CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NÊN NĂM C

St 18, 1-10a; Lc 10, 38-42

Chủ đề: Hiếu khách đối với Chúa: đón rước Chúa vào nhà và chăm chú lắng nghe Lời Chúa.

*St 18, 1.8: ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Abrahma… ông lấy sữa…thịt…mà đãi khách; 18, 10: và khách nói với ông: “sang năm tôi trở lại thăm ông và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai.
*Lc 10,38b: Cô Matta đón Người vào nhà…và tất bật chăm lo việc phục vụ (c. 40a); còn cô maria ngồi bên chân Chúa là lắng nghe lời Người dạy.

    Hôm nay là Chúa Nhật XVI thường niên năm C. Lời Chúa trình bày cho chúng ta gương hiếu khách của Abraham (bài 1) và của các thành viên gia đình Bêtania (tin Mừng). Hiếu khách là một tập tục đẹp, chung cho mọi dân tộc. Tuy nhiên, đối tượng được tiếp đón thường là người thân, quen. Riêng đối với những người dân du mục thì việc tiếp đón khách lữ hành lỡ đường là một bổn phận buộc, bởi vì giữa sa mạc, hoang địa mênh mông thì một túp lều  đúng là “Đất hứa Trời ban”, nhất là đối với các lữ khách đang kiệt lực. Nếu người chủ lều từ chối đón tiếp, giúp đỡ thì đồng nghĩa với việc đẩy người lữ khách vào con đường chết. Tổ tiên là dân du mục được Chúa dẫn đi lang bạt khắp nơi trước khi được định cư tạo Đất Hứa (x.GS 24,2-12) thế nên đối với dân Do Thái, “Hiếu khách” là luật buộc: phải đón tiếp và bảo vệ khách cho dù phải gánh chịu những thiệt thòi lớn lao nhất (x.St 19,8; Tl 19,23tt…). Đón tiếp không phải là vì phép lịch sử, xã giao mà là tạo điều kiện thuận lợi để lữ khách nghỉ ngơi, hồi phục, được bồi dưỡng hầu có thể lên đường tiếp tục cuộc hành trình giữa hoang địa của khách. Và việc xúc phạm đến lữ khách đáng phải chịu những hậu quả thê thảm (x.St 19, 11; Tl 20,1tt). Chính Đức Giêsu cũng hoan nghênh tập tục hiếu khách khi Người kể dụ ngôn “người bạn quấy rầy” để khích lệ chúng ta kiên trì cầu nguyện (x.Lc 11, 5-8).

   Đối với người kitô hữu, hiếu khách là dấu biểu lộ của lòng thương xót, của Luật yêu Người, của tình bác ái kitô giáo đối với mọi người như trong kinh “thương người có mười bốn mối”: CHO KHÁCH ĐỖ NHÀ.

    Riêng với Chúa Nhật XVI năm C, khách đến viếng thăm Abraham và gia đình Bêtania là CHÍNH THIÊN CHÚA: Ngoài việc đón tiếp, phục vụ, điều quan trọng hơn là chủ nhà phải biết CHĂM CHÚ LẮNG NGHE LỜI CHÚA và TIN VÀO SỨ ĐIỆP mà Chúa muốn gởi tới khi Chúa đoái thương ngự đến nhà chúng ta.

    Bài đọc 1 nêu lên tấm gương mẫu mực về hiếu khách của tổ phụ Abraham: ông không làm lấy có, làm với thái độ của kẻ ban phát ơn cho khách; Trái lại, được khách đồng ý ghé thăm là một ơn huệ cho ông (18, 3). Do đó ông đón khách với tất cả chân tâm:

 – Vừa khiêm tốn: ông sấp mình lạy khách, khẩn khoảng mời khách vào nhà, đem nước ra cho khách rửa chân: đây là nghi thức truyền thống của việc ước muốn đón tiếp khách; Rửa chân để làm dịu mát bàn chân mỏi mệt vì dặm đường xa và tẩy đi những bụi bặm để thoải mái bước vào lầu – thường là trải thảm – để nghỉ ngơi (x.Monique Piettre – “Comprendre la parole Annee C p.97), rồi dọn chỗ mát cho khách nghỉ ngơi.

 – Vừa ân cần và quảng đại: lúc đầu ông nói “tôi xin lấy ít bánh”…Nhưng cái “ít bánh” ấy là ba thúng tinh bột (khoảng 30 lít: paroles sur le chemin C p.352), 1 con bê non béo tốt rồi thêm sữa chua, sữa tươi…nghĩa là đãi khách với tất cả những gì là ngon nhất của một người du muck. Rồi ông, bà Sara, tôi tớ hợp lực phục vụ khách tận tình (St 18,5-8) dù thực sự ông chưa quen biết ba vị khách này (18,1-3).

      Tuy nhiên cái chính yếu mà ba vị khách muốn Abraham đón nhận nơi các Ngài là NGHE và TIN vào SỨ ĐIỆP mà các Đấng muốn mặc khải: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai” (18,10a). Lối thể hiện lòng hiếu khách, cách đón tiếp làm đẹp lòng Chúa nhất chính là LẮNG NGHE LỜI CHÚA. Đó là sứ điệp của Tin Mừng hôm nay.

Tin Mừng thuật lại việc tiếp đón Đức Giêsu của hai thành viên trong gia đình Beetania: Mata và Maria với hai cung cách đón tiếp khác nhau.

 – Matta lo tất bật tất cả mọi việc bên ngoài để lo đón khách.
–  Maria chỉ “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”.

    Đức Giêsu không khước từ tấm chân tình của Matta, không hề coi nhẹ việc phục cụ của bà: Thế những việc phục vụ đã đưa bà tới chỗ cáu kỉnh đến thái độ bày tỏ công khai sự bực mình của bà đối với khách. Bà coi cách đón tiếp của bà là duy nhất, cả nhà phải xúm vào lo chung: “Thầy coi, để con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”. Và nếu ý nguyện của Matta được thực hiện thì cả nhà đã bỏ Đức Giêsu ngồi một mình để …chờ bữa ăn!

    Cũng như bài đọc 1, sứ điệp Tin Mừng không nằm ở bữa ăn mà là nằm ở lời do Đức Giêsu mang tới cho gia chủ. Vì thế Đức Giêsu để lưu ý Matta rằng việc cần thiết duy nhất mà Chúa mong đợi khi ta rước Chúa vào nhà là LẮNG NGHE LỜI CHÚA.

    Hiếu khách, tiếp đón, phục vụ tha nhân chắc chắn là đẹp lòng Chúa! Đón Chúa vào nhà chúng ta, chắc Chúa cũng rất vui lòng! Nhưng đối với Chúa, điều quan trọng hơn là động cơ, mục đích của việc đón Chúa. Lòng hiếu khách của chúng ta phải đưa chúng ta để chỗ để Chúa làm chủ nhà chúng ta: lắng nghe Lời Chúa, đón nhận sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến cho chúng ta. Đó mới là điều cần thiết, là “phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (lc 10, 42

Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC