CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1

Is 55,1-3;
Mt 14,13-21
Chủ đề: Thiên Chúa quan tâm nuôi dưỡng dân Người.

          * Is 55,1: đến cả đây, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây…đến mua rượu, mua sữa không trả đồng nào.

          * Mt 14,19-20: Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XVIII A Mùa Thường Niên đề cập một vấn đề luôn mang tính thời sự, cấp thiết và nóng bỏng đối với cuộc sống của nhân loại, mọi nơi, mọi thời. Đó là chuyện ăn, chuyện uống; vấn đề LƯƠNG THỰC; Việc cung cấp NO ĐỦ LƯƠNG THỰC cho mọi người.

Nhưng con người là một tạo vật linh thiêng của Thiên Chúa: có XÁC và HỒN. Lương thực phần xác dù cần thiết vẫn là chuyện chóng qua, còn lương thực phần HỒN mới là điều quan trọng. Nên Lời Chúa hôm nay cũng kín đáo cho thấy YẾU TỐ CHÍNH GIÚP CON NGƯỜI NO ĐỦ CHÍNH LÀ LỜI CHÚA: “Hãy chăm chú NGHE Ta thì các ngươi sẽ được ăn ngon…Hãy NGHE thì các ngươi sẽ được sống”. Còn trong bài Tin Mừng, chính Đức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ phải cho đám đông dân chúng ăn; Và trước khi dùng bánh nuôi phần xác đám dân, Đức Giêsu đã dùng lời nuôi đời sống tâm linh của họ: Người dạy dỗ họ (Mc 6,34); Người nói cho họ về Nước Thiên Chúa (Lc 9,11); chữa lành họ (Lc 9,11b; Mt 14,14). Tất cả đều phát xuất từ LÒNG CHẠNH THƯƠNG của Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người, trước nỗi khốn cùng của con người (Mt 14,14).

          Lời Chúa nhấn mạnh: chính Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu chạnh thương đã chủ động nhận ra các nhu cầu của con người và đi bước trước cung cấp lương thực cho những ai đi theo nghe lời Người. Và lương thực đó là ơn huệ nhưng không được Chúa ban rộng rãi cho ai đón nhận.

          Từ của ăn vật chất, Chúa đã từng bước đưa kẻ tin vào của ăn thần linh, thiết lập Giao Ước với Thiên Chúa. Phép lạ hóa bánh ra nhiều được xem là hình ảnh báo trước lương thực thần linh là Bí Tích Thánh Thể.

          Bài đọc 1 là sấm ngôn hi vọng được Isaia đệ nhị gởi đến dân đang bị lưu đày. Họ đã mất tất cả; Họ khao khát tự do, mong được ca ngợi, tôn thờ Chúa…Nhưng với sức riêng mình, họ bất lực; Bao toan tính, cố gắng của họ đều vô vọng…Chính trong cảnh tuyệt vọng ấy, lời ngôn sứ đột ngột vang lên: đừng phí tiền, phí sức cậy dựa vào những thứ không thể mang lại ơn giải cứu; Thay vì tính toán theo lối phàm trần thì hãy ĐẾN VỚI CHÚA, LẮNG TAI NGHE CHÚA thì sẽ được Chúa ban tràn mọi phúc lộc. Các hình ảnh nước, rượu, sữa, thịt…được mời dùng thỏa thuê, miễn phí là cách diễn tả biểu tượng cuộc sống an lạc, sung túc sắp được Thiên Chúa trao ban nhưng không. Thực tại tốt đẹp ấy báo trước cuộc giải cứu ngoạn mục Chúa thực hiện cho dân qua vua dân ngoại: Kyrô vua Ba Tư. Dân Chúa không tốn một mũi tên, một giọt máu nào mà vẫn được vua Kyrô cho tự do khỏi ách Babylon, được hồi hương, lại còn được vua ủng hộ trợ lực giúp xây lại Đền Thờ Giêrusalem. Qua cuộc giải cứu tuyệt vời ấy, Chúa mời dân hãy tin tưởng lắng nghe lời Chúa, đi sâu hơn vào mối thần linh với Người để rồi tự do cùng với Người “thiết lập một Giao Ước vĩnh cửu” như Chúa đã hứa với Đavít.

          Như vậy lòng nhân hậu, xót thương của Thiên Chúa mới là cội nguồn cho mọi thứ lương thực xác hồn cho kẻ tin. TIN NGHE lời Chúa là điều tiên quyết.

          Trong Tin Mừng, Matthêu thuật lại phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất. Trong văn mạch của Matthêu: cho dù Đức Giêsu đã bị dân Nadaret chống đối (13,53-58), cho dù người công chính Gioan vừa bị Herode giết (14,1-12), thì Đức Giêsu cũng không vì thế mà từ bỏ sứ mạng cứu độ của Người: Người muốn tạm thời lui vào nơi thanh vắng để bớt căng thẳng, nhưng khi đến nơi và thấy đám đông dân chúng đã có mặt ở đó thì Người vẫn sẵn sàng tiếp đón họ, đáp lại những nhu cầu họ đang cần: Người chữa lành và nuôi dưỡng họ. Cội nguồn của mọi hành động của Người là LÒNG CHẠNH THƯƠNG; Đó chính là TÂM TÌNH CỦA CHÍNH THIÊN CHÚA trước những đói khát khổ đau của Dân Người (x.Xh 3, 7-10): Chúa đã sai người của Chúa là Môsê đến cứu dân; Trong Tin Mừng, Đức Giêsu truyền các môn đệ “chính anh em hãy cho họ ăn”. Đức Giêsu không cho phép những người theo Chúa tránh né việc phải giúp đỡ vật chất cho nhân loại còn thiếu thốn. Giáo Hội không được viện cớ bất lực hay nghèo nàn để từ chối trách nhiệm: “chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Chúa muốn người môn đệ của Chúa phải sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì mình đang có. Rồi từ sự đóng góp nhỏ bé ấy, Chúa ra tay.

          Như vậy lòng thương xót Chúa bao trùm cả nhân loại từ vật chất tới tinh thần. Điều Chúa muốn môn đệ là HÃY BẮT CHƯỚC NGƯỜI: hãy cho họ ăn với những gì ít ỏi mình đang có: cứ đưa hết năm cái bánh mình đang có, rồi từ cái ít ỏi đó CHÚA NUÔI DÂN.

Bài 2

Is 55,1-3;
Mt 14,13-21

…….Chính anh em hãy cho họ ăn (Mt 14, 16b)…Đức Giêsu cầm lấy 5 cái bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ; và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê (14, 19-20).

Lời Chúa của Mùa Thường Niên 18A đưa chúng ta về lại với một thực tại rất thực tế của cuộc sống thường ngày. Đó là vấn đề LƯƠNG THỰC, vấn đề ĂN UỐNG. Đó là nhu cầu thiết yếu để con người tồn tại và lớn lên. Tuy nhiên điểm nhấn của Lời Chúa  tuần này không nhắm vào việc thoả mãn cơn đói khát của một cá nhân hay là giải quyết vấn đề lương thực của một gia đình mà là, có thể nói đó là 1 BỮA TIỆC dọn ra cho toàn dân, cho tất cả mọi người.

Đây cũng không phải là 1 bữa ăn do bản thân con người dọn ra cho mình, mà là bữa tiệc do chính Thiên Chúa thiết đãi cho toàn dân để hoàn tất lời hứa với tổ tiên họ, để “trọn bề nhân nghĩa với Đavit” (bài đọc 1); là bữa tiệc do chính Con Chúa nhập thể dọn ra để nuôi sống nhữung ai đi theo Người, lắng nghe Lời Thiên Chúa (bài đọc Tin Mừng).

Trong Kinh Thánh, bữa ăn còn mang 1 ý nghĩa tôn giáo, linh thánh. Việc cùng nhau, ăn uống cùng một thứ lương thực, đồng bàn với nhau, trong cùng một lúc, một nơi, một bối cảnh…tạo nên một cộng đoàn chung sống, chung một sinh lực giữa những con người đang dùng bữa với nhau. Người ta còn dùng bữa ăn để ký kết các giao ước, để nói lên rằng, 2 bên đối tác giờ đây trở nên một: 2 bên từ nay cùng chung 1 số phận, 1 vận mạng; chia sẻ cùng một thứ lương thực biểu lộ quyết tâm cả 2 có cùng 1 sự sống, 1 nguồn sống. Vì vậy, bàn ăn chỉ thực sự là hoàn hảo khi các tham sự  viên là những người than, cùng chung chí hướng.

Trong Kinh Thánh, việc phụng tự bên Đông Phương bao gồm những bữa tiệc thánh có tính cách huyền bí; Người ta tin rằng việc thông phần vào hi lễ trong các bữa tiệc phụng tự bảo đảm sự được   hiệp thông, có được quyền năng thần linh…Tiệc Thánh là một nghi thức để củng cố một giao ước…Chính vì thế, Đức Giêsu cũng đã dùng hình thức bữa ăn để ký kết giao ước vĩnh cửu với nhân loại. Ý tưởng trên được được nói rõ trong bài đọc 1: Yavê đãi dân Người 1 bữa tiệc thịnh soạn, miễn phí, dồi dào, qua đó “sẽ lập với dân 1 Giao Ước vĩnh cửu” (Is 55,3b).

Còn trong tin Mừng, phép lạ nhan bánh cũng là 1 bữa ăn do Đức Giêsu và đoàn môn đệ thết đãi đám đông đi theo Đức Giêsu..Thật vậy, các môn đệ đã góp phần lương thực bé nhỏ của mình: 5 cái bánh và 2 con cá, “chúng con chỉ có vỏn vẹn 5 bánh, 2 con cá”; các ông góp công ổn định trật tự và đảm nhận sứ mạng phục vụ cho đám đông. Các chi tiết trên hợp với nghi thức Đức Giêsu thực hiện: …cầm lấy bánh…cá; – ngước mắt lên trời; – dâng lời chúc tụng, bẻ ra; – trao cho môn đệ…gợi nhớ đến việc Người làm trong Bữa Tiệc Ly.

Đó chính là Giao Ước vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã nói đến trong bài đọc 1. Phép lạ nhân bánh là một hình ảnh báo trước.

Điểm mới trong bài đọc Tin Mừng là: các môn đệ không chỉ là người được thừa hưởng bữa tiệc Giao Ước cánh chung mà còn là người phân phát lương thực; chia sẻ của ăn; trở nên cánh tay nối dài của Đức Giêsu để bữa tiệc cánh chung này sẽ được dọn ra MỖI NGÀY, khắp nơi, trên CÙNG 1 bàn thờ, CÙNG một chủ tế là Đức Giêsu để dưỡng nuôi nhân loại vượt qua cõi thế này tiến về quê vĩnh cửu an toàn.

BÀI ĐỌC I: Is 55, 1-3

Chương 54-55 là phần cuối của Sách Isaia đệ nhị (Is 40-55). Chủ đề nổi bật là hướng lòng đám dân đang lưu đày Babylon hướng về ngày Thiên Chúa giải cứu dân khỏi lưu đày và về lại quê cha đất tổ.

Chương 54 lập lại lời loan báo tin vui ấy bằng những hình ảnh quen thuộc trong truyền thống Israel: Phụ nữ son sẻ được sinh con; hình ảnh vợ chồng tan vỡ nay lại được tái hợp ( Is 54, 1-10).

Đền Thờ Giêrusalem được xây lại toàn bằng đá quý; và dân Chúa được đích thân Yavê dạy dỗ, bảo vệ (Is 54, 11-17).

Chương 55 phác hoạ bản chất và điều kiện mà dân phải tuân thủ để hưởng trọn vẹn hạnh phúc ấy. Đó là một ân huệ miễn phí của Thiên Chúa ban tặng; Để hưởng thụ phải: hoàn toàn tin tưởng phó thác. Hình ảnh minh hoạ: bữa ăn miễn phí, dồi dào (55, 1-2a).

Phải chăm chú lắng nghe Lời Chúa (55, 2b-5).

Hãy tìm kiếm, kêu cầu Thiên Chúa ngay, bỏ gian tà về lại nẻo chính (55, 6-7).

Lời trấn an mời dân dù đang lưu đày hãy cứ vững tin vì tư tưởng đường lối của Thiên Chúa vượt xa con người (55, 8-11).

Chương 55 (và cả sách An Ủi) được kết thúc bằng nhắc lại niềm vui ngày trở về (55, 12). Và cuộc đổi đời ngoạn mục (55, 13).

Bài đọc 1 là 3 câu đầu trích từ chương 55. Ngôn sứ Isaia đệ nhị loan báo cho đám dân đang lưu đày biết họ sắp được giải phóng. Hình ảnh được sử dụng là 1 bữa ăn thịnh soạn, dồi dào và MIỄN PHÍ. Điều đó có nghĩa là Chúa đã tha thứ cho dân, đổ tràn ân sủng cho dân và nhất là hoàn chỉnh 1 Giao Ước có giá trị vĩnh viễn, hoàn tất mọi lời đã đoan hứa với tổ tiên.

BỐ CỤC: Is 55, 1-3

1/ Quà tặng nhưng không của Thiên Chúa: lời mời đến hưởng dùng lương thực Chúa ban miễn phí (55,1).

* đối tượng được mời:

– những ai đang khát

– những người nghèo không có tiền để mua lương thực

* mời đến lấy dùng miễn phí: nước, thóc, rượu, sữa.

2/ Cho thấy sự hão huyền của những toan tính phàm nhân (55,3)

* lời mời: Hãy lắng nghe

* Thiên Chúa sẽ lập Giao Ước vĩnh cửu với nhà Đavit.

SUY NIỆM:

1/ Lời mời gọi đến hưởng dùng lương thực miễn phí (55,1).

*  Đến cả đi, hỡi những người đang khát

Trong Kinh Thánh, ơn cứu độ thường được diễn tả bằng một bữa tiệc (Is 25,6), do đó đói khát có thể hiểu theo nghĩa đen, thể lý hoặc theo nghĩa thiêng liêng. Ở đây Isaia đệ nhị ngỏ lời cùng đám dân lưu đày Babylon đã từ lâu thiếu thốn về mọi mặt. Vậy cơn khát ở đây là cơn khát được giải cứu khỏi lưu đày, được tự do và nhất là tự do tôn giáo, tự do thờ phượng dâng lễ vật ngợi ca Giavê Thiên Chúa (Is 44,3: khát thần khí, ân phúc Chúa; 48, 20-21; Am 8, 11; Tv 42,3; 63,2; 143, 6…).

Lời mời gọi được đặt vào miệng Yavê theo lối văn sấm ngôn của các ngôn sứ. Yavê mời toàn dân đã bao năm thiếu thốn đến thụ hưởng nhưng không hồng ân Chúa. Ngôn sứ sử dụng lối rao hàng mời mọc của các con buôn mời gọi khách qua đường để mắt đến món hàng bày bán của mình. Điểm khác biệt là người rao hàng ở đây không phải là con buôn mà là 1 NGÔN SỨ. Như vậy, điều tưởng chừng là không thể nào có được nơi cuộc đời buôn gian bán lận này thì nay Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân Người. (Với sức người, công bình mà xét thì không biết bằng cách nào dân có thể thoát khỏi ách lưu đày Babylon, làm sao về lại Đất Hứa, làm sao tái thiết? Thế nhưng, cái điều tưởng chừng là không tưởng ấy thì Chúa lại sắp thực hiện cho dân.

“ Lương thực được rao bán”: Nước, thóc, rượu, sữa là những thực phẩm căn bản, tiêu biểu cho lòng đói khát căn bản của tâm hồn kẻ bị lưu đày (x. CGKPV Sách Ngôn Sứ 186 “r”).

Nước, Thóc là lương thực cơ bản nuôi sống con người.

Rượu là biểu tượng của lễ hội, niềm vui (x Tl 9,13; Tv 104, 15; Hc 32,6; 40, 20). Sữa là biểu tượng của phú túc, giàu sang (x. G 29,6  nốt “q”; G 20, 17 nốt “i” CGKPV CÁC SÁCH GIÁO HUẤN). Sữa dồi dào là một yếu tố được dùng để mô tả ân huệ, lời hứa Thiên Chúa: “ đất chảy sữa và mật” (Xh 3, 18; 13,5; Gr 11, 5…Is 7, 22).

Nước ĐÃ SẴN ĐÂY: mọi sự đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn cả rồi, không phải là lời mời suông. Chi tiết này làm ta nhớ tới 1 hình ảnh trong Tân Ước Mt 22,4: tiệc đã dọn sẵn rồi, chỉ chờ khách đến dự.

“ Nước đã sẵn” nói lên tình yêu quan phòng chăm lo của Thiên Chúa đối với thọ tạo, với dân của Người: trong sách Sáng thế, Chúa cho mưa xuống, nước vọt lên để con người cày cấy canh tác, tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa; Trong sách Xuất Hành, Chúa đã cho nước vọt ra từ tảng đá để cứu khát cho dân. Vậy lời này mời dân hãy sống tâm tình phó thác.

Và đặc biệt trong hoàn cảnh dân đang lưu đày, lời mời “ Nước đã sẵn đây” còn hàm ý hãy trở về lại với Thiên Chúa là mạch nước dồi dào, đừng chạy theo những dự tính riêng tư, đừng cậy dựa vào tà thần bất lực như Gr 2, 13 đã loan báo.

“ Nước đã sẵn” còn nói lên thời tha thứ đã tới rồi. Hình phạt của tội “biển, sông khô cạn” hoặc “ nước hoá hơi khôgn uống được” (x. Is 19, 5-6) đã qua rồi; đó là dấu chỉ Chúa không còn lánh mặt dân nữa (x. Is 30, 20), dân có thể gặp lại Chúa và sống trọn vẹn ân tình của Người.

* “ Không tiền, bạc; không trả đồng nào”: đây là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa.

“Hãy đến”: chỉ cần một điều kiện duy nhất: hãy đến mà hưởng dùng. Nên nhớ, sau phạm tội, Ađam đã chạy trốn Thiên Chúa.

Rượu – sữa: ân huệ không chỉ dừng lại ở nước mà còn đi xa hơn nữa là dân được hưởng những lương thực bổ dưỡng, cao cấp.

Rượu, sữa là hình ảnh bao trùm toàn thể cuộc sống, ân huệ của dân Chúa. Lao động và được đất đai, muôn loài đáp trả lại bằng hoa màu  sung túc; và rồi lại được hưởng dồi dào những hoa trái  ấy; tất cả là dấu chỉ Thiên Chúa chúc lành, hoặc là dấu chỉ của hồi phục, của tha thứ và tái thiết. Thật  vậy, trong Kinh Thánh, làm mà không kết quả hoặc làm mà không được hưởng huê lợi của công khó của mình là một án phạt của Thiên Chúa nhằm trị tội con người (St 4, 12; Tl 6, 1-6; Đnl 28, 33. 38-42. 49-51). Những tai hoạ ấy đã là chuyện quá khứ, hiện tại là Thiên Chúa cho không  rượu, sữa. Chỉ việc đến, lấy và hưởng dùng.

2/ Sao lại phí tiền/ tốn công: tác giả đã sử dụng thể văn song đối đồng nghĩa trách dân trước kia đã làm một điều phi lý: phí tiền, tốn sức chạy đi cầu cứu ngoại bang; cậy dựa, đặt vận mạng của mình vào 1 thế lực không phải là Thiên Chúa (x. Is 22, 11; Gr 2, 13…). Ngôn sứ mời gọi dân trong hiện tại hãy tỉnh dậy, đừng mê muội lao đầu vào trong những lầm lạc, những việc vô ích không mang lại sự sống ấy nữa. Lưu đày đang là một thực tế ấn tượng cho dân về những lầm lạc quá khứ của mình. Vậy đừng đi vào vết xe cũ nữa.

3/ Vậy theo Is, điều cần làm là gì để được hưởng trọn hồng ân của Thiên Chúa? (55,3)

Bằng một song đối tiệm tiến, ngôn sứ đề nghị cho dân Chúa:

  1. Hãy chăm chú nghe – hãy lắng tai – hãy nghe: “ nghe” ở đây đồng nghĩa với tin và thực hành điều Chúa nói trong c. 1.

  2. Hãy ăn ngon – hãy ăn các đồ ngon ( Phần này chọn dịch theo “Paroles sur le chemin A”, commentaires exégétiques p. 315).

  3. Tâm hồn các ngươi hãy hưởng dùng những mâm mỹ vị.

Tóm 3 điểm trên: dân Chúa chỉ làm một điều: đến và ăn những món ngon đã được dọn sẵn, ăn thoả thuê, miễn phí. Chúa tha rồi, Chúa cho không, đừng tính toán với Chúa theo lối phàm nhân nữa: có qua có lại, dựa theo công đức. Những chi tiết trên cho thấy trước mặt Chúa, chúng ta là đáng giá (Chúa mở tiệc mời ta) dù ta chẳng là gì cả (không có bạc tiền). Điều được thọ hưởng là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa.

* Ta sẽ lập với các ngươi một Giao Ước vĩnh cửu:

Bàn tiệc miễn phí nói trên không phải là một ngẫu hứng nhất thời của Thiên Chúa. Đó là bước đầu để Chúa sẽ lập một Giao Ước vĩnh cửu với đám dân đã được thứ tha, hồi phục. Bàn tiệc trên là hình ảnh tiên trưng của Bàn tiệc Giao Ước vĩnh cửu mà Thiên Chúa sẽ rộng ban cho mọi dân, mọi nước, mọi thời. Giao Ước này vừa là một đáp trả, một hoàn tất những gì mà lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa đã hứa cho Đavit. Vậy nó vừa gợi lại truyền thống (x. 2 Sm 7, 28-29; 23, 5 so Tv 89, 29-38), vừa mở ra cho vô biên, vượt mọi thời gian, không gian, triều đại.

4/ TÓM KẾT:

Bài đọc 1 đề cập đến 3 chủ đề:

1) Ân huệ nhưng không của Thiên Chúa được ban dồi dào cho dân qua lời mời đến hưởng dùng miễn phí bữa tiệc Thiên Chúa thiết đãi.

2) Chỉ cần một điều kiện: lắng nghe, tin Lời Chúa và đến.

3) Chúa làm điều ấy vì Chúa trung tín với Giao Ước do chính Người thiết lập. Vậy hãy an tâm đến hưởng ân lộc Chúa.

Đó cũng là những chủ đề của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Thật vậy, trong Tin Mừng, việc Đức Giêsu đến ở giữa dân Chúa chính là dấu ấn tuyệt vời của lòng tín trung của Thiên Chúa. Chủ đề “ lắng nghe và đến với Chúa” được thấy rõ qua hành động của đám đông cứ bám riết theo Đức Giêsu bất chấp hoang địa, đói khát. Cuối cùng chính Đức Giêsu sẽ đãi họ ăn no nê, miễn phí.

Lòng nhân từ, tín trung ấy của Thiên Chúa vẫn tiếp tục cho nhân loại mọi thời cho đến tận thế: THÁNH THỂ. Thế nhưng liệu con người thời nay có dám nghe, tin và đơn sơ đến hưởng dùng nhưng không? Vì cái quan điểm “ có qua có lại” đã là một chuẩn mực sống, đánh giá con người của xã hội thời đại chúng ta hôm nay. Cái gì cũng quy ra tiền, song phẳng kể cả đối với anh chị em ruột thịt, cha con…Thế nhưng, là Ki-tô hữu, ta có dám tin “ đường lối Thiên Chúa cao hơn đường lối con người” (Is 55, 8-9) và chúng ta có dám là chứng nhân cho đường lối đó?

TIN MỪNG: Mt 14, 13-21

Bài học Tin Mừng hôm nay là một trích đoạn trong tổng thể văn chương nói về những hoạt động của Đức Giêsu sau bài giảng bằng dụ ngôn.

Tin Mừng Matthêu chương 13 đã trình bày Đức Giêsu như là bậc Thầy “giảng dạy về Mầu Nhiệm Nước Trời (Người “ ngồi”, tất cả dân đều đứng 13, 1-2) trong mặc khải chung cuộc của thời cánh chung (“ Hôm ấy” = ên te hemêra). Qua chương 14, để củng cố cho lời giảng dạy trên,  Matthêu qua một loạt phép lạ đã tỏ cho mọi người nhận ra uy quyền thần linh của Đức Giêsu: “ Quả thật Ngài là con Thiên Chúa” (14,33).

Thế nhưng, công trình tốt đẹp đó của Đức Giêsu không ngừng bị kẻ thù gieo “ cỏ lùng” quấy phá: – chúng chạy theo những truyền thống do tự con người bịa ra mà lãng quên điều răn của Chúa (x. Mt 15, 1-9); – Vụ luật, chỉ giữ hình thức mà không hiểu việc mình làm (15, 10-20); – Đui mù trước bao nhiêu phép lạ tỏ tường Đức Giêsu đã làm để rồi lại đòi dấu lạ từ trời để thử Đức Giêsu (16,1); – Trước sự cứng lòng, đui mù của họ, Đức Giêsu chỉ còn một dấu lạ tối hậu: dấu lạ Giona, tức mầu nhiệm Thập Giá, Phục Sinh (16,4).

Tin Mừng hôm nay là phép lạ lớn “hoá bánh ra nhiều”: chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Đức Giêsu, với chút góp công  của nhóm môn đệ đã nuôi sống 5000 người đàn ông, chưa tính đàn bà, trẻ con. Dấu lạ đó đã là bước khởi đầu để sau đó, với phép lạ đi trên nước của Đức Giêsu, đoàn môn đệ đã sớm nhận ra Người là con Thiên Chúa (Mt 14, 33), trước cả khi Phêrô tuyên tín (Mt 16, 16). Nhưng tình trạng tốt lành trên không được trọn vẹn vì những “ cỏ lùng”, “ đất xấu” đan chen vào: ngay sau “bài giảng bằng dụ ngôn”, Đức Giêsu về quê Nadaret liền gặp sự cứng tin, chống đối của dân làng vì cho rằng đã quá quen biết Người (x. Mt 13, 53-58); Ngay sau đó là hoạt động chống phá của “kẻ thù”, giết Gioan Tẩy Giả (14, 1-12). Trước tình trạng đó, Đức Giêsu phải tạm lánh đi đến nơi hoang vắng riêng biệt (14,13) bằng đường thuỷ để tránh đám đông. Thế nhưng, họ biết được dự tính đó nên đã kéo nhau đi bộ dọc theo bờ biển hồ đến tận hoang địa, nơi Đức Giêsu định đến.

Chính trong hoang địa, Đức Giêsu đã “ chạnh lòng thương”, chữa lành và dưỡng nuôi “đàn chiên bơ vơ” không mục tử chăm sóc. Hình ảnh gợi lại biến cố Xuất Hành và bánh Manna; đồng thời cũng nhắc lại lời Thiên Chúa hứa sẽ đích thân đến chăm sóc đàn chiên Chúa (Ed 34). Đức Giêsu đang làm lại công việc của chính Thiên Chúa Yavê xưa đã làm cho dân Israel. Chính trong tư cách là “ Mục Tử – Yavê” mà Đức Giêsu đã đón tiếp đoàn dân. Và các môn đệ “ở trong thuyền” (hình ảnh Giáo Hội) đã nhận ra Người là Thiên Chúa và bái thờ (14,33).

Ở trong đoạn Tin Mừng này, Matthêu trình bày Đức Giêsu – Đấng “chạnh lòng thương xót” chỉ làm phép lạ mà không hề giảng dạy (x. Mt 14, 14). Tại sao thế? Vì việc giảng dạy của Người (khía cạnh ngôn sứ của sứ mạng) đã bị dân Chúa khước từ (13, 57). Họ chỉ muốn đến với Người để hưởng các phép lạ (14, 34-36), để kiếm ăn (x. Ga 6, 26). Mặc dù thế, lòng chạnh thương (thương xót) của Chúa vẫn không suy giảm, hễ có dịp là Người vẫn ban phát thiên ân (13, 58). Trong giai đoạn hiện tại, Đức Giêsu vẫn thực thi dự tính Nước Trời tại thế của Chúa Cha là “ cỏ lùng” và “lúa” sống lẫn lộn; cả hai đều được hưởng đất tốt, dưỡng chất của Nước Trời. họ chưa chịu nghe, còn cứng lòng thì Chúa tạm chờ đợi.

Đức Giêsu không giảng! Nhưng phương tiện chính Đức Giêsu dùng để làm phép lạ vẫn là LỜI, là những lệnh truyền; Và ở phép lạ này, các lệnh của Đức Giêsu được các môn thực hiện triệt để. Cái lợi trước mắt là bánh ăn thể xác thì đám đông hưởng nhưng sứ điệp thần linh thì Đức Giêsu muốn gửi tới môn đệ qua phép lạ này. Thật vậy, các lệnh truyền không được Đức Giêsu nói ra một chiều, nhưng được tỏ lộ dần qua một cuộc đối thoại: Đức  Giêsu từng bước một đưa đoàn môn đệ đi vào trong dự tính của Thiên Chúa là biến các môn đệ thành cộng tác viên của Đức Giêsu trong việc dưỡng nuôi dân Chúa (14, 16b: “anh em hãy cho họ ăn”) và trở thành “ thợ gặt” trong vụ mùa chung cuộc (13, 30a so với Mt 19, 28).

CẤU TRÚC Mt 14, 13 – 21

  1. Khung cảnh (Mt 14, 13 – 14)

 *Thời điểm: ngay sau cái chết của Gioan

              “nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó…”

 * Nơi chốn: hoang địa: Đức Giêsu tạm rút lui vào nơi hoang vắng riêng biệt vì giờ của Người chưa đến.

                Hiểu ngầm Đức Giêsu có mang theo Nhóm 12 (x. c. 15)

 * Thái độ của đám đông: ngược lại với sự khước từ của dân làng Nadarét (x. 13, 53 – 58), đám đông ở đây đã đi bộ tìm theo Đức Giêsu và ở lại với Người suốt cả ngày cho đến chiều.

* Đáp trả của Đức Giêsu: Người là “Thiên Chúa – Mục tử” (x. Ed 34, 16)

                   – chạnh lòng thương: một nét đặc thù của Thiên Chúa trong Cựu Ước.

                – chữa lành các bệnh nhân của họ: gợi hình ảnh Mục tử, lo chăm sóc các chiên đau yếu.

  1. Diễn tiến của phép lạ (Mt 14, 15 – 20a)

2.1. Cuộc đối thoại (14, 15 – 18)

* Tình huống trước mắt: chiều đến, đang ở nơi hoang vắng, số người đông, không lương thực.

* Mối bận tâm và giải pháp của môn đệ (c.15)

               – giải tán đám đông  – Tự họ đi vào làng mạc tìm lương thực.

* Ý muốn của Đức Giêsu (c.16)

               – không để đám đông được Người quy tụ phải tản mác: “họ không cần phải đi  đâu cả”.

                – bổn phận của môn đệ (mục tử) thời Tân Ước: “chính anh em hãy cho họ ăn”.

* Phản ứng thực dụng của môn đệ (c.17)

                 “Chúng con chỉ có 5 bánh và 2 cá”

* Quyết định chung cuộc của Đức Giêsu (c.18)

                   Nuôi dân với 5 bánh + 2 cá: “đem lại đây cho Thầy”

2.2.Phép lạ được thực hiện (14,19-20)

  • Tạo tâm tạng thoải mái: “ngả lưng trên cỏ” 19a

Tư thế của Khách mời chuẩn bị vào tiệc; không có gì phải lo, giành giật, chen lấn.

  • Thực hiện phép lạ (c.19bc)

– dùng công thức lúc lập Thánh Thể: so Mt 26, 26  với 14, 19b

– Vai trò trung gian của môn đệ: “và môn đệ trao cho dân chúng” (c.19c)

2.3. Kết quả: ơn ban vượt quá nhu cầu, quá mong ước (c.20)

– Tất cả đều ăn no nê

– Mẫu bánh dư: 12 giỏ đầy

2.4. Tầm cỡ phép lạ: 5.000 người đàn ông không kể đàn bà và trẻ con (c.21)

SUY NIỆM

  1. Khung cảnh:

 * “Nghe tin ấy”: tin Gioan bị giết oan uổng chỉ vì cái thiếu suy nghĩ, nhất thời và sĩ diện dỏm của Herode.

 Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó: “RÚT LUI”, kiểu nói được Mattheu sử dụng nhiều lần để diễn tả phản ứng của “Người công chính trước thái độ kẻ bạo quyền cứng tin: Mt2, 12-13 (3 nhà đạo sĩ); 2,14.22 (Giuse); 4,12; 12,15; 14,13; 15,21 (Đức Giêsu). Hoặc được dùng để xua đuổi kẻ gian ác, cứng tin không được thông dự vào các công trình của Thiên Chúa (x. 7,23; 9,24).

Trong văn mạch của phép lạ nhân bánh lần 1, Đức Giêsu phải “RÚT LUI” khỏi vùng đất Do thái là vì sự cứng tin của dân thành Nazaret quê hương Người và của Herode vị lãnh chúa đang cai trị Galilê và Pêrê. Và nơi Người tạm lánh là “chỗ hoang vắng”.

 “Chỗ hoang vắng”: so với 14,22 và 14,34 thì nơi hoang vắng này phải nằm ở bờ đông tả ngạn Giođan, tức là vùng đất thuộc dân ngoại. Như vậy cả 2 lần nhân bánh trong Mattheu đều diễn ra ở vùng đất dân ngoại.

Phải chăng Mattheu làm vọng lại ở đây quá trình Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại” Người đồng hương Nazaret đã khước từ Đức Giêsu, quyền lực ở vùng đất Do thái đã bách hại người công chính; Do đó Tin mừng Đức Giêsu phải di tản qua đất dân ngoại và nở hoa sinh trái ở đó.

 “Đám đông…đi bộ mà theo Người”: “đám đông” ở đây là người Do Thái ở bờ Tây của hồ Tibêria. Họ thấy Đức Giêsu đi thuyền qua bờ Đông thì họ vội đi bộ dọc theo bờ hồ và đến với Người trong “hoang địa” để rồi được hưởng dồi dào ân lộc Chúa: được chữa lành, được Chúa chạnh thương, được Chúa chăm lo nuôi dưỡng, được môn đệ của vị thủ lĩnh dân mới phục vụ.

Đám đông ít ỏi (sẽ giải thích sau) dám bỏ vùng đất an toàn của họ, nhưng cũng là vùng đất nô lệ của thành kiến hẹp hòi luật cũ, để theo Đức Giêsu dấn bước vào “hoang địa” (vượt biển từ bờ này qua bờ kia) gợi lại hình ảnh cuộc xuất hành xưa.

Phải chăng Mattheu mời gọi dân Chúa (mọi thời) phải thay đổi não trạng từ bỏ vùng đất cũ là những thành kiến hẹp hòi, đầu óc cứng tin (bờ Tây song Giođan là biểu tượng) để đi vào “hoang địa” tự do, chấp nhận lối sống bấp bênh, thì mới có thể hưởng trọn vẹn được ân lộc Chúa. Trong hoang địa không còn gì để bám víu, chỉ còn Thiên Chúa là nơi cậy dựa.

* Chạnh lòng thương: dịch sát là “rung động trong dạ”, “xúc động tận đáy lòng”, hàm ý tình thương lớn đến độ làm chấn động tâm can, làm rung động cả con người. Cụm này gợi lên hình ảnh lòng dạ người mẹ (ở đây là Thiên Chúa) quặn lên, bồi hồi thổn thức khi nghĩ đến đứa con khốn khổ, (dân Chúa) non dạ dại khờ còn đang lận đận vì những thiếu sót, sai trái của mình, hoặc vì nó bơ vơ lầm than như đàn chiên không chủ và người mẹ (Thiên Chúa) quyết định cúi mình xuống đưa tay cứu vớt làm thay đổi vận mạng đứa con (dân Chúa) nên tốt hơn (x. Is14,1; 49,10-13; Gn31,20; 33,26…).

Ở đây với tấm lòng, cương vị của một vị Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đón tiếp, chữa lành và nuôi sống đoàn dân đi theo Người. Một đàn chiên mới, một dân mới đang được chính Thiên Chúa qui tụ, thiết lập, đáp trả lời đoan hứa của Thiên Chúa trong Ed 34,11-16. Đức Giêsu chính là “Vị Thiên Chúa- Mục Tử” qui tụ, chữa lành và nuôi dân.

* “Chiều đến”: “chiều”: trời sắp tối, điểm giao thời giữa ngày cũ và mới theo cách tính Do Thái. Tuy nhiên, ta có thể nhìn xem ở từ ngữ này 1 nghĩa biểu tượng: sắp bắt đầu 1 kỷ nguyên mới. Thật vậy trong mẫu đối thoiaj giữa Thầy và trò Đức Giêsu, Matthêu đã để cho môn đệ đi bước trước: “ các môn đệ lại gần thưa với Người”. Điều này đã làm lộ ra khuôn mặt của mục tử xấu, lối hành động bỏ mặc đàn chiên đang đói tự đi tìm lương thực trong thời điểm bóng đêm đang ụp xuống (c.15); từ đó làm nổi bật lên giáo huấn của Đức Giêsu về bổn phận mục tử đối với chiên (c.16)

  1. Giải pháp:

* Của các môn đệ:

– “giải tán đám đông”: một đề nghị phá đổ công trình suốt ngày qua của Đức Giêsu: tụ tập đàn chiên quanh Người để chữa lành, hồi phục họ. Giờ đây môn đệ lại muốn bỏ mặc họ tan tác trong đêm tối.

– “ để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”: các ông chỉ thấy nhu cầu của đàn chiên và…phủi tay. Bỏ mặc đàn chiên trong tình trạng mạnh ai nấy lo, và dĩ nhiên kẻ không may mắn, chậm chân…thì sẽ đói.

Như vậy sau khi được Đức Giêsu chữa lành, đám đông có nguy cơ rơi lại vào hiểm nguy: bóng đêm, hoang địa, xa hàng quán (phải đi tìm), đói khát.

Mặc dù đã theo Đức Giêsu, nhưng cung cách của môn đệ vẫn còn đậm nét của “mục tử xấu” (x.Ed 34,1-10) chỉ tìm an thân mình. Và Đức Giêsu phải điều chỉnh lại.

* Tâm nguyện của Vị “Yavê- Mục Tử”: Câu đáp sắc, gọn của Đức Giêsu cho thấy Người đã có chủ ý và quyết tâm thực hiện. Người chính là “Yavê- Mục Tử” đến khai mở kỷ nguyên chính Thiên Chúa chăn dắt dân Người. Thật vậy bằng Lời Chúa, bí tích và Thánh Thể, chính Thiên Chúa chữa lành, nuôi dưỡng dân.

– “ Họ không cần phải đi đâu cả”: trong ý Đức Giêsu, Người đã biết việc phải làm. Dân Chúa chỉ có 1 lương thực duy nhất là chính Chúa. Mọi của ăn khác đều không đáp ứng được các khát vọng thâm sâu của họ. Đừng quên là Dân đang ở trong 1 hoang địa thuộc vùng đất dân ngoại. Nếu giải tán để tự do đi tìm hàng quán thì có nguy cơ họ ăn phải những đồ ô uế. Và trên hết, đã có “Yavê- Mục Tử” ở giữa họ, vừa chữa lành cho họ xong thì họ còn phải đi tìm lương thực ở nơi nào đâu khác nữa?

Công trình qui tụ của Đức Giêsu, các môn đệ không được “ giải tán” bất kỳ vì lý do nào. Môn đệ phải cùng với “Yavê- Mục Tử” thực hiện bàn ăn hồng ân cho dân.

– “Chính anh em hãy cho họ ăn”: trách nhiệm buộc mà “Yavê- Mục tử” trao lại cho các chủ chăn của Dân mới. Chắc chắn Chúa không muốn gây bối rối cho các môn đệ: Theo Ga 6,6 Người chỉ muốn thử các ông thôi, Người biết việc phải làm rồi. Khi ra lệnh như vậy là Đức Giêsu đã muốn thông ban quyền Mục Tử của Người cho các ông. Điều này Người sẽ chính thức thực hiện vào bữa ăn thứ năm trước khi chịu chết: Tiệc ly. Còn giờ đây Người sắp ra tay nuôi đám đông trước mắt và cho các ông cộng tác và đóng vai trò trung gian.

* Phản ứng của các môn đệ: “Ở đây chúng con chỉ có vỏn vẹn 5 cái bánh và 2 con cá”. Trong Tin Mừng thứ tư thì bánh và cá là của một em bé (x. Ga6,9). Các ông đã thủ sẵn cho phần thầy trò vì đây là cuộc ra đi có chủ ý (xem câu 13). Vậy phần các ông coi như đã an toàn và các ông muốn giữ cái an toàn đó.

* Quyết định của Đức Giêsu: “đem lại đây cho Thầy”. Đó là phần Chúa muốn các môn đệ đóng góp. Người không làm phép lạ từ không hóa có (sáng tạo) hoặc “biến đá thành bánh” (cám dỗ trong sa mạc đi trệch đường Thiên Chúa muốn). Đó là phần Chúa muốn các mục tử, môn đệ của Chúa phải đóng góp. Chúa muốn người của Chúa một khi đã đồng hành với Chúa thì hãy từ bỏ đi cái an toàn cho riêng bản thân mình để tận tâm tận lực lo cho đoàn chiên. Một khi họ dám phó thác vào Chúa, trở nên tay trắng như đám đông và như Chúa (“Con Người không có chỗ tựa đầu”) thì lúc đó họ mới hưởng được hồng ân trọn vẹn và trở thành người ban phát hồng ân cho Dân và thi hành được lệnh Chúa “chính an hem hãy cho họ ăn”.

* Đức Giêsu truyền cho đám đông ngả lưng trên cỏ: tư thế thoải mái, không chờ chực, giành giật. Họ được phục vụ, được mang thức ăn đến tận chỗ, ăn theo nhu cầu không sợ thiếu. Họ được tôn trọng. Đó là quyền lợi họ được hưởng không phải vì công nghiệp của họ hay vì họ đòi hỏi mà vì Đức Giêsu MUỐN VẬY: hoàn tất lời Thiên Chúa hứa trong bài đọc 1.

  1. Phép lạ: So với Mc 6,34 và Lc 9, 11, Đức Giêsu trong Mattheu không giảng dạy, không nói về Nước Thiên Chúa nữa trong lần Nhân bánh này, và cả cụm, từ chương 14 đến 17 đám đông dù vẫn còn hiện diện ở đó thì họ vẫn không còn có thể nghe sứ điệp của Đức Giêsu (ví dụ 15,10: đám đông còn đó, Đức Giêsu như nói với họ, nhưng thực ra sứ điệp là cho môn đệ: 15, 12-20). Mattheu nhấn mạnh đến chữa lành và nuôi ăn. Những gì cần cho đám đông, Chúa đã nói hết rồi trong ba bài diễn từ; bài 4 và 5 là nói cho môn đệ (x. 18,1 và 24,1). Đối với Mattheu, hoạt động ngôn sứ của Đức Giêsu tạm chấm dứt. Thật vậy, hai trình thuật đi trước cho thấy như thế: trong lần viếng Nazaret, Đức Giêsu đã tuyên bố “ngôn sứ chỉ bị khinh khi nơi quê hương mình” và cái chết của NGÔN SỨ Gioan (x.14,5: dân coi Gioan là “ngôn sứ”) củng cố lập trường của Đức Giêsu: đối với đám đông Israel, Ngôn sứ như đã chết: khinh khi rồi giết.

Tuy nhiên Chúa không bỏ dân, Người vẫn chữa lành họ, nuôi họ đồng thời huấn luyện các ngôn sứ của thời đại mới tức các môn đệ, tất cả là để chuẩn bị cho ngôn sứ vụ thời cánh chung (x. 28,20: tất cả môn đệ đều giảng dạy, đều là ngôn sứ).

* Người cầm lấy bánh, cá….chúc tụng: đây là nghi thức gia chủ khai mạc buổi ăn gia đình theo thói tục Do Thái; Cũng như trong buổi ăn Việt Nam, người ta thường mời người lớn tuổi nhất, hoặc địa vị nhất đang hiện diện, hoặc mời chủ nhà làm dấu để bắt đầu bữa ăn. Như vậy ở đây, Đức Giêsu với tư cách là CHỦ GIA ĐÌNH MỚI (x. 12,46-50), chủ của Nước Trời (mà Người vừa rao giảng ở chương 13) mời chúng ta dự bàn ăn do người thiết đãi.

Tiên trưng Thánh Thể: tuy nhiên bữa ăn này không dừng lại ở biến cố đã diễn ra trong hoang địa. nhiều chi tiết khác trong trình thuật như “chiều đến” (so với 26, 20) “bẻ ra” “trao cho môn đệ” (so 26, 26) (được trình bày theo đúng thứ tự với trình thuật lập Thánh Thể), rồi từ câu 19b, “cá” biến mất”. Sự bỏ quên cố ý này và các chi tiết kể trên cho phép chúng ta nghĩ rằng Mattheu muốn ám chỉ trước ở đây Bí Tích Thánh Thể, bữa tiệc vĩnh cửu mà Chủ Nhân sẽ thiết đãi mỗi ngày cho đến tận thế cho những ai đến với Người.

Nối kết với quá khứ: một số chi tiết trong trình thuật: hoang địa – dân được ăn no nê, bình đẳng, miễn phí, cũng đã gợi lên biến cố quá khứ là Manna trong thời Xuất hành, với người thủ lãnh là Môsê. Nhưng ở đây còn có cái gì hơn cả Môsê, hơn cả Manna nữa. Vì Môsê chỉ là trung gian báo cho dân biết Chúa sẽ ban Manna; còn ở đây, chính Đức Giêsu ban bánh nuôi dân, Người tự động trực tiếp ban phát không đợi dân xin. “Lòng chạnh thương” của Người đã đi bước trước, chủ động an bài mọi sự cho dân hạnh phúc. Người là “Yavê – Mục tử”. Còn vai trò trung gian trong trình thuật này thuộc về các Tông đồ.

Và hướng về tương lai: “và môn đệ trao cho đám đông”. Xưa kia trong hoang địa, Yavê Thiên Chúa đã ban Giao Ước cho dân, thành lập dân, nuôi dân…qua trung gian Môsê. Nay, Đức Giêsu là Yavê – Mục tử lặp lại những điều ấy cho dân mới, tuy nhiên Người cũng muốn cho các tông đồ được góp phần: Người nhờ họ làm trung gian. Vậy Dân mới là Giáo Hội, thì trung gian mới, Môsê mới, là các tông đồ thì đúng hơn là so Đức Giêsu với Môsê. Đức Giêsu phải là Yavê – Mục tử mới đúng và Manna vĩnh cửu là Thánh Thể. Thật vậy, phép lạ Manna chỉ xảy ra một lần cho dân Do Thái trong một thời gian ngắn là 40 năm sa mạc; Còn giờ đây với “Yavê – Mục tử”, với “Dân mới” và với “các Môsê- trung gian” mới của Người thì Manna – Thánh Thể diễn ra mỗi ngày trong sa mạc trần thế này làm thần lương trợ lực Dân mới đang lữ hành, có đủ sinh lực tiến về quê trời vĩnh cửu.

* “Ai nấy đều ăn và được no nê”: điều Thiên Chúa mời gọi xưa (bài đọc 1: Is55, 1-3) nay đã được Đức Giêsu là Yavê – Mục tử đi bước trước thực hiện cho dân. Xưa Thiên Chúa mời, nay Đức Giêsu không mời, Người sai tông đồ bưng đến tận nơi đàn chiên đang nằm nghỉ để phục vụ họ. Đích thân Người dọn tiệc cho những kẻ đến với Người.

* Những mẩu bánh thừa được thu lại: vọng lại tập tục có từ thời các Tông đồ là gom lại những mẩu bánh đã được truyền phép trong lễ bẻ bánh (đã được cộng đoàn tham dự ăn và còn dư lại), vì đây cũng là Mình Chúa. Số còn dư này hoặc được các tín hữu mang về nhà chia cho những người phải giữ nhà không tham dự lễ bẻ bánh được (chỉ cử hành 1 lần/tuần vào lúc tờ mờ sáng ngày thứ nhất trong tuần), hoặc để dành cho kẻ liệt, hoặc có thể mang theo khi đi du hành và tự hiệp lễ: “cho đến thế kỷ IV, các tín hữu vẫn nhận Mình Chúa bằng tay và còn có thể mang theo Mình Thánh Chúa về nhà mình hoặc mang theo khi du hành và tự hiệp lễ” (THEO trang 963 cột a).

Chi tiết trên củng cố thêm lập trường cho rằng Mattheu đã soạn trình thuật “nhân bánh” này với hậu cảnh là bữa tiệc ly lập Bí Tích Thánh Thể.

* “được 12 giỏ đầy”: kết hợp với ý nghĩa bánh còn dư được mang về cho những ai không trực tiếp dự lễ bẻ bánh để tất cả mọi người được thông hiệp với Đức Giêsu, thì con số “12” giỏ đầy thật là ý nghĩa. “12 giỏ đầy” này là dành cho 12 chi tộc Israel chưa đến tham dự bữa ăn hôm nay do Đức Giêsu thiết đãi. “Đầy” có nghĩa là đủ cho 12 chi tộc, không ai sợ thiếu. Đám tín hữu, đám dân nhỏ bé này được hưởng trực tiếp lễ bẻ bánh sẽ phải mang phần còn lại về cho anh em mình vắng mặt để rồi tương lai tất cả các chi tộc của dân cũng sẽ được thông hiệp bàn tiệc thiên sai của CHÚA. Những yếu tố văn chương mang tính biểu tượng này minh họa thêm cho chủ ý thần học của hai dụ ngôn “hạt cải” và “men trong bột” ở chương 13. Chính nhờ “chia sẻ, bẻ bánh, phục vụ, để dành phần” cho anh em mình trong tình huynh đệ mà Nước Trời sẽ lan ra khắp nơi. Vấn đề không phải chỉ trên bình diện bí tích thiêng liêng mà còn cả trên bình diện thực tế của cuộc sống vật chất nữa.

* “Số người ăn là 5000….”: số người ăn gấp một ngàn lần số bánh. Con số biểu tượng cho thấy phép lạ thật lớn lao. Tuy nhiên, nếu đứng trên một góc cạnh khác là so sánh số 5.000 với phép lạ manna Cựu Ước thì con số của Dân mới trong trình thuật này thật khiêm tốn: lúc ra đi theo Môsê vào hoang địa thì dân chúng trong Cựu Ước hơn 600.000 (x. Xh12,37). Trong Cựu Ước, Yavê đã biểu lộ vinh quang Ngài qua việc giải cứu và nuôi sống đám dân khổng lồ này. Trái lại, đường lối của vị “Yavê – Mục tử” của Tân Ước là đường lối “Nước Trời tại thế”: khởi đầu chỉ là “hạt cải”, là chút “men trong bột”, và rồi qua dòng thời gian với bao gian khó mới trở thành cây, mới làm bột dậy men (Thánh Thể nuôi cả nhân loại mọi thời, mọi nơi).

  1. TÓM KẾT:

Qua trình thuật nhân bánh, Matthêu mời chúng ta chiêm ngắm và nhận ra nơi Đức Giêsu dung mạo của một vị Thiên Chúa, Người là “Yavê – Mục tử” đến giải phóng, chữa lành và nuôi sống dân. Mặc dù dân cũ đã khước từ Người (x. 13, 53-58 và 14,1-12) và hồng ân Người mang đến ban tặng không sinh trái được nơi họ (x. 13,58) khiến Người phải tạm lui bước, thế nhưng Người không bỏ cuộc. Chỉ cần một số nhỏ dám bỏ vùng đất cứng tin để tìm theo Người vào hoang địa thì Người đã thực hiện ở đây một cuộc Xuất hành mới. Một dân mới bắt đầu thành hình được chữa lành, nuôi sống, dù nhỏ bé khởi đầu nhưng hứa hẹn một tương lai thành “cây lớn”. Phép lạ Manna được tái hiện. Nhưng lần này là Manna vĩnh cửu được Yavê – Mục tử, qua trung gian các Môsê mới là các môn đệ Người, trao ban cho toàn nhân loại mọi thời. Với lương thực này Thiên Chúa hoàn tất lời hứa trong Is 55,1-3, và nhờ lương thực này, đoàn dân mới chắc chắn lớn lên và về đến quê trời an lành.

Frère Pierre Đình Long FSC