CHÚA NHẬT THỨ XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 15,1-32

      Tin Mừng Luca chương 15 đã được đọc trong chúa nhật thứ tư mùa Chay năm C, với chủ đề sám hối. Luca 15,11- 32 giới thiệu cho ta cuộc trở về của Người Con Hoang Đàng.

       Các chúa nhật năm C,  phụng vụ cho chúng ta đọc Tin Mừng Luca. (Năm A: Mt; Năm B: Mc) Nay theo tuần tự, chúa nhật 24 thường niên, chúng ta đọc lại Luca chương 15, nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu thuật lại ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền đánh mất và người cha nhân hậu, để dạy chúng ta về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với tội nhân. 

     Tin Mừng thứ ba  được mệnh danh là Tin Mừng của Lòng Chúa Thương Xót. Thánh Luca kinh nghiệm nghề nghiệp, một lương y như từ mẫu đích thực, ngài đã đau nỗi đau của bệnh nhân, đã buồn nỗi buồn của người bệnh,[ Chúa Đau Cùng Con- Sr Quỳnh Thoại] ngài trình bày một Thiên Chúa vô cùng nhân hậu.Tin Mừng Luca 15  là một chương tuyệt vời, một kiệt tác diễn tả lòng thương xót của Chúa. 

         Ngày xưa người ta gọi  là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, nhưng ngày nay người ta gọi là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu.

         Người con ngỗ nghịch, hoang đàng, sau khi đòi chia gia tài và phung phí hết tài sản, đã trở về  với cha:Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. (Lc 15,20). Lý do trở về rất tầm thường, chỉ là vì đói bụng.(Pl 3,19). 

         Nhưng có một lý do khác khiến anh mạnh dạn Trở Về, đó chính là tình yêu của người cha. Phải, nếu không tin vào tình yêu khoan dung của

người cha, chắc chắn anh đã không dám trở về. Có biết bao người lầm lỡ, đi hoang, đã không dám trở về, vì không tin vào sự tha thứ.

         Qua việc trở về của đứa con hoang đàng, Thánh Luca đã phác họa hình ảnh một người cha trên-cả-tuyệt-vời. Có lẽ khó tìm thấy trong cuộc đời này.

         Một linh mục phụ trách trông coi các thiếu nhi bụi đời, đã thuật lại là ngài cho các em đọc đoạn Tin Mừng Luca 15 này, rồi ngài hỏi các em nghĩ gì. Có nhiều em trả lời thẳng thắn đây là truyện cổ tích, làm gì có ông bố nào như vậy. Bản thân các em đã bỏ nhà ra đi, giờ mà về, bố tóm được, sẽ giết chết. 

                   Khi đứa con thứ đã quyết tâm dứt áo ra đi, thì người cha ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ trông chờ. Bằng chứng là “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy”.Thử tưởng tượng người cha già, mắt kèm nhèm,-không biết lúc đó có mang kiếng không- mà ngay từ xa đã trông thấy con. Trong khi thằng con, trai trẻ, chưa chắc đã nhìn thấy cha. Đôi mắt tình yêu thật sáng quắc! 

 “Ông chạnh lòng thương”. Ai dám nói rằng trái tim người trẻ thì bừng bừng, còn trái tim người già thì giá lạnh. Người cha quên hết tiền bạc, quên nửa gia tài đã mất, quên hết thái độ ngạo mạn và bất hiếu  của đứa con. Nhìn đứa con rách rưới, hôi hám, ông chỉ biết yêu thương. 

 “Chạy ra ôm cổ anh ta”. Người phương Đông vốn kín đáo trong việc bày tỏ cảm xúc, vậy mà người cha chạy ra ôm cổ đứa con. Thử hình dung một cụ già lọm khọm, chống gậy, dò từng bước, khi trông thấy con, mắt ông sáng lên, quăng cả gậy, chạy ra ôm cổ con, mới thấy được tình yêu dạt dào bao la biết chừng nào.

 “Hôn lấy hôn để”. Nhìn những bà mẹ ôm hôn đứa con sơ sinh mới thấy được niềm vui hạnh phúc của họ. Ở đây, người cha già ôm đứa con rách rưới, hôi hám, hôn lấy hôn để. Chẳng lời nào diễn tả hết niềm vui của người cha. Những nụ hôn dồn dập, tới tấp nói lên tình cảm dạt dào của ông. Ông ôm chặt để giữ, không cho nó ra đi nữa.

 Rồi ông liền bảo các đầy tớ rằng:

 “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu”. Áo đẹp ở đâu ra? Khi đi bụi đời, đứa con đã thu gom tất cả tài sản của nó mang đi, kể cả quần áo, giày dép. Giờ làm gì còn áo. Có nhà chú giải Kinh Thánh phân tích là người cha tin chắc đứa con sẽ trở về, nên mỗi năm ông đều may áo mới. Vì thế, khi đứa con về, ông đã nói đầy tớ lấy áo đẹp nhất, mới nhất ra mặc cho con.

 “Xỏ nhẫn vào ngón tay”. Nhẫn là biểu tượng của quyền bính. [ St 41,42 Pharaoh rút  nhẫn ra khỏi tay mình và xỏ vào tay ông Giuse]. Khi ra đi, con mất quyền làm con, nay con trở về, con được phục quyền nghĩa tử.

 “Xỏ dép vào chân cậu”. Dép chỉ dành cho người tự do, nô lệ không được mang. Từ nay con là người tự do, không còn nô lệ dục vọng, tội lỗi nữa. 

 “Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” Có bản dịch là con bê béo, có bản dịch là con bê đã vỗ béo.[ Không biết bản dịch nào chuẩn. Xin các nhà chú giải Kinh Thánh chỉ giáo.] Nhưng con bê đã vỗ béo ý nghĩa hơn nhiều. Điều đó nói lên niềm tin tưởng của người cha là đứa con chắc chắn sẽ về, nên ông luôn dành riêng một số con bê, để vỗ béo, để chờ ngày con ông trở về, chứ không phải là tình cờ bắt một con béo.

         Tất cả những việc làm đó, niềm hạnh phúc đó là vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. (Lc 15,24). 

         Và mọi người bắt đầu ăn mừng. Nhưng có một người không hòa nhịp với niềm vui và hạnh phúc này. Đó là người anh cả. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà.(Lc 15,28). Anh ta ở nhà với cha, không đi hoang như thằng em, nhưng anh ta không sống tâm tình người con hiếu thảo.Từ lâu trái tim anh đã ở trong ngục tù. Chính lời anh ta thú nhận: Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha (Lc 15,29). Cha Nguyễn Thế Thuấn còn dịch nặng hơn: “Này đã bao nhiêu năm trời, tôi làm tôi ông, cũng chưa hề lướt lệnh ông”. Sống với cha, nhưng anh ta sống như người đầy tớ, người hầu hạ, người làm tôi, chứ không phải người làm con. Anh ta thực sự bị stress, bị dồn nén: Còn khi thằng con ông này, đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ nảy mừng nó. (Lc 15,30, bản dịch Nguyễn Thế Thuấn). [Tiếng Việt mới dịch được ý này, Tiếng Anh I, you; tiếng pháp je , tu, vous không diễn tả được sự hằn học này]. Anh ta không gọi là em của mình mà lại gọi là thằng con của ông. 

         Một lần nữa, người cha lại phải đi tìm đứa con cả, đứa con không đi hoang, vẫn ở cạnh ông, nhưng xa ông vời vợi. Vẫn những lời đầy ắp yêu thương, ông nói: Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. (Lc 15,31).Omnia mea tua sunt!

         Dầu là con thứ hay con cả, mọi người chúng ta đều cần phải sám hối, trở về. Làm theo lời khuyên nhủ của thánh Phaolô: Vậy, nhân danh Đức Kitô, Chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa.(2Cr 5,20 ).

         Hãy vững tâm, vì cha nhân lành luôn chờ đợi chúng ta. Ngài sẵn sàng tha thứ hết, vì Ngài đã hứa: Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông. (Is 1,18). 

         Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha đã mặc khải cho chúng con tình yêu thương bao la của Cha. Chúng con cảm tạ Cha  đã cho chúng con được làm con Cha. Xin cho chúng con luôn ý thức được tình yêu cao cả này và luôn sống xứng đáng là những đứa con hiếu thảo. 

 Nguyễn Đức Lân