“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).
Tin Mừng của Chúa Nhật Mùa Thường Niên XIII A là đoạn tiếp theo của bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật trước, và là phần cuối cùng của “bài giảng về sứ vụ truyền giáo”.
Sau khi chọn Nhóm Mười Hai, ban cho họ quyền bính, sai họ đi, Đức Giêsu chỉ đạo cho họ các chỉ thị cụ thể trong khi thi hành sứ vụ: Tầm hoạt động (câu 5-6); Nội dung chính phải rao giảng (c.7); những dấu lạ kèm theo (c.8); Thái độ phải có là phó thác cho Chúa Quan Phòng, với hành trang tối thiểu (c.9-10); cách ứng xử khi được đón tiếp hoặc bị từ chối (c.11-14); Đồng thời cũng báo trước cho môn đệ thấy số phận phải chiến đấu gian nan của một thừa sai như thế nào, cũng như những đáp trả phải có trước cái thực trạng như thế (c.16-25); Mặc dù khó khăn là thế, nhưng sứ vụ phải được hoàn thành, Đức Giêsu trấn an môn đệ và giải thích thuyết phục họ hãy tin vào tình yêu quan phòng của Chúa (c.26-33: bai đọc Tin Mừng tuần XII A). Và hôm nay là đoạn kết thúc “bài giảng về sứ vụ”.
Trong phần kết thúc này của bài giảng làm nổi bật lên mối dây liên kết mật thiết, hỗ tương giữa người môn đệ thừa sai với Đức Giêsu và với Thiên Chúa. Cả hai đều đặt đối tượng của mình vào vị trí ưu tiên trong con tim, tâm khảm của mình:
– Đối với người môn đệ, Đức Giêsu chiếm vị trí số một tuyệt đối trong cuộc sống, trong mọi mối tương quan của mình: ai yêu cha mẹ, con cái kể cả mạng sống mình hơn Đức Giêsu thì không xứng đáng với Người (x.Mt 10, 37-39).
-
Đáp lại sự chọn lựa tuyệt đối đó của các môn đệ đối với mình, Đức Giêsu cũng nâng cao phẩm cách của người môn đệ lên ngang tầm cỡ với Người và cả với Thiên Chúa, khi đồng hóa môn đệ với Người và với Thiên Chúa: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (x.Mt 10,40).
Mối dây liên lạc hỗ tương trên là động cơ, sức mạnh, năng lực và đích tới linh hoạt người môn đệ có đầy dũng khí, niềm tin, sức sống để hoàn tất được sứ mạng truyền giáo đầy cam go mà Thầy Giêsu đã ân cần trao phó.
-
Đối với môn đệ: Đức Giêsu là tất cả:
-
Ai “yêu” cha mẹ, con cái hơn Thầy…(c.37). “Yêu” ở đây là động từ “philein”, hiếm gặp trong Matthêu và thường bị hiểu theo nghĩa xấu: gắn bó với, có cảm tình với, thích thú điều này điều nọ (x.Mt 6,5; 23,6) để chiếm đoạt, tìm lợi lộc cho cá nhân (x.Giáo hoàng học viện Piô X, “chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm A, Mùa Thường Niên, trang 149).
Rồi đối tượng của tình yêu này cũng rất hạn hẹp, chỉ khoanh vùng trong tình yêu gia đình nhỏ: cha mẹ, con cái. Tình yêu đó đến từ Thiên Chúa, là tốt. Tuy nhiên nếu các thành viên trong gia đình nhỏ này lại gắn bó với nhau đến độ muốn giữ riêng, chiếm đoạt các thành viên khác làm của mình mà thôi, không chịu mở ra cho các tình yêu mới nào khác, thì hậu quả là nhân loại chắc chắn diệt vong; bởi vì mối quan hệ chỉ khép kín trong cha mẹ, con cái sẽ không tạo ra được sự sống mới, rồi cái “pháo đài phong bế” ấy sẽ xóa sổ với cái chết của thành viên cuối cùng của họ. Nên trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã tạo nên một dạng mới của tình yêu; Về mặt tình cảm rõ ràng là hấp dẫn, lôi cuốn hơn dạng tình yêu cha mẹ, con cái: Tình yêu đôi lứa. Một khi trai gái đã yêu nhau và muốn tiến tới hôn nhân thì sự gắn bó “cha mẹ, con cái” phải nhường bước: cha mẹ phải để con cái ra đi lập gia đình mới; con cái phải rời bỏ cha mẹ để nên một với “xương tôi, thịt tôi”.
Như vậy, thay vì lập một gia đinh mới, thì ở đây, Đức Giêsu mời những “Ai” đặc biệt được Chúa chọn, tức là các môn đệ thừa sai hãy sẵn sàng thoát khỏi cái vòng tình cảm “cha mẹ, con cái”để cùng với Đức Kitô tạo thành một cộng đoàn sống mới. Cộng đoàn này sẽ đưa nhân loại đến với Chúa Cha cùng nhau hưởng sự sống đời đời, chứ không như nhóm nhỏ “cha mẹ, con cái” cứ dính chùm vào nhau để rồi đi đến tiêu diệt.
Sự gắn bó tình cảm “cha mẹ, con cái” vốn là hồng ân Chúa ban để xây dựng gia đình, là cộng đoàn nền tảng của nhân loại. Tuy nhiên, Lời Chúa cảnh báo, tình cảm đó, dưới tác động của tội và thân phận yếu đuối của con người, có thể trở thành chướng ngại vật cản trở những người có thiện chí muốn theo Đức Giêsu làm môn đệ (x.Mt 8,21), để đi theo Đức Giêsu phải dứt khoát (x.Mt 4,21-22), bận tâm về Nước Trời phải là ưu tiên số một đối với môn đệ, theo gương Đức Giêsu (x.Mt 12,45-50).
-
Vác Thập giá mình mà theo…(c.38): Trong ý định yêu thương Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Chúa, mỗi người là một ngôi vị duy nhất không ai thay thế được. Vì vậy số phận mỗi con người cũng là duy nhất. Trong lời mời gọi để xứng đáng trở nên môn đệ của Người, Đức Giêsu đòi môn đệ phải vác thập giá CỦA MÌNH…Không là Thập Giá chung chung mà phải là “của mình”. Đối với mỗi người, “Thập Giá của mình” là duy nhất và không ai vác giùm cho mình được. Nhìn dưới góc cạnh này, thì tất cả chúng ta trong nhân loại đều bình đẳng: mỗi người có một “Thập Giá của mình” duy nhất. Và trong chuỗi lịch sử cứu độ của Thiên Chúa “Thập Giá mình” của mỗi người là một mắc xích bất khả thay thế, cho dù “mắc xích” (tức cuộc sống) đó là của một thai nhi bị phá ngay lúc còn trong dạ mẹ, hay đó là một vĩ nhân vang danh khắp thế giới.
Vậy “Thập Giá mình” mà Đức Giêsu mời chúng ta vác không chỉ là các khổ đau lẻ tẻ như ta thường nghĩ, mà là CẢ CUỘC ĐỜI DƯƠNG THẾ CỦA CHÚNG TA. Mỗi người phải đảm nhận cuộc đời mình từ lúc tượng hình trong dạ mẹ cho tới lúc nhắm mắt lìa đời, sao cho đến thời điểm lìa thế thì ý Chúa được thành toàn nơi chúng ta. Trong dự tính yêu thương của Thiên Chúa, “Thập Giá mình” mà Đức Giêsu mời mỗi người vác phải đưa người vác trở thành môn đệ xứng đáng của Đức Giêsu.
-
“Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất” (c.39a): Đức Giêsu đang nói lên một sự thật phũ phàng, đồng thời đề ra cho nhân loại một phương thức giải quyết. Cái sự sống mà nhân loại “giữ lấy thì sẽ mất” chính là sự sống “trăm năm trong cõi người ta”. Đích tới của mọi tìm kiếm, bám víu của nhân loại chắc chắn là cái chết, không ai thêm được cho mạng sống mình dù chỉ một gang tay (x.Mt 6,27).
Phương thức để giữ được sự sống là “liều mất mạng sống đó VÌ ĐỨC GIÊSU” (c.39b). Cách nói đó, phối hợp với “vác Thập Giá mình mà theo”, cho phép ta hiểu sự sống “sẽ tìm thấy được” không là sự sống xác thân đời này mà là sự sống tương lai, sự sống khi thân xác nhân loại được phục sinh giống như thân xác phục sinh của Đức Giêsu nghĩa là thân xác phục sinh của Đức Giêsu không bao giờ phải chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người (x.Rm 6,9); Cũng thế thân xác chúng ta cũng sẽ phục sinh và mặc lấy sự bất diệt, bất tử (x.1Cr 15,53-54).
-
Đối với Đức Giêsu: môn đệ được Người đưa vào gia đình thân thiết (x.Mt 12,48-50) kể cả gia đình thần linh của Người qua việc Người đồng hóa họ với Người và với Cha (x.Mt 10,40). Đáp lại mối thân tình của môn đệ coi Người là tất cả, là số một trong đời họ, Đức Giêsu liên đới mật thiết, nên một với môn đệ, đưa môn đệ đi vào mối hiệp thông nên một với Người và cả với Thiên Chúa Cha nữa.
Trong phần cuối của bài giảng này Mt 10,40-42, ý tưởng chính được Matthêu đề cập đến là PHẦN THƯỞNG mà Thiên Chúa dành cho người môn đệ thừa sai, lẫn dành cho người tiếp đón. Ý chung là cả hai hạng người đều được ân thưởng tương xứng. Câu 41-42 chỉ nói phần thưởng cách chung: chắc chắn có thưởng và thưởng tương xứng. Câu 40 cho ta thấy phần thưởng cụ thể Chúa ban là gì:
-
Đối với hạng đón tiếp các môn đệ thừa sai thì họ được tính công như là đón rước Đức Giêsu, đón rước Cha. Vậy phần thưởng của họ chắc chắn là lớn lao: LÀ NƯỚC TRỜI (x.Mt 25,34-36).
-
Còn đối với các môn đệ thừa sai thì phần thưởng lớn nhất mà họ được hưởng ngay ở đời này là NÊN MỘT VỚI ĐỨC GIÊSU và cả với Cha: “Tôi sống nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi” (x.Gl 2,20). Môn đệ thừa sai trở nên dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng trần thế. Ân huệ lớn lao ấy hàm chứa một lời mời gọi: người môn đệ thừa sai phải sống xứng đáng với ơn huệ cao cả mà Chúa đã ban cho mình sao cho nơi nào có môn đệ hiện diện thì nơi đó có niềm vui để cho mọi người nhìn ra dung mạo yêu thương của Đức Giêsu, của Thiên Chúa Cha nơi cuộc sống của các môn đệ Chúa. Và cuộc sống “xứng đáng” của người môn đệ sẽ là dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ Đức Giêsu và tin vào Người, vào Thiên Chúa (x.Ga 17,20-21).
Frère Pierre Đình Long FSC