CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN-năm A

Bài 1

1V 19, 11-13; Mt 14, 22-33

Chủ đề: Chúa đến cùng môn đệ trong cơn nguy khốn.

* 1V 19,12b.13a: Chúa không ở trong động đất và lửa. Sau lửa, có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, Elia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang.

* Mt 14,25.27: Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ và nói “cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ”.

Chúa luôn đồng hành với con người để ủi an, trợ lực; Nhất là trong những lúc con người lâm cảnh ngặt nghèo thì Thiên Chúa luôn TỚI, HIỆN DIỆN ĐÚNG LÚC, KỊP THỜI đưa ta về lại sự bình an trong Chúa. Điều quan trọng là ta có biện phân ra được và chấp nhận được đường lối hành động VỪA ĐỦ, ĐÚNG LÚC của Chúa hay không. Đó là chủ đề chính của Lời Chúa Chúa Nhật XIX A Mùa Thường Niên. Thật ra CHÚA LUÔN LUÔN hiện diện với chúng ta.

Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy những đáp trả không thích hợp từ phía con người trước đường lối hiện diện, đồng hành của Thiên Chúa. Điều đó đã đưa con người tới chỗ sợ hãi, hoảng loạn khi có bão tố, gian truân ập tới. Và hậu quả là đưa ta tới chỗ lấy những quyết định, hành động sai lầm. Chúa phải can thiệp, điều chỉnh lại, giúp ta vượt khủng hoảng, dìu ta về lại đường lối của Chúa.

Điều quan trọng là vững tin NHẬN RA RẰNG CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN VỚI TA TRONG MỌI LÚC và NGƯỜI LUÔN CAN THIỆP VỪA ĐỦ ĐÚNG LÚC để GÌN GIỮ CHÚNG TA, là kẻ tin, LUÔN ĐI ĐÚNG ĐƯỜNG LỐI NGƯỜI.

Bài đọc một trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất, thuật lại phần kết câu chuyện ngôn sứ Elia bị nữ hoàng Ideven truy sát vì ông đã giết hết các ngôn sứ của thần Baal sau vụ minh chứng AI LÀ THIÊN CHÚA THẬT trên núi Carmen (1V 18,20-19,3). Quá mệt mỏi, bất lực, thất vọng, ông XIN CHÚA CHO ÔNG CHẾT ĐI (1V 19,4). Nhưng Thiên Chúa đã đến, điều chỉnh, trấn an, nuôi dưỡng, bổ sức để ông có thể đi tới được NÚI CHÚA KHOREB để gặp gỡ được Chúa và được Chúa củng cố đức tin, tiếp tục sứ mạng Chúa trao cách tự nguyện.

Thật vậy, Elia đã tới núi Khoreb (tức Sinai). Ông được Chúa cho gặp; Nhưng cách thức Chúa đến gặp Elia thì khác hẳn cách Người đã đến gặp Môsê.

Với Môsê và cả đám dân đang háo hác mong Chúa đến thì Thiên Chúa đến với những biểu lộ uy hùng, áp đảo của những dạng thức thần hiện: sấm chớp chói lòa, mây mù dày đặc, tiếng tù và vang dội, núi nghi ngút khói, Chúa ngự xuống trong đám lửa sáng rực, núi rung chuyển mạnh (Xh 19,16-19). Trong bối cảnh kết Giao Ước, nét uy hùng của Chúa là cần thiết để nhắc dân không được coi thường Chúa mà vi phạm giao ước.

Trái lại hơn 400 năm sau, tới thời Elia, Thiên Chúa lại đến với vị ngôn sứ tại Khoreb, nhưng trong hơi gió nhẹ nhàng an bình của thời nhân loại sống trong Eden. Với Elia, Thiên Chúa không hiện diện trong gió bão, trong động đất, trong lửa, nhưng Chúa đến “TRONG GIÓ HIU HIU” (so với St 3,8). Lần này Elia đang chao đảo, nên Chúa đến đem lại cho ông bình an nội tâm, sự tĩnh lặng linh thánh của người gặp được Thiên Chúa an bình. Và một khi Elia đã bình tâm trở lại, được Chúa bồi dưỡng, ông đã từ bỏ ý định rút lui, bỏ cuộc để tiếp tục lao vào đường chiến đấu mà Chúa thương trao.

Chi tiết Thiên Chúa đến, hiện diện mang lại sự an bình – thể xác lẫn nội tâm – cũng là một điểm nhấn trong bài đọc Tin Mừng: giữa sóng biển phong ba, môn đệ đang hoảng loạn, Đức Giêsu chợt đến với các ông và ngay khi có Người trong thuyền thì ngay lập tức sóng im bể lặng.

Tuy nhiên diễn tiến việc Đức Giêsu đến với các môn đệ không diễn ra suôn sẻ như lần Thiên Chúa gặp Elia trong bài một. Bởi vì giữa cơn sóng gió, các môn đệ không hề nghĩ gì về Đức Giêsu, các ông chỉ cố gắng tự xoay xở, chèo chống theo sức riêng của mình; Cho nên khi Đức Giêsu tiến đến đồng hành, các ông không hề nhận ra được Người, lại còn hốt hoảng ngộ nhận là “Ma đấy”. Đức Giêsu đã phải lên tiếng chỉnh sửa và mặc khải dung mạo thần linh cho các ông. Thật vậy, qua lời trấn an: “CỨ AN TÂM – CHÍNH THẦY ĐÂY – ĐỪNG SỢ”, Matthêu đã kín đáo nói Đức Giêsu là Thiên Chúa:

  • “cứ an tâm, đừng sợ”: đây là lời Thiên Chúa trấn an những ai được gặp Chúa là họ khỏi phải chết vì Thiên Chúa chọn họ làm cộng tác viên (Tl 6,23).
  • “Chính Thầy đây” = êgô êimi= TA LÀ: tên Thiên Chúa mặc khải cho Môsê trong bụi gai (Xh 3,14).

Nhận ra Thầy, Phêrô phấn khích xin được đi trên biển đến cùng Đức Giêsu, nhưng vì yếu tin khi trực diện đối đầu với sóng gió, ông sợ hãi, chìm và kêu cứu “CHÚA ƠI (Kyriê) xin cứu con với”. Trách Phêrô yếu tin nhưng Chúa Giêsu vẫn ra tay cứu vớt. Rồi khi Người lên thuyền thì mọi sự đều yên ổn, an bình. 

Lời Chúa hôm nay mời gọi “những ai ở trong thuyền” (tức Giáo Hội) hãy xác tín rằng Chúa luôn hiện diện đồng hành với ta trong mọi lúc, nhất là khi gặp cảnh gian nan để can thiệp mang lại an bình và đưa ta đi sâu hơn vào mối tương quan ân tình với Chúa.

Bài 2

Khoảng canh tư, Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ…và bảo các ông: “Cứ yên tâm chính Thầy đây, đừng sợ”…Khi Thầy trò đã lên thuyền thì gió lặng ngay” (Mt 14,25.27.32).

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XIX A là nối tiếp với Tin Mừng tuần trước XVIII A. Nội dung chính là Đức Giêsu cùng con thuyền của đoàn môn đệ vượt qua sóng gió Biển Hồ, an toàn về lại vùng Đất Hứa, sau khi làm phép lạ nhân bánh trong hoang địa và vượt Biển Hồ (thượng nguồn sông Giođan) rõ ràng là muốn gợi lại cuộc Xuất Hành với lương thực chính là Manna và vượt sông Giođan vào Đất Hứa. Qua đó dung mạo thiên sai của Đức Giêsu được tỏ lộ: Đức Giêsu là Môsê mới, là “Mục – Tử – Thiên – Sai” (Ed 34,23) và hơn nữa người còn là “Yavê – Mục -Tử” (x.Ed 34,11-16).

Thật vậy trong phép lạ hôm nay, sau khi Đức Giêsu và Phêrô (được Người cứu) lên thuyền thì trời yên biển lặng và đoàn môn đệ nhận ra Thầy mình là “Con Thiên Chúa” (x.Mt 14,33). Matthêu đang chuẩn bị cho lời tuyên tín của Phêrô (x.Mt 16,16). Tuy nhiên tuyên tín ấy không tách rời khỏi Mầu Nhiệm Thập Giá – Phục Sinh (x.Mt 16,22-28; 17,21-23). Đó chính là chóp đỉnh của mặc khải thực tại Nước Trời tại thế (khối văn chương Mt 13-17); Còn về phía con người, “lúa tốt”, “đất tốt” chính là những ai nhận ra trong con người Giêsu đầy giới hạn, chính là Đấng Mêsia của Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa (x.Mt 16,16 so với Mc 1,1). Và điều đó đã khởi sự rồi ngay tại thế này trong Đức Giêsu và trong Giáo Hội.

Các yếu tố tỏ lộ dần dung mạo thần linh của Đức Giêsu:

  1. Tìm Ý Cha trên hết:
  • Trong tương quan với đám đông: mặc dù thương xót họ, nhưng Đức Giêsu cũng dư biết đám đông đến với Người chỉ để hưởng phép lạ, đặc biệt rõ trong khối văn chương Mt 13-17 (x.Mt 14,14; 14,35-36; 15,30); Còn các giáo huấn của Đức Giêsu họ đều bỏ ngoài tai, nghi ngờ (x.Mt 13,53-57; 15,1-9); Thêm nữa, họ còn yêu sách Đức Giêsu phải làm phép lạ theo ngẫu hứng của họ, ngạo nghễ muốn thử Người (x. Mt 16,1); Rồi trong Ga 6,15 họ còn định lợi dụng lôi Người vào vòng xoáy chính trị trần thế. Đức Giêsu dù đầy lòng xót thương cũng không thể chiều theo những đòi hỏi đó được. Bởi vì với những đòi hỏi theo kiểu đó thì đám đông không còn là đàn chiên của Đức Giêsu nữa, mà là Xatan, kẻ xúi Người làm ngược ý Cha (x.Mt 16,23). Người chưa có thể hoán cải ngay tức khắc cả một đám đông như thế. Người tạm thu hẹp môi trường hoạt động lại để đào tạo số nhỏ: đám môn đệ, đặc biệt Nhóm Mười Hai.
  • Với nhóm môn đệ, “Người LIỀN bắt họ xuống thuyền qua bờ bên kia trước”: trước một đám đông đang phấn khích vì một phép lạ quá sức ấn tượng như thế, Đức Giêsu muốn tách các môn đệ, mà Người đang có công huấn luyện về Nước Trời tại thế, ra khỏi bầu khí đó, vì sợ rằng họ sẽ bị lây nhiễm “men” trần tục của đám đông, “men” bè phái của nhóm Xađốc, Pharisêu (x.Mt 16,6). Và thực sự điều mà Đức Giêsu lo lắng đã không thừa: các môn đệ đã tranh nhau ai lớn ai bé (x.Mt 18,1-5; Mc 9,33-34), sinh ra đố kỵ nhau vì chuyện “ngồi bên hữu, bên tả (x.Mt 20,24…), và kể cả sau khi được “Đức Giêsu phục sinh” dạy dỗ thì họ vẫn chẳng chút thay đổi gì, “men” vinh quang trần thế vẫn còn ứ tràn trong tâm can họ (x.Cv 1,6); Phải đợi đến Chúa Thánh Thần hiện xuống thì họ mới thực sự được đổi mới.

Khi tách rời Nhóm Mười Hai ra khỏi đám đông, Đức Giêsu bắt đầu cho họ đích thân cảm nghiệm dần dần căn tính thần linh của Người qua việc được thông hiệp vào phép lạ Đức Giêsu chiến thắng “biển, gió”, giúp họ an tâm giữa sóng gió, và đưa “con thuyền” của họ đến bến bình an khi có Người ở giữa.

  • Và với Thiên Chúa: “Đức Giêsu đi RIÊNG lên núi và cầu nguyện”. Sắp xếp mọi “công việc” trước mắt tạm xong, Đức Giêsu phải gặp Cha để chuẩn bị cho “sứ vụ”. Phép lạ trừ quỷ, nuôi ăn, kể cả cho người chết sống lại, Đức Giêsu làm dễ ợt; Thế nhưng hoán cải lòng người, giúp người khác nhận ra căn tính thật của Người, Đức Giêsu phải nổ lực cho đến chết: chỉ trên Thập Giá, Người mới tỏ lộ được căn tính thần linh của Người: “quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Đức Giêsu sắp tỏ lộ “sớm” căn tính thần linh của Người cho các môn đệ qua phép lạ đi trên biển này, nên Người cần xin “tư vấn” với Cha.

    2. Phép lạ đi trên mặt nước: hé lộ dung mạo thần linh.

Phép lạ nhân bánh ra nhiều được làm cho mọi người có mặt. Phép lạ đi trên biển chỉ dành riêng cho nhóm môn đệ, là những kẻ đang “ở trong thuyền”; Và nhất là có lời mặc khải của Đức Giêsu: “Chính Thầy đây” kèm theo thái độ tuyên xưng và bái lạy của môn đệ: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa” (giống hệt Mt 27,54 và Mt 16,16). Đức Giêsu bắt đầu đưa dần các môn đệ vào huyền nhiệm thần linh của Người.

2.1 Tình trạng của các môn đệ:“Thuyền đã xa bờ, bị sóng đánh vì ngược gió” và đang giữa đêm. Đêm tối, gió, sóng nước, biển là biểu tượng của sự dữ; “Con thuyền” là biểu tượng của Giáo Hội; Trên thuyền có “PHÊRÔ” được mô tả như là người nổi bật nhất (14,28-31) cho dù lúc đó Đức Giêsu chưa đổi tên và chưa trao quyền cho Simon (Mt 16,17-19). Con thuyền Giáo Hội đang bị chao đảo giữa trùng vây sự dữ, khó lòng tới đích mà Đức Giêsu đã ra lệnh ở câu 22.

2.2 Đức Giêsu đến cùng các môn đệ:

  • Đức Giêsu đến trong tư cách Đấng vừa gặp gỡ Cha, được Cha nâng đỡ.
  • Thời điểm là “vào khoảng canh tư”, tức khoảng 3h – 6h sáng (Sđd 218). Đây là thời điểm Đấng Phục Sinh tỏ mình ra cho những ai Người muốn vào rạng sáng ngày thứ nhất trong tuần. Chúa đến với môn đệ vào thời điểm tối tăm, khó khăn nhất trong tư cách Đấng Phục Sinh, vừa lên cầu nguyện với Cha (14,23) để đồng hành với các ông cho tới đích (x.Mt 28,20). Nhiều chi tiết trong bản văn cho phép ta hiểu như thế.
  • Cách đến: “Người đi trên mặt biển mà đến”…(14,25). Trong Cựu Ước để diễn tả quyền năng, sự công chính của Thiên Chúa, Kinh Thánh thường dùng hình ảnh Thiên Chúa khống chế biển (x.G 9,8; Tv 77,20; Hc 24,6; Kb 3,15…). Vậy qua câu 25, Matthêu kín đáo cho thấy Đức Giêsu là Đấng chiến thắng sự dữ. Chẳng những bản thân Người khống chế sự dữ mà còn thông ban quyền đó cho những ai thật sự tin vào Người (14,28-29), và nơi nào có Người ở cùng thì biển gió không làm gì được (14,32). Đức Giêsu đang biểu lộ quyền năng của một vị Thiên Chúa.

    2.3 Phản ứng của môn đệ: “các ông HOẢNG HỐT bảo nhau “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên” (14,26).

“HOẢNG HỐT” dịch từ động từ hy lạp TARASSEIN, còn có thể dịch là “bối rối” hoặc “rúng động”. Chúng ta gặp động từ này TARASSEIN năm lần trong Tin Mừng Nhất Lãm:

  • Mt 2,3: Herode và thành Giêrusalem đều hoảng hốt khi nghe các nhà chiêm tinh hỏi “vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu?”.
  • Lc 1,12: Dacaria bối rối khi thấy thiên thần hiện ra.
  • Lc 24,38: Đấng Phục Sinh trách các môn đệ tại sao lại hoảng hốt khi thấy người hiện đến với họ.
  • Và trong trình thuật đang được khảo cứu ở đây Mt 14,26 và Mc 6,50.

Trong các trường hợp trên, “HOẢNG HỐT” là phản ứng yếu tin, còn nghi ngờ của con người trước một thực tại thần linh được mặc khải cho chính con người vì phần ích của con người. Từ sự yếu tin đó, con người đã nhìn và phán đoàn thực tại một cách lệch lạc (thay vì vui mừng nhận ra Chúa đến với mình thì lại la hoảng đó là “ma”), kéo theo hậu quả là sợ hãi, bất an. Vậy khi thiếu đức tin, con người không thể nào nhận ra được tình yêu, quyền năng của Chúa luôn ở kề bên ta, trợ giúp ta ngay giữa cơn quẫn bách.

2.4 Đức Giêsu trấn an và tỏ mình: việc Đức Giêsu đến với các môn đệ trên biển được trình bày như một cuộc thần hiện với những nét chính của thể văn thần hiện: 1. Chúa đến; 2. Phản ứng con người; 3. Trấn an; 4. Mặc khải; 5. Và cho dấu chỉ.

Phần một và hai đã nói rồi ở trên.

  • Trấn an: “cứ an tâm, đừng sợ!”: đó là lời trấn an thường được đặt trên miệng Thiên Chúa hoặc một hữu thể thần linh đang ngỏ lời với một phàm nhân mời chọn họ làm cộng tác viên của Thiên Chúa để thực thi một dự tính thần linh. Thực tại dù khó khăn, nhưng có Chúa hộ phù, tất cả rồi sẽ đạt đến kết quả tốt đẹp.

Ai được nghe lời trấn an “đừng sợ” chính là người được Chúa đích thân tuyển chọn cho công cuộc của Người (x.St 15,1; Gs 1,9; Tl 6,23…Mt 1,20; 28,5-10; Mc 6,50; Lc 1,13.50; 5,10…). Ở đây, Mt 14,27, Đức Giêsu khích lệ các môn đệ đừng sợ sự dữ: biển, gió, sóng; chẳng những thế Người còn thông ban cho các ông năng lực khắc phục sự dữ: đi được trên biển (câu 29).

  • Mặc khải: đi đôi với trấn an là lời mặc khải tỏ mình “CHÍNH THẦY ĐÂY”; tiếng hy lạp là “êgô êimi”. Trong văn mạch của đoạn Tin Mừng hôm nay thì lời “chính Thầy đây” chỉ là lời trấn an xác nhận của Đức Giêsu giúp môn đệ bình tĩnh lại nhận ra “Đấng đi trên biển” là Thầy của mình chứ không là “ma”. Tuy nhiên đọc lại lịch sử cứu độ thì “êgô êimi” là tên tên thần linh mà Thiên Chúa đã tỏ mình cho Môsê khi chọn ông làm người giải phóng cứu dân khỏi ách nô lệ diệt chủng ở Ai Cập. Môsê phải trốn khỏi Ai Cập tìm ẩn mình trong hoang địa vì dân Ai Cập chối từ ông (so với Mt 13,53-58 đối với Đức Giêsu), Pharao tìm giết ông (so Herode giết Gioan Mt 14,1-12). Rồi trong hoang địa, Thiên Chúa cho dấu chỉ: “bụi gai bốc cháy” và mặc khải “tên Yavê” và sai ông quay về lại đất Ai Cập thù nghịch để cứu dân. Trong hoang địa, Thiên Chúa cũng cho Đức Giêsu dấu chỉ: đám đông kéo nhau đến với Người. Nhận ra dấu chỉ, Đức Giêsu sai môn đệ quay lại đất Do Thái cứng lòng và giờ đây để củng cố đức tin cho môn đệ, chuẩn bị cho sứ vụ, Đức Giêsu tỏ mình “chính Thầy đây”. Như vậy Matthêu đã kín đáo hé mở ở đây Đức Giêsu chính là Thiên Chúa.

    2.5 Dấu chỉ để khẳng định mặc khải: trong phép lạ này, dấu chỉ Đức Giêsu trực tiếp ban cho môn đồ là THÔNG BAN NĂNG LỰC THẦN LINH: 

  • Cho cá nhân Phêrô: Đức Giêsu cho ông ta cũng đi được trên biển như Người. Tiếc thay lòng tin của ông chưa đủ nên đã chìm khi thấy gió, biển ập đến; Nhưng cũng có cái may là lúc chìm ông lại hướng lòng về Thầy và kêu cứu: “LẠY CHÚA (Kyriê) xin cứu con”. Phêrô kêu cứu Đức Giêsu dưới danh xưng “Kyriê” dành riêng cho Thiên Chúa.
  • Còn cho cả nhóm môn đệ: dấu lạ là “khi Thầy trò vừa lên thuyền là gió lặng ngay”. Đức Giêsu được trình bày như Đấng làm chủ mảnh lực sự dữ: Người là Thiên Chúa. Vừa là Thiên Chúa Tạo Hóa thống trị vũ hoàn; vừa là Thiên Chúa cứu độ ra tay kéo Phêrô khỏi nước” (Mt 28,20).

Và toàn thể môn đệ trong lòng Giáo Hội “bái lạy và tuyên tín: Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.

Frère Pierre Đình Long FSC