CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM B

HẠT LÚA CHẾT ĐI (Ga 12,20-33)

Trong Tin Mừng thứ tư, thánh Gio an trình bày giai đoạn Chúa Giêsu sống công khai, đi rao giảng Nước Trời và làm các phép lạ trong khung cảnh ba lễ Vượt Qua. Chúa Giê su lên Jerusalem  tham dự Lễ Vượt Qua lần thứ nhất (Ga 2,13). Ngài tỏ ra Ngài là đền thờ: “ Các ông cứ phá đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. (Ga 2,19). Lần thứ hai (Ga 6, 4) Ngài tỏ ra Ngài là Bánh Trường Sinh: “ Chính tôi là Bánh Trường Sinh” (Ga 6, 35)Và lần thứ ba (Ga 11, 55). Ngài chính là Chiên Vượt Qua.

     Trong lễ Vượt Qua truyền thống của người Do Thái, mỗi gia đinh phải giết một con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn , phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được.(Xh 12,5). Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc chiên vượt qua theo gia đình hay theo nhóm mà không quên lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà. Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm nhằm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập xưa kia. Trong bữa tiệc, người ta ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng.

     Chúa Giê su lên Giê ru sa lem dự lễ Vượt Qua lần này là để trở nên Chiên Vượt Qua . “Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki tô.”(1 Pr 1,19).

    Lễ Vượt Qua lần này cũng có một số người Hy lạp. Họ đến gặp các tông đồ và xin gặp Chúa Giê su.Tác giả Tin mừng thứ tư không cho biết họ thắc mắc gì. Nhưng Chúa Giê su lại đề cập ngay sứ vụ của Ngài. “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”(Ga 12,23). Đã đến giờ Ngài tử nạn và phục sinh. Nếu những lần khác Chúa Giê su tiên báo trực tiếp Ngài sẽ phải chết và sẽ sống lại (Lc 18,32-33) thì lần này Chúa lại dùng hình ành -phương pháp sư phạm cố hữu của Ngài- hình ảnh hạt lúa. “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.(Ga 12,24).Ngài sẽ chịu tử nạn, nhưng rồi Ngài sẽ phục sinh và cứu chuộc nhân loại. Nếu Ngài không chết đi  thì Ngài cũng như hạt lúa trơ trọi, không sinh ích lợi gì. Hình ảnh hạt lúa dễ thấy và dễ hiểu trong bối cảnh đất nước nông nghiệp. Người nông dân phải ngâm lúa cho lên mộng rồi gieo vào ruộng. Hạt lúa nẩy mầm, lên cây, trổ bông, trổ hạt, còn chính hạt lúa thì thối rữa đi. Đây là định luật của cây cối mà cũng là của mọi sinh vật, đặc biệt đối với con người. Mục nát có nghĩa là phải hy sinh, vất vả, phải đánh mất mình đi. Người mẹ sinh con, phải nuôi con bằng chính thịt máu mình, bằng sữa mình. Người cha phải từ bỏ những thú vui, những sở thích riêng để sinh ra và nuôi dưỡng con cái mình. Người nông dân, người công nhân, binh sĩ, sinh viên, học sinh…nếu muốn sinh hoa lợi đều phải hy sinh, phải từ bỏ mình.

     Trải qua bao thế hệ, trong Giáo hội đã có biết bao người vâng nghe và thực hành lời dạy này của Chúa Giê su. Cụ thể giáo hội công giáo Việt Nam có được những mùa thu hoach như hiện nay là nhờ biết bao nhà truyền giáo, đã nhờ hơn 300 ngàn tín hữu đã chết đi, đã thối rữa đi.

     Hay như giáo phận Kontum, nhờ các giám mục, cả trăm linh mục hội thừa sai Pari (MEP) và bao nhiêu linh mục Việt Nam chúng ta, đã thực sự đổ máu, đã thực sự chết đi, để có mùa gặt bội thu như ngày nay. Như lời giáo phụ Tertuliano: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các tín hữu”. Ngày nay nữa vẫn còn bao nhiêu linh mục, tu sĩ, chủng sinh,  các yă, các yao phu, các giáo lý viên và bao nhiêu tâm hồn quảng đại đang chết đi từng ngày đễ hạt giống Lời Chúa trổ sinh nhiều bông hạt.

Khẩu hiệu Euntes ergo docete omnes gentes – Hãy đi giảng dạy muôn dân- trong nhà nguyện chủng viện Kon tum cũng có nghĩa là Hãy chết đi để trổ sinh nhiều bông hạt. Partir c’est mourir.(không phải  un peu, mà là) totalement. Đi là chết …để gieo mầm sống mới.

     Nhìn những bước chân mêt mỏi, khấp khiểng (nhưng gương mặt luôn tươi cười) của Đức thánh cha  Phan xi cô khi ngài thăm Irak, ta càng thấy quyết tâm chết đi của hạt lúa Phan xi cô, và quyết tâm đi giảng dạy muôn dân của ngài.

Xin cho chúng con coi thường mạng sống ở đời này để giữ lại được mãi mãi.

Nguyễn Đức Lân