Bài 1
St 18, 20 -32; Lc 11, 1- 13
Chủ đề: Lời cầu nguyện tín thác và kiên trì sẽ được nhậm lời.
* St 18,32: Abraham xin Chúa lần thứ sáu: giả như tìm được trong thành chỉ được mười người lành thì sao? Chúa đáp: Vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Xôđôma.
* Lc 11,9: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa sẽ mở cho.
Lời Chúa của Chúa Nhật XVII C Mùa Thường Niên mời chúng ta suy niệm một vài nét về vấn đề CẦU NGUYỆN. Khi nói tới cầu nguyện, tôi nhớ ngay đến những khái niệm trừu tượng được học thuộc từ nhỏ: cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa; Có nhiều mức độ cầu nguyện với những giá trị đạo đức khác nhau: chóp đỉnh của cầu nguyện là TÁN TỤNG, NGỢI KHEN; Rồi đến TẠ ƠN; Thấp nhất là XIN ƠN. Thực ra đó chỉ là những nổ lực của lý trí để diễn tả một mối tương quan thiết yếu mà con người cần phải có đối với Thiên Chúa. Thực tế cho thấy, con người ý thức rất rõ rằng mình bất lực, giới hạn rất nhiều, do đó việc cần sự giúp đỡ đến từ bên ngoài là cần thiết. Và trong đức tin công giáo, Thiên Chúa đã đến để lấp đầy các lỗ trống thiếu sót nơi phận làm người của chúng ta. Nhờ Thiên Chúa đi bước trước đến với con người nên chúng mới biết cách cầu nguyện (x. Rm 8, 26) và cầu nguyện như là một người con chứ không phải là sợ hãi đến xin Chúa “bố thí” như một nô lệ (x. Rm 8, 15-16).
Lời Chúa hôm nay không trình bày một lý thuyết về cầu nguyện, nhưng đưa ra những trường hợp cầu nguyện thực tế để làm bài học cho chúng ta. Những nét chung từ hai bài đọc:
* Cầu nguyện là bộc lộ chân thành tất cả tâm tình, suy tư của mình cho Chúa, trong tâm tình phó thác, thờ lạy quyết định chung cuộc của Chúa. Trong bài đọc 1, khi nghe Chúa tỏ bày ý định thiêu hủy cả thành Sôđôma, Abraham đã dám thưa lên với Chúa tâm tư, suy nghĩ của ông với nội dung như là cản trở việc làm của Chúa, phê bình hành động của Người: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có 50 người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? … Ngài làm như vậy chắc không được đâu! … Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao? (x St 18, 23-25).
Khi chúng ta dám tín thác, thổ lộ tất cả tâm tư của mình cho Chúa thì đó là chúng ta đang cầu nguyện thật. Chúa sẽ lắng nghe và cho giải đáp. Còn trong Tin Mừng, Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn có ý nghĩa tương tự: “Người bạn quấy rầy” (Lc 11, 5-8). Thiên Chúa được Đức Giêsu so sánh với một người đã cùng gia đình đã lên giường sắp ngủ đêm. Đang chập chờn thiu thiu ngủ thì nghe tiếng gõ cửa của một người bạn hàng xóm đến VAY BA CÁI BÁNH vì anh ta có người bạn lỡ đường ghé nhà mà trong nhà không còn gì để đón khách. Kết thúc dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy người chủ nhà sắp ngủ phải nhượng bộ bạn mình. Đức Giê su là Con Chúa, người biết rõ Cha là Tình yêu nên Người mới dạy chúng ta cứ đến với Cha và trình bày tất cả tâm tư của mình trong phó thác sẽ được Cha nhận lời. Vì đây là một dụ ngôn, chúng ta đừng bận tâm tìm giải thích cho hợp lý mọi chi tiết của dụ ngôn. Điều quan trọng là đọc ra được sứ điệp mà dụ ngôn muốn gởi tới. Sau bài dụ ngôn Đức Giêsu dạy: “THẾ NÊN, Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho …” (Lc 11, 9-10). Vậy bước đầu của cầu nguyện là biết mình đang hiện diện trước tôn nhan Chúa; tiếp đó là bộc lộ hết cho Chúa tất cả những thao thức, bận tâm, khắc khoải, … của mình trong tín thác, đừng bận tâm đó là lời tán dương, tạ ơn hay nài xin.
* Bài học thứ hai về cầu nguyện hôm nay là KIÊN TRÌ, tin tưởng vào Chúa:
Bài đọc một thuật lại rằng Abraham đã “trả giá” với Chúa đến sáu lần: đáp lại lời xin ban đầu của ông, Chúa chấp nhận: “nếu Ta tìm được trong thành Sôđôma năm mươi người lành, thì vì họ ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó” (St 18, 26). Phải nói là Abraham là con người rất thực tế và bén nhạy với cuộc sống: hạ dần con số từ 50, xuống 45, rồi 40, 30, 20, cuối cùng là 10. Chúa vẫn nhận lời khấn xin của ông: “Vì mười người đó, ta sẽ không phá hủy Sôđôma” (St 18, 27c). Tiếc thay, Sôđôma vẫn bị hủy diệt vì tìm không đủ mười người tốt. Nếu Abraham dám xin một lần nữa, và hạ con số xuống ba người thì chắc là Sôđôma đã được tha thứ (x St 19, 20-22).
Sôđôma không được hưởng ơn tha thứ vì không đủ số người lành theo lời xin của Abraham, nhưng tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, vẫn trường tồn: Chỉ cần một con người tốt lành Giêsu, Thiên Chúa tha cho toàn thể tạo vật.
Còn trong Tin Mừng, kết quả tốt đẹp hơn: cuối cùng người xin đã nhận được tất cả những gì anh ta mong ước. Rồi Đức Giêsu kết luận: người đời vốn là xấu mà còn mở lòng ra cho bạn mình kiên trì nài xin thì HUỐNG HỒ CHI là Thiên Chúa, Người sẽ ban ThÁNH THẦN cho những ai kêu xin Người (Lc 11, 13).
* Điều chắc chắn Chúa sẽ ban là gì? Không phải là các nhu cầu vật chất, vì trước sau gì con người cũng chết, ra đi với bàn tay trắng. Điều Chúa ban là ƠN THA THỨ nhờ nhân loại được liên đới với một NGƯỜI LÀNH (bài 1), còn trong Tin Mừng hồng ân Chúa chắc chắn ban khi ta xin là CHÚA THÁNH THẦN. Do đó trong Tin Mừng, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng KINH LẠY CHA (Lc 11, 2-4). Đó mới là lời cầu nguyện mà tín hữu phải hằng ngày dâng lên Thiên Chúa.
Bài 2
Thưa Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện … Đức Giêsu bảo khi cầu nguyện anh em hãy nói: “Lạy Cha … (11, 1-2) … Anh em cứ xin thì sẽ được … (11,9) … Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người (11,13).
Hôm nay Chúa Nhật XVII C Mùa Thường Niên. Bài đọc 1 và bài đọc Tin Mừng hướng về chủ đề cầu nguyện. Phụng vụ Lời Chúa không bàn về lý thuyết cầu nguyện. Không định nghĩa cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa. Không so sánh theo lý trí: cầu nguyện tán tụng, cầu nguyện tạ ơn, … thì tốt hơn là cầu nguyện xin ơn … Tất cả những suy nghĩ kiểu đó là do lý trí hạn hẹp, giới hạn của con người bịa ra …
Lời Chúa hôm nay chỉ nói lên điều này: những người đang kêu xin Chúa (Abraham ở bài đọc 1, và các môn đệ trong bài đọc Tin Mừng), họ thành thực bộc lộ toàn bộ tâm tư, suy nghĩ của họ ra cho Chúa, để rồi sau đó là tâm tình phó thác, thờ lạy, lắng nghe giáo huấn của Chúa chứ không ép Chúa phải thực hiện điều họ đã tỏ bày.
Vì thực ra, những điều mà trí tuệ của con người cho là hợp lí, phải làm thì Thiên Chúa đã dự liệu tất cả: trong bài đọc 1, Abraham đã dám cả gan thưa với Chúa “Chúa giết cả người lành chung với kẻ ác sao? Chúa làm như vậy không được đâu; Chúa làm như vậy là không công minh” (x St 18, 25). Điều quan trọng Chúa cần, Chúa mong đợi khi chúng ta cầu nguyện là dám nói hết, nói thật lòng những gì mà chúng ta ấp ủ trong lòng. Abraham đã dám nói hết cho dù những gì ông nói có vẻ như xúc phạm đến Chúa “… Chúa là Đấng xét xử cả trần gian, lại không xét xử công minh sao?”. Chúa nhìn nhận lời nài xin, lời nhận định của Abraham là đúng, nên Chúa vui vẻ đáp ứng ngay những gì Abraham khẩn nài, cho dù ông có nói đi nói lại đến sáu lần. Điều Chúa muốn khi ta cầu nguyện là BỘC LỘ HẾT CON NGƯỜI THẬT CỦA TA CHO CHÚA để Chúa chỉnh sửa. Vì tất cả những gì chúng ta bộc lộ hết chưa chắc là sự thật. Thật vậy
Rõ ràng Chúa đã nhận lời nài xin của Abraham, nhưng rốt cuộc là thành Sôđôma vẫn bị hủy diệt. Không phải Chúa thất tín mà vì điều Abraham xin, ông đã không thực hiện được: ông tìm không ra mười người tốt trong thành Sôđôma và Gômôra. Abraham không vì lời xin không được Chúa thực hiện mà trách Chúa thất tín; Ông nhận ra các khiếm khuyết nơi lập luận của mình và thờ lạy ý Chúa. Chính tâm tình ngay chính ấy giúp Abraham ngày càng đi sâu vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa, càng ngày càng tín thác vào Chúa, sẵn sàng bỏ đi những suy luận mà ông cho là “chí lý” để dám làm theo điều tưởng chừng là phi lý do Chúa đòi hỏi: ông dám hiến tế Isaac. Thái độ phó thác tuyệt đối cho Chúa khi cầu nguyện là điều Chúa chờ đợi nơi ta.
Một điểm quan trọng khác mà bài đọc 1 hôm nay đề cập đến: đó là Abraham đã dám ngỏ lời thẳng thắn như thế trước Thiên Chúa TRONG TƯ CÁCH LÀ CON NGƯỜI MỚI: con người đã được Thiên Chúa đổi tên, được Thiên Chúa đề nghị kết Giao Ước cắt bì với Người (St17).
Cũng thế, trong bài đọc Tin Mừng, các môn đệ ý thức mình là Nhóm riêng biệt, có mối tương quan đặc biệt với Đức GiêSu, nên họ mới xin Người dạy họ cầu nguyện để phân biệt họ với các nhóm cầu nguyện của các bậc thầy khác: Và có thể nói, cầu nguyện là một nét đặc biệt để xác định căn tính của người môn đệ Đức Giêsu. Đặc nét đó là cầu nguyện với Thiên Chúa là CHA và chúng ta là CON.
Và một điều quan trọng khác mà bài đọc Tin Mừng hôm nay muốn bày tỏ cho ta đó là ý nghĩa câu nói “cứ xin thì sẽ được”. Câu đó không hề mang ý nghĩa là ta xin gì Chúa cùng cho. Không! Điều chắc chắn Chúa cho là “ban tặng Chúa Thánh Thần” cho những ai chân tâm kiên trì van nài. Điều Chúa hứa chắc chắn sẽ ban là ơn cứu độ, là Chúa Thánh Thần.
BÀI ĐỌC I: St 18, 20-32
Đã đến lúc Thiên Chúa thể hiện cách cụ thể những điều Người đã hứa cho Abraham khi gọi ông ra đi. Chúa đưa ông đi sâu hơn vào mối tương giao thân tình, nghĩa thiết với Người: Người đổi tên hai ông bà và kết giao ước với cả dòng giống của Abraham qua nghi thức cắt bì (ch 17). Qua giao ước này, Chúa cũng chỉnh sửa lại những lập luận sai lầm của Abraham (cho dù rất là hợp lý với cái nhìn phàm nhân): Người thừa kế không phải là Ismael con của nữ tì Agar mà là con của Sara chính thất dù vô sinh cho tới lúc đó: Isaac.
Chính với con người hoàn toàn mới mẻ đó của Abraham (đổi tên: St17), Abraham được Thiên Chúa cho thông hiệp vào dự tính của Người: Người tỏ cho ông biết Người sẽ đánh phạt Sôđôma và Gômôra (St 18, 16-21). Chính trong bối cảnh đó: được Chúa đổi tên, được ký Giao Ước, được biết rõ ý định của Chúa … (nghĩa là Abraham đã đi sâu vào mối thân tình với Chúa) mà Abraham đã dám lên tiếng khẩn cầu Chúa tha thứ cho Sôđôma và Gômôra.
-
Yavê bày tỏ ý định của Người cho Abraham (c20)
Và phản ứng thẳng thắn của Abraham (c 23-25)
Cội nguồn của trích truyện hôm nay là tình thân ái của Thiên Chúa và của Abraham đối với nhau: Chúa tự nhủ Người không nên dấu Abraham những gì Người sắp làm. Đáp lại, trong tương quan với Thiên Chúa:
Suốt hành trình đi theo Chúa, Abraham luôn nói hết với Chúa tâm tư của mình kể cả những thất vọng như là trách móc (x.St 15, 2-3; 17, 17-18). Tình thân như bạn hữu ấy, sau này sẽ được Đức GiêSu thiết lập với các môn đệ (x Ga 15,15) và đó sẽ là bản sắc của những người tin Đức Giêsu Kitô: họ được gọi là Kitô hữu tức là bạn hữu của Đức kitô (x Cv 11, 26c).
Như vậy bước đầu của cầu nguyện là sáng kiến của Thiên Chúa là việc Thiên Chúa muốn kết bạn với con người; Và như thế để có thể cầu nguyện chân thật, việc tiên quyết là con người phải chấp nhận đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa.
Thật vậy, vì theo sách Sáng Thế: tổ tông sau phạm tội, đã không dám đến đối diện với Thiên Chúa và Thiên Chúa phải đi bước trước đến tìm gặp con người.
-
Lời cầu xin của Abraham
*Kiên trì và phó thác
Trước tiên, Abraham can đảm nói lên với Chúa tất cả những gì ông suy nghĩ. Ông dựa vào uy tín của Chúa là “Đấng xét xử cả trần gian”, là “Đấng Công Chính” để nài xin Chúa xét lại án xử đối với Sôđôma. “Sự công chính” mà Abraham dựa vào ở đây không là sự công bình theo luật pháp, mà là “lòng thương xót”, “lòng bao dung thứ tha của Thiên Chúa”. Để xin Thiên Chúa tha thứ cho Sôđôma, Abraham chỉ dám đưa ra một chuẩn mực: tìm được năm mươi người lành. Điều Abraham xin không là công bình mà là lòng thương xót của Chúa.
*Tin vào lòng thương xót của Chúa và lời hứa của Người ban cho:
Abraham là phúc lành của chư dân (St 12, 3c), nên Abraham đã can đảm ký kèo với Thiên Chúa đến sáu lần và cả sáu lần xin đều được Thiên Chúa nhậm lời: nếu tìm được đủ số theo lời Abraham xin, Thiên Chúa sẽ tha cho tất cả thành Sôđôma và Gômôra. Tiếc thay mười người tốt cũng không tìm được trong các thành tội lỗi đó. Rốt cuộc Sôđôma vẫn bị tiêu diệt.
Thật ra lòng thương xót của Thiên Chúa không bị điều kiện hóa bởi con số người công chính; Vì trong dự tính của Thiên Chúa, Người đã chuẩn bị chỉ một con người đạp đầu rắn là Người cứu toàn thể nhân loại (x.St 3, 15).
Ngay trong câu chuyện Abraham hôm nay, nếu ta đọc thêm St 19, 21-22 thì thấy ngay, nếu Abraham dám xin một lần nữa chỉ cần ba người công chính thì sao? Chắc chắn Chúa vẫn thứ tha như đã tha cho thành Sôar. Và sự thật là trong chỉ một mình Đức GiêSu, Thiên Chúa thứ tha cho toàn nhân loại. Trong niềm tín thác vào tình yêu thương xót đó của Thiên Chúa, ngày nay Giáo Hội mỗi khi cầu nguyện van nài đều kết thúc bằng lời cậy dựa phó thác vào Đức GiêSu: nhờ Đức GiêSu Con Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
-
Lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn những tưởng nghĩ của con người:
Abraham không dám hạ con số người công chính xuống thấp hơn số mười. Lẽ ra tất cả đều bị tiêu diệt. Nhưng Chúa vẫn nhớ tới gia đình ông Lót Chúa đã cứu gia đình ông Lót ra khỏi Sôđôma; Rồi Chúa lại phải nhượng bộ thêm một bước nữa: tha luôn cho thành Sôar vì gia đình Lót không đủ sức chạy trốn tai họa nữa phải tạm dừng bước tại Sôar.
Dường như Abraham khi nài xin Chúa tha thứ đã quên gia đình ông Lót đang cư ngụ trong Sôđôma. Nhưng gia đình ông Lót vẫn được Chúa xót thương do chính sự công chính của ông biểu lộ qua lòng hiếu khách cao độ của ông (St 19, 1-29).
Tóm lại: Lời cầu nguyện chân tâm, ngay chính, tín thác của người công chính chắc chắn sẽ được Chúa nhậm lời. Tuy nhiên không phải công nghiệp của người công chính mang lại ơn cứu độ cho thế giới. Chính tình yêu quan phòng, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa mới là cội nguồn ơn cứu độ của nhân loại.
Chính lòng thương xót Chúa đã đi bước trước đến với các người công chính và biến họ thành người can thiệp cầu bầu cho người tội lỗi, đồng thời giúp tội nhân hưởng được hồng ân thứ tha của Thiên Chúa.
Cầu nguyện chính là đáp lại một cảnh ý thức tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, là đón rước Chúa vào nhà chúng ta, biến ta nên công cụ cứu độ trong tay Thiên Chúa, mở rộng con đường vào Nước Thiên Chúa cho mọi người.
TIN MỪNG: Lc 11, 1-13
Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem để hoàn tất sứ vụ cứu độ, mở cửa Nước Trời mà Cha đã giao phó, đồng thời chẩn bị cho các môn đệ sẽ tiếp tục công cuộc của Người khi Người vắng bóng (x.CGKPV, “Tân Ước” 1995 trang 303 nốt “K”). LỘ TRÌNH Người đi cũng được nhiều người muốn bước theo, nhưng tâm ý của họ, kể cả các tông đồ thì hoàn toàn khác: đường Người đi là Thập Giá và cùng đích Người nhắm tới là hoàn tất ý Cha trong tư cách là Con; Còn đám đông đi theo Ngài chỉ để tìm tư lợi. Người đang là khách lữ hành nên đám đông theo Người cũng đổi thay tùy nơi tùy lúc; Chỉ có Nhóm Mười Hai là bền chí theo cho đến tận Giêrusalem. Do đó tất cả những giáo huấn của Đức Giêsu họ được hưởng trọn. Và Đức GiêSu tiếp tục lợi dụng tất cả những gì diễn tiến trên đường đi để đào tạo môn đệ, chuẩn bị để họ thay thế Người khi Người ra đi.
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật đã tuyển chọn một số trích đoạn từ tổng thể Lc 9, 51-19, 27 này để mời chúng ta đồng hành với Đức Giêsu và các môn đệ tiến về Giêrusalem theo như ý Cha:
Từ Chúa Nhật XIII C – XVI C, chúng ta đã được mời gọi đáp trả những đòi hỏi của Đức Giêsu để có thể làm môn đệ Người:
– Mùa Thường Niên XIIIC: để theo Đức Giêsu phải từ bỏ tất cả, và việc loan báo Tin Mừng phải là ưu tiên số một đối với người môn đệ.
– Mùa Thương Niên XIV C: đảm nhận mệnh lệnh sứ vụ của Đức Giêsu, đồng thời thanh lọc niềm vui: Vui không vì những thành công trần thế mà vui vì được là công dân Nước Trời (tên được ghi trên trời).
– Mùa Thường Niên XV C: để được thừa kế Nước Trời, điều quan trọng không là công nghiệp (phải làm điều gì) mà là đi vào cái hồn của luật đổi mới tương giao tóm lại trong bốn từ: mến Chúa yêu người, kèm một minh họa dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu.
– Mùa Thường Niên XVI C: người môn đệ là người đón Chúa vào nhà, lắng nghe lời Người và trao cho Người quyền làm chủ đời ta.
Hôm nay Lời Chúa đưa chúng ta vào một tương quan mới: CẦU NGUYỆN.
-
Thưa Thầy, xin dạy cho chúng con cầu nguyện (c.1)
Cách nói không rõ ràng “có một lần”, “một người trong nhóm môn đệ” ám chỉ rằng những gì nói sau đây là nhắm vào mọi môn đệ mọi thời. Môn đệ đến xin Đức Giêsu dạy cho “CHÚNG CON” cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông. Chi tiết trên nhấn mạnh đến tính cộng đoàn và đặt nét của lời cầu nguyện, biểu tượng cho tinh thần một nhóm: cần có một lời cầu nguyện chung cho nhóm giống như là bản tuyên ngôn căn tính của nhóm.
“Vào thời Đức Giêsu có nhiều nhóm tu tôn giáo khác nhau bởi hình thức hay quy luật kinh kệ của họ, vì thế mà có nhóm Pharisêu, nhóm Essênô, và đoạn văn Luca hôm nay cho thấy có nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả nữa. Cách cầu nguyện riêng của mỗi nhóm, diễn tả mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, là mối dây hiệp nhất của nhóm. Việc các môn đệ Đức Giêsu xin có một kinh nguyện riêng, minh chứng họ muốn thành lập một cộng đoàn thiên sai. Kinh ấy sẽ là mối liên hệ và dấu riêng của họ, và kinh ấy sẽ biểu lộ điều họ giữ kín trong lòng. Vì thế Kinh Lạy Cha là bản tóm lược trong sáng nhất, hàm súc nhất của sứ điệp Đức Giêsu” (Chú giải PA Chúa Nhật C Mùa Thường Niên XVII C trang 233)
-
Lạy Cha
Lời dạy đầu tiên của Đức Giêsu về cầu nguyện, để xác định căn tính của môn đệ Đức GiêSu là đưa người môn đệ vào tương quan Cha – Con với Thiên Chúa. Cầu nguyện đích thực là chúng ta đến với Thiên Chúa như là con đến với Cha rồi nói lên cho Cha các tâm tư nguyện vọng của mình trong tâm tình phó thác.
“Cha” = “Abba” đó là cách gọi thân tình mà các đứa trẻ mới bập bẻ nói kêu gọi ba mình. Vì tính cách dịu hiền và thân tình của danh từ ấy nên không ai dám xưng “Abba” với Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu luôn gọi từ ấy với Thiên Chúa và rồi giờ đây Người truyền lại cho chúng ta. Đức Giêsu đã thân thưa với Thiên Chúa như một đứa con nhỏ nói chuyện với Cha cách đơn sơ, chân thành và tín thác (sđđ 235).
Điều trước tiên, Đức Giêsu dạy môn đệ cầu nguyện là TƯ CÁCH: Cầu nguyện như là Con Thiên Chúa. Đó cũng là điều mà thánh Phao Lô cảm nghiệm: “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta … theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27). “Thần Khí mà anh em nhận lãnh được … là Thần Khí làm anh em nên nghĩa tử khiến chúng ta được kêu lên “Abba”! “Cha ơi” (Rm 8,15).
Đặt trong bối cảnh chung của hành trình lên Giêrusalem thì lời đáp cho câu hỏi: phải làm gì để được thừa kế Nước Trời?” (10,25). Việc phải làm để được “thừa kế” = “Klerônômeso là LÀM CON.
Sứ mạng chính của Đức Giêsu khi nhập thể là mang lại cho nhân loại quyền được làm con Thiên Chúa (x. Ga 1, 11-12).
-
Xin cho danh thánh Cha vinh hiển; Triều đại Cha mau đến (c.2)
Lời xin trên có thể hiểu đơn sơ là: xin cho mọi người được biết danh tiếng của Cha, nhìn nhận và thần phục các công cuộc của Cha. Mà mối tương quan (tên) mà Thiên Chúa muốn con người nhìn nhận, thờ lạy đó là gì? Là nhìn nhận Thiên Chúa là Cha.
Đó là điều mới mẻ chóp đỉnh mà Cha đã sai Đức Giêsu đến để mặc khải cho chúng ta: Trước tiên chính bản thân của Ngài đã sống tương quan Cha-Con với Thiên Chúa; Rồi Người thông ban điều đó cho môn đệ và rồi giờ đây Người muốn môn đệ mở rộng tương quan Cha-Con giữa Thiên Chúa và nhân loại cho toàn thế giới.
Làm cho danh Cha cả sáng là làm cho mọi người chân tâm nhận ra Thiên Chúa là Cha và thờ phượng Chúa với tâm tình người con thảo hiếu đối với Cha.
Triều đại Cha mau đến có nghĩa là quyền lực tối thượng của Cha được nhìn nhận và thần phục. Vậy đây là cách nói khác cùng nghĩa với “làm cho danh Cha cả sáng”.
Như vậy điều thứ nhất, Đức GiêSu dạy chúng ta là: trong tư cách là Con Thiên Chúa, chúng ta xin Chúa ban cho ta ơn biết làm cho mọi người (thật sự là anh em của ta vì ta đã biết Chúa là Cha) cũng nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa như là Cha, tuân phục Cha với tâm tình của người con hiếu thảo.
-
Xin cho chúng ngày nào có bánh ngày ấy (c.3)
Đừng quên rằng chúng ta đang xin Cha trong tư cách là con, đứa con còn thơ. Đứa con thơ khi xin Cha bánh, nó không xin để tích lũy, để dành. Nó chỉ xin cho nhu cầu hiện tại. Và thực sự trong tương quan với nhu cầu bản thân, Thiên Chúa muốn ta sống tâm tình phó thác của một trẻ thơ: lượm Mana đủ ăn cho TỪNG ngày, không tích lũy (x. Xh 16, 16).
Vậy lời xin thứ hai mà Đức Giêsu dạy là sống tinh thần phó thác vì xác tín mình là con, Chúa là Cha. Nên nhớ, chúng ta xin điều này trong tư cách là con.
Vậy phần đầu của Kinh Lạy Cha là lời mời sống tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa: trước tiên hãy tìm Nước Chúa, mọi sự khác Chúa sẽ cho thêm.
Cũng có thể hiểu thử “lương thực từng ngày” mà chúng ta phải nài xin là bí tích Thánh Thể hoặc là mọi thứ trợ giúp thiêng liêng mà mọi người Kitô hữu cần có để sống mỗi ngày cuộc dấn thân theo Đức Kitô (sđđ 241).
-
Xin tha tội cho chúng con
Lời cầu nguyện tiếp theo Đức Giêsu dạy ta trong tư cách là con Thiên Chúa, đó là chuyển tương quan Cha – Con đó qua tha nhân: coi nhau là anh em. Ai là người thân cận của tôi? Đó là những người mắc nợ tôi, những người đang cần đến sự tha thứ, tiếp đón của tôi để cuộc sống họ tươi sáng hơn. Chính khi tôi tha thứ cho họ thì tương quan Cha – Con giữa tôi với Thiên Chúa mới bền vững và lớn lên trong tôi.
Trong Luca “chúng tôi tha” = aphiômen ở thì hiện tại nói lên thái độ chung là phải tha thứ luôn (sđđ 242).
-
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ:
“Cơn cám dỗ” không nhầm nói đến những sự cám dỗ nhỏ mọn hằng ngày, nhưng nói tới cơn thử thách vĩ đại cuối cùng ở cửa nhà chúng ta và sẽ xảy ra trong thế giới này: vén màn bí mật sự dữ, phản Kitô xuất hiện, tàn phá ghê rợn (Mc 13,14), bắt bớ cuối cùng và thanh lọc lần chót các thánh của Thiên Chúa do các tiên tri giả và các Kitô hữu chủ xướng. Cơn cám dỗ cuối cùng, đó là phản đạo. Ai có thể thoát? Lời cầu xin cuối cùng của Kinh Lạy Cha muốn nói rằng: “Lạy Chúa xin giữ chúng con cho khỏi bỏ đạo!” (sđđ 243).
Tóm lại, yếu tố đầu tiên và là chính yếu được Đức Giêsu dạy cho các môn đệ khi cầu nguyện là đưa họ vào trong mối tương quan thân tình “Cha – Con với Thiên Chúa giống như Người. Người dạy họ ý thức rõ ràng rằng họ là con, và họ cầu nguyện với Thiên Chúa trong tư cách là “Con”, được quyền và dám thân thưa với Thiên Chúa là “Abba = Cha”.
Cầu nguyện trong tư cách là con, đó là chìa khóa cho mọi lời, mọi cách thức cầu nguyện của Kitô giáo. Mỗi khi cầu nguyện cá nhân cũng như cộng đoàn, là mỗi lần chúng ta tuyên xưng tình Cha – Con với Thiên Chúa và tình huynh đệ đối với nhau. Chính trong mối tương quan đó, mọi ý cầu nguyện của chúng ta được dâng lên Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần. Mọi lời cầu nguyện tiếp theo của Kinh Lạy Cha là lời của đoàn con thảo hiếu dâng lên Cha theo ý nguyện và kiểu mẫu của Trưởng Tử là Đức Giêsu.
-
Phải kiên trì và tín thác khi cầu nguyện (cc 5 – 8)
Sau khi dạy các môn đệ về tư cách và nội dung chính của cầu nguyện, Đức Giêsu còn dạy họ biết lời họ khẩn cầu sẽ được chấp nhận theo cách thức nào, với điều kiện nào.
Đừng quên Thiên Chúa là chủ và mọi việc Chúa làm là để cứu độ thế giới, là để hoàn tất ý định yêu thương của Người, chứ không nhằm thỏa mãn những khát vọng nhất thời, đột xuất của chúng ta. Thiên Chúa không phải là tôi tớ, hoặc là người giữ kho để phân phát cho ta những gì ta đòi hỏi, ngay tức khắc theo ý ta.
Dụ ngôn “người bạn quấy rầy” dạy chúng ta phải ý thức rõ ý nghĩa việc mình cầu xin. Phải nhớ: điểm mẫu chốt của dụ ngôn này là “THỜI ĐIỂM CẦU XIN”: thời điểm hoàn toàn không thích hợp. Chúng ta đang “quấy rầy Thiên Chúa”. Lời xin của ta đòi Chúa phải đổi kế hoạch: Phải thức dậy, phá giấc ngủ của gia đình, phải dọn dẹp chỗ ngủ, mở cửa, … Rồi mới đi lấy bánh cho mượn được.
Chúng ta có dám “quấy rầy Thiên Chúa” như vậy không? Những lúc tha nhân đang có nhu cầu đến ta như người bạn lỡ đường trong dụ ngôn, ta có đủ đức ái để “chai mặt” đi nài xin Thiên Chúa hay xin ai đó cứu giúp? Và nhất là có đức kiên trì, khiêm tốn để nài xin cho bằng được?
Một điều kiện thêm để được nhận lời: tín thác, kiên trì.
-
Cứ xin thì sẽ được (cc 9 – 13)
Như vậy cứ “lì mặt” ra là Chúa phải chịu thua và thỏa đáp mọi đòi hỏi của ta? Không đâu! Thật vậy Lc 11, 9 – 12 dễ bị hiểu lầm như thế! Mẫu chốt là Lc 11, 13: Điều Chúa chắc chắn phải cho khi con cái xin là THÁNH THẦN. Mọi ơn Chúa ban là để “danh Cha cả sáng” nghĩa là để biến chúng ta nên con cái Chúa. Chính Thánh Thần là Đấng hoàn tất ý Cha nơi tín hữu: dám gọi Thiên Chúa là Abba.
Vậy mọi điều Đức GiêSu dạy không nhắm mị dân, đánh lừa ta, thỏa mãn mọi nhu cầu bất kỳ của ta; Mà là để ban cho nhân loại quyền làm “con Thiên Chúa”. Tất cả những gì đi ngược lại cùng đích tối hậu đó không phải là điều Đức Giêsu dạy và hứa trong đoạn này.
Mở đầu là “Lạy Cha” để rồi hoàn tất bằng “ban Thánh Thần”.
KẾT LUẬN: Sđđ 246
Tất cả đoạn này (kết thúc cũng như đã bắt đầu), đều nói đến tình phụ tử của Thiên Chúa Cha, là động lưc sâu sắc của lời kinh đầy tin tưởng của người Kitô hữu. Vì người Kitô hữu, theo lệnh truyền và gương lành của Chúa Giêsu, có thể kêu lên “Abba – Ba ơi” đối với Thiên Chúa, họ rất hy vọng nhận được nơi Thiên Chúa những gì mà họ cần để sống – ngay cả ơn huệ cao cả là Thánh Thần. “Vì tất cả những ai được Thánh Thần Thiên Chúa dẫn đưa đều là Con Thiên Chúa. Như thế, không phải thứ thần khí của hàng nô lệ là điều anh em đã nhận lấy để sợ hãi, nhưng anh em đã lãnh lấy thần khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó được kêu “Abba” (Rm 8,14 – 15).
Frère Pierre Đình Long FSC