Bài 1
G 7,1-4.6-7; Mc 1,29-39
Chủ đề: Hãy đến phó thác cho Chúa, nhất là trong lúc bất hạnh, khổ đau tưởng như tuyệt vọng.
* G 7,7: Ông Gióp nói “Lạy ĐỨC CHÚA Xin Ngài nhớ cho cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”.
* Mc 1,32.34: người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Đức Giêsu – Người chữa lành họ.
Hôm nay, Chúa Nhật V B, Mùa Thường Niên, Lời Chúa đề cập đến một vấn đề muôn thuở của kiếp nhân sinh, thân phận làm người: nỗi khổ đau, bất hạnh của con người. Các bất hạnh ấy thể hiện qua các đớn đau về vật chất cũng như tinh thần như bệnh tật, những bất công, oan ức mà kiếp người phải hứng chịu. Khốn thay, khổ đau, bất hạnh là điều con người không cách nào tránh khỏi; Vậy vấn đề là con người phải có thái độ, phản ứng nào trước những thực tế tiêu cực ấy?
Lời Chúa hôm nay cũng cho ta thấy một số phản ứng, thái độ của con người. Thái độ trước tiên là BẤT LỰC: Sức người, tự mình không thể giải quyết được các vấn đề nêu trên; Thái độ thường thấy là kêu trách, than van như trường hợp ông Gióp trong bài đọc một; Và nếu không có niềm tin tôn giáo, con người có thể oán hận đời, thù nghịch với người; Còn đối với những ai có niềm tin thì việc chạy đến cậy dựa, kêu cứu, phó thác cho thần linh là điều thường thấy, như trong bài đọc Tin Mừng “người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Đức Giêsu” (Mc 1,32); Và Tin Mừng cho thấy, họ đã không thất vọng, Đức Giêsu đã chữa lành cho họ. Tuy nhiên đó chỉ mới là những phép lạ chữa lành phần xác, giá trị nhất thời, để rồi sau đó rồi cũng phải chết. Điều mà Tin Mừng hôm nay muốn gởi đến cho kẻ tin, đó là LỜI CHÚA: Lời Chúa là câu đáp rốt ráo cho vấn đề khổ đau bất hạnh. Đức Giêsu được Thiên Chúa gởi đến để làm công việc chính yếu đó; Chính vì thế, Người luôn cầu nguyện và RAO GIẢNG.
Bài đọc một nhấn mạnh tới thái độ của ông Gióp trước nỗi khổ đau về thể xác và tâm hồn mà ông đang phải gánh chịu. Chúng ta biết chuyện ông Gióp: ông là người công chính, luôn sống đẹp lòng Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa đã cho phép quỷ Satan thử thách ông: hủy diệt tất cả tài sản, con cái ông, thân xác ông lại bị ghẻ nhọt hành hạ. Thế nhưng, chung cuộc, Gióp vẫn trung tín với Chúa cho dù trí khôn của ông không lý giải được tại sao ông lại bị tai hoạ như … Tất cả nhằm cho Satan thấy, Gióp thật sự là ngay chính cả khi trong cơn thử thách. Nhưng cái khổ phần xác ấy chẳng ăn thua gì với cái khổ trong tâm hồn là hệ quả của những tai ương phần xác: từ bạn bè thân hữu, ai nấy đều cho rằng Gióp là kẻ tội lỗi nên mới bị Thiên Chúa giáng phạt một cách thê thảm như thế. Bệnh thể xác ngày đêm hành hạ ông, nỗi oan khiên làm ông tuyệt vọng vì không sao tự biện hộ cho mình được. Trong hoàn cảnh bi đát đó, bài một hôm nay ghi lại hai phản ứng của ông:
-
Thở than vì nỗi khổ: ông diễn tả nỗi khốn cùng qua ba hình ảnh: * đời người tại thế là THỜI KHỔ DỊCH. * là chuỗi ngày vất vả lao lung của KẺ LÀM THUÊ * là THÂN NÔ LỆ bị vắt kiệt lực mà không được chút quyền lợi nào. Từ đó ông rơi vào tâm trạng bi quan, hoang mang, bất ổn: – chiều thì mong mau sáng – sáng đến lại mong tới hoàng hôn – cả ngày chìm trong mê sảng – thấy đời qua mau không tia hy vọng.
-
Phó thác, dâng tất cả lên Chúa cho dù không thấy hướng giải quyết nào: tình trạng trước mắt là vô vọng ông vẫn cậy tin “XIN CHÚA NHỚ CHO”.
Tin Mừng thuật lại một ngày hoạt động của Đức Giêsu nhằm cứu vớt dân làng Capharnaum khỏi những khổ đau về thể xác lẫn tâm hồn (phép lạ cho phần xác; Lời rao giảng cho tâm hồn).
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vào nhà ông Simon và Anrê, lúc ấy bà mẹ vợ ông Simon đang sốt nằm liệt. Các môn đệ cầu xin cho bà và Đức Giêsu đã chữa lành cho bà. XÁC LÀNH KÉO THEO HỒN MẠNH: Nhờ được cứu, từ chỗ là một người nằm liệt, vô dụng, còn là gánh nặng cho kẻ khác, bà đã trở nên NGƯỜI PHỤC VỤ CỘNG ĐOÀN THIÊN SAI gồm Đức Giêsu và môn đệ. Việc chữa lành cá nhân ấy đã khai mào cho NIỀM TIN của cả thành: dù trời sắp tối “người ta vẫn đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người …”.
Đáng tiếc là về phía nhân loại, người ta chỉ dừng lại ở cái trước mắt: CHỮA LÀNH VẬT CHẤT. Đối với Đức Giêsu, “phép lạ” không phải là điều Người chọn để làm câu đáp cho nỗi khổ đau, bất hạnh của con người. Điều Người muốn là đừng để tâm hồn con người bị khống chế, điều kiện hóa bởi khổ đau, bất hạnh. Trái lại phải biết tận dụng chúng khi phải đối đầu với khổ đau, bất hạnh, biến chúng thành phương thế nhận ra thánh ý Chúa. Điều Đức Giêsu muốn mang đến là LỜI CHÚA: “Thầy còn rao giảng ở đó nữa vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Vậy Lời Chúa mới là lời giải đáp cho nhân loại trước những khổ đau, bất hạnh của kiếp người. Hãy đến với Đức Giêsu với tất cả niềm cậy tin phó thác, thân thưa mọi sự lên Người, để Lời Người trở thành lời đáp, tiếng nói chung cuộc cho mọi sự trong cuộc đời chúng ta.
Bài 2
G 7, 1-4.6-
Mc 1, 29-39
Đức Giêsu đến nhà 2 ông Simon và Anrê…Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ (1, 29.33.34)…Rồi Người đi khắp miền Galilê rao giảng…và trừ quỷ (1,39)
Lời Chúa hôm nay đặt tất cả nhân loại, không trừ ai, trước một thực tế phũ phàng luôn úp chụp trên kiếp người dù chẳng ai mong muốn, một thực tế không sao né tránh được: đó là đau khổ, bệnh tật và chóp đỉnh là CÁI CHẾT.
Theo Kinh Thánh, Sáng thế 2-3, “Khổ”, “bệnh”, “lão”, “tử”, lại còn bị quỷ ma quấy phá, khống chế… là hậu quả của tội lỗi. Đó bị coi là án phạt vì con người đã chống lại Thiên Chúa, khước từ tình yêu quan phòng của Người, không muốn đón nhận sự che chở của Người, chối từ sức sống bền lâu được Thiên Chúa trao ban miễn phí qua việc được tự do ăn trái cây Trường Sinh bất kỳ lúc nào mình cần, để chạy theo những hiểu biết, kiến thức nhất thời, cuộc bộ, ảo tưởng do Rắn bày vẽ ra và gán cho trái cây của Cây Biết Thiện Ác.
Hậu quả là con người bị sống xa cách Thiên Chúa, không còn hưởng được phúc lộc do trái Cây Trường Sinh mang lại. Trong khi đó thì “nọc độc” của quả Cây Trái Cấm, vì con người đã ăn vào, đã thấm sâu vào máu huyết con người; Và “nọc độc” ấy đã tác động, ảnh hưởng trên suy tư, lời nói, hành vi của con người, làm con Người ngày càng suy kiệt. Các yếu tố giúp con người vươn lên là tình yêu của Thiên Chúa, là trái Cây Trường Sinh đã xa tầm tay rồi, giờ đây con người chỉ còn biết bám víu vào bản thân, một bản thân mà máu huyết, trí tuệ đã bị “nhiễm độc”, do đó việc tự sức hồi phục là không thể, chưa kể là còn có Quỷ luôn rình chờ hãm hại.
Một trong những vấn nạn làm suy kiệt con người là “ĐAU KHỔ. Đứng trước một thực tại phũ phàng không sao tránh được như vậy, nhân loại, cá nhân đã làm gì? Phản ứng ra sao?
Cam chịu? Nổi loạn? Buông xuôi? Vùng vẫy điên cuồng tìm đủ mọi cách để thoát khỏi đau khổ bằng sức riêng mình? Hoặc chạy đến với các ngẫu thần với ảo tưởng rằng chúng (các ngẫu thần) sẽ giúp mình bớt khổ?
Tất cả mọi cách thức trên đều có một điểm chung là muốn trốn chạy đau khổ, muốn loại bỏ hẳn sự đau khổ ra khỏi cuộc sống của nhân loại. Nhưng càng nỗ lực loại trừ thì khổ đau càng lớn mạnh.
Mặc khải Kitô giáo mở ra cho nhân loại một con đường mới: không trốn chạy, không đòi diệt trừ (vì sức người không làm được). Phải can đảm đối đầu với thực tế: dòng máu độc khổ đau đã thấm vào máu huyết quản ta rồi. Chỉ còn một phương dược để cứu sống tận căn: LỌC MÁU TOÀN DIỆN, thay thế “máu độc” do nghe lời Rắn, do ăn trái cây biết thiện ác bằng Lời Chúa, bằng Trái của Cây Trường Sinh. Trong cụ thể của dòng lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã thực hiện điều diệu kỳ ấy trong con người Đức Giêsu, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thập Giá, Phục Sinh của Người và qua việc Người tuôn ban dồi dào Thánh Thần trên chúng ta; nhờ vậy đống xương khô không còn máu thịt da, không còn chút sức sống nào, tưởng chừng chờ mục nát…đã được “con người”, theo lệnh Thiên Chúa truyền phán, tuyên phán và hồi sinh thành đạo binh hùng mạnh (x. Ed 37, 1-10).
Đối diện với mầu nhiệm đau khổ mà chóp đỉnh là sự chết, Thiên Chúa đã chọn con đường HIỆP HÀNH (cùng nhau đi chung trên một con đường, cùng nhau tiến bước: Sunôdôs) xuống thế mang lấy phận con người với tất cả mọi hệ lụy kể cả chết như một tử tội (x. Pl 2, 6-8: Đức Giêsu không trốn chạy, không diệt trừ đau khổ) “đổ hết máu mình và cạn kiệt”. Để rồi từ đó Thiên Chúa đã làm một cuộc “thay máu toàn diện”: từ nơi con người gục đầu tắt thở trên Thập giá đó, mầu nhiệm về căn tính thần linh của Người được công bố: “con người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39); Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người…mọi người phải tuyên xưng GIÊSU là Kitô là Thiên Chúa (Pl 2, 9-11)
Câu chuyện của ông Gióp được kết bằng việc ông Gióp được thanh minh, được Thiên Chúa ban tài sản, danh vọng, con cái…gấp đôi. Đó không là lời đáp đích thực. Lời đáp đích thực cho vấn nạn đau khổ, chết chỉ có đáp số trọn vẹn trong Nhập Thể, làm người trọn vẹn, Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu. Chỉ khi nào con người chấp nhận HIỆP HÀNH với kiếp phận con người tội lỗi, khổ đau, phải chết trong lòng tin cậy phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa thì lúc đó cho dù cuộc đời của mình trong hiện tại, và cuối cùng là chết như thế nào đi nữa thì Người tín hữu thực sự đã là người chiến thắng khổ đau và sự chết trong Thập Giá của Đức Kitô.
Chủ điểm phụng vụ
Lời Chúa hôm nay đề cập đến một vấn đề muôn thuở của kiếp người: nỗi bất hạnh của phận người, được thể hiện qua khổ đau, bệnh tật. Lời Chúa cũng cho thấy phản ứng của con người trước thực trạng đó. Giải pháp được đề nghị là kết hợp với Chúa trong tâm tình phó thác trong mọi tình huống. Còn phần Thiên Chúa, Người đã cùng con người khắc phục khổ đau bằng cách chấp nhận gánh vác khổ đau qua việc nhập thể làm người của Đức Giêsu, biến khổ đau thành phương tiện tuân phục ý Chúa, thành cửa ngõ dẫn tới phục sinh vinh hiển.
Bài đọc 1 trích lời than thở của ông Gióp đang bị đau khổ hành hạ mà không rõ vì sao mình lại chịu như vậy. Qua những câu hỏi liên tiếp tự đặt ra, Gióp xác định đời là bể khổ: cuộc sống con người là thời khổ dịch, là chuỗi ngày vất vả lao lung, là những tháng vô vọng, là những đêm đau khổ ê chề. Ông mong những thời khắc đen tối ấy qua mau đi, nhưng rồi đêm qua ngày đến, hết ngày đến đêm, ông không hề thấy được tia hy vọng nào. Bài đọc 1 kết bằng lời thở than phó thác của Gióp cho Chúa dù không hiểu, không thấy tương lai: ông kết hợp thờ lạy Chúa ngay trong đau khổ.
Tin Mừng cho thấy thân phận người tràn ngập khổ đau qua những bệnh tật, quỷ ám mà con người phải chịu. Nhưng ở đây, phản ứng của con người đã khác vì có Đức Giêsu đang ở giữa họ: họ chạy đến với Đức Giêsu, cầu cứu Người, giới thiệu, đem bệnh nhân đến cho Người; Đáp lại. Đức Giêsu đã chữa lành cho họ, nhưng đó không là cách chữa tận căn những khổ đau. Điều Đức Giêsu mang tới là kết hợp với Thiên Chúa qua cầu nguyện lấy đó làm sinh lực loan báo Tin Mừng và mời sám hối (x. Mc 1, 14-15). Đó mới là phương thuốc chữa tận căn những khốn khổ, bất hạnh của con người, và cũng là chọn lựa mà Thiên Chúa muốn con người phải làm khi đối diện với đau khổ. Việc chữa lành bên ngoài chỉ là giải pháp đối phó nhất thời, là dấu chỉ con người có thể thắng vượt được đau khổ. Điều quan trọng nhất, giải pháp tận căn là nhận ra Thiên Chúa đang đồng hành với ta, khắc phục đau khổ qua việc đảm nhận toàn bộ thân phận con người trong Đức Giêsu Kitô.
BÀI ĐỌC 1: G 7, 1-4. 6-7
Văn mạch
Gióp là một sách thuộc loại suy tư khôn ngoan. Con người cố gắng tìm câu đáp cho vấn đề muôn thuở: khổ đau và thưởng phạt. Vào thời sách Gióp được soạn thảo, đức tin của Israel về đời sau chưa rõ nét: chết rồi tất cả mọi người tốt lẫn xấu đều phải xuống Shêol sống trong tối tăm, buồn thảm. Do đó ý niệm về thưởng phạt hoàn toàn diễn ra ngay trong cuộc sống trần thế này: kẻ lành sẽ sống lâu, hạnh phúc; kẻ dữ sẽ chết non, đau khổ…Tuy nhiên trong cuộc sống, sự thật không luôn như thế; nên sách Gióp cố đưa ra một đột phá ngang qua câu chuyện ông Gióp sống công chính mà vẫn bị tai họa khổ đau. Và ở đây, khổ đau được coi như là liều thuốc thử để xem người lành thực sự công chính đến mức nào. Kết chuyện, ông Gióp cũng được thanh minh và được thưởng gấp đôi những gì đã mất, ngay ở đời này. Vậy vấn đề ý nghĩa của khổ đau chưa được giải quyết. Phải chờ đến Thập Giá của Đức Giêsu. Tuy nhiên sách Gióp đã đưa ra một cái nhìn mới về đau khổ: đó không nhất thiết phải là án phạt của tội; nhưng qua đau khổ mà người công chính phải chịu, Thiên Chúa đang có một dự tính mà sức người trong hiện tại chưa hiểu được. Vậy phải trung tín thờ phượng Chúa ngay cả trong khổ đau tăm tối, với niềm xác tín vào sự công bình và vào đường lối diệu kỳ của Chúa.
Sách Gióp mở đầu (1, 1-2, 25) và kết thúc (42, 7-17) với 2 đoạn văn xuôi tạo nên một cốt truyện làm bối cảnh cho nội dung sách Gióp: ông Gióp đang giàu có, hạnh phúc, đột ngột bị rơi vào cảnh đau khổ cùng cực. Cơ sự không do ông có tội lỗi gì nhưng do Satan ganh tị và Thiên Chúa qua đó cũng muốn thử lòng trung tín của Gióp. Kết quả ông đã trung tín đến cùng bấT chấp những khổ đau ghê sợ từ thể xác đến tinh thần và cuối cùng Thiên Chúa đã tưởng thưởng cho ông xứng đáng. Phần giữa của sách là những cuộc đối thoại, mong tìm giải thích nguyên do đau khổ của Gióp:
– Khởi đầu, vì quá đau khổ, Gióp đã nguyền rủa ngày ông chào đời (3,1-26).
– Tiếp đến là cuộc đối thoại của Gióp với 3 người bạn thân: mỗi người lần lượt khuyên Gióp và lập lại 3 lần: như vậy Gióp có 9 lần đáp lại. Cả 3 người bạn đều dựa theo quan điểmcổ điển cho rằng Gióp phạm tội gì ghê gớm nên mới bị phạt khổ đau như vậy: Gióp đã phản bác lại: ông không dám cho mình là vô tội, nhưng thật lòng ông không biết mình đã sai phạm điều gì mà chịu đau khổ đến như vậy (CGKPV “các sách Giáo huấn” 1997 trang 105 k) và ông muốn gặp Chúa để trần tình (4,1-31,40) (xem G 13,23-24: 31,35abc).
– Tiếp lời của Gióp đòi gặp Chúa trần tình (31,35-40), 1 hiền nhân khác, trẻ, tên Êlihu lên tiếng bênh vực Chúa khuyên Gióp chớ kêu ngạo (35,2-4) nhưng hãy nhận tội (34,31-37)… nghĩa là Êlihu chỉ lập lại quan điểm của 3 vị trước (ch 32-37.x. Sđd 102 r).
– Cuối cùng Thiên Chúa lên tiếng (ch 38-41). Lời giải thích của Chúa chủ yếu đưa Gióp chiêm ngắm kỳ công Chúa trong công trình sáng tạo, chứ không giải thích ý nghĩa của đau khổ. Thế nhưng khi nghắm nhìn mầu nhiệm sáng tạo, Gióp nhận ra giới hạn của mình và chấp nhận đường lối của Chúa chứ không phán đoán dựa theo suy nghĩ giới hạn của phàm nhân nữa (42,1-6).
Bài đọc 1 hôm nay trích từ lời đáp đầu tiên của Gióp cho lời khuyên thứ nhất của anh bạn thứ nhất là Êliphat. Gióp thở than đời là bể khổ, đồng thời nhìn tới tình trạng khốn cùng hiện tại của mình thấy thật là thất vọng. Nhưng với bài đọc 1, thái độ cuối cùng của Gióp là chạy đến cùng Thiên Chúa than thở về nỗi bất hạnh của mình.
CẤU TRÚC và SUY NIỆM
-
Đời là bể khổ (G 7,1-2)
-
Dưới dạng câu hỏi, Gióp xác định:
– Đời người tại thế là thời khổ dịch
– Là chuỗi ngày vất vả lao lung của kẻ làm thuê
-
Và xác định bằng một hình ảnh so sánh:
– như nô lệ mong chờ bóng mát
– như người làm thuê mong tiền công
Câu 1 và 2, Gióp trình bày cách chung thân phận cùng khốn của kiếp người. Ba hình ảnh được Gióp dùng để nói đời là bể khổ là:
Thời khổ dịch: dịch sát là “quân dịch” ám chỉ những khổ dịch trong đời lính. “Đời sống của người thi hành nhiệm vụ quân sự rất cực khổ (Is 40,2 nốt i).” Cuộc sống của người lính đôi khi được coi như cuộc đời 1 nô lệ (x. Lc 7,8) làm việc quần quật suốt ngày theo lệnh cấp trên” (Sđd 43, u), đương nhiên là không có lương, mà làm sai hoặc không đạt yêu cầu còn bị phạt nữa.
Kẻ làm thuê: không đất đai, tài sản, không ngành nghề… chỉ bán sức lao động từng ngày để sống: ngày nào không được ai thuê (x.Mt 20,7) là đói. Tiền công chỉ nhận được vào cuối ngày (Đnl 24,15: Mt 20,8). Lắm khi còn bị chèn ép tiền lương nên luật đã bảo vệ họ và buộc không cho cầm giữ tiền lương của họ (Đnl 24,14-15: Lv 19,13). Họ chỉ mong cuối ngày có được đồng lương công bình để lây lất qua ngày đoạn tháng.
Nô lệ: bị vắt kiệt sức, bóc lột tận tủy nhưng không mong được chút quyền lợi nào. Họ chỉ mong bóng mát, nghĩa là chiều đến để được chút nghỉ ngơi, chợp mắt qua đêm rồi ngày mai lại nô lệ tiếp tục.
2) Trải nghiệm cụ thể của Gióp (G 7,3-4.6)
*Mang nơi mình bệnh tật, được mô tả (c. 3):
– gia tài của tôi là những tháng vô vọng
– số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề
* Tâm trạng của Gióp: hoang mang, bất ổn, bi quan (c. 4):
– chiều đến thì mong mau sáng
– sáng đến lại mong tới hoàng hôn
– cả ngày chìm trong mê sảng
– thấy đời qua mau không tia hy vọng. (c. 6)
Câu 3 và 4 mô tả tâm trạng của Gióp, được viết ở ngôi 1 số ít: Gióp nói về tình trạng của ông: bệnh đã lâu (những tháng), hoàn cảnh thật bi đát và vô vọng, vì ông không tìm ra được căn nguyên của nỗi bất hạnh ông đang phải chịu; Vì đâu ông phải lãnh nhận một gia tài, một số phận khổ đau, ê chề như thế. Từ đó tâm trạng của ông thật hoang mang, bi quan, so với người nô lệ, làm công thì còn tệ hại hơn: họ mong chiều đến để được lãnh lương hay được ngủ nghỉ; còn Gióp chỉ thấy bóng đêm mịt mù; đến tối họ yên tâm ngủ, còn Gióp trần trọc suốt đêm vì đau nhức. Đêm đến thì mong ngày, ngày tới lại mong đêm không 1 tia hy vọng (c. 6). Đời quả là bể khổ.
3) Tâm tình phó thác: giãi bày cho Chúa tâm sự của mình (G 7,7)
* thân thưa cùng Chúa: Lạy Chúa xin Ngài nhớ cho
* trình bày cơ sự: – đời con chỉ là hơi thở
– mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ
“Hơi thở”: dịch sát là “gió”. Đời con như cơn gió thoáng qua hàm ý cuộc đời mau qua, không chắc chắn, trống rỗng: x. Is 41,29; Gr 5,13; Gv 1,14 (Sdd 44 e).
Vào thời sách Gióp ra đời, niềm tin vào đời sau chưa được tỏ lộ rõ ràng, nên Gióp hoàn toàn thất vọng về tình trạng cuộc sống hiện tại của mình: thân tàn ma dại không còn sinh lực, khổ đau, trống rỗng, đời không ý nghĩa rồi sẽ qua mau trong quên lãng vì các con ông đã chết hết, ông tuyệt tự. Vì chưa được mặc khải mầu nhiệm phục sinh thân xác, người xưa cho rằng dù đã chết sự sống của mình còn tiếp tục nơi con cái, còn được tiếp tục hiện hữu nhờ được hậu duệ tưởng nhớ đến (ĐNTHTK sự SỐNG II,1); không con bị coi như là cuộc sống chấm dứt vĩnh viễn khi chết vì không được còn ai nhớ đến.
Trước tình trạng bế tắc đang gặp phải, Gióp chỉ biết dâng tất cả lên cho Thiên Chúa. Tuy nhiên ông đã phải chiến đấu cam go với bạn bè (qua họ là với cả 1 quan điểm xã hội, tôn giáo về thưởng phạt) và nhất là với bản thân (cũng bị tác động bởi quan niệm cũ) để cuối cùng mới chấp nhận tuân phục đường lối của Thiên Chúa cách tự nguyện, chấp nhận tình trạng hiện tại của mình (42,1-6). Như vậy dù chưa tìm ra được câu đáp dứt khoát cho vấn đề kẻ lành phải chịu khổ, nhưng chuyện Gióp đã cho ta một bài học quý giá: nhờ can đảm đối đầu với sự dữ trong tín trung với Chúa mà Gióp khám phá ra được cái sai lầm chết người vẫn còn ẩn tàng trong mình mà ông không biết: chỉ là phàm nhân mà ông cả gan tự đứng vào vị trí của Thiên Chúa để đoán xét (x. CGKPV Sđd 130 a). Đó là một biến thái tinh vi của tội nguyên tổ.
4/ TÓM KẾT:
Bài đọc 1 cho thấy sự bế tắc của lý trí nhân loại trước thực tế đau khổ của người công chính, đồng thời cũng đưa ra 1 nỗ lực đáp trả là thái độ phải có của con người trước thực tại huyền nhiệm ấy. Gióp thở than đời là bể khổ và tình trạng của ông là một minh họa tỏ tường và ông kết luận đời ông sẽ qua đi trong buồn thảm vô vọng. Tuy nhiên thái độ chung cuộc của Gióp vẫn là phó thác tất cả cho Thiên Chúa, trình bày mọi cơ sự lên cho Người trong tâm tình thờ lạy đường lối của Người trên đời ông với xác tín Chúa thương ông (Sđd 129 x) hàm ý ông tin rằng Người sẽ có cách tuyệt hảo để giải quyết vấn đề của ông.
Vậy có lẽ sứ điệp chính của sách Gióp không nhắm vào đưa ra 1 giải đáp cho vấn để đau khổ, thưởng phạt, mà đưa ra 1 lời khuyên khôn ngoan tôn giáo: phải có thái độ nào đối với Thiên Chúa khi bị rơi vào nghịch cảnh bất công vượt tầm lý trí, sự hiểu nhân loại. Đừng lấy cái khôn ngoan hữu hạn, nhất thời phàm nhân để xét đoán đường lối của Thiên Chúa, một cách tiếm quyền Thiên Chúa.
Qua khổ đau, Thiên Chúa tinh luyện đức tin của Gióp, giải thoát ông khỏi nguy cơ nguyên tội còn tiềm ẩn trong ông. Qua đau khổ, Gióp thật sự đi vào tương quan tôn thờ đích thực Thiên Chúa trong mọi sự mà Chúa muốn cho ông với niềm xác tín Chúa thương ông.
TIN MỪNG: Mc 1, 29-39
Tin Mừng hôm nay tiếp tục thuật lại những việc làm đầu tiên của Đức Giêsu trong giai đoạn khai mạc sứ vụ công khai của Người. Trong giai đoạn ngắn ngủi này, có thể nói được là Đức Giêsu gặt được những thành công nhất định:
-Việc rao giảng của Người phải nói là thuận lợi, phản ứng của người nghe tương đối tích cực: họ sửng sốt trước các lời rao giảng của Người, họ nhận thấy Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền (1,22), họ nhìn nhận giáo lý Người dạy là mới mẻ, quyền uy (1,27).
– Việc mới gọi các môn đệ tiên khởi cũng phải nói là hết sức thuận lợi: chỉ một cái nhìn, một lời mời ngắn gọn thì những ai được gọi đều bỏ lại tất cả những gì họ đang có để đi theo Người (1,16-20).
– Uy tín, quyền lực của Người càng được củng cố nhờ những việc làm vang dội: trừ quỷ, phép lạ, cho dù thời điểm lại là ngày Sabat, ngày cấm làm những việc ấy. Tất cả mọi người đều hân hoan đón nhận các việc làm của Người không hề thắc mắc, không chút chỉ trích, bắt lỗi.
Nói chung, đây là giai đoạn thành công trong sứ vụ của Đức Giêsu. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu đến nhà hai ông Simon và Anrê, vào nhà, Người chữa lành cho bà mẹ vợ của Simon. Và sau đó, ngay trước cửa ngôi nhà này, Đức Giêsu và môn đệ phải làm việc suốt ngày để chữa lành cho dân và giải thoát họ khỏi quyền lực của sự dữ. Ngôi nhà của Simon đã trở thành nơi đám dân khổ đau quy tụ lại và được chữa lành. Như vậy, qua ngày hôm sau, là ngày thứ nhất trong tuần, sự bình an, khỏe mạnh đã ngự trị trong thành Capharnaum nhờ sự có mặt của Đức Giêsu trong thành.
Sau một đêm nghỉ ngơi yên ổn, Đức Giêsu đón chào ngày mới bằng tâm tình cầu nguyện, gặp gỡ Cha. Trong khi đó đám đông đang háo hức chờ ngày mới với những hy vọng hưởng được nhiều phép lạ mới. Họ đi tìm Người, thế nhưng Đức Giêsu đã từ chối những khát vọng trần tục của họ. Người hé mở cho họ thấy sứ vụ chính yếu của Người: RAO GIẢNG và giải cứu con người khỏi quyền lực của ma quỷ (1, 39).
CẤU TRÚC và SUY NIỆM
-
Chữa lành nhạc mẫu Simon (Mc 1,29-31)
-
Bối cảnh: NGAY LẬP TỨC, rời hội đường… đến NHÀ Simon và Anrê, có Giacôbê và Gioan đi theo
-
Tình hình trong NHÀ: mẹ vợ Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường.
-
Vai trò của môn đệ: họ nói cho Đức Giêsu biết tình trạng của bà
-
Chữa lành: Đức Giêsu lại gần cầm tay bà, đỡ dậy
-
Kết quả: – dứt sốt ngay
– và bà phục vụ các ngài
Sau khi công bố Nước Trời đã tới và mời gọi tin vào Tin Mừng, Đức Giêsu của Macco chọn ngay khung cán bộ. Đó là những người nghe lời gọi của Đức Giêsu, từ bỏ các ràng buộc cũ: nghề nghiệp, gia đình, lối sống… đi theo Đức Giêsu, trở nên con người mới, đi lưới người. Với nền tảng ấy, Đức Giêsu bắt đầu hoạt động. Và Macco đã giới thiệu một ngày mẫu hoạt động của Đức Giêsu. Đó là ngày SABAT. Thay vì là ngày nghỉ theo luật Do Thái, đó lại là ngày hoạt động cật lực của Đức Giêsu từ sáng tới tối để giải cứu con người khỏi quyền lực ma quỷ đang khống chế họ. Cong việc sáng tạo, hồi phục của Thiên Chúa đang tiếp tục nơi Đức Giêsu: “cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Giai đoạn mới bắt đầu.
Những hoạt động trong ngày mẫu của Đức Giêsu được tóm lược trong 2 việc: rao giảng và làm phép lạ, đặc biệt là trừ quỷ, luôn có môn đệ đi theo. Còn trung tâm hoạt động thì dịch chuyển từ hội đường Do Thái, đến NHÀ của Simon và Anrê, rồi qua sáng hôm sau thì tầm hoạt động của Người đã trải rộng khắp Galilê.
Lập tức: một trạng từ quen thuộc nơi Marcô. Chỉ trong chương 1 đã có 11 lần: cc 10,12,18,20,21,23,28,29,30,42,43. Cách chung từ này không có ý nghĩa đích xác chỉ thời gian, vì Marcô không mấy quan tâm đến tính cách liên tục hợp lý mà chỉ muốn trình bày ở đây (cc 21-39) một ngày mẫu về sứ vụ Đức Giêsu (GH Piô X Học Viện “chú giải… năm B Thường niên trang 77). Tuy nhiên chỉ trong một ngày ở Caphanaum mà tới 5 lần “lập tức”, chắc hẳn điều này nói lên tính CẤP BÁCH, KHẨN CẤP của sứ mạng Đức Giêsu (cc.21,23,29) và của các môn đệ (c.30) là những người được Đức Giêsu mời gọi để “ở lại với Người” và tham gia sứ mạng của Người: “để Người sai đi rao giảng” (3,14). Đòi hỏi của sứ vụ cấp bách đến độ các ngài không có giờ để nghỉ ngơi ăn uống (3,20).
Rời hội đường: việc bị quỷ ám lại xảy ra ngay trong hội đường, lại là ngày Sabat (ngày thờ phượng, thánh thiêng, thánh hóa cho Thiên Chúa). Qua các biến cố này, phải chăng Marcô ngầm bảo: thời của hội đường đã qua, cần phải nhường chỗ lại cho cái mới đang tới trong Đức Giêsu. Vì thế cần phải “rời hội đường ngay lập tức” để có thể sẵn sàng đón nhận cái mới; Cần phải “ra khỏi đó như một cuộc xuất hành mới” (Sđd trang 78).
Đến NHÀ hai ông…: mặc dù chưa được gọi là NHÀ của PHÊRÔ (ám chỉ Giáo Hội) như trong Mt 8,14 nhưng đây đã là nơi mà các môn đệ lần đầu thực thi vai trò trung gian chuyển cầu hữu hiệu cho ai đang ở trong NHÀ đó. Rồi sau đó, trong Marcô, NHÀ là nơi Đức Giêsu sống thân tình với các môn đệ, cũng là nơi Người đào tạo riêng cho các ông (7,7; 9,28.33; 10,10). Ngoài ra, trong một số trường hợp, NHÀ còn là nơi Đức Giêsu và môn đệ đón tiếp đám đông, giảng dạy và chữa lành cho họ (1,32; 2,1; 3,20). Vậy những nét đặc thù của cộng đoàn Giáo Hội đã được Marcô kín đáo tỏ bày trong thuật ngữ “NHÀ” của Simon và Anrê.
Cơn sốt: người Do Thái thường xem cảm sốt như một hình phạt của Thiên Chúa, đi theo với chứng kiệt sức (Đnl 28,22; 32,24; Lv 26,16) hay với bệnh dịch (Kb 3,5). Về sau người ta thường gán cảm sốt cho một con quỷ (Sđd trang 80). Theo hướng hiểu đó thì việc chữa sốt được xem như một cuộc giải phóng con người khỏi quỷ, khỏi khổ đau do những sai phạm luân lý, tội lỗi gây ra. Nói cách khác, qua chữa sốt, Đức Giêsu đã THA TỘI cho con người (x. 2,5); điều ấy hàm ý thời thiên sai đã tới vì Đức Giêsu hành động với quyền năng của một vị Thiên Chúa, tiếc thay nhiều người đã không nhận ra dấu chỉ nên đã chối từ Người (x. 2,7).
Cách chữa lành củng cố thêm cho cách hiểu trên: “Tiến lại Đức Giêsu cho bà CHỖI DẬY bằng cách nắm lấy tay bà..” (c.31 dịch sát). “Làm chỗi dậy”= êgêiro là động từ đặc biệt dùng để chỉ sự phục sinh của Đức Giêsu. Vậy mọi hành động của Đức Giêsu đều nhắm tới mục đích thông ban ơn huệ phục sinh cho con người; Vậy nơi thông ban là nhà của môn đệ.
Vai trò môn đệ trong việc chữa lành: “Lập tức, họ nói cho Người biết…”.Chính trong ngôi nhà của mình mà các môn đệ- khi có Đức Giêsu ở giữa, đến thăm- đã biểu lộ ra được vai trò trung gian của mình. Họ trở nên nhạy cảm trước tình trạng bất hạnh của người ở trong nhà và họ đã mau mắn chuyển cầu cho người bất hạnh.
Đáp trả khi đã được chữa lành: phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ. Được chữa lành là để phục vụ. Vậy phục vụ là một hồng ân vì chỉ những ai được giải thoát khỏi những ràng buộc của quỷ và tội thì mới phục vụ tốt được. Phục vụ là một hành động tự do. Không có tự do thì không có phục vụ đích thực. Ở đây phục vụ chỉ là việc thường ngày: dọn bàn ăn với tấm lòng biết ơn, chứ không phải là làm những gì vĩ đại. Vậy cuộc sống của ta được đan dệt bởi mọi việc lớn nhỏ thường ngày được bao gồm trong 2 tác động: đón nhận hồng ân (Thiên Chúa thi ân) để rồi đáp trả lại bằng hằng ngày phục vụ. Các môn đệ đã được Đức Giêsu thi ân (gọi theo Người) và các ông đã phục vụ (giới thiệu người bệnh cho Người); Mẹ vợ Simon đã được cộng đoàn thiên sai (Đức Giêsu và 4 môn đệ) thi ân, đáp lại bà đã phục vụ các ngài.
Chúng ta là những tín hữu đã được Thiên Chúa thi ân trong Đức Giêsu và qua Giáo Hội, vậy cuộc sống hằng ngày của chúng ta phải là một chuỗi những phụ vụ: giới thiệu tội nhân đến với Chúa và Giáo Hội đồng thời phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội từng ngày.
-
Bản tóm tắt sứ mạng của Đức Giêsu
2.1. Sứ mạng giải cứu: bảng tóm tắt những hoạt động chữa lành (Mc 1,32-34)
-
Thời điểm: khi mặt trời đã lặn- Nơi chốn: Trước cửa nhà
-
Sự kiện: người ta đến với Đức Giêsu đem theo tất cả bệnh nhân, kẻ bị quỷ ám
-
Kết quả: Đức Giêsu chữa lành tất cả, nhưng cấm quỷ nói vì chúng biết Người là ai
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, theo cách tính thời gian của người Do Thái, có nghĩa là đã bước qua một ngày mới. Cái mới bắt đầu hé mở. Thực sự cái mới đó đã khởi sự rồi, ngay trong ngày Sabat: Sabat không còn là ngày nghỉ nữa mà là một ngày tất bật với bao công việc thi ân: giảng dạy (21-22); Trừ quỷ thanh luyện cho hội đường và qua đó chận đứng mưu toan phá hoại kế đồ Thiên Chúa của quỷ khi cấm nó tiết lộ sớm căn tính Đức Giêsu (23-26); Mở ra giai đoạn mới: rời hội đường vào nhà môn đệ (29); Giải cứu người ngụ trong nhà môn đệ khỏi con quỷ sốt (35). Tất cả những hoạt động ấy không hề bị chống đối.
Và những người được giải cứu cũng theo gương Đức Giêsu cũng làm việc qua các việc phục vụ: môn đệ giới thiệu bệnh nhân cho Đức Giêsu (c. 30: ngược lại quan điểm Do Thái): x. Lc 13, 14 b ); Nhạc mẫu Simon dọn bàn đãi khách (phục vụ trong bối cảnh phép lạ này là đãi ăn uống: x. Sđd trang 82) nghĩa là phải nấu nướng vốn là điều bị cấm trong ngày Sabat (x. Xh 35, 3; 16, 23).
Ngày Sabat trở thành ngày hoạt động thi ân và phục vụ vì lợi ích của dân mới của Chúa, ngày giải phóng và tự do. Thời kỳ mới khởi sự. Chính vì thế, ngay sau một ngày Sabat đầy việc, Macco giới thiệu những nét chính của sứ mạng Đức Giêsu, đã được minh họa sơ qua trong hoạt động ngày Sabat, giờ được gom lại trong hai bảng tóm tắt:
– Bảng 1: giải cứu khỏi quỷ và tội qua việc chữa lành (khắc phục hậu quả của tội) và trừ quỷ.
– Bảng 2: đưa vào vận hội mới bằng việc rao giảng.
Nơi chốn: “TRƯỚC CỬA” không còn khép kín gò bó trong bốn bức tường của hội đường hay nhà Simon nữa, không gian của cuộc thi ân giáng phúc đã mở rộng ra, và thời điểm CHIỀU ĐẾN cũng không cản trở được người ta kéo đến với Đức Giêsu. Hình ảnh “TRƯỚC CỬA”: mang tính biểu tượng, công trình của Đức Giêsu qua giai đoạn mới này là phổ quát (hết ngày Sabat); đối tượng không chỉ là một người quỷ ám, một nhạc mẫu Simon nữa mà là tất cả những ai đến với Đức Giêsu.
Tuy nhiên đây chỉ là buổi khai mạc, nên căn tính của Đức Giêsu còn đang tạm che dấu chờ khi thập giá được giương cao xóa tan mọi hiểu lầm, lạm dụng về tước hiệu Mêsisa thì mới trọn vẹn.
2.2 -Sứ mạng rao giảng (Mc 1, 35-39)
-
Thời điểm tỏ lộ: sáng sớm, lúc trời còn tối mịt (35 a )
-
Hành động của Đức Giêsu: CHỖI DẬY, ra nơi hoang vắng, cầu nguyện (35 b )
-
Phản ứng môn đệ và mọi người: Đi tìm ( hàm ý muốn giữ Đức Giêsu lại cho họ ) ( 36 – 37).
-
Mặc khải sứ mạng: phải đi rao giảng ở nơi khác nữa vì đó là sứ mạng của Người (38)
-
Thực hiện: đi khắp Galile rao giảng và trừ quỷ (39)
Bảng tóm lược về sứ mạng được đặt trong bối cảnh “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt” của ngày thứ nhất trong tuần. Đây là thời điểm các môn đệ ra viếng Mộ Đức Giêsu sau thập giá và được phục sinh nhờ dấu chỉ NGÔI MỘ TRỐNG. (Mc 16, 2; Lc 24,1; Ga 20, 1). Kể từ lúc đó, một vận hội mới đã mở ra: Đấng Phục Sinh truyền lệnh cho các môn đệ đi RAO GIẢNG, làm chứng về Người cho đến tận cùng cõi đất (Mc 16, 15) và các ông đã thi hành với các dấu lạ kèm theo (16, 20).
Chỗi dậy: Động tính từ aorist 2 của anistemi. Động từ này cũng thường được Maccô dùng để ám chỉ sự phục sinh của Đức Giêsu (8, 21; 9, 31; 16,9).
Tính phổ quát của sứ vụ rao giảng: Các môn đệ và dân thành Caphanaum đi tìm Đức Giêsu. Hậu ý của họ là muốn giữ Người lại làm của riêng cho họ để tận hưởng phúc lộc phép lạ của Người. Sứ mạng chính của Người là RAO GIẢNG: công bố Tin Mừng và mời sám hối (1, 15) để giải thoát kẻ tin khỏi ách ma quỷ và tội lỗi (1, 39). Đối tượng Đức Giêsu nhắm tới là mọi người: “…hãy đi nơi khác.. để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (1, 38); Và đó cũng là sứ vụ của môn đệ: “CHÚNG TA..” (1, 38). Galilê ở đây không chỉ là miền bắc nước Do Thái mà còn mang ý nghĩa biểu tượng: “ vùng đất dân ngoại” (x. Is 8, 23; 4, 15). Điều đó cho thấy sứ vụ Đức Giêsu là phổ quát.
Tất cả các chi tiết chú thích trên cho phép nhận định rằng bảng tóm tắt sứ vụ ở đây là chương trình hành động tổng quát của Đức Giêsu và của các môn đệ nữa: Chúng báo trước những gì Người sẽ là trong suốt sách Tin Mừng Máccô và sẽ được chuyển giao lại cho đoàn môn đệ ở cuối sách Tin Mừng: Sau thập giá và phục sinh, Đức Giêsu sai môn đệ đi khắp nơi rao giảng có dấu lạ kèm them (16, 15.20).
-
TÓM KẾT
Tin Mừng hôm nay mô tả một ngày hoạt động tất bật của Đức Giêsu. Ngày đó lại là ngày “một ban ngày” của ngày Sabat và “một ban đêm” của ngày thứ nhất trong tuần. Ngày Sabat không còn là ngày nghỉ nữa, mà là ngày mẫu do chính “Con Thiên Chúa làm người “ thị phạm để thi ân giáng phúc chữa lành nhân loại và loan báo Tin Mừng cứu độ. Sự thay đổi này khai mở một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ: Với Đức Giêsu từ nay con người đã học được cách thức khắc phục quyền lực của ma quỷ, tội lỗi. Đó là cộng tác với Người loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân và dấn thân thi ân phục vụ.
Cho dù khổ đau vẫn còn, theo gương Đức Giêsu, người môn đệ phải nhận ra đâu là sứ mạng chính yếu của mình: không chạy thep những thành công chóng qua, không tìm những hào quang trần thế, nhưng chỉ lo rao giảng Tin Mừng cho mọi người và dấn thân phục vụ truyền giáo. Những ai đã hưởng được hồng ân giải cứu của Đức Giêsu thì không được khép kín trong quyền lợi của mình mà phải mở lòng đón nhận chia sẻ khổ đau để loan Tin Mừng cho trần thế. Sứ mạng truyền giáo phục vụ này của môn đệ được đặt nền trên chính sứ vụ và nhất là trên thập giá và phục sinh của Đức Giêsu.
Đặc biệt theo cách trình bày của Máccô, “Ngày mẫu”, hôm nay có thể được coi là một suy tư Giáo Hội học, nói về vai trò của Giáo Hội trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, được biểu lộ qua từ “NHÀ”.
Chính trong ngôi NHÀ GIÁO HỘI mà đoàn môn đệ được quy tụ, đào tạo, rồi trở thành trung gian nối kết Đức Giêsu với bệnh nhân đang ở trong NHÀ.
Chính trong NHÀ này mà ngày Sabat được “Rửa tội”, được phục hồi ý nghĩa của nó là ngày cứu sống, chữa lành, được mang một bộ mặt mới: Là ngày PHỤC VỤ, ngày giải phóng; Dân Chúa được trừ khỏi quỷ, được giải thoát khỏi bệnh tật, khổ đau; NHÀ chính là nơi mà mọi kẻ bất hạnh có thể đến để gặp được Đức Giêsu.
Những gì Đức Giêsu đã thực hiện trong :Ngày mẫu” này, trong “NHÀ” này, Giáo Hội phải là người thừa kế trọn vẹn.
Frère Pierre Đình Long FSC