Bài 1
Gr 17,5-8;
Lc 6,20-26
Chủ đề: Hạnh phúc thật cho những ai cậy tin vào Chúa.
* Gr 17,7: phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC YAVÊ
Và có YAVÊ làm chỗ nương thân.
* Lc 6,23.24: phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ… Vì phần thưởng cho anh em trên trời thật lớn lao.
Lời Chúa của Chúa Nhật VI C Mùa Thường Niên đề cập đến một vấn đề luôn mang tính thời sự và tất cả mọi người đều quan tâm. Đó là “Hạnh Phúc” và “bất hạnh”. “Hạnh phúc” chắc chắn ai cũng ước mơ và tìm đủ mọi cách để đạt cho kỳ được; Trái lại, nghe đến “bất hạnh”, ai cũng e sợ, tìm cách lánh xa. Tuy nhiên, thế nào là “hạnh phúc”, là “bất hạnh”?
Trong cuộc sống trần thế bấp bênh, mọi thứ đều phù du, chóng qua, chúng ta không thể có câu trả lời dứt khoát, hoàn toàn mang tính khách quan cho câu hỏi trên. Điều được coi là “Hạnh Phúc” đối với người này, có thể là “Bất Hạnh” đối với người kia. Và rồi ngay cả trong “Hạnh Phúc” hay “Bất Hạnh” cũng ẩn tàng trong đó những yếu tố ngược lại, bởi vì sự vật ở đời này đều chịu tác động bởi định luật biến dịch không ngừng. Chuyện ngụ ngôn “Tái ông mất ngựa” là một minh họa cho tính vô thường của sự vật trần thế. Như vậy nếu chỉ hạn hẹp tầm nhìn của mình trong trần thế hữu hạn này thì mọi sự đều là “phù vân… tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Nói vậy không có nghĩa là không có Hạnh Phúc ở đời này! Vẫn có, nhưng Hạnh Phúc và cả Bất Hạnh đều sẽ qua đi. Vấn đề nơi mình là BÌNH AN TRONG CHÚA. Một câu chuyện minh họa:
Vua Đavit ra lệnh cho một thợ kim hoàn giỏi phải làm cho vua một chiếc nhẫn và khắc trên đó một câu, sao cho khi thành công hay khi thất bại, vua nhìn vào câu đó thì vẫn cảm nhận được sự bình an, ổn định trong cuộc sống. Nghệ nhân kim hoàn vò đầu bứt tóc… May thay ông gặp được thái tử Salomon, người có được sự khôn ngoan Chúa ban. Thái tử cho ông câu đáp: hãy khắc vào chiếc nhẫn câu này: “việc này rồi cũng sẽ qua đi”.
Vậy làm sao con người tìm được Hạnh Phúc thật, bền vững ngay trong cuộc sống chóng qua của đời này? PHẢI TRỞ VỀ CÙNG THIÊN CHÚA! Đó là câu đáp của tôn giáo.
Đức tin công giáo dạy rằng: Thiên Chúa tạo dựng con người và vũ trụ là để mọi vật, hiện hữu, tồn tại trong Hạnh Phúc bao la vĩnh tồn của Thiên Chúa (x. Kn 1,14; 2,23) bao lâu con người còn sống trong thân mật với Thiên Chúa (x. GLHTCG 1721…). Thế nhưng nhân loại đã sa ngã, khước từ Hạnh Phúc mà Thiên Chúa đã trao ban; Và một khi đã xa lìa Thiên Chúa, Đấng đáp trả lấp đầy mọi khao khát Hạnh Phúc của con người thì trong con người có một lỗ hổng không gì lấp được. Con người bù trừ bằng vơ vét, tích lũy vật chất nhưng vô ích, đó là căn nguyên mọi “Bất Hạnh”. Chính trong tình trạng đáng buồn đó, Lời Chúa đến thức tỉnh con người, nhắc lại hãy quay về với Thiên Chúa, với ý định yêu thương của người để tìm lại được Hạnh Phúc chân thật, vĩnh cửu.
Theo bài đọc 1, kẻ Bất Hạnh là kẻ có sự chọn lựa KÉP: 1/ Chỉ tin tưởng, cậy dựa vào sức phàm nhân 2/ Từ đó “tâm hồn họ sống xa lìa Thiên Chúa”. Hình ảnh được dùng để mô tả Bất Hạnh của họ là: “cây cỏ trong hoang địa… trong nơi khô cháy… trong vùng đất mặn không người ở”. Như vậy thì dù hiện tại của họ có là gì đi nữa thì chắc chắn tương lai là héo khô, hủy diệt. Ngược lại người hạnh phúc là người tin tưởng, cậy trông vào Chúa. Họ được sánh ví với “cây trồng bên bờ suối”, do đó dù mùa hè khô hạn họ vẫn tràn trề nhựa sống, sinh hoa kết trái dồi dào.
Vậy Hạnh Phúc thật là tin tưởng, đặt vận mạng mình vào trong tay Chúa.
Trong Tin Mừng, Luca đưa ra một loạt những nghịch lý: những cái người đời cho là Bất Hạnh như khó nghèo, đói khát, khóc lóc, bị thù ghét loại trừ vì Đức Giêsu thì lại cho là có phúc. Trái lại những gì thế gian cho là Hạnh Phúc như giàu có, no nê, vui cười, được ca tụng thì lại nói là vô phúc. Thực ra PHÚC hay HỌA không nằm ở tình trạng nghèo hay giàu… mà nằm ở thái độ đáp trả của ta trước các thực tại ấy. Chúa không coi thường tầm nhìn của nhân loại. Nhưng nếu những cái “phúc” đưa ta đến chỗ cậy dựa, trao phó vận mạng mình cho chúng để rồi lãng quên, xa lánh Thiên Chúa thì đó mới là Bất Hạnh. Vậy Lời Chúa không phải là cuốn sách dạy ta vài “bí quyết” để làm giàu, thành công ở đời này mà là một LỜI NHẮC LẠI cho ta CỘI NGUỒN HẠNH PHÚC. Đó chính là Thiên Chúa. Vậy Hạnh Phúc là tâm tình luôn gắn bó, phó thác cho Chúa dù thực tế trước mắt có là gì đi nữa. Đó là chân lý bài đọc một nhắc tới.
Một khi khước từ Thiên Chúa thì mọi phúc lộc trần thế không đủ lấp đầy được hố thẳm thiếu vắng Thiên Chúa trong tâm hồn con người và nhất là với cái chết, tất cả đều về lại số không. Còn khi có “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta”, khi ý thức “mình đang hiện diện trước nhan thánh Chúa” và “thờ lạy Người” thì đó chính là Hạnh Phúc bất diệt không gì cướp mất được, bởi vì con người hiện tại của ra đã là ĐỀN THỜ của Thiên Chúa rồi (x. 1Cr 3,17b) đã thuộc về Thiên Chúa rồi (1Cr 6,19), chúng ta đã vào Nước Thiên Chúa ngay tại thế này rồi (x. Lc 6,2b).
Bài 2
Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em… Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi (Lc 6,20b.24).
Đọc thoáng qua hai bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra ngay chủ đề chính là một vấn đề luôn mang tính thời sự và thiết thân với phận làm người: đó là HẠNH PHÚC và BẤT HẠNH, hay nói gọn đó là chuyện PHÚC/ HỌA trong cuộc đời nhân thế. Làm người, ai cũng muốn bản thân, người thân và cả mọi người được hạnh phúc. Khi có dịp chúc nhau, truyền thống Việt Nam thường chúc: PHÚC – LỘC – THỌ – KHANG – NINH. Phúc đức, Giàu có, Sống lâu, Khỏe mạnh, An ninh bình an. Chữ PHÚC đứng đầu. Nhưng đó chỉ là mơ ước của con người, và những hạnh phúc con người mơ ước chẳng bao giờ trọn vẹn, và phù du: điều hôm nay là phúc, mai có thể trở thành họa và ngược lại; Điều là phúc đối với người này có thể là họa đối với người kia. Và rồi cõi lòng của con người là vô đáy: “được voi, đòi tiên”, lúc ngặt nghèo thì được ăn no mặc ấm là hạnh phúc rồi, nhưng khi nhu cầu cơ bản đã tạm đủ thì nẩy sinh khát vọng “ăn ngon mặc đẹp”. Nhu cầu, khát vọng của con người là vô đáy, tất cả vũ trụ này không đủ để lấp đầy hố sâu khát vọng của lòng người. Như vậy thật sự không có hạnh phúc tuyệt đối và bền vững ở trần thế này. Và rồi với cái chết, tất cả mọi tích lũy, mọi hạnh phúc thế trần đều tan biến: tất cả trở về lại bụi tro.
Tuy nhiên trong mực độ tương đối thì cách chung mọi người cũng khá thống nhất với nhau về một vài chuẩn mực để đánh giá một người hạnh phúc hay không: giàu thì hạnh phúc hơn nghèo; thành công hơn thất bại; đẹp thì hơn xấu… Nhưng đó cũng chỉ là tầm nhìn tạm bợ, những thứ phù hoa đó tự nó còn không tồn tại, nói chi chúng mang tới hạnh phúc cho kẻ khác. Chúng chỉ mang lại cho các tôi tớ của chúng chút khoái lạc, thích chí trong giây lát kèm theo không biết bao là âu lo, mánh mung để bám víu vào chúng lâu chừng nào hay chừng ấy để rồi cuối cùng cũng phải buông bỏ tất cả.
Vậy chẳng lẽ đời người không có hạnh phúc bền vững? Cái gì tự nó là vĩnh tồn thì sẽ mang lại hạnh phúc bền vững, còn những gì là phù du thì chỉ mang tới những khoái lạc, thích chí nhất thời, chóng qua.
Chọn đúng chủ mà theo phục vụ và biết tại sao mình lại chọn như thế thì sẽ tìm được hạnh phúc thật dù thực tế trước mắt vẫn còn nhiều cam go. Vậy hạnh phúc, CHÍNH YẾU, không nằm ở sự việc mà ở tầm nhìn, động cơ, mục đích của sự việc. Có tiền, có quyền để hưởng thụ, đấu đá nhau, bày mưu hãm hại kẻ khác… với có chút tiền nhưng biết chia sẻ, nâng đỡ người nghèo, chịu hy sinh để đem lại niềm vui cho những ai bất hạnh, cho đồng loại… cái nào có phúc hơn… TÙY!
Chúng ta là người công giáo, chúng ta sẽ suy tư về hạnh phúc theo tầm nhìn, động cơ, mục đích của đức tin đã được mặc khải trong Kinh Thánh và được Đức Giêsu hoàn thiện. Đức tin Công Giáo xác tín rằng Thiên Chúa là cội nguồn sự sống và hạnh phúc. Và Thiên Chúa muốn thông chia sự sống, hạnh phúc vô biên đó của Người nên đã tạo dựng vũ trụ, trong đó con người được Người ưu ái đặc biệt dựng nên theo hình ảnh Chúa, có hồn sống là chính hơi thở của Thiên Chúa (x. St 1-2); Và con người đã sống hạnh phúc trong Chúa, được cộng tác với Chúa để làm chủ và hoàn tất công trình sáng tạo của Chúa. Đó chính là cội nguồn hạnh phúc, là hạnh phúc thật và là hạnh phúc bền vững cho con người. Tiếc thay, con người đã dại dột, nghe lời xuyên tạc của Rắn, nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, tách rời khỏi đường lối của Người. Do đó đánh mất tình yêu Thiên Chúa. Mất Thiên Chúa là cội nguồn, khát vọng hạnh phúc nơi con người không còn có gì lấp đầy được; Từ đó con người mạnh ai nấy vẽ ra những con đường hạnh phúc bất toàn cho mình rồi lao vào đó như những con thiêu thân lao vào lửa. Thiên Chúa thương yêu, không bỏ con người, Người tiếp tục trung tín với công trình sáng tạo của Người, sai Con Một Người xuống trần gian hướng dẫn cho con người biết lối quay về lại với hạnh phúc chân thật là chính Chúa. Thiên Chúa đặt lại cho mỗi người một chọn lựa để có hạnh phúc: theo đường lối của Thiên Chúa hay là chạy theo những lộ trình mị dân, nhất thời đưa tới những khoái lạc ngắn ngủi trước mắt để rồi cuối cùng là diệt vong?
Lời Chúa hôm nay mời ta suy niệm và chọn lựa giữa hai con đường hoàn toàn khác nhau đó.
BÀI ĐỌC I: Gr 17,5-8
Bài đọc 1 hôm nay trích từ phần đầu của sách Gr 1,4 – 25,13 gồm những sấm ngôn lên án Giuđa và Giêrusalem. Trước các điều tệ hại trong Israel, ngôn sứ loan báo rằng Thiên Chúa sẽ dùng đế quốc Babylon làm công cụ để sửa phạt Giuđa (Gr 25,1-13a). Nhưng ngay trong án phạt ấy, Chúa cũng thoáng cho thấy hồng ân tha thứ, phục hồi (25,12-13).
Còn về mặt chính trị, vào giai đoạn trước lưu đày, các vua cuối cùng của Giuđa (x. 2V 23,36 – 25,7) luôn bị giằng co giữa hai thế lực: Ai Cập và Babylon. Mặc dù đang là chư hầu của Babylon, phần lớn triều đình Giuđa muốn dùng binh mã liên kết với Ai Cập để dành lại độc lập; Chỉ có một số ít sáng suốt nhận định đúng tình hình thấy cần phải tạm thần phục Babylon với hy vọng đất nước sẽ được hưởng một quy chế tự trị nào đó.
Riêng Giêrêmia còn cho rằng phải chấp nhận quyền bính Babylon, vì đó là ý muốn của Yavê. Để thoát khỏi ách Babylon, vấn đề không phải là lo liên minh quân sự với Ai Cập, nhưng là phải lo sửa đổi đời sống, thực thi công bình đức nghĩa thì chính Thiên Chúa sẽ gìn giữ Giuđa (22,1-5). Dưới cái nhìn Kinh Thánh, việc liên minh với các đế quốc bị coi như là bỏ Thiên Chúa để cậy dựa vào binh mã phàm nhân. Đó là một tội. Chưa kể là khi cậy nhờ một đế quốc, đó là dịp để việc tôn thờ các ngẫu tượng xâm nhập vào Israel. Do đó Giêrêmia đã hết lời khuyên can và cảnh cáo vạch cho vua, dân thấy đâu là họa, phúc đích thực.
Bài đọc 1 hôm nay trích phần các sấm ngôn vạch tội Giuđa. Giêrêmia đưa ra hai dung mạo đối nghịch nhau: phúc/ họa; kẻ bị nguyền rủa/ người được chúc phúc:
-
Kẻ bị nguyền rủa là kẻ tin vào người đời, chỉ cậy dựa vào sức của phàm nhân, không gắn bó cuộc đời mình với Thiên Chúa. Hình ảnh được dùng để minh họa số phận của kẻ bị nguyền rủa là “bụi cây trong hoang địa”.
-
Còn người có phúc là người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, chỉ cậy dựa vào Yavê mà thôi. Hình ảnh minh họa là “cây được trồng bên dòng nước”.
Chính sự chọn lựa của mỗi người (của dân) sẽ quyết định vận mạng hạnh phúc của mình.
-
Dung mạo của kẻ bị nguyền rủa (Gr 17,5)
Hay nói cách khác, thế nào là TAI HỌA? bài đọc 1 đưa ra hai yếu tố để xác nhận tình trạng tai họa của kẻ bị nguyền rủa. Bản văn không đề cập, mô tả tình cảnh bên ngoài của kẻ bất hạnh mà chỉ đưa ra hai tương quan nội tâm của kẻ đó với Thiên Chúa và tha nhân. Hai tương quan này vọng lại tâm tình của Ađam và vợ lúc cùng nhau sa ngã:
-
Tin và cậy dựa vào con người
-
Đồng thời lòng dạ rời xa Yavê Thiên Chúa.
-
Tai họa là tình trạng của kẻ tin vào người đời, cậy dựa vào sức phàm nhân:
– “Người đời” là những kẻ mạnh thế, quyền uy có đủ lợi thế để thống trị, đè bẹp kẻ khác; Trên bình diện tập thể, quốc gia, “người đời” là các liên minh, các cường quốc mà những nhóm, quốc gia nhược tiểu phải lụy phục, cậy nhờ, chịu nhiều thiệt thòi để hy vọng đổi lại được chút yên thân.
– “Sức phàm nhân” là tất cả những phương thế nhân loại có năng lực giúp con người đạt được một mục đích nào đó: gương Môsê muốn tự ý cứu dân bằng sức lực của riêng mình dựa trên uy quyền của một hoàng tử Ai Cập. Áp dụng vào bối cảnh của những triều đại cuối của vương quốc Giuđa, những cụm từ trên ám chỉ các tính toán của vua dân Giuđa, muốn dùng biện pháp liên minh quân sự với các cường quốc để giải quyết vấn đề liên quan đến vận mạng, tương lai của Dân Chúa.
Thực ra việc “cậy dựa vào con người” tự nó không phải là xấu, trái lại trong chừng mực nào đó lại còn đẹp lòng Thiên Chúa nữa là khác. Vấn đề chỉ trở nên tệ hại là khi con người đi đến chỗ thái quá: XA RỜI THIÊN CHÚA.
Tai họa nằm ở chỗ là khi con người được chút thành công thì nảy sinh ra ảo tưởng cho rằng chỉ với sức riêng mình, mình đã đạt được hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu mà không cần gì đến Thiên Chúa nữa.
Đó là một biến thái của tội nguyên tổ: gán cho các tạo vật một quyền năng mà tự chúng không hề có; rồi tiếp đến là đặt vận mạng cuộc đời mình vào đó, đến độ loại trừ luôn Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Vấn đề ở đây không phải là một tội phạm hình sự, luân lý cụ thể mà là chối từ một mối tương quan, chối từ một dự tính vĩnh cửu của Thiên Chúa trên thân phận con người: nhân loại quên mất rằng mình là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Do đó chỉ trong Thiên Chúa, con người mới thể hiện được căn tính của mình và tìm được chân phúc vĩnh cửu.
Vậy căn nguyên cái họa là tình trạng “lòng dạ rời xa Yavê!”
-
Hình ảnh minh họa số phận kẻ bị nguyền rủa (Gr 17,6)
Số phận kẻ bị nguyền rủa được so sánh với “bụi cây trong hoang địa”, cằn cỗi, cô đơn, không bao giờ hưởng được chân phúc. Hình ảnh thật thê thảm:
“Hoang địa” là nơi cằn cỗi, thiếu nước không đủ để cỏ cây sinh trưởng, con người, thú vật đến sinh sống. Hình ảnh gợi lại vườn Eđen lúc chưa có mưa và chưa có con người để canh tác. Nếu không có tình yêu Thiên Chúa can thiệp thì hậu quả là cằn cỗi, cô độc, héo tàn và tự diệt.
-
Dung mạo của người có phúc (Gr 17,7)
-
Thế nào là người có phúc?
Là kẻ đặt niềm tin vào Yavê, cậy dựa vào Yavê?
Bản văn không hề nói phải khinh chê, loại bỏ các giá trị nhân loại; Cũng không hề khuyên đừng tin tưởng, đừng cậy dựa vào con người. Tất cả những gì được Thiên Chúa đặt để trong công trình sáng tạo, con người đều phải tôn trọng, phải tùy thuộc, nương theo các định luật của công trình sáng tạo để hành động. Tuy nhiên ta không đặt cọc cuộc đời ta vào đó. Tất cả phải được sử dụng trong tương quan tùy thuộc vào Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa như một anawim, nghĩa là như một người chỉ biết phó thác vào Thiên Chúa, xem Thiên Chúa là nơi nương tựa duy nhất của đời mình mà thôi.
-
Hình ảnh minh họa số phận người có phúc (Gr 17,8)
Là một hình ảnh hoàn toàn tương phản với những gì được mô tả trong câu 6 theo từng cặp: 6a/ 8ab; 6bc/ 8cd; 6dđ/ 8đe. Người có phúc được ví như “cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong” (Gr 17,8ab); Và kết quả là sức sống và năng xuất ổn định (17,8đe) bất chấp những khó khăn, nắng nóng, hạn hán (17,8cđ).
Hình ảnh nước dồi dào là biểu tượng hồng ân tràn đầy của Thiên Chúa, của tình yêu quan phòng của Chúa đối với công trình sáng tạo của Người, đặc biệt là đối với nhân loại (x. St 2,5b-6). Còn hình ảnh cây xanh tươi quanh năm và luôn sinh trái là biểu tượng của địa đàng được hồi phục (x. Ed 47,12), là “Trời Đất Mới”, là phần thưởng chung cuộc thời cùng tận Thiên Chúa dành cho những ai trung tín (x. Kh 22,1.2)
Tóm lại, bài đọc 1 đưa ra cho ta hai con đường và mời chọn lựa để có được hạnh phúc bền vững. Phúc/ Họa là tùy con người đặt niềm tin tưởng của mình vào đâu:
-
Họa là tin ở người đời, là lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa và lòng dạ xa rời Thiên Chúa (Gr 17,5).
-
Phúc là đặt niềm tin vào Yavê, có Yavê làm chỗ nương thân.
TIN MỪNG : Lc 6,17-18.20-26
Sứ vụ công khai của Đức Giêsu xoay quanh ba trục chính: kêu gọi môn đệ; rao giảng; và làm phép lạ. Ba trục này được phối hợp chặt chẽ với nhau để minh chứng sứ vụ của Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa và sẽ được tiếp tục nơi các môn đệ. Cho tới chương 6 hôm nay, Đức Giêsu đã kêu gọi được nhóm môn đệ tiên khởi (Lc 5,10-11; 5,27-28), đã làm được một số phép lạ, riêng việc rao giảng thì chỉ mới đề cập đến cách chung chung (4,44; 5,3; 6,6…). Tin Mừng hôm nay là bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu có ghi rõ nội dung rao giảng. Bài đọc Tin Mừng là trích đoạn mở đầu của bài giảng tại đồng bằng của Luca nói về các mối phúc. Thay vì trình bày tám mối phúc như Mt 5,1-10 thì Luca lại nêu lên bốn mối phúc và bốn lời nguyền rủa, kèm theo những lý do cho biết tại sao là phúc/ là họa. Những điều mà thói đời cho là phúc như: giàu có, no nê, vui cười, được ca tụng; đó là những điều mà người đời luôn tìm kiếm, bám víu, cậy dựa vào… thì bị Luca cho là HỌA. Còn những điều mà phàm nhân đều sợ hãi, trốn tránh như nghèo hèn, đói khát, khóc lóc, bị bách hại thì lại được đánh giá là PHÚC. Thật ra, họa hay phúc không nằm ở sự kiện mà là ở nguyên nhân và cùng đích của các sự kiện ấy trong tương quan với cuộc sống thật, vĩnh cửu của kiếp người. Đối tượng trực tiếp Đức Giêsu nhắm tới là các môn đệ (6,20a). Người trình bày cho họ thế nào là PHÚC/ HỌA theo một chuẩn mực mới do Người mang đến. Người đặt các môn đệ mà Người vừa chọn trước một giá trị, một tiêu chuẩn mới do Người mang đến; Và mời chọn!
-
Khung cảnh và tính phổ quát của bài giảng khai mạc (6,17-18)
-
Trong Tin Mừng Luca: đây là bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu có mang nội dung cụ thể rõ ràng. Bài giảng này diễn ra ở nơi đất bằng, được so sánh tương đương với bài giảng trên núi của Matthêu, nhưng ngắn hơn, chỉ 30 câu (Lc 6,20-49). Đối tượng thính giả mà Luca nhắm tới cũng rộng hơn gồm có: Nhóm Mười Hai, đông đảo môn đệ, đoàn lũ dân Do Thái từ Giuđê và Giêrusalem kéo đến, còn có cả dân ngoại từ Tia và Sidôn (6,17). Tuy nhiên đối tượng chính vẫn là các môn đệ (6,20a).
Đức Giêsu muốn lấy khỏi đầu các môn đệ tư tưởng quốc gia chủ nghĩa, tính địa phương hẹp hòi, cục bộ của người Do Thái mà Đức Giêsu đã vấp phải khi về thăm quê Nadaret (4,23; 4,42.43). Và Người ra đi loan Tin Mừng khắp nơi (4,31.44) và bắt đầu chú tâm kêu gọi các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng phổ quát của Người sau này (5,1-11; 5,27-28). Tầm nhìn và cách hành động của Đức Giêsu đã khiến cho một số kinh sư và pharisêu chống đối Người (5,15-25.29-32.33-39) và tìm cách hại Người (6,11). Trước thực tế đáng buồn đó, Đức Giêsu hướng hoạt động của Người về Nhóm môn đệ mặc dù vẫn giảng dạy cho đám đông (5,12-16).
-
Tính phổ quát của sứ điệp Đức Giêsu: ngay trong bài giảng khai mạc, đối tượng đến với Đức Giêsu đã được Luca mở rộng ra cho mọi người kể cả dân ngoại, cũng không loại trừ, xua đuổi người bệnh tật, kẻ ô uế, người bị quỷ ám (x. Lc 4,25-27; 4,42-44; 6,17-18). Thời ân sủng được khai mở bằng hành động của Đức Giêsu mở rộng tầm tay đón nhận tất cả, chữa lành, hồi phục tất cả (6,17-19). Trước Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng, đều được Đức Giêsu đón tiếp, đều được lắng nghe Lời Chúa, đều được thưởng phạt theo chuẩn mực mới do Đức Giêsu mang đến.
-
Bài giảng khai mạc: chuẩn mực mới của PHÚC/ HỌA (Lc 6,20-26)
-
Đây là đoạn song song với Bát Phúc trong Mt 5,1-10, nhưng Luca trình bày thành bốn cặp đối xứng nhau PHÚC/ HỌA.
Mặc dù được nói chung cho tất cả mọi người (Lc 6,17) nhưng đối tượng chủ yếu, trực tiếp vẫn là các môn đệ (6,20a), nghĩa là những người đã có chút lòng tin vào Đức Giêsu, đã đi theo Người, đã được nghe một số lời dạy dỗ của Đức Giêsu. Giờ đây Đức Giêsu muốn trình bày cho họ những giá trị, chuẩn mực mới, hàm ý mời gọi họ tin vào đó, bước theo Người tiến vào một vận hội mới, làm một cuộc hoán cải tận căn như Phaolô: điều trước kia tôi xem là lợi lộc, thì nay tôi coi như là rác rưởi trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô (Pl 3,8). Như vậy xét bề ngoài, sự việc vẫn không đổi, cái phải đổi thay là mối tương quan gắn bó của tôi đối với sự việc đó. PHÚC/ HỌA không nằm ở bề mặt của sự kiện nghèo, giàu… theo tầm nhìn trần thế mà là nhận ra được Tình Yêu của Đức Giêsu, của Thiên Chúa đối với mình qua sự việc đó. Bài giảng khai mạc là một lời mời chọn lựa: mỗi người được Đức Giêsu đặt trước “cây trái cấm”, chọn sống theo chuẩn mực mới do Người đưa ra, hoặc chọn theo những giá trị cũ mà thế gian đang tôn thờ.
-
Cấu trúc của mỗi mối phúc/ họa gồm hai vế:
– Vế 1 mô tả tình trạng hiện tại của đối tượng được phúc: nghèo, đói, khóc, bị khai trừ hoặc mắc họa: giàu, no, cười, được ca tụng.
– Vế 2 nêu lên lý do tại sao được phúc hay mắc họa.
Phúc/ họa không nằm ở vế 1 tức là tình trạng hiện tại trước mắt, nhưng là nằm ở vế 2; nghĩa là phúc/ họa mà Đức Giêsu loan báo ở đây là chuyện tương lai. Tuy nhiên cái tương lai ấy lại tùy thuộc và nối kết chặt chẽ với tình trạng hiện tại.
-
Phúc/ họa chỉ là đảo ngược tình thế điều đang có trong hiện tại?
Thoạt nhìn qua các mối phúc/ họa của Luca, nhất là mối thứ 2 và thứ 3, chúng ta dễ rơi vào cảm giác rằng đó chỉ là một cuộc đảo lộn tình huống giữa thời điểm hiện tại với tương lai: ai trong hiện tại đang giàu (nghèo) thì rồi tương lai sẽ nghèo (giàu), theo lối định luật biến dịch tuần hoàn của trời đất. Nếu vậy thì Đức Giêsu có đem lại điều gì mới cho vũ trụ này? Và nhất là cho phận người tội lỗi đang bị sự bất hạnh khống chế? Và nếu chỉ là định luật tuần hoàn thì cái phúc/ họa luôn đổi thay đâu còn bền vững. Và nhất là phúc/ họa không nằm ở sự kiện giàu nghèo đói no… mà là ở mối tương quan với Thiên Chúa. Điều này đã được Thiên Chúa hé mở cho Giêrêmia (bài đọc 1: Gr 17,5.7). Và chúng ta cũng xác tín vào giáo lý Công Giáo: Thiên Chúa là cội nguồn hạnh phúc thật và bền vững; Sở dĩ con người bất hạnh là vì chối từ, tách rời khỏi Thiên Chúa (St 3); để tìm lại được hạnh phúc phải nối kết lại tương giao với Thiên Chúa.
-
Thế nào là phúc/ họa thật?
Lời Chúa mời ta suy gẫm câu đáp ẩn chứa trong mối phúc/ họa thứ nhất và thứ tư.
-
Phúc cho anh em… vì Nước Thiên Chúa là của anh em (Lc 6,20c).
Trong Cựu Ước, sự nghèo, đói, khóc, bị loại trừ được nhìn dưới 2 góc độ khác nhau: theo cái nhìn luân lý, nệ luật thì các tình trạng kể trên là HỌA, là án phạt của Thiên Chúa dành cho tội nhân, kẻ bất hảo. Cái bất hạnh về thể xác ấy kéo theo cái họa thiêng liêng là bị ra ô uế, không thể gần Thiên Chúa, gần đồng loại, bị khai trừ, không được ơn cứu độ. Ngược lại sự giàu, no, vui… được coi là phần thưởng Chúa ban cho những ai đạo đức, họ sẽ được cứu độ (x. ĐN TH TK “Nghèo” Cựu Ước I). Vì thế những kẻ nghèo, đói, khóc… vừa bất hạnh vật chất, vừa bị đồng loại khai trừ, vừa không hi vọng gì được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa, đúng là HỌA. Thiên Chúa đối với họ là vị quan án nghiêm khắc, Người có đó để xét xử họ.
Giờ đây với sự xuất hiện của Đức Giêsu: những lời Người dạy, những việc Người làm ẩn chứa một năng lực thần linh; Người có quyền trên sự dữ, trên thần ô uế; Và nhất là đối với tội nhân, Người có một tấm lòng trắc ẩn bao la và có quyền THA TỘI cho họ (Lc 5,24.32). Người có quyền vượt hơn Lề Luật, những việc làm mang tính cách mạng của Người thực ra là giải phóng con người, tôn vinh Thiên Chúa (Lc 5,26).
-
Với một quyền năng mang đậm nét thần linh, với một Tình Yêu bao dung, với một lòng thương xót lớn hơn tội lỗi của con người, vượt xa hơn Lề Luật, Đức Giêsu tuyên bố: “Phúc cho anh em vì Nước Thiên Chúa là của anh em”.
Vậy cái phúc của người nghèo… không nằm ở trong hiện trạng khốn cùng của họ mà là trong thái độ của Đức Giêsu đối với họ: Người là Đấng Mêsia, Người đến quan tâm tới họ, ưu ái họ, công bố từ nay họ cũng có được Nước Thiên Chúa là gia sản. Khi công bố “phúc cho những người nghèo vì Nước Thiên Chúa là của anh em”, Đức Giêsu ngầm bảo thời Mêsia đến rồi, chính Người là Mêsia. Và “hạnh phúc” không gì khác hơn là được Người chiếu cố cách đặc biệt. Còn về phía kẻ nghèo, để cái phúc Đức Giêsu mang tới thật sự là gia sản, là mối phúc cho mình thì hãy mở lòng đón nhận sự quan tâm của Chúa trong tâm tình tạ ơn, phó thác.
Lưu ý đến khía cạnh hiện tại của hồng ân “Nước Thiên Chúa là của anh em” (động từ “LÀ” ở thì hiện tại indicatif): Ngay trong thân phận nghèo, đói, khóc… của kẻ bất hạnh, họ đã nhận ra trong Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa là của họ ngay trong tại thế này. Đó mới là chân phúc.
Vậy phúc/ họa không chỉ là lời hứa hướng về một tương lai tươi sáng mà là một thực tại ngay tại thế nhờ tin và gắn bó vào Đức Giêsu. Gương đứa con hoang đàng, Dakêu, tên trộm lành là những tội nhân có phúc vì họ đã đón nhận Nước Thiên Chúa làm của họ nhờ Đức Giêsu.
-
Còn mối phúc thứ tư (6,22-23): cụm từ “bị oán ghét, bị khai trừ…” gợi lên chính thân phận của Đức Giêsu trên đường Thập Giá: bị các thủ lãnh Do Thái oán ghét, tìm đủ mọi cách khai trừ Người ra khỏi cuộc sống (Lc 22,66 – 23,1); đặt điều nói xấu Người, gán cho tước Mêsia những ý nghĩa sai trái (23,2-5); bị môn đệ bán, chối từ như một tội phạm xấu xa; bị quân lính nhạo báng, sỉ vả…
Vậy mối phúc này là được nên giống Đức Giêsu, là niềm vui được xếp vào hàng ngũ ngôn sứ của Người, của Thiên Chúa. Cùng chịu đau khổ sẽ cùng hưởng vinh quang (Rm 8,17; Pl 3,10-11; 1Pr 4,13-16…).
TÌM HIỂU 2 BÀI ĐỌC (Bổ sung bài Suy Niệm)
Gr 17.5-8 / Lc 6, 17-18. 20-26
Chủ điểm phục vụ
Lời Chúa của Chúa Nhật MTN 6 đề cập đến một chủ đề luôn mang tính thời sự, được mọi người quan tâm: HẠNH PHÚC và BẤT HẠNH
Nhưng thế nào là Hạnh Phúc/ Bất hạnh? Và với thân phận yếu hèn, phù du, hay đổi thay và giới hạn của kiếp người thì liệu cái mà trong một giai đoạn một phút giây nào đó chúng ta gọi là Hạnh phúc/ Bất hạnh có thật sự là đúng như thế và sẽ tồn tại lâu dài? (xem bài Suy Niệm)
Về mặt cấu trúc bản văn, cả 2 bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay đều gồm có 2 phần khá đồng đều, đối xứng nhau, một phần nói về những lời “nguyền rủa”, “khốn thay”; phần còn lại nói về những điều “phúc thay”, “phúc cho”.
Những yếu tố bị coi là “khốn” “hoạ” thì lại là những thứ mà con người thời đại, mọi nơi đều cho là “phúc”, “tốt” và mơ ước, tìm mọi cách chạy theo hết sức để chiếm hữu: giàu có, no nê, vui cười, được ca tụng (Lc 6,24-26).
Ngược lại, những điều mà phàm nhân trốn chạy, né xa vì cho là bất hạnh thì lời Chúa lại tuyên bố là những mối phúc: nghèo khó, bây giờ đang phải đói, đang phải khóc, bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả…(Lc 6, 20-22)
Bài được 1 không mô tả những tình huống cụ thể như trong bài đọc Tin Mừng, nhưng đưa ra hai mối tương quan nền tảng:
-
Con người với chính bản thân: chọn bản thân mình làm nền tảng, làm chỗ cậy dựa đến độ “lòng dạ xa rời Yavê” và điều bất hạnh được trình bày bằng một hình ảnh biểu tượng “bụi gai trong hoang địa”, “trong vùng đất mặn, không một bóng người” (Gr 17, 5-6) Theo Giêrêmia đó là cội nguồn những bất hạnh.
-
Con người với Thiên Chúa: “đặt niềm tin vào Yavê”, “có Yavê làm chỗ tựa nương” và hình ảnh mô tả hạnh phúc là “như cây trồng bên dòng nước” luôn xanh tươi bất chấp thời tiết khô cằn, nóng hạn. Đó là cội nguồn hạnh phúc. (Gr 17,7-8)
Tại sao lại có sự đối nghịch như thế giữa khát vọng hạnh phúc theo các nhìn phàm nhân và chân hạnh phúc như Tin Mừng Luca trình bày trong Lời Chúa hôm nay?
Để hiểu được phần nào, cần trở về lại với cái nhìn về Phúc/ Họa trong công trình Sáng tạo. Theo những chương đầu của Sách Sáng Thế:
– Thiên Chúa dựng nên mọi sự ban đầu đều tốt đẹp (St1). Phần con người được hưởng trọn vẹn hạnh phúc thật sự khi được Thiên Chúa dựng nên là “hình ảnh của Thiên Chúa” và là “bá chủ”, một vũ trụ hoàn toàn tốt đẹp như Ý Chúa đã dựng nên. Khát vọng hạnh phúc của con người là vô biên và chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy, thỏa đáp được khát vọng ấy.
– Tiếc thay, con người đã nghe lời Rắn, ảo tưởng lấy mình làm chuẩn mực, làm hạnh phúc cho chính mính, muốn tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa là cội nguồn hạnh phúc đích thực của mình. Và cái khốn cùng của con người xuất hiện: khát vọng vô biên về hạnh phúc của con người vẫn còn nguyên; Nhưng yếu tố duy nhất giúp thỏa đáp được khát vọng ấy là chính Thiên Chúa thì con người đã khước từ. Nên tự sức mình, con người không bao giờ tìm được hạnh phúc đích thực; Nhưng vì khát vọng vẫn còn đó không ngừng thúc giục nên con người cuống cuồng tìm cách lấp đầy bằng tích lũy, bù trừ, vơ vét…nhưng vô vọng. Càng tìm chiếm đoạt, hưởng thụ…con người càng đi sâu vào thất vọng và cuối cùng với cái chết, con người trở về với lòng đất với bàn tay trắng…như thế là một cuộc đời thất bại, bất hạnh.
Thiên Chúa đến trần gian là để cảnh tỉnh con người: không có tạo vật nào, quyền lực giàu có trần gian nào có thể lấp đầy khát vọng của con người. Lời đáp chỉ có, tìm thấy trong Thiên Chúa: vậy hãy quay về với Người, vì nơi Người khát vọng hạnh phúc của nhân loại mới được thỏa đáp.
Do đó Lời Chúa không coi thường các giá trị trần thế (cũng là điều Chúa đã dựng nên và trao cho con người làm bá chủ), nhưng cảnh cáo đừng để các giá trị ấy cản đường con người đến hiệp thông với Thiên Chúa, đừng coi chúng là cùng đích cuộc đời. Hạnh phúc đích thực không nằm ở các sự kiện nghèo, đói, bị bắt bớ…Đó là những bất hạnh của con người sau khi sa ngã. Hạnh phúc đích thực là đằng sau những bất hạnh đó, Thiên Chúa đang chờ ta để trao ban Nước Trời, tặng Đất Hứa, hồi phục niềm vui nụ cười, đáp trả lại những khát vọng của ta. Chính Thiên Chúa thực hiện hạnh phúc đó, đưa ta về lại mối tương quan sum vầy, chan hòa với Thiên Chúa. Và điều đó được thực hiện NGAY Ở GIỮA CUỘC ĐỜI ĐẦY ĐAU KHỔ NÀY, NHỜ TIN VÀO ĐỨC GIÊSU KITÔ.
BÀI ĐỌC I: Gr 17, 5-8
Văn mạch:
Thuộc phần thứ 2 của sách Giêrêmia (Gr 7,1-20, 18) được soạn thảo vào thời vua Giôgiakim: 609-597 (x.CGKPV “các sách ngôn sứ” trong 260 nốt “đ”).
Về bối cảnh lịch sử, các vua cuối cùng của Giuđa (x.2V23, 3-25,7) luôn bị giằng co giữa 2 thế lực: Ai cập và Babylon. Đang là chư hầu của Babylon, phần lớn triều đình Giuđa muốn dùng binh mã, liên minh với Aicập để dành lại độc lập. Chỉ có một số ít sáng suốt nhận định đúng tình hình thấy rằng cần phải tạm thời thần phục Babylon với hi vọng đất nước sẽ được hưởng một quy chế tự do nào đó.
Còn theo cái nhìn tôn giáo, Giêrêmia còn cho rằng phải tạm chấp nhận quyền bính của Babylon vì đó là ý muốn của Yavê: để thoát khỏi ách của Babylon, vấn đề không phải là do liên minh quân sự, chính trị với Aicập, nhưng là phải SỬA ĐỔI ĐỜI SỐNG, sống thực thi công bình đức nghĩa thì CHÍNH THIÊN CHÚA SẼ BẢO VỆ GIUĐA (Gr 22, 1-5). Dưới cái nhìn Kinh Thánh, việc liên minh với đế quốc bị coi là rời bỏ Thiên Chúa để cậy dựa vào thế lực phàm nhân. Đó là một TỘI! Chưa kể khi cậy nhờ vào một đế quốc còn là một dịp thuận lợi để việc tôn thờ các thần ngoại xâm nhập vào Israel. Do đó Giêrêmia đã hết sức khuyên ngăn, cảnh cáo, vạch ra cho dân thấy đâu là họa / phúc đích thực.
Bản văn được chọn đọc trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Gr 17, 5-8, đưa ra một so sánh họa / phúc từ lối sống của 2 hạng người đối nghịch nhau:
-
Một hạng chỉ biết tin cậy vào mình, dựa sức phàm nhân, không kể gì đến Thiên Chúa.
-
Một hạng hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa
Chính sự chọn lựa của mỗi hạng người sẽ quyết định vận mạng, hạnh phúc của họ.
CẤU TRÚC vàCHÚ THÍCH
-
Kẻ đáng bị nguyền rủa (Gr 17, 5-6)
-
Yavê phán (17, 5a)
-
Đặc nét của kẻ bị nguyền rủa (17, 5)
-
Tin ở người đời
-
Nương tựa sức phàm nhân
-
Lòng dạ xa rời Yavê
-
Hình ảnh minh họa (17, 6)
-
Như bụi cây trong hoang địa
-
Số phận:
+ Không bao giờ thấy được hạnh phúc
+ Hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra
-
Căn nguyên: Vì đắm chìm trong tình trạng do mình tạo ra:
+ Đồng khô cỏ cháy
+ Vùng đất mặn
+ Vùng hoang vu không người ở
Yavê phán: Những gì được tuyên phán sau đây là sứ điệp thần linh đến từ Yavê Thiên Chúa. Chính THIÊN CHÚA sẽ thực hiện những điều đó.
“Yavê nói” là cách thức Thiên Chúa đi bước trước đến với con người để hoặc điều chỉnh hoặc đưa con người vào lịch sử cứu độ cách thân tình, mật thiết hơn.
Trong trích đoạn bài đọc 1 này, Thiên Chúa muốn chỉnh sửa lại tầm nhìn về PHÚC/HỌA theo tầm nhìn của Thiên Chúa.
“Đáng nguyền rủa thay” Cách nói này không bao hàm một ý nghĩa chúc dữ hay kết án nhằm vào một đối tượng (cá nhân hay tập thể) cụ thể đang ở trong tình trạng tội và phải gánh chịu hậu quả tương ứng.
Đây là lời cảnh cáo nghiêm khắc được GIỐNG lên báo động chung cho mọi người phải mau lo tỉnh thức đổi mới tầm nhìn hầu tránh được những hậu quả đáng sợ…
Đối với Thiên Chúa, lời ngăm đe nghiêm khắc luôn hàm ẩn bên trong một ước mong tha thứ khi tội nhân tỉnh ngộ (chuyện Giôna – Ninivê). Đó là một phương thức mạnh mẽ thúc giục tội nhân hoán cải
Đặc nét của kẻ bị nguyền rủa (c.5): “tin ở người đời”, “nương tựa sức phàm nhân” tự nó không là điều xấu. Trái lại, có thể hiểu đó là ý muốn của Thiên Chúa khi trao cho con người quyền “bá chủ vũ trụ”.
Nhưng con người chỉ thật sự là chủ vũ trụ khi “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”, khi sa ngã, khước từ Thiên Chúa, tất cả đều trở nên bất hạnh cho con người.
Vậy yếu tố là cội nguồn của mọi bất hạnh là “lòng dạ xa rời Yavê”.
Vậy sứ điệp mà Yavê muốn gửi đến nhân loại trong c.5 này không là lời “nguyền rủa”, mà là một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc mời gọi nhân loại đang rời xa Thiên Chúa hãy quay về với Người để có được hạnh phúc đích thực.
Hình ảnh minh hoạ (c.6): kẻ vô phúc được ví như “bụi cây trong hoang địa”: một sức sống héo úa, cầm hơi, chờ đợi huỷ diệt.
Phần Thiên Chúa, Người không bỏ rơi những kẻ đang lầm lạc, Người vẫn tiếp tục thi ân giáng phúc; Tiếc thay những kẻ đáng bị nguyền rủa đã nhốt mình trong cái vỏ chết cứng, hạn hẹp của mình nên “hạnh phúc dù có được Thiên Chúa không ngừng gởi đến họ cũng chẳng nhận ra” và không đón nhận được. Họ vẫn được Thiên Chúa bao bọc trong đại dương ân sủng của Người, nhưng vì “lòng họ đã xa rời Yavê” nên ân sủng, hạnh phúc của Chúa không thể chiếm đoạt và giáng phúc cho họ.
-
Những người hạnh phúc (Gr 17, 7-8)
– đặt niềm tin vào Yavê
– có Yavê làm chỗ nương thân
– như cây trồng bên dòng nước
– rễ đâm sâu vào mạch nước trong
– dù mùa khô, kể cả hạn hán, lá vẫn xanh tươi
– và không ngừng sinh trái
Đặc nét: bản văn không đề cập gì đến những trường hợp cụ thể:
giàu/nghèo, khóc/cười, no đói…, không khinh chê, loại bỏ những giá trị trần thế, yếu tố được nhấn mạnh là mối tương quan với Thiên Chúa. Người có phúc là người đặt niềm tin vào Yavê, có Yavê làm chỗ nương thân.
Vậy phúc/họa không tùy thuộc vào hoàn cảnh hiện tại ta đang có, nhưng tuy thuộc vào thái độ sống của ta trước hiện tại đang diễn ra đó trong TƯƠNG QUAN thế nào với Thiên Chúa.
-
Hình ảnh minh họa (c.8): như cây được trồng bên bờ nước, rễ đâm sâu vào mạch nguồn nước. Những khó khăn, khô cằn, hạn hán vẫn còn đó, nhưng cây vẫn xanh tươi và cho đầy trái. Vì được cắm sâu vào nguồn nước là chính Thiên Chúa.
TÓM KẾT:
Dưới tầm nhìn của nhân loại,câu hỏi “ thế nào là phúc/họa?” không có được câu trả lời dứt khoát…vì mọi sự đều đổi thay và chúng tác động lên cảm nghiệm của con người về phúc/họa, từng nơi , từng lúc.
Tuy nhiên trong Kinh Thánh, Gr 17, 5-8 cũng như nhiều nơi khác (x. Tv1: Tv 117: Ed 47,12…) đã liên kết chặt chẽ hạnh phúc nhân loại với lòng kính sợ, phó thác vào Thiên Chúa. Ngay từ những trang đầu, Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy “hạnh phúc đích thực” là khi con người và các loài thọ tạo biết lắng nghe Lời Chúa: Chúa phán “hãy có…”: tức thì “có”: Và khi con người chống đối lại Lời Thiên Chúa phán, nghe lời Rắn, ăn trái cấm thì bất hạnh xuất hiện. Nói đúng hơn là tình trạng hạnh phúc được hưởng trước đó rời bỏ con người. “Bất hạnh” không là một tạo vật mới, mà là một sự việc con người để hạnh phúc Chúa ban vượt khỏi tầm tay.
Thiên Chúa không bỏ cuộc, Người luôn muốn mang lại hạnh phúc cho con người. Và trong bài đọc 1 hôm nay, con đường hồi phục hạnh phúc đó được tóm lại trong 3 câu:
– Lòng dạ Đừng xa vời Yavê (c.5)
– Đặt trọn niềm tin vào Yavê (c. 7a)
– và có Yavê làm nơi nương tựa (c. 7b)
Vậy hạnh phúc đích thực là luôn xác tín trong mọi hoàn cảnh rằng: “có Chúa ở cùng”: “Emmanuel”: “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta, luôn luôn”.
TIN MỪNG: Lc 6,17-18a.20-26
Văn mạch
Trước khi trình bày về sứ vụ công khai của Đức Giêsu, các sách Tin Mừng nhất lãm đều đề cập đến 2 biến cố:
-
Đức Giêsu chịu phép rửa: khẳng định Đức Giêsu đảm nhận trọn vẹn phận loài người tội lỗi. Người là một con người thật. Nhưng chính khi Người tự nguyện đảm nhận phận người tội lỗi như thế thì Mầu Nhiệm chóp đỉnh Kitô giáo được tỏ lộ: Ba Ngôi hiện hữu trong biến cố này; Và con đường cứu độ nối kết trời và đất rộng mở; Con người Giêsu ấy chính là Mêsia, là Con Thiên Chúa, là Đấng tràn đầy Thần Khí. Đức Giêsu được tỏ lộ vừa là con người, vừa là Thiên Chúa.
Riêng Luca còn nhấn mạnh tính cách “con người – Chúa” của Đức Giêsu qua bản gia phả khẳng định Đức Giêsu chính là dòng dõi nhân loại đích thật và cũng là con Thiên Chúa (Lc 3,23-38)
-
Đức chịu cám dỗ: với tư cách là hậu duệ đích thực của dòng dõi nhân loại, Đức Giêsu vào hoang địa (hang ổ của ma quỷ) vô hiệu hóa nọc độc của Satan, của Rắn. Từ nay nhờ và với Đức Giêsu, nhân loại không là kẻ bại trận nữa mà là người có năng lực chiến thắng ma quỷ.
Tuy nhiên trong Luca, ma quỷ chưa bỏ cuộc (Lc 4,13)
Chính trong tư cách là “con người- Chúa”, là Đấng Thiên Sai đến vô hiệu hóa nọc độc của Satan, Đức Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai: rao giảng, chữa lành, chọn người kế thừa (Lc 5,1-4.27-38) với tất cả những chống đối, xen lẫn thành công (x. Lc 4,14-6,11). Giờ đây đã đến lúc đưa ra những đường hướng quyết định dứt khoát để làm nền và định hướng cho toàn thể sứ vụ công khai của Người.
Trong Luca, cái nền cơ bản Đức Giêsu muốn thiết lập là cộng đoàn thiên sai nòng cốt. Việc làm trước tiên của Đức Giêsu trong giai đoạn này là cầu nguyện suốt đêm cùng Cha; Tiếp đó là từ giữa đoàn môn đệ chọn ra 12 vị được gọi là các tông đồ. Và với Nhóm Mười Hai này, Đức Giêsu đã thuyết giảng cho đám đông về các mối phúc thật để làm cương lĩnh cho các hoạt động của Người. Đối tượng được đón nghe mở rộng ra cho cả dân ngoại (Lc 6,17-19)
Bài giảng khai mạc này (Lc 6,20-49) tương đương với bài giảng trên núi trong Mt 5-7 (x. CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 280 các nốt “h-m”.
Bài trích đọc Tin Mừng hôm nay là phần đầu gồm những lời chúc phúc và chúc dữ, nhằm vạch ra con đường mà những ai muốn đi theo Đức Giêsu phải chọn. Đúng hơn nên gọi “những lời khốn cho” là “những mối hoạ”, bởi vì Đức Giêsu không nhằm nguyền rủa ai; Nhưng Người thở than, ái ngại, tiếc nuối cho những kẻ đang lao mình vào thảm hoạ mà cứ lầm tưởng rằng mình đang có phúc.
Đây không phải là một cuộc cách mạng lật đổ bậc thang giá trị, thiết lập một trật tự mới trong đó các cặp hạng người: giàu/ nghèo, no / đói, vui / buồn… thay đổi vị trí cho nhau…; Nhưng là một lời mời mọi hạng người hãy thay đổi tầm nhìn về các giá trị trong tương quan chọn tin vào Đức Giêsu và thực thi Lời Người. Đây chỉ là phần mở của Lc 6, 20-49 mà cái kết Đức Giêsu mong đợi là: nhận ra Người là “Chúa” và đem ra thực hành lời Người dạy (Lc 6, 46-47). Giàu/ nghèo không phải là điều quan trọng; Quan trọng là sử dụng cái giàu/nghèo đó để “xây nhà trên đá” (Lc 6, 48-49).
CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH
-
Bối cảnh (Lc 6, 17-18a)
Đức Giêsu vừa lên núi cầu nguyện và chọn mười hai tông đồ. Thầy trò xuống núi tiến về một nơi đất bằng. Tại nơi đó dân chúng từ khắp Palestin lẫn các vùng dân ngoại Tia và Xiđon kéo nhau tiến đến với Người để nghe lời giảng dạy của Đức Giêsu và được chữa lành.
Họ là những người đang ở trong tình trạng cùng khốn: bệnh tật, bị thần ô uế quấy nhiễu, những người đang cần được chữa lành. Theo Lc 6, 17-18a thì những kẻ giàu có, khoẻ mạnh, đầy đủ mọi sự … KHÔNG ĐẾN với Đức Giêsu.
Bối cảnh này là một minh hoạ cụ thể cho mọi người thấy ngay trước mắt mình rằng những kẻ đang ở trong tình cảnh ngặt nghèo, khốn cùng vẫn được hưởng trọn vẹn những phúc lành do Đức Giêsu mang đến cho họ. Họ hưởng được phúc vì đã đến với Đức Giêsu, nghe Người giảng dạy rồi được Người chữa lành, đưa họ từ nay bước vào một giai đoạn mới của cuộc sống. Còn kẻ giàu có, tiện nghi… họ không đến nên không hưởng được cái phúc GẶP GỠ Đức Giêsu, không được NGHE LỜI NGƯỜI và không được Người biển đổi. Trong tầm nhìn đó, ta suy niệm Tin Mừng hôm nay.
-
Các mối phúc (Lc 6, 20-23)
* Đối tượng trực tiếp: “các môn đệ” (6, 20a)
“phúc cho anh em” (20b, 21ac, 22a)
* “là những kẻ nghèo khó” (6, 20b)
Nguyên do của mối phúc: “Vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (6, 20c)
* “là những kẻ bây giờ đang đói khát” (6, 21a)
Nguyên do: “Vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (21b)
* “là những kẻ bây giờ đang phải khóc” (21c)
Nguyên do: “vì anh em sẽ được vui cười” (21d)
* “khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét (22)
Nguyên do: NGÀY ĐÓ, anh em hãy vui mừng nhảy múa (23a)
Nguyên do: 1. Vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao (23b)
-
vì đó là số phận các ngôn sứ của Thiên Chúa (23c)
“ngước mắt nhìn các môn đệ” Đức Giêsu nói “phúc cho anh em…”
Ở Lc 6, 17-18a, Đức Giêsu đã chữa lành cho đám đông; Nhưng các mối phúc này Đức Giêsu lại nhắm trực tiếp vào một đối tượng nhỏ hẹp hơn: các môn đệ, những người được Đức Giêsu gọi là anh em, tức là những con người đã trở nên gần gũi, thân thiết với Đức Giêsu và chớm nở ý muốn đi theo Người.
Như vậy cũng có thể hiểu “môn đệ” “anh em” ở đây chính là “đám đông” là những người vừa được nghe Đức Giêsu rao giảng và chữa lành, hưởng những phúc lộc do Lời và hành động của Người mang tới.
Vậy điều chính yếu cần để tiếp nhận được các mối phúc này không phải là tình trạng vật chất họ đang có, mà là chính MỐI TƯƠNG GIAO mà Đức Giêsu đến mời họ mở rộng lòng ra để kết nối với Người.
“PHÚC CHO” = makarioi
Các lời chúc phúc là những công thức cổ điển trong truyền thống Kinh Thánh và Do Thái để diễn tả:
-
Lời loan báo 1 niềm vui tương lai (Is 30, 18; 32,20; Đn 12,12…)
-
Lời tạ ơn vì đang được vui sướng hoan lạc, đang được một ơn huệ nào đó như được tha thứ chẳng hạn (Tv 32,1-2; 33,12; 84,5-6…)
-
Lời hứa ban một phần thưởng như trong các sách Huấn giáo của các bậc hiền triết (Cn 3,13; 8,32.34; Hc 14,1-2.20; 25,8-9; Tv 1,1; 2,12; 34,9).
Các lời chúc phúc đó luôn nhắm tới NIỀM VUI Chúa sẽ ban. Các sách Tin Mừng cũng ghi lại nhiều lời chúc phúc của Đức Giêsu:
* có những lời chung vui, chúc mừng vì ân huệ đã được (Mt 13,16; 16,17)…
* nhưng đa số là các lời hứa dành cho những ai tiếp nhận sứ điệp của Người (Mt 11,6; Lc 11,28; 12,37; 38,43; 14,14; Ga 13,17; 20,19). Các mối phúc trong trích đoạn hôm nay thuộc dạng này.
Đối tượng hưởng phúc: “anh em”: lời của Đức Giêsu trong Luca nhắm thẳng vào đám đông đang nghe Người: phúc cho “ANH EM…vì Nước Trời là của ANH EM; so với Mattheu dùng đại từ chỉ những người được phúc ở ngôi thứ 3: “phúc thay….vì Nước Trời là của HỌ.
Với Luca, đám đông đang nghe Đức Giêsu chính là cộng đoàn tín hữu. Lc 6,20 xác nhận đối tượng của LỜI Đức Giêsu không còn là “đám đông” nữa mà là “môn đệ” vì họ đã nghe lời rao giảng của Người và được Người chữa lành (6, 18). Thật vậy trong Mt 5, 1-12, Đức Giêsu dạy trực tiếp nội dung Bát Phúc cho đám đông…..Còn trong Luca, trước khi giảng bài “phúc/họa” Đức Giêsu đã chuẩn bị cho đám đông bằng rao giảng và chữa lành (6,18), biến đổi họ và khi đi vào nội dung “phúc/họa” thì Đức Giêsu ngỏ lời với họ như là với “các môn đệ” (6,20) là những người đã hưởng được phúc từ nghe Người giảng và chữa lành.
NỘI DUNG CHÍNH của các mối phúc/họa:
Cách trình bày song song các mối phúc/họa theo từng cặp, có lẽ vọng lại 1 thực trạng sống cụ thể của cộng đoàn Luca vào giai đoạn cuối thời các tông đồ.
Sau cuộc vu khống và giết hại các Kitô hữu tại Rôma vào năm 64 của Neron, nhiều người có thiên kiến và ác cảm với kitô giáo. Lụca viết sách Tin Mừng vừa để thanh minh rằng ĐGS và các kitô hữu vô tội (Lc 23,4.15.22) đồng thời củng cố cộng đoàn các kẻ tin, một số đang bị chao đảo. Tình trạng sống của các Kitô hữu trở nên khó khăn, nhiều lo âu, buồn tủi, nhục nhằn hơn. Hệ quả là một số trong họ bị rơi vào cơn cám dỗ rời bỏ đường lối của Tin Mừng, chọn lối sống dễ dãi, tiện nghi, giàu có, an ổn … ngay trong hiện tại trước mắt.
Còn ở một số nơi khác, sau thời gian lý tưởng “mọi người đều nhất trí đồng tâm,… của cải để chung… cộng đoàn không ai phải túng thiếu đói khát”. Giờ đây mọi sự đã có xuất hiện những khác biệt: sự phân biệt giàu nghèo, kẻ no người đói đã dần lộ rõ nét ngay trong nội bộ cộng đoàn khiến hạng người nghèo hèn bị xấu hổ, tủi nhục. và Phaolô đã nặng lời cảnh cáo (1Cr 11,7-23) Gcb 2, 1-4 cũng cho thấy như thế.
Do đó Luca mới có những lối nói “khốn cho” đi tiếp ngay sau các mối ” phúc cho, cũng là được nhắm vào các kitô hữu, vừa để cảnh cáo các kẻ giàu, vừa để thức tỉnh những người đang chao đảo, muốn bỏ cuộc, đi tìm an thân trước những bách hại, thiệt thời đang phải chịu trước mắt
Bây giờ (6,21-25) càng làm nổi rõ hơn sự khốn khó mà cộng đoàn của Luca đang hứng chịu.
Ba mối phúc đầu qua những gì trình bày trên, ta có thể nói các cụm từ “nghèo” “đói”, “khóc” phải được hiểu theo nghĩa đen vật chất. Chúng mô tả chính xác tình cảnh cụ thể của các tín hữu. Trong chiều hướng đó thì 3 cách nói”nghèo”, “đói”, “khóc” thực chất chỉ là một “đói” và “khóc” là hậu quả trực tiếp của “nghèo”
Lý do họ được phúc không phải vì thực trạng nghèo khóc của họ, nhưng vì họ có Thiên Chúa bệnh đỡ họ: “Nước Thiên Chúa là của anh em”; “Thiên Chúa sẽ cho anh em được no”,…”được vui cười”. Họ tin, cậy dựa vào Lời Chúa, tin Người thực hiện lời Người đã hứa hơn là tốn công sức chạy theo những an toàn phù hoa trước mắt dựa trên các quyền lực uy thế phàm nhân,tiền bạc.
TUY NHIÊN, nếu chúng ta đi ngược dòng thời gian, lên tới lúc Đức Giêsu còn đang đi rao giảng: lúc đó kitô giáo chưa xuất hiện nên các mối phúc “nghèo”, “đói” “khoć ” phải được nhìn thêm dưới một góc độ khác nữa: Đối với Do Thái giáo lẫn Cựu Ước, nghèo là dấu chỉ bị Thiên Chúa chúc dữ, phạt vì họ vi phạm Lề Luật … do đó họ bị khinh rẽ, bị bỏ rơi và kết luận “nghèo” sẽ không được cứu độ,
Giờ đây, với Đức Giêsu, mọi sự đều đổi mới: qua các mối phúc, Đức Giêsu công bố rằng những người trước kia bị tôn giáo, xã hội loại bỏ thì GIỜ ĐÂY vẫn được hưởng ơn cứu độ; Chẳng những thế, họ còn lại là những người được ưu tiên.
Lưu ý “kẻ nghèo” được ưu tiên, chứ bản văn không hề nói “kẻ giàu” bị loại khỏi ơn cứu độ.
Kẻ nghèo được ưu tiên không phải Thiên Chúa thiên vị mà là Thiên Chúa bảo vệ quyền bình đẳng cho kẻ nghèo. Vì trước giờ, trong cái nhìn cũ, người nghèo luôn bị miệt thị, bị dồn vào vị trí thấp nên thua thiệt. Do đó khi Đức Giêsu đến mở cửa Nước Trời cho mọi người mà lại để cho tự do mạnh ai nấy chiếm thì gần như chắc chắn người nghèo không có phần. Theo thói quen, khi có lợi lộc thì bọn giàu có, quyền lực sẽ dành phần hết. Thiên Chúa phải can thiệp dành quyền ưu tiên cho người nghèo.
Vậy hạnh phúc thật của những người “nghèo”, “đói”, “khóc” là từ nay họ biết rõ họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương, họ vẫn có được một vị thế tốt trong con tim của Người bất chấp tình trạng hiện tại của họ. Hạnh phúc của niềm
Hy vọng được khơi bừng lên và chắc chắn sẽ sinh hoa trái nhờ Đức Giêsu đã đến đảm nhận thân phận hèn của họ và đưa tất cả đến bến PHỤC SINH
Ba mối phúc đầu liên quan đến tình cảnh khốn cùng về vật chất trong hiện tại của các kẻ tin. Mối phúc thứ tư nói đến tình trạng khốn cùng trong mối tương quan xã hội con người với nhau vì “Con-Người” (ĐGS). Vì Con -Người, kẻ tin bị người đời oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Các cách diễn tả trên gợi lên chính thân phận Đức Giêsu trên con đường Thập Giá: bị các thủ lãnh Do Thái căm ghét, tìm đủ mọi cách để khai trừ Người ra khỏi cuộc sống (Lc 22,66 – 23,1), đặt điều nói xấu Người, gán cho tước hiệu Mêsia của Người những ý nghĩa sai trái (23,2-5), bị các môn đệ chối bỏ như những tội phạm xấu xa, bị quân lính nhạo báng, sỉ vả.
Như vậy cái cốt lõi của mối phúc này là được nên giống Đức Giêsu: giống như Người trong thân phận khổ đau cùng khốn của kiếp làm người (như vậy mỗi phúc 4 này bao trùm cả 3 mối phúc đầu) để rồi cuối cùng sẽ được đồng hình đồng dạng với Người trong vinh quang (x. Pl 1,29; 3,10-11; Rm 8,17; 1Pr 4,13.14.16).
Vậy cái phúc của các Kitô hữu khi họ bị rơi vào cảnh “nghèo”, “đói”, “khóc” là ở điểm này: Khi họ chịu mọi sự ấy như Đức Giêsu đã chịu thì họ trở nên HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI, tức là “hình ảnh của Thiên Chúa”, nghĩa là ơn gọi làm người, làm con Thiên Chúa của họ được viên mãn ngay trong thực trạng trước mắt của họ. Đó quả là mối phúc lớn nhất, mối phúc chung cuộc mà Thiên Chúa muốn toàn thể nhân loại được chung hưởng với Chúa khi sáng tạo và cứu chuộc nhân loại; Đó cũng là mối phúc lớn nhất cho từng cá nhân con người chúng ta.
-
Các mối hoạ (Lc 6,24-26):
*Đối tượng: Nhóm CGKPV dịch là “các ngươi”: KHỐN CHO CÁC NGƯƠI…
Trong tiếng Hy Lạp, Anh, Pháp vẫn là đại từ ngôi 2 số nhiều giống như các mối phúc.
Vậy đối tượng vẫn là các môn đệ. Đức Giêsu cảnh cáo đoàn môn đệ đừng để mình bị rơi vào cám dỗ tiềm ẩn trong các giá trị trần thế.
* Là những kẻ giàu có
Nguyên do hoạ: vì được hưởng phần an ủi rồi (c.24)
* hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê
Nguyên do hoạ: vì các ngươi sẽ phải đói (c. 25a)
* hỡi nhưng kẻ bây giờ đang được vui cười
Nguyên do hoạ: vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than (c. 25b)
* khi được mọi người ca tụng
Nguyên do hoạ: đó là số phận mọi thời của ngôn sứ giả (c. 26)
Các mối hoạ (3) đầu thực ra chỉ là những phản đề của các mối phúc. Còn nguyên do của họa là đến một lúc nào đó họ sẽ mất hết những thứ đó. Đó là hiển nhiên: vì những gì họ bám víu chỉ là những thứ phù vân, khi đến lúc sẽ bị huỷ hoại và như thế những kẻ bám víu vào chúng sẽ bị trắng tay. Tạm so sánh với “cổ phiếu” trong thương trường: một khi mất giá, những ai giữ chúng càng nhiều càng gặp hoạ…
Vậy các hoạ của họ là đã đặt vận mạng của mình, kể cả ơn cứu độ trên nền CÁT, những thứ phù vân… Tất cả sẽ sụp đổ tan tành khi bộ mặt thật, phù vân của chúng lộ diện…
MỐI KHỐN thứ 4
Không có sự đối xứng tương ứng với “mối phúc 4” ở trên. Vài ý chính:
-
“Mối phúc 4” kể ra 4 loại khổ nhục. Đối lại “cái khốn 4” chỉ đưa ra 1 dạng thức: “được mọi người ca tụng”.
-
“Mối khốn 4” cũng không đối xứng với “mối phúc 4” : “Mối phúc 4” nhấn mạnh đến phần thưởng tương lai dành cho các Kitô hữu bị ngược đãi; “Mối khốn 4” không nói đến hình phạt nào, cũng chẳng nói đến tình thế đảo ngược nào sẽ xảy ra trong tương lai cho những kẻ mà trong hiện tại đang được người đời tán dương. Sở dĩ thế là vì ở đây không có vấn đề để báo thù, phục hận. Vì người công chính bị bách hại sẽ giống như Đức Giêsu luôn tha thứ và mong mang ơn cứu độ đến cho mọi người không loại trừ ai.
-
Vậy “Mối khốn 4” nằm ở chỉ 1 chi tiết “được mọi người ca tụng”
Nhưng tại sao “được mọi người ca tụng” lại là “mối khốn?”
Vì họ sống như NHỮNG NGÔN SỨ GIẢ!
“Ngôn sứ giả” là những người không được Chúa sai đi, lại không nói những lời của Thiên Chúa mà chỉ nói những lời dối trá, mạo danh sấm ngôn Thiên Chúa để làm vui lòng người đời. Nguy cơ diệt vong là chắc chắn: không chỉ cho cả nhóm mình mà còn liên lụy đến cả dân tộc nữa (x.Gr 14, 14-16).
Cội nguồn các “mối khốn” là cậy dựa, bám vào, đặt vận mạng mình trong các giá trị trần thế, các giá trị ấy lại chóng qua. Đến lúc các quyền lực mình cậy dựa sụp đổ thì đời mình quả là bất hạnh.
TÓM KẾT:
Vậy phúc hay khốn không là những thành quả vật chất hay tinh thần mà con người đạt được ở trần thế này. Chúng sẽ mau chóng qua đi.
Hạnh phúc đích thực mà Đức Giêsu mang đến là đưa nhân loại về lại tương quan thân tình, TÍN THÁC vào Thiên Chúa vô điều kiện.
Đức Giêsu đến trần gian không để hủy bỏ bậc thang những giá trị trần thế, cũng không gây xáo trộn, đảo lộn … Người đến mời gọi nhân loại lẫn từng cá nhân dù đang ở trong vị trí nào, hãy nối kết lại với Thiên Chúa ngang qua việc tin theo Lời Đức Giêsu. Vì mọi phúc / khốn ở thế trần này đều sẽ qua đi. Nơi chốn cuối cùng rồi mọi người sẽ đến vĩnh cư là NHÀ CHA.
Điều phúc là khi bước vào Nhà Cha ta nhận rõ mình là con và được Cha luôn yêu mến đặc biệt duy nhất, như mình là. Và tình yêu ấy đã được ban tặng rồi cho chúng ta ngay tại trần thế này trong Đức Giêsu: chấp nhận thực trạng hiện tại của mình rồi từng bước đưa Nó vào trong quỹ đạo tình yêu mà Đức Giêsu đã mang tới. Đó chính là Mối chân phúc Đức Giêsu mang đến tặng ban cho chúng ta và muốn chúng ta tận hưởng ngay đời này trong chính thân phận thực trong hiện tại của chúng ta.
Frère Pierre Đình Long FSC