xa bờ, con mới biết rằng con chưa vững tin.

ĐK. Thì lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay, con luôn cần đến Chúa từng phút giây. Nhờ ơn Chúa, con kiên trì tín thác kể từ đây, khi yên vui cũng như khi sầu đầy. (Lm Nguyễn Duy, Cho Con Vững Tin).

Nguyễn Đức Lân