Bài 1
1V 19,16b.19-21; Lc 9,51-62
Chủ đề: ơn gọi và đáp trả: dứt khoát theo Thầy
* 1V 19,19b.21b: ông Elia ném tấm áo choàng của mình lên người ông Elisa… và ông này đứng dậy đi theo Elia.
* Lc 9,57b.59a: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo” … Đức Giêsu nói: “Anh hãy theo tôi!”
Trong năm phụng vụ 2022, hôm nay là Chúa Nhật XIII C, các bài đọc phụng vụ quay về lại với Mùa Thường Niên sau Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Chúng ta tiếp tục bước theo Đức Giêsu trên lộ trình rao giảng công khai của Người. Theo Luca, Đức Giêsu bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem, vì ngày mà Người phải hoàn tất sứ vụ đã gần tới (x. Lc 9,51). Trên hành trình tiến về Giêrusalem, có nhiều người đi theo Đức Giêsu; Nhưng khi đến với Người, họ lại mang theo trên mình những ước vọng, dự tính của họ. Đức Giêsu phải chỉnh sửa và Mời Gọi họ. Nói theo kiểu dân gian Việt Nam thì người ta muốn “Đi Tu”, còn Chúa thì Người lại muốn chúng ta “THEO CHÚA”.
– Cách nói “Đi Tu” gợi lên rằng vai trò chủ động đến từ phía con người: con người có một ước muốn, một dự tính và rồi tìm cách, nỗ lực để thực hiện lý tưởng đã được mình vạch ra. Và dĩ nhiên sẽ thực hiện, sẽ tu theo kiểu mẫu của mình; Và đích đến của “đi tu” là sự hoàn thiện bản thân theo lý tưởng, phương thức mà mình đã vạch ra. “Đi Tu” là đi tìm chính mình, tìm thể hiện mình.
– Còn trong ngôn ngữ đời tu kitô giáo, việc đi theo Chúa được diễn tả bằng từ “ƠN GỌI” và phần con người là lắng nghe và đáp trả lại lời GỌI MỜI đó. Như vậy vai trò chủ động trong “ơn gọi” là Thiên Chúa: Chúa có một dự tính của Người và Người muốn mời nhân loại cộng tác với Người để hoàn tất dự tính thần linh ấy theo gương Đức Giêsu (x. Ga 20,21), và thực hiện với những PHƯƠNG TIỆN CHÚA BAN (x. 1Pr 4,10-11); Và điểm đến là để “Ý CHA THỂ HIỆN” (x. Mt 6,10)
Lời Chúa của Chúa Nhật XIII C Mùa Thường Niên đề cập đến chủ đề nói trên: ơn gọi đến từ Thiên Chúa và lời đáp trả từ phía con người. Để việc theo Chúa được nên trọn, để có được sự hài hoà giữa “ơn gọi” và “lời đáp” thì phần Thiên Chúa, Người sẽ chỉnh sửa não trạng người được gọi; phần người được gọi phải hoán cải, đón nhận dự tính của Thien Chúa, và nhanh chóng đáp lời, đừng để bất kỳ một lý do phàm trần nào làm chậm trễ việc thi hành dự tính của Thiên Chúa, làm chùng bước việc theo Chúa.
Bài đọc 1 kể lại chuyện ngôn sứ Elia kêu gọi Elisa bỏ mọi sự đi theo mình làm ngôn sứ của Chúa. Trước đó Elia đã rơi vào tâm trạng chán chường, thất vọng, xin Chúa cho đươc chết vì thấy mình bị kẻ thù Chúa truy đuổi, bách hại (x. 1V 19,4). Nhưng Thiên Chúa đã bồi dưỡng, vực ông dậy và cho gặp Người trên núi Khoreb (tức núi Sinai). Ông đã bỏ đi ý định tiêu cực của mình, vâng lệnh Thiên Chúa trở về thung lũng sông Giodan, tại thành Avên – Mơkhôla (1V 19,16) để chọn gọi Elisa làm ngôn sứ kế tục sứ vụ của mình. Elisa lúc đó đang làm công việc thường ngày của một nông dân, cùng với gia đình canh tác đất đai. Elia không nói tiếng nào, chỉ đi ngang qua và “ném tấm náo choàng của mình lên người ông Elisa”. Đó là dấu chỉ của một lời mời, một ơn gọi. Thật vậy, “áo choàng” là biểu tượng của năng lực sống, của sự sinh tồn mà ngày nay chúng ta gọi là linh đạo (x.Paroles sur le chemin C 1979 trang 328), nên khi “ném áo choàng của mình lên người Elisa” thì coi như ngôn sứ Elia đã thông truyền toàn bộ sứ vụ, thần lực của mình cho người môn đệ Elisa (x. 1Sm 18,1.4; 2V 2,10.13.14). Đó là tiếng gọi thần linh vì Elia đã làm điều ấy theo lệnh Thiên Chúa (x. 1V 19,16b). Và thái độ đáp trả của Elisa thật tuyệt vời: hiểu ý thầy, Elisa mau chóng từ bỏ tất cả, đi theo thầy và trở nên ngôn sứ môn đệ kế nghiệp công trình của Elia theo dự tính của Chúa.
Bài đọc Tin Mừng gồm hai phần: * Phần đầu là lời Đức Giêsu quở mắng thái độ bè phái hung hăng, cậy thế của hai tông đồ Giacôbê và Gioan: “đòi “khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ” một làng của Samari vì dân ở đó không đón tiếp Đức Giêsu. Đó không phải là thái độ của người môn đệ.
*Phần thứ hai đi trực tiếp vào chủ đề “ơn gọi và đáp trả”. Nhưng điểm nhấn của Tin Mừng hôm nay là những đòi hỏi quyết liệt, dứt khoát của Đức Giêsu đối với những ai muốn theo làm môn đệ Người. Ba trường hợp cụ thể được nêu lên:
1/ Đối với những người muốn theo Đức Giêsu bất kỳ Người đi đâu thì Người đưa ra đòi hỏi là phải chấp nhận sự từ bỏ của người lữ hành, chấp nhận thân phận của các thừa sai di động không để bất kỳ một dính bén nào ràng buộc, níu giữ bước chân người đi loan báo Tin Mừng: “chồn có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu”.
2/ Đức Giêsu đi bước trước gọi mời: “anh hãy theo tôi!”. Anh ta xin được về “chôn cha” trước đã. Cách nói hàm ý là chờ anh ta về làm cho xong bổn phận chữ hiếu đối với cha mẹ; Rồi khi cha mẹ mãn phần, anh sẽ đến theo Đức Giêsu. Đức Giêsu đòi hỏi dành ưu tiên tuyệt đối cho sứ mạng “loan báo triều đại Thiên Chúa”.
3/ Còn đối với những kẻ muốn theo Người, nhưng xin về từ biệt gia đình trước đã. Đức Giêsu đòi người ấy “cầm cày rồi thì đừng ngoái lại đàng sau nữa”, hàm ý đừng lưu luyến bám víu vào những tương quan, giá trị của quá khứ nữa: Từ nay, người được gọi “không còn biết một ai theo quan điểm loài người nữa…” người ấy đã là thọ tạo mới (2Cr 5,16-17).
Đức Giêsu đòi hỏi tuyệt đối như vậy là vì lợi ích cứu độ cho toàn nhân loại: qua sự đáp trả quyết liệt, người được gọi trở thành cánh tay nối dài của Đức Giêsu góp phần đưa công trình cứu độ của Chúa mau tới chỗ hoàn tất. Đáp lại lời mời gọi của Chúa cách tuyệt đối phải là chọn lựa ưu tiên của người môn đệ muốn theo Đức Giêsu.
Bài 2
Đức Giêsu nhất quyết đi Giêrusalem (c.51)… Người nói với một người … “ Anh hãy theo Tôi” (c.59)… Anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa (c.60b).
Hôm nay là Chúa Nhật XIII C Thường Niên. Chủ đề Lời Chúa hôm nay khá rõ: Việc đến với Chúa và đi theo Người không là một sáng kiến, một chọn lựa bắt nguồn từ ước vọng của con người, mà là khởi nguyên từ dự tính của Thiên Chúa. Thật vậy, sau sa ngã của tổ tông, phản ứng tự nhiên của con người tội lỗi là sợ hãi trốn tránh Thiên Chúa. Thiên Chúa phải đi bước trước tìm đến với con người, mời gọi hướng dẫn họ trở về với Chúa.
Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng việc trở về với Chúa, đi theo Người không hề là con đường trải thảm dễ đi. Bởi vì sau việc sa ngã của tổ tông thì những suy nghĩ mơ ước của con người không còn ăn khớp, hài hòa với các dự tính của Thiên Chúa nữa. Con người sa ngã đã tạo ra cho mình những hoài bão, những giá trị, những tương quan mới. Những thứ luôn lôi cuốn này buộc con người, như những đám tơ nhện cuốn chặt lấy con mồi, giam hãm nhân loại trong những đam mê, giá trị trần thế khó lòng thoát ra khỏi.
Nghề nghiệp gia đình, chữ hiếu, an toàn….đều là những giá trị đáng trân trọng; Nhưng để đi theo được đường lối của Thiên Chúa, tất cả những thứ đó phải nhường chỗ “số một” trong cõi lòng, lẽ sống của mình cho Thiên Chúa. Bất cứ ai còn để cho bất kỳ giá trị trần thế nào chiếm vị trí số một trong tâm trí mình thì không xứng đáng và không thể theo Chúa được.
Chính vì thế, để có thể theo Chúa trọn vẹn, người được Chúa gọi cần để Lời Chúa đổi mới tâm can, ý tưởng. Những tâm trạng ích kỷ cá nhân lợi ích phe phái, bè nhóm, những suy nghĩ thống trị chống đối phải được thay thế bằng ý hướng phục vụ; những tiêu chuẩn trần thế phải được thay thế bằng những giá trị của “Triều Đại Thiên Chúa”. Chúa đang mời gọi những người theo Chúa thiết lập thế giới mới ngay tại trần thế này, vì thế cần có những “cán bộ” mới cho một đất nước mới. Lời Chúa hôm nay mời chúng ta sắp xếp lại bậc thang giá trị theo chuẩn mực của Nước Trời. Chúng ta không phá hủy các giá trị trần thế, nhưng đặt chúng vào đúng vị trí, vai trò chúng trong công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
Bài đọc 1 thuật lại ơn gọi của ngôn sứ Elisa. Sáng kiến hoàn toàn là của Thiên Chúa: Người kéo Elisa ra khỏi nghề nghiệp, tài sản, gia đình, môi trường đang sống ổn định an toàn của ông, gọi ông ra đi làm ngôn sứ cho Người, một việc rất nguy hiểm thời đó. Elia chỉ là trung gian. May thay, Elisa đã đáp lời, làm người kế nghiệp Elia.
Tin Mừng thuật lại bốn trường hợp theo Đức Giêsu với những phản ứng của người theo không hề phù hợp với đường lối của Thiên Chúa và Đức Giêsu phải cảnh cáo.
– Có người hăng hái sẵn sàng đi theo Người bất kỳ đi đâu. Đức Giêsu cảnh báo: Ngườivô gia cư không hề có một an toàn, bảo đảm vật chất nào. Có dám sống một cuộc đời từ bỏ, không chút dính bén nào như thế không?
– Một trường hợp được Đức Giêsu mời gọi, nhưng anh này đã đưa ra bổn phận chữ hiếu để hoãn lại lời đáp trả, Đức Giêsu đáp: phải ưu tiên cho việc loan báo Triều Đại Thiên Chúa.
– Một người khác xin được từ giã người thân trước khi đáp lời theo Thầy; Đức Giêsu bảo muốn theo Chúa phải dứt khoát bước vào một mối tương quan mới, không để những quyến luyến huyết nhục cản trở việc Thiên Chúa.
Cuối cùng ra, vấn đề là người được gọi có đặt để Thiên Chúa vào vị trí số một trong cuộc đời mình hay không?
BÀI ĐỌC I: 1V 19, 16b. 19 -21
Bối cảnh câu chuyện này là thời vua Akháp (874 – 853) trị vì Bắc Quốc. Vua cưới vợ là công chúa Ideven, con của vua xứ Sidon dân ngoại. Vua bị vợ lôi cuốn thờ thần Baal, khiến dân từ bỏ Yavê, phá bỏ Giao Ước, giết hại các ngôn sứ của Chúa. Chỉ còn một mình Elia sống sót, nhưng họ cũng truy lùng giết ông (1V 19,10) vì ông đã hạ nhục thần Baal, vạch mặt hắn chỉ là ngẫu tượng rồi giết 400 ngôn sứ của Baal (1V 18,40).
Vụ việc đó làm điên tiết nữ hoàng Ideven, bà thề giết cho kỳ được Elia (1V 19,2). Thế là Elia phải trốn chạy về núi Khorep; ông nản lòng muốn bỏ cuộc, xin Chúa cho chết, nhưng Thiên Chúa đã vực ông dậy, ban lương thực cho ông đủ sức đi tới Núi Chúa (1V 19,1-8). Tại đây ông đã gặp được Chúa và Người củng cố đức tin cho ông, sai ông về lại Israel, làm sứ mạng mà Ngài sắp giao phó: phong cho Khadaen làm vua Aram; Giêhu làm vua Israel và phong cho Elisa làm ngôn sứ thay thế cho ông (1V 19,15-16). Vâng lời Chúa, ông về lại với nhiệm vụ.
Bài đọc là trích đoạn Elia đến gặp và kêu Elisa theo ông làm ngôn sứ.
1/ Ơn gọi của Elia (c.16.19)
*Chính Thiên Chúa đã chọn Elisa. Elia chỉ là trung gian chuyển đạt lời Chúa, là người thực hành lệnh Chúa. Chỉ có một sứ vụ phát xuất từ Thiên Chúa, còn tất cả chỉ là cộng tác viên, được Thiên Chúa gọi mời và trao cho một trách nhiệm, một vị trí phù hợp trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trong Israel, ngôn sứ là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa: dân có thể chọn vua, chọn tư tế, nhưng ngôn sứ phải là do Chúa ban, dân không thể bầu chọn ngôn sứ; Nếu chưa nhận ra ý Chúa thì phải “chờ ”(1Mcb 4,4b; 9,27; 14,41). Kinh Thánh cũng có nói đến những tập đoàn các ngôn sứ (2V 2,7) nhưng đó chỉ là một nhóm môn đệ đi theo một vị thầy được Chúa chọn (x. Is 8,16) chứ không phải là người được Chúa chọn ĐÍCH DANH để mang sứ điệp Chúa đến cho toàn dân.
Như vậy, “chức vụ ngôn sứ theo đúng nghĩa không phải là một định chế như vương quyền hay chức tư tế: Israel có thể chọn một vị vua (Đnl 17,14) nhưng không thể tự chọn một ngôn sứ; Ông hoàn toàn là một ân huệ của Thiên Chúa, là đối tượng của lời hứa…”( ĐN TH TK “sứ ngôn” I,3).
*Elisa đang cày ruộng (c. 19a)
Ngôn sứ không phải là một “nghề” không là một chọn lựa chủ động từ phía con người Chúa đã chọn và sai đi làm thì phải nghe thôi (Am 3,8). Elisa là một nông dân, ông đang cày ruộng. Chính trong cuộc sống thường nhật mà tiếng gọi của Chúa đã vang lên. Tiếng gọi của Chúa vang lên trong những phút giây, tình huống bất ngờ. Người ta không biết trước thời điểm, nơi chốn Chúa cất tiếng gọi, người ta không ngồi đó mà CHỜ Chúa gọi. Chính khi hoàn tất trách nhiệm thường ngày của mình, chúng ta có cơ may nghe được tiếng Chúa: Chúa gọi Môsê đang lúc ông chăn cừu cho bố vợ; Gédéon khi ông đang đập lúa; Đavit, khi cậu đang chăn chiên; Matthêu đang thu thuế; Giacobe và Gioan đang vá lưới…
*Ông Elia… ném áo choàng của mình lên người Elisa (c.19b)
Trong một thế giới có tổ chức và trật tự thì “y phục được coi như dấu chỉ của nhân vị trong đồng nhất tính và cá biệt tính của nó (ĐN TH TK “y phục”). Hạng người nào, địa vị nào thì có loại y phục tương ứng. Y phục có tương quan mật thiết với cá nhân con người vì nó được coi như thấm nhiễm sức mạnh tinh thần của người đã mặc nó (văn hoá Việt Nam cũng nói tương tự: “xếp tàn y lại để dành hương”). Vậy ném áo choàng lên ai là muốn thông ban cho người đó toàn bộ năng lực cá biệt của mình (Paroles sur le chemin C p.328). Sau này khi về trời, Elia đã ném lại áo choàng cho Elisa và ông này có được quyền lực như thầy mình (x. 2V 2,8.13.15).
Việc ném áo choàng trên Elisa như một lời mời gọi tham gia vào sứ mạng. Và Elisa đã hiểu ngay ý định của Elia nên mới bỏ công việc cày bừa đang làm và đi theo Elia.
2/ Thái độ đáp trả của Elisa (cc.20-21)
*Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã rồi sẽ đi theo ông. “Ông” ở đây là Elia. Mặc dù ơn gọi đến từ Thiên Chúa, nhưng ở đây người mà Elisa tiếp xúc là Elia, một trung gian nhân loại: thêm nữa ở đây, việc theo thầy không khởi phát từ ý nguyện có sẵn nơi Elisa; Ông này được Elia đến mời gọi nên trước khi được mời thì ý hướng “theo thầy” chưa có, và do đó ý hướng bỏ gia đình, bỏ nghề nghiệp làng xóm… là những bổn phận thiết yếu của một con người cũng chưa khởi phát nơi ông. Do đó Elisa xin Elia một thời gian để thực hiện một bổn phận tối thiểu đối với cha mẹ là cho họ biết mình sắp làm gì, sắp đi đâu kẻo sự vắng mặt đột ngột, không chút tin tức nào sẽ gây xáo trộn, lo âu cho gia đình, làng xóm. Vậy câu xin của Elisa không phải là dấu chỉ của sự lưỡng lự, thiếu dứt khoát, mà là một việc cần (đúng hơn là BUỘC) phải làm cho phải đạo làm người, làm con cái đúng theo Luật Giao Ước.
Trường hợp của Elisa khác với trường hợp ở Lc 9,61 (sẽ suy niệm trong bài đọc Tin Mừng).
*Thái độ dứt khoát của Elisa (c.21)
– “bắt cặp bò giết làm lễ tế”: đất đai là gia sản Thiên Chúa ban cho chi tộc, gia tộc, và bổn phận chính là phải gìn giữ, canh tác đất đai. Do đó giờ đây phải bỏ đất đai ra đi, Elisa, qua lễ tế đã trình thưa lên cùng Thiên Chúa quyết định của mình. Lễ vật lại là chính cặp bò ông đã dùng để cày cấy; đó là dấu giã từ nghề nghiệp cũ, củi lại là chính cái cày.
– đãi người nhà: dịch sát là đãi dân chúng: có thể là những người làng xóm, bạn hữu. Đây là hành động giã từ nghề cũ để ra đi thi hành sứ mạng mới (CGKPV “các sách lịch sử” 1999 trang 409 nốt “o”), như trường hợp Matthêu đãi tiệc lớn bạn bè trước khi bỏ nghề theo Đức Giêsu.
3/ Tóm lại ơn gọi là một ân huệ nhưng không đến từ Thiên Chúa. Người gọi từng người đúng thời đúng lúc, theo cách thức của Người để tất cả được trở thành cộng tác viên của Chúa. Bổn phận con người là sẵn sàng đáp trả để phục vụ Thiên Chúa và công việc của Người.
Môi trường sống của ta, công việc thường nhật của ta là nơi mà Thiên Chúa đến gặp và mời chúng ta.
TIN MỪNG: Lc 9,51-62
“Giờ” đã tới! Đức Giêsu bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để hoàn tất sứ mạng đã nhận từ nơi Cha: thừa tác vụ ở Galilê đã hoàn tất và Người đã hai lần loan báo Thập Giá. Tuy nhiên với nhiều phép lạ Người đã làm ở Galilê, người ta vẫn ùn ùn đi theo Đức Giêsu với một tâm trạng, khát vọng hoàn toàn khác với Người.
Các đoạn văn mở đầu của tổng thể “Đức Giêsu lên Giêrusalem” (9,51 -19,27) đều nói về mối tương quan bất tương đồng giữa Người với các môn đệ, hoặc với những kẻ có ý muốn đi theo Người. Bài đọc Tin Mừng hôm nay là một trích đoạn của các đoạn văn đó: bốn hạng người đã theo, hoặc muốn theo Đức Giêsu, nhưng chẳng có ai trong họ có được tâm tình như Người.
1/ Bối cảnh của trích đoạn Tin Mừng hôm nay và quyết định của Đức Giêsu (c.51)
*“Tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời”: đó là cách nói khác để diễn tả mầu nhiệm Thập Giá Cứu Độ. Đối với loài người tội lỗi thì “thập giá” là nhục hình, là án phạt nhưng đối với các tín hữu, đó là sức mạnh, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, ơn cứu độ cho nhân loại (x. 1Cr 1,21-25; Ga 12,32) và là nơi Người được tôn vinh (Ga 8,28). Thời gian mà Cha ban cho Đức Giêsu để thực hiện sứ vụ tại thế sắp kết thúc và việc Người ra đi đã gần kề.
* “Người nhất quyết đi lên Giêrusalem”
Ngay trong chương 9 này, Đức Giêsu đã hai lần loan báo thập giá (9,22.44), Người biết rõ điều Người phải hoàn tất ở Giêrusalem, nhưng Người vẫn “quyết tâm” đi lên Giêrusalem.
“Quyết tâm” là cách dịch cụm Từ hi lạp To prosôtov êsterisên = khuôn mặt Người rắn lại, đanh lại “có nghĩa là bày tỏ một quyết tâm dùng can đảm để vượt qua nỗi sợ hãi”. Ở đây Luca đã khơi mào cho thấy những đau khổ đầu tiên của cơn hấp hối mà Đức Giêsu sẽ phải chịu ở Vườn Cây Dầu. Thành ngữ “Đức Giêsu rắn khuôn mặt lại đi lên Giêrusalem” xem ra cũng ám chỉ đến bài ca thứ 3 về Người – Tôi – Tớ của Yavê. Bài ca đó nói “Thiên Chúa Yavê đến cứu giúp tôi, vì thế tôi không còn cảm thấy bị lăng nhục. Vì thế tôi trơ mặt ra như đá: tôi biết rằng tôi không phải xấu hổ” (Is 50,7). Qua sự tương cận này, Luca đồng hoá Đức Giêsu với Người – Tôi – Tớ Yavê mà ông đã ám chỉ trong cuộc biến hình (Lc 9,35). Như thế cuộc hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem là khởi điểm của công cuộc hiến tế của Người – Tôi – Tớ Yavê.
“Vậy Đức Giêsu đi lên Giêrusalem với tư cách là Người – Tôi – Tớ, là Vị Ngôn Sứ, là Đại Diện Thiên Chúa viếng thăm dân Chúa và ban cho họ tràn đầy ân sủng (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm C. Mùa Thường Niên trang 171).
*Thái độ thù nghịch của dân làng Samari (cc.52-53)
– Người Samari cũng là dân Do Thái, nhưng vào thời họ bị đế quốc Assyri chiếm đóng (721), đế quốc đã đem nhiều dân tộc dân ngoại vào định cư ở Samari, do đó có sự trộn lẫn các sắc dân. Họ bị người Do Thái khinh, coi là dân lai. Về mặt tôn giáo họ cũng thờ Yavê nhưng trộn lẫn với việc thờ các thần ngoại (2V 17,24-34). Rồi đến thời Alexandre Đại đế (326-323), họ lại xây một đền thờ riêng cho họ trên núi Garidim, nhưng rồi bị Jean Hyrkan I (134-104) nhà Macabê phá huỷ và mãi đến thời Rôma, hoàng đế Hadrien mới cho xây dựng lại vào năm 135 (DEB 2002 “Garizim”).
Người Do Thái và Samari thù nghịch nhau (x. Ga 4,9). Khi Người Samari nghe biết Đức Giêsu lên Giêrusalem, họ chống đối Người ra mặt và từ chối đón tiếp Người… Vì lên Giêrusalem là mặc nhiên chối bỏ phụng tự trên núi Garidim (Chú giải Phúc Âm năm C trang 172).
*Phản ứng của Giacôbê và Gioan (c.54)
Chi tiết này cho thấy,dù đã theo Đức Giêsu nhưng các môn đệ chưa có được tinh thần của Đức Giêsu:
– Họ coi Samari như kẻ thù: chưa đổi mới não trạng
– Họ theo Người để lên mặt, thống trị kẻ khác, áp đặt ý muốn của họ lên người khác.
Cái nhìn hạn hẹp, ích kỷ này vẫn bám riết theo các ông và họ không sao tự sức mình rũ bỏ được (Mc 10,35-40) kể cả sau khi được Đấng Phục Sinh “phụ đạo” thêm 40 ngày (Cv 1,6). Chỉ đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ông mới thoát được cái nhìn bè phái này.
*Chỉnh sửa của Đức Giêsu (c.55)
Đức Giêsu quay lại (= straphêis) và quở mắng (= êpêtimesên) các ông. Luca không nói đến nội dung lời quở mắng, nhưng hai động từ hi lạp trên gợi lại việc Đức Giêsu “quay lại” và “quở mắng” Phêrô khi ông này ngăn cản Đức Giêsu lên Giêrusalem chịu thương khó (Mt 8,33; Mt 16,23). Luca thường tránh nói trực tiếp đến các sai phạm của các tông đồ, nhất là sau vụ Phêrô cản Đức Giêsu lên Giêrusalem, nhưng ở đây (đoạn riêng của Luca) việc dùng hai động từ trên cho thấy sai lầm của Gioan – Giacôbê là trầm trọng: “ngăn cản Đức Giêsu chịu khổ hình” và “đòi tru diệt những người không tin Người” là hai tội nặng như nhau, có cùng bản chất: không cho tội nhân được hưởng ơn cứu độ.
2/ Làm thế nào để theo Đức Giêsu :
*Bỏ mọi an toàn, tiện nghi (cc.57-58)
Có một người đến xin Đức Giêsu đi theo Người bất kỳ nơi nào Người đi. Vậy đây không phải là một môn đệ cách chung, mà là một người muốn gắn bó mật thiết cả cuộc đời mình với Đức Giêsu, muốn bỏ hết mọi sự để đi theo Người.
Lời đáp của Đức Giêsu không là một lời từ chối, xua đuổi; Người chỉ cảnh báo anh ta phải suy nghĩ cẩn thận trước khi dấn thân: Theo Người thì chẳng được lợi lộc gì về trần thế, mà còn phải bỏ của cải ra giúp Người và Nhóm Mười Hai (x. Lc 8,3), và nhất là
Người không có nhà cửa chi cả; Cuộc sống của Người cũng không an toàn bảo đảm bằng cuộc sống của những thú rừng, chim trời. Cách nói: “Không có chỗ ngả đầu” gợi lại việc trú ngụ ở Bêlem (Lc 2,7) và củng cố thêm ấn tượng mà các sách Phúc Âm cho thấy về cuộc sống lang thang và bấp bênh của Đức Giêsu. Có lẽ Luca muốn nhắc rằng: Thân phận của môn đồ cũng là thân phận của Thầy mình: là ngoại kiều và lữ hành trên mặt đất này (1Pr 2,11). Thầy và trò đều không có một nơi trú ẩn bảo đảm (theo thư Dt 13,14: “không có thành trì lâu bền”). Theo Đức Giêsu tức là chấp nhận băng mình vào những khó khăn của cuộc sống (Chú giải Phúc Âm năm C trang 175-6).
*Lo tìm Nước Chúa trước tiên: phải xem tất cả là phụ tuỳ trước bổn phận cấp bách rao giảng Tin Mừng:
Kẻ đối thoại thứ hai không tự ý xin, nhưng Đức Giêsu ra lệnh cho anh ta theo Người. Anh ta tự biện giải bằng cách nói rằng mình phải chôn cất cha mình trước đã. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là cha anh ta vừa mới chết, anh chỉ xin về an táng thôi mà Đức Giêsu cũng không cho… Đúng hơn nên hiểu: có lẽ cha anh đã cao tuổi cần nương tựa vào anh nên anh muốn đợi cho cha mình chết rồi thì anh sẽ đến theo Đức Giêsu. Người đã chối từ yêu cầu đó.
Làm như thế, Đức Giêsu khẳng định rằng những bổn phận nhân loại là phụ tuỳ đối với những đòi hỏi của Nước Trời. Người không cho rằng những bổn phận gia đình là không đáng kể (Mt 15,3-9; 1Tm 5,8); Nhưng trong trường hợp có xung khắc, thì những đòi hỏi của Nước Trời phải ưu vượt hơn tất cả… (Sđd 176).
*Phải quay lưng lại với quá khứ và nhìn về phía trước (cc.61-62)
Thoạt nhìn thì sự việc ở đây tưởng chừng giống như trường hợp của Elisa trong bài đọc I. Thực ra có nhiều khác biệt quan trọng:
– ở đây Đức Giêsu không gọi mời, nhưng có một người tự nguyện xin theo rồi anh tự đưa ra điều kiện. Anh đã có tư thế sẵn sàng cả rồi.
– Elisa xin về “hôn giã từ CHA MẸ”, ở đây anh ta xin về cáo từ, từ biệt “những người ở trong nhà mình” (= Tôis êis Tôn oikôn mou)
– Điểm quan trọng nhất là bản thân của người mà đương sự sẽ theo: Elisa sẽ theo một con người, còn ở đây Đấng mà một người muốn theo là Đức Giêsu Đấng đang được Luca dần hé mở dung mạo là Đấng Thiên Sai (x. chú thích c.51)
Do đó đòi hỏi của Đức Giêsu quyết liệt tận căn hơn.
*“Ai đã tra tay cầm cày…”
Cách chung, câu trả lời của Đức Giêsu cũng mang ý nghiã phải dành mọi ưu tiên cho việc loan báo Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên tầm nhìn bao quát hơn:
“Theo Đức Giêsu thì phải dứt khoát với quá khứ. Không những phải cắt đứt những ràng buộc cũ với gia đình mà còn phải từ bỏ nỗi lo lắng giữ lại tất cả gia sản, những giá trị và kinh nghiệm luân lý mà quá khứ đã cho ta đạt được. Để trở nên thích hợp với Nước Trời, phải từ bỏ tất cả quá khứ (x. Pl 3,8). Và trong cuộc sống mới, phải có một con tim không chia sẻ, phải bước đi mắt nhìn thẳng về đàng trước (x. Pl 3,13) nghĩa là nhìn vào Đấng đi trước là Đức Giêsu Kitô” (Dt 12,1-2) (Sđd. 178).
KẾT LUẬN
Người ta có thể từ chối làm môn đồ Đức Giêsu vì những thiên kiến tôn giáo: đó là trường hợp người xứ Samari. Nhưng người ta cũng có thể từ chối lời mời gọi làm môn đồ bởi quá bận tâm đến sự an toàn, đến những tình cảm nhân loại hoặc đến quá khứ của mình: đó là trường hợp của ba người được gọi trong phần thứ hai của bản văn (dầu vậy nên nhớ rằng tác giả Tin Mừng mô tả ba ơn gọi ấy dưới quan điểm những đòi hỏi của Đức Giêsu, chứ không nói đến việc họ từ chối hay chấp nhận). Trong cả ba trường hợp Đức Giêsu chỉ đưa ra lời mời gọi, chứ không bức bách tự do của họ bằng đe doạ hay trừng phạt, hứa hẹn hay ân thưởng. Cả trình thuật này đều quy chiếu về con người của Đức Giêsu. Thiếu vắng Ngài là đau khổ lớn lao nhất, bởi Ngài (cho dù là phải lên Giêrusalem để chết với Ngài ở đó) là phần thưởng cao quý, tuyệt hảo.
Frère Pierre Đình Long FSC