CHÚA NHẬT VI B PHỤC SINH

Bài 1

Cv 10,25-26.34-35.44-48; Ga 15,9-17
Chủ đề: Hiệp thông là giữ các điều răn và ở lại trong tình thương của Đức Giêsu và đón nhận nhau

* Cv 10,35: ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành đều được Thiên Chúa tiếp nhận.
* Ga 15,10: Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy.

Hôm nay là Chúa Nhật VI B Mùa Phục Sinh. Lời Chúa mời chúng ta tiếp tục khám phá những nét phong phú vô biên của mầu nhiệm hiệp thông vốn là hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh. Lần này Lời Chúa phá vỡ biên giới địa lý, chủng tộc… do cái nhìn hạn hẹp về ơn cứu độ do người Do Thái tạo ra để mở rộng mối dây hiệp thông ra cho toàn thế giới. Các dân ngoại, trước kia, bị người Do Thái khinh chê coi là “ô uế”, là “chó” không đáng được ăn bánh dành cho con cái, thì nay trong Đức Giêsu phục sinh, họ được cộng đoàn thiên sai do Đức Giêsu thiết lập – tức Hội Thánh – ân cần đón nhận đi vào mối hiệp thông của đoàn con cái Chúa. Đó là ý muốn của Thiên Chúa: và Thiên Chúa đã ban dấu chỉ là Thánh Thần cũng ngự xuống trên dân ngoại để phá vỡ mọi rào cản ngăn cách Do Thái với dân ngoại, biến đổi tầm nhìn của các tông đồ lẫn của những người Do Thái đã tin vào Đấng Phục Sinh, giúp tất cả nhận ra ý nghĩa của dấu chỉ Thần Khí, nhận ra được ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa nên đã đồng lòng hiệp ý với vị thủ lãnh của dân mới của Chúa là Phêrô đón nhận dân ngoại vào Giáo Hội.

Sự hiệp thông trong Đấng Phục Sinh được Thánh Thần khơi dậy và thúc đẩy. Các tín hữu phải biểu lộ sự hiệp thông đó ra bằng cách sống giới luật yêu thương theo lệnh truyền và mẫu gương của Đấng Phục Sinh: “anh em hãy yêu thương nhau NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM” (Ga 15,12). Đó là yêu thương đến hy sinh mạng sống vì bạn hữu. Chúa không đòi chúng ta phải chết vì bạn hữu theo nghĩa đen; Nhưng trong việc tin vào Đấng Phục Sinh là cội nguồn sự sống thì Chúa muốn kẻ tin đừng giữ riêng niềm tin ấy cho mình mà phải chia sẻ rộng rãi ra cho mọi người rồi sẵn sàng đón nhận họ vào cộng đoàn của Đấng Phục Sinh là Giáo Hội.

Bài đọc một là đoạn kết của Cv 10, thuật lại việc Phêrô và một nhóm kitô hữu gốc Do Thái đi theo ông (Cv 10,23b) đến nhà một sĩ quan Rôma, dân ngoại, là ông Cornêliô, theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua hai thị kiến: một cho Phêrô (Cv 10,9-16), một cho Cornêliô (Cv 10,17-23). Tại nhà Cornêliô, Phêrô đã được tiếp đón cách trân trọng như là sứ giả của Thiên Chúa (10,26). Tiếp đó là Phêrô đã loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhà Cornêliô. Mở đầu bài đọc một, Phêrô công bố tính phổ quát của ơn cứu độ: “Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào cũng đều được Người tiếp nhận” (10,34-35). Tiếp đó là nội dung lời rao giảng tiên khởi về Tin Mừng Phục Sinh (10,36-43), nhưng bài đọc một không trích đọc đoạn này. Phụng vụ muốn quy hướng tất cả vào DẤU CHỈ CỦA THÁNH THẦN giúp Phêrô nhận ra ý Chúa rồi mở lòng đón nhận dân ngoại vào Giáo Hội.

Thật vậy, đang khi Phêrô loan báo Tin Mừng Phục Sinh thì “Thánh Thần Thiên Chúa đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe Lời Chúa” và họ nói được các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Ơn ban cho môn đệ trong lễ Ngũ Tuần được ban cho dân ngoại. Thiên Chúa đã ra dấu hiệu hãy phá vỡ bức tường ngăn cách giữa dân Do Thái và dân ngoại, từ nay tất cả là một Giáo Hội trong Đức Kitô Phục Sinh (x.Ep 2,14-18; Cr 12,13).

Qua bài đọcTin Mừng, hoa trái hiệp thông từ mầu nhiệm Phục  Sinh chính là việc giữ giới luật YÊU NHAU theo mẫu gương và lệnh truyền của Đức Giêsu (Ga 15,12). Trao ban giới luật YÊU NHAU NHƯ THẦY cách tự nguyện, Đức Giêsu muốn nâng môn đệ lên hàng bạn hữu Người. Người sẽ đưa môn đệ đi vào sự hiệp thông thần linh với Ba Ngôi: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (15,15). Về phần môn đệ, để đi vào mối hiệp thông bạn hữu với Đức Giêsu chỉ cần một điều “YÊU NHAU NHƯ THẦY”. Đó là di chúc Đức Giêsu để lại cho môn đệ.

Đức Giêsu chọn môn đệ là nhằm mục đích này: sau khi đi vào tương quan hiệp thông bạn hữu với Đức Giêsu thì người môn đệ, tới phiên mình, phải trở nên trung gian, cầu nối tạo mối hiệp thông bạn hữu giữa các tín hữu thế hệ tương lai với Đức Giêsu Phục Sinh. Giữ lệnh truyền YÊU NHAU NHƯ THẦY là cách thức tuyệt hảo mà tín hữu mọi thời phải thực thi để góp phần hoàn tất dự tính yêu thương của Thiên Chúa là tạo nên sự hiệp thông mật thiết giữa Cha – Con – môn đệ – và nhân loại mọi nơi mọi thời. Tất cả là để chuẩn bị cho mối hiệp thông chung cuộc: Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.

Bài 2

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em… Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy… Thầy gọi anh em là BẠN HỮU” (Ga 15,12b.14.15)

Lời Chúa hôm nay tiếp tục khai triển chủ đề hoa trái của mầu nhiệm phục sinh. Mối hiệp thông giữa các tín hữu với nhau ngày càng lớn lên, càng bền chặt, lan rộng đến cả dân ngoại. Dấu hiệu khai mở cho biến cố hiệp thông này đến từ Thiên Chúa: hai cuộc thị kiến (Cv 10,3-8 và Cv 10,9-20). Và hồng ân đó của Thiên Chúa được sinh hoa kết trái nhờ sự tuân phục từ phía con người chịu để cho Thiên Chúa “cắt tỉa”:

– Viên sĩ quan đạo đức người Rôma chấp nhận khiêm nhường sai người đi mời gọi một người dân vô danh thuộc địa đến nói cho mình về một “người Do Thái khác” bị người Rôma đóng đinh như một tử tội (thị kiến một). Nên biết rằng chức vụ đại đội trưởng một cơ đội Italia là sĩ quan cao cấp điều khiển dưới quyền mình đến 600 lính (x.CGKPV “Kinh Thánh Tân ước” có hiệu đính 2008 trang 501 nốt “s”). Thiên Chúa đã “cắt tỉa” ông, chuẩn bị cho một sĩ quan dân ngoại uy quyền, trở thành một môn đệ của một giáo phái mới chỉ vừa mới chớm nở trong vài chục năm.

– Phần Phêrô cũng được Chúa “cắt tỉa” khỏi ông những “nhánh nho” cuộc bộ, lỗi thời của Luật kiêng kỵ, sạch dơ của người Do Thái. Những yếu tố làm tắt nghẹn dòng nhựa “Cây Nho Thật Giêsu” đến với các “cành nho” dân ngoại đã chính Thiên Chúa dẹp bỏ. Sự kiện xảy ra trong thị kiến của Phêrô được lập lại đến ba lần (Cv 10,16). Vậy mà Phêrô vẫn còn nghi ngại, Thiên Chúa phải thúc giục lần thứ tư, Phêrô mới đón nhận việc “cắt tỉa” của Thiên Chúa (thị kiến hai).

Chi tiết trên cho thấy việc thi hành lệnh truyền của Chúa “rửa chân cho nhau” không phải là chuyện dễ. Một khi mình đã gặp trục trặc trong việc chịu để Chúa rửa chân cho mình (x.Ga 13,8-9), nghĩa là còn vướng chút cản trở nào đó trong việc hoàn toàn chấp nhận đường lối hành động của Chúa, thì mình cũng sẽ khó lòng đón nhận ngay việc phải noi gương Thầy “rửa chân cho nhau”.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là trích đọc tiếp theo ngay sau bài đọc tuần trước, Chúa Nhật V B. Chủ đề vẫn là sự hiệp thông giữa Chúa Cha – Đức Giêsu – và đoàn môn đệ. Nhưng Đức Giêsu không nói quanh co bằng các dụ ngôn hoặc bằng sử dụng các thể loại văn chương biểu tượng nữa mà Người mặc khải thẳng, đi trực tiếp vào mầu nhiệm.

  1. Cội nguồn của hiệp thông là Tình Yêu của Cha (c.9)

* Trước tiên là Cha yêu Con: những gì ta biết được về Tình yêu của Cha đối với Con đều là do Đức Giêsu mặc khải vì Giêsu đã coi môn đệ là bạn hữu nên Người nói hết cho môn đệ những gì Người nghe biết nơi Cha (x.Ga 15,15). Và Đức Giêsu đã mặc khải Tình Yêu của Cha đối với Người được biểu lộ qua: – Cha giao hết mọi sự trong tay Con (Ga 3,35) – cho Con thấy, biết, tham gia vào mọi công trình của Cha (Ga 5,20) – trao cho Con quyền ban sự sống cho kẻ chết và quyền xét xử (Ga 5,21-22) – Cha yêu con đến độ trao ban thần linh của chính mình cho Con: Cha muốn ai nấy đều phải “tôn kính Con như tôn kính Cha; Kẻ nào không tôn kính người Con thì cũng không tôn kính Cha” (Ga 5,23).

* Và tình  yêu của Cha đối với nhân loại được mặc khải như sau: “Cha đã yêu thế gian đến độ tặng ban Con Một để ai tin vào người Con ấy thì được cứu” (Ga 3,16). Chẳng những ban tặng người Con, Thiên Chúa còn chỉ đạo cho người Con những việc phải làm để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại: đó là Đức Giêsu sẽ hy sinh mạng sống cách tự nguyện để rồi lấy lại mạng sống đó. Đó là mệnh lệnh của Cha truyền Đức Giêsu phải thực hiện (Ga 10,18).

* Đáp lại Ý Cha, Đức Giêsu cũng yêu thương nhân loại đến cùng, nên trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã chuẩn bị sẵn tất cả mọi yếu tố cần thiết để cái chết Thập Giá của Người thật là một hiến tế tự nguyện, có năng lực thắng thần chết, lấy lại mạng sống trở thành người cứu độ cho nhân loại (Ga 13,1-5; Lc 22,14-20…).

Vậy Tình Yêu của Cha đối với Đức Giêsu và đối với nhân loại là cội nguồn của hiệp thông. Và cầu nối để đưa nhân loại vào hiệp thông với Cha chính việc Con đã vâng lời Cha hy sinh mạng sống để rồi lấy lại, nhờ đó nhân tính của loài người được hiệp thông với thiên tính trong và nhờ Đức Kitô.

2.Phía con người, để được hiệp thông: ở lại trong tình thương của Thầy

Đức Giêsu đang ở những giây phút cuối cùng của cuộc sống trần thế của Người. Người đã đảm nhận đến cùng cái trần thế tội lỗi này làm của Người. Người mang trong thân xác Người toàn thể “bụi đất” mà từ đó Thiên Chúa đã dựng nên nhân loại. Giờ đây sứ mạng đã hoàn tất, đã đến “giờ” Người trở về lại với Cha. Nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương các môn đệ (và cả nhân loại nữa) đến cùng (x.Ga 13,1). Người không muốn bỏ họ bơ vơ trong thế giới tăm tối này, Người không để họ mồ côi (x.Ga 14,18). Người ao ước họ được chung phần với Người (x.Ga 13,8), cùng ở với họ trong nhà Cha (x.Ga 14,2-3). Cuộc chia tay này chỉ là tạm biệt: Người về nhà Cha trước để dọn chỗ cho họ. Tuy nhiên trong thân phận làm người và cũng là theo dự tính của Cha: để về được nhà Cha, mỗi người trong các môn đệ phải hoàn tất, đi hết con đường làm người của mình như Đức Giêsu đã làm.

Vậy trong khoảng thời gian “tạm vắng” của Đức Giêsu, mỗi môn đệ, từng con người trong thân phận lữ hành phải ứng xử như thế nào để trong lúc “xa mặt” như thế thì đừng bị rơi vào tình trạng “cách lòng”? Để họ được tiếp tục HIỆP THÔNG với Người; Để nhựa sống của “Cây Nho Thật”, để sự chăm sóc của Vị Mục Tử, nhân lành vẫn hoạt động trong họ, vẫn là nguồn sống của họ, vẫn làm họ sinh trái?

Để giải quyết vấn nạn ấy, phần Đức Giêsu, Người đã rửa chân cho họ, đã ban cho họ lệnh truyền rửa chân cho nhau; đã lập bí tích Thánh Thể và ra lệnh cho họ hãy làm mà nhớ đến Người. Nói theo kiểu nối kết hệ thống truyền thông mạng thì Đức Giêsu trước khi về Nhà Cha đã cung cấp cho chúng ta “wifi” tuyệt hảo, miễn phí, đã cung cấp cho chúng ta “máy di động” đầy đủ chức năng, công suất. Vấn đề còn lại nằm ở phía con người:

Có chịu mở thiết bị đã được Chúa cung cấp, cài đặt chương trình? Có chịu truy cập vào các địa chỉ, các “trang xã hội”… đã được Thiên Chúa đăng tải một cách phong phú, hiệu quả. Chúng ta có chịu mỗi ngày “nối mạng” nói chuyện với Chúa hay không? Ai thường sử dụng nối mạng thì đều quá rõ rằng cần phải tuân thủ một số quy tắc, cú pháp một cách nghiêm ngặt thì cuộc nối mạng mới thành công. Tạm dùng hình ảnh so sánh đó để dẫn chúng ta tời lời nài van của Đức Giêsu nhằm giúp các môn đệ hiệp thông với Người: “anh em hãy Ở LẠI TRONG tình thương của Thầy!” (Ga 15,9). Tuần trước chúng ta đã suy niệm nhiều về “Ở LẠI TRONG = Mênô ên”. Tuần này, Đức Giêsu đề nghị chúng ta một ứng dụng cụ thể của “ở lại trong”.

  1. “Ở lại trong” tức là “giữ các điều răn” (Ga 15,10)

Khi nghe nói “giữ các giới răn”, người ta thường có cái nhìn thiếu thiện cảm vì còn coi luật chỉ là những điều khoản trói buộc, là gánh nặng chất lên vai… (x.Mt 23,4). Sở dĩ vậy là vì con người thiếu hiểu biết lề luật, cũng như không có động lực bên trong thúc đẩy giữ luật. Còn ở đây, cội nguồn của giữ điều răn là TÌNH YÊU PHÁT XUẤT từ Thiên Chúa: “Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31) và khi giữ điều răn của Cha thì Đức Giêsu ở trong Cha (Ga 15,10b). Vậy đối với môn đệ giữ điều răn là cách biểu lộ tình yêu và muốn ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu. Với tình yêu, việc giữ luật trở thành niềm vui (Ga 15,11), trở thành con đường ngắn nhất và chắc chắn đưa tín hữu tới chỗ hiệp thông, ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu.

Thật vậy chúng ta có thể minh họa tầm quan trọng của việc giữ luật, lệnh truyền trong mối liên hệ hiệp thông bằng một hình ảnh vay mượn từ thế giới công nghệ thông tin: để liên hệ với một ai đó tôi phải:

– Biết rõ các địa chỉ giao dịch của người đó.

– Nhập các dữ liệu vào phải đúng nghiêm ngặt từng chi tiết.

– Tuyệt đối tôn trọng theo đúng các chỉ dẫn, nếu có…

Khi chúng ta tuân thủ, thực hiện đúng khít khao, tuyệt đối mọi chi tiết đó để mở ra được, hiệp thông được với địa chỉ ta mong ước thì không ai nói đó là “trói buộc”, “gánh nặng” cả; Trái lại khi thực hiện đúng thì đó còn là niềm vui, hạnh phúc nữa. Và một khi trang mạng đã mở ra được một lần rồi thì những lần sau, việc tuân thủ đúng cú pháp là con đường ngắn nhất, chắc chắn nhất để nối kết hiệp thông. Và một khi đã thích nhau rồi, càng muốn giữ vững nối kết thì phải càng tôn trọng các lệnh của nhau.

Vậy giữ luật cách nghiêm túc để hiệp thông, ở lại trong nhau là dấu chỉ của tình yêu, là điều kiện tốt nhất, ưu việt nhất để gặp gỡ, hiệp thông với nhau, để gặp được tình yêu. “Giữ giới răn” theo ý Đức Giê su không là bị nhốt vào cái khung kỷ luật mà là sự nhập tâm các lệnh truyền của Chúa thành phản xạ tự nhiên trong bản thân mình giúp bản thân vững chắc không bị lệch hướng dù nhiều sóng gió vây quanh tư bề.

  1. Điều răn đó là: Hãy yêu mến nhau NHƯ Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12.17): “Yêu mến nhau” đó không phải là một việc, một quy định phải làm, mà là một tương quan phải thiết lập và duy trì. Chính mối tương quan này sẽ hướng dẫn trọn cuộc đời, lẽ sống của kẻ tin. Cái nguy cơ tiềm ẩn của “hãy yêu nhau” là con người lấy tình yêu cảm tính của mỗi cá nhân làm chuẩn. Đức Giêsu phải nói rõ: tình yêu đó phải bắt nguồn từ Đức Giêsu như cành nho “ở lại trong” thân nho và do đó tình yêu của tín hữu phải có đặc nét: yêu NHƯ Thầy đã yêu anh em.

5.Tình yêu đó là hy sinh tính mạng cho bạn hữu mình (Ga 15,13)

Tình Đức Giêsu yêu ta không làm thiệt thòi gì nơi ta mà còn nâng ta lên là “bạn hữu của Người” (Ga 15,15), được Người cho thông hiệp vào dự tính cứu độ của Thiên Chúa như là một cộng tác viên, như là một bạn hữu. Và dấu chỉ của tình bạn hữu đó là dám hy sinh mạng sống cho nhau.

Cần lưu ý: Đức Giêsu hy sinh mạng sống không để cứu mạng sống ta. Điều đó là vô ích, vì có cứu được một lần như Ladarô thì rốt cuộc cũng chỉ sống chừng một trăm năm. Đức Giêsu hy sinh mạng sống là để ta ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ, để nhân loại được hồi phục phẩm giá là “hình ảnh Thiên Chúa” và sẽ được nâng lên hàng bạn hữu và cuối cùng là anh em với Đức Giêsu, là con Cha (Ga 20,17).

6.Niềm vui (Ga 15,11): Tất cả những gì Đức Giêsu mặc khải cho môn đệ ở đây là “lời di chúc”. Cái chết và phục sinh của Người là bảo chứng rằng những mặc khải ấy phải được thực hiện. Với Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu, từ nay Tình Yêu Cha – Tình Yêu Con – Tình Yêu của các tín hữu sẽ hiệp thông mật thiết với nhau và sinh hoa trái tốt. Từ nay đối với tín hữu luật không còn là gánh nặng nữa mà là “ách êm ái nhẹ nhàng” (x.Mt 11,28-30). Hiểu được ý nghĩa của các biến cố rồi, cuộc đời kẻ tin dù gì đi nữa sẽ là NIỀM VUI (x.Ga 16,20-22). Đó là NIỀM VUI CỦA THẦY, Niềm Vui được hiệp thông vĩnh viễn vào tương quan “ở lại trong” giữa Cha – Đức Giêsu và môn đệ.

7.Sự hiệp thông và niềm vui trong bài đọc một:

Trong bài đọc một của Chúa Nhật VI B Mùa Phục Sinh, hồng ân hiệp thông được mở rộng ra cho cả dân ngoại.

* Sự hiệp thông đó là Thánh Ý Thiên Chúa: hai thị kiến (Cv 10,3-8 và 10,9-20).

* Phêrô và Cornêliô đã tuân phục đường lối Chúa qua việc để cho Chúa cắt tỉa đi những cành khô chết nơi họ để rồi đón nhận nhau (Cv 10,25-27).

* Phêrô công bố tính phổ quát và bình đẳng của ơn cứu độ do Đức Giêsu mang tới (Cv 10,34): điều kiện để được hiệp thông vào dân mới của Chúa không còn hạn hẹp trong yếu tố huyết thống, chủng tộc mà là sự gắn kết với Thiên Chúa qua một cuộc sống đạo đức, phù hợp với ý Chúa như đã được mặc khải trong tâm hồn nhân loại: ăn ở ngay lành, kính sợ Thiên Chúa, thực hành sự công chính (Cv 10,35). Tất cả những yếu tố đó đều là hồng ân dọn đường chuẩn bị đón nhận đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh được dân mới lưu truyền. (x.Cv 10,36-43).

* Dấu chỉ quyết định đưa tới hiệp thông đến từ TRỜI, từ Chúa Thánh Thần: Người hiện xuống trên dân ngoại với những hồng ân đã thực hiện cho các tông đồ (Cv 10,44-46). Nhận ra dấu chỉ Thánh Ý Chúa, Phêrô và cộng đoàn dân Chúa đi theo ông đã đón nhận dân ngoại chấp nhận hiệp thông với họ, cho họ ở lại trong cộng đoàn qua phép rửa ( Cv 10,47).

* Kết cục là niềm vui trọn vẹn: Thánh Thần – tông đồ – Do Thái – dân ngoại hiệp thông với nhau, ở lại trong nhau: Phêrô đã phá rào cản để ở lại với dân ngoại ít ngày (Cv 10,48b). Mối hiệp thông mà Đức Giêsu đã thực thi (x.Ga 4,40-41) giờ đây được nối dài nơi Phêrô – Giáo Hội – dân ngoại. Nhờ sự hiệp thông, “ở lại trong” này mà Tin Mừng Phục Sinh tiếp tục được loan truyền cho đến tận thế.

TÌM HIỂU 2 BÀI ĐỌC

Chủ điểm phụng vụ

     Tiếp tục chủ đề HIỆP THÔNG. Hiệp thông mở rộng ra cho cả với dân ngoại để đón nhận họ vào Giáo Hội. Chúa nhật này nhấn mạnh đến cội nguồn thần linh của sự hiệp thông: do Thánh Thần (Cv) và do tình yêu Cha – Con đối với kẻ tin (TM); Và sự hiệp thông ấy được biểu lộ ra bằng hành động cụ thể: cộng đoàn đón nhận dân ngoại và dân ngoại tháp nhập cộng đoàn nhờ phép rửa (Cv); giữ điều răn, yêu nhau (TM).

     Tin Mừng: Đức Giêsu tiếp tục mời gọi ở lại trong (ƠLT) Thầy. Cội nguồn của việc ƠLT đó, chính là tình yêu của Cha đối với Đức Giêsu và tình yêu của Đức Giêsu đối với môn đệ. Ở đây, điều kiện để được ƠLT là giữ các điều răn của Đức Giêsu theo gương Người đã làm như vậy đối với Cha. Điều răn ấy là yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu môn đệ, nghĩa là yêu đến mức độ dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Hoa trái của tình yêu ấy là môn đệ được Đức Giêsu nâng lên hàng bạn hữu của Người, được Người bộc lộ trọn vẹn mặc khải đã nhận được từ Cha, được Người chọn làm cộng sự viên để sai đi và sinh trái. Dấu chỉ rõ nhất của hiệp thông là YÊU NHAU và chóp đỉnh của hiệp thông là TÌNH HUYNH ĐỆ và PHỤ TỬ THẦN LINH được Đấng Phục Sinh mặc khải: môn đệ trở nên anh em với Người và là con Thiên Chúa (Ga 20,17).

     Sách Công vụ kể lại trích đoạn không liên tục phần kết của trình thuật Phêrô đón nhận gia đình Cornêliô vào Giáo Hội. Bản văn phụng vụ mở đầu bằng lời đính chính của Phêrô khi thấy Cornêliô phủ phục bái lạy ông; Tiếp đó là câu rao giảng về tình yêu không thiên vị của Thiên Chúa: Người đón nhận tất cả những ai ăn ngay ở lành bất kì thuộc dân tộc nào. Lời cứu độ phổ quát đó được Thiên Chúa chứng nhận ngay qua biến cố trao ban Thánh Thần xuống gia đình Cornêliô. Dấu chứng thần linh ấy đã phá vỡ mọi ngăn cách giữa tuyển dân với dân ngoại: Phêrô ra lệnh làm phép Rửa cho gia đình Cornêliô, đón nhận họ vào Giáo Hội. Sự hiệp thông tỏ lộ mật thiết hơn khi Phêrô được mời và ở lại vài ngày trong nhà một dân ngoại đang là kẻ đô hộ dân Do Thái. Tình yêu mà Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ ở Tin mừng được cụ thể hóa, vượt mọi biên giới, ngăn cách…

BÀI ĐỌC I: Cv 10, 25-26.34-35.44-48

Văn mạch

     Sau khi Saolô trở lại và đến họp đoàn với anh em ở Giêrusalem (x. Cv 9,1-30) thì Giáo Hội được một thời gian yên ổn (9,3 l). Sách Công vụ tiếp tục nói đến sứ mạng của Phêrô: ông đến thăm viếng anh em ở Samari và đã làm ở đó hai phép lạ: Chữa lành người bại liệt tại Lốt ((9, 32-35), và phục sinh bà Linh Dương, một tín hữu ở Giaphô (9, 36 -42) rồi ông lưu lại khá lâu tại đó (9, 43). Trong bối cảnh ầy, Sách Công vụ đưa vào trình thuật những người dân ngoại đầu tiên được Phêrô, vị tông đồ trưởng đón nhận vào Giáo Hội (chương 10).

     Cách trình bày của chương 10 cho thấy việc này là do thánh ý Chúa với những dấu chỉ khá rõ ràng.

  • Hai thị kiến: Một cho Cornêliô (10, 9-16)

  • Sự phối hợp nhịp nhàng giữa những biến cố của hai thị kiến (10, 17-23)

  • Từ đó Phêrô an tâm lên đường đi đến nhà Cornêlio. Các diễn biến:

  • Khi vào nhà, thấy Cornelio cung kính phục lạy mình, Phêrô phải đính chính ông cũng chỉ là một phàm nhân (10, 25-36)/ Và lợi dụng dịp tốt có đông người tụ tập ở đó, Phêrô tuyên bố không ai là ô uế; luật cấm giao du với dân ngoại coi như bị bỏ (27- 28).

  • Cornêlô kể lại thị kiến của mình giải thích cho Phêrô hiểu tại sao ông biết và cho người đi mời Phêrô; Tất cả nhận ra ý Chúa và sẵn sàng nghe lời Phêrô (29 -33).

  • Tiếp đó là bài giảng của Phêrô.

  • Thiên Chúa không thiên vị, Người đón nhận tất cả những ai ăn ngay ở lành (34-35).

  • Nội dung chính là Keryma (36-43).

  • Trong lúc Phêrô đang giảng, Thiên Chúa công khai bày tỏ Thánh Ý: ban Thánh Thần xuống trên gia đình Cornêliô, nhờ đó Phêrô mạnh dạn ra lệnh làm phép rửa đón nhận Cornêliô (44-48).

    • Bài 1 trích một phần các diễn biến từ khi Phêrô bước vào nhà Cornêliô. Để làm nổi biệt chủ đề hiệp thông phổ quát, bài đọc phụng vụ chỉ đọc các câu 25 – 26, 34 – 35 và 44- 48.

 CẤU TRÚC VÀ CHÚ THÍCH

  1. Cornêlio đón tiếp Phêrô vào nhà mình (Cv 10, 25 -26)

  • Thái độ của Cornêliô: Đích thân ra đón – phủ phục dưới chân – bái lạy Phêrô.

  • Phản ứng của Phêrô: đỡ dậy và thanh minh “… tôi đây cũng chỉ là người phàm”

Cornêliô là một sĩ quan người Rôma: đạo đức, kính sợ Thiên Chúa, rộng tay bố thí cho dân và luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa (x. Cv 10, 1-2). Ông được trình bày như nhân vật điển hình của những người dân ngoại muốn sống theo đường lối, thánh ý Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã bày tỏ ý định của Người cho ông, hướng dẫn ông cách thức để tiến sâu vào tương quan hiệp thông với Người: tìm gặp Phêrô (10,3-8). Vì thế nên khi Phêrô đến nhà, ông đã tiếp đón như là một sứ giả của Thiên Chúa, không coi mình như là một sĩ quan đế quốc trước một người dân đen thấp hèn của nước thuộc địa.

   Phủ phục – bái lạy kết hợp với lời thanh mình của Phêrô “tôi cũng chỉ là người phàm” cho phép ta hiểu thái độ của Cornêliô trước Phêrô như là thái độ của một con người trước một hữu thể thiên quốc, thần linh.

   Lời đính chính của Phêrô lập lại thế bình đẳng, tất cả đều là phàm nhân trước Thiên Chúa, là anh em với nhau trong ơn cứu độ. Nhờ Thiên Chúa mà Phêrô vượt qua được những thể chế, thành kiến tôn giáo từ bao đời (10,14- 15.28-29) để bước chân vào nhà một dân ngoại, lại là một kẻ thù dân tộc; cũng nhờ Thiên Chúa đó mà Cornêliô vượt qua được mặc cảm tự tôn của một sĩ quan đế quốc đang thống trị mà sống theo luật tôn giáo của một dân bị trị dưới quyền mình, rồi còn phủ phục trước một kẻ nô lệ thất học.

           Do tin vào tình yêu Thiên Chúa, ngay bước đầu gặp gỡ, cả 2 đã đồng loạt xóa sạch mọi thành kiến, giai cấp xã hội, những rào cản phàm nhân để đón nhận nhau như những môn đệ bình đẳng của Đấng Phục Sinh.

  1. Tính phổ quát của ơn cứu độ và dấu chỉ chuẩn nhân của Thiên Chúa (Cv 10,34-35-44-464)

* Phêrô công bố tính phổ quát của ơn cứu độ:

– Thiên Chúa không thiên vị người nào (34)

– Người tiếp nhận tất cả những ai ăn ở ngay lành dù họ thuộc dân tộc nào (35).

* Sự chuẩn nhận của Thiên Chúa: ban Thánh Thần xuống trên đám dân ngoại đang nghe Phêrô (44)

* Phản ứng của những người do thái đi theo Phêrô

– Sửng sốt vì dân ngoại cũng được nhận lãnh Thánh Thần (45) – dấu chỉ: họ cũng nói các thứ tiếng tán dương Thiên Chúa (46a so với 2,1-11)

“Người ăn ở ngay lành”: nguyên văn là “người kính sợ Thiên Chúa” và “người thực hành sự công chính”. Từ nay tiêu chuẩn để được nhập cộng đoàn thiên sai không còn là thuộc về dân do thái theo xác thịt nữa. Điều này đã được chuẩn bị xa trong Cựu Ước rồi: St 17,9-14 cho thấy kẻ được cứu không phải là thuộc huyết tộc Abram mà là kẻ được tháp nhập vào Abraham bằng giao ước cất bì do Chúa ban; đến Gr 9,24-25, cắt bì ấy phải là cắt bì nội tâm. Vậy giá trị của cất bì không nằm ở thể chế mà ở lối sống, một lối sống hiệp thông với Thiên Chúa.

   Người kính sợ Thiên Chúa, trong ngôn ngữ Kinh Thánh, ám chỉ những người dân ngoại chưa chịu phép cất bì, nhưng có cảm tình với đạo do thái, gìn giữ một số luật lệ, đạo đức do thái, nhận biết Thiên Chúa và thường cầu nguyện với Người.

   Người thực hành sự công chính cách chung là những người sống phù hợp với luật pháp và công lý… theo nghĩa rộng, đó là những người sống đạo đức, hay ít ra là có thói quen thực hành nhân đức hằng ngày… Từ đó người thực hành sự công chính là người hành động phù hợp với ý Chúa (J.Dheilly: “Từ điển Kinh Thánh” chữ “Công Chính”).

   Cv 10,2.22 mô tả Cornelio đúng là mẫu người như thế. Tuy nhiên không nên hiểu là nhờ công nghiệp riêng tư của cá nhân mình mà Cornelio (cũng như tất cả những người khác có lối sống tương tự) được cứu độ. Ơn cứu độ duy nhất đến từ Đức Giêsu. Thái độ thờ trời, kính đất, đối xử tốt với tha nhân là những dọn đường, giúp con người dân ngoại ở trong tình trạng sẵn sàng để hạt giống cứu độ được gieo vào và sinh trái.

   Sự chuẩn nhận của Thiên Chúa: việc Thánh Thần được ban xuống cho gia đình Cornelio được trình bày như một lễ Hiện Xuống cho dân ngoại (so 62,1-11) và chính những người do thái gốc cũng nhìn nhận như thế (10,46a). Đó là yếu tố thuận lợi xóa mọi bức rào ngăn cách. Đó là dấu chỉ của Ý Chúa nên Phêrô mạnh dạn ra lệnh làm phép Rửa đón nhận nhà Cornêliô.

  1. Phêrô đón tiếp gia đình Cornê liô vào Giáo Hội (Cv 10,46b-48)

* Trước dấu chỉ rõ ràng đến từ Thiên Chúa, Phêrô chất vấn giới cắt bì: dân ngoại đã được ban Thánh Thần như chúng ta; có gì ngăn cản họ chịu phép Rửa? (47)

* Đón nhận: truyền lệnh làm phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô (48a)

* Hiệp thông: họ xin Phêrô (và ông nhận lời) Ở LẠI với họ ít ngày (48b)

Ở phần 1 Cornêliô là chủ nhà đón tiếp Phê rô, ở đây vai trò đã thay đổi : Phêrô là chủ đón nhận Cornêliô vào Giáo Hội. Tuy nhiên tác nhân xóa bỏ ngăn cách là Chúa Thánh Thần (c.47). Điều mà xưa kia ngôn sứ loan báo (Ge 3,1-2) và các tông đồ lặp lại trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,17-18) nay được hoàn tất. Thời cánh chung đã tới. Ơn cứu độ là phổ quát.

          Phêrô TRUYỀN…: Cánh chung vào thời đầu, vai trò các tông đồ là RAO GIẢNG hơn là ban bí tích (x.1 Cr 1,14.17). Ở đây việc ban Chúa Thánh Thần được thực hiện trước khi chịu phép Rửa. Tuy nhiên lúc đó ban Chúa Thánh Thần không là một cơ chế bí tích mà là một sáng kiến tự do của Thiên Chúa ; Cũng vậy, thời đó, phép Rửa tội được cử hành nhân danh Đức Giêsu Ki-tô.

          TÓM KẾT :

Sự hiệp thông gia nhập vào Giáo Hội được mở rộng ra cho dân ngoại ; tính phổ quát của ơn cứu độ được tỏ lộ rõ. Đây là thánh ý của Thiên Chúa được biểu lộ rõ qua hai thị kiến cho Phêrô và Cornêliô, và nhất là qua việc trao ban Thánh Thần dồi dào cho dân ngoại như đã được trao ban cho cộng đoàn tiên khởi trong ngày lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên để đạt tới kết quả tốt đẹp đó, con người cũng cần phải được chuẩn bị : sống kính sợ Thiên Chúa và thực thi sự công chính. Phần Giáo Hội, phải như Phêrô, sẵn sàng nghe tiếng Chúa, bỏ đi thành kiến từ bao đời của mình, lên đường đến với dân ngoại và dám có sáng kiến, lãnh trách nhiệm truyền lệnh đón nhận dân ngoại vào Giáo Hội. Từng bước một, Chúa hoàn tất ý định cứu độ của Người, tất cả những ai thành tâm thiện chí đều được Thiên Chúa đón nhận và ban ơn cứu độ.

TIN MỪNG : Ga 15,9-17

Văn mạch

Là đoạn tiếp theo của Tin Mừng Chúa Nhật trước. Chủ đề là hiệp thông. Yếu tố được dùng để diễn tả hiệp thông : ở lại trong ; và khai triển thêm một khía cạnh mới : ở lại trong LÒNG MẾN, trong tình thuơng của Đức Giê su. Tình yêu ấy được cụ thể hóa ra bằng GIỮ ĐIỀU RĂN của Đức Giêsu theo gương Người đã giữ điều răn của Cha. Điều răn đó là YÊU NHAU.

CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH

  1. Cội nguồn, mục đích của hiệp thông và cách mà con người biểu lộ hiệp thông (Ga 15,9-11)

  • Cội nguồn và chuẩn mực của hiệp thông là tình yêu của Cha : (9)

      – Chúa Cha đã yêu mến Thầy THẾ NÀO

      – Thầy CŨNG yêu mến anh em NHƯ VẬY

      – Mời gọi môn đệ: ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu.

  • Cách thức để biểu lộ sự hiệp thông trên tức là “ở lại trong tình yêu” (10)

       – Giữ điều răn của Đức Giêsu

       – NHƯ Thầy đã tuân giữ các điều răn của Cha Thầy

  • Mục đích của lời mời gọi hiệp thông: niềm vui (11)

       – để anh em được hưởng niềm vui của Thầy: “niềm vui của Thầy ở trong anh em”

       – và niềm vui anh em nên trọn vẹn

“…Thế nào…như vậy”: câu 9a diễn tả tình yêu của Cha đối với Đức Giêsu là cội nguồn và chuẩn mực của sự hiệp thông Cha -Con -môn đệ. Đó là mẫu mực của Đức Giêsu và môn đệ phải theo để nhờ đó nhựa sống của Cây Nho mới lưu chuyển trong cành và cành trổ sinh hoa trái. Điều này cho thấy tình yêu chân chính nguyên tuyền của con người và hoa trái của nó đều có nguồn gốc thần linh theo mẫu mực của tình yêu Thiên Chúa chứ không phải là một tình cảm riêng tư giữa hai cá nhân với nhau dựa theo sở thích thuần tuý nhân loại.

      Cụ thể Tình Yêu của Cha là gì? Cha đã yêu thế gian đến độ tặng ban Con Một để ai tin vào người con ấy thì được cứu (Ga 3,16). Yêu ai là phải bắt chước Cha mạng lại ơn cứu độ cho người ấy và phải là ơn cứu độ thần linh. Cha yêu Con bằng cách trao ban tất cả cho Con (3,35) đến độ tất cả những gì của Cha đều là của Con và Con có toàn quyền sử dụng theo ý mình (16,15). Tuy nhiên Ý Con luôn là Ý Cha (4,34)

     Tình yêu của con đối với các môn đệ là hy sinh mạng sống theo chương trình của Cha (10,11,15) và vì Cha trao mọi sự cho Con nên tình yêu hy sinh đó là TỰ NGUYỆN. Tình yêu đó là cho đi tất cả vì lợi ích lớn nhất cho người mình yêu. Trong tương quan với môn đệ:

     – đối với Cha, tình yêu cho đi là tất cả là ban tặng Con Một và Thánh Thần

     – đối với Con, đó là hy sinh mạng sống rồi lấy lại (10,18)

       Ở lại trong tình yêu: trong bầu khí đầy yêu thương của Cha và Con đối với môn đệ. Đức Giêsu mời gọi môn đệ Ở LẠI TRONG tình yêu của Người, hiệp thông thâm sâu với Người. Ở LẠI TRONG ở đây có thể hiểu là để Đức Giêsu yêu ta như cách thức Người đã nhận nơi Cha và ta phải đáp lại bằng cách noi gương Cha và Đức Giêsu yêu đến cho đi tất cả tùy theo sự độc đáo của từng người và vị trí từng người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Trong cụ thể, cho đi tất cả là làm sao về phần của con người môn đệ? Đức Giêsu đã gợi lên hướng sống khá rõ: tuân giữ các điều răn của Thầy. Mệnh đề ở dạng điều kiện, nghi nghĩa cho thấy Đức Giêsu tôn trọng tự do của môn đệ và trao quyền quyết định cho môn đệ trong tin tưởng như Cha đã dám trao tất cả trong tay Con. Ở đây yêu mến phải được tỏ lộ bằng tuân phục, tức giữ các điều răn.

Giữ các điều răn: nội dung cụ thể sẽ đề cập ở c.12. Ở đây muốn làm nổi bật tương quan giữa yêu mến và vâng phục giữ các điều răn. Khi nói tới điều răn, người ta thường có cái nhìn thiếu thiện cảm vì coi đó là những điều khoảng trói buộc, là gánh nặng chất lên vai.. (Mt 23,4),sở dĩ như vậy là vì con người thiếu hiểu biết về luật, cũng như không có động lực bên trong để giữ điều răn. Còn ở đây, cội nguồn của giữ điều răn là tình yêu Thiên Chúa: như Con yêu Cha… môn đệ yêu Thầy, muốn ở lại trong tình yêu Thầy.

Niềm vui: một khi đã có động lực, hiểu ý nghĩa của việc làm thì giữ luật trở thành niềm vui, vui vì được ở lại trong tình yêu của người mà mình thương mến. Vui vì mình yêu, có được cách thích hợp biểu lộ tình yêu và được yêu thương trở lại. Niềm vui ấy là trọn vẹn vì Cha- Con- môn đệ Ở TRONG NHAU. Niềm vui đây là hoa trái của nên một, yêu mến và vâng phục. Đây là niềm vui của người được thông phần vào sứ mạng của Con thực hiện Thánh Ý của Cha đối với Con và nhân loại. Niềm vui thấy ơn cứu độ, tình yêu của Thiên Chúa khởi thắng, vượt trên những đau khổ, bất công, tiêu cực của kiếp người.

  1. Điều răn yêu thương (Ga 15, 12-17)

  • Yếu tố bao hàm của đoạn này là điều răn của Đức Giêsu:

“Hãy yêu mến nhau” (12ab và 17)

  • Và phải yêu theo mẫu mực của Đức Giêsu: “NHƯ Thầy đã yêu…”(12c)

  • Nghĩa là phải yêu đến “hy sinh mạng sống vì bạn hữu” (13)

  • Từ đó nhận ra ý định của Đức Giêsu khi trao điều răn “yêu mến nhau: môn đệ nên bạn hữu của Người (14)

  • Dấu chỉ giúp nhận ra tình bạn của Đức Giêsu đối với môn đệ: nói cho môn đệ biết tất cả những gì Người nghe được nơi Cha (15)

  • Đó là mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa: (16)

Chính Đức Giêsu đã chọn

cắt đặt môn đệ ra đi, sinh trái và hoa trái tồn tại

mục đích: Cha nhận lời môn đệ xin nhân danh Đức Giêsu

  • Yếu tố bao hàm: “Hãy yêu mến nhau” – Yêu nhau trong tư cách là bạn hữu Đức Giêsu và bạn hữu nhau.

Yêu nhau như Thầy đã yêu: điều răn của Đức Giêsu thật gọn: “Hãy yêu mến nhau”. Không phải là một qui định phải làm, mà là một tương quan phải có. Chính cái tương quan này sẽ hướng dẫn mọi hành động của kẻ tin. Mà đã là tương quan thì có nhiều hướng hiểu, hướng thể hiện tùy từng ngôi vị, tùy quan điểm… Điều này có nguy cơ làm lệnh truyền bị sai lệch, xuyên tạc, không đạt kết quả mong muốn. Do đó trước tiên Đức Giêsu đòi các môn đệ ở lại trong Cây Nho để chia sẻ cùng nhựa sống, tư tưởng của Người. Cành phải ý thức rằng hoa trái mình có được phải xuất từ nhựa sống của Cây Nho. Và như thế đặc tính của YÊU NHAU nơi các tín hữu là như Thầy đã yêu mến anh em; Nghĩa là tình yêu môn đệ đối với nhau phải lấy tình yêu của ĐGS đối với các môn đệ làm mẫu mực. Tình yêu mẫu mực đó là gì?

Hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình: Đức Giêsu biết rõ con đường nào Người phải đi để cứu nhân loại: thập giá và phục sinh. Nói rõ ra, Đức Giêsu đã dám hy sinh mạng sống nhân loại của Người để mở đường cứu độ vĩnh cửu, toàn diện cho nhân loại, môn đệ. Vậy “yêu mến nhau” có nghĩa là môn đệ cũng phải dám hy sinh mạng sống, hạnh phúc trần thế này của cá nhân mình để cho tha nhân có cơ may đến được với ơn cứu độ. Ở mức độ thấp hơn, cụ thể hơn: người môn đệ có dám hy sinh chia sẻ của cải, hạnh phúc mình đang có để nâng cao phẩm giá, hạnh phúc của tha nhân không? Nhất là đối với những ai đang ở tận đáy của khổ nhục, bất hạnh? Có nhịn bớt chút nhu cầu, góp phần thiêng liêng lẫn vật chất cho công cuộc loan báo Tin Mừng, nâng cao phẩm giá những người cùng khốn? Trong cụ thể Chúa không đòi mọi môn đệ phải chết hy sinh… Điều Ngài muốn là dòng máu “hy sinh mạng sống” của Người được lưu chuyển trong môn đệ, giúp xóa bỏ đi những bất bình đẳng để tất cả mọi người đều có thể là bạn hữu của nhau.

Thầy gọi anh em là bạn hữu: Việc Đức Giêsu ban điều răn yêu thương nhau cho chúng ta là để tạo điều kiện nâng ta lên hàng bạn hữu Chúa (c.14). Đã là bạn hữu thì bình đẳng, đó là ý muốn của Thiên Chúa. Vậy yêu như Chúa nghĩa là ta phải xem mọi người là bạn hữu bình đẳng với ta; Tôn trọng họ như một nhân vị ngang bằng ta, từ đó ta sẽ có cách ứng xử thích hợp trong mọi tình huống, lẫn trong từng tình huống

Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết: đây là dấu chỉ biểu lộ ra Đức Giêsu xem môn đệ là bằng hữu: mặc khải cho chúng ta biết Thánh Ý Thiên Chúa. Nếu kể theo tiêu chuẩn phải thi hành lệnh của Chủ, thì tôi tớ nô lệ cũng phải làm, nhưng là sai gì làm nấy và không hiểu tại sao mình phải làm như vậy; Trái lại bạn hữu làm ý Chủ và biết ý Chủ nghĩa là được tin tưởng, được cho thông phần vào dự tính của Chủ. Đức Giêsu đã đến trần gian để làm công việc ấy: mặc khải cho ta BIẾT Ý Chủ.

Bởi vậy môn đệ không chỉ là kẻ được ủy thác sứ vụ (như một tùy viên công vụ), chỉ biết chuyển giao các điều truyền dạy của một ông chủ xa vời, song họ được nâng lên hàng bạn hữu nghĩa là được nhận vào trong tương giao thân mật của Chúa: Người tỏ lộ, giãi bày hết tâm sự của Người, những gì đã nghe được từ nơi Cha (14,7; 16,25-30). Nếu chỉ một mình Đức Giêsu có khả năng mặc khải Cha, bởi Người là Con Một sống trong cung lòng Cha (1,18), thì cũng chỉ có môn đệ – trước tiên là các tông đồ – là chứng nhân xác thực duy nhất của mặc khải của Người, vì chỉ duy có họ (và tiếp tục trong dòng thời gian là CHÚNG TA) được Người đem vào tình bạn hữu thân thiết nhờ được dự vào tâm sự bí mật của Người, tức là vào sự BIẾT Cha.

Thầy chọn anh em … (16a) Việc được trở nên bạn hữu Thầy là hoa trái của tình yêu tuyển chọn của Đức Giêsu. Đây là ân huệ nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên con người vẫn hoàn toàn tự do để đáp trả hay không. Mục đích của tuyển chọn là sai đi, sinh hoa trái dồi dào và bền vững, nghĩa là tiếp tục sứ vụ Đức Giêsu một cách hiệu quả. Một khi đã nên bạn với Đức Giêsu rồi, thì đến phiên mình, người môn đệ phải làm kẻ khác nên bạn hữu Đức Giêsu, công việc kéo dài đến tận thế:… anh em cũng hãy rửa chân cho nhau.

Hầu tất cả những gì anh em xin… (16b): “tất cả” không phải là đại trà, bất kì lãnh vực nào. Ở đây phải hiểu “tất cả” trong tương quan tới sứ mạng được sai đi và sinh trái, nghĩa là những gì liên quan đến ơn cứu độ phổ quát thì Chúa sẽ nhận lời. Câu 16b hàm ý, chính Đức Giêsu (xin nhân danh Thầy ) và Cha (Người ban cho) bảo đảm cho hoa trái của sứ vụ tông đồ.

TÓM KẾT

Là ý định từ muôn đời của Cha, mối hiệp thông giữa Cha – con – môn đệ, được biểu lộ qua tương quan Ở LẠI TRONG Tình Yêu, cụ thể là giữ điều răn yêu thương nhau theo mẫu mực tình Cha yêu Con và tình Đức Giêsu yêu môn đệ: xem môn đệ là bạn hữu, sẵn sàng hy sinh mạng sống… một khi đã hiệp thông với Thầy dám sẵn sàng hy sinh mạng sống vì tha nhân, người môn đệ sẽ tận hưởng được niềm vui trọn vẹn, được nên bạn hữu Đức Giêsu, bảo đảm việc tông đồ sinh nhiều hoa trái tốt. Như vậy: – Cha là cội nguồn tình yêu, đi bước trước thông ban tình yêu thần linh cho nhân loại bằng cách tặng ban nhưng không Con Một để cứu nhân loại, nâng cao nhân loại.

– Phần Con: tuân phục Cha, hy sinh mạng sống cho môn đệ, nâng môn đệ lên hàng bạn hữu, chọn môn đệ, sai đi và bảo đảm cho việc họ làm sinh hoa trái.

– Phần môn đệ, đáp trả lại bằng “Ở lại trong tình yêu Thiên Chúa”, cụ thể biểu lộ ra bằng hành động “giữ điều răn của Thầy” theo gương Thầy đã “giữ điều răn của Cha: Hãy yêu mến nhau NHƯ Thầy… . Trong tương quan với tha nhân: sau khi đã được hiệp thông, nên bạn hữu của Đức Giêsu, giờ đây môn đệ tới phiên mình phải làm tác nhân trung gian giúp tha nhân được hiệp thông với Đức Giêsu, trở nên những bạn hữu mới của Người.

Hoa trái là chắc chắn nếu môn đệ sống mãi tương quan ‘ở lại trong’, tương quan bạn hữu với Đức Giêsu, vì chính Đức Giêsu và Cha đã hứa đồng hành hỗ trợ môn đệ: “… tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.”

Frère Pierre Đình Long FSC