BÁNH TỪ TRỜI
Ga 6,41-51:
Đọc các sách Tin Mừng, chúng ta thấy sư phạm của Chúa Giêsu rất đơn giản: Ngài dùng phương pháp tiệm tiến. Dùng những vật tầm thường để nói đến những điều cao siêu. Dùng những vật đơn sơ để nói đến những thực trạng thiêng liêng. Để giảng về Nước Trời cho những người chưa từng lên trời, Chúa dùng những sự vật cụ thể như hạt giống, hạt cải, cây lúa, thửa ruộng, cây cải, lưới cá, muối, men, viên ngọc… Để nói về tình bác ái, về lòng yêu thương đồng loại, Chúa dùng dụ ngôn người Sa ma ri nhân lành. Nếu trong Cựu Ước, Thiên Chúa được hiểu như là một người cha quyền năng, nhưng nghiêm minh, thẳng thắn và hay xử phạt, thì trong Tân Ước, Chúa Giêsu lại cho thấy hình ảnh một Thiên Chúa nhân lành, luôn tha thứ, yêu thương, qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu.
Có những màu nhiệm trọng đại như ơn cứu độ đã được mặc khải ngay từ thời Cựu Ước.
Hay như Tin mừng thánh Gioan chương 6-được đọc trong những chúa nhật này- nói về mầu nhiệm bánh Trường Sinh. Thực sự, chúng ta đã thấy mầu nhiệm trọng đại này được mặc khải xuyên suốt từ trong Cựu Ước .
*Tiên tri Isaia đã nhắc đến việc Thiên Chúa đãi tiệc dân Người: Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế (Is 25,6).
*Khi dân Do Thái còn đang lưu lạc trong sa mạc, Chúa đã nuôi sống dân bằng Manna. Ông Môsê bảo họ: đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn (Xh 16,15).
*Sau khi thách đấu và chiến thắng 450 ngôn sứ của thần Baal trên núi Carmel, (ngày nay, trong tu viện Stella Maris- Sao Biển-trên núi Carmel, vẫn còn hang của tiên tri Elia), tiên tri Elia bị hoàng hậu Izabel truy đuổi, ông đã chạy về núi Khô rép, núi của Đức Chúa. Những người lớn tuổi còn nhớ một bản thánh ca : Ôi đường xa quá Khô rép cao, ôi Chúa ôi, con thật hết hơi rồi… .Lời ca thật dài, không có dấu nghỉ, khiến người hát cũng muốn đứt hơi, nói về tâm trạng của tiên tri Elia. Dọc đường ông mệt mỏi, chán nản và thiếp ngủ đi. Một thiên sứ đem bánh và nước đến cho ông. Ông dậy, ăn bánh và uống nước, rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt 40 ngày 40 đêm tới Khô rép, là núi của Thiên Chúa. (1V 19,8).
*Tin mừng Gioan đoạn 6 còn thuật lại, một ngày trước khi mặc khải về bánh Trường Sinh, Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân ăn no; chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá cho hơn 10.000 người ăn no và còn dư 12 thúng.
Nhiều người Việt Nam rất trân trọng Truyện Kiều; họ lẩy Kiều, bói Kiều. Nhiều câu thơ trong Truyện Kiều được dùng làm ca dao tục ngữ. Truyện Kiều đóng vai trò quan trọng trong ngôn ngữ và văn chương Việt Nam đến độ ngày 8 tháng 9 năm 1924, Phạm Quỳnh đã nói trong cuộc hội nghị có hơn 2000 đại biểu Việt Nam và Pháp tại Hà Nội là Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.
Đối với người Do Thái, Kinh thánh còn quan trọng hơn thế nhiều. Trong những năm đi rao giảng, Chúa Giêsu luôn trích dẫn Kinh Thánh, các tông đồ và môn đệ sau này cũng vậy. Các luật sĩ và các kinh sư còn làm những hộp kinh lớn đeo trên trán hoặc trên cánh tay. Người Do Thái bị lưu lạc hàng chục thế kỷ, bị bách hại trong nhiều quốc gia trên thế giới; Nhưng vì họ luôn đọc Kinh Thánh nên họ vẫn giữ được tinh thần Do Thái và họ chào nhau sang năm sẽ gặp nhau tại Giêrusalem. Họ có những bản Kinh thánh ép plastic, họ bôi mật ong lên đó, cho các trẻ em liếm mật ong trước khi học hỏi Kinh thánh.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, ngày 14 tháng 5 năm 1948 nhà nước Israel được thành lập. Điều khó khăn của quốc gia non trẻ này là làm sao huy động được những người Do Thái, bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, trở về xây dựng nước Israel. Nhiều người dân quê ở nhiều nước xa xôi không chịu về, mặc dầu nhà lãnh đạo tạo nhiều điều kiện thuận lợi, với nhiều phương tiện khác nhau, người dân cũng không chịu về. Cuối cùng các nhà lãnh đạo phải dựa vào Kinh Thánh để thuyết phục dân trở về: Ta đã nhắc các ngươi lên những cánh phượng hoàng mà đem các ngươi đến với Ta. (Xh 19,4). Các nhà lãnh đạo phải chỉ vào những máy bay đã được điều đến để chở dân về Israel và thuyết phục họ rằng đây chính là những chim phượng hoàng Chúa gửi đến để đón anh em về nước Người. Nhiều người dân, quê mùa đến độ lên phi cơ, thấy lạnh, đã nhóm lừa để sưởi ấm. (x Về miền đất hứa- Nguyễn Hiến Lê).
Mặc dù được mặc khải từ trong Cựu Ước; Mặc dù được thấy quyền năng của Thiên Chúa, khi Chúa hóa bánh ra nhiều cho dân ăn no, người Do Thái vẫn xầm xì phản đối khi Chúa Giêsu nói Tôi là bánh từ trời xuống.(Ga 6,41). Họ chỉ nhận ra nhân tính của Chúa: Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?(Ga 6,42). Họ không nhận ra Thiên tính của Chúa, nên khi Chúa nói Tôi từ trời xuống, họ đều không chấp nhận.
Đức Tin không phải tự nhiên mà có, nhưng là ân huệ của Thiên Chúa: Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. (Ga 6,44).
Việc chúa Giêsu nói mình là Bánh Hằng Sống, bánh từ trời xuống thực là điều khó hiểu, khó nghe, khó tin, không những với người Do Thái thời đó, mà còn cho mọi người, mọi nơi, mọi thời. Nếu không có niềm tin được ban tặng bởi Thiên Chúa.
Giáo sư Phan Như Ngọc, khi còn tin tưởng và giảng dạy thuyết duy vật ở đại học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội, cho rằng tất cả những điều trong Kinh thánh đều là hoang đường, là mê tín, dị đoan. Nhưng khi ông thấy rằng không có vật gì tự nhiên mà có; rồi dựa vào niềm tin của các nhà khoa học công giáo, ông cũng tin rằng phải có Đấng Tạo Hóa tạo dựng nên bao điều kỳ công. Từ tiền đề đó, từ việc tin rằng Thiên Chúa toàn năng có thể làm những điều vĩ đại, thì những phép lạ trong Kinh Thánh hay trong Tin Mừng chỉ là chuyện nhỏ đối với Chúa.(x Niềm hạnh phúc tuyệt vời trong cuộc đời tôi. – Phan Như Ngọc).
Khi đã được Chúa Cha lôi kéo, khi đã tin, ta có thể tuyên xưng Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được (Lc 1,37), kể cả việc biến bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa.
Lương thực thiêng liêng của chúng ta luôn là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa.
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Xin nâng đỡ lòng yếu tin của chúng con .
Nguyễn Đức Lân