Bài 1
Cv 9,26-31; Ga 15,1-8
Chủ đề: Hoa trái của Phục Sinh: hiệp nhất các kẻ tin nên một
* Cv 9,27-28: ông Banaba đứng ra bảo lãnh, đưa ông Saolô đến gặp các tông đồ. Từ đó Saolô cùng với các tông đồ… rao giảng nhân danh Chúa.
* Ga 15,5: Thầy là Cây Nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái.
Chúa nhật V B Mùa Phục Sinh tiếp tục nói về chủ đề hoa trái của Mầu Nhiệm Phục Sinh nơi cộng đoàn tín hữu: các môn đệ được đưa vào tương quan thân tình, mật thiết với Thiên Chúa nhờ Đấng Phục Sinh, nhưng là một TƯƠNG QUAN THẦN LINH. Vì từ nay Đức Giêsu không chỉ là người Thầy mến yêu mà có lúc các môn đệ dám trách móc Người (x.Mt16,22), nhưng giờ đây Người là CHÚA của họ nên họ chỉ còn bổn phận là tuân phục, tín thác và thờ lạy Người. Trong Chúa nhật IV B, mối tương giao thần linh được diễn tả bằng hình ảnh “Mục Tử – Chiên”. Tương quan này nhấn mạnh hơn tới vai trò của người Mục Tử: lo lắng, chăm nom, quy tụ và nhất là hy sinh mạng sống cho chiên theo Ý Cha.
Trong Chúa nhật V B hình ảnh được Tin Mừng sử dụng là CÂY NHO và CÀNH. Và điểm nhấn là CÀNH. Cành là phải sinh trái, vì đặc điểm của cây nho là TRÁI NẰM TRÊN CÀNH chứ không nằm ở thân. Hình ảnh cây và cành làm nổi bật hơn tính HIỆP THÔNG hỗ tương, tùy thuộc lẫn nhau giữa cây và cành: cành buộc phải dính vào cây; Nhựa sống từ đất phải nhờ CÂY, chuyển qua cho CÀNH, rồi nhờ đó mà cành mới trổ hoa sinh trái; Cành sống được là nhờ cây mang nhựa đến, và cây có được trái là nhờ cành.
Tuy nhiên để có được sự liên kết hiệp thông hiệu quả, sinh nhiều trái giữa CÂY và CÀNH, cần có sự chăm sóc chuyên nghiệp của chủ vườn nho và cũng là người trồng nho: ông chặt bỏ những cành không đậu trái; cắt tỉa những cành đươm bông để chúng đạt kết quả tối đa.
Vậy việc cành sinh trái dồi dào là kết quả của mối hiệp thông hỗ tương giữa người trồng nho – cây nho – và cành nho.
Trong bài Tin Mừng, dụ ngôn cây và cành nho ám chỉ mối tương quan HIỆP THÔNG mật thiết giữa Chúa Cha – Đức Giêsu – và tín hữu. Cha là chủ vườn và là người trồng nho; Đức Giêsu là cây nho và tín hữu là cành nho. Để có thể hiệp thông với Đức Giêsu, đón nhận hiệu quả nhựa sống của Người, các môn đệ đã được Đức Giêsu dùng Lời của Người làm cho nên thanh sạch (15,3). Nói cách khác là nhờ đón nghe và tin vào lời Đức Giêsu mà các môn đệ được tẩy sạch, giải thoát khỏi những cản trở để được tháp nhập, nên một với Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận nhựa sống từ nơi Người để sinh trái. Hoa trái trước tiên đến từ sự hiệp thông với Đức Giêsu là kẻ tin nhận ra sự thật này “tự mình không thể sinh trái” (c.4), “không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (c.5b). Hoa trái thứ hai của hiệp thông là dám dâng lên Chúa những khát vọng của mình trong phó thác cầu xin, tin chắc rằng mình sẽ được nhận lời (c.7). Biết mình bất lực, nhưng vẫn dám cầu xin đưa lên khát vọng vì tin rằng Cha sẽ CẮT TỈA để các khát vọng của mình, nhờ ơn Chúa sẽ trổ sinh hoa trái. Vậy lời của Đức Giêsu là nền tảng của HIỆP THÔNG và SINH TRÁI.
Bài đọc một cũng nói tới chủ đề HIỆP THÔNG, nhưng là sự hiệp thông giữa các kẻ tin với nhau. Một khi đã dính liền với thân thì tất cả các cành đều có chung một nhựa sống với nhau. Do đó các tín hữu cũng phải hiệp thông với nhau giúp cho tất cả các cành đều sinh trái. Bài đọc một nói lên sự hiệp thông tuyệt vời giữa tín hữu cộng đoàn Giêrusalem và Phaolô, mặc dù trước đó, Phaolô là kẻ bách hại cộng đoàn. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh đã xóa bỏ mọi rào cản ngăn cách để kết hiệp kẻ tin nên một. Tin vào chứng từ bảo lãnh của Banaba, thuật lại biến cố Chúa hoán cải Phaolô trên đường Damas và lòng nhiệt thành loan báo Đấng Phục Sinh khi Phaolô đã trở lại, các tông đồ và giáo đoàn Giêrusalem đã mở rộng cõi lòng tiếp đón, hiệp thông với Phaolô, cùng chung liên kết với nhau loan báo tin mừng và trổ sinh hoa trái.
Mối hiệp thông giữa cộng đoàn Giêrusalem với Phaolô còn tuyệt vời hơn nữa khi các người do thái theo văn hóa hi lạp chống đối và tìm cách giết Phaolô vì ông hăng say loan báo Tin Mừng, thì cộng đoàn đã tìm cách bảo vệ Phaolô, đưa ông về lại nơi ông sinh trưởng là Tarsô an toàn.
Lắng nghe lời Chúa và tin vào Đấng Phục Sinh là nền tảng tạo nên tương quan hiệp thông giữa Chúa Cha – Đức Giêsu – tín hữu, đồng thời cũng tạo nên sự hiệp thông giữa các tín hữu với nhau. Tất cả nên một trong Đức Kitô, cùng nhau sinh trái, đó là cách thức tuyệt vời đoàn tín hữu thờ lạy và tôn vinh Cha.
Bài 2
“Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho… anh em là cành… Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,1.5a.8)
Bàn tiệc Lời Chúa của Chúa Nhật V B Mùa Phục Sinh tiếp tục mời gọi tín hữu nếm cảm hoa trái ngọt ngào của Mầu Nhiệm Phục Sinh. Lời Chúa dẫn ta đi sâu hơn vào Mầu Nhiệm HIỆP THÔNG. Sức sống phục sinh phát xuất từ “Đầu” là Đức Giêsu ngày càng lan tỏa và linh hoạt toàn thể “thân mình” là Hội Thánh, tạo nên những đổi mới, hoa trái tuyệt vời.
Trong Chúa Nhật IV B, để minh họa cho mầu nhiệm hiệp thông, Tin Mừng đã vay mượn một hình ảnh từ cuộc sống du mục: Mục Tử – Đàn chiên. Trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa là chủ đàn chiên; các thủ lãnh vua, tư tế, ngôn sứ là mục tử được Chúa gởi tới để chăm sóc đàn chiên là dân con của Chúa. Và rồi vì sự thiếu trách nhiệm của các mục tử gây thiệt hại cho đàn chiên nên Thiên Chúa đã hứa sẽ đích thân đến kiểm điểm đoàn chiên, đồng thời cũng hứa gởi Vị Mục Tử Tốt đến dẫn dắt chiên. Đức Giêsu đã tới để hoàn tất lời hứa đó. Người vừa là Thiên Chúa vừa là “Mục Tử – Mêsia” đến ban cho chiên sự sống đời đời. Không chỉ tái tạo đàn chiên Cựu Ước, Đức Giêsu còn quy tụ về một đàn duy nhất toàn thể nhân loại, những con chiên còn lạc đàn.
Trong Chúa Nhật V B này, hình ảnh được sử dụng mang mầu sắc nông nghiệp. Hiệp thông được minh họa bằng mối tương quan hỗ tương của “bộ ba”: người trồng nho – cây nho – cành nho. Điều được nhắm tới không dừng lại ở sự kết hợp mật thiết nội tại giữa “bộ ba” nói trên mà còn mở rộng ra với một điều mới mẻ đó là SINH TRÁI. Hiệp thông phải đưa tới kết quả là sinh trái. Muốn sinh trái phải chịu cắt tỉa, phải chấp nhận loại bỏ những phần “ăn bám” của cành, làm phí hao nhựa sống của cây mà không đưa tới kết quả nào. Qua hình ảnh “cây – cành nho”. Thiên Chúa bày tỏ cho nhân loại thấy dự tính đầy yêu thương và tôn trọng thân phận, vai trò của người môn đệ trong chương trình cứu độ của Chúa: Dòng nhựa tinh tuyền, tràn đầy sức sống từ “Cây Nho Thật” đã được ban nhưng không cho cành, đồng thời trao cho cành cái vinh dự là nơi mà hoa trái trổ sinh. Mọi việc Chúa làm đều là vì lợi ích cứu độ cho nhân loại. Và khi cành nho môn đệ được cứu độ, trổ sinh hoa trái, đó là cách thức Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Người (Ga 15,8). “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống” (Irénée).
-
SỰ HIỆP THÔNG GIỮA CHA – ĐỨC GIÊSU – MÔN ĐỆ: DỤ NGÔN “CÂY NHO THẬT”(câu 1-3.5)
1 – TA LÀ – êgô êimi: “Ta là” là Danh của Thiên Chúa được chính Chúa mặc khải cho Môsê trong Xh 3,14 (x.Nguyễn Thế Thuấn, “Kinh Thánh” 1999 trang 124). Khi dùng công thức tên của Yavê đặt vào môi miệng Đức Giêsu, tác giả Tin Mừng thứ tư muốn trình bày Đức Giêsu chính là Thiên Chúa ngang qua việc Người phán ra những lời mà chỉ có Thiên Chúa trong Cựu Ước mới có quyền nói mà thôi. Và tác giả cũng muốn cho những người nghe (dù thuận hay chống Đức Giêsu) cũng đều hiểu đúng như thế. Vì hiểu Đức Giêsu tự xưng là Thiên Chúa, hoặc cho mình ngang bằng Thiên Chúa, nên phản ứng của họ rất mạnh là muốn giết Người vì tội phạm thượng xúc phạm đến uy danh Chúa (x.Ga 5,18; 8,59).
2 –CÂY NHO THẬT: Tin Mừng nhấn mạnh đến tính từ “THẬT”. “Thật” có nghĩa là chân chính, đúng với bản chất mà một vật phải có theo như ý Chúa. Chính Cha đã đem cây nho “thật” này trồng vào giữa công trình tạo dựng của Người. Dưới sự chăm sóc của Cha, cây nho này chắc chắn sẽ sinh hoa trái ngọt.
Trong Cựu ước, “vườn nho” (x.Is 5,1-7) hoặc “cây nho” (x.Tv 80,9; Ed 17,5-10; 19,10-14) là biểu tượng của Israel. Chính Chúa đã chọn giống, chọn đất, ươm trồng, chăm sóc vườn nho Israel với ước mong nó sẽ sinh trái tốt. Tiếc thay “vườn nho” Israel chỉ sinh trái xấu, không đáp lại được lòng mong đợi của Thiên Chúa, chủ vườn nho (x.Is 5,4; Hs 10,1). Và “vườn nho” đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Chủ xứng với những kết quả mà nó mang lại (x.Is 5,5-7). Thực ra Chúa không hủy diệt “vườn nho”.
Luôn trung tín với chính mình, với những dự tính của mình, Thiên Chúa đang tái thiết. Chúa đang thiết kế một “vườn nho” vừa ý Người, một “vườn nho tuyệt diệu” và mời mọi người chiêm ngưỡng (x.Is 27,2). Thiên Chúa sẽ bảo vệ gìn giữ vườn nho này mãi tinh tuyền giữ vững bản chất “nho dzin”, “nho thật” trọn vẹn với ý định ban đầu của Thiên Chúa (x.Is 27,3-4).
Như vậy, bất chấp những tiêu cực, thoái hóa từ phía con người, Thiên Chúa vẫn từng bước một, bằng mọi giá khắc phục, chỉnh sửa “vườn nho”, và khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa hoàn tất dự tính của Người là sáng tạo nên một “CÂY NHO THẬT”. Cây nho thật này là nền tảng, là điểm khơi nguồn cho “vườn nho tuyệt diệu” màChúa đã báo trước (x.Is 27,2)
“Cây Nho Thật” đó chính là Đức Giêsu Kitô. Người là điểm đến của việc đổi mới diệu kỳ: từ “vườn nho dại” lại phát sinh một “cây Nho Thật”.
Đồng thời Người – “Cây Nho Thật” cũng là một khởi điểm cho một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên mà trong đó toàn thể nhân loại – chứ không phải chỉ riêng Israel – sẽ dần dần trở thành “vườn nho tuyệt diệu” nhờ hiệp thông với “Cây Nho Thật” Giêsu – Kitô.
Vấn đề còn lại là phần đáp trả từ phía con người: làm cách nào để cành sinh nhiều trái? Bởi vì trong thân phận mỏng dòn, bấp bênh của kiếp người, việc liên tục sinh hoa trái tốt, chất lượng một cách dồi dào, bền vững là vượt quá sức con người. Phải luôn tiếp nhận tràn đầy nhựa sống từ thân cây và chấp nhận để được “người trồng nho” cắt tỉa.
3- Vai trò của “Người Trồng Nho”
Dụ ngôn nói rõ: “Người Trồng Nho” là Chúa Cha; “Cây Nho Thật” là Đức Giêsu; “Cành Nho” là môn đệ. Ý của Cha là muốn cành sinh trái tốt ngon ngọt bằng mọi giá phải thực hiện cho được điều đó.
Phần “cơ sở hạ tầng”: đất đai, giống nho… đã sẵn sàng; “Cây Nho Tốt” cũng đang tới thời kỳ sinh trái (nên nhớ Đức Giêsu nói dụ ngôn này vào thứ năm thánh sau Bữa Tiệc Ly: giờ Thập Giá và Phục Sinh đã tới). Phần “Cây Nho” coi như đã xong; Phần còn lại là “CÀNH”. Công việc của Người Trồng Nho bây giờ là chăm sóc từng cành: “CẮT TỈA”. “TỈA” (kathairô) là công việc của nhà chuyên môn: dưới cặp mắt nhà nghề, Người Trồng Nho nhận ra những phần cành vô dụng, chỉ ăn bám làm tiêu hao nhựa sống cách vô ích, cần phải cắt bỏ. Đáp lại, “cành” phải đón nhận tầm nhìn của Người Trồng Nho trên bản thân mình, chấp nhận được “cắt tỉa” theo Ý Chủ. “Tỉa” chính là mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh mà Người Trồng Nho thực hiện nơi “Cành”. Chính Người Trồng Nho làm cho sự hiệp thông giữa “Cây Nho” và “cành” trổ sinh hoa trái.
-
SỰ HIỆP THÔNG GIỮA ĐỨC GIÊSU VÀ MÔN ĐỆ: “Ở LẠI TRONG” (câu 4.5b.6.7)
Cành nho tự bản thân không có nhựa sống. Sức sống cũng như hoa trái mà cành sinh ra hoàn toàn đến từ nhựa sống của cây. Trong bài dụ ngôn, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng “anh em đã thanh sạch rồi” (“katharoi”: tính từ của động từ “kathairô”) nhờ Lời Thầy đã nói với anh em” (15,3). Vậy nhựa sống đó chính là Lời của Người. Lời đó đã làm các môn đệ nên sạch. Thật vậy, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã bày tỏ ý muốn hiệp thông mật thiết với các môn đệ, Người muốn họ được chung phần với Người (13,8), Người muốn đi trước về nhà Cha dọn chỗ cho họ để họ được ở chung với Người (14,2-3). Ước muốn đó được Người thể hiện qua việc “rửa chân”, hàm ý Người nói với họ rằng Người với tư cách là Con mời gọi, đón rước họ vào nhà Cha của Người. Đồng thời Người cũng ước muốn các môn đệ một khi đã sạch rồi (katharoi: 13,10) thì họ phải sinh trái qua mệnh lệnh “anh em hãy rửa chân cho nhau” như Thầy đã rửa cho anh em (13,14-15).
Đó là những gì Đức Giêsu biểu lộ trước bữa ăn! Còn Ga 15,4-7 là những gì Đức Giêsu biểu lộ sau khi bữa ăn chấm dứt, trước khi đi tới Vườn Cây Dầu (14,31). Hình ảnh được sử dụng ở đây để nói lên sự hiệp thông và việc sinh hoa trái là “Ở LẠI TRONG” = “mênô”. Chỉ trong bốn câu ngắn ngủi này, chúng ta gặp động từ “mênô” này đến tám lần
-
Các môn đệ “ở lại trong” Đức Giêsu (các câu 4 (2 lần),5,6,7.
-
Đức Giêsu “ở lại trong” các môn đệ (c.4)
-
Lời của Đức Giêsu “ở lại trong” các môn đệ (c.7)
-
Cành nho “ở lại trong” Cây nho (c4)
Và mục đích của việc “ở lại trong” là phải “sinh hoa trái” (câu 4.5b). Bởi vì một cách tự nhiên cành phải gắn liền với cây, đó là chuyện đương nhiên trong công trình sáng tạo: Thật vậy, trong dự tính của Cha, mọi sự đều được Cha dựng nên trong Đức Giêsu (x.Ga 1,3; Cl1,16; Ep 1,10-11), nghĩa là ngay từ đầu, tất cả mọi người, đặc biệt là các môn đệ, vốn đã được tháp nhập vào Cây Nho rồi. Câu 15,2 cho thấy tình trạng ban đầu của mọi cành tốt hay xấu đều gắn liền với cây. Tuy nhiên tình trạng ấy có được duy trì và thật sự là hữu ích hay không (tức sinh hoa trái) là còn tùy thuộc nơi “cành” có biết biến tình trạng hồng ân đương nhiên ấy thành một hành động tự nguyện gắn kết với Thiên Chúa: “Ở LẠI TRONG”.
“Ở lại trong” là một động từ nói lên sự chọn lựa, quyết tâm của mình “ở lại” một cách tích cực, hữu ích. “Ở lại trong” không chỉ là bám dính vào cây mà còn phải sinh trái, biến nhựa sống của cây thành hoa trái. Trong cụ thể “ở lại trong” diễn tả điều gì?
-
Phần Đức Giêsu: Người “ở lại trong” chúng ta bằng cách đã đến “cắm lều ở giữa chúng ta”, trở thành Đấng Emmanuel. Người “ở lại trong” chúng ta đến mút cùng thân phận làm người khi chấp nhận chết như một con người và là chết như một tội nhân. Và rồi với phục sinh, Người mãi mãi “ở lại trong” nhân loại mọi ngày cho đến tận thế. Rồi với quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người đã thể hiện hoa trái của việc “ở lại trong” bằng cách rộng ban Thánh Thần, ban các bí tích, ân sủng để từng cá nhân mọi thời đều có thể đích thân gặp được Người, tạo điều kiện tốt để kiếp người tại thế của chúng ta thành cánh tay nối dài của Người, trổ sinh nho Tốt ngọt.
-
Phần môn đệ: “ở lại trong Đức Giêsu” có nghĩa là chịu để cho Người rửa chân, tuân lệnh Người “rửa chân cho nhau”, nghĩa là đón nhận lời dạy dỗ, nhựa sống từ Người thông truyền qua, để Lời của Người hoán cải, chấp nhận đường Thập Giá được Cha “tỉa sạch” để thông chia cùng một sự sống, cùng số phận với Đức Giêsu, tin yêu gắn bó với Đức Giêsu, để cho Thiên Chúa hoàn tất đường lối, dự tính của Chúa trên cuộc đời mình (Gương Maria và Giuse dám để Chúa “tỉa” đi dự tính hôn nhân của hai người thay vào đó bằng nhựa sống “hôn nhân” theo Ý Chúa và kết quả thật tuyệt vời chính là sinh trái ngọt Giêsu). Như vậy “ở lại trong về phía môn đệ là có thể nói như Phaolô “tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi (Gl 2,20).
Đó chính là tự nguyện trong tin yêu đón nhận sức sống Thập Giá và Phục Sinh làm lương thực dưỡng nuôi tôi, làm sinh lực giúp tôi sinh hoa trái. Một cách cụ thể, trong cuộc sống hiện nay của mỗi tín hữu, điều biểu lộ rõ nhất sự hiệp thông hỗ tương “ở lại trong” giữa môn đệ và Đức Giêsu chính là bí tích Thánh Thể: Nhựa sống chính là Thần Tính + Mình + Máu của Người được thông truyền trọn vẹn qua “các cành” bằng hình thức hữu hiệu nhất: ĂN. Và hoa trái là đời sống kitô hữu mẫu mực, mọi người đều nhận biết anh em là môn đệ Thầy.
Đó là điều mà Đức Giêsu mong đợi nơi tín hữu: sinh trái – nên môn đệ Đức Giêsu – tôn vinh Cha. Điều ấy được minh họa rõ ràng trong đời sống Giáo Hội ở bài đọc một.
III. HOA TRÁI CỦA HIỆP THÔNG TRONG BÀI ĐỌC MỘT (Cv 9,26-31)
Sau khi được Chúa thương “tỉa sạch” từ biến cố gặp Đấng Phục Sinh trên đường Damas, Phaolô được chữa lành, đón nhận “Nhựa sống” và tháp nhập vào “Cây Nho Thật” (Cv 9,18) thì ngay tức khắc Thiên Chúa đã làm Phaolô từ “cành nho chua” của “vườn nho” Israel trở thành “cành nho ngọt” trổ sinh đầy hoa trái đẹp lòng Thiên Chúa: tức khắc ông trở thành tông đồ rao giảng về Đức Giêsu phục sinh và sau đó là tìm mọi cách để hiệp thông với Giáo Hội Mẹ, cùng với các tông đồ, tín hữu tại Giêrusalem công bố Tin Mừng về Đức Giêsu phục sinh (Cv 9,28).
-
“Vườn nho dại” (x.Is 5,4) được chăm tỉa hồi sinh cho “nho ngọt Phaolô”.
Lòng nhiệt thành vì chua cay, hận thù “hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa” (Cv 9,1) đã được Cha cắt tỉa vẫn giữ nguyên “phong độ hăng say” nhưng trở thành lòng yêu mến loan báo Tin Mừng, thao thức lo lắng cho mỗi giáo đoàn, từng tín hữu chỉ mong họ được tháp nhập vào “Cây Nho Thật” để được cứu.
Hiệp thông không chỉ là chuyện cá nhân với Thiên Chúa mà ngang qua “Thân”, mọi “cành” cùng liên kết nên một với nhau thành một “CÂY NHO THẬT”, hoàn chỉnh. Phaolô đã chấp nhận mọi nghi kỵ từ tín hữu do quá khứ gây nên (9,25b), nhưng vẫn đón nhận mọi trợ giúp từ họ (9,27.30). Như vậy, Phaolô, Banaba, các tông đồ, cộng đoàn tín hữu đều được “tỉa sạch” từng bước một, phù hợp với từng đối tượng. Nhờ vậy nhựa sống Giêsu thông truyền trong mọi cành và tất cả đều sinh trái (9,31). Giáo Hội, từng tính hữu đang thực hành lệnh của Đấng Phục Sinh: làm Cha được tôn vinh, sinh nhiều hoa trái và làm môn đệ Đấng Phục Sinh (Ga 15,8).
TÌM HIỂU 2 BÀI ĐỌC
Chủ điểm phụng vụ
Là mối tương quan hiệp thông giữa Đức Giêsu và các Kitô hữu, và giữa các Kitô hữu với nhau bất chấp những thử thách, khó khăn. Nền tảng của sự hiệp thông này là niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng đã tỏ mình và thông ban sự sống Phục Sinh của Người cho các kẻ tin. Kết quả là cộng đoàn kẻ tin sẽ sinh nhiều hoa trái.
Tin Mừng diễn tả tương quan hiệp thông bằng dụ ngôn cây nho: Đức Giêsu là cây nho: các Kitô hữu là cành nho; Chúa Cha là người trồng nho. Cành muốn sinh trái phải gắn liền với thân nho và chấp nhận được người trồng nho cắt tỉa. Nên một sự sống với Đức Giêsu, làm môn đệ Người, sinh nhiều trái, đó là cách thức người tín hữu tôn vinh Chúa Cha.
Công vụ thuật lại việc Phaolô lên Giêrusalem tìm cách nhập đoàn với các tín hữu, sau khi ông được Chúa hoán cải; Ông đã được bảo lãnh, tiếp đón tử tế và sinh hoạt với cộng đoàn bất chấp những nghi ngại ban đầu vì quá khứ bắt đạo của Phaolô. Cộng đoàn còn biểu lộ sự hiệp nhất qua việc bảo vệ Phaolô khỏi tay các người Do Thái theo văn hóa Hi Lạp. Phaolô đã được tháp nhập vào cây nho, được cắt tỉa và cộng đoàn tín hữu cũng được cắt tỉa vượt qua những cản trở quá khứ để tất cả nên một và kết quả là Hội Thánh được bình an, ngày thêm vững chắc và gia tăng dân số. Chính niềm tin vào Đấng Phục Sinh đã liên kết các kẻ tin thành một khối bất chấp các dị biệt.
BÀI ĐỌC I: Cv 9, 26-31
Văn mạch
Sau khi giới thiệu cộng đoàn tiên khởi và các hoạt động của Phêrô ở Giêrusalem, sách Công vụ 8, 1-3 và Công vụ 9, giới thiệu con người và ơn gọi Phaolô để chuẩn bị cho Phần II sách sẽ nói về sứ vụ của Phaolô giữa dân ngoại.
Sau vụ tử đạo của Têphanô (7, 60) các Kitô hữu hi hóa phải rời khỏi Giêrusalem phân tán khắp nơi, lợi dụng dịp đó, họ đã truyền giáo cho Samari và lân cận (8, 4-40). Phần Phao lô ngày càng say máu tìm bách hại các Kitô hữu (8, 3; 9, 1-2). Nhưng Đấng Phục Sinh đã thương và hoán cải ông trên con đường Đamas, tỏ mình và ý định của người cho ông, rồi chọn ông làm khí cụ cho Người, loan Tin Mừng cho dân ngoại; tại Đamas, ông đã chịu phép rửa và trở thành môn đệ của Đấng Phục Sinh (9, 3-19).
Ngay sau đó ông nhiệt tâm rao giảng về Đấng Phục Sinh trong các hội đường Đamas, minh chứng rằng Đấng mà ông từng tìm bách hại lại là Mesia, kết quả là những người Do Thái trước kia ủng hộ ông lại trở mặt bắt bớ ông, các môn đệ ở Đamas bị ông tìm bách hại lại bảo vệ, giúp ông thoát khỏi tay kẻ hại ông (9, 19b-25). Rời Đamas, Phaolô đi Giêrusalem mong được nhập đoàn với cộng đoàn tín hữu; ban đầu bị nghi ngờ vì quá khứ bắt đạo, nhưng nhờ Banaba bảo lãnh, ông đã được các tông đồ đón nhận, cùng nhau hoạt động tại Giêrusalem; với lòng nhiệt thành, ông tranh luận với các người Do Thái hi hóa; họ tìm cách giết ông và một lần nữa các môn đệ giúp ông thoát nạn, đưa ông tới Cêsarê để về Tarsô (9, 26-30).
Bài 1 là trích đoạn Phaolô đến Giêrusalem tìm cách nhập đoàn cùng các môn đệ ở đó.
CẤU TRÚC VÀ CHÚ THÍCH
-
Hiệp thông: nỗ lực nhập đoàn của Sao lô được các tông đồ đón nhận nhờ Banaba (Cv 9, 26-28a)
-
Nỗ lực nhập đoàn của Sao lô tại Giêrusalem (26a)
-
Phản ứng ban đầu của cộng đoàn: sợ vì không tin ông là môn đệ (26b)
-
Phá băng: bảo lãnh của Banaba:
– đưa Sao lô đến gặp cácc tông đồ.
– thuật lại ơn gọi của Sao lô trên đường Đamas.
– hành động bạo dạn của Sao lô lên tiếng nhân danh Đức Giêsu tại Đamas (27).
-
Được các tông đồ đón nhận: cùng với các tông đồ đi lại và hoạt động tại Giêrusalem (28a).
Nỗ lực nhập đoàn: Một thao thức lớn của Phaolô là sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Chính vì vậy, mặc dù ý thức về ơn gọi độc đáo của mình, Phaolô không bao giờ muốn tách rời, làm việc riêng rẽ, Phaolô luôn ý thức mình là thành viên của một cộng đoàn Giáo Hội. Ông không ngần ngại dùng hình ảnh Nhiệm Thể để diễn tả sự hiệp nhất giữa cộng đoàn Giáo Hội với Đức Kitô và giữa các thành viên trong cộng đoàn với nhau.
Phản ứng ban đầu của cộng đoàn Giêrusalem: “ Sợ…! Đó là đương nhiên: kinh nghiệm về một Saolô hung hăng bắt đạo vẫn còn nơi họ. Đối với Saolô: phải chấp nhận hậu quả việc mình làm. Có thể coi đây là một cách Thiên Chúa cắt tỉa cành nho Saolô để sau này sinh trái. Thật vậy sự nghi ngại ban đầu đã nhanh chóng biến thành tâm tình huynh đệ sẵn sàng bảo vệ Saolô khi thấy ông hăng say rao giảng “Nhân danh Đức Giêsu” tại Giêrusalem. Chính niềm tin vào Đức Giêsu đã nhanh chóng xóa tan rảo cản, tạo sự hiệp nhất giữa Saolô và cộng đoàn Giêrusalem.
Vai trò Banaba: Dám đứng làm trung gian bảo lãnh cho Saolô. Tên thật là Giuse được các tông đồ đổi tên là Banaba = “người có tài khuyên nhủ”, là một Lêvi quê quán ở đảo Syp, là người quảng đại đã bán gia sản đem đặt tất cả tiền có được dưới chân các Tông đồ (x. Cv 4, 36-37). Chính nhờ uy tín và gương sáng đối với cộng đoàn lẫn các tông đồ, lòng can đảm và sáng suốt nhận ra “kho tàng” nơi con người của Saolô nên Banaba đã dám đứng ra bảo lãnh, nhờ đó phá tan nghi ngờ và tạo sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Tuy nhiên, Banaba chỉ bảo lãnh được nếu Saolô thật sự là con người môn đệ của Đức Giêsu: chính hành động mạnh dạn lên tiếng nhân danh Đức Giêsu tại Đamas bất chấp nguy hiểm tới tính mạng đã là dấu chứng đủ để nhận ra Saolô đã thật sự trở nên môn đệ của Đấng Phục Sinh
Các tông đồ đã đón nhận Saolô và để ông hoạt động tại Giêrusalem.
-
Hoạt động của Saolô tại Giêrusalem và hoa trái của sự hiệp thông (Cv 9, 28 b – 30.
* Mạnh dạn lên tiếng nhân danh Chúa (28b)
* Tranh luận với những người Do Thái hi hóa (29 a)
* Hậu quả: họ tìm giết ông (29b)
* Hoa trái tình hiệp thông: “anh em (= “adêlphôi”) biết chuyện tìm cách cứu ông: đưa ông xuống Cêsarê và tiễn về Tarsô (30)
Sự hiệp thông của Saolô đối với cộng đoàn và tính cách tông đồ của ông được biểu lộ rõ qua hành động nhiệt thành loan báo TIN MỪNG nhân danh CHÚA. Đây là danh hiệu mà các tín hữu gán cho Đức Giêsu để tôn vinh Người như là Đức Chúa ngang bằng Thiên Chúa Cha. Đối với Saolô, giờ đây Đức Giêsu là CHÚA! Và với tính cách nhiệt thành của mình, Saolô không thể thụ động tin riêng cho mình, ông phải loan báo, tranh luận để cho niềm tin của ông loan rộng khắp nơi. Hậu quả là họ, các đối thủ mà trước kia là bạn hữu cùng phe, tìm giết ông. Tình cảnh của ông được sách Cv trình bày tương tự như của Têphanô.
Bù lại, Saolô đã được cộng đoàn tín hữu làm anh em. “Anh em” là cách xưng hô, gọi nhau thông dụng giữa các Kitô hữu tiên khởi. Trong Đức Giêsu, mọi kẻ tin thật sự là anh em với nhau: “Ai lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” đều trở thành Mẹ và anh em Đức Giêsu nghĩa là anh em với nhau (Lc 8,21 và song song). Một mối dây liên hệ mới đã được thiết lập dựa trên Lời Chúa. Và Saolô đã đi vào mối liên hệ ấy cách thật sự và nhiệt tình bằng rao giảng, tranh luận nhân danh Đức Giêsu. Rất nhanh chóng, sự nghi kỵ ban đầu đã biến thành tình anh em và họ đã hết lòng bảo vệ ông, giúp ông thoát tay địch thủ. Tình cảnh này đã xảy ra một lần ở Đamas (Cv 9,22-25).
-
Tổng kết tình hình GH sau việc trở lại của Saolô (Cv31)
-
Hiệp nhất nên một : “Hội Thánh trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari
-
Được hưởng hoa trái Thánh Thần: – Bình an; – Xây dựng vững chắc; – Sống trong niềm kính sợ Chúa; – Thêm đông
Giáo Hội hiệp nhất: Vụ biến động ở Giêrusalem đưa tới cái chết của Têphanô có Saolô tham gia khiến cộng đoàn phải bị phân tán một số anh em phải rời bỏ Thánh đô, nhưng rồi Tin Mừng nhờ đó được loan báo cho Samari và phụ cận… Giáo Hội tưởng chừng bị phân rẽ… nhưng đến cuối ch.9 với cuộc trở lại của Saolô, sự an bình hiệp nhất đã ngự trị trong cộng đoàn: từ “Giáo Hội” ở c.31 là số ít hàm ý rằng các cộng đoàn Kitô được thiết lập ở Giuđê, Galilê và Samari tạo thành chỉ một cộng đoàn duy nhất có trung tâm là Giêrusalem và các tông đồ là thủ lãnh. Nền tảng của an bình hiệp nhất là nhờ Giáo Hội được xây dựng và tiến bước trong sự kính sợ Chúa. Và nhờ sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội càng thêm đông.
Vậy các ân huệ Giáo Hội được hưởng không phải là thành quả của sức người mà là ân huệ của Đấng Phục Sinh và Chúa Thánh Thần.
TÓM KẾT
Nhờ Đấng Phục Sinh và Chúa Thánh Thần, cộng đoàn các kẻ tin hiệp nhất với nhau, thông chia cùng một nhựa sống. Mỗi thành viên một vai trò, nỗ lực hết mình để tạo sự hiệp thông trong nhiệm thể bất chấp những dị biệt chống đối trong quá khứ: Saolô hoán cải, một lòng quyết nhập đoàn chấp nhận những nghi kị ban đầu như là một cách cắt tỉa những sai lầm quá khứ của mình; Banaba, con người ủi an quảng đại can đảm đóng vai trò trung gian bảo lãnh; Các tông đồ tin tưởng các cộng sự viên, do đó đón nhận Saolô nhờ lời của Banaba. Từ đó cộng đoàn hiệp nhất, tạo sức mạnh trổ sinh hoa trái: cùng nhau làm chứng, rao giảng về Đức Giêsu; Bảo vệ nhau trong tình huynh đệ Kitô; tạo sức sống cho cộng đoàn ngày thêm đông số.
Niềm tin vào Đáng Phục Sinh phải biến đổi tín hữu thành anh em, chi thể của nhau. Đó là nền tảng của hiệp thông và sức sống làm cộng đoàn tăng trưởng.
TIN MỪNG: Ga 15,1-8
Văn mạch
Được đặt vào khung cảnh của bữa Tiệc ly (13,1-17,26), nhưng các ch. 15.16.17. Có lẽ là được thêm vào sau: 14,31 nối liền với 18,1 hợp lý hơn.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ và truyền lệnh cho họ phải noi gương Người đón nhận nhau, rửa chân cho nhau (13,1-20), Đức Giêsu báo Giuđa sẽ bội phản (13,21-30); Tiếp đến là những lời từ biệt qua đó cảnh báo Phêrô sẽ chối Thầy (13,31-38). Qua chương 14, Đức Giêsu mặc khải ý nghĩa cuộc ra đi của Người: đi trước để dọn chỗ cho các môn đệ (14,1-4); Từ đó dẫn tới 3 câu hỏi của Tôma, Philipphê và Giuđa (không phải Itcariot) và Đức Giêsu đã đưa các môn đệ đi sâu vào tương quan huyền nhiệm giữa Người – Chúa Cha – Chúa Thánh Thần và các môn đệ (14,5-31). Sau đó Người đứng dậy đi khỏi đó (14,31) đến suối Kết – rôn (18,1).
Còn các chương 15-17 để cập đến các chủ để khác:
“tương quan Cha – Đức Giêsu – môn đệ qua hình ảnh người trồng nho, cây nho, cành nho kèm theo lời truyền về giới luật yêu thương (15,1-17); Tiếp đến là tương quan giữa môn đệ với thế gian: họ ghét anh em vì họ đã ghét Thầy trước (15,18-16,14a)
Qua chương 16, lại nói đến Đấng Bảo Trợ sẽ đến và vai trò của Đấng ấy giữa đoàn môn đệ trong khi Đức Giêsu tạm vắng (16,4b-15), và rồi Người hứa sẽ mau trở lại với môn đệ (16, 16-33).
Chương 17 là lời cầu nguyện hết tâm tình với Cha thường được gọi là lời nguyện tế hiến dâng mình cho Cha và phó dâng tất cả đoàn môn đệ cho Cha.
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay trích phân đầu của chương l5 nói về tương quan Cha – Con – môn đệ qua hình ảnh cây nho. Lời này được đặt trong khung cảnh Tiệc ly; Vậy đây là một di chúc: nếu không nên một với cây nho và với nhau trong cùng một nhựa sống và không chịu để được cắt tỉa thì cành nho sẽ không sinh trái và bị loại. Điều Đức Giêsu muốn: cành nho phải sinhtrái ngọt đồi dào.
CẤU TRÚC VÀ CHÚ THÍCH
1) Sự hiệp thông giữa Cha- Đức Giêsu – môn đệ qua dụ ngôn “cây nho” (Ga 15,1-3.5)
(Nhấn mạnh vai trò của Cha và Đức Giêsu trong việc làm môn đệ sinh hoa trái)
* Nội dung dụ ngôn: – TA LÀ cây nho THẬT (1a.5a)
– Cha Ta là người trồng nho (1b)
– Anh em là cành (5b)
* Vai trò của Cha đối với cành (2):
– Cành nào không sinh trái: chặt đi
– Cành nào sinh trái: tỉa sạch để sinh trái nhiều hơn
* Vai trò của Đức Giêsu trong tương quan với cành:
– Là nơi để cành gắn kết: “cành nào nơi Thầy…” (2)
– Làm “cành” được thanh sạch sắn sàng được tỉa: “anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (3)
“ÊGO ÊIMI= “Ta là”: Danh của Thiên Chúa được mặc khải cho Môsê trong Xh 3,14 (x.Nguyễn Thế Thuấn “Kinh Thánh” 1999 trang 124). Khi dùng công thức tên của Yavê gán vào miệng Đức Giêsu, tác giả Tin Mừng 4 muốn trình bày Đức Giêsu chính là Thiên Chúa qua việc Người nói ra những lời mà chỉ có Thiên Chúa trong Cực Ước mới có quyền nói mà thôi. Và tác giả cũng muốn cho người nghe (dù chống đối Đức Giêsu) cũng hiểu đúng như thế, cho nên phản ứng của họ là muốn giết Người vì tội phạm thượng dám xưng mình là Thiên Chúa (x.Ga 5,18; 8,59). Còn ở chỗ khác, vinh quang thần linh được biểu lộ cách khác: khi nghe Đức Giêsu nói “chính là Ta” thì lính đến bắt Đức Giêsu phải té nhào xuống đất (18,5). |
Cây nho THẬT: trong Cựu Ước, “vườn nho” (Is 5,1-7) hoặc “cây
nho” (Tv 80.9; Ed 17,5-10;19,10-14) là biểu tượng của Israel. Nhưng nho Israel thường chỉ sinh trái xấu không đáp lại được lòng mong đợi của Thiên Chúa là chủ vườn nho (Is 5,4.7; Hs 10,1). Hậu quả là nho phải chịu những án phạt xứng việc nó làm (Is 5,5-6; Gr 12,10-11): bị bỏ mặc cho kẻ khác phá phách, trở nên hoang vu. Tuy phá hủy như vậy nhưng Yavê không tận diệt nho, những cành không thuộc Yavê sẽ bị tỉa bỏ (Gr 5,10); điều này hàm ý Yavê sẽ tha thứ, tái thiết: sau những thử thách, cắt tỉa, Ya vê sẽ bảo vệ che chở nho (Is 27,2-6), làm cho nho lại sinh trái tốt (Hs 14,8). Như vậy bất chấp những tiêu cực, xấu từ phía con người, Thiên Chúa vẫn trung tín với dự tính của mình là muốn nho sinh trái tốt, vá hoàn tất bằng mọi giá.
Từ hậu cảnh Cựu Ước trên, ta có hiểu cách nói “Ta là cây nho thật” theo hai hướng:
– Nếu đối tượng nhắm tới là người Do Thái (các tông đồ và môn đệ tiên khởi là người Do thái) thì cách nói này hàm ý một lời cảnh tỉnh: vườn nho cũ Israel nay được thay thế bằng chính Đức Giêsu là Cây Nho mới nói đúng hơn Đức Giêsu chính là hoa trái tuyệt vời, hoàn hảo của công trình Yavê tái thiết vườn nho của Người. Do đó sứ điệp cho Israel là: đừng tưởng có thể tự nhủ rằng: “chúng ta có tổ phụ Abraham”… cái rìu đã đặt sẵn dưới gốc cây: cây nào không sinh trái tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa (Mt 3,9-10). Điều duy nhất để một cá nhân hay tập thể được cứu là phải có được sự hiệp thông mật thiết và sống động với Đức Giêsu vì Người là Cây Nho đích thực của Thiên Chúa. Nho Israel vẫn không bị loại, nhưng từ nay phải được tháp nhập vào Cây Nho mới để có thể sinh trái ngon ngọt dồi dào (x.Rm 11 23-24).
– Nếu đối tượng là các môn đệ tức là những người đã tin và tháp nhập vào Đức Giêsu, thì cách nói trên hàm ý Đức Giêsu là nguồn sống đích thực và duy nhất của họ, như cành nho không thể nào sống được nếu tách rời khỏi cây nho. Cây nho thật hàm nghĩa nhựa sống từ cây nho này chắc chắn sẽ sinh trái ngọt vừa lòng Thiên Chúa. Vấn đề còn lại là cành nho có chịu sinh trái hay không. Để cành nho môn đệ sinh trái, cần hai điều: Lời của Đức Giêsu và sự cắt tỉa của Cha.
Vai trò của Cha: Người trồng nho, nghĩa là Cây Nho lẫn cành lẫn việc sinh trái là công trình của Cha. Cha là cội nguồn tất cả. Dự tính của Người tạo nên sự nhất thống giữa Vườn nho của Cựu Ước với Cây Nho Giêsu và với cành nho môn đệ cũng như với việc sinh trái tốt dồi dào. Cha theo đuổi dự tính của mình là Nho phải sinh trái tốt. Với Đức Giêsu, Cha đã có được giống nho tốt, tinh tuyền; giờ đây chỉ còn làm cho cành sinh trái.
Cha tỉa cành : tỉa không phải là cắt bỏ cành khỏi cây mà là bỏ đi những gì là dư thừa, vô ích ăn bám vào cành làm hao nhựa sống khiến cành ít quả đi. Đây là công việc của nhà chuyên môn, chỉ có Cha làm được. Tất cả những gì khiến cành không sai trái tốt đều được Cha loại bỏ. Việc sinh trái cũng tùy thuộc Cha, phần cành là chấp nhận được tỉa.
Vai trò của Đức Giêsu trong việc sinh trái: đó là ban nhựa sống làm cành sung sức, ở trong tình trạng sẵn sàng ra trái. Nhựa sống đó chính là Lời của Người (c.3). Việc tỉa sẽ không kết quả như ý nếu cành không sung sức nhờ Lời Đức Giêsu.
Phải có sự hiệp thông, phối hợp nhịp nhàng giữa Cha – Đức Giêsu – môn đệ thì nho mới sinh trái tốt dồi dào.
-
2. Sự hiệp thông giữa Đức Giêsu và môn đệ: “Ở LẠI TRONG” (Ga 15, 4.5.6.7):
-
“Ở LẠI TRONG ” là điều kiện để môn đệ sinh trái, như cành phải Ở LẠI TRONGG cây (4)
(Nhấn đến ý tưởng mời gọi: mời môn đệ “ở lại trong” Thầy)
-
Lập lại điều kiện “Ở LẠI TRONG” để sinh trái: không có Thầy anh em không làm gì được (5b)
(Ở đây nhấn mạnh đến sự tùy thuộc của môn đệ đối với Đức Giêsu)
-
Diễn tả ý trên dưới mệnh đề phủ định: “AI KHÔNG Ở LẠI TRONG…”
Hậu quả: bị quăng ra ngoài, bị khô héo, bị quăng vào lửa (6)
-
Cùng ý trên dưới dạng mệnh đề điều kiện: “Nếu… Ở LẠI TRONG…”
Hoa trái: muốn gì, cứ xin, sẽ được như ý (7)
Phần này nhấn mạnh tới tương quan hỗ tương giữa Đức Giêsu và môn đệ được biểu lộ qua cách nói “Ở LẠI TRONG” = “mêno ên”: chỉ trong 4 câu 4-7 ta gặp động từ này 8 lần: các môn đệ “Ở LẠI TRONG” Đức Giêsu (cc 4 [2 lần]. 5.6.7); Đức Giêsu “Ở LẠI TRONG” các môn đệ (c.4); lời của ĐGS “Ở LẠI TRONG” các môn đệ (c.7); cành nho “Ở LẠI TRONG” cây nho (c.4).
Và mục đích của “Ở LẠI TRONG” là phải “sinh hoa trái” (cc 4.5b), bằng không sẽ bị quăng ra ngoài thiêu đốt (c.6). Bởi vì, tự nhiên thì cành nho đã gắn liền với cây nho: trong dự tính của Cha, mọi sự đều được Cha dựng nên trong Đức Giêsu (Ga 1,3; Cl 1,16//), nghĩa là ngay từ đầu, tất cả mọi người đặc biệt môn đệ, đã được tháp nhập vào Cây Nho rồi; Điều này được diễn tả trong câu 2: “cành nào NƠI Thầy”. Giới từ “NƠI” = “ên” cho thấy tình trạng đương nhiên ban đầu của môn đệ là “Ở NƠI”; “Ở TRONG” Đức Giêsu; Nhưng tình trạng ấy có được duy trì, củng cố hay không là còn tùy nơi ta: phải biến tình trạng hồng ân đương nhiên ấy thành hành động gắn kết với Thiên Chúa: Ở LẠI TRONG, một động từ nói lên sự chọn lựa, quyết tâm của mình. Vì “Ở LẠI TRONG” không chỉ là bám dính vào cây, mà còn phải “sinh trái”
Phần Đức Giêsu khi “Ở LẠI TRONG” chúng ta có thể hiểu là: Người đã đến “cắm lều ở giữa chúng ta”, trở thành Đấng Emmanuel; Người Ở LẠI TRONG chúng ta đến mút cùng thân phận làm người khi chấp nhận chết như ta và là chết thập giá như tội nhân; Và rồi với Phục Sinh, Người tiếp tục Ở LẠI TRONG ta cho đến tận thế; Rồi với quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người thể hiện việc Ở LẠI TRONG bằng cách rộng ban Thánh Thần dồi dào, ban các bí tích, ân sủng để ta có thể gặp được Người mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống của ta.
Phần môn đệ, “Ở LẠI TRONG ĐỨC GIÊSU” nghĩa là đón nhận lời dạy dỗ, nhựa sống từ Người chuyển qua, để lời Người hoán cải, chấp nhận được Cha tỉa, thông chia cùng một sự sống, số phận với Đức Giêsu, tin yêu gắn bó với Đức Giêsu, chấp nhận đường lối của Thiên Chúa trên cuộc đời mình: “tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Đức Giêsu sống trong tôi” (Gl 2,20). Đó chính là mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời người môn đệ. Điều biểu lộ rõ nhất sự hiệp thông hỗ tương Ở LẠI TRONG giữa Đức Giêsu và môn đệ chính là bí tích Thánh Thể: “ai ăn thịt và uống máu tôi thì Ở LẠI TRONG tôi và tôi Ở LẠI TRONG người ấy” (Ga 6,56)
-
Kết quả của hiệp thông (Ga 15,8)
-
Cành sinh nhiều hoa trái; trở thành môn đệ Đức Giêsu
-
Cha được tôn vinh
-
TÓM KẾT
Tin mừng trình bày cho chúng ta mầu nhiệm hiệp thông giữa Cha- Đức Giêsu và môn đệ ngang qua hình ảnh người trồng nho- cây nho- và cành nho; và qua cách diễn tả “Ở LẠI TRONG”. Mục đích của hiệp thông là để môn đệ sinh nhiều hoa trái và là trái tốt. Để được vậy, môn đệ phải chấp nhận tương quan tùy thuộc vào Đức Giêsu: Ở LẠI TRONG Cây, đón nhận Lời Người thanh luyện, ý thức không có Người mình không làm gì được; và tùy thuộc vào Cha; để Cha tỉa cắt. Cách thức tuyệt vời để tôn vinh Cha là kẻ tin sinh nhiều trái tốt và trở thành môn đệ Đức Giêsu.
Frère Pierre Đình Long FSC