Bài 1
2V 4,8-11.14-16; Mt 10,37-42
Chủ đề: Đón tiếp: đón tiếp tha nhân là đón tiếp Chúa
* 2V4,9-10: người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa… Hãy làm cho ông một căn phòng nhỏ.
* Mt 10,40: Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
Lời Chúa của Chúa Nhật XIII Mùa Thường Niên đề cập đến chủ đề HIẾU KHÁCH. Cụ thể là đón tiếp những người lỡ đường, cho họ tạm cư ngụ trong nhà mình, nuôi dưỡng và bảo vệ họ. Đối với người Do Thái việc đón tiếp khách lỡ đường được coi là Luật, là bổn phận buộc: có trường hợp, chủ nhà phải chấp nhận chịu thiệt thòi, kể cả hi sinh tiết hạnh của con gái mình để bảo đảm an toàn cho khách như trường hợp ông Lót bảo vệ hai thiên sứ trong St 19,1-8. Đến thời Tân Ước, Đức Giêsu cũng đề cao tính hiếu khách qua dụ ngôn người bạn quấy rầy giữa đêm khuya để xin cho được lương thực đãi khách ghé nhà mà mình không có sẵn bánh (Lc 11,5-6). Và Giáo Hội chúng ta tiếp tục truyền thống tốt đẹp ấy: trân trọng và khuyên dạy các tín hữu phải hiếu khách trong kinh “Thương người có mười bốn mối”, thương xác bảy mối:… thứ năm cho khách đỗ nhà. Đó là một cách thức cụ thể diễn tả đức ái huynh đệ mà người Kitô hữu phải thực thi với tất cả mọi người (Rm 12,13 so với Rm 13,8).
Lời Chúa hôm nay còn đề cập đến phần thưởng mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai rộng rãi đón tiếp khách đến trọ nhà mình.
Bài đọc một thuật lại một câu chuyện nói lên lòng hiếu khách của một gia đình hiếm muộn ngụ ở thành Sunem (gần dãy núi Carmel, cách Nadaret 11 Km về hướng đông nam) đối với người của Chúa là ngôn sứ Elisa. Hai ông bà nhà này thường xuyên tiếp đón Elisa đến dùng bữa tại nhà họ mỗi khi ông có dịp ghé qua Sunem và dần dần họ nhận ra ông là “một người của Thiên Chúa”, là “một vị Thánh”. Từ đó trong lòng họ nảy sinh một ý tốt và họ đã thực hiện. Đó là hai ông bà làm riêng cho Elisa một căn phòng nhỏ trên sân thượng nhà họ và trang bị một số tiện nghi tối thiểu: một giường, bộ bàn ghế và một ngọn đèn để ông nghỉ ngơi và làm việc mỗi khi ông ghé Sunem.
Phần tiếp theo của bài đọc 1 nói đến phần thưởng mà Elisa sẽ làm cho gia đình ấy để đáp trả lại lòng hiếu khách mà họ dành cho ông. Elisa hứa với người đàn bà son sẻ ấy rằng bà sẽ có một con trai: “vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai để bồng”. Lòng hiếu khách sẽ kéo xuống trên kẻ thực hành nhân đức ấy phúc lành của Thiên Chúa.
Bài đọc Tin Mừng mở đầu bằng một đòi hỏi của Đức Giêsu đối với những ai muốn làm môn đệ của Người: đó là phải chọn Người, yêu mến Người trên hết mọi sự; không một ai, cái gì có thể sánh được với Chúa kể cả cha mẹ, con cái (câu 37), kể cả mạng sống của mình (các câu 38-39). Qua đòi hỏi này, Mattheu kín đáo mặc khải cho chúng ta Đức Giêsu chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa là cội nguồn của mọi mối tương giao tốt đẹp giữa con người với nhau; Nên tình yêu Chúa phải vượt trên mọi tình yêu khác và là nền tảng cho tất cả.
Đoạn tiếp theo của Tin Mừng chuyển qua chủ đề chính của Chúa Nhật XIII A Mùa Thường Niên: ĐÓN TIẾP – HIẾU KHÁCH. Đức Giêsu đề cao tính HIẾU KHÁCH tới mức tối đa khi Người đồng hóa chính bản thân Người và Chúa Cha với các người khách được đón tiếp: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Vậy một việc làm nhỏ mọn mà ta làm cho kẻ bé mọn nhất đều mang một giá trị lớn lao là vì đó là làm cho chính Chúa (10,42). Và thái độ hiếu khách ấy sẽ được hưởng phần thưởng tương xứng.
Vậy, với cái nhìn Kitô giáo, HIẾU KÍNH còn vượt hơn một đức tính nhân bản, đó còn là một biểu lộ sống động của ĐỨC TIN và ĐỨC ÁI Kitô giáo: qua HIẾU KHÁCH, kẻ tin tiếp cận trực tiếp với Đức Giêsu và với Cha. Hãy mở rộng lòng tiếp đón tha nhân với tầm lòng kính trọng như đang tiếp đón Chúa. Vậy khi các kitô hữu thực thi việc đón khách theo tinh thần của Đức Kitô: đón Đức Giêsu, đón Thiên Chúa vào nhà mình, thì họ đang thực thi sứ vụ truyền giáo (Mt 10 đang nói về sứ vụ truyền giáo), họ đang “lên mái nhà rao giảng” đức tin mà họ đã nghe từ Đức Giêsu. Được Đức Giêsu đồng hóa mình với Người và với Thiên Chúa, người tín hữu cũng phải nhận ra Đức Giêsu, Thiên Chúa nơi tha nhân. Đó là cách tuyệt vời loan báo Tin Mừng và giúp nhau thể hiện ơn gọi làm người: con người là hình ảnh của Thiên Chúa, để cho ý Cha thể hiện nơi bản thân mình (x. St 1,26
Bài 2
Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy. (Mt 10,38)… Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy (10,40).
Lời Chúa của Chúa Nhật XIII A Mùa Thường Niên mời các tín hữu hãy sống một nét cụ thể của đức bác ái Kitô giáo là thái độ HIẾU KHÁCH, sẵn sàng đón tiếp tử tế những khách lữ hành vào tạm trú trong nhà mình và cư xử với họ như là người của Chúa, được Chúa gởi đến cho ta.
Với xã hội đầy bạo lực, khủng bố, lừa đảo… chúng ta dễ co cụm lại, tìm hai chữ “bình an” cho bản thân, cho gia đình hơn là mạo hiểm đón khách, nhất là khách LẠ.
Tuy nhiên vẫn có những chiến dịch “tiếp sức sinh viên các tỉnh mùa thi”; vẫn có các trung tâm đón tiếp người cơ nhỡ! Nhưng Lời Chúa trước tiên là được nói cho mỗi người. Vậy ta thử suy tư chuyện HIẾU KHÁCH, ĐÓN TIẾP theo cái nhìn bình thường hằng ngày của chúng ta:
-
Nghe tin một người bà con VIỆT KIỀU làm ăn thịnh đạt về thăm quê, XIN Ở TRỌ NHÀ TA vài hôm…
-
Cậu em nghèo, ở quê lên, xin trọ vài hôm đi khám bệnh…
-
Nghe có khách: bước ra gặp giám đốc…
-
Nghe có khách: bước ra gặp ăn xin…
Nhiều tình huống lắm… ta TIẾP ĐÓN như thế nào? Ta đón một con người là con Chúa, hay ta đón một “địa vị xã hội”? Chúng ta có tin lời này của Chúa Giêsu không? “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).
Trọng tâm mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh không nằm ở khía cạnh xã hội, giao tiếp của đức tính nhân bản “hiếu khách”. Lời Chúa hôm nay nâng nhân đức hiếu khách lên một tầm mức mới, mang tính tôn giáo, thiêng liêng có khả năng mang lại ơn cứu độ cho ai thực hành nhân đức ấy. Bởi vì Đức Giêsu đã đồng hóa những người đang bị cơ nhỡ với chính bản thân Người và với cả chính Thiên Chúa (Mt 10,40) và Người hứa rằng họ sẽ không mất phần thưởng đâu (10,42b). Trong thân phận làm người của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đảm nhận mọi nhân đức con người làm của Chúa và ban cho chúng (các nhân đức) một năng lực thần linh đáng cho kẻ thi hành được hưởng cách chắc chắn phần thưởng thần linh đến từ Thiên Chúa. Đó cũng chính là tiêu chuẩn mà ngày cánh chung, Vua Thiên Sai, Thẩm Phán tối cao chung cuộc sẽ dựa vào để phân xử thưởng phạt nhân loại (Mt 25,34-36; 42-43).
Bài đọc 1 thuật lại lòng hiếu khách của một người phụ nữ ở thành Sunem đối với ngôn sứ Elisa. Bà là người giàu có, hiếu khách, nên mỗi khi ngôn sứ Elisa có việc phải đến Sunem thì bà ta đều mời ông đến nhà dùng bữa. Đó là tập tục hiếu khách bình thường của các cư dân, nhất là dân đang sống đời du mục, vùng Cận Đông thời Cựu Ước. Họ coi đó là bổn phận BUỘC và làm một cách tự nhiên, bộc phát, quảng đại không hề tính toán hay nghĩ tới phần thưởng, đáp trả.
Thế rồi dần dần bà khám phá ra Elisa, người hằng được gia đình bà tiếp đón là “một thánh nhân của Thiên Chúa” (2V 4,9), bà và chồng đã quyết định thực hiện việc đón tiếp cách chu đáo hơn: xây cho ông một căn phòng nhỏ trên sân thượng nhà họ để ông làm chỗ nghỉ ngơi làm việc cách riêng tư thoải mái. Và Elisa đã đền đáp lại sự quảng đại ấy bằng một lời hứa vượt mọi ước mơ và vợ chồng bà cũng không dám nghĩ tới: ban cho cặp vợ chồng hiếm muộn con trai này một bé trai để bồng bế. Đứa con đó là phần thưởng mà Thiên Chúa, qua vị ngôn sứ, đã ban tặng cho vợ chồng làng Sunêm vì lòng hiếu khách quảng đại của họ.
Trong bài đọc Tin Mừng, phần thứ hai đề cập trực tiếp đến chủ đề của Lời Chúa hôm nay: sau khi đòi hỏi các môn đệ phải chọn đặt mình (Đức Giêsu) vào vị trí ưu việt nhất, số 1 trong cuộc đời, lẽ sống của họ (phần 1, Mt 10,37-39), Đức Giêsu, qua phần 2, chuyển sang chủ đề đón tiếp: Ai có lòng quảng đại, đón tiếp tha nhân thì đều được (Thiên Chúa) ban cho phần thưởng tương xứng với địa vị, tư cách của đối tượng mà mình đón tiếp. Tất cả đều là đón tiếp Đức Giêsu.
BÀI ĐỌC I: 2V 4,8-11.14-16a
Trong bộ Kinh Thánh công giáo, sách Các Vua gồm 2 cuốn, được xếp vào thể loại lịch sử ngay sau sách Samuel. Nôi dung của sách gồm những chuyện kể từ cuối thời vua Đavit cho đến lúc Giuđa phải lưu đày Babylon, một thời gian kéo dài khoảng 4 thế kỷ (970 – 562).
Theo Kinh Thánh Do Thái, sách Các Vua chỉ gom lại trong một cuốn và được xếp vào thể loại Ngôn Sứ, gọi là ngôn sứ tiền gồm 4 cuốn: Gs – Tl – Sm – V. Truyền thống Do Thái đã gán cho các ngôn sứ là tác giả của bộ Ngôn Sứ tiền này:
*Giôsuê là tác giả Giôsuê (Hc 46,1 Giôsuê là người kế vị Môsê trong phận vụ ngôn sứ).
*Samuel là tác giả sách Tl và Sm
*Giêrêmia là tác giả sách Các Vua.
Trong bản LXX thì 1,2Sm và 1,2V được gọi là “1,2,3,4 triều đại” còn bản Vulgata thì gọi là “1,2,3,4 Vua” (x. CGKPV – “Sách Các Vua” 1999, trang 335).
Giai đoạn lịch sử mà sách Các Vua thuật lại cũng là giai đoạn mà trong đó Ngôn Sứ vụ nở rộ. Hầu như thời Vua nào cũng có sự kèm sát của các ngôn sứ. Phần lớn các ngôn sứ mà chúng ta biết đều hoạt động ở Giuđa. Tuy nhiên trong thời kỳ SONG QUỐC, phía Bắc cũng có những khuôn mặt nổi bật.
-
Elia hoạt động dưới các triều vua Akhab (874 – 853), và Giôram (852 – 841), chủ yếu là dưới thời Akhab: 1V 16,29 – 2V 1,18.
-
Elisa: môn đệ của Elia, hoạt động từ triều Gioram (x. 2V 1,17; 2,1 – 9,10), qua triều Giêhu (841 – 814), triều Giôakhaz (814 – 798) và qua đời triều vua Gioas (798 – 783) (x. 2V 13,14 – 21).
-
Amos: là dân Giuđa ra Bắc hoạt động. Sứ vụ chỉ kéo dài vài tháng vào thời cực thịnh của Bắc quốc, triều Giơrơbôam II (783 – 743).
-
Hôsê: sứ vụ kéo dài từ khoảng 750 đến trước khi Samari thất thủ.
* Bài đọc 1: là một tích truyện trích từ các sự tích về Êlisa. Nét độc đáo của vị ngôn sứ này là can thiệp nhiều vào chính sự quốc gia (x. 2V 3,13 – 19; 18,8 – 23; chương 9 – 10…); ông làm nhiều phép lạ. Hai phép lạ nổi danh là việc hồi sinh cho con của một bà ở Su nem (2V 4,8 – 37) và chữa lành bệnh cùi cho tướng quốc Syrie là Naaman (chương 5). Bài 1 chính là phần đầu của phép lạ hồi sinh: Bà người Sunêm hiếu khách, tử tế với Elisa, nhưng bà không có con trai. Để đáp lại lòng hiếu khách ấy Elisa loan báo năm sau bà ta sẽ có con trai và sự việc đã xảy ra đúng như vậy.
BỐ CỤC
1/ Lòng hiếu khách của người đàn bà thành Su nêm các câu 8 – 11
-
Mời dùng bữa: chuyện tình cờ
-
Xây phòng để khách nghỉ ngơi: biến thành dự tính lâu dài.
2/ Phần thưởng Thiên Chúa dành cho bà ngay qua sấm ngôn của Elisa các câu 14 – 16a
-
Elisa muốn đền ơn – Gợi ý của người tiểu đồng
-
Lời sấm: có con trai
Nếu đọc tiếp câu 16b ta sẽ thấy phản ứng không tin của người đàn bà này. Nhưng câu 17 lại cho thấy lời của ngôn sứ ứng nghiệm.
Phụng vụ không sử dụng 16b – 17 là có ý nhấn mạnh đến tương quan giữa lòng hiếu khách, đón tiếp ngôn sứ và phần thưởng của Chúa cho thái độ ấy. Đây chính là nối kết chính của Lời Chúa Chúa Nhật XIII A.
-
Lòng hiếu khách của người đàn bà thành Sunêm (2V 4,8 – 11)
*Sunem là một thành nhỏ ở Galilê thuộc vùng đất của chi tộc Issakhar (Gs 19,18; 1Sm 28,4) nằm ở phía nam thành Naim và phía bắc chân núi Gilbôa. Sunam và Gilbôa từng là nơi đóng quân của Philitinh và Saolê mở màn cho cuộc chiến chấm dứt triều Saolê (1Sm 28,4).
Về các cô gái thành Sunem, Cựu ước có đề cập đến trong:
-
*Sách Diễm Ca 7,1 (cô gái Su – la – mi: CGKPV không đồng ý đồng hóa cô gái này với cô gái Sunam: xem nốt “l” 526)
-
* 1V 1,3.15 cô gái đẹp trẻ được chọn hầu hạ Đavit lúc tuổi già, và rồi cũng chính vì cô mà Adonia đã phạm một sai lầm chết người để Salomon dựa vào đó mà loại trừ đối thủ tranh ngai vàng cách hợp lý (x. 1V 2,12 -25)
-
* 2V 4,8 – 17: Người phụ nữ Sunam tốt bụng, hiếu khách, tự trọng được ngôn sứ sủng ái.
Cả ba hình ảnh trên có nét chung: người có phẩm chất, đẹp được sủng ái. Từ đó có thể hiểu hình ảnh cô gái Sunêm theo nghĩa thần học, biểu tượng cho dân Chúa (sẽ đề cập sau).
-
Nét đặc thù của người phụ nữ Sunêm trong bài đọc 1: Giàu có – quảng đại – hiếu khách – con người tự trọng, vô vụ lợi không chạy theo tiền tài, quyền chức (câu 13 với nốt e CGKPV 431) – Và nét nổi bật nhất là bà nhận ra được nơi Elisa là “Thánh nhân của Thiên Chúa” và bà đã đối xử với ông như một ngôn sứ củaThiên Chúa. Tuy nhiên tất cả những đức tính nhân bản, thiêng liêng ấy không cứu bà ta khỏi nỗi khổ cực của một người phụ nữ không con.
-
Đứa con trai bà có được hoàn toàn là quà tặng của Thiên Chúa vượt mọi mơ ước, tưởng tượng của bà ta (câu 16b: bà không tin điều ngôn sứ nói, bà không hề nài xin vì đã tuyệt vọng. Do đó bà nói một cách buồn bã rằng ngôn sứu đừng lừa dối bà). Các chi tiết này làm gợi nhớ tới bà Sara của Abraham tại Mambré: cũng trong bối cảnh “lòng hiếu khách”, bữa ăn, đón vào nhà (rửa chân)… 3 thiên sứ đã loan báo rằng Sara “sang năm, sẽ có con trai” (x.St 18,10).
-
Vậy sự tồn tại, có con nối dòng của hai phụ nữ trên là do Thiên Chúa đoái nhìn đến họ chứ không hề do công nghiệp của họ. Số phận hẩm hiu của họ như đã được an bài, nhưng nhờ lòng lân ái Thiên Chúa đoái thương họ mà số phận đổi thay. Dĩ nhiên không thể bỏ qua phần đóng góp tích cực của họ ngang qua lối sống đẹp, hiếu khách của họ.
-
Cách đón tiếp của Bà Su nêm đã biến nhà bà thành NƠI CƯ NGỤ THƯỜNG XUYÊN của “Thánh nhân của Thiên Chúa”) là trung tâm Thiên Chúa dùng để loan báo sứ điệp của Người cho dân: “Từ đó mỗi lần Elisa đi qua ông đều ghé nhà bà Sunêm để dùng bữa” (câu 8c) và bà còn xây cho ông một phòng mới thoáng mát nhất của nhà và dành riêng cho ông mà thôi (câu 10).
-
Phần thưởng: Lời của ngôn sứ (2V 4,14-16a): và rồi người của Thiên Chúa tìm cách ân thưởng cho lòng rộng rãi hiếu khách của người đàn bà Sunêm. Phần thưởng đó là lời hứa ban sự sống, lời hứa cho một hậu duệ.
Và nếu tò mò đọc cho hết những gì liên quan đến bà Sunêm này (chương 4 và 8) thì ta sẽ thấy chuyện này rõ rang là một lược tóm những nét chính mà Thiên Chúa đã thực hiện cho Israel, và qua đó tác giả muốn gửi tới dân một lời cảnh báo, một khích lệ dân phải sống sao để cho lời Thiên Chúa hứa sinh hoa kết trái dồi dào cho dân mà người phụ nữ Sunêm là mẫu mực cho Israel. Thật vậy, thử so sánh những gì Thiên Chúa thực hiện cho Abraham, Isaac và cho hai mẹ con bà Sunêm.
* Abraham – Isaac
-
St 18 tại Mambré hứa ban Isaac
Sara cười không tin
Lời hứa được thực hiện St 21
-
St 22 Thiên Chúa đòi hiến tế Isaac
Phản ứng Abraham: phó thác – tin
Kết quả Isaac sống.
-
St 26, 1 Nạn đói – nghe lời Chúa
Isaac qua tỵ nạn ử Philitinh
-
St 26,15 – 33 trở về và lấy lại được đất đai của Abraham (x. 21, 22-34)
* Hai Mẹ con bà Su nêm
-
2V 4,16a Elisa hứa “giờ này sang năm… bà người Sunêm không tin: đừng lừa tôi (16b)
Lời ngôn sứ ứng nghiệm (câu 17)
-
4,18-37 đứa bé chết nhưng bà mẹ không khóc, không báo cho chồng mà đi tìm ngôn sứ
Kết quả cậu bé sống lại
-
2V 8,1-2 nạn đói, và nghe lời của ngôn sứu, hai mẹ con qua tỵ nạn ở Philitinh
-
8,3-6 trở về và lấy lại được tài sản đất đai.
* Những nét song song giữa hai trình thuật cho phép nghĩ rằng câu chuyện của 2V không thuần túy là một phép lạ mà là một biểu tượng cho tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người: Giao Ước. Ngôn sứ là hình ảnh của Thiên Chúa, người phụ nữ Sunêm là mẫu mực cho chúng ta về thái độ phải có đối với Thiên Chúa. Thật vậy:
-
Việc ngôn sứ chấp nhận lời mời dùng bữa và thường xuyên đến ăn ở nhà người đàn bà Su nêm, nói lên ý muốn Thiên Chúa muốn lập Giao ước với dân (Giao Ước Sinai được ký kết bằng rảy máu và bữa ăn: nên 1 sự sống, 1 số phận, 1 Giao Ước vĩnh cửu coi như người nhà: cứ đến là ghé ăn.
-
Mối thân tình ấy đi xa bước nữa: ngôn sứ đến cư ngụ luôn trong nhà bà ta, mỗi khi có việc ở Sunêm. Thiên Chúa muốn đến cư ngụ giữa dân người.
-
Ngôn sứ hiểu quan tâm đến nhu cầu của bà chủ là hình ảnh của Thiên Chúa ân cần chăm sóc dân.
-
Lời loan báo sẽ có con gợi lại lời Thiên Chúa hứa cùng tổ phụ. Vận mạng và sự hiện hữu lẫn tồn tại của Israel tùy thuộc vào lời hứa này.
* Việc hồi sinh đứa bé, giúp thoát khỏi nạn đói, đưa về lại quê hương lây lại được đất đai san nghiệp, là những biểu tượng cho thấy Thiên Chúa đầy quyền năng, luôn trung tín giữ vững lời hứa bất chấp những thăng trầm của thời cuộc, bất chấp những bất trung yếu đuối sa ngã từ phía con người. Người sẽ hồi phục dân người, ban lại cho họ vùng đất đã hứa cùng cha ông họ (Đừng quên lúc các sách Gs Tl Sm được khởi soạn dưới thời cải cách của Giosias theo tinh thần Đệ nhị luật thì lúc đó miền bắc đã mất nước và dân bị lưu đày Ninivê rồi. Các sách này đươc soạn để hỗ trợ cho cuộc canh tân Giosias và khích lệ dân sống theo lời các ngôn sứ, tuân giữ luật Chúa.
Đáp lại lòng quảng đại, trung tín đó của Thiên Chúa, dân phải sống như bà Sunêm: đón tiếp, tôn kính các ngôn sứ như là ngôn sứ, và họ sẽ không mất phần thưởng. Cả trình thuật của bài đọc 1 được Đức Giêsu tóm gọn trong 1 câu Mt 10,41. Và cũng như bà Su nêm tỏ hết nỗi niềm cho ngôn sứ, chúng ta cũng hãy thổ lộ tâm can cho Thiên Chúa trong tín thác và bám riết vào Người chờ đợi, ngoan ngoãn nghe, thi hành lời Chúa.
-
Tóm kết: ngang qua một câu chuyện tưởng chừng như một giai thoại, tác giả sách các vua đã để vào đó một mục đích thần học: mời chúng ta hôm nay (Israel xưa kia) nhận biết và sống lời đề nghị của Giao ước của Thiên Chúa. Hạnh phúc của người đàn bà Su nêm nằm ở chỗ bà đã nhận được Elisa chính là “thánh nhân của Thiên Chúa”, đã đón tiếp ông đúng mức và sẵn sàng vâng nghe, đón nhận tất cả những gì ông chỉ bảo. Đó cũng là lời mà phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta “Ai đón tiếp… sẽ không mất phần thưởng”.
TIN MỪNG: Mt 10,37-42
Bối cảnh văn mạch: xem Chúa Nhật XI A
Tin Mừng hôm nay là những câu cuối cùng của Bài Giảng Truyền Giáo. Thoạt nhìn, các câu này có vẻ rời rạc và không ăn nhập với tổng thể bài giảng Truyền Giáo. Thực ra chúng cũng đi vào đường hướng chung của chương 10: hai chủ đề “phó thác” và “đón tiếp” ở đầu bài giảng truyền giáo (10,9 -15) được lập lại ở đây.
10,9 – 10 phó thác bằng cách ra đi truyền giáo mà chẳng trang bị phương tiện vật chất nào, hoàn toàn tin vào lời sai đi của Đức Giêsu. 10,38 – 39 phó thác bằng vác thập giá, bằng yêu Chúa trên hết, bằng hy sinh cả mạng sống vì CHúa.
10,11 – 14 nói đến thái độ của người thừa sai trước sự đón tiếp của các đối tượng của sự truyền giáo; 10, 40 – 42 nói đến thái độ của chính Đức Giêsu đối với họ. Nhưng ở đoạn kết này màu sắc lạc quan đậm nét hơn: Chúa chỉ nói tới phần thưởng.
10,40 lập lại 10,24 – 25 bằng cách khác, nhưng cùng chung một ý: thầy trò cùng chung số phận.
Trong chiều hướng đó, thì những câu chót này thực sự là chóp đỉnh, là cái thâm sâu nhất của chỉ thị truyền giáo. Các chỉ thị đi trước chỉ mới đề cập đến những tương quan bên ngoài, những sự kiện, biến cố mà môn đệ sẽ gặp, sẽ phải đối đầu, những việc cụ thể phải làm trong khi đi truyền giáo. Còn ở đây Đức Giêsu đề cập đến cái cốt lõi, cái nội tâm mà người môn đệ phải có để bảo đảm sứ vụ truyền giáo đạt được kết quả tốt đẹp. Đó là liên hệ biệt vị, thâm sâu mà người môn đệ phải có đối với Đức Giêsu. Và tương quan nội tại, cá nhân ấy khi cần cũng phải được bộc lộ cụ thể: chọn Đức Giêsu hơn tất cả – vác Thập giá – liều mạng sống vì Đức Giêsu…
Và khi một mối tương quan nội tâm ấy cũng đã được thiết lập từ phía người môn đệ thì phần Đức Giêsu, Người cũng đáp trả lại họ bằng hồng ân tuyệt diệu đồng hóa người môn đệ với Người và cả với Cha nữa; rồi cũng chính Người sẽ đảm nhận việc làm cho công cuộc truyền sinh hoa trái khi tuyên bố: “ai đón tiếp một ngôn sứ… người công chính… những kẻ bé nhỏ… vì kẻ ấy là môn đệ thầy… Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
BỐ CỤC
1/ Những tương quan người môn đẹ phải có đối với Đức Giêsu để có thể hoàn tất sứ mạng truyền giáo (các câu 37 -39):
+ Tình yêu đối với Đức Giêsu phải giữ vị trí độc tôn trong tâm khảm người môn đệ (câu 37)
+ Vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu (câu 38)
+ Sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Đức Giêsu (Câu 39)
2/ Đáp trả Chúa Chúa Giêsu dành cho người môn đệ và những ai đón tiếp người môn đệ (các câu 40 – 42)
+ Người môn đệ được đồng hóa, nên một với Cha và với Đức Giêsu (câu 40)
+ Phần thưởng cho những ai đón tiếp môn đệ sứ giả (các câu 41 – 42)
-
Những chọn lựa của người môn đệ (Mt 10,37-39)
* Ai yêu Cha mẹ… hơn Thầy (câu 37) có thể hiểu:
– Nhắc lại sự “ghen tuông” của Yavê trong cựu ước (Đnl 29,20; 32,16; Gc 2,18; Dcr 1,14…): Thiên Chúa phải chiếm vị trí ưu tiên tuyệt đối trong tâm khảm con người. Một ẩn ý: Đức Giêsu = Thiên Chúa nên mới đòi hỏi tuyệt đối như vậy.
– Động từ “Yêu” Mattheu dùng ở đây không là agapaô diễn tả một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: Thiên Chúa = AGAPE(1Ga 4,8), tình yêu tinh thuyền cho đi trọn vẹn, yêu với hết cả con người không bị chi phối bởi tình cảm, bởi ham thích ước muốn. Ở đây Matthêu dùng philêô là một tình yêu nghiêng về cảm tính nhiều, thích thú điều này điều nọ và tỏ lộ công khai cho mọi người thấy (x. Mt 6,5; 23,6…). Tự bản chất tình yêu này tốt. Nhưng nếu tình cảm gắn bó thân thương này biểu lộ công khi ra ngoài bằng hành động cụ thể là cứ bám riết vào cha mẹ, con cái… không dám can đảm dứt bỏ đến độ bỏ bê việc Chúa, lơ là tình yêu với Đức Giêsu thì đó là điều Đức Giêsu cảnh cáo. Tình yêu ấy trở thành chướng ngại vật cho việc phụng sự Thiên Chúa, cho việc theo Người, cho việc truyền giáo.
Nói nôm nà theo đạo đức: ai quá gắn bó với tình cảm gia đình mà không theo Chúa hoặc theo không hết lòng thì là bất xứng với tình yêu bao la của Thiên Chúa.
-
Văn mạch của những lời này là văn mạch của môn đệ bị bách hại: 10,21 bởi gia đình 10,7 bởi người ngoài… thầy trò cùng số phận 10,24 – 25 (đừng quên lúc Tin Mừng được viết, Đức Giêsu đã tử nạn thập giá), Đức Giêsu đến gây chia rẽ… (10,34 – 35)… Vậy cái tình yêu “philêô” này không còn ở trong tình huống bình thường nữa mà là trong một tình huống đối đầu giữa tình cảm đối với Chúa Giêsu và những tình cảm khác. Vậy phải chọn lựa. Trong giằng co ấy phải chọn ai? Miguel – các thừ sai bỏ cha mẹ đi truyền giáo… “không về Tết”…
Đó là chưa kể sự thân quen mang tính gia đình tự nó nếu không coi chừng đó là một cản trở cho chứng từ của người môn đệ: gần chùa gọi bụt là anh; ngôn sứ có bị khinh chê là chỉ ở tại quê hương mình mà thôi.
* Vác thập giá (câu 38): Chúa Giêsu đã vác thập giá. Thập giá là cùng tận của sự khốn cùng của phận tội nhân mà Đức Giêsu đã gánh vác: Người đi đến cùng phận làm người không trốn chạy. Thập giá của Đức Giêsu là chóp đỉnh của những chống đối mà những kẻ không muốn nghe lời Thiên Chúa đã dành cho Người. Trong văn mạch sứ mạng truyền giáo với nhiều cạm bẫy, chống đối thì đây chính là lời mời môn đệ can đảm chấp nhận thân phận như thầy (các câu 24 – 25) đi đến cùng để bảo vệ cho sứ mạng truyền giáo.
Là một nhục hình của đế quốc dành cho những tội phạm, là một dấu bị Thiên Chúa chúc dữ (Đnl 21,23) đã được Đức Giêsu đảm nhận làm của mình đến độ ai nói ngược lại thì bị mắng là Satan (16,23). Và điều kinh khiếp ấy, ngược đời ấy đã được Đức Giêsu biến thành gia sản quý báu cho những ai muốn theo Người.
Thập giá MÌNH: không phải vác bất kỳ thập gái nào, mà phải là thập giá của MÌNH, mỗi người có một thập giá không ai giống ai. Mỗi người phải đi trọn kiếp người với mọi những hệ lụy.
Mà theo thầy: lý do vác thập giá, mục đích vác thập giá là để THEO THẦY, đi cùng một con đường như thầy, cùng số mạng như thầy. Các chi tiết này loại bỏ cái nhìn hàm hồ về thập giá Đức Giêsu: cứ thấy cái gì khổ là gán ngay rằng Chúa gởi thập giá tới. Cây thập giá “đi trọn kiếp người theo ý Chúa” là quá đủ rồi, phần Chúa không cần gửi thêm thập giá nào nữa để thử thách con người cả.
Thập giá Chúa mời ta vác là để biến ta nên môn đệ Người (theo thầy) chứ không phải để trách trời oán người, xa lìa Đức Giêsu. Đó là tiêu chuẩn để phân biệt đâu là thập giá Đức Giêsu đâu là thập giá do hậu quả của tội đáng phạt. Chính ý chí muốn theo thầy và nhờ Phục Sinh của Đức Giêsu mà thập giá nhục hình, thập giá bị Chúa chúc dữ đã trở nên nguồn ơn cứu độ. Đức Giêsu muốn người thừa sai, truyền giáo phải là CHỨNG NHÂN cho thập giá đó. Vì thế mỗi người phải vác thập giá của MÌNH và vác cho trọn để có kinh nghiệm mà làm chứng.
Xứng đáng: đủ tư cách, đủ năng lực, đủ điều kiện để có thể nên môn đệ và nên nhà truyền giáo của Đức Giêsu. Phải hiểu “xứng đáng” ở đây là nhờ Chúa đoái thương chứ không phải tự do thân mình có hay chiếm đoạt được.
* Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất… (câu 39): đây là một nghịch lý nhưng là nghịch lý trong nhãn giới biện chứng hiện sinh, nghĩa là chính thực tế của cuộc đời sẽ cho lời minh chứng cho tư tưởng này của Đức Giêsu.
Tư tưởng trên chính là hệ quả của việc “vác thập giá mình mà theo thầy”. Thật vậy, cái thế giới này đang bị tội lỗi thao túng cả đời lẫn đạo nên đã xem thập giá như là dấu chỉ của nhục hình, của chúc dữ, do đó những ai dám tôn vinh thập giá như con đường trọn hảo, như lý tưởng mình phải theo để được nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa thì trước sau gì họ cũng phải đụng độ với những thế lực trần gian đang làm tôi tớ cho tội lỗi. Đến lúc đó thì hoặc phải là chối từ thập giá để tìm con đường sống cho xác thể, hoặc là phải dám hy sinh sự sống đời này để nói thẳng vào mặt vua quan thế trần này rằng “các ông đã lầm to rồi, thập giá là vinh quang”. Lúc ấy, kẻ tin không có một bằng chứng nào khác hơn là mạng sống mình để đem ra đặt cược cho lời tuyên xưng, cho xác tín của mình. Đó chính là trường hợp của các anh hùng tử đạo.
Vậy các câu 37 – 39 là những lời mời gọi từ bỏ với mức độ đòi hỏi ngày càng cao mà kẻ tin phải chấp nhận thực thi để có thể trở thành môn đệ thực sự, thành chứng nhân kiên trung, nhà truyền giáo hữu hiệu của Đức Giêsu thập giá.
-
Phần thưởng cho những từ bỏ (Mt 10,40 – 42)
Có đòi hỏi thì phải có phần thưởng. Chúa không bao giờ kém quảng đại hơn chúng ta.
-
Câu 40: được nên một, được đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa và với Đức Giêsu: Đức Giêsu đã tự đồng hóa với các tín hữu, nhất là các tín hữu bị bách hại (x. Cv 9,4 – 5). Lời này có mục đích củng cố đức tin, khích lệ tín hữu kiên trì trên con đường vác thập giá mình mà theo thầy. Vậy lộ trình “vác thập giá theo Đức Giêsu” là con đường duy nhất và chắc chắn đưa thân phận nghèo hèn tội lỗi đáng phạt của chúng ta đi thẳng vào cung lòng Ba Ngôi chí thánh.
Vậy phần thưởng lớn lao nhất của tín hữu không gì khác hơn là nên một với Ba Ngôi, và là ngay tại thế này cho dù tình cảnh cụ thể trước mắt vẫn đầy gian truân bắt bớ. Mọi mơ ước khác đều không phải là đối tượng của lời hứa; nếu có được thì đó chỉ là “những cái được ban thêm” (x. Mt 6,33b).
Nguyên tắc “người được sai đi ngang hàng với kẻ sai đi” trong câu 40 này rất là quen thuộc trong Do Thái giáo ngày nay vẫn vậy, vai trò ngoại giao của các sứ thần, đại sứ, bộ trưởng ngoại giao… cũng dựa trên nguyên tắc này.
Động từ “ĐÓN TIẾP” phải được hiểu theo hai mức độ (lặp lại 4 lần): theo nghĩa rất cụ thể đó là hiếu khách như đã nói từ đầu chương; vừa theo nghĩa “vâng nghe” “tin” vào lời vị thừa sai rao giảng. Vậy “đón tiếp” trở thành ngưỡng cửa dẫn đến chỗ trở nên môn đệ. Cách hiểu thứ hai này dọn đường để hiểu các câu 41 – 42.
-
Ai đón tiếp một ngôn sứ … sẽ được lãnh phần thưởng của bậc ngôn sứ… Câu 41 thoạt nhìn giống như kiểu mua bán tính toán: “tiền trao cháo múc”, “tiền nào của nấy”. Tuy nhiên văn mạch không cho phép hiểu như vậy, thật vậy:
Trong câu 40, Đức Giêsu đã tuyên bố “ai đón nhận môn đệ là đón Chúa”, môn đệ được đồng hóa, được nên một với Chúa. Vậy khi ai đón tiếp một ngôn sứ thì được phần thưởng của ngôn sứ có nghĩa là “đón ngôn sứ” là đón Chúa, và “phần thưởng của ngôn sứ” không gì khác hơn là chính Chúa. Nói cách khác, Người được sai đi và người đón nhận kẻ được sai đi (đón ngôn sứ, đón người công chính và vâng nghe, nên môn đệ) đều có được phần thưởng như nhau là CHÍNH CHÚA, là ơn cứu độ.
-
Ai đón tiếp một người công chính… cách nói điệp vận, lặp lại hai lần cùng một công thức chỉ thay đổi “ngôn sứ” bằng “người công chính” chỉ là một hình thức văn chương nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của lời tuyên bố. Do đó đừng quá bận tâm tìm xem “phần thưởng của ngôn sứ” khác với “phần thưởng của người công chính” như thế nào. Tất cả chỉ là một phần thưởng là CHÍNH CHÚA.
-
Ai cho một trong những kẻ bé mọn này… (các câu 41 – 42)
-
Câu 42 làm nổi bật tính nhưng không của phần thưởng Thiên Chúa ban: “kẻ bé mọn”, “chén nước lã” thật chẳng đáng là gì thế mà Chúa vẫn trân trọng như “đón tiếp” ngôn sứ và người công chính. Thật vậy ba hạng người được đón tiếp trong các câu 41 – 42 có thế giá khác nhau trong xã hỗi tôn giáo, trong cộng đoàn kẻ tin:
-
Ngôn sứ là người có đặc sủng trong cộng đoàn. Như vậy xét về mặt tổ chức cộng đoàn họ có uy tín thế giá trong lời nói, hành động do đó cũng dễ “đón tiếp” họ.
-
“Người công chính” là người đạo đức, có tư cách, uy tín cao…
-
Còn “người bé mọn” chỉ là những tín hữu vô danh, họ chỉ gắn bó với cộng đoàn bằng niềm tin vào Đức Giêsu. Những điểm khác họ chẳng có chi trỗi trang nổi bật, đôi khi còn đầy sai phạm, dễ bị vấp ngã vì những gương mù, gương xấu. Đối với những người mọn hèn như vậy mà chỉ cần cho họ “chén nước lã” thì cũng được Đức Giêsu hứa phần thưởng. Đừng quên chi tiết này “… vì kẻ ấy là môn đệ thầy”. Vậy phần thưởng cũng là CHÍNH CHÚA, Đấng luôn đồng hóa mình với bất kỳ kẻ tin nào.
-
TÓM KẾT: Sau khi mời gọi, sai đi, báo trước những khó khăn bắt bớ chờ đón các môn đệ, giờ đây Đức Giêsu chỉ cho họ bí quyết hiệu quả để môn đệ lướt thắng được những giới hạn của mình, vượt qua khó khăn và hoàn tất sứ mạng. Bí quyết đó là cái mà chúng ta thường gọi là “Từ Bỏ”, nhưng đúng hơn đó là sự chọn lựa Đức Giêsu: tương quan, tin yêu, phó thác, tận hiến cho người được đặt ưu tiên vượt trên hết mọi tương giao nhân loại: cha mẹ, anh em, mạng sống. Nhờ đó người môn đệ được dễ dàng nên một với Đức Giêsu và rồi sẽ được lại tất cả trong Đức Giêsu phục sinh ngang qua thập giá (x. Mc 10,29 – 30). Thật vậy, những đòi hỏi tưởng chùng như là từ bỏ trên của Đức Giêsu thực ra chỉ là những điều chỉnh lại cho hợp lý những tương giao nhân loại đã bị tội làm biến chất. Các điều chỉnh ấy không đưa môn đệ tới cô độc, khép kín, nhưng đưa đến kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa đến độ đồng hóa được với Người và nhờ đó con người của người môn đệ được mở rộng ra cho tất cả mọi người, kết hợp với mọi người, nên một gia đình trong Chúa và hơn nữa nên một với nhau trong cùng một nhiệm thể: MẦU NHIỆM huyền thể Đức Kitô.
Frère Pierre Đình Long FSC