Bài 1
G 38,1.8-11; Mc 4,35-41
Chủ đề: Lời quyền năng tối thượng của Thiên Chúa
chế ngự các mãnh lực thiên nhiên vì lợi ích của con người.
* G 38,11: Yavê phán “ngươi (đại dương) chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa.
* Mc 4,38: Đức Giêsu thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển “Im đi! Câm đi!”. Gió liền tắt và biển lặng như tờ.
Lời Chúa của Chúa Nhật XII B Mùa Thường Niên mời chúng ta chiêm ngắm quyền năng của Thiên Chúa trên các mãnh lực thiên nhiên. Phương thế Chúa dùng để biểu lộ quyền năng chính là Lời của Người: chỉ bằng một lệnh truyền, những quyền lực hùng mạnh nhất của thiên nhiên: biển, gió, nước… phải tuân phục ngay tức khắc. Trong công trình sáng tạo, biển, gió, nước là những tạo vật vô tri được Chúa dựng nên để phục vụ con người (St 1,26.28). Tất cả đều được Thiên Chúa ổn định trật tự khiến vũ trụ đắp đổi tuần hoàn theo đúng các định luật do Chúa sáng tạo nên. Nhưng từ khi con người sa ngã, không tuân theo Lời Chúa thì mọi sự đều bị xáo trộn và đưa tới hậu quả là mọi mối tương giao tốt đẹp bị biến chất: con người đâm ra sợ hãi, trốn tránh Thiên Chúa; con người đổ lỗi cho nhau; vũ trụ chống lại con người, chẳng những không phục vụ mà còn nổi loạn gây bao khó khăn cho con người (x.St 3,17-19).
Gió, biển, nước, lửa… trở nên những mãnh lực đe dọa sự an toàn, kể cả sự sống của con người. Xa lìa Thiên Chúa, bất lực trước các mãnh lực thiên nhiên, nhân loại tội lỗi đã lầm lạc cúi mình trước các tạo vật vô tri đó và coi chúng như các thần linh, nô lệ cho chúng. Không phải chỉ có các mãnh lực thiên nhiên, nhưng tất cả tạo vật đều có thể trở thành “ông chủ”, “thần linh” của con người khi con người chịu khuất phục cúi đầu trước chúng: tiền bạc, danh vọng, bằng cấp… Vì thế, trong Kinh Thánh, “biển”, “gió”, “nước”…được coi như là biểu tượng của sự dữ luôn đe dọa, thao túng con người về vật chất lẫn tinh thần. Và chỉ nhờ vào Thiên Chúa thì con người mới thắng vượt được sự khống chế của chúng. Xét về mặt khoa học, sức con người không thể kháng cự nổi mãnh lực thiên nhiên, nhưng con người vẫn thống trị được chúng khi biết tôn trọng, khai thác những định luật Chúa đã làm nên trong công trình sáng tạo.
Bài đọc 1 và Tin Mừng của Chúa của Chúa Nhật XII B Mùa Thường Niên cho thấy quyền năng Chúa bênh vực con người khống chế thiên nhiên.
Bài đọc 1 trích từ Sách Gióp, nói về việc Thiên Chúa tạo dựng và điều khiển đại dương theo như ý Người muốn. Đó không là chủ đề chính của Sách Gióp. Đó chỉ là một đoạn trích ngắn từ câu trả lời của Chúa (x.G 38,1-39.30) cho vấn nạn của Gióp về tình trạng khốn khổ ông đang phải chịu:
-
Về vật chất: mất tất cả tài sản, con cái
-
Về tinh thần: bị xã hội, bạn bè xét đoán là kẻ gian ác, phạm tội mà giỏi che đậy nên không ai thấy, nhưng giờ đây bị Chúa vạch mặt và phạt như thế.
Không thể biện hộ được cho mình, Gióp xin Chúa trả lời tại sao ông bị như thế? Cho ông biết ông phạm tội gì? (G 10,2; 13,23). Chúa đã đáp lời (x.G 38-41), trong đó có phần nói về quyền uy của Chúa trên đại dương. Phần này (38,1.8-11) được phụng vụ chọn làm bài đọc 1 của Chúa Nhật XII B Mùa Thường Niên, để ăn khớp với chủ đề của bài đọc Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu đè bẹp, trấn áp quyền lực của biển, gió đáp lại lời kêu cứu đầy hoang mang, sợ hãi của đoàn môn đệ đang rơi vào giữa cơn bão tố trên biển.
Như vậy Lời Chúa hôm nay không nhằm đưa ra một lời giải đáp cho vấn đề đau khổ, nhưng mời gọi tín hữu tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, Đấng có quyền năng khuất phục mãnh lực thiên nhiên vốn là biểu tượng của sự dữ để bảo vệ và tạo hạnh phúc cho con người. Trong St 3, con người đã thua mưu Con Rắn và bị sự dữ khống chế. May thay Thiên Chúa đã bênh vực con người không cho Sự Dữ tự tung tự tác, nhưng bắt chúng phải giới hạn không được hủy hoại con người (bài 1 so với St 1,6-10 và G 1,12; 2,6).
Bài đọc Tin Mừng cũng trình bày việc Đức Giêsu khống chế biển, gió, nước, bão tố… để cứu môn đồ. Qua đó Người biểu lộ vinh quang thần linh. Tuy nhiên lúc này các ông chưa nhận ra được. Người luôn đồng hành cùng chuyến thuyền với môn đệ. “Giấc ngủ” và “sự thức dậy” của Người là biểu tượng của Thập Giá và Phục Sinh. Với quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người bắt quyền lực sự dữ phải im hơi lặng tiếng. Điều quan trọng là môn đệ có nhớ đến Người đang ở trong thuyền của mình và can đảm đánh thức Người dậy, như ông Gióp đã dám chất vấn Chúa, được Chúa trả lời và nhận ra sự thật.
Bài 2
“Đức Giêsu thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển “Im đi! Câm đi!”. Gió liền tắt và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông “sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao” (Mc 4,39-40).
Lời Chúa hôm nay mời chúng ta suy nghĩ về mối tương giao giữa chúng ta, bản thân mình với Thiên Chúa và vũ trụ. Ở Chúa Nhật XII B Mùa Thường Niên này, vũ trụ cụ thể là các sức mạnh thiên nhiên: biển, gió, nước, bão tố. Đứng trước các mãnh lực ấy, con người vô phương chống cự; Còn Thiên Chúa, Người thống trị chúng và lại còn ban cho con người quyền bá chủ chúng nữa chứ. Như vậy để làm chủ vũ trụ, con người phải thần phục dự tính của Thiên Chúa và phải chạy đến cầu cứu Người khi phải đối mặt với cơn thịnh nộ của các mãnh lực thiên nhiên. Đó là trên bình diện tự nhiên! Biển, gió, nước trong Kinh Thánh đôi khi cũng là biểu tượng của sự dữ, nơi xuất phát ra những quyền lực chống lại Thiên Chúa và con người. Chúng trở thành những mãnh lực gây hại cho con người, gây khổ đau, cản trở hạnh phúc của con người, lắm khi làm con người nghi ngờ cả Thiên Chúa: Chúa bất lực, Chúa không hiện hữu?. Lời Chúa của Chúa Nhật XII B Mùa Thường Niên là một trả lời cho trường hợp đó, đặc biệt rõ nét là trong bài đọc Tin Mừng. Vậy thái độ đáp trả phải có của con người trước thực tế đó là thế nào?
BÀI ĐỌC 1: G 38,1.8-11
Giữa biển đời, Gióp một người giàu có công chính: “vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (G 1,1). Thật vậy, Qủy ganh tỵ, xin phép Chúa được “thử lửa” ông (x.G 1,9-11; 2,4-5). Thế là sóng gió trùng khơi trỗi lên dập vùi Gióp cách thê thảm tàn bạo: gia sản, con cái mất hết, danh dự uy tín chẳng còn, bạn bè coi ông như kẻ lừa đảo, che giấu tội lỗi nay bị Thiên Chúa vạch mặt, đức tin bị thử thách: chính Vợ ông (mất tất cả, chỉ còn vợ) xúi giục, cám dỗ ông (sao giống chuyện Eva cám dỗ Ađam quá): “ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” (G 2,9). May thay nhờ có Chúa đã lường trước mọi sự và an bài đủ ơn giúp ông chiến đấu (x.G 1,12; 2,6 so với 2Cr 12,7-8: đây là đường lối sư phạm của Thiên Chúa đối với những kẻ Người yêu thương để rèn luyện lòng tín thác của họ), nên ông vẫn vững tâm tín thác (x.G 1,20-22; 2,10).
“Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mc 14,38), Gióp không chịu nổi thử thách ngày càng dồn dập nhất là về tinh thần do những lập luận kết tội của bốn nhà hiền triết bạn thân, nên ông đã kêu xin Chúa đừng thinh lặng nữa nhưng hãy lên tiếng giải thích cho ông tại sao ông lại bị như thế (G 10,2; 13,23).
Bài đọc 1 là phần trích ra từ câu đáp của Thiên Chúa: “Bấy giờ giữa cơn bão táp, Yavê lên tiếng trả lời ông Gióp như sau” (G 38,1). Tiếp sau lời này là nội dung bài đọc 1: nhắc lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa vào ngày thứ hai của tuần sáng thế (x.St 1,6-10). Chúa ổn định vị trí, trật tự cho nước, để đất liền lộ ra, nước dồn về một chỗ tạo nên “biển”. Như vậy Chúa làm chủ tuyệt đối sức mạnh của biển, biển phải tuyệt đối tuân lệnh Chúa không được vượt quá những gì Chúa quy định cho nó. Bài đọc 1 lấy lại y nguyên ý tưởng đó. Lời đáp này (tức bài đọc 1) là một lời trấn an cho Gióp: Thiên Chúa đã an bài rồi, sự ác không mặc sức tung hoành được đâu (xem lại G 1,12; 2,6); Cuối cùng mãnh lực của biển cũng sẽ tan ra như bọt nước trên bờ cát biển (G 38,11). Bài đọc 1 chấm dứt ở đây. Dường như câu hỏi của Gióp chưa được thỏa đáp? Thật ra lời đáp của Chúa (38,1-39,30 và thêm 40,6-41,26) đã làm cho Gióp tâm phục khẩu phục ( Nhưng vì quá dài không thể đọc hết trong một buổi phụng vụ, vả lại Chủ đề Chúa Nhật XII B, chỉ cần phần trích của bài 1 là đủ ăn khớp với bài đọc Tin Mừng, đủ làm nổi bật chủ đề phụng vụ: Thiên Chúa là chủ vũ trụ, Người điều khiển mọi mãnh lực thiên nhiên, khống chế sự tàn phá của chúng nhằm mưu ích cho hạnh phúc, phần rỗi con người) nên ông đã cúi đầu nhận ra cái sai của mình khi dám cả gan chất vấn đòi Chúa phải giải thích NGAY TỨC KHẮC vấn nạn riêng rẽ của cá nhân mình mà không lưu tâm đến dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa. Vì thế ông hối hận rút lại lời chất vấn đòi hỏi của mình, sấp mình trên tro bụi thật lòng thống hối ăn năn (x.G 40,2; 42, 6).
Như vậy chỉ cần nhìn rộng ra một chút – đọc hết sách Gióp – chúng ta thấy bài 1 và Tin Mừng hoàn toàn ăn khớp với nhau: Thiên Chúa khống chế đại dương (sự dữ) mang lại bình an và ơn cứu độ cho nhân loại. Vậy con người phải đáp trả ra sao?
BÀI ĐỌC TIN MỪNG: MC 4,35-41
Cũng gồm ba nhân vật chính: Đức Giêsu – môn đệ – biển và thêm một vai phụ “có những thuyền khác cũng theo Người” (Mc 4,36b). Môn đệ giữa đêm, bị rơi vào cơn biển động sóng gió dập vùi, với sức người tưởng là phải chết, nhưng họ chạy tới kêu cứu với Đức Giêsu lúc ấy lại đang ngủ mê; Thức dậy, Đức Giêsu khống chế biển, gió, nước, cứu môn đệ.
*Bối cảnh: Đức Giêsu vừa dạy xong bài giảng bằng dụ ngôn; Mặc dù Người dạy chung cho đám đông (4,1-2), nhưng chủ yếu vẫn là nhắm vào các môn đệ (4,10.13.23.33-34). Người đang ở trên một chiếc thuyền với các môn đệ, bỏ đám đông lại trên bờ, Người truyền lệnh cho các môn đệ chèo thuyền sang bờ bên kia.
– “Bờ bên kia”: theo văn mạch 5,1 đó là vùng đất của dân Ghêrasa, tức là vùng Thập Tỉnh của kiều dân Hi Lạp (x.DEB “Ghérasa”).
Qua bên phần đất của dân ngoại đó để làm gì? Mc 5,1-20 cho chúng ta câu đáp: giúp trừ quỉ cho một người dân ở đó và giải cứu dân vùng đó khỏi sự quấy phá của “Đạo Binh” thần ô uế; biến đổi nạn nhân thành “người rao truyền mọi điều Đức Giêsu đã làm cho anh và như vậy mọi người đều nghe biết về Thiên Chúa”.
-
Đối tượng của lệnh truyền là các môn đệ. Tất cả đang cùng ở trên một con thuyền với Đức Giêsu, tạo thành một thực thể thống nhất: “CHÚNG TA sang bờ bên kia đi”. Đức Giêsu trên “con thuyền Giáo Hội” cùng với Nhóm môn đệ, vượt biển, lấn sang vùng đất của dân ngoại để giải phóng họ khỏi tay thần ô uế, điều đó là nỗi kinh hoàng của “Đạo Binh” ma quỷ. Vương quốc của nó đang bị đe dọa, quyền lực của quỷ sắp bị khống chế, bị vô hiệu hóa. Do đó Qủy cần phải bằng mọi giá ngăn cản công cuộc cứu độ này của Đức Giêsu và Giáo Hội.
*Trong cơn bão tố: (4, 37-38)
– Một trận cuồng phong nổi lên…(c.37) tất cả những yếu tố biểu tượng cho quyền lực sự dữ được tập họp lại ở đây: đêm đến, thuyền đang ở giữa biển, nước (sóng) và gió ở mức độ cao nhất nổi lên… hòng nhấn chìm “con thuyền”: “thuyền đầy nước”. Đoàn môn đệ bị đe dọa nuốt chửng bởi đại dương và mọi sự về lại tình trạng “hỗn mang nguyên thủy” trước khi tạo dựng (x.St 1,2).
– Phản ứng của Đức Giêsu: NGỦ (c.38a)
Xét về mặt thể lý, sau một ngày giảng giữa trời lồng gió, bên bờ biển, Đức Giêsu rất mỏi mệt, nên khi thuyền vừa tách khỏi đám đông là Đức Giêsu đã nằm ngủ say cho dù sóng gió bùng lên dữ dội. Rồi khi được các môn đệ đánh thức dậy, Đức Giêsu đã dẹp yên bão tố. Tuy nhiên Marcô không có mục đích thuật lại một sự kiện; Điều thánh ký muốn là qua biến cố đó, mặc khải dung mạo Cứu Chúa của Đức Giêsu và thái độ các kẻ tin phải có đối với Người khi lâm vào cơn thử thách.
NGỦ: giấc ngủ mê mệt ngay giữa cơn sóng gió cuồng phong cho thấy Đức Giêsu quả thật là một con người với tất cả những nhu cầu, yếu đuối của phận con người. Đức Giêsu là con người thật, đó là một nét đặc biệt của Tin Mừng Marcô được giới thiệu ngay câu mở đầu của Tin Mừng, nhưng chính con người mỏi mệt rã rời để mặc cho “giấc ngủ mê mệt” úp chụp trên mình đó lại chính là Kitô Cứu Chúa (x.Mc 1,1). Tin Mừng hôm nay hé lộ điều ấy.
Thật vậy, trong Kinh Thánh “giấc ngủ” thường được dùng làm biểu tượng cho sự chết (x.Mc 5,39; Ga 11,11-14; Đn 12,2…). Tuy nhiên từ “ngủ” hàm ẩn một tương lai tươi sáng đầy hy vọng phấn khởi. “Chết” là hết, sau cái chết là hủy hoại; Còn “NGỦ” thì sẽ thức dậy, sẽ hồi phục sinh lực, sẽ bắt đầu một nhịp sống mới.
Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã thức dậy và khởi sự một nhịp sống mới: không còn là một con người yếu mệt bị giấc ngủ khống chế nữa, mà là một Đấng đầy quyền năng làm chủ các mãnh lực thiên nhiên. Đấng đem lại bình an cho môn đệ. Như vậy qua biểu tượng “giấc ngủ”, Marcô báo trước ở đây mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giêsu.
Đức Giêsu nằm ngủ ở đâu? Chỉ có một mình Marcô nói đến chi tiết này: Đức Giêsu đang ngủ “ở đàng lái”: ên tei prumnei. Đây là vị trí của người cầm cần lái điều khiển con tàu. Các môn đệ cật lực chiến đấu với bão tố, nhưng quên mất điều chính yếu: điều khiển con tàu đừng bị sóng nước đánh chìm. Như vậy đối với Marcô cái chết Thập Giá của Đức Giêsu là yếu tố chính điều khiển con thuyền Giáo Hội, là tác nhân nền mặc khải thần tính của Đức Giêsu: “…thấy Đức Giêsu TẮT THỞ như vậy, liền nói: quả thực con người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Con người bị đóng đinh gục chết trên Thập Giá, con người đó là Con Thiên Chúa. Marcô đã chuẩn bị sẵn ở đây chiếc “chìa khóa” để mở cánh cửa mặc khải thần tính của Đức Giêsu. Đức Giêsu đang lái con thuyền Giáo Hội vượt sóng gió bằng Thập Giá (ngủ) của Người.
-
Phản ứng của nhóm môn đệ: “Thầy ơi, Thầy chẳng lo gì sao, chúng ta chết mất” (4,38b). Rõ ràng là một lời trách: Đức Giêsu vô tâm, vô lo trước nỗi khốn cùng của những người cùng thuyền. Lo lắng cũng phải thôi, trước tình cảnh như thế, làm sao mà bình tâm được. Tuy nhiên điều Marcô nhắm tới nằm ở điểm khác: Vì sao mà các môn đệ sợ đến như thế? Marcô trả lời luôn: vì chưa có đức tin (x.Mc 4,40). Marcô không bàn tới phản ứng tâm lý, năng lực đối phó của môn đệ, Marcô nói môn đệ “chưa có lòng tin”. Các môn đệ chưa hiểu được đường lối của Thiên Chúa; họ quên mất quyền lực của sự dữ luôn rình chờ quật ngã họ; “họ chưa hiểu rằng ơn cứu độ do Chúa Kitô mang đến, thay vì loại bỏ những hiểm nguy và những “bão tố” thì lại phải trải qua khổ nạn và cái chết” (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật Mùa Thường Niên B trang 243).
*Gió yên, biển lặng (4,39-40).
– Đức Giêsu thức dậy: “thức dậy”: biểu tượng của phục sinh. Đó là lời đáp của Đức Giêsu trước lời kêu cứu của các môn đệ, dù các ông “chưa có đức tin” và cả gan dám trách cứ Người. Đức Giêsu không bỏ quên, bỏ mặc chúng ta chiến đấu một mình. Người đã đồng hành, cùng thuyền với chúng ta, tức là Người đảm nhận vận mệnh của chúng ta. “Giấc ngủ” của Người là một “mắc xích” cốt yếu không thể thiếu trong lịch sử cứu độ. Đó là việc Người “đi trước dọn chỗ cho chúng ta” (Ga 14,1-3). Để rồi Người sẽ phục sinh với quyền năng của Thiên Chúa “cùng hoạt động với các môn đệ” (Mc 16,20) trên mọi nẻo đường mà các ông đi rao giảng.
– Biểu lộ quyền năng (4,39b): chỉ bằng một lệnh ngắn gọn “im đi! Câm đi”, gió và biển phải vâng phục tức khắc. Cách trình bày của Marcô gợi lại cho chúng ta công trình sáng tạo của Thiên Chúa: “Hãy có…” tức thì có… Hành động của Đức Giêsu ở Mc 4,39 “đã được hiểu và được ghi lại như một biểu dương quyền lực sáng tạo và tái tạo. Thật vậy, cuộc chiến chống hỗn mang, chống biển cả và vực thẳm, cuộc chiến thắng trên các quyền lực sự ác trú ngụ trong nước, tất cả những điều này thuộc về hành động sáng tạo và cứu rỗi của Thiên Chúa.” (sđd 234). Ở đây dung mạo thần linh đã được báo trước. Và cái chết và phục sinh của Người chính là tác nhân mặc khải vinh quang thần linh ấy (x.Mt 28,17-18).
Ngay ở đây Marcô đã hé lộ vinh quang ấy cách kín đáo qua thái độ kinh ngạc và “sợ hãi kinh hoàng” linh thánh của môn đệ khi thoáng nhận ra quyền năng của Thiên Chúa nơi con người Giêsu: “Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh”. Họ đã “sợ hãi kinh hoàng” nói với nhau như thế (Mc 4,41)
-
Lời quở trách các môn đệ: (Mc 4,40) lời quở trách của Tin Mừng Marcô khá nặng: “Tại sao anh em sợ hãi đến như thế? Anh em chưa có đức tin sao?”.
Thái độ “không tin và cứng lòng” đáng khiển trách này của các môn đệ vẫn đeo bám các ông cho đến khi được Đấng Phục Sinh hiện ra gặp (Mc 16,14). Đó chính là cơn bão tố nguy hiểm nhất luôn đe dọa Giáo Hội và tín hữu mọi thời. Tuy vậy với quyền năng thần linh của Đấng Phục Sinh, Đức Giêsu luôn cùng hoạt động và đồng hành với đoàn môn đệ (Mc 16,20).
Hãy can đảm lên đường trong tín thác rằng “Đấng đang ngủ ở đàng lái” đang điều khiển con thuyền; Dù sóng gió tư bề, cuối cùng mọi sự cũng bình an vì có Người đang đồng hành với ta trên một con thuyền.
An bình của môn đệ là biết chắc có “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta” và làm bất kỳ việc gì luôn “nhớ rằng mình đang hiện diện trước tôn nhan thánh thiện của Thiên Chúa”. Đó là điều tâm niệm và cầu chúc nhau mỗi ngày của anh chị em La San giúp nhau vượt biển đời trong bình an của Đức Giêsu dù Người “đang ngủ” vẫn được đánh thức dậy.
Frère Pierre Đình Long FSC