“Nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết.” (11,21.32)…Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống…Chị có tin không? (11,25) “…Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến…” (11,27)
Kẻ thù lớn nhất của nhân loại là sự chết! Cái chết lột sạch mọi thứ con người tích lũy được, con người ra đi với hai bàn tay trắng. Alexandre đại đế đã để lại di chúc: Hãy đặt ông vào quan tài có khoét hai lỗ hổng hai bên hông và thò hai bàn tay ông ra ngoài. Ông muốn nói, đại đế ra đi cũng với hai bàn tay trắng. Không ai thoát khỏi nanh vuốt của Tử Thần. Chỉ có Thiên Chúa khuất phục được Tử Thần.
Tuy nhiên theo đức tin kitô giáo, Kinh Thánh mặc khải rằng con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” (x.St 1,27); Trong con người, Thiên Chúa phú ban cho một hồn thiêng vĩnh cửu là hơi thở của Người (x.St 2,7); Rồi Thiên Chúa còn ban cho thân xác con người “cây trường sinh” (x.St 2,9) để con người được sống lâu bền trong hạnh phúc đã được Thiên Chúa trao ban. Do đó “được trường sinh” là một ân huệ được Thiên Chúa khắc sâu vào bản tính nhân loại, là quà tặng nhưng không Thiên Chúa ban cho con người. Tiếc thay, con người đã dại dột nghe theo lời Con Rắn tách mình ra khỏi Thiên Chúa là NGUỒN SỐNG, NGUỒN HẠNH PHÚC, nên sự chết mới xuất hiện và khống chế nhân loại. Tuy nhiên ân huệ trường sinh mà Chúa đã ban luôn là ký ức không thể xóa nhòa vẫn còn ẩn sâu trong phận người, là một khát vọng chính đáng không ngừng thách thức, thôi thúc con người: con người cố sức tìm trong các tạo vật một lời đáp cho khát vọng trường sinh; Hoàn toàn thất bại! Không gì có thể lấp đầy lỗ hổng trường sinh bất tử NGOẠI TRỪ THIÊN CHÚA. Và chính trong cảnh tuyệt vọng của con người trước Tử Thần, Kinh Thánh lại mở ra lại cho chúng ta con đường về lại với sự sống vĩnh cửu, về lại cùng Thiên Chúa nguồn sống: Hãy đến với Đấng “chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống; Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Trong phận người tội lỗi phải chết, nghe thấy thế, ai mà không ham, nhưng cũng mau chóng thất vọng vì bị sập vào cái bẫy của cơn cám dỗ mà hai nguyên tổ đã vướng phải là ĐÒI CÓ NGAY TỨC KHẮC mọi sự trong hiện tại. Thực ra, hiện tại chỉ mới là ĐIỂM XUẤT PHÁT; Để tới đích có lại được sự sống vĩnh cửu là còn cả một HÀNH TRÌNH DÀI, CAM GO để cả nhân loại và từng cá nhân khắc phục được những hậu quả mà sự chết đã gây ra cho thân phận con người. Lộ trình ấy bắt đầu từ cái hiện tại của cuộc sống hôm nay và đích tới là ngày toàn thể nhân loại hưởng lại trọn vẹn sự sống vĩnh cửu; đó là ngày tận thế. Hành trang giúp từng người vượt được chặng đường đó chính là TIN VÀO ĐỨC GIÊSU “là sự sống lại và là sự sống” ngay trong hiện tại của đời mình.
Nếu chỉ nói trên lý thuyết thì thật sự khó lòng thuyết phục được người nghe. Cần phải có một dấu chỉ đầy thuyết phục trong hiện tại để người đương thời có thể dựa vào đó mà xây dựng đức tin của mình. Đức Giêsu cho hai dấu chỉ: làm Ladarô chết đã bốn ngày đã an táng trong mồ rồi được sống lại và tuyệt vời hơn nữa là Đức Giêsu phục sinh và hằng sống. Tin Mừng hôm nay mời chúng ta suy niệm biến cố Ladarô sống lại.
Dấu lạ được mở đầu với sự kiện Ladarô bị ốm nặng, hai bà chị liền báo tin cho Đức Giêsu biết. Đức Giêsu đã quyết định giúp đỡ, nhưng thay vì đi Bêtania ngay, Người còn nán lại bên kia sông Giodan thêm hai ngày nữa rồi sau đó mới lên đường, kèm theo một câu nói bí ẩn (x.Ga 11,4). Và khi Đức Giêsu đến nơi thì Ladarô đã chôn được bốn ngày. Như vậy ẩn chứa trong dấu lạ này một dự tính của Thiên Chúa muốn bày tỏ vinh quang thần linh và tôn vinh Con Thiên Chúa. Vậy cụ thể điều Thiên Chúa muốn bày tỏ là gì?
-
“Bệnh này không đến nỗi chết đâu”, phối hợp với lời trách của Matta (c.21) và của Maria (c.32): “nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”, cho thấy các bà chỉ mới tin rằng Đức Giêsu có thể ngăn cản Tử Thần trong phút chốc (bởi vì sau các phép lạ hồi sinh kẻ chết trong Nhất Lãm thì họ cũng chỉ sống thêm một thời gian rồi cũng phải chết; Và lưu ý rằng các người được hồi sinh trong Nhất Lãm chỉ là VỪA MỚI CHẾT,CHƯA CHÔN). Nếu vậy thì ngay trong Cựu Ứơc cũng đã có người làm được: Elia (x.1V17,17-24) và Elisa (x.2V4, 33-35). Dấu lạ chỉ với tầm cỡ đó thì chưa đủ thuyết phục để Thiên Chúa bày tỏ vinh quang và Con Thiên Chúa được tôn vinh.
Khi Đức Giêsu đến Bêtania thì mọi sự đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng: Ladarô đã chôn được bốn ngày. Biết Đức Giêsu đến, Matta ra đón Người. Cuộc đối thoại với Đức Giêsu (11,21-27) cho thấy đức tin của Matta vào Đức Giêsu còn rất giới hạn:
-
Bà tiếc nuối vì Đức Giêsu về trễ quá, vì bà vẫn tin Đức Giêsu có quyền năng ngăn cản lưỡi hái Tử Thần (câu 22). Bà trách Đức Giêsu đã không có mặt lúc Ladarô còn đang hấp hối để cứu ông (câu 21). Còn với tình trạng hiện nay thì hoàn toàn tuyệt vọng: chôn đã bốn ngày rồi còn gì! Chính cái tuyệt vọng ấy từ phía con người, đã được Đức Giêsu tận dụng để biểu lộ vinh quang Thiên Chúa.
-
Đức Giêsu vực dậy lòng tin của bà: “em chị sẽ sống lại!”. Đó là việc Đức Giêsu sắp làm NGAY TỨC KHẮC, bây giờ, tại chỗ. Nhưng đáp lại, Matta chỉ tuyên xưng đức tin vào sự sống lại vào ngày cánh chung. Thật vậy, sau đó khi ra mộ, bà đã cản ngăn Đức Giêsu mở cửa mồ vì chôn đã bốn ngày, xác bắt đầu thối rữa (11,39).
Đức Giêsu mời bà nâng cao đức tin lên một mực: Tin Người là Đấng làm chủ sự chết lẫn sự sống. Đức Giêsu mời bà làm một bước nhảy vọt trong đức tin. Trọng tâm không nằm ở việc Ladarô sống lại mà là ở CON NGƯỜI CỦA ĐỨC GIÊSU: bà có dám tin rằng con người Giêsu đang đối thoại với bà “chính là SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG…” (11,25-26). Căn tính thần linh của Đức Giêsu đã hé mở và Tin Mừng cho đáp số luôn qua lời đáp của Matta: “con vẫn tin Thầy là ĐỨC KITÔ, CON THIÊN CHÚA, Đấng phải đến thế gian”. Để minh họa cho lời mặc khải trên, Tin Mừng đã thuật lại dấu lạ hồi sinh Ladarô chôn đã bốn ngày.
-
Ý nghĩa của dấu lạ: điểm nhấn của dấu lạ này nằm ở chi tiết “chôn đã bốn ngày”. Theo niềm tin bình dân, người Do Thái thời Đức Giêsu tin rằng trong ba ngày đầu tiên sau khi tắt thở, hồn vía người chết hãy còn lảng vảng bên thây ma, chỉ từ ngày thứ tư khi xác bắt đầu thối rửa, hồn mới bỏ đi. Ngày thứ tư là thời điểm xác định chết thật sự (x.Giáo hoàng Piô X học viện, “Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm A”, trang 282). Và khi đã chết thật thì tất cả người chết đều bị nhốt vào Shéol (Âm phủ) và không còn thoát ra được nữa (x.Am 9,2); Tv 139,8; Is 7,11); Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng kéo hồn ra khỏi đó (1Sm 2,6). (x.DEB “SÉJOUR desmorts” 1987). Xác một khi đã thối rửa thì kẻ chết chỉ còn là bóng ma chứ không còn là người nữa, phải bị nhốt vào Shéol là nơi dành cho người chết (x.Sđd “mort”).Và như thế là không thể trở về với cuộc sống hữu hình dương thế được nữa.
Thế mà Đức Giêsu đã giựt Ladarô ra khỏi Shéol, đưa ông về lại với dương thế! Đáng nể hơn nữa là Người làm điều ấy chỉ bằng một lệnh truyền: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” (11,43); Lệnh truyền được thực hành ngay tức khắc. Qua tất cả các chi tiết trên, Tin Mừng kín đáo mặc khải Đức Giêsu là THIÊN CHÚA. Và bản văn phụng vụ đã không kết thúc ở sự kiện Ladarô hồi sinh, cũng không đề cập gì tới Matta, Maria mà lại kết thúc bằng ĐỨC TIN của những người Do Thái chứng kiến dấu lạ “có nhiều kẻ đã tin vào Người” (câu 45). Vậy qua dấu lạ này, Thiên Chúa đã bày tỏ vinh quang và Con Thiên Chúa được tôn vinh (x.11,4).
Như thế, chủ yếu đây không chỉ là một phép lạ hồi sinh cho một cá nhân; Nhưng qua đó, Tin Mừng mặc khải: trong Đức Giêsu, ngay hiện tại, quyền lực của Tử Thần đã bị Đức Giêsu khống chế; Tử Thần bắt buộc phải mở cửa Shéol thả tù nhân của Nó ra trước lệnh truyền của Đức Giêsu. Biến cố này báo trước một biến cố khác quan trọng hơn và mang tính phổ quát cho toàn nhân loại: biến cố ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH. Với dấu lạ hồi sinh Ladarô, Tử Thần phải thả ra một cá nhân; Với sự Phục Sinh của Đức Giêsu, Người xuống ngục Tổ Tông (Shéol) và mở toang cửa: nhân tính của toàn thể nhân loại được giải thoát. Trong dấu lạ Ladarô, người ta thấy tảng đá lấp cửa mồ vẫn còn đó, và Đức Giêsu phải ra lệnh lăn đi; Còn trong biến cố Phục Sinh, khi tới mồ, người ta đã thấy cửa mồ mở tung: thiết bị giam nhốt người chết đã bị dỡ bỏ. Lòng ngôi mộ không còn là nơi chứa xác chết nữa mà trở thành nơi các nhân vật trời cao (thiên thần) hiện diện để loan báo cho nhân loại Tin Mừng Phục Sinh. Khăn liệm, ngôi mộ không còn là thừng chão tử thần bó chặt xác chết con người nữa, nhưng đã bị xếp qua một bên và còn trở thành dấu chỉ giúp môn đệ nhận ra Đức Giêsu đã phục sinh (x.Ga 20,1-8) và tin vào Người.
Dù con người vẫn còn phải chết (Ladarô cũng đã chết lại) nhưng những bảo chứng của sự sống thần linh đã được Đức Giêsu gieo vào trần thế này, đó là những bảo đảm cho sự phục sinh của chúng ta và còn hơn nữa là được làm Con Thiên Chúa (xem lại 11, 25-26a). Điều còn lại là về phía mỗi người, chúng ta sẽ trả lời ra sao trước câu hỏi của Đức Giêsu: “Bạn có tin như thế hay không?” (11, 26b).
Frère Pierre Đình Long FSC