CHÚA NHẬT XVIII B THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Xh 16,2-4.12-15; Ga 6,24-35
Chủ đề: Bánh bởi trời đích thật.

* Xh 16,4: Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn.

* Ga 6,32.35: chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời bánh đem lại sự sống. Chính tôi là bánh trường sinh.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật XVIII B Mùa Thường Niên. Lời Chúa tiếp tục đưa ta tiến sâu vào chủ đề LƯƠNG THỰC mà Thiên Chúa đã thương ban để nuôi sống nhân loại.

Chúa Nhật XVIII B làm nổi bật hai cái nhìn khác nhau về LƯƠNG THỰC:

* Con người với mối bận tâm cơm áo gạo tiền chỉ nghĩ tới lương thực trần gian: làm sao có được ăn ngon, mặc đẹp mà bớt đi hay khỏi phải lao động nhọc nhằn… Cách chung, đã là người thì ai cũng ước mong như thế. Chính vì vậy mà khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ dễ dàng nuôi sống đám đông thì người ta sẵn sàng bỏ hết mọi sự để đi tìm Người chỉ để có cái ăn thể xác.

* Còn Chúa, Người muốn ban cho con người lương thực thần linh nuôi sống linh hồn. Người muốn ban cho nhân loại sự sống vĩnh cửu của chính Chúa.

Bởi vì phần xác, dù có được dưỡng nuôi đầy đủ, sung túc đến đâu đi nữa, thì cuối cùng rồi ra cũng phải chết; Trong khi đó, điều mà Thiên Chúa muốn là con người phải sống vĩnh cửu với Chúa. Do đó Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến trần gian ban cho nhân loại thứ lương thực linh thánh: BÁNH BỞI TRỜI nhằm gieo vào thân xác phải chết của chúng ta một mầm sống Thần Linh để sau khi xác phàm phải chết thì mầm sống bất diệt từ BÁNH BỞI TRỜI ấy vẫn tiếp tục lớn lên dọn đường cho ngày thân xác chúng ta phục sinh đi vào cuộc sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. Tuy nhiên người Do Thái lại hiểu rằng “Bánh bởi Trời” là Manna từ không trung rơi xuống (x.Ga 6,31). Lời Chúa hôm nay xác định lại BÁNH BỞI TRỜI là chính Đức Giêsu (x.Ga 6,35). Tiếc thay, con người tội lỗi, giới hạn chỉ thích đi tìm thứ lương thực vật chất để thỏa mãn cái đói trước mắt; Giống như dân Do Thái xưa chỉ thấy nồi thịt và miếng ăn trước mắt mà không thấy cái nhục nhã của phận nô lệ và điểm tới là diệt chủng, dân tộc bị xóa sổ (so Xh 16,3 trong bài đọc 1 với Xh 1,22).

Lời Chúa hôm nay khuyến cáo các kẻ tin phải tỉnh táo, phải ra công làm việc để có lương thực trường tồn mang lại phúc trường sinh, và chính Đức Giêsu là Đấng sẽ ban cho họ thứ lương thực bởi trời đích thực ấy (Ga 6,27.33-35).

Bài đọc 1 thuật lại trích đoạn nói về phép lạ Manna. Đó là lương thực từ không trung rơi xuống, do Thiên Chúa ban để dưỡng nuôi dân Chúa suốt 40 năm trời, vượt sa mạc tiến về Đất Hứa. Khi phải đối đầu với cái đói khát trong hoang địa, tâm trí của dân Chúa lại quay về với vùng đất nô lệ, diệt chủng chỉ để có được món ăn. Họ đã trở mặt trách Môsê và Aharon (qua đó trách Chúa) bằng những lời vô ơn, cay nghiệt (x.Xh 16,3). Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên trì, thứ tha, thương xót, can thiệp ban thịt và bánh cho họ (Xh 16,12). Đó là manna, từ trời (tức trên không trung) rơi xuống. Tuy nhiên mục đích chính không phải là để giải quyết cái đói (vì manna chỉ rơi xuống 40 năm) mà là ĐỂ BIẾT RẰNG “TA LÀ ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA CÁC NGƯƠI” (Xh 16,12b); Chúa làm vậy là để thử xem Dân có TUÂN THEO LUẬT CHÚA HAY KHÔNG (Xh 16,4b).

Cũng trong tinh thần trên, Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại của Đức Giêsu với đám dân đang đi tìm Người, sau khi, hôm trước, được ăn bánh no nê, miễn phí, diệu kỳ. Giống như tổ tiên họ, những người Do Thái thời Đức Giêsu, chỉ thấy của ăn vật chất trước mắt là bánh mì nuôi thể xác, mà không nhận ra đó chỉ là DẤU CHỈ mời họ nhận ra: Đấng đã ban bánh vật chất cho họ hôm trước ở trong hoang địa là chính THIÊN CHÚA. Vì thế cái chính yếu khi đến với Người là LẮNG NGHE và TUÂN GIỮ lời Người để dưỡng nuôi linh hồn, chứ không phải là để tìm bánh mì nuôi thân xác.

Đức Giêsu đã khuyến cáo họ “hãy ra công làm việc… để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (c.27); Việc phải làm là TIN VÀO NGƯỜI (c.29). Đáp lại lời mời gọi ấy, họ đã nại vào chuyện xưa Manna thời Xuất Hành, đòi Đức Giêsu phải cho một dấu lạ tương tự để họ tin. Họ như quên mất dấu lạ nhân bánh. Nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương mặc khải cho họ: dấu lạ Người sẽ ban là chính BẢN THÂN Người: qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể, Truyền chức và hiến tế Thập Giá, Đức Giêsu đã biến bản thân Người thành LƯƠNG THỰC THẦN LINH, là BÁNH BỞI TRỜI ĐÍCH THỰC nuôi sống chẳng những dân Do Thái mà còn toàn thể nhân loại, chẳng những chỉ 40 năm mà cho đến tận thế.

Vậy hãy TIN VÀO ĐỨC GIÊSU, tìm đến lắng nghe Lời Người, đón nhận Bánh Trường Sinh, Bánh Bởi Trời đích thực là THÁNH THỂ. Đó mới là Bánh mà Đức Giêsu mang đến cho ta.

Bài 2

Các ông hãy làm việc…để có lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời… Chính Tôi là bánh đem lại sự sống. Ai đến với Tôi không hề phải đói; Ai tin vào Tôi chẳng khát bao giờ (Ga 6,27a.35).

Lời Chúa của Chúa Nhật XVIII B (và còn kéo dài đến XXI B) tiếp tục nói về chủ đề LƯƠNG THỰC. Chương 6 Tin Mừng Gioan mời những ai theo Chúa hãy sáng suốt chọn lựa giữa “lương thực mau hư nát” và “lương thực thường tồn mang lại phúc trường sinh” (Ga 6,27); Phải biện phân cho ra đâu là cội nguồn của thứ lương thực đem lại sự sống đời đời ấy và đón nhận mà ăn.

“Ăn” là nhu cầu lớn cần cho sự sống của mọi loài. Tạo vật nào, kể cả cỏ cây, cũng phải có cái gì “ăn” để sống và tăng trưởng. Thiên Chúa biết rõ điều đó vì chính Chúa dựng nên vũ trụ mà, nên Thiên Chúa đã tạo nên của ăn cho mọi loài nhất là cho con người, giúp con người khỏi phải vất vả lo lắng đi tìm của ăn; Chỉ cần tuân theo lệnh Chúa là đủ (x.St 1,29; 2,16). Thế nhưng con người đã nghi ngờ tình yêu quan phòng của Thiên Chúa thế nên việc kiếm ăn lại trở thành một lo âu chính, một gánh nặng đè lên kiếp nhân sinh của toàn nhân loại. Mục tiêu chính của “ra công làm việc” (x.Ga 6,27a) không còn là thi hành lệnh Chúa điều hành vũ trụ nữa (x.St 1,26; 2,8) mà chỉ còn thu hẹp lại trong việc tích lũy, kiếm ăn. Thật vậy, sau sa ngã, lao động có mục đích chủ yếu là kiếm ăn và là kiếm ăn một cách cực nhọc: “ngươi phải cực nhọc mọi ngày đời ngươi mới kiếm được miếng ăn…” (St 3,17b);“ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,19). Và rồi hậu quả là lắm khi chính việc kiếm ăn ấy nó đã thao túng một phần, kể cả là phần lớn, cung cách ứng xử của nhân loại với nhau.

Lời Chúa của Chúa Nhật XVIII B cho thấy một góc cạnh của “cái ăn” đã tác động lên con người như thế nào. Đồng thời cũng thật tuyệt vời, Thiên Chúa với quyền năng của tình yêu bao dung, cũng đã dùng chính “cái ăn” đó làm phương tiện giáo dục dân Chúa, sửa dạy họ nên những con người tự do hầu làm chủ được Đất Hứa mà Thiên Chúa hứa ban cho tổ phụ họ.

BÀI ĐỌC 1 (Xh 16,2-4.12-15)

Bài đọc 1 trích từ Sách Xuất Hành thuật lại một biến cố trong giai đoạn đầu tiên của cuộc hành trình sa mạc của Israel, sau khi rời bỏ Ai Cập, vượt Biển Đỏ cách diệu kỳ. Bàn tay Thiên Chúa đang che chở dân, phúc lành của Chúa đang đồng hành với dân. Mọi gian nan thử thách, dân Chúa đều được bảo vệ lướt thắng cách nhẹ nhàng không tốn chút công sức nào. Lẽ ra họ phải biết tin tưởng phó thác tất cả cho Thiên Chúa, họ lại có những phản ứng vô ơn. Dòng máu nô lệ hơn 400 năm ở Ai Cập đã thấm sâu vào họ, cần phải được thử thách, đào luyện trước khi trao ban Lề Luật của những con người tự do và sau đó là Đất Hứa cho họ.

Dân Chúa bắt đầu một giai đoạn mới của lịch sử của họ. Ách nô nệ, mối đe dọa diệt chủng (x.Xh 1,15.22) đã được Chúa cất đi. Từ nay họ phải đảm nhận vận mạng của mình như một con người tự do. Tự do thật của người con dân của Chúa với tâm tình biết ơn, tín thác vào Chúa, chứ không phải là một ảo ảnh của tự do như đứa con hoang đàng trong Lc 15.

Yếu tố đầu tiên trong đất tự do, Chúa dùng để tẩy luyện, đào tạo tự do cho dân là LƯƠNG THỰC: Nước (Xh 15,22-27 và 17,1-7); Bánh và Thịt (Xh 16,1-36. Bài đọc 1 hôm nay là trích đoạn về bánh và chim cút.

1/ “LỌC MÁU” khỏi độc chất “nồi thịt và bánh Ai Cập” (Xh 16,3)

Đứng trước mối đe dọa “sắp chết đói”, dòng máu nô lệ Ai Cập 400 năm trong “bọn khổ sai Do Thái” trồi vọt lên: họ quên hết mọi kỳ công mà Thiên Chúa vừa mới làm cho họ, tâm tình phấn khích hào hùng sau khi vượt Biển Đỏ cũng biến tan đi đâu mất (x.Xh 15,1-21); Tâm trí họ chỉ còn nhớ tới “mấy rẻo thịt thừa diệt chủng” của đất nô lệ Ai Cập (x.Xh 16,3). Nọc độc của thân phận nô lệ đã trở thành máu thịt của họ khiến họ mờ mắt nhìn “nồi thịt và vụn bánh diệt chủng của Ai Cập thì cho “là lương thực nuôi họ, còn vùng đất tự do mà Chúa đang dẫn họ vào là đất chết (sau này con cháu của họ cũng thế thôi: nhìn nhận kẻ thù César là “vua duy nhất của họ” (Ga 19,15b) để chối từ, giết chết Vua Giêsu Đấng Cứu Tinh của họ).

Phải “lọc máu” thôi! Phương thức Chúa dùng là ban cho dân một thứ lương thực mới. Lương thực không đến từ đất diệt chủng do bàn tay kẻ đàn áp thí cho cách nhỏ giọt; Nhưng là lương thực đến TỪ TRỜI do Đấng Giải Cứu là Thiên Chúa thương ban tặng hoàn toàn miễn phí, tự do ăn thỏa thích.

2/ LƯƠNG THỰC MỚI: bánh từ trời do Thiên Chúa ban (Xh 16,4)

Điều đáng trách nơi dân, không phải là “đòi ăn”. Vì “đòi ăn do đói” chính là nhu cầu Thiên Chúa ban tặng cho con người (x.St 1,29; 2,16). Điều đáng trách là CUNG CÁCH ỨNG XỬ: Trước tiên, dân tưởng rằng Ai Cập là nguồn cội của lương thực (xem lại chuyện qua Ai Cập mua lương thực); Thứ đến họ đòi ăn như một bọn nô lệ, như một lũ vô ơn. Phải tẩy sạch dòng máu nô lệ do “nồi thịt Ai Cập” gây nên bằng cách đổi thay lương thực do chính Chúa tặng ban “Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn”; Đó cũng là phương dược Chúa dùng để “lọc máu” dân: Chúa muốn thử thách, đào luyện dân qua cách hưởng dùng thứ lương thực này (lượm ăn từng ngày, ngày thứ sáu lượm gấp đôi) biết tuân theo lệnh Chúa, ý thức rằng cội nguồn lương thực là Lời Chúa: “con người sống là nhờ mọi lời miệng Yavê phán ra” (x.Đnl 8,3).

Đứng trước những thách đố khắc nghiệt, nghiêm trọng của kiếp người, Bài đọc 1 đặt dân Chúa trước một chọn lựa, chọn phương án nào để giải quyết vấn đề?

  • Cậy dựa vào “nồi thịt và bánh ăn Ai Cập” chỉ được kẻ áp bức thí cho nhằm vắt kiệt lực người nô lệ đưa tới diệt chủng.

  • Hoặc cậy dựa vào Lời Chúa, tuân thủ Luật Người đón nhận “bánh từ trời” Chúa rộng ban mỗi ngày cách dư dật để THANH LUYỆN, đổi mới bản thân trở thành con dân Chúa, đầy đủ dũng lực để CHIẾN ĐẤU chiếm và làm chủ vĩnh viễn Đất Hứa.

Đó cũng chính là THÁCH ĐỐ mà Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay mời gọi đoàn người đang ùn ùn kéo đến với Người phải chọn lựa: đến với Đức Giêsu để làm gì?

  • Tìm ăn bánh no nê, tìm lương thực mau hư nát (Ga 6,26b.27a)

  • Hay là tìm lương thực thường tồn mang lại phúc trường sinh (Ga 6,27b)

BÀI ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,24-35

Trong bài đọc Tin Mừng, đám đông, bề ngoài rất hâm mộ Đức Giêsu, họ cố ý tìm Người với hy vọng được hưởng nhiều lợi ích vật chất từ các phép lạ của Người. Tuy nhiên cũng như tổ tiên họ trong bài đọc 1, đám đông Do Thái muốn “nhốt” Thiên Chúa, “bỏ tù” Đức Giêsu trong các khát vọng trần tục chỉ đưa tới diệt vong của họ. Đức Giêsu yêu thương, vạch mặt họ ra “các ông tìm tôi chỉ vì các ông đã được ăn bánh no nê”, đồng thời mời gọi họ hoán cải “hãy ra công làm việc để có lương thực thường tồn mang lại phúc trường sinh” (Ga 6,27), và lương thực đó chính thực là bánh trường sinh do Chúa ban cho, là chính Người (Ga 6,32.35).

Đức Giêsu bắt họ phải đối diện thẳng thắn với những ước mơ của họ và với con người thật của Đức Giêsu, rồi mời gọi họ hãy sống như những con người tự do, quyết định cho mình một chọn lựa:

  • Hãy chọn lựa chính Đức Giêsu, tin vào Người biểu lộ qua vâng lời Người.

  • Đừng tìm bánh ăn, coi Đức Giêsu như “cái lò sản xuất bánh mì” nhằm đáp trả những nhu cầu trước mắt.

Việc cấp bách phải làm là tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Cha đã sai đến (6,29). Tiếc thay họ chẳng chịu tin, họ cứ buông thả mình theo cái tính khí đặc thù của dân tộc họ là “đòi”, “chạy theo” những điềm thiêng dấu lạ (x.1Cr 1,22; Ga 6,30). Và dấu lạ mà họ đưa ra để thách thức Đức Giêsu là lương thực: ông chỉ mới nuôi một nhúm người nhỏ xíu của chúng tôi chỉ mới một bữa ăn, liệu ông có nuôi được toàn dân chúng tôi 40 năm dài như tổ tiên chúng tôi đã được hưởng manna trong sa mạc thời Xuất Hành?

 * “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” (6,25)

Người Do Thái ráo riết “truy đuổi” Đức Giêsu để tìm hưởng phép lạ: đi theo Người từ làng mạc đến hoang địa (6,2); được Người tiếp đón và được hưởng phép lạ (6,10-13); nảy sinh ý đồ muốn tôn Người làm vua (6,15) khiến Người phải trốn lên núi và (hiểu ngầm rằng) họ đã ở lại hoang địa cả đêm để chờ Đức Giêsu (nhưng Đức Giêsu và môn đệ đã về lại Capharnaum trong đêm: 6,16-21); Và rồi “hôm sau”, khi khám phá ra Đức Giêsu và môn đệ không còn ở đó, họ vội vã về lại làng Capharnaum tìm Người (6,24). Và khi gặp Người, lời đầu tiên của họ với Người là “thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”

Bình thường, ta có thể xem đây là một lời chào hỏi xã giao của những người quen biết nhau. Nhưng nếu đem nó đặt vào bối cảnh dân đang ráo riết truy tìm Đức Giêsu để hưởng phép lạ, họ đã chờ đợi Người suốt đêm trong hoang địa, thì câu hỏi này hàm chứa một ẩn ý nào đó nữa. Bản văn không nói rõ ẩn ý gì, nhưng chính Đức Giêsu đã vạch ra cái ẩn ý vụ lợi trong câu hỏi này: họ đi tìm Người để tiếp tục được ăn bánh (6,26). Nhưng Đức Giêsu không có ý hạ nhục họ, Người không bỏ mặc họ trong sai lầm của họ: Người hướng dẫn họ cứ đến với Người, cứ nỗ lực tìm kiếm, tuy nhiên cái phải tìm là “lương thực thường tồn mang lại phúc trường sinh” mà chính Người sẽ ban cho (6,27), vì lương thực đó chính là Người (6,35).

* Phản ứng của người Do Thái (6,28) trước lời mặc khải của Đức Giêsu: phải ra công làm việc để có lương thực đem lại phúc trường sinh, người Do Thái phản ứng ngay tức khắc theo tính khí đặc trưng của dân tộc họ: đòi phải thực hiện ngay trước mắt điều vừa được mặc khải (ví dụ người phụ nữ Samaria trong Ga 4,15); Ở đây đám đông Do Thái cũng đòi Đức Giêsu làm được dấu lạ nào để họ tin (6,30). Rốt cuộc họ vẫn tìm cậy dựa vào một dấu lạ nhãn tiền kiểm chứng được hơn là tín thác tin vào một chứng từ mặc khải (Tôma: Ga 20,25). Trong Ga 6, họ đã được hưởng một bữa ăn lạ lùng, nhưng so với Xuất Hành 40 năm, cả một dân tộc thì 1 bữa ăn cho 5000 người thì chẳng thấm gì. Họ đòi phải có một dấu lạ lớn hơn ít ra là như dấu lạ manna trong Xuất Hành. Chính vì thế họ mới muốn tôn Người làm vua để Người bảo vệ, nuôi sống họ lâu dài; và trước mắt họ đòi Đức Giêsu cho họ ăn ngay và mãi thứ bánh ban sự sống đời đời đó (6,34).

Đức Giêsu từ chối làm dấu lạ khoa trương trước mắt đó, nhưng Người hứa là SẼ ban cho họ. Chữ “sẽ” ở 6,27 và Đấng ban là “Con Người” nhân vật thần linh trong Đn 7,13, kèm them chi tiết “chính tôi là bánh trường sinh” (6,35) khiến chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Giêsu đã hé mở trước trong Ga 6 này Tiệc Thánh Thể.

Và ở đây còn một “phản ứng nhanh” nữa của đám đông mang đậm nét Do Thái. Đó là câu hỏi “CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? (Ga 6,28). “Phải làm gì?” có thể là cách diễn tả lòng sám hối, có thiện chí muốn hoán cải (x.Lc 3,10.12.14; Cv 2,37; 16,30); 

Tuy nhiên cách nói “phải làm gì” đó cũng có thể hiểu theo hướng tiêu cực diễn tả thái độ vụ luật, đề cao công đức công việc đạo đức con người làm được (x.Mt 19, 16; Mc 10,17; Lc 18,18). Các người Do Thái nghĩ rằng họ có thể tự chiếm lấy sự sống vĩnh cửu, với điều kiện hoàn tất một vài điều buộc nào đó (sđd, Mùa Thường Niên B trang 358-359). Nói cách khác là thay vì nhận ra rằng lương thực đưa tới sự sống đời đời là một ân huệ nhưng không Thiên Chúa tặng ban thì họ tưởng rằng có thể mua được bằng một số việc công đức nào đó.

 * Lời đáp của Đức Giêsu

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, người Do Thái đưa ra 3 câu hỏi: 6,25.28.30 dựa trên những nhu cầu trước mắt của họ, và trên những kinh nghiệm lịch sử của họ. Tương ứng cũng có 3 lời đáp của Đức Giêsu.

1/ Là lời đáp lại thái độ ráo riết đi truy tìm Người: câu 26 xem ra Đức Giêsu khích lệ việc nỗ lực đi tìm Người. Nhưng động cơ, mục đích của việc đi tìm đó mới là điều mà Đức Giêsu muốn mặc khải ở đây: đừng tìm nơi Người lương thực hư nát mà là lương thực ban sự sống đời đời.

Hãy điều chỉnh lại động cơ, mục đích của việc tìm kiếm Chúa! Tìm Chúa để học biết Thánh Ý Người để vâng nghe chứ không để đòi hỏi Chúa phải thỏa mãn những nhu cầu thường ngày trước mắt.

2/ Lời khuyên trên đưa họ đến câu hỏi 2: “chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (6,28). Họ đã đồng hóa ý muốn của Thiên Chúa với việc thực hành một số điều Luật, một số việc đạo đức mà chàng thanh niên giàu có, đạo đức là điển hình (x.Mt 19,16-20). Đức Giêsu điều chỉnh lại: Ý Thiên Chúa là muốn nối lại mối tương giao với Thiên Chúa mà tổ tông nhân loại đã cắt đứt khi bất tuân lệnh Chúa từ thuở ban sơ. Nối lại bằng cách nào? “Tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến” (6,29).

Có thể nói câu 29 này là sứ điệp trọng tâm mang nét luân lý của chương 6 này. Đức Giêsu sắp mở ra một mặc khải quan trọng và Người mời tất cả những ai nghe hãy tin vào sứ điệp đó (Tin vào Người) chứ đừng cứ chạy theo điềm thiêng dấu lạ như cha ông họ nữa (x.1Cr 1,22a). Tiếc thay lời mời đó của Người đã bị khước từ. Thật vậy câu hỏi thứ ba (6,30-31) cho thấy đám đông ở đây đang đi vào lối mòn cố hữu của tổ tiên họ.

3/ Câu hỏi 3 của họ là: “ông làm được dấu lạ nào…”. Họ đòi dấu lạ để tin. Họ nại vào một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên họ thời Xuất Hành để thách thức Đức Giêsu: dấu lạ Manna. So với dấu lạ vĩ đại đó thì việc Đức Giêsu vừa làm nuôi sống 5000 người chỉ 1 bữa ăn thì nhằm nhò gì! Họ muốn Đức Giêsu phải làm vua của họ, nuôi sống họ lâu dài. Nhưng họ quên mất một thực tế đau buồn của kiếp người mà Tv 90,10 đã nói tới “tính niên tuế trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi”, như vậy thì giả dụ Đức Giêsu có chịu làm vua theo ý họ đi nữa thì kết cục vẫn là cái chết, làm gì có được sự sống đời đời?

Câu đáp của Đức Giêsu (6,33.35) mở ra cho họ một thực tại mới: lương thực Đức Giêsu trao ban không chỉ nuôi một mình dân Do Thái mà là nuôi toàn thể nhân loại; không chỉ nuôi 40 năm mà nuôi cho đến tận thế:

  • Điều chỉnh (6,32): trước tiên, Đức Giêsu chỉnh sửa khái niệm “bánh bởi trời”. Manna không phải là bánh bởi trời; Đó chỉ là bánh bình thường từ “không trung” rơi xuống. Nó cũng chỉ là lương thực nuôi sống thân xác.

  • Trả lời: đáp lại lời thách thức của đám đông, Đức Giêsu hé lộ mặc khải: chính Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu, ban bánh bởi trời; nghĩa là bánh có nguồn gốc thần linh, tự bản chất có năng lực ban cho kẻ ăn sức sống thần linh vĩnh cửu.

Nghe tới đó, đám đông Do Thái bộc lộ ra ngay – không thể che giấu được – cái tính khí, sắc thái đặc trưng Do Thái: “xin ban ngay cho chúng tôi thứ bánh đó.” (so với Ga 4,15). Họ đòi Đức Giêsu làm ngay dấu lạ đó.

Và Đức Giêsu cũng không từ chối: Người hé mở mặc khải rằng bánh đó chính là Người, “chính Tôi là bánh trường sinh”. Phần còn lại của chương 6 tiếp tục khai triển mặc khải trên.

Đám đông ở đây, cũng như tổ tiên họ (bài đọc 1) được đặt trước một chọn lựa: bánh Ai Cập hay bánh Manna (bài 1); lương thực mau hư nát hay lương thực đem lại phúc trường sinh (Tin Mừng)? Còn đối với chúng ta hôm nay: Thánh Thể Đức Giêsu là gì đối với chúng ta, chiếm vị trí nào trong cuộc đời chúng ta?

Frère Pierre Đình Long FSC
.