CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN-năm B

Bài 1

 Am 7,12-15; Mc 6,7-13
Chủ đề: Dù bao khó khăn, người Chúa chọn vẫn loan báo Lời Chúa.

* Am 7,15: Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi… và truyền cho tôi “hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta”.

* Mc 6,7.12: Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một…

Lời Chúa của Chúa Nhật XV B Mùa Thường Niên tiếp tục khai triển chủ đề: tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Bộ ba Thiên Chúa – Dân – Người được chọn được nhắc lại lần này thái độ phải có của “người được chọn” “người được sai đi” trong tương quan với dự tính Thiên Chúa, với sứ mạng mà Chúa trao ban được chọn làm nét chủ đề chính, được làm nổi bật:

  • Phần Thiên Chúa, theo dự tính của Người, Người tuyển chọn kẻ Người muốn rồi sai họ đi làm công việc của Người.

  • Phần kẻ được Thiên Chúa chọn đón nhận sự tuyển chọn của Chúa thành nên ơn gọi của mình, và lệnh sai đi thành sứ mệnh phải hoàn tất.

  • Và cũng như tuần trước, thái độ đón nhận từ phía dân sẽ là yếu tố quan trọng tác động lên cách ứng xử, đáp trả của người được chọn.

Tuy nhiên đối với người được Chúa chọn thì sứ điệp hàm ẩn trong Lời Chúa hôm nay là: phải dấn thân đáp lại lời mời của Thiên Chúa, bằng mọi giá phải thi hành sứ mạng bất chấp mọi thử thách, cản trở. Đối với người được chọn thì lẽ sống của đời mình phải là “Ý Thiên Chúa được thể hiện”. Đó phải là ưu tiên một trong bậc thang giá trị sống của mình. Thiên Chúa phải là cội nguồn, cùng đích, động cơ của mọi hành động, ứng xử của người được chọn, của sứ mạng được trao.

Để minh họa cho những điều trình bày trên, bài đọc 1 trích từ sách ngôn sứ Amos, kể lại cuộc tranh luận của Amos với Amatgia là tư tế của đền thờ Bết Ên liên quan tới sứ vụ ngôn sứ mà Chúa đã trao cho Amos.

Amos là một người chăn nuôi và chăm sóc cây sung, quê quán ở miền Nam của xứ Palestin; Nhưng rồi Thiên Chúa lại gọi chọn ông làm ngôn sứ, sai đi loan báo sứ điệp của Chúa cho dân miền Bắc. Vào lúc đó, miền Bắc đang thời thịnh vượng về mặt kinh tế, chính trị, nhưng lại suy đồi về luân lý, đức tin đạo giáo: hố ngăn cách kẻ giàu người nghèo ngày càng sâu rộng; ngôn sứ, tư tế chỉ còn là tay sai của bọn giàu, quyền thế. Vì thế, Chúa sai Amos đến công bố lời cảnh cáo: tất cả sẽ bị hủy diệt nếu không hoán cải. Sứ điệp báo họa đó là một cú xốc cho vương quốc miền Bắc và họ đã có phản ứng chống đối, tẩy chay Amos mà bài đọc 1 hôm nay là một minh họa tiêu biểu:

Amatgia là tư tế đền thờ Bết Ên, đến gặp Amos và nặng lời tống cổ đuổi Amos về lại miền Nam với những lời mỉa mai “Này ông thầy bói ơi, mau chạy về đất Giuđa, về đó mà kiếm ăn, mà tuyên sấm”. Ông bị mắng là thầy bói, nói láo, lừa đảo kiếm tiền. Nhưng Amos thẳng thắn biện minh: nhận mình chỉ là người chăn nuôi súc vật, nông dân, nhưng Thiên Chúa đã chọn và sai ông đi làm sứ vụ, chính vì thế ông mới đi tuyên sấm cho dân miền Bắc. Amos phải làm vì đó là ơn gọi, là sứ mạng, vì Chúa đã tuyển chọn và sai ông đi.

Trong Tin Mừng, Marcô trình bày việc Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai đã được Người tuyển chọn (x.Mc 3,13-14) sai các ông từng hai người một đi làm sứ vụ, trang bị cho các ông quyền trừ quỷ, kèm theo những lời dặn dò cẩn thận.

Đoạn văn tin mừng hôm nay mở đầu bằng hai ý: 1/ lệnh sai đi và 2/ ban quyền trên các thần ô uế. Rồi kết thúc cũng với 2 ý đó: 1/ các môn đệ ra đi rao giảng và 2/ Trừ quỷ, làm phép lạ hiệu quả.

Nội dung chính của Tin Mừng hôm nay nằm ở phần giữa: đây là những chỉ thị cụ thể của Đức Giêsu về THÁI ĐỘ, CÁCH ỨNG XỬ phải có khi đi thi hành sứ mạng:

  • Hành trang mang theo: không mang gì theo! Chỉ mang 1 cây gậy, đi dép, 1 áo.

  • Thái độ khi được đón tiếp: khi đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Hai lời dặn dò trên hàm ý rằng người thừa sai phải từ bỏ mọi ràng buộc, mọi an toàn thế tục, phải hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, chỉ còn 1 mối bận tâm lo rao giảng Tin Mừng. Người thừa sai cũng không tìm tiện nghi ở nơi mình đến phục vụ: có được người đón tiếp là đủ, sau đó là loan Tin Mừng ngay, nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

  • Còn trong trường hợp không được đón tiếp: “hãy giũ bụi dưới chân tỏ ý cảnh cáo họ”. Nghĩa là không hận thù, không dính bén, tiếc nuối. Chỉ cảnh cáo họ, vì môi trường truyền giáo là mênh mông. Chi tiết này chắc là vọng lại việc các cộng đoàn Do Thái trong đế quốc đã đánh mất quyền ưu tiên được đón Tin Mừng của họ.

Tóm lại, Thiên Chúa luôn cứu vớt mọi người. Cách Chúa làm: gởi sứ giả tới công bố Tin Mừng. Vậy hãy sẵn sàng tỉnh táo đón tiếp sứ giả và sứ điệp của Chúa.

Bài 2

 “Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế… Các ông ra đi rao giảng, kêu gọi người ta hối cải. Các ông trừ được nhiều quỷ…” (Mc 6,7.12-13).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật XV B Mùa Thường Niên. Lời Chúa mời suy ngắm về chủ đề sứ mạng: Thiên Chúa chọn người để cộng tác với Chúa trong công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ; Kẻ được chọn, bằng mọi giá phải thực thi sứ mạng được Chúa trao ban. Theo Tin Mừng Marcô, người của Chúa là những người được Chúa chọn gọi để “ở với Người”, gắn kết với Người để rồi sẽ “được Người sai đi rao giảng” (Mc 3,14-15). Lời Chúa của Chúa Nhật XV B nhấn mạnh tới khía cạnh “được Chúa sai đi”, kèm theo những hệ lụy của việc được sai đi đó:

  • Người được chọn không tự mình đi tìm sứ mạng theo sở thích, theo năng lực riêng mình, nhưng là người biết lắng nghe, đón nhận và nhất là phải ý thức rằng mình là người được sai đi để làm công việc của Chúa.

  • Không chọn công việc, không chọn đối tượng, không chọn nơi đến… phải sẵn sàng từ bỏ quê hương, nơi an toàn… để tới nơi, tới với những ai được Thiên Chúa chỉ định. Phải luôn ở tư thế sẵn sàng buông bỏ, để con người của mình hoàn toàn được thảnh thơi mở rộng lòng ra trước dự tính của Thiên Chúa.

  • Người được sai đi phải mở lòng ra trước mọi đối tượng, nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, hội nhập cái mới vào trong hiện sinh của mình với tâm niệm mình là người của Chúa, hằng nhớ tới những chỉ dạy, mệnh lệnh đã nhận được khi ra đi.

Đi sâu hơn một chút, Lời Chúa cũng đề cập đến thái độ đáp trả của người nghe. Lời Chúa hôm nay lại nói đến lòng cứng tin của thính giả: họ khước từ không tiếp đón người của Chúa. Chính vì có những kẻ cứng lòng như thế mà việc loan báo Lời Chúa lại càng cấp bách vì Chúa muốn cứu tất cả mọi người. Do đó người của Chúa dù bị chối từ vẫn cứ phải lên đường, vẫn phải nói, loan báo sứ điệp Chúa trao, chiến đấu, sống kiếp lữ hành rày đây mai đó, không tìm tiện nghi, không tích lũy của cải cho bản thân… Tất cả là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc luôn sẵn sàng lên đường, đi vào cửa hẹp để loan truyền, rao giảng Lời Chúa.

Lý do duy nhất thúc đẩy người của Chúa phải lên đường, phải đương đầu với mọi trở ngại, phải công bố Lời Chúa bằng mọi giá là vì xác tín rằng mình được Chúa chọn, được Chúa sai đi, và việc làm của mình là phục vụ hồng ân cứu độ của Chúa cho mọi người. Ý thức rằng mình là người của Chúa, phải làm công việc Chúa, sống và lớn lên nhờ lòng tín thác vào Chúa… Đó là động cơ, nguồn sinh lực thúc đẩy mọi hành động của người được Chúa sai đi.

BÀI ĐỌC 1: (Am 7,12-15)

Nói về sứ mạng của Amos. Amos được Chúa chọn làm ngôn sứ cho Chúa giữa dân Bắc quốc Israel. Ông vốn là người dân thuộc Nam quốc Giuđa, nhưng Chúa lại sai ông ra miền Bắc để loan báo cho dân Bắc biết sứ điệp của Chúa.

Thế là ông phải bỏ quê hương, bỏ nghề nghiệp, bỏ cuộc sống an nhàn giữa những người đồng hương, ra miền Bắc, nói cho dân Bắc những điều chướng tai gai mắt đối với họ, những điều mà họ không thích nghe.

Ông không có quyền chọn lựa, vì “sư tử gầm, ai mà không sợ hãi? Yavê là Chúa Thượng đã phán, ai chẳng nói tiên tri?” (Am 3,8). Nhưng khổ cho ông, sứ điệp thẳng thắn ông loan báo đã gây nên ác cảm của dân miền Bắc đối với ông. Họ khước từ sứ điệp mà Thiên Chúa đã gởi tới họ qua trung gian của ông và kết quả là họ tống cổ ông về lại Vương quốc Giuđa phía nam (xem bài Chủ đề). Còn sứ mạng mà Chúa trao ban cho ông bị tư tế đền thờ Bết Ên là A-mat-gia mỉa mai, mạt sát coi như chỉ là nghề thầy bói dùng để kiếm sống: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm!” (Am 7,12); Nhưng ông không hề nao núng vì đã xác tín rằng chính Yavê đã chụp bắt lấy ông và ra lệnh cho ông “Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta” (7,15b).

TIN MỪNG: Mc 6,7-13

* Bài thực tập: theo Tin Mừng Marcô, trong giai đoạn đi rao giảng công khai, Đức Giêsu và các môn đệ song hành với nhau như hình với bóng. Bản văn hôm nay là trình thuật đầu tiên kể lại việc các môn đệ tạm lìa xa Đức Giêsu, tự mình đảm nhận lấy sứ mạng mà Đức Giêsu đang thực hiện, dưới sự hướng dẫn từ xa của Người. Đức Giêsu thay đổi cách hướng dẫn, đồng hành: thay vì hiện diện trực tiếp với các ông, giai đoạn ngắn này Người tập các ông hành động dưới sự điều kiện từ xa của Người qua các lời, các lệnh truyền hướng dẫn làm kim chỉ nam cho mọi hành động của các ông.

Để thực hiện được phương thức huấn luyện mới này, các tông đồ buộc phải tách mình ra khỏi chỗ cậy dựa an toàn từ trước đến giờ là Đức Giêsu, không được ỷ lại vào Người nữa mà mỗi nhóm (hai người) phải đảm nhận trách nhiệm, tập đối thoại thống nhất với nhau để tìm phương án cụ thể giải quyết cho từng vấn đề mà mỗi nhóm sẽ gặp phải.

Bản văn không nói rõ thời gian đi thực tập là bao lâu, nhưng sau đó, rất sớm các ông đã “tụ họp lại quanh Đức Giêsu, kể lại cho Người biết những việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6,30). Chi tiết trên cho thấy đời sống cầu nguyện là cần thiết: không thường xuyên gặp gỡ, tường trình lại cho Đức Giêsu những gì mình đã thực hiện thì không thể chu toàn sứ vụ.

1/ Văn mạch: đoạn văn này chỉ có một mình Marcô đem lồng vào giữa hai đoạn văn nói về sự thất bại trong công việc rao giảng: – một của Đức Giêsu tại Nadaret (6,1-6) – Và nhất là của Gioan đã đưa ông tới cái chết (6,14-29). Trong bầu khí tiêu cực, đầy chống đối như thế, Đức Giêsu vẫn không bỏ cuộc, không đầu hàng; Qua đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ ai muốn theo Người cũng phải chấp nhận số phận và đường lối đó của Thiên Chúa. Các môn đệ được sai đi trong bối cảnh Đức Giêsu bị người thân chối từ (6,1-6 và trước đó 3,21), trong bầu khí của một xã hội bất công, kẻ có quyền bính không tôn trọng sự thật.

Là những người được Chúa sai đi, các môn đệ phải đứng cùng một chiến tuyến với Đức Giêsu trong cuộc chiến không khoan nhượng chống lại mọi hình thái tiêu cực, bất công, cứng tin. Đức Giêsu đã phải chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, hơi thở cuối cùng thì sứ mạng của Người mới hoàn tất (Ga 19,30), thì dung mạo thần linh của Người mới tỏ lộ trọn vẹn (Mc 15,39).

2/ Cấu trúc: một đoạn văn độc lập có cấu trúc chặt chẽ:

A

c.7a: gọi lại, sai đi

A’

c.12: ra đi, rao giảng, mời hối cải

c.7b: ban quyền trừ quỷ

c.13: trừ quỷ, chữa lành

B: Các chỉ thị liên quan đến

  • Hành trang: không được mang theo gì ngoại trừ cây gây (c.8)

  • Y phục: được đi dép, không mang hai áo (c.9)

  • Cách ứng xử tại nơi đến rao giảng:

  • Nếu được tiếp đón: hãy ở lại đó cho tới lúc ra đi (c.10)

  • Nếu không được đón tiếp: khi ra khỏi đó hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ (c.11)

3/ Ý nghĩa:

 * Hai ý A và A’ đối xứng chặt chẽ: những gì Đức Giêsu sai đi làm và trang bị ở phần A được các tông đồ thi hành răm rắp và hiệu quả ở A’.

Như vậy một cách kín đáo qua thể văn “nói gì có ngay tức khắc”, Marcô ngầm bảo Đức Giêsu sai Nhóm môn đệ đi trong tư cách là một vị Thiên Chúa.

Ngoài ra, ở đây Marcô cũng vẽ ra dung mạo “thừa sai kiểu mẫu Kitô giáo”. Đó là người được Chúa gọi và sai đi (x.Mc 3,14-15) và ở đây thêm một nét: “từng hai người một”, vừa lập lại truyền thống chứng từ của Do Thái giáo (x.Đnl 19,15: phải có chứng từ của hai người mới có giá trị pháp lý) vừa nói lên tính CỘNG ĐOÀN của đức tin và của việc loan Tin Mừng của Người Kitô giáo. Cho dù có nhiều cách trình bày, diễn tả nhưng đức tin chỉ có một: “một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha” (Ep 4,4-6). “Tin là hành vi có chiều kích Hội Thánh” (x.GLHTCG số 181).

 * Đức Giêsu ban cho các ông quyền trừ quỷ (c.7b): các ông không làm theo hứng khởi, quyền lực riêng mình. Nhóm Mười Hai loan báo, giảng dạy, làm phép lạ là nhờ sự ủy nhiệm của Đức Giêsu. Họ chỉ là những sứ giả của Đức Giêsu, được Người sai đi để hoàn thành cùng những công việc như Người với những ân huệ do Người thông ban. Chính vì thế sau khi hoàn tất sứ mạng, quay trở về báo cáo mọi sự với Đức Giêsu thì Marcô gọi Nhóm Mười Hai một tên mới là TÔNG ĐỒ (Mc 6,30) = apôstôloi: “những người được sai đi”.

Là người được sai đi, là người thừa hành, là sứ giả, Nhóm Mười Hai phải làm việc theo chỉ thị của Đức Giêsu.

4/ Các chỉ thị cụ thể: sau khi trang bị cho đoàn môn đệ những yếu tố chính yếu bảo đảm cho hiệu năng, nội dung, chất lượng của việc truyền giáo, đó là: Lời Chúa – quyền năng giải cứu khỏi Ác Thần – tư cách là môn đệ chính thức được sai đi; Tiếp theo, Đức Giêsu hướng dẫn cho họ những đáp trả cần thiết phải có từ phía các ông để công trình của Chúa chắc chắn sinh hoa kết trái. Mẫu mực và chóp đỉnh của công trình cứu độ của Thiên Chúa là vị “Chúa – Người Giêsu” thì mọi công trình khác của Thiên Chúa cũng phải là thành quả của sự hợp tác giữa Thiên Chúa và con người. Phần môn đệ:

 * Tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa: được biểu lộ qua hai hình thức bên ngoài là HÀNH TRANG và Y PHỤC: chỉ được mang theo “cây gậy”, mang theo “đôi dép” và một “bộ quần áo”. Đi đường xa, hành trang càng gọn nhẹ thì càng tốt. Theo Chúa thì phải “qua cửa hẹp” (x.Mt 7,13), hành trang cồng kềnh thì làm sao qua được cửa hẹp?

“Thắt lưng cho gọn, chân đi dép, tay cầm gậy” gợi lại cảnh dân Chúa đang sẵn sàng lên đường giã từ kiếp nô lệ (x.Xh 12,11). Người thừa sai của Chúa phải luôn ở trong tư thế “lên đường”. Thái độ đó hàm ý rằng không có nơi nào trên hành trình truyền giáo là “quê hương” của vị thừa sai. Tất cả luôn ở vị trí sẵn sàng, chỉ cần thấy dấu chỉ của Chúa là đi ngay.

Công việc của Chúa thì bao la, nhu cầu của tha nhân thì cấp bách, quỹ thời gian, sức lực chúng ta thì giới hạn… nếu quá bận tâm vào hành trang, cơm áo thì còn giờ đâu để lo việc Chúa.

 * Là bạn hữu với mọi người, tin tưởng con người sẽ hoán cải (x.Mc 6,10-11): mặc dù bản văn trình bày hai thực tại đối nghịch nhau: – được đón tiếp (c.10) và – bị khước từ (c.11). Tuy nhiên phản ứng của các thừa sai môn đệ vẫn phải luôn khoan hòa, chừng mực.

– Trường hợp thuận lợi, nghĩa là được người ta đón tiếp tử tế (c.10): Đức Giêsu khuyên hãy chọn ngay nơi đó – ngôi nhà đầu tiên tiếp rước vị thừa sai – làm nơi tạm trú bắt đầu cho công cuộc truyền giáo tại địa phương. Lời căn dặn này có thể đã nhằm mục đích chống lại cơn cám dỗ muốn tìm chỗ tốt hơn hay muốn được săn đón (x.Didache 11,4-5 trong “Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật” Mùa Thường Niên B trang 299). Một khi đã đón nhận sứ điệp Tin Mừng thì dù là người thừa sai hay là người lãnh nhận, tất cả đều trở nên bằng hữu, anh em với nhau (x.Mc 10,29-30; Cv 16,15).

– Trường hợp bị chối từ không đón tiếp vị thừa sai, không đón nghe sứ điệp (c.11): không bận tâm tranh luận hơn thua, vì cánh đồng thì mênh mông. Cứ bình an đi gieo nơi khác (x.Cv 13,44-49).

“Hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ” (c.11b): giũ bụi chân không là cử chỉ khinh miệt, kết án mà chỉ là CẢNH CÁO.

Theo Monique Piettre trong “Comprendre la Parole” năm B, cuốn 3 trang 89, cử chỉ “giũ bụi chân” là thói quen thường làm của người Do Thái khi từ ngoại quốc trở về lại Palestin. Vào lúc tiến vào đất hứa, họ giũ cho sạch bụi còn dính trong giày dép. Ý nghĩa: họ không muốn đem vào Đất Thánh những gì là cát bụi phàm tục. Họ không để cho những gì đã qua vướng bận tâm hồn họ, trong họ chỉ còn một điều: tôi là thần dân của Đất Thánh.

Vậy người thừa sai đừng chất chứa trong tâm mình những vướng bận tiêu cực do những kẻ chống đối gây ra. Chúng ta chỉ cánh cáo cho họ biết thái độ của họ là sai trái không cần tranh luận mất giờ. Hãy dùng toàn bộ thời giờ, sinh lực, khả năng vào việc chính: truyền giáo.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở tín hữu: Giáo Hội, các tín hữu, đang đi trên con thuyền ngược dòng để vớt những ai muốn tránh khỏi bị cuốn vào “thác nước diệt vong”. Do đó chỉ một việc làm ta bận tâm: đón nhận thần lực của Chúa và dồn hết tâm lực thời giờ vào việc CỨU.

Frère Pierre Đình Long FSC