Kn 12,13.16-19
Mt 13,24-43
Chủ đề: Lòng nhẫn nại của Thiên Chúa trước lầm lỗi của con người.
* Kn 12,19: Ngài đã cho con cái niềm hi vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.
* Mt 13,30: cứ để lúa và cỏ cùng lớn lên cho tới Mùa Gặt.
Thiên Chúa là Tình Yêu! Một trong những phương thức tuyệt với nhất Chúa dùng để biểu lộ Tình Yêu, đó là LÒNG NHẪN NẠI. Đó là chủ đề chính của Lời Chúa Chúa Nhật 16 A Mùa Thường Niên. Mục đích của lòng nhẫn nại là vì Chúa muốn mọi người có đủ thời giờ để thức tỉnh, hoán cải và được cứu độ.
Lòng nhẫn nại đó Chúa còn muốn thông truyền qua cho dân Chúa, cho người công chính để mọi tội nhân đều có hi vọng trở về, sám hối.
Để có thể có được đức nhẫn nại mà Thiên Chúa muốn, cần phải:
1) Phải tôn trọng định luật thời gian của công trình sáng tạo, không thể đốt giai đoạn, đòi giải quyết mọi sự ngay tức khắc như ý ta mong muốn, theo cách thức ta cho là tốt (x.Mt 13,28b). Cần phân biệt “phải bắt đầu ngay” với “phải hoàn tất ngay”.
2) Phải can đảm thay đổi cái chuẩn mực “công bình xơ cứng” bằng cái nhìn cảm thông khao khát mọi người đều được hưởng ơn thứ tha, cứu độ.
3) Trong tương quan với quyền lợi trước mắt của bản thân, người nào chấp nhận đường lối nhẫn nại của Thiên Chúa, cũng phải thực tế chấp nhận một chút thiệt thòi vật chất về phần mình.
4) Và quan trọng nhất, để có thể nhẫn nại như Chúa là phải tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vào đường lối của Người; Dám phó thác tất cả cho Thiên Chúa trong trông cậy vững tin rằng “đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Một trong những cơn cám dỗ lớn của con người là không muốn chấp nhận phận thọ tạo giới hạn, cụ thể là không chịu nhẫn nại, không chấp nhận định luật thời gian: muốn NGAY TỨC KHẮC, chỉ cần ăn trái cây Chúa cấm là sẽ thành thần linh (St 3,5).
Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho ta một điểm của phận thọ tạo: định luật thời gian; PHẢI CÓ THỜI CÓ LÚC (Gv 3,1.17b); Vậy NHẪN NẠI phải là một nhân đức quan trọng của con người.
Trong bài đọc một, tác giả sách Khôn Ngoan xác tín Thiên Chúa là thần linh duy nhất, Người là chuẩn mực, là chủ mọi loài, Người có quyền xét xử nghiêm minh; Thế nhưng Người lại nương tay với mọi loài. Và Người hành xử uyển chuyển, tùy nghi vì lợi ích của tạo vật:
– Lẽ ra, đối với kẻ không tin vào quyền năng của Người thì Người có thể thị uy buộc phải khuất phục.
– Đối với những ai đã biết Người mà còn to gan chống lại thì lẽ ra Người phải trừng trị nặng.
Tuy nhiên Thiên Chúa đã không làm như vậy, Người đã xử sự khoan hồng vì Người làm chủ được sức mạnh của Người, Người lấy lòng từ bi mà cai trị. Tuy nhiên, con người không thể lạm dụng lòng từ bi Chúa để ở lì trong tội, vì Thiên Chúa có thể biểu lộ quyền năng bất cứ lúc nào Người muốn.
Chúa nhẫn nại cũng còn vì Người muốn những ai công chính hãy sống nhân ái như Người, tạo điều kiện cho người tội lỗi có hi vọng được phục hồi mà sám hối.
Còn trong Tin Mừng, Đức Giêsu đề cập đến lòng nhẫn nại của Thiên Chúa qua dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Điểm cần lưu ý là những gì kể trong dụ ngôn này CHỈ XẢY RA TRONG NƯỚC TRỜI. Nước Trời ấy được Đức Giêsu mang vào trần gian. Vậy ai muốn gia nhập Nước Trời ấy thì phải nắm bắt được qui luật của Nó. Qui luật của dụ ngôn hôm nay là NHẪN NẠI.
Chủ ruộng gieo giống tốt trong ruộng mình. Nhưng kẻ thù rình phá đã gieo thêm cỏ lùng vào ruộng. Khi cỏ và lúa cùng lớn lên, gia nhân phát hiện thấy cỏ lùng mọc chung lúa. Họ đã trình báo sự việc cho chủ và hăng hái xin nhổ cỏ lùng NGAY TỨC KHẮC. Nhưng phản ứng của chủ hết sức lạ lùng: CHỜ ĐẾN VỤ GẶT! Lý do sợ gia nhân vì không phải là THỢ sẽ làm hư luôn lúa đang trổ bông. Vậy chủ nhẫn nại là vì ích lợi của cây lúa. Tuy nhiên, ông không nhu nhược, lề mề…vì đến Mùa Gặt ông sẽ sai THỢ đi thu hoạch. Lúc đó số phận của cỏ và lúa sẽ được phân biệt rõ ràng. Chúa nhẫn nại là vì lợi ích của ơn cứu độ chúng ta.
Cầu xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết đón nhận lòng nhẫn nại của Chúa để sám hối sửa mình; Đồng thời đến phiên mình, mình cũng biết nhẫn nại với tha nhân để khi Mùa Gặt đến, mọi hạt giống chủ đã gieo đều sinh hoa kết trái dồi dào đáp lại Tình Yêu nhẫn nại bao la của Thiên Chúa.
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XVI A THƯỜNG NIÊN
Đầy tớ thưa với Chủ: Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom cỏ lại không? Chủ đáp: Đừng!…Cứ để lúa và cỏ lùng lớn lên cho đến Mùa Gặt…Cỏ lùng bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm (Mt 13, 28b-30).
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về một thực tại nhân sinh: Chúng ta phải có phản ứng thế nào trước những lỗi phạm tỏ tường, sờ sờ trước mắt của tha nhân.
Kể từ khi tổ tông sa ngã, nhân loại bị tội lỗi khống chế, có khuynh hướng nghiêng về đường xấu, thế nhưng một khi các hậu quả tai hại xảy ra, mọi chuyện đổ vỡ…thì con người lại có khuynh hướng chạy tội, tìm an thân cho mình, đổ lỗi, dồn các hậu quả tai hại cho kẻ khác, với ảo tưởng rằng làm thế mình sẽ an thân trốn được sự công thẳng của Thiên Chúa.
Phản ứng tự nhiên của con người trước lỗi phạm (cho dù là nhỏ nhặt) của kẻ khác là chuyện bé xé ra to và đòi phải xét xử ngay với những lập luận nghiêm khắc, nào là đừng để kẻ xấu lạm dụng, đừng dung túng khiến sự ác có cơ lan tràn, nào là “luật pháp bất vị thân”….Thế nhưng, khi chính bản thân mình, hoặc người thân quen, bè phái với mình rơi vào những sai phạm và lắm khi là sai phạm “tày đình”, gây không biết bao nhiêu tác hại cho tha nhân, cộng đồng, xã hội…thì lại đòi người khác phải khoan dung, thông cảm; tìm cách che tội mình, dồn trách nhiệm, hậu quả cho người khác, lắm khi vu khống, cáo gian để “phe ta” được yên ổn, lợi lộc.
Do đó, khi thấy rõ được cái xấu, sai phạm hiển nhiên của kẻ khác thì phản ứng tự nhiên, đầu tiên của con người là tố cáo, loại trừ. Theo quan điểm, tầm nhìn bình thường của phàm nhân tội lỗi thì lối ứng xử như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, Thiên Chúa có một tầm nhìn khác: vấn đề không phải là loại trừ, tiêu diệt ác nhân, xoá sổ họ khỏi danh sách kẻ sống. Đối với Thiên Chúa, mọi cá nhân dù tội lỗi đến đâu cũng đều đáng giá trước Thiên Chúa; mỗi con người đều có một vị trí bất khả thay thế trong con tim của Thiên Chúa. Chính vì thế, Thiên Chúa chỉ muốn loại trừ điều ác, còn đối với tội nhân thì Người muốn mở ra cho họ con đường sống. Lời Chúa hôm nay mời tín hữu Ki-tô giáo suy niệm thêm về lòng thương xót, khoan dung của Thiên Chúa được biểu lộ ra qua lòng kiên nhẫn, thứ tha, chờ tội nhân hoán cải, thay vì bắt lỗi và giáng phạt ngay.
Thiên Chúa khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ là vì Người yêu thương và quyền năng: tất cả đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, và Người có đủ quyền năng và phương tiện để hoàn tất các công cuộc của Người như Người muốn. Và điều Thiên Chúa muốn trong hiện tại là: tội nhân sám hối, người công chính thì phải có lòng nhân ái như Người (bài đọc 1); còn trong Tin Mừng, điều Thiên Chúa muốn là chờ mùa gặt, trao quyền quyết định, phán xét lại cho Người.
BÀI ĐỌC I: Kn 12, 13.16-19.
Bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Khôn Ngoan, phần cuối của các chương 10-19. Tác giả suy gẫm đặc biệt về 2 biến cố: “Xuất Hành” và “chinh phục Đất Hứa”, bằng cách đặt đối nghịch nhau giữa việc Thiên Chúa bảo vệ Israel với việc Chúa trừng phạt kẻ bách hại dân Người (lẽ ra Chúa có thể trừng phạt Ai Cập và Canaan nặng nề hơn nữa). Theo cái nhìn chủ quan của một số thành phần Dân Chúa, họ cho rằng Chúa đã quá nhẹ tay với chúng so với tội đã phạm, như vậy phải chăng Chúa đã không công bình. Câu đáp: Sự công bình của Chúa là lòng nhân ái. Mọi sự đều do Chúa dựng nên, Người nương tay là để kẻ lầm lạc có cơ hội hoán cải. Vì quyền năng của Người là vô biên chẳng ai chạy khỏi tay Người, Người có lối hành động của Người: lối hành động của một Thiên Chúa quan phòng hằng chăm lo cho mọi loài (Kn 12, 13). Đức công bình của Người biểu lộ qua lòng nhân ái, khoan dung đối với “thù địch của dân” lẫn đối với dân (12, 20-21). Qua đó, Người dạy cho dân bài học nhân ái khi xét xử và tin tưởng vào lòng nhân ái của Người khi bị xét xử. Chủ đề khá rõ: Đó là quyền năng của Thiên Chúa nằm ở lòng kiên nhẫn và khoan dung. Quyền năng là để giáo huấn, cải tạo, cứu chứ không để đè bẹp, huỷ diệt.
Trong tổng thế này, phụng vụ chỉ dùng năm câu: 12,13. 16 – 19 tác giả dung hoà giữa tình yêu quan phòng, khoan dung của Thiên Chúa với quyền năng và sự công minh của Người. Trích đoạn này trả lời câu hỏi: tại sao Chúa nương tay? và cho thấy khi nương tay Chúa vẫn thể hiện sự công minh của Người. Đặc biệt là đối với dân Canaan là dân đã làm cớ cho dân Israel bi rơi vào tội thờ quấy.
BỐ CỤC
1) Lý do Chúa nương tay với dân Canaan (c.13).
* Vì Chúa quan phòng yêu thương chăm sóc mọi loài.
* Vì chỉ một mình Người là Thiên Chúa, không cần phải biện minh cho ai rằng phán quyết của người là công minh.
Bài đọc 1 không sử dụng 2 câu: 14 và 15
* Vì Chúa hùng mạnh, quyền lực Chúa vượt trên mọi vua Chúa ( c. 14 ).
* Vì Chúa công chính, cai trị vạn vật cách công minh (c.15)
2) Chúa công minh nhưng khoan hồng vì Chúa quyền năng ( c. 16):
* Chúa hành động công minh vì Người quyền năng.
* Mà vì Chúa bá quyền trên vũ trụ nên Người nương tay khi xét xử.
3) Cách thức Chúa biểu lộ quyền năng ( c. 17 )
* Đối với những ai chưa tin quyền năng Chúa thì Chúa biểu lộ sức mạnh cho thấy.
* Còn ai ngoan cố : Trị tội
4) Gút lại lý do Chúa khoan hồng, nương tay khi xét xử (c. 18)
* Vì Người làm chủ được sức mạnh của người.
* Vì Người thích cai trị bằng lòng từ bi.
* Và vì Người có thể biểu lộ quyền năng bất kỳ lúc nào Người muốn.
5) Bài học rút ra cho dân Chúa (c. 19 )
* Người công chính thật phải nhân ái đối với mọi người.
* Cụ thể là tạo điều kiện để kẻ sai lỗi có cơ hội sám hối.
Phụng vụ hôm nay không dùng cc. 14 – 15 vì chúng nhấn mạnh đến sức hùng mạnh và sự công bình pháp lý là hai khía cạnh mà tình thần phụng vụ hôm nay không muốn đề cập tới. Thật vậy dụ ngôn cố tình muốn nhấn mạnh đến lòng nhẫn nại, kiên trì của Thiên Chúa, chờ mùa gặt chứ không thẳng tay trừng trị, thi hành uy quyền ngay tức khắc theo kiểu công lý phàm nhân.
Ý phụng vụ càng rõ thêm khi bài một được thêm câu 19 ( lời đáp về lý do Chúa chậm phạt kết ở câu 18 ). Đây là bài học mà phụng vụ gửi cho ta qua việc chiêm ngắm sự chậm phạt của Thiên Chúa : Sự công chính đích thực luôn đi đối với khiêm tốn (Chưa vội sử dụng quyền năng, nhẫn nại nhịn nhục chờ tội nhân, kẻ ngỗ nghịch thức tỉnh, hoán cải… ) và nhân ái.
SUY NIỆM
1) Lý do Chúa nương tay với người Canaan (Kn 12, 13)
Trong 12, 1 – 11, sách Khôn Ngoan cho thấy dân Canaan thật đáng tội. Ngoài ra trong tương quan với Israel, việc dân Canaan vẫn tồn tại trong Đất Hứa cùng với các thần linh của họ luôn là một hiểm hoạ làm dân Chúa sa ngã ( X. Tl 2,3; Đnl 7, 4 ), lẽ ra họ phải bị tru diệt như Chúa muốn trong Đnl 7, 1 – 3, Thế nhưng thực tế dân Canaan vẫn tồn tại song song với Israel trong Đất Hứa, kéo theo những hậu quả xấu cho Israel khi bị ngã theo thần linh của họ. Giải thích làm sao sự kiện ấy? Kinh Thánh để lại cho ta hai lối giải thích : Một vào thời chiếm Đất Hứa, một vào hơn mười thế kỷ sau (nhiều đợt đọc
lại lịch sử ).
1.1 – Chúa phạt dân, dùng dân Canaan để thử dân Chúa
Khi vào Đất Hứa, Israel lẽ ra phải thi hành án thần tru trên mọi cư dân bản địa. Đó là cái nhìn thô thiển về tình yêu của Thiên Chúa đối với dân. Yêu dân thì phải ghét bỏ tất cả những ai làm hại dân ; để bảo vệ dân thì phải tru diệt mọi nguyên do đưa dân tới bất hạnh. Vì vậy dân Chúa đã gán cho Chúa uớc mơ của họ : phải chi chúng ta tiêu diệt hết bọn ngoại giáo này thì đâu phải khổ ( ? ).
Vậy.
Việc dân Canaan vẫn còn tồn tại trong Đất Hứa được giải thích rằng đó là Chúa phạt dân vì đã không tuân lệnh thần tru (x.Tl 2, 20 – 23 ).
Thực ra cái nhìn thần trụ của Đệ Nhị Luật cũng đã là một “đọc lại” rồi. Vì theo lịch sử thì Israel không đủ sức chiếm trọn Đất Hứa, nói chi đến thần tru toàn dân bản địa. Sự thật này còn lại dấu tích trong Kinh Thánh:
– Canaan có vũ khí mạnh hơn Israel (x.TL 1, 19 )
– Nói cho nhẹ hơn, bớt đi việc phải nhìn nhận cái yếu kém của mình : tập cho thế hệ tương lai chiến đấu (x.Tl 3, 2 và chú thích của Cha Thuấn)
– Có những cuộc chiếm đất bằng con đường liên minh hoà hợp đâu cần phải thần tru (x.Gs 6, 22 – 23 ; Gs 9)
Sau này đã sống lâu trong Đất Hứa, bị lôi cuốn bởi lối sống dân ngoại, bị gặp nhiều tai hoạ… Dân Chúa mới đọc lại lịch sử và nghiệm ra rằng vì tội của dân mà dân bị phạt. Tuy nhiên tâm thức tôn giáo chưa đủ trưởng thành để dám lãnh nhận hoàn toàn trách nhiệm về những lỗi phạm của mình, dân lại đổ lỗi ( con cái Adam Eva mà ! ) cho dân Canaan là lôi cuốn, dụ dỗ họ. Và họ cho rằng nếu lúc đầu họ tiêu diệt hết dân
Canaan thì giờ đây họ đâu có phạm tội ( ? ) và đâu phải chịu phạt như thế này. Họ phóng chiếu cái “giá mà” đó của họ vào thời điểm chiếm Đất Hứa trong quá khứ. Họ gán cho Thiên Chúa lệnh thần tru.
Vài thế kỷ sau, thần học tôn giáo khá hơn ; việc tiếp xúc với các nền văn hoá cho họ thấy các dân cũng có nét tích cực nên đã có một cái nhìn mới của sách Khôn Ngoan.
1.2 – Chúa nương tay ( x.Kn 12, 8. 10 )
Theo dòng lịch sử, kinh nghiệm tôn giáo được hoàn chỉnh dần, Israel từng bước khám phá ra Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi dân, tất cả vũ trụ đều là của Chúa và Chúa muốn ban ơn cứu độ cho tất cả ( tính phổ quát của ơn cứu độ ).
Dân Chúa nhận ra đường lối, cách cư xử của Thiên Chúa cao hơn, khác xa với những gì họ suy nghĩ, Chúa luôn xót thương chờ đợi để thứ tha ( Is 55, 7 – 9 ) ; Và dân ngoại cũng được hưởng lòng khoan dung bao la của Thiên Chúa ( x.Is 56, 6 ).
Sách Rút, Giona là những hoa trái tốt đẹp của tư tưởng tiến bộ về ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Nằm trong đà tiến đó, sách Khôn Ngoan đã đưa ra một lời giải thích câu đáp khác cho việc dân Canaan vẫn tồn tại trong Đất Hứa : “Chúa nhẹ tay, vì chúng chỉ là những con người” (Kn 12, 8 ), “Chúa phạt từ từ cho chúng có cơ may hối cải” (12,10).
Tuy vậy cũng có tiếng xa gần nơi một số thành phần của dân : phải chăng Chúa sợ hãi thần thánh vua quan dân ngoại ? phải chăng Chúa không đủ dũng mãnh để tru diệt kẻ thù ngay một lúc nên, mới nói trại đi là “phạt, giết từ từ” ( x.12, 8. 10)? hoặc Chúa không công minh? Bài đọc một là câu trả lời cho những kẻ nghi ngờ, cứng tin đó.
1.3 Chúa hùng mạnh và công minh (Kn 12, 11b, 12. 14. 15): không có trong phụng vụ vì chủ đề Chúa Nhật 16A là lòng lân tuất, kiên nhẫn của Thiên Chúa ). Lập luận của tác giả sách Kn là:
– c. 11 : Chúa chẳng sợ gì ai để phải nương tay với kẻ ác. Hàm ý là sở dĩ Chúa nương tay là vì Chúa có lập trường của Chúa.
– c. 12 : không ai dám vặn hỏi về những phán quyết, hành động của Người
– c. 14 : Chúa đã quyết trừng phạt ai thì chẳng vua quan nào có khả năng bênh đỡ, chống án cho tội phạm ấy. Hàm ý Chúa chưa phạt chỉ vì Chúa có lý do của Chúa.
– c. 15 : tác giả xác định Chúa công minh : người không bao giờ kết án kẻ không đáng trừng phạt. Nói vậy thì phải chăng tội ác trong quá khứ của Ai cập, Canaan đã làm cho dân Chúa không đáng để trừng phạt ?… Không ! Chúa đã phạt rồi. Vấn đề luận phạt muốn được công minh, thuyết phục thì phải có chuẩn mực. Chuẩn mực ở đây là lòng nhân lành của Thiên Chúa đối với mọi loài chứ không riêng gì cho dân Do Thái.
Thực ra tác giả không lập luận cho bằng ông đưa ra những xác tín của ông về quyền năng và về sự công minh của Thiên Chúa và nhất là Chúa nương tay với Ai cập và Canaan.
2) Bài đọc một trích ra những lý do sau:
* Kn 12,13: *Vì Chúa chăm sóc mọi loài”:
Kn 11,21 – 12, 2 đã nói : mọi loài do Chúa dựng nên ; Chúa yêu tất cả, ai lỡ lầm phạm tội, Chúa nhắm mắt để họ có cơ hội hối cải ..Vậy tình yêu tạo dựng không ngừng lại ở chỗ cho hiện hữu mà còn gìn giữ chăm sóc, hồi phục tất cả để được cứu độ. Đó là tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Chuẩn mực cho mọi hành động của Thiên Chúa là chính Người, tác giả nhắc lại căn bản đức tin Do Thái giáo : chỉ duy một mình Yavê là Thiên Chúa. Do đó chẳng ai ngang tầm với Người để Người phải biện minh cho những hành động của Người. Người là chuẩn mực cho tất cả vì Người là Thiên Chúa duy nhất.
* Trong lời thân thưa với Chúa ở cc. 15 – 18, tác giả đưa ra một lập luận biện chứng để chứng tỏ rằng khi Chúa nương tay là Chúa tỏ ra người công minh, hùng mạnh. Quyền năng vô biên của Chúa là căn cứ cho sự nương tay, công minh của Người. Khi cần, Người vẫn tỏ quyền năng nhưng vì làm chủ được sức lực của mình nên Người ra tay rất chừng mực khoan dung. Người tỏ quyền năng là để phạm nhận ra Người hùng mạnh hầu thức tỉnh, hoán cải và được cứu chứ không bị tiêu diệt. Thiên Chúa nhân lành là vì quyền năng của Người là tuyệt đối là bất kỳ lúc nào Người muốn là được, không cần gì phải vội phô trương tức khắc như nơi phàm nhân giới hạn, chóng qua. Tóm lại Chúa nhượng bộ là vì Chúa thật sự quyền năng vô biên và quyền năng ấy không gì khác hơn chính là lòng từ bi cao cả của Người.
3) Bài học cho con cái Chúa ( Kn 12, 19-22)
Bài suy niệm về cách thức Thiên Chúa hành động trong lịch sử được kết thúc bằng những áp dụng luân lý đạo đức cho dân Chúa. Đó là bài học về lòng nhân ái và lòng trông cậy. Đó là lề luật của đức tin được tuyên xưng trong bài suy niệm.
Người công chính phải có lòng nhân. Áp dụng : Người công chính ở đây là Israel, họ đòi Chúa phải thi hành công lý đúng như tội Ai Cập, Canaan đã phạm, nhưng Chúa dạy dân phải có lòng nhân nghĩa là mở lòng để đón nhận thù địch sám hối, tạo cho họ dịp sám hối để được cứu như Israel. Rõ ràng ở đây nói đến tính phổ quát của ơn cứu độ. Và người từ bì nhân ái như vậy thì một khi là phạm tội sẽ không thất vọng vì biết rằng Chúa sẽ ban cho mình ơn sám hối. Phải chăng đây là bước chuẩn bị cho mặc khải sau này của Đức Ki-tô; “Tha cho chúng con như chúng con cũng tha…”
-
22 Thật tuyệt ! chuẩn mực cho mọi xét đoán là Tình Thương của Thiên Chúa. Về phần con người : khi mình đối xử nhân ái với kẻ khác thì khi bị xét xử mình cũng được an tâm vì biết chắc rằng Chúa cũng sẽ đối xử nhân ái đối với mình.
4) TÓM KẾT: Việc đọc lại các biển cố cơ bản của lịch sử và nhận ra trong đó cách Thiên Chúa hành động là phương thế tốt giúp chúng ta củng cố đức tin của mình trước những biến động, tiêu cực trong hiện tại. Thiên Chúa luôn là đấng điều khiển dòng lịch sử theo một kế đồ đầy yêu thương của Người. Phản ứng của dân Chúa cũng là phản ứng tự nhiên của nhân loại muôn thưở. Người ta luôn trách Thiên Chúa sao chậm tay trừng phạt kẻ ác. Người như thản nhiên vô tâm trước những lộng hành của sự dữ. Điều ấy kéo dần đến sự nghi ngờ quyền năng của Thiên Chúa và có nguy cơ mất lòng tin vào Người.
Tác giả sách Khôn Ngoan giúp ta một lối thoát : Thiên Chúa quyền năng và công minh cũng là Thiên Chúa quan phòng yêu thương và trung tín với dự tính muôn đời của người trong tạo dựng. Vì thế sự tưởng chừng như chậm trễ của Thiên Chúa ( đối với Chúa làm gì có sớm trễ : Người là hiện tại mà ) thật ra là cách tuyệt hảo mặc khải quyền năng công minh tuyệt đối của Thiên Chúa. Từ đó bài học cho dân Chúa phải là : Dân Chúa phải có lòng nhân ái, phải là bạn hữu của mọi người. Dân Chúa phải biết tha thứ, chờ đợi sự sám hối của tội nhân cũng là anh em mình, bởi vì bản thân mình cũng đã từng được tha thứ. Đừng giành quyền xét xử của Thiên Chúa. Coi chừng đó là một biến thái của nguyên tội : tự định chuẩn mực thưởng phạt theo cảm tính riêng mình. Dân Chúa phải khiêm tốn và nhân đạo.
TIN MỪNG: Mt 13, 24-43 (hoặc 30)
Mt13 là bài giảng thứ ba, diễn từ bằng dụ ngôn, gồm bảy dụ ngôn, hai dụ ngôn có kèm lời giải thích và vài câu cắt nghĩa tại sao Chúa lại giảng bằng dụ ngôn.
Chương 13 có thể coi là bảng tóm lịch sử cứu độ dưới hình thức các dụ ngôn về chủ đề Nước Trời. Bảy dụ ngôn trình bày tình trạng Nước Trời tại thế từ lúc được gieo vãi vào trần gian, trải qua những thăng trầm, để rồi cuối cùng Nước Trời cũng được trị đến. Về nội dung tổng quát của 7 dụ ngôn: xem lại ở MTN 15A.
Tin Mừng hôm nay tiếp tục trình bày cho ta thực tại Nước Trời tại thể.
Trong tuần trước cho thấy Thiên Chúa đã gieo hạt giống Lời của Người vào trần gian. Hình ảnh “hạt giống: gợi lên một sức sống phải phát triển chứ không là một phần mềm vi tính được thiết kế sẵn chỉ đáp ứng ngay tức khắc một cách cứng ngắt một số vấn đề rất giới hạn của cuộc sống nhân sinh của nhân loại. Bước đầu thực tại Nước Trời tại thế được so sánh với một MẦM SỐNG, một HẠT GIỐNG. Ẩn chứa trong hạt giống đã có cả một vụ mùa. Tuy nhiên, “hạt giống” lúa gieo xuống chỉ mới là bước khởi đầu. Để có được vụ mùa bội thu, hạt giống phải trải qua một quá trình tiến hóa, chiến đấu quyết liệt, kể cả phải trả giá bằng sự hư mất của một số hạt. Mặc dù vậy, kết quả chung cuộc vẫn là khả quan.
Tin Mừng hôm nay MTN 16A là một loạt 3 dụ ngôn tiếp ngay sau dụ ngôn “người gieo giống “. Ba dụ ngôn này hé mở thêm vài khía cạnh của thực tại Nước Trời tại trần thế này, cả 3 dụ ngôn đều mở đầu bằng công thức chung: Nước Trời ví (cũng giống) như chuyện…..”. Đây là dạng văn chương so sánh ví von, gợi ý chứ không phải là văn tả chân. Tác giả thường sử dụng những thực tại hữu hình, dễ thấy, có thực trong cuộc sống để dẫn thính giả, độc giả vào một thực tại thâm sâu hơn của kiếp người mà giác quan không thể nắm bắt được. Ví dụ để diễn tả tình yêu to lớn của cha mẹ đối với con cái, người Việt Nam làm một so sánh: “Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Cả 3 dụ ngôn hôm nay đều cho thấy bước khởi đầu tại thế, Nước Trời là một thực tại nhỏ bé, ít ỏi. Đó là đường lối của Thiên Chúa: công trình sáng tạo khởi sự chỉ với 1 cặp vợ chồng Adam – Eva; Bắt đầu tái thiết chỉ với 1 người: Abram; giải phóng khỏi Ai Cập với một Môsê.
1/ Dụ ngôn “cỏ lùng”
Cùng một đường lối, dụ ngôn ” cỏ lùng” cho thấy dự tính của Thiên Chúa về thực tại Nước Trời tại thế.
Trong dụ ngôn tuần trước “người gieo giống”, Matthêu cho thấy giai đoạn Nước Trời xuất hiện công khai tại thế đã khởi đầu với con người và sứ mạng của Đức Giêsu.
Phần Thiên Chúa, mọi sự đã sẵn sàng: “hạt giống” dư thừa để đáp trả lại những tình huống xấu nhất; “Đất đai” cũng đã chuẩn bị tạm xong )”Thời viên mãn” đã tới: “ên te hemêra”); Mặc dù vậy, chất lượng đất vẫn còn những giới hạn (đá sỏi, gai góc… ). Tuy nhiên kết quả chung cuộc của cả vụ mùa vẫn là lạc quan (30 là tối thiểu). Thiên Chúa vẫn kiên trì thực hiện dự tính cứu độ lớn lao của Người cho dù sự đóng góp từ phía con người chỉ là tối thiểu. Trước sự thờ ơ của tuyển dân cùng với các tham vọng của đế quốc, chỉ với tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria hợp với sự thinh lặng thờ lạy thánh ý Thiên Chúa của Giuse, Ngôi Lời đã nhập thể làm người. “Hạt giống Lời” đã được gieo vào trần gian.
Phần nhân loại, cũng đã có được những ” đám ruộng tốt đủ để “Hạt giống Lời” lớn lên và sinh hoa trái.
Tuy nhiên tình trạng Nước Trời ở trần gian không chỉ đơn giản là hoa trái của mối tương quan 2 chiều giữa Thiên Chúa và con người. Chen vào giữa còn có nhân vật thứ ba: “Con Rắn” ở trong Vườn Eden. Đó là sứ điệp của dụ ngôn “cỏ lùng”.
Trong dụ ngôn “người gieo giống” có một phần đất trong đó gai, cỏ, lúa mọc chen nhau (x. Mt 13,7.22), nhưng trong trường hợp này thì “cỏ, gai” là số ít so với lúa do mảnh đất được dọn chưa hoàn hảo nên còn sót lại cỏ, gai…; Còn trong dụ ngôn cỏ lùng, mảnh đất được chọn đã là mảnh đất tốt, lúa đã được gieo và bắt đầu mọc lên. Trong tình trạng đất tốt như thế, “kẻ thù” đã gieo cỏ vào. Như vậy số lượng cỏ là nhiều, áp đảo hẳn lúa. Điều đó quá rõ đến độ “các đầy tớ không là nông dân chuyên nghiệp chỉ nhìn tình cảnh nguy ngập của cả đám lúa chứ không phải chỉ là một khoảnh đất nhỏ. Mưu đồ của “kẻ thù”, “Xatan”, “Quỷ” luôn là muốn bóp nghẹt, tiêu diệt ơn cứu độ ngay từ trong trứng nước (đánh gục Ađam ngay trong vườn Eđen; Tìm giết Đức Giêsu ngay lúc Người vừa hạ sinh…)
Thế là cỏ và lúa cùng mọc lên, tranh dành đất sống.
Điều lạ ở dụ ngôn là Chủ biết rõ âm mưu của “Kẻ thù”, vậy mà dường như ông thờ ơ bỏ mặc lúa rơi vào tình trạng phải đấu tranh dành đất sống. Thực ra là ông có một dự tính chứ không phải ông vô tâm. DỰ TÍNH CỦA ÔNG CHỦ chính là điểm đến, là SỨ ĐIỆP của dụ ngôn. Và dự tính đó chỉ được Chủ hé lộ khi các “đầy tớ” phát hoảng lên vì thấy cỏ lấn đất quá nhiều vào thời điểm quan trọng là lúa đang trổ bông. Phản ứng tức khắc là họ xin chủ cho lệnh nhổ sạch cỏ. Điều ngạc nhiên là Chủ lại ngăn cản và bảo hãy chờ tới mùa gặt.
Cần lưu ý cả chủ lẫn đầy tớ đều có chung một mục đích là bảo vệ lúa, tạo thuận lợi tối đa để lúa đạt năm suất cao nhất. Khác nhau ở cách làm:
– “Đầy tớ” muốn diệt cỏ ngay tức khắc lúc vừa phân biệt rõ ràng lúa với có mà không nghĩ đến cách làm của mình có thể ảnh hưởng xấu lớn lao đến năng suất của lúa đang giai đoạn trổ bông, vì khi nhổ cỏ thì chắc chắn làm bật luôn lúa và như thế lúa sẽ bị lép. Đó là lý do chủ đưa ra để cản đầy tớ.
– Chủ thì chọn phương thức cứ để lúa, cỏ cùng lớn lên: chủ tin vào năng suất của hạt giống mình đã chọn; Mọi chướng ngại không cản trở được những hạt lúa tốt, giữ vững được phẩm chất sẽ cho năng suất cao.
Và lý do khác nữa khiến chủ ngăn đầy tớ nhổ cỏ là vì họ không là nông gia chuyên nghiệp. Việc thiếu kinh nghiệm của họ sẽ đưa tới hậu quả tai hại nhiều hơn là lợi. Do đó chủ khuyên đầy tớ hãy tôn trọng đường lối của Chủ; Và Chủ trấn an rằng việc phân biệt minh bạch xấu tốt, thưởng phạt công minh sẽ được hoàn tất: cỏ sẽ bị đốt, lúa sẽ được vào kho…
Vậy chúng ta rút ra được bài học, sứ điệp nào từ dụ ngôn “cỏ lùng”?
Tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa: Người đã có một dự tính cho công cuộc xây dựng Nước Trời tại thế. Dự tính đó chắc chắn chính Người sẽ hoàn tất.
Thu hoạch vụ mùa là công việc của Chúa, của các ‘thợ chuyên nghiệp” của Chúa, vào thời điểm Chúa định chứ không tùy vào cảm nhận của “đầy tớ”.
Bài học chính mà dụ ngôn gửi đến người nghe là:
Trong tư cách người nghe là “hạt lúa tốt”: hãy giữ vững bản chất “lúa tốt” của mình, kiên cường giữa những thử thách để cho năng suất tốt nhất. Hãy sáng suốt biện phân, chọn lựa đừng để những “phẩm chất cỏ” thấm nhập vào trong bản chất của mình. Và nhất là luôn ý thức rằng CÓ QUỶ, là kẻ thù luôn rình rập tìm cách hại lúa.
Trong tư cách là “đầy tớ”: đầy tớ không biết vì đâu lại có nhiều cỏ trong ruộng lúa tốt. Họ quên mất “kẻ thù”. Họ “ngủ mê” trong tình trạng được Chúa ban cho thuở ban đầu. Họ bị Quỷ “gây mê”: chẳng có quỷ đâu! Trong ruộng lúa của Chúa mà Quỷ nào dám bén mảng tới? Họ quên mất Ađam, Eva bị Rắn hạ gục ngay trong vườn địa đàng. Đó là cơn cám dỗ tinh vi, độc ác mà Quỷ tâm đắc nhất. Tưởng rằng không có Quỷ nên nhân loại không đề phòng …và sập bẫy.
Ở trong dụ ngôn này, cái bẫy cho các “đầy tớ” là khi phát hiện ra cỏ thì muốn diệt cỏ ngay tức khắc “bằng sức riêng của mình”. Chủ có muốn CHÚNG TÔI ra đi gom cỏ lại không? (13, 28b). Hãy bình tĩnh lắng nghe và làm theo dự tính mà Chủ đã có sẵn từ lâu (còn việc nhổ cỏ ngay tức khắc là ý tưởng vừa mới chớm nở trong đầu của các “đầy tớ”). Đừng đổi lấy cái “sáng kiến đột xuất ” của mình thay thế “dự tính ban đầu” của Chủ. Đừng rơi vào cơn cám dỗ Địa Đàng: đòi chiếm lấy cho mình đặc quyền phán xét chung cuộc của Thiên Chúa; Và trong dụ ngôn này còn thêm: phán xét TRƯỚC KỲ HẠN. Người tín hữu phải để tình yêu khoan dung kiên nhẫn của Thiên Chúa hoạt động trong tâm hồn mình (x Gl 2, 2a). Đừng vội phán xét TRƯỚC KỲ HẠN!
Bởi vì trong thiên nhiên thì cỏ và lúa không thay đổi bản chất cho nhau được; Nhưng trong lĩnh vực nhân cách luân lý, phản ứng của con người thì mọi sự thay đổi đều có thể xảy ra: dân Chúa đã một lần xét đoán sớm, bị sụp bẫy và Thiên Chúa đã nhắc nhở qua Ed 33, 10-20.
* Mt 13, 3ab cũng là một sứ điệp lớn cho tín hữu: Hạnh phúc chung cuộc của người công chính (lúa tốt) không là đứng một thân một mình chiếm đoạt cả 1 đám ruộng tốt chung quanh không có một cọng cỏ nào, mà là được thu vào kho lẫm trên trời của Chúa (x Lc 10,20; Mt 10, 24 )
Nước Trời đã đến trần gian rồi. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện tại thì chưa thể nhổ hết cỏ lùng ra khỏi ruộng lúa tốt được. Phải dám đối đầu với thực tế cỏ lúa cùng lớn lên trong đám ruộng trần thế này. Mọi sự chỉ mới là khởi đầu và còn đang diễn tiến. Vì thế đừng vội xét đoán nhưng hãy sang suốt biện phân , rồi can đảm giữ vững bản chất lúa tốt của mình trong trung thành, tín thác chờ ngày Chúa hoàn tất công cuộc của Người. Còn trong thực tế hiện tại, Nước Trời tại thế đương ở trong quá trình tiến triển hướng về ngày Chủ hoàn tất công trình. Ý tưởng đó được gợi ý trong 2 dụ ngôn sau:
2) Dụ ngôn “hạt cải” và “men trong bột”
Cả 2 dụ ngôn đều diễn tả tiến trình tăng trưởng của thực tại Nước Trời tại thế.
Sự hiện diện bước đầu của Nước Trời ở trần gian thật là khiêm tốn, bé nhỏ. Nhưng một khi đã tăng trưởng thì chắc chắn sẽ đạt được tầm vóc lớn lao mang lại sự đổi mới, ích lợi cứu độ cho toàn nhân loại.
2.1) Hạt cải: là một loại hạt giống rau, màu đen, kích thước rất nhỏ cỡ bằng viên bi ở đầu cây bút bic. Nhưng khi lớn lên sẽ thành một cây rau to lớn có thể cao tới 3 mét. Cách nói của Mt 13, 32b “nó trở thành cây đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”, là cách nói phóng đại vay mượn những hình ảnh trong Cựu Ước nhằm diễn đạt một ý nghĩa thần học. Thật vậy, cây có chỗ cho chim trời nương náu là một hình ảnh thường dùng để chỉ một vương quốc hùng mạnh, bảo đảm được an ninh cho thần dân mình (x. Ed 17, 23; 31,6; Đnl 4, 9; 11, 18). Còn trong văn chương khải huyền, Targum, “CHIM” tượng trưng cho dân ngoại đến từng lũ, từng đoàn (GH Piô HV chú giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm A trang 189). Vậy qua dụ ngôn “Hạt cải” ta có thể nhận ra 2 mực độ sứ điệp nơi Matthêu.
– Đọc theo hướng cánh chung: Nước Trời vào thời Đức Giêsu mặc dù mới chỉ là một “hạt cải”, nhưng vào thời điểm cánh chung, nó sẽ là nơi trú ẩn, nương náu an toàn cho toàn nhân loại.
– Đọc theo hướng Giáo Hội học: Nước Trời tại thế chính là Giáo Hội: vào thời Đức Giêsu và các tông đồ, Giáo Hội chỉ mới là “hạt cải” nhưng dần qua dòng lịch sử, Giáo Hội ngày càng lớn mạnh, trở thành Nước Trời tại thế dọn đường cho muôn dân tiến dần về Nước Trời Vĩnh Cửu.
2.2 – Nắm men trong 3 đấu bột: “1 nắm men”: số lượng ít ỏi; còn “ ba đấu bột” là khối lượng bột lớn, trên 39 lít, khoảng 60-70 ký lô (Sđd). Vậy mà khi được vùi vào 3 đấu bột, nắm men đã làm cả khối bột dậy men, biến đổi.
Vậy 2 dụ ngôn có ý nghĩa, sứ điệp tương tự nhau. Tuy nhiên, “hạt cải” trở thành 1 cây to lớn thì ai cũng thấy rõ, dụ ngôn nhấn mạnh sự bành trướng về số lượng bên ngoài. Còn “men làm dậy bột” thì chẩng thấy rõ, đó là một tác động bên trong nhưng đầy hiệu quả làm đổi thay cả thế giới tận căn.
3/ Tóm kết
Nước Trời tại thế chưa là một thực tại hoàn chỉnh. Thiên Chúa vẫn kiên trì, nhất quán trong đường lối của Người: khởi sự với số lượng ít, tôn trọng định luật thời gian và qui luật tiệm tiến từng bước một; trong hiện tại chấp nhận thực trạng vàng thau còn lẫn lộn. Tuy nhiên khi đến thời buổi, Thiên Chúa sẽ hoàn tất công cuộc của Người nhờ sức sống thần linh mà Người đã gieo vào trần thế.
Phần kẻ tin hãy tìm hiểu, tin tưởng, phó thác vào đường lối của Chúa, giữ vững bản chất “hạt giống tốt” Chúa đã ban, đồng thời trở thành cộng tác viên của Chúa, từng bước một góp phần làm “men” Nước Trời mau làm dậy cả khối bột trần gian.