CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH – năm A

Cv 1,12-14; Ga 17,1-11a

Chủ đề: Hiệp nhất trong cầu nguyện.

* Cv 1,14a: Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện.

* Ga 17,1.9: Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: Lạy Cha, con cầu nguyện cho họ là những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.

Đối với Giáo Hội Việt Nam, cho đến nay, Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh không còn nữa vì đã được thay thế bằng Lễ Thăng Thiên, lẽ ra phải mừng vào thứ năm sau Chúa Nhật VI Phục Sinh. Tuy nhiên các bản văn bài đọc Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh vẫn còn trong sách bài đọc và nhất là Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh vẫn còn trên toàn thế giới. Do đó chúng ta cũng nên chia sẻ với nhau một chút Lời Chúa của Chúa Nhật này.

Chúa Nhật này nằm giữa hai thời điểm quan trọng của lịch sử cứu độ:

  • Đức Giêsu thăng thiên, biểu lộ công khai dứt khoát quyền Chúa của Người trên toàn thể vũ trụ, chấm dứt giai đoạn Người hiện diện hữu hình trong xác phàm nhân nơi trần thế, mở đầu cho giai đoạn Giáo Hội phải đảm nhận sứ vụ tiếp tục công trình của Đức Giêsu.
  • Chúa Thánh Thần hiện xuống: được coi là thời điểm khai sinh của Giáo Hội. Thời điểm Giáo Hội chính thức tự mình đảm nhận sứ vụ Thầy đã trao.

Khoảng thời gian giữa hai thời điểm ấy, Giáo Hội làm gì? HIỆP NHẤT và CẦU NGUYỆN, CHỜ ĐỢI ĐÓN NHẬN CHÚA THÁNH THẦN. Đó là chủ đề chính của Chúa Nhật VII Phục Sinh. Thật vậy:

Trong bài đọc một, Đức Giêsu trước khi về trời đã căn dặn các môn đệ “không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà CHỜ ĐỢI điều mà Chúa Cha đã hứa…” (Cv 1,4). Vâng lệnh Thầy, đoàn môn đệ trở về lại nhà Tiệc Ly ở trên lầu (so với Lc 22,12) để chờ đợi đón nhận Chúa Thánh Thần. Nhóm môn đệ này không chỉ giới hạn trong con số Mười Một tông đồ mà còn mở rộng ra cho: 

– Mấy người phụ nữ cùng với ĐỨC MARIA THÂN MẪU ĐỨC GIÊSU. Mấy phụ nữ này chắc là những bà đã cùng với Mẹ Maria trung thành đứng ở chân Thập Giá.

– Nhân vật trung tâm chính là ĐỨC MARIA MẸ ĐỨC GIÊSU.

– Và với anh em Đức Giêsu.

Những gì họ làm trong giai đoạn chờ đợ này là ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ và CHUYÊN CẦN CẦU NGUYỆN. Nếu đọc thêm Cv 1,15-26, hai việc trên cũng là việc chung của cả Giáo Hội Giêrusalem đang hiện diện chung với Nhóm Mười Một (1,15): họ được Phêrô hỏi ý về việc tuyển chọn một người GIỮA HỌ để thay thế cho kẻ bội phản Giuđa Itcariô; Họ đã đề cử, cầu nguyện, rút thăm chọn được Matthia (1,23-26).

Như vậy TOÀN THỂ GIÁO HỘI TIÊN KHỞI đã đồng tâm nhất trí, cùng với Mẹ Maria cầu nguyện chờ Chúa Thánh Thần chứ không chỉ là Nhóm Mười một (nên nhớ Matthia được bầu chọn sau từ cả Giáo Hội, 120 người). Chính trong bầu khí HIỆP NHẤT, NGUYỆN CẦU này mà Thánh Thần hiện xuống.

Còn trong Tin Mừng, chủ đề cầu nguyện được nổi bật, với nội dung là chính lời cầu nguyện của Đức Giêsu được Đức Giêsu nói công khai trước mặt môn đệ để đưa các ông vào sự hiệp thông với Người, với Cha nhờ biết được sự hiệp nhất nên một giữa Người và Cha: “Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con” (17,10).

Thật vậy, qua lời nguyện này, Đức Giêsu cho các môn đệ biết rằng GIỜ THẬP GIÁ của Người đã đến. Tuy nhiên đối với Đức Giêsu, đó là Giờ Người trở về lại với Cha trong vinh quang từ muôn thuở của Người. Đó là GIỜ CHA TÔN VINH NGƯỜI VÌ Người đã hoàn tất công trình Cha đã trao; Và cũng là GIỜ NGƯỜI TÔN VINH CHA vì qua Thập Giá, Người tỏ cho mọi người biết “Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật” đồng thời nhận ra “Người là Đấng Cha đã sai đến” (17,3) nhờ đó họ có sự sống đời đời.

Đức Giêsu được tôn vinh và trở về cùng Cha, nhưng đoàn môn đệ thì vẫn còn ở lại trần gian (17,11) nên Đức Giêsu lo âu cầu xin Cha giữ gìn họ, giúp họ giữ vững đạo lý mà Đức Giêsu đã dạy cho họ (17,6-8).

Ngày hôm nay, Giáo Hội và mỗi tín hữu đang tiếp tục công trình của Đức Giêsu với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần. Mọi nỗ lực ấy đều hướng về ngày Quang Lâm của Đức Giêsu. Xin Ba Ngôi Thiên Chúa trợ giúp Giáo Hội và mỗi tín hữu sống sống được tốt đẹp theo gương cộng đoàn tín hữu tiên khởi: ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ, HIỆP NHẤT VỚI MẸ MARIA VÀ MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA, CHUYÊN CẦN CẦU NGUYỆN: LẠY CHÚA GIÊSU, XIN MAU ĐẾN! 

Frère Pierre Đình Long FSC