CHÚA NHẬT XVI B THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Gr 23,1-6; Mc 6,30-34
Chủ đề: Mục tử và đàn chiên

* Gr 23,3-4: Ta sẽ quy tụ đàn chiên Ta còn sót lại. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng.

* Mc 6,34: Đức Giêsu chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt… và Người dạy dỗ họ.

Chúa Nhật XVI B Mùa Thường Niên tiếp tục hướng dẫn chúng ta đi vào những khám phá mới về tương quan bộ ba: “Thiên Chúa” – “dân” – “người được Chúa chọn”. Lần này Lời Chúa dùng một hình ảnh biểu tượng để diễn tả tương quan bộ ba này. Hình ảnh đó là thân quen đối với người Do Thái, nhưng còn mới mẻ đối với người Việt Nam. Đó là tương quan giữa “chủ đàn chiên” – “người chăn chiên” – và “đàn chiên”. Và yếu tố được Chúa Nhật XVI B nhấn mạnh là tình yêu của Thiên Chúa, tức chủ đàn chiên, đối với đàn chiên, lẫn đối với mục tử. Mục tử là những người được Thiên Chúa chọn từ giữa dân Chúa để đặt làm hành lãnh đạo thay mặt Chúa hướng dẫn, lo lắng, nuôi dưỡng đàn chiên. Mục tử lẫn đàn chiên đều là đối tượng của Tình yêu bao la của Thiên Chúa. Tình yêu Chúa không từ chối làm bất cứ điều gì miễn là việc đó đem lại ích lợi tốt nhất cho đàn chiên.

Còn mối tương quan giữa chủ đàn chiên và các mục tử ra như thế nào thì được trình bày là tùy thuộc vào cách đối xử của các mục tử đối với đàn chiên có đem lại lợi ích tốt nhất cho đàn chiên hay không. Vì chủ chiên chọn mục tử là để lo cho chiên; do đó mục tử nào làm chiên bị tan tác đói rét sẽ bị chủ đòi trả lẽ tương xứng với những gì họ đã làm cho chiên.

Đối với chủ và cả với mục tử, điều bận tâm lớn nhất phải là lo sao cho chiên sung túc, hạnh phúc bằng mọi giá. Do đó khi các mục tử xấu làm đàn chiên tan tác thì Chúa đã hứa đích thân Người đến để quy tụ số còn sót lại của đàn chiên, đưa chúng về lại đồng cỏ xanh tươi, hồi phục chúng.

Bài đọc 1, trích đoạn Gr 23,1-6 là hình ảnh rõ nét biểu lộ trực tiếp tương quan bộ ba nói trên. Chúa là Chủ đàn chiên đã đưa dân Chúa vào đồng cỏ tươi tốt là Đất Hứa; đã trao chiên lại cho vua, quan, tư tế, ngôn sứ chăm sóc dân. Thế nhưng các bậc lãnh đạo, cả đời lẫn đạo, đã không chu toàn sứ vụ được trao, khiến đàn chiên đi lạc đường Chúa, chạy theo Baal…, và cuối cùng là tan tác vì biến cố lưu đày. Hậu quả tai hại lưu đày đó cũng được Chúa dùng để làm hình phạt cho các mục tử xấu (x.Gr 20,1-6; Gr 21-22…)

Tuy nhiên Chúa là Chủ yêu thương đàn chiên, nên tiếng nói cuối cùng của Chúa không bao giờ là án phạt: Chúa hứa sẽ đích thân đến “quy tụ đàn chiên của Chúa còn sót lại từ khắp mọi miền Chúa đã xua chúng đến. Chúa sẽ đưa dân về đồng cỏ của chúng, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở thật nhiều”. Câu Gr 23,3 cho thấy Chúa sẽ hồi phục đàn chiên. Về phần hàng lãnh đạo đàn chiên; Chúa cũng hứa “cho xuất hiện các mục tử tốt, họ sẽ chăn dắt chiên”; Chiên sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và không còn bị bỏ rơi nữa” (Gr 23,4).

Để kết thúc, bài đọc 1 đưa ra cách thức Thiên Chúa sẽ dùng để thực hiện lời hứa trên: SẼ TỚI NGÀY, Chúa sẽ ban cho NHÀ ĐAVIT, MỘT CHỒI NON… với nhân vật này, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn. “Chồi non đó là ai? Lúc nào Người tới? Tin Mừng là câu đáp cho các vấn nạn trên.

Tin Mừng mặc khải: Đức Giêsu chính là “chồi Non thuộc dòng Đavit” mà Thiên Chúa đã hứa. Người là Mục Tử mẫu mực cho hàng mục tử mọi thời; Và còn hơn nữa, Người chính là “Thiên Chúa nhập thể làm người” hoàn tất lời Thiên Chúa hứa đích thân Chúa đến quy tụ, hồi phục đàn chiên đã được nói trong bài đọc 1. Và trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, Marcô đã đưa ra một hình ảnh minh họa cho thấy Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, là “Chồi Non” đến chăm lo cho các “mục tử mới”, “đàn chiên mới” của Thiên Chúa. Thật vậy:

– Với các tông đồ là hàng mục tử mới, Đức Giêsu vừa đào tạo họ về mặt thi hành sứ mạng, vừa để tâm chăm lo cho họ về mặt nội tâm, sức khỏe: “anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

– Với đàn chiên mới là những kẻ đi theo Người lắng nghe Lời Thiên Chúa, lòng thương xót đầy yêu thương của Người luôn dành chỗ ưu tiên cho họ trong con tim, trong dự tính của Người. Vì thế khi thấy họ “như bầy chiên không người chăn dắt” thì Người tạm ngưng mọi dự tính khác để tiếp đón, dạy dỗ họ.

Ta đã thấy tình yêu Chúa lớn lao, lòng thương xót của Đức Giêsu bao la trời biển! phần chúng ta, tự xét xem phải làm gì để đừng phụ lòng Thiên Chúa, để đáp lại lòng từ ái Đức Giêsu dành cho ta? Cũng hãy cầu xin cho Giáo Hội, các mục tử trong Giáo Hội để mối tương quan bộ ba Thiên Chúa và Giêsu / Giáo Hội với mục tử / đàn chiên mới các tín hữu kitô luôn hiệp nhất trong Chúa và sinh nhiều hoa trái theo ý Chúa.

Bài 2

 “Đức Giêsu bảo các tông đồ: “anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”… nhưng thấy dân chúng đông đảo thì chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6,31.34).

Chúa Nhật XVI B Mùa Thường Niên tiếp tục mời gọi tín hữu chiêm ngắm tình yêu bao la của “Thiên Chúa, chủ đàn chiên” đối với “đàn chiên” và cả đối với “các mục tử” là những người được Chúa sai đến thay mặt Người chăm sóc đàn chiên. Thiên Chúa là người chủ nhân lành, từ thuở đời đời, Người chỉ có một dự tính duy nhất: chăm lo sao để cho “đàn chiên” mọi thời, lẫn các mục tử là những người chăm sóc đàn chiên (họ cũng là chiên của Chúa thôi) được an vui, hạnh phúc. Thế nhưng suốt dòng lịch sử cứu độ, có lúc cả hai hè nhau toa rập phản loạn chống lại ý Chúa. Tuy vậy, Chúa vẫn trung tín, kiên trì tìm ra các phương thức thích hợp để hoàn tất dự tính yêu thương từ ban đầu của Người đối với những kẻ thuộc  về Người.  

Trong tuần trước, Lời Chúa của Chúa Nhật XV B, tình yêu săn đón của Chủ đàn chiên (Thiên Chúa) được biểu lộ qua việc sai phái những mục tử, là những người được Chúa chọn giữa đàn chiên, đến với “đàn chiên” đang lầm lạc (bài 1: Sách Amos), hoặc chưa được biết Chúa (bài Tin Mừng) để bày tỏ cho họ biết ý định yêu thương của Thiên Chúa. Điểm nhấn của Chúa Nhật XV B nằm ở điểm này: người được Chúa sai đến với đàn chiên, thì bằng mọi giá phải nói ra cho đối tượng Chúa muốn nhắm tới, cái sứ điệp mà Chúa đã trao ban, cho dù hoàn cảnh có thuận lợi hay không, cho dù “đàn chiên” không muốn nghe sứ điệp.

Đó là tình cảnh của Amos, ngôn sứ trong bài đọc 1 tuần XV B: vua, quan, tư tế, dân chúng của Bắc quốc Israel không muốn nghe sứ điệp “sự thật mất lòng” do Chúa sai Amos loan báo, và kết quả là ông bị họ tẩy chay. Còn trong Tin Mừng XV B, Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi thực tập truyền giáo, kèm theo những lời dặn dò tỉ mỉ, những cung cách ứng xử đi ngược lại với nhu cầu tự nhiên của con người. Vấn đề là người được Chúa sai đi phải loan báo sứ điệp đã nhận lãnh từ Thiên Chúa bằng mọi giá.

Qua Chúa Nhật XVI B, Lời Chúa đặt đưa chúng ta vào một tình huống tế nhị hơn: “đàn chiên” được giới thiệu như đang ở trong 1 tình trạng đáng buồn, tan tác, không người chăm sóc (Gr 23,2b; Mc 6,34b); Trong khi đó Chúa vẫn gởi đến cho chiên các mục tử (Gr 23,1-2a; Phần Đức Giêsu vẫn giảng dạy và sai các tông đồ đi tới với chiên: Mc 6,6b-7). Phần đàn chiên thì họ rất khao khát được đón nghe lời Chúa (x.Mc 6,33-34). Thế thì vì đâu mà “đàn chiên” bị tan tác, như không có mục tử chăn dắt. Lời Chúa tuần XVI B cho câu đáp chung: vì đàn chiên chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức. Chúng ta suy niệm Lời Chúa cẩn thận hơn, hy vọng nhận ra điều Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta.

Bài đọc 1: Gr 23,1-6

  * Tội của các mục tử (23,1-2)

Nguyên do chính gây ra tan tác, đau thương cho đàn chiên là do các mục tử, những người được Chúa chọn gởi đến để hướng dẫn dân sống theo đường lối Chúa. Họ là vua, quan, tư tế, ngôn sứ, các nhà lãnh đạo tôn giáo lẫn dân sự; Họ đã không chu toàn được trách nhiệm; những sai trái của họ được bài đọc 1 tóm lại trong hai cụm từ “xua đuổi” chiên, “chẳng lưu tâm gì đến” chiên (Gr 23,2b).

Bổn phận của mục tử tốt là phải quan tâm tới chiên, ở chung với chiên để đáp trả nhu cầu của chiên. Thế mà bọn mục tử xấu chẳng những không lưu tâm gì đến chiên, mà cả khi chiên kiệt quệ tìm đến chúng xin trợ giúp thì còn bị chúng xua đuổi. Nghĩa là chiên không có một vị trí nào trong tim, trong cuộc sống của chúng.

Theo cái nhìn lịch sử, những gì ghi lại trong Gr 22,11-30 có thể nói đó là một tóm lược tình hình chính trị tôn giáo tại Đất Hứa, sau cái chết của vị vua đạo đức Giô-si-gia-hu (năm 609 TCN). Đó là giai đoạn bát nháo, hỗn loạn trước khi mất nước. Vua, quan, lẫn các lãnh đạo tôn giáo không có lập trường, “ngả theo chiều gió”, lúc thuận theo Babylon, lúc lại chạy theo Ai Cập, và kết quả là lưu đày chấm dứt vương triều nhà Đavit.

*Lời cảnh cáo nghiêm khắc của Thiên Chúa: trước lối ứng xử vô lương tâm của các mục tử xấu, đoạn trích làm bài đọc 1 chỉ ghi lại câu ngắn nói lên phản ứng của Thiên Chúa: “này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi” (Gr 23,2c). Phần trừng phạt đó đã được Giêrêmia tóm kết trong Gr 22,11-30. Lời sấm này nói về 3 ông vua cuối cùng của dòng họ Đavit. Họ bị coi là các mục tử xấu, chỉ biết tìm an toàn cho ngôi báu của mình trong sự liên minh với các đế quốc: lúc thì theo Ai Cập; lúc khác lại thần phục Babylon. Việc làm sai trái ấy đã bị Thiên Chúa cảnh cáo nghiêm khắc bằng hai cuộc lưu đày: Vua Sa-lum bị Pharaô Nêkhô đày sang Ai Cập năm 609 và chết luôn ở đó (x.Gr 22,11-12; 2V 23,31-35); Rồi vua Giơ-gia-khin còn gọi là Con-gia-hu bị vua Babylon là Nabucodonosor bắt lưu đày qua Babylon năm 597. Thế nhưng họ vẫn bưng tai bịt mắt bất chấp lời cảnh cáo của Edêkien bên Babylon và của Giêrêmia tại Palestin. Kết quả là đến năm 587 thì tai họa hủy diệt đã ập xuống Giêrusalem: triều đại Đavit bị xóa sổ khỏi ngai vàng, Đền Thờ bị hủy diệt, Hòm Bia thất lạc, dân bị lưu đày Babylon.

*Lời hứa tái thiết của Thiên Chúa (Gr 23,3-4):

Án phạt không bao giờ là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn trung tín với điều Người đã đoan hứa với Abraham, với Đavit. Án phạt chỉ là ngọn lửa tinh luyện để bóc ra cho hết những rỉ sét bám sâu vào thanh sắt để biến nó thành công cụ hữu ích trong bàn tay của Thiên Chúa. Để thi hành cuộc tẩy luyện này, Thiên Chúa – trong bài đọc 1 hôm nay – báo trước hai điều:

  • Quy tụ đàn chiên bị tản mác trở về, và ban cho họ những lãnh đạo mục tử tốt.

  • Kết quả là dân Chúa được bảo đảm sống an vui hạnh phúc.

Tầm nhìn trên thường bị giới hạn trong vương triều Đavit, trong dân tộc Israel. Tuy nhiên theo diễn tiến của lịch sử, Israel nhận ra rằng cái nhìn hạn hẹp ấy không phải là ý định của Thiên Chúa. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không gò bó vào một cá nhân riêng rẽ, không bị giới hạn trong một triều đại trần thế nào, cũng như không tôn vinh một quốc gia, dân tộc nào.

Lời hứa của Thiên Chúa mang chiều kích cánh chung và tôn giáo, mở ra cho toàn thể nhân loại mọi nơi mọi thời. Cả nhân loại chỉ là một đàn chiên, dưới quyền một Mục Tử duy nhất (x.Ga 10,16).

*Hướng về Vị Vua thiên sai (Gr 23,5-6)

– “Sẽ tới những NGÀY”: “Ngày” ám chỉ thời gian Thiên Chúa can thiệp mạnh để hoàn tất dự tính của Người (x.Gl 4,4-7; Dt 1,2). Chi tiết này cho thấy rằng Vị Vua Mêsia là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa đã được Thiên Chúa dự tính chứ không phải là hoa trái theo huyết thống dòng dõi phàm nhân.

– “Ta sẽ làm nẩy sinh cho NHÀ ĐAVIT”: Thiên Chúa không loại bỏ những gì Người đã làm ra, “NHÀ ĐAVIT” cũng là một mắc xích trong dự tính cứu độ của Thiên Chúa. Khía cạnh ân sủng nhưng không luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ: “Ta sẽ làm nẩy sinh cho Đavit” gợi lại dự tính thần linh được Thiên Chúa mặc khải từ thuở khai sinh triều đại Đavit (2Sm 7,12). Điều Thiên Chúa hứa đó vượt mọi trí tưởng tượng của con người: triều đại, vương quyền, ngai vàng sẽ tồn tại, vững bền MÃI MÃI TRƯỚC MẶT TA (2Sm 7,16).

Vậy Chúa vẫn dùng nhà Đavit đầy lầm lỗi (x.2Sm 7,14b.15a) làm dấu chỉ, làm mắc xích để giúp phàm nhân nhận ra dung mạo Đấng Mêsia khi Người ngự đến.

– “Một chồi non chính trực”: “chồi non” = “SEMAH trong tiếng Do Thái, được các ngôn sứ sử dụng để nói về Đấng Mêsia (Is 4,2; Gr 33,15;Dcr 3,8;6,12). “Chồi non” là mầm con của một cây lớn, hàm ý là sự tiếp nối, thừa kế chính thức, hợp pháp. Trong Gr 23,5-6, “Chồi non” này là “chồi non chính trực”. Như vậy sau khi khiển trách nặng nề các vua thối nát của triều Đavit và loan báo lưu đày (Gr 22,11-30) thì ngôn sứ thắp lên ánh sáng hy vọng: từ đống đổ nát hoang tàn của tội lỗi, lưu đày, Thiên Chúa sẽ cho “nẩy sinh cho nhà Đavit” một sức sống mới là vị thừa kế hợp pháp đích thực của Nhà Đavit. Vị đó sẽ là Vua Mêsia mẫu mực tạo công bình, hạnh phúc cho dân. (x.DEB “Germe” Brepols 1987). Những gì đáng mơ ước của một triều đại lý tưởng sẽ thành hiện thực nơi Chồi Non này; Do đó tên của Người là “YAVÊ, sự công chính của chúng ta” (xem thêm CGKPV “các Sách Ngôn Sứ” 1996 trang 304 nốt “d”)

Tin Mừng: Mc 6,30-34

Vị Vua – Mêsia: được Gr 23,5-6 nói đến là ai? Trong bài đọc 1, Thiên Chúa hứa 3 điều: – đích thân Chúa sẽ quy tụ đàn chiên tản lạc lại, nuôi dưỡng và cho chúng hưởng bình an, niềm vui. – Chúa sẽ ban CÁC mục tử tốt, lãnh đạo chiên. – Cuối cùng sẽ ban cho Vị Vua Mêsia.

Tin Mừng Marcô trong 6 chương đầu cho chúng ta câu đáp:

  •  Chính Đức Giêsu quy tụ, nuôi dưỡng, ban bình an cho dân: Đức Giêsu như “cục nam châm” thu hút đàn chiên, chữa lành, hồi phục họ. Nơi nào Người hiện diện thì nơi đó được biến đổi lạ lùng: cho dù là hoang địa cũng sẽ trở thành nơi quy tụ dân chúng (Mc 1,45); “Nơi hoang vắng” trở thành nơi “đàn chiên không người chăn dắt” được quy tụ, dạy dỗ, nuôi dưỡng và hồi phục (Mc 6,30-44).

  • Đức Giêsu tập cho đoàn môn đệ của Người phục vụ đàn chiên đến quên mình (Mc 3,20), không  chỉ ngồi đó đợi dân tìm đến mà Người còn sai các môn đệ đến với chiên (Mc 6,7-13) chứ không “xua đuổi” chiên như các mục tử xấu trong bài đọc 1); dạy môn đệ phải quan tâm lo lắng cho chiên, dám “dốc sạch túi” để lo cho chiên trước (Mc 6,37-42). Người dạy cho các môn đệ phải dám hy sinh cả những nhu cầu, quyền lợi chính yếu của mình vì đàn chiên (Mc 6,32-34).

Kết quả là chiên vừa được chăm sóc no đủ cả xác lẫn hồn. Còn các môn đệ thật sự trở thành mục tử tốt, hết tình nhất trí, phục vụ đàn chiên theo đúng lệnh truyền của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu.

  • Vị Vua Mêsia “chồi non chính trực” của nhà Đavit: chi tiết này trong Gr 23,5-6 thường được giấu kín trong Tin Mừng Marcô (Mc 1,25.34.44; 3,12; 5,43…). Riêng đối với dân chúng, họ bị nhốt trong cái nhìn phàm tục, chỉ nhận ra Đức Giêsu là một bác thợ, người đồng hương, con bà Maria (6,3). Họ không thể nào nhận ra Người là “Chồi Non Công Chính”, mặc dù họ nhìn nhận lời dạy của Người thật khôn ngoan uy quyền; họ thấy rõ nơi những dấu lạ Người làm là những dấu chỉ thiên sai đã được bao ngôn sứ báo trước. Uy quyền đó đã đạp đổ quyền lực của Satan. Đức Giêsu hoàn toàn làm chủ uy quyền siêu việt thần linh đó và còn trao ban cho Nhóm Mười Hai giúp họ khu trừ ma quỷ (3,15; 6,7). Đức Giêsu hành động như vậy để thiết lập Vương Triều Thiên Chúa ngay tại thế (x.Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật Mùa Thường Niên B, 322).

Và rồi tất cả mọi sự đều bừng sáng khi Đức Giêsu đi đến tận đáy ô nhục của phận con người tội lỗi, thì đó lại là lúc dung mạo thiên sai của Người được tỏ lộ (15,39).

Dung mạo thiên sai mục tử của Đức Giêsu trong Mc 6,30-34

Sau thời gian ngắn sống xa Đức Giêsu, nhưng được Người “điều khiển từ xa” qua các lệnh truyền truyền giáo, các môn đệ làm việc khá thành công (Mc 6,12-13), giờ đây các ông trở về và báo cáo công việc cho Người. Marcô không nói Đức Giêsu phản ứng thế nào trước những báo cáo đó; Người chỉ đưa ra một lệnh truyền mới và chính Đức Giêsu cũng đồng hành cùng đi với họ.

  • “Anh em hãy đi riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”: Đức Giêsu đang đào tạo các mục tử để lãnh đạo đàn chiên (thực hiện lời Thiên Chúa hứa trong bài đọc 1 Gr 23,4) theo mẫu mực của chính bản thân Người.

Thật vậy, ở đây Marcô nhấn mạnh rằng Đức Giêsu muốn Nhóm Mười Hai sống riêng với Người tách xa đám đông… Lời mời gọi này ngụ ý rằng Đức Giêsu ao ước cho các tông đồ của Người được có cùng một nhịp điệu hoạt động công khai và sống cô tịch như Người. Thật vậy, Marcô đã ghi lại rằng sau một ngày đầy thành công giữa đám đông ở Capharnaum thì Đức Giêsu “sáng sớm tinh sương, đã chỗi dậy ra đi đến một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (1,35)… Rồi sau vụ “đi nghỉ ngơi” thất bại này, chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu lên núi một mình để cầu nguyện (6,46). Vậy hãy nên giống như Người sau những hoạt động truyền giáo công khai (x.Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật Mùa Thường Niên B trang 331).

  • Dự tính nghỉ ngơi bị thất bại vì đám đông đoán được ý định và lộ trình của các ngài, nên họ đã tới trước nơi các ngài định đến và chờ đợi ở đó. Đám đông này chắc là đã được thu hút bởi lời dạy và việc làm của Đức Giêsu cũng như của Nhóm Mười Hai vừa đi thực tập về. Chi tiết trên nói lên rằng họ là đàn chiên đang đói khát, bơ vơ không có mục tử chăn dắt. Chính trong tình trạng đáng thương như thế, họ đã được tiếp xúc với Nhóm của Đức Giêsu và nhận ra được nơi đó là nơi họ nương tựa. Và bằng mọi giá, họ đến với Đức Giêsu.

  • Đáp trả của Đức Giêsu (6,34)

    + Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu THẤY: Thấy một khung cảnh khác với dự tính ban đầu của Người; thay vì là nơi hoang vu, tĩnh lặng thì trước mắt Người hiện ra một đám đông, Đức Giêsu không thấy một sự kiện vật chất, Người thấy chiều sâu nội tâm, nhu cầu khao khát lời Chúa: Người thấy nơi họ một “đàn chiên không người chăm sóc”. Cái thấy của Người Mục Tử Tốt nhận ra nỗi niềm khắc khoải của đoàn chiên mình và muốn cứu giúp. (x. Xh 3,7-10).

    +Động lực để đưa tới cái thấy này không là thị giác mà là CHẠNH LÒNG THƯƠNG XÓT. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, động từ “chạnh lòng thương” được dùng rất ít nhưng luôn diễn tả một ỹ nghĩa tâm tình rất mạnh vượt quá tầm suy tưởng của phàm nhân:

    # Động từ này diễn tả tâm tình của một ông vua chủ nợ đã sẵn sàng tha bổng món nợ khổng lồ cho tên tôi tớ chỉ dám xin khất nợ (Mt 18,27).

    # Tâm tình của Người Cha khi thấy đứa con hoang trở về (Lc 15,20).

    # Cách ứng xử lạ lùng của người Samari nhân hậu (Lc 10,33).

Những hình ảnh trên hàm ý rằng động từ này diễn tả lòng nhân ái của chính Thiên Chúa sẵn sàng tặng không ơn cứu độ cho con người (Lc 1,78).

  • Với lòng thương xót ấy Đức Giêsu đã tạm dời dự tính “nghỉ ngơi” để tiếp tục đón tiếp đám đông bằng lời rao giảng và ngay sau đó là bằng bánh ăn.

Qua những chi tiết trong bài Tin Mừng ngắn ngủi hôm nay, Marcô kín đáo cho thấy con người Giêsu đang biểu lộ nơi xác phàm của Người công trình của vị Thiên Chúa Mục Tử đã hứa trong Cựu Ước. Người vừa hết lòng lo cho chiên, vừa tận lực đào tạo hàng mục tử. Điều Đức Giêsu muốn là đào tạo “lòng chạnh thương” để các tông đồ biết ứng xử như Người. Cụ thể ở đây, trước nhu cầu CẤP BÁCH trước mắt của dân, Đức Giêsu ra tay đáp trả; Nhưng Người vẫn không quên cái THIẾT YẾU là nghỉ ngơi cầu nguyện: sau giảng, sau phép lạ nuôi dân cấp bách, Đức Giêsu “lên núi cầu nguyện” (Mc 6,46).

Con người Giêsu với tất cả những gì là một con người, đích thật là Đấng Mêsia – Mục Tử, đích thật là Con Thiên Chúa (Mc 1,1; 15,39).

Frère Pierre Đình Long FSC