CHÚA NHẬT V PHỤC SINH -năm C

 Bài 1

Cv 14,21b-27; Ga 13,31-35
Chủ đề: Tâm tình và di sản mà người mục tử dành cho đoàn chiên.

* Cv 14,22.23: Phaolô và Barnaba khuyên nhủ họ giữ vững ĐỨC TIN… chỉ định cho họ những kỳ mục… và cầu nguyện phó thác những người đó cho Thiên Chúa.

* Ga 13,34: Thầy ban cho anh em một điều răn mới… Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

Lời Chúa của Chúa Nhật V C Mùa Phục Sinh tiếp tục chủ đề của Chúa Nhật IV C, nói về mối tương quan giữa mục tử và đàn chiên. Tuy nhiên điểm nhấn của Chúa Nhật V C là TÂM TÌNH ƯU ÁI CỦA NGƯỜI MỤC TỬ VỚI ĐÀN CHIÊN. Do hoàn cảnh bắt buộc, người mục tử không thể ở lại lâu dài giữa đàn chiên của mình, người mục tử phải ra đi, tạm rời xa đàn chiên non yếu vừa mới thành hình.

Cả hai, bài đọc 1 và Tin Mừng, đều toát lên những ưu tư của các mục tử trước tương lai bấp bênh, với bao đe dọa hiểm nguy đang rình chờ các đàn chiên thiếu vắng chủ chăn. Lời Chúa hôm nay cho thấy các chủ chăn phải về lại nơi mà họ đã xuất phát công cuộc thi hành sứ mạng. Trong bài đọc 1, các mục tử là tông đồ Phaolô và Barnaba, đoàn chiên là các cộng đoàn tín hữu gốc dân ngoại vừa mới được hai ông thành lập trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất. Còn trong Tin Mừng, Mục Tử là Đức Giêsu, đàn chiên là các môn đệ.

Điều các mục tử mong muốn không gì khác hơn là đàn chiên được sống an mạnh, giữ được căn tính, trung thành với những gì đã lãnh nhận được từ các mục tử, một khi mục tử phải rời xa chiên. Lời dặn dò cơ bản được cả hai bài đọc nhắc tới đó là: đường Thập Giá là đường đưa đến vinh quang. Và để nâng đỡ đàn chiên can đảm đi theo đường thập giá thì, về mặt cơ chế bên ngoài, các mục tử đã thiết lập hàng kỳ mục cho các cộng đoàn (bài đọc 1); Còn về tương quan nội tại giữa các con chiên thì Vị Mục Tử tối cao là Đức Giêsu đã truyền cho đàn chiên ĐIỀU RĂN MỚI: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em” (Ga 13,34).

Bài đọc Tin Mừng thuật lại vài lời của Đức Giêsu trong bữa ăn cùng với các môn đệ trước khi Người về lại Nhà Cha, nơi Người đã xuất phát, để dọn chỗ cho các môn đệ (x. Ga 14,2). Lúc Giuđa bỏ bàn tiệc ra đi, Đức Giêsu tuyên bố “Giờ đã tới”: Giờ Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người (13,31).

Đức Giêsu báo trước mầu nhiệm Thập Giá, “giờ Con Người được giương cao”; Đồng thời cũng cho thấy đó là giờ mà nhân tính của Người được tôn vinh công khai trước mắt các tông đồ, môn đệ: THĂNG THIÊN.

Dưới góc nhìn nhân loại thì mầu nhiệm Thập giá và Thăng Thiên là hai biến cố diễn ra vào hai thời điểm khác nhau; Nhưng trong ý định của Thiên Chúa thì đó là hai mặt bất khả phân ly của cùng một thực tại: cái hư nát của nhân tính do tội lỗi gây ra phải chết đi để cho cái vinh quang thần linh mà từ muôn đời Thiên Chúa muốn ban cho nhân loại khi sáng tạo ĐƯỢC HIỂN LỘ. Trong tầm nhìn ấy, Thánh Phaolô phấn khởi hô to: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây là giờ chiến thắng! Hỡi Tử Thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi Tử Thần, đâu là nọc độc của ngươi?… Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (x. 1Cr 15,55.57). Chính trong ý nghĩa “giương cao” vừa là Thập giá, vừa là Thăng Thiên đó mà lời cuối cùng của Đức Giêsu trên thập giá là lời công bố chiến thắng chung cuộc, ơn cứu độ hoàn tất: “Mọi sự ĐƯỢC HOÀN TẤT”. Với Thập giá, Đức Giêsu tôn vinh Cha bằng cách HOÀN TẤT sứ mạng Cha trao; Và Cha tôn vinh Đức Giêsu bằng cách đón Người về Nhà Cha dọn chỗ cho môn đệ.

Trong khi chờ đợi việc tôn vinh ấy thành sự nơi từng CON CHIÊN thì vị MỤC TỬ sắp ra đi để lại cho đàn chiên một bí quyết để sống trong hiện tại, chuẩn bị cho ngày vinh quang đó: “anh em hãy yêu thương nhau NHƯ THẦY đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đức Giêsu gọi đó là điều răn MỚI. Cái mới nằm ở chỗ NHƯ THẦY. Điều răn này được ban ra lúc Đức Giêsu sắp ra đi. Khi còn hiện diện giữa họ, chính Đức Giêsu là mối dây nối kết họ dù vẫn có bất đồng, tranh chấp giữa họ với nhau. Bây giờ, Người tạm vắng, cần phải có một sợi dây nối kết khác gợi nhớ sự hiện diện của Người, có đủ năng lực liên kết tất cả các môn đệ lại. Đó chính là YÊU nhau NHƯ THẦY đã yêu. Khi sống tình yêu đó, họ nhìn thấy Đức Giêsu trong người anh em trước mặt: cái nhìn giác quan đã được thay thế bằng cái nhìn đức tin nhờ đức ái thúc đẩy. YÊU NHƯ THẦY còn là phương thức truyền giáo hữu hiệu vì qua đó “mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy” (13,35).

Bài đọc 1 thuật lại hành trình quay về Antiokia nơi mà Phaolô và Barnaba đã khởi xuất cuộc truyền giáo thứ nhất này. Trên đường về, hai ông ghé thăm các cộng đoàn mà lượt đi hai ông đã đến rao giảng và thiết lập. Lo âu cho đàn chiên còn non trẻ phải bơ vơ, hai ông củng cố đức tin cho họ bằng lời khuyên nhủ họ kiên trì sống đức tin, bền tâm theo con đường thập giá: “chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới vào được Nước Thiên Chúa”; Đồng thời thiết đặt một cơ chế: chỉ định hàng kỳ mục cho từng cộng đoàn để thay hai ông chăm sóc đàn chiên. Hai ông đã ăn chay, cầu nguyện phó thác các kỳ mục và cộng đoàn cho Chúa.

Mục Tử mẫu mực Giêsu đã sẵn sàng hy sinh tất cả vì đàn chiên. Để đáp trả lại tình yêu bao la ấy, chúng ta là đàn chiên hãy biến lời di chúc của Người “anh em hãy yêu nhau NHƯ THẦY đã yêu” thành một thực tại sống động trong cuộc đời chúng ta và trở nên mục tử tốt trong từng cương vị mà Chúa trao phó cho chúng ta.

Bài 2 

Giờ đây, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người (c.31) … Hỡi anh em… Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (c.34).

 Lời Chúa hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta chiêm ngắm những hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh trong cộng đoàn các môn đệ. Những hoa trái này đã được Đức Giêsu loan báo trước, lúc Người còn sinh tiền với chủ ý là để khi sự việc xảy ra đúng như vậy thì đoàn môn đệ tin và nhận ra Người là Thiên Chúa (Ga 13,19: “Thầy nói cho anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra anh em tin là THẦY HẰNG HỮU”).

Và sau khi Người phục sinh thì những gì Người đã tiên báo dần dần ứng nghiệm và được tỏ lộ ngày càng rõ trong cuộc sống cộng đoàn của các tín hữu tiên khởi. Tuần trước chúng ta đã thấy hoa trái của Mầu Nhiệm Phục Sinh được tỏ lộ ra trong mối tương quan MỤC TỬ – CHIÊN – CHA:

– Cha ban chiên cho tôi (Đức Giêsu)
– Tôi biết chiên, gìn giữ chiên, ban cho chiên sự sống
– Còn chiên thì nghe tiếng và đi theo tôi
– Chiên luôn sống an toàn vì không ai giựt chiên khỏi tay Cha và tôi được.

Còn trong Tin Mừng tuần này, yếu tố biểu lộ sự hiệp nhất Cha – Con – môn đệ là việc tuân thủ lệnh truyền: Đức Giêsu đã vâng lệnh Cha nhập thể làm người và “giờ đây”, qua dấu chỉ Giuđa ra khỏi vòng tiệc ly, Đức Giêsu nhận ra giờ Người phải về lại với Cha đã tới; Và Người đã tuân phục. Đó là giờ Thiên Chúa tôn vinh Con Người và cũng là giờ Thiên Chúa bày tỏ vinh quang thần linh. Tuân lệnh Cha, Mục Tử sắp ra đi. Đó là lúc Cha và Con tỏ bày vinh quang. Nhưng còn đàn chiên vẫn đang ở giữa trần thế thì sao? Sự vắng bóng Mục Tử sẽ là một thiệt thòi lớn cho đàn Chiên.

Để bù lại cho đàn chiên sự vắng bóng hữu hình của mình, Vị Mục Tử sắp ra đi đã để lại cho đàn chiên một bảo bối: giới luật YÊU NHƯ THẦY “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thầy vẫn hiện diện giữa anh em và cứu độ thế giới qua việc anh em yêu thương nhau. Yêu thương vừa là yếu tố hiệp nhất các môn đệ, tạo nên một cộng đoàn nhân loại nhưng có Đấng Phục Sinh ở giữa điều động tất cả; Vừa là yếu tố mặc khải căn tính của cộng đoàn cho thế giới: “người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy”.

Lời Chúa hôm nay, bài đọc 1 lẫn Tin Mừng, đều mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu thương thẳm sâu của mục tử với đàn chiên yêu dấu trước khi phải buộc lòng từ giã họ quay về lại nơi mình xuất phát:

– Bài đọc 1 thuật lại vòng về của Phaolô và Barnaba trong cuộc hành trình truyền giáo lần 1. Hai ông sắp về lại nơi xuất phát là Antiokia xứ Syria. Do đó hai ông ghé thăm những nơi mà lượt đi các ông đã có tới rao giảng và lập cộng đoàn ở đó. Phải xa đàn chiên mà đức tin của họ chỉ mới khởi đầu. Nên các ông rất âu lo. Để bù lại sự vắng mặt của mình và để củng cố đức tin cho các tín hữu ở nơi đó, các ông để lại cho họ hai gia sản:

1/ Giáo lý nền: khuyên họ giữ vững đức tin và kiên trì đón nhận Thập Giá trong cuộc đời.

2/ Cơ chế: đồng thời thiết đặt một cơ chế chỉ định người làm thủ lãnh cộng đoàn thay mặt hai ông chăm lo đàn chiên của Chúa.

– Tin Mừng thuật lại vài lời của Đức Giêsu trong buổi ăn cuối cùng với các môn đệ. Người báo cho các ông biết giờ Người được Cha tôn vinh và cũng là giờ Người tôn vinh Cha. Còn đối với các môn đệ còn ở lại trần gian, Người vẫn yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1); Vì thế Người đã ban cho họ một gia bảo: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đó là yếu tố HIỆP NHẤT các môn đệ lại với nhau và cũng là yếu tố truyền giáo làm cho người khác nhận ra họ là môn đệ Đức Giêsu. Điều mà Đức Giêsu muốn trối lại cho họ là YÊU NHƯ THẦY! Cái mới là “NHƯ THẦY”.

BÀI ĐỌC 1: Cv 14,21b-27

Trong lượt đi của cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất (Cv 13,4 – 14,28), Phaolô và Barnaba đã loan báo Tin Mừng cho các thành Antiokia xứ Pisidia (13,14), Icôniô (14,1), Lystra và Đerbê (14,6). Tại những nơi đó lời rao giảng của các ông được dân ngoại đón nhận và khá nhiều người đã trở thành môn đệ Đức Giêsu (14,21a). Tuy nhiên công việc của các ông tại những nơi đó lại gặp sự chống đối của một số Người Do Thái: họ đã cản trở, bắt bớ và ném đá các ông. Sau khi rao giảng thành công ở Đerbê, hai ông trở lại đường cũ, quay về nơi xuất phát là thành Antiokia xứ Syri (Cv 13,1-4).

Trên đường trở về, hai ông ghé thăm những cộng đoàn tín hữu còn non trẻ trong các thành mà các ông đã bị ngược đãi là Lystra, Icôniô và Antiokia xứ Pisidia. Mục đích là để củng cố đức tin cho đàn chiên mới thành hình, còn non trẻ, chưa có mục tử.

Bài đọc 1 thuật lại cuộc viếng thăm này và những việc mà hai ông đã làm để xây dựng các cộng đoàn ở đó.

1/ Tấm lòng mục tử đối với đàn chiên (Cv 14,21b-23)

Lo âu cho đàn chiên non trẻ trước các bão táp phong ba mà chính các ông cũng đã từng phải hứng chịu, hai ông trở lại thăm đàn chiên, củng cố đức tin cho họ. Hai việc các ông làm là củng cố giáo lý về Thập Giá và thiết lập cơ chế cộng đoàn:

*Củng cố giáo lý về Thập Giá:

“Chúng Ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa”: lời hai ông dùng để củng cố đức tin các môn đệ là lời khuyên nhủ vững tin vào đường Thập Giá. Hai ông không mị dân nhưng thẳng thắn mời họ nhìn vào thực tế một khi đã quyết định tin theo Đức Giêsu. Đứng trước thực tế khó khăn, Phaolô và Barnaba khích lệ tín hữu kiên vững trong đức tin bằng cách nhắc lại giáo lý nền đầy nghịch lý của ơn cứu độ kitô giáo: xác tín Thập Giá là đường cứu độ, là số phận của những ai muốn theo Đức Giêsu; Tuy nhiên đó là con đường duy nhất dẫn đưa các tín hữu vào Nước Thiên Chúa.

Theo Đức Giêsu thì phải đi con đường Người đã đi (x. Ga 15,20; Lc 24,26…). Đó là bài học các tông đồ đã đón nhận được từ Đức Giêsu, giờ đây các ông truyền lại cho các tín hữu như là gia bảo (x. 1Tx 3,2-3; 1Tm 3,12).

“Được vào Nước Thiên Chúa”: có thể hiểu theo nghĩa hiện tại lẫn tương lai. Phải can đảm chấp nhận gian khổ, kiên vững trong đức tin thì mới có thể gia nhập và bền đỗ trong Giáo Hội (hiện tại), và sau này sẽ được hưởng vinh quang thiên quốc (tương lai).

*Lập cơ cấu: chỉ định các kỳ mục

Các cơ chế bắt đầu được các tông đồ thiết lập, mặc dù còn rất sơ sài: hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục.

Kỳ mục là những người có uy tín, đạo đức được các tông đồ chọn để cai quản một giáo đoàn. Có lẽ đây là cội nguồn của các thừa tác vụ linh mục ngày nay (x. CGKPV Tân Ước 1995 548 nốt “b”). Việc làm này là thiết yếu, bởi vì số cộng đoàn tín hữu ngày càng gia tăng; Rồi từng bước tách rời khỏi Hội Đường và không tham gia vào phụng vụ Do Thái nữa, nhất là các giáo đoàn gốc dân ngoại thì gần như độc lập hoàn toàn. Các thừa sai (tông đồ) không thể thường xuyên thăm viếng cử hành phụng vụ, giải quyết những vấn đề cụ thể, cục bộ của từng giáo đoàn được. Đó là chưa kể phải đào tạo những người kế thừa sứ vụ một khi thế hệ các tông đồ dần qua đi.

Như vậy thì nếu không có hàng kỳ mục thì các nhu cầu của các cộng đoàn về đạo giáo, phụng vụ, thiêng liêng sẽ ít được đáp ứng. Do đó việc thiết đặt các kỳ mục được tuyển chọn từ các tín hữu địa phương là cần thiết. Giáo Hội bắt đầu có bộ mặt mới, tỏ lộ nét tông truyền và phổ quát của mình, không còn lệ thuộc vào hội đường Do Thái nữa.

Trao sứ mạng (14,23)

“Sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác các kỳ mục cho CHÚA”. Cách nói này không có nghĩa là bỏ mặc họ cho Chúa lo, nhưng mang ý nghĩa là trao sứ mạng. Cách nói gợi lại Cv 13,3: cộng đoàn Antiokia cũng đã “ăn chay cầu nguyện, đặt tay rồi tiễn “Phaolô và Barnaba lên đường đi sứ vụ, sau khi nhận ra ý định của Chúa Thánh Thần (13,2). Giờ đây, tới phiên mình, hai ông trao quyền lại cho các kỳ mục để họ thay mặt các ông chăm sóc cộng đoàn. Đó là ý nghĩa của cách nói trong Cv 14,23 (so sánh thêm với Cv 14,26).

2/ Mục tử và Giáo Hội Mẹ (Cv 14,24-27)

*Rao giảng tại Pecghê: không rõ vì lý do gì mà trong lượt đi, Phaolô và Barnaba đã không rao giảng tại Pecghê (Cv 13,13-14). Thế là lượt về, hai ông đã ghé vào rao giảng ở đó, nhưng cũng không nói gì đến kết quả ra sao.

*Tường trình sứ vụ:

Sứ vụ của Phaolô và Barnaba phát xuất từ Thánh Thần và Giáo Hội: Thánh Thần chọn và hiến thánh hai ông (13,2) và Giáo Hội ăn chay, cầu nguyện, đặt tay rồi sai đi (13,3). Giờ đây trở về, hai ông phải tường trình kết quả việc làm. Sứ mạng tông đồ không bao giờ là chuyện riêng rẽ cá nhân, cho dù nhiều trường hợp bó buộc phải làm việc một mình.

– “Kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã LÀM CÙNG với hai ông”:

Tất cả những gì hai ông làm đều là công trình của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đóng vai chủ động, chính “ho theos êpoiesên” = “Thiên Chúa đã làm”, “mêta autôn” = “cùng với họ” (hai ông). Sách Công vụ không nói “Chúa làm qua trung gian, qua môi giới”, mà nói “cùng với = mêta”. Ở đây phải hiểu “mêta” = “trong (trở nên) cộng đoàn với” = “với sự đồng hành của” (x. M. A. Bailly “Abrégé du dictionnaire GREC-FRANCAIS”). Vậy các thừa sai là “cộng tác viên” với Thiên Chúa, cùng với Chúa chung sức cùng nhau hoàn tất một công việc do Thiên Chúa chủ xướng và nắm phần điều động chính, còn các thừa sai cộng tác vào. Vậy khi làm việc tông đồ phải luôn ý thức rằng sứ mạng mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta (các tín hữu) là một công cuộc cộng đoàn: là công cuộc của Thiên Chúa được trao phó cho con người, vừa là công cuộc của con người được nâng đỡ, đồng hành và không ngừng được linh hứng bởi Thiên Chúa (Marie Noelle Thabut).

– “Thiên Chúa đã mở ra CÁNH CỬA ĐỨC TIN cho dân ngoại” (c.27b)

Toàn bộ công trình của Phaolô và Barnaba được tóm lại trong cách nói của câu 27b. Đây là lối nói ẩn dụ không tìm thấy ở nơi nào khác, gồm hai ý:

  • Cánh cửa: đó là một yếu tố bên ngoài, một phương tiện, một lối vào Có thể hiểu cách nói này ám chỉ đến việc rao giảng của các tông đồ cho dân ngoại, việc các ông đón nhận họ vào Giáo Hội vô điều kiện, chỉ cần họ muốn và tin.

  • Đức tin: yếu tố nội tâm, sự đáp trả đón nhận của người nghe. Đây là sự thôi thúc của Thiên Chúa tự bên trong tâm hồn của người dân ngoại để họ mở lòng đón nhận lời dạy của các tông đồ và đi đến đức tin.

Vậy cách nói ẩn dụ của câu 27b hàm ý là Thiên Chúa mở rộng cửa của nhà Người, tức là Giáo Hội, để anh em dân ngoại tự do bước vào (CGKPV “Tân Ước” 2008 trang 519 nốt “g”).

Chúa mở ra bằng cách nào? Người khơi dậy đức tin trong lòng dân ngoại đồng thời ban cho họ một phương thế cụ thể giúp đưa họ vào đời sống đức tin của các tín hữu tiên khởi. Cánh cửa đó, phương thế đó là chính lời rao giảng của các tông đồ. Đó là con đường chính thống duy nhất dẫn muôn dân vào đức tin Kitô giáo (x. Gl 1,8). Đó chính là đức tin công giáo và tông truyền.

Phần mỗi kitô hữu phải là “cộng tác viên” của Thiên Chúa sao cho qua cuộc sống của mình, mỗi tín hữu có thể nói như Phaolô và Barnaba rằng “Thiên Chúa đã cùng làm với chúng tôi”.

3/ Sứ điệp

Phaolô và Barnaba vừa hoàn tất cuộc hành trình truyền giáo lần đầu tiên, chính thức khai mở việc truyền giáo công khai và có hệ thống đối với dân ngoại. Hai ông đã mang đến cho chư dân tại những vùng các ông đã đi qua, một nguồn sinh khí mới, một lối sống mới, biến họ nên môn đệ Đức Giêsu, thành thần dân của Nước Thiên Chúa. Hai ông đã không mị dân, không dấu diếm họ những khó khăn thử thách mà họ phải đương đầu để giữ vững được ân huệ được làm thần dân Nước Thiên Chúa. Hoa trái của tấm lòng mục tử, một cơ cấu mới đang thành hình – các kỳ mục – nhằm giúp đàn chiên gốc dân ngoại kiên vững trong ơn gọi của họ.

Dưới cái nhìn đức tin, hai ông xác nhận đây là công trình của Thiên Chúa: chính Người mở “cánh cửa đức tin” cho chư dân, hai ông chỉ là người cộng tác. Một thế giới mới đang mở ra, một vương quốc mới đang hình thành cho nhân loại chuẩn bị cho “trời mời đất mới” trong ngày Cánh Chung.

Trong khi chờ “trời đất mới”, các Kitô hữu phải là “cộng tác viên” của Thiên Chúa để “cùng với” chúng ta, “Thiên Chúa mở rộng cánh cửa đức tin” cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ”.

TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35

Đoạn Tin Mừng phụng vụ chọn đọc hôm nay là phần mở đầu của những lời từ biệt mà Đức Giêsu nói với các tông đồ trong bữa ăn sau cùng của Người. Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu loan báo việc Giuđa bội phản, và khi tên này bỏ bàn tiệc ra đi thì Đức Giêsu ngỏ lời biệt ly cùng các môn đệ còn lại. Lời này kéo dài từ 13,31 cho đến 17,26 tức hết chương 17. Đến chương 18 là cuộc thương khó.

Bài đọc Tin Mừng là những câu mở đầu của lời từ biệt này. Đây là những lời tâm huyết của Đức Giêsu cho môn đệ: biết “giờ” của mình đã đến, giờ phải ra đi về cùng Cha, Đức Giêsu sắp xếp để lại cho các môn đệ bửu bối lớn nhất của Người (nên nhớ trong Tin Mừng Gioan không thuật lại việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể): Luật yêu thương, yêu như Thầy đã yêu. Đó là bí quyết hiệp nhất, gìn giữ, phát triển cộng đoàn và cũng là phương thế hữu hiệu lôi cuốn kẻ khác đến với cộng đoàn, nhận biết Chúa và gia nhập cộng đoàn (c.35).

1/ Mầu nhiệm tôn vinh (Ga 13,31-32):

*Tôn vinh ai là làm cho người đó nên nổi tiếng, có thế giá. Nhân cách, tài năng, công cuộc của Người đó được mọi người biết đến, nhìn nhận, thán phục và quy thuận, làm cho người ấy được vinh quang.

*Giờ đây, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người (c.31)

Con Người và Thiên Chúa tôn vinh nhau. Yếu tố nào tạo ra được sự tôn vinh hỗ tương này? Đó chính là Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu. Thật vậy, nhờ Thập Giá và Phục Sinh mà nhân loại được cứu, Đức Giêsu được tôn vinh là CHÚA, đồng thời Thiên Chúa Cha cũng được vinh hiển (x. Pl 2.6-11).

Mầu nhiệm tôn vinh gồm hàng loạt cac biến cố kiên kết hữu cơ với nhau được thực hiện tiệm tiến, từng phần trong suốt dòng lịch sử nhân loại mà chóp đỉnh là những gì sẽ xảy ra trong ba ngày cuối cùng của cuộc đời Đức Giêsu tại thế.

2/ Tấm lòng Mục Tử (Ga 13,33a.34-35)

* Đức Giêsu được tôn vinh nghĩa là nhân tính của Người được giải thoát khỏi mọi giới hạn phàm trần, được nâng lên ngang hàng với Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là từ nay Người không còn hiện diện bằng xác thân phàm nhân với môn đệ nữa. Phần của Người như vậy là đã đạt chóp đỉnh vinh quang. Nhưng tấm lòng mục tử khiến Người nghĩ đến đàn chiên còn ở lại trong trần thế. Người muốn các ông cũng thông hiệp được phần nào, và ngay ở đời này, vinh quang của Người (x. Ga 17,11-13). Do đó, Người phải chuẩn bị cho các môn đệ một cái gì đó để khi Người “tạm vắng”, không hiện diện hữu hình thì các ông vân hiệp nhất với nhau, vẫn hiệp nhất với Người, làm chứng nhân, tiếp tục sứ vụ của Người như những môn đệ đích thực. Điều Người để lại chính là giới luật yêu thương: YÊU NHƯ NGƯỜI ĐÃ YÊU.

Chúng ta có thể xem đó là cách thức Đức Giêsu làm cho các môn đệ thông hiệp mầu nhiệm tôn vinh giữa Thiên Chúa và Con Người: khi các môn đệ yêu nhau như Thầy đã yêu thì mọi người nhận biết Danh Đức Giêsu, Vị Thầy đã sống và dạy yêu thương. Đó là cách tuyệt vời môn đệ tôn vinh Người.

*Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy (c.33)

Lần duy nhất trong Tin Mừng xuất hiện lối nói này. Trong 1Ga 2,1.12.28; 3,7.18; 4,4; 5,21, “những người con bé nhỏ” ám chỉ các tín hữu, những người được vị tông đồ sinh ra trong đức tin. Cách nói thân thương này lại được thổ lộ trong giây phút sắp ra đi của người thầy yêu dấu, dọn đường cho nhân loại vào cuộc sống mới. Các môn đệ đây là những người đầu tiên hưởng ân huệ của “Đức Giêsu được tôn vinh”, được làm con, được “Đấng được tôn vinh” SINH VÀO TRONG đời sống mới. Và để chuẩn bị cho đời sống mới, ngay bây giờ họ phải “yêu nhau như Thầy đã yêu”.

*Điều răn mới: yêu như Thầy.

Luật yêu nhau không có gì mới cả (x. Lv 19,18), Cái mới là NHƯ: yêu NHƯ Thầy. Chuẩn mực không là bản thân “như chính mình” nhưng chuẩn mực là Đức Giêsu và Người còn là điểm đến, điểm quy tụ của tình yêu nữa. Giới luật này được ban ra vào lúc Đức Giêsu sắp ra đi, chấm dứt chuỗi ngày hiện diện hữu hình với môn đệ qua xác phàm hữu hạn. Khi có Người ở giữa, sự hiện diện hữu hình của Người chính là mối dây nối kết họ, làm họ nên một dù có những bất đồng tranh chấp. Bây giờ Người ra đi, cần phải có một sợi dây nối kết khác gợi nhớ sự hiện diện của Người, có đủ năng lực liên kết tất cả các môn đệ lại. Đó chính là “yêu nhau NHƯ Thầy đã yêu”. Mỗi khi người môn đệ sống tình yêu ấy, họ “nhìn thấy” Đức Giêsu trong người anh em trước mặt; Và như vậy, luật yêu thương này đã đền bù cho các môn đệ sự mất mát không còn được thấy Thầy khả giác nữa, bằng cách thăng hoa cái thấy giác quan lên bình diện cao hơn: thấy bằng đức tin nhờ đức ái.

*Mọi người sẽ nhận biết:

Luật mới của Đức Giêsu nhấn mạnh vào tình yêu giữa các môn đệ với nhau, nhưng tự bản chất của tình yêu mới đó đã mang tới một mặc khải, một sức sống cho cả những người không thuộc hàng ngũ các môn đệ: MỌI NGƯỜI sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy”. Vậy tình yêu này là MỚI MẺ là vì nó mang tự nơi mình một năng lực mặc khải dẫn con người tới sự sống: Tình Yêu ấy mặc khải cho người khác biết Đức Kitô, biết các môn đệ của Người và biết mối tương giao giữa Người với các môn đệ. Sự biết này là khởi đầu của sự sống mới.

Cái năng lực lớn lao ấy của tình yêu này bắt nguồn từ chính tình yêu của Đức Giêsu đối với các môn đệ: “như Thầy đã yêu thương anh em” nghĩa là yêu đến độ dám hiến mạng sống vì người mình yêu như Đức Giêsu sắp làm trên Thập Giá. Tình yêu này còn có cội nguồn sâu xa hơn nữa, lên tới tận Chúa Cha: “như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con” (Ga 15,9). 

Vậy cái mới nhất của tình yêu này là nó có năng lực đưa chúng ta vào trong quỹ đạo tình yêu của chính Thiên Chúa; Nó có năng lực tạo nên một thay đổi lớn lao biến Thập Giá hung tàn thành phương thế để Cha – Con tôn vinh nhau, tỏ lộ tình yêu đối với nhau và đối với mọi người, mọi loài, mang lại ơn cứu độ cho toàn vũ trụ. Được vậy là nhờ Đức Giêsu ra đi: ra đi nhưng rồi sẽ trở lại đưa những ai giữ giới luật yêu mà Người vừa ban đi vào trong cung lòng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sống giữa một thế giới xa lìa Thiên Chúa, hận thù, tị nạnh, Đức Giêsu truyền cho môn đệ lệnh truyền “yêu thương như Thầy”. Đó cũng là con đường mà Đức Giêsu trao ban để môn đệ được thông hiệp vào mầu nhiệm tôn vinh mà Thiên Chúa và Con Người thực hiện cho nhau.

3/ Sứ điệp

Tâm huyết của Mục Tử trước lúc ra đi: đàn chiên còn thơ bé, nhân loại chưa biết Cha, Đức Giêsu lại ra đi. Làm sao gìn giữ đàn chiên và quy tụ thế giới về một đàn? Bửu bối Người Mục Tử để lại: YÊU NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU.

Trong thân phận con người, sự ra đi của Đức Giêsu là đương nhiên! Dưới cái nhìn nhân loại, sự ra đi ấy mang bộ mặt hung tàn, bội phản của thập tự, chia cắt tình thân; nhưng trong tình yêu, Đức Giêsu nhận ra đó là con đường vinh quang Cha muốn Con đi để Con Người và Thiên Chúa tôn vinh nhau. Đó là phương thức giúp môn đệ trưởng thành hơn, giúp họ có điều kiện trở nên như Thầy: YÊU NHƯ THẦY; nhờ đó các môn đệ có thể làm cho chính mình và người khác nhận ra Đức Giêsu hiện diện giữa họ mà không cần tiếp xúc giác quan.

Thiên Chúa là Tình Yêu! Đức Giêsu là Tình Yêu! Khi ta sống tình yêu thì Thiên Chúa hiện diện nơi ta với tất cả quyền năng cứu độ của Người tác động trên ta. Đó chính là căn nguyên sự cứu độ cho ta và cho toàn thế giới. Hãy yêu nhau như chính Thầy.

Frère Pierre Đình Long FSC