CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM A

Mt 13, 1-23

      Trong nền văn học Pháp ông, La Fontaine nổi tiếng với nhiều bài thơ ngụ ngôn được phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam ngay từ những lớp tiểu học, các học sinh đã được làm quen với những bài thơ con thỏ và con rùa, con quạ và con chồn, con ve và con kiến, cô bán sữa …Cuối mỗi bài thơ, tác giả thường rút ra một bài học luân lý.

      Thời Chúa Giêsu, tại nước Do Thái, các kinh sư cũng đã áp dụng các dụ ngôn để dạy dỗ dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu mới là người đứng đầu trong phương pháp sư phạm này. Ngài dùng những hình ảnh rất quen thuộc và gần gũi với thính giả để nói lên những thực tại cao siêu hơn. Trong chương 13 Tin Mừng Matthêu, thánh sử đã thu gom 7 dụ ngôn nói về Nước Trời: Đó là những dụ ngôn: “cỏ lùng”,“hạt cải”, “men trong bột”,“kho báu”, “ngọc quý” và“chiếc lưới”. Và đặc biệt là dụ ngôn “người gieo giống” hôm nay.

       Người nông dân ra đi gieo lúa trên ruộng mình, nhưng có hạt rơi xuống vệ đường, có hạt rơi trên đất sỏi, có hạt rơi vào bụi gai và có hạt rơi nhằm đất tốt. Đó là bốn nơi khác nhau, hạt giống có thể rơi xuống.

Người gieo giống đây là người gieo lời. (Mc 4,14). Chính Chúa Giêsu là người gieo giống, là người gieo lời Tin Mừng. Chúa giải thích rõ hơn: Bốn loại đất trên là 4 loại tâm hồn khi tiếp xúc với lời Chúa. 

*Ðất vệ đường được so sánh với những tâm hồn nghe Lời Chúa, nhưng không thiết tha tiếp nhận nên quỷ dữ đã đến cướp đi.

*Ðất lẫn sỏi đá là những người mau mắn vui vẻ đón nhận Lời Chúa, nhưng lại hờ hững, hời hợt, nên khi gặp khó khăn, gian nan thì vấp ngã ngay. 

*Ðất có nhiều gai là những người cũng đón nhận lời Chúa, nhưng những đam mê, lạc thú, tiền tài, danh vọng như những bụi gai chèn ép Lời Chúa. 

*Ðất tốt là những người sốt sắng lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thi hành, thì tất nhiên sinh hoa kết quả.

        Cũng như người nông dân gieo hạt giống trên khắp cánh đồng với các loại đất khác nhau, Chúa Giêsu gieo Lời Hằng Sống của Ngài cho hết mọi hạng người, không trừ một ai. Nhưng, chỉ những ai mở rộng lòng mình đón nhận, thì lời Ngài mới sinh hoa kết quả.

Lời Thiên Chúa luôn được rao giảng 

          Suốt trong lịch sử cứu độ, Lời Chúa luôn được rao giảng, trước tiên qua các tổ phụ, các tiên tri; vào thời sau hết, qua chính Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô:Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.( Dt, 1,1-2) 

 Sau khi Chúa Giêsu về trời, Lời Chúa vẫn được tiếp tục rao giảng bởi các Tông đồ và  Giáo Hội của Chúa.

       Lời Chúa cũng vẫn chỉ dạy chúng ta qua các biến cố lớn nhỏ, vui buồn cuộc đời hàng ngày, nhưng khi Chúa chỉ dạy, ta lại phớt lờ, lãng quên, nên chúng ta không nghe được Lời Chúa.

Lắng Nghe Lời Chúa

       Là Kitô Hữu sống trong lòng Giáo Hội, chúng ta phải luôn lắng nghe Lời Chúa, chúng ta phải là những thửa đất tốt, luôn sẵn sàng đón nhận Lời Chúa để sinh hoa kết trái. 

Mảnh đất tốt đối với Lời Chúa là những ai nghe lời Ngài, uốn nắn cuộc đời mình theo những đòi hỏi của Chúa, thực thi Tin Mừng của Chúa trong chính cuộc đời thường ngày của mình. Mảnh đất tốt chính là những tâm hồn luôn sẵn sàng mở rộng đón nhận Lời Chúa. Khi nói về tầm quan trọng của Lời Chúa, Thánh Vịnh 119 diễn tả: 

                              “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
                               là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, 105)

Sống theo Lời Chúa 

       Lắng nghe Lời Chúa chưa đủ, chúng ta còn phải sống theo Lời Chúa nữa. Được thông hiểu ý nghĩa sâu nhiệm của Lời Chúa mà chính mình không sống theo giáo huấn và gương lành của Chúa, điều đó thật vô ích cho chúng ta. Lời Chúa phải là lẽ sống, phải chi phối mọi sinh hoạt của cuộc sống chúng ta, để chúng ta trở nên thửa ruộng tốt, được tiếp nhận Lời Chúa, trổ sinh bông trái, hạt được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm. 

       Các thánh đã lắng nghe và sống Lời Chúa cách triệt để. Thánh Phanxicô xaviê đã bỏ lại sau mọi vinh quang, phú quý, để vào Dòng Tên và đi truyền giáo khắp Á Châu, khi nghe lời Chúa nói: “Người nào được cả thế giới mà phải mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì”( Lc, 9,25).

        Thánh Phanxicô Assisi cũng bỏ cả gia đình, cả gia sản để đi theo Chúa khi  nghe Chúa nói: Hãy đi bán tài sản của anh, đem cho người nghèo…rồi hãy đến theo tôi.(Mt,19,21). 

Rao giảng Lời Chúa 

        Ngoài việc sống Lời Chúa, chúng ta còn phải làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết trái. Mỗi người chúng ta phải rao giảng Lời Chúa tùy theo ơn gọi, địa vị, chức vụ và khả năng của mình. Đó là bổn phận của mỗi người kitô hữu qua mọi thời đại. Khi chúng ta đã thấm nhuần Lời Chúa, thì cuộc sống chúng ta đã là một bằng chứng hùng hồn về Tình yêu của Chúa và trở nên một lời rao giảng sống động, Lời Chúa, như hạt giống được gieo vào tâm hồn chúng ta, như sức sống làm triển nở sung mãn, để sau đó lan tỏa sự viên mãn đó vào lòng những người khác. Đó là sứ mệnh Chúa ủy thác cho mỗi người chúng ta.

        Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa, triệt để sống theo Tin Mừng của Chúa và trở nên thửa đất màu mỡ, trổ sinh nhiều hoa trái, đồng thời lan tỏa Tình Yêu Chúa đến mọi người xung quanh.

Nguyễn Đức Lân