CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – năm A

Cv 6,1-7; Ga 14,1-12

Chủ đề: Hoa trái của niềm tin vào Đấng Phục Sinh.

* Cv 6,6.7: Các tông đồ đặt tay trên bảy người được chọn…Lời Chúa lan tràn và số các môn đệ tăng lên rất nhiều.

* Ga 14,12: Ai tin vào Thầy…sẽ làm được những việc Thầy làm, và còn làm những việc lớn lao hơn nữa. Vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

Lời Chúa của Chúa Nhật V A Mùa Phục Sinh đưa chúng ta về lại cuộc sống thường ngày với bao thăng trầm, được mất tạo thành những thực tại của kiếp nhân sinh. Đối với những ai không tin vào Đức Giêsu phục sinh thì mọi sự rồi cũng tuần tự trôi qua với những may rủi, toan tính của trí tuệ đầy hẹp hòi của phận làm người. Ba vấn đề được Lời Chúa đề cập hôm nay là:

  • Vấn đề cơ bản nhất của loài người: LƯƠNG THỰC. Bài đọc một cho thấy ngay trong cộng đoàn các tín hữu, tại Giêrusalem vẫn còn những thiên vị gây xáo trộn, chia rẽ dân bản xứ Do Thái với dân Do Thái theo văn hóa Hi lạp.

  • Còn bài đọc Tin Mừng cho thấy hai vấn đề, nếu không tin đủ vào Đức Giêsu:

  1. Sẽ gặp bế tắc trong việc đi tìm sự thật, lẽ sống, đường đi cho mình.

  2. Sẽ như người con không có khả năng tìm ra cha mình là ai.

Câu hỏi của Tôma và Philipphê cho thấy điều đó.

Trái lại những ai tin nhận Đức Giêsu phục sinh làm lẽ sống, làm CHÚA của mình thì ĐỨC TIN ấy giúp họ dám biện phân, nhận ra và đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống dưới ánh sáng Lời Chúa, đức tin; Đồng thời đức tin cũng giúp tín hữu tìm ra giải pháp để vượt qua được những giới hạn của thân phận làm người để SỐNG ĐƯỢC, ngay giữa thế gian còn đầy biến động này, cuộc đời của người môn đệ Đấng Phục Sinh, của Con Chúa.

Thực vậy, sau những chương đầu trình bày những nét lý tưởng của cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem, thì đến chương năm, Sách Công Vụ đưa chúng ta về lại cuộc sống thường tình của kiếp làm người: trong cộng đoàn vẫn có những cá nhân chỉ mới TIN NỬA VỜI đến độ đi đến sai lầm dám “LỬA DỐI CẢ THIÊN CHÚA” (Cv 5,4), “lừa dối, THỬ THÁCH CẢ CHÚA THÁNH THẦN” (5,3.9); Và đến Cv 6,1-7 được phụng vụ chọn làm bài đọc một, thì một nét TỐI trong đời sống cộng đoàn của tín hữu cũng đã hé lộ ra. May thay NHỜ NIỀM TIN VÀO ĐẤNG PHỤC SINH, các tông đồ và cả cộng đoàn đã nhất trí đồng tâm, cùng nhau biện phân, tìm ra được giải pháp thích đáng, giải quyết vấn đề êm đẹp. Và hơn thế nữa, nhờ ơn Chúa, cộng đoàn đức tin ấy đã biến cơn thử thách thành cơ hội thuận lợi thiết lập một cơ chế mới dọn đường cho cơ cấu PHÓ TẾ sau này của Giáo Hội; Đồng thời chuẩn bị nhân sự cho việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại.

Số là cộng đoàn tín hữu ngày càng thêm đông, lại bao gồm cả Do Thái bản xứ lẫn Do Thái ngoại kiều từ khắp nơi trở về; Mọi sự lại để chung; Do đó nảy sinh việc phân phối lương thực không đồng đều giữa hai nhóm bà góa: bản xứ và hi hóa ngoại kiều. Biết chuyện, trong đức tin, các tông đồ tập họp cộng đoàn lại để giải quyết. Vấn đề thiết lập cơ cấu cộng đoàn, phân chia công việc được các tông đồ đề nghị: Nhóm Mười Hai lo việc chính là RAO GIẢNG LỜI CHÚA. Cộng đoàn sẽ chọn bảy vị khôn ngoan, đầy Thần Khí và các tông đồ sẽ đặt tay trên họ trao quyền phục vụ bàn ăn cho cộng đoàn. Mọi sự diễn ra tốt đẹp. Thử thách lại trở thành yếu tố làm cộng đoàn thêm đông số.

Còn Tin Mừng, trích một phần bài diễn từ cuối cùng của Người trong buổi Tiệc Ly sau khi rửa chân cho các tông đồ. Đức Giêsu biết Người sắp giã từ môn đệ để về lại cùng Chúa Cha. Sự vắng mặt thể lý của Người là nỗi lo cho các môn đệ. Người trấn an họ: anh em đừng xao xuyến; Thầy về nhà Cha trước để dọn chỗ cho anh em, rồi sẽ trở lại đem anh em đến ở chung với Thầy. Như vậy Đức Giêsu đã cho môn đệ biết dự tính, đường lối của Người. Thế nhưng các môn đệ hiểu lời ấy theo nghĩa địa lý: đi đến một nơi nào đó trong xứ Palestin, nên Tôma mới thắc mắc “chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao biết được Thầy đi con đường nào?”. Lúc đó Đức Giêsu mới nói rõ: Người về với Chúa Cha và con đường để đến với Chúa Cha là chính Người: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.”

Từ mặc khải ấy Philipphê nài xin: “Xin cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện.” Philipphê lại giới hạn mặc khải của Đức Giêsu vào cái “thấy” của mắt phàm nhân. Đức Giêsu chỉnh sửa cái nhìn hạn hẹp ấy bằng cách tỏ bày cho môn đệ thấy MỐI TƯƠNG GIAO MẬT THIẾT giữa Chúa Cha và Người: “ai thấy Thầy là thấy Cha”, nói cách khác, Tin Mừng kín đáo mặc khải Người là Thiên Chúa.

Vậy chúng ta có dám nhìn mọi sự với cặp mắt đức tin không? Để nhận ra trong những nét hèn yếu của phận con người, Ngôi Lời Thiên Chúa đang hiện diện và đồng hành với chúng ta, nhờ đó mọi chi tiết dù nhỏ nhất của đời người chúng ta đều là phương tiện hữu hiệu Chúa dùng để tỏ mình Người ra cho nhân loại.

Frère Pierre Đình Long FSC