CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 12,49-53

  Trong Tin Mừng chúa nhật hôm nay, Lc 12,49-53, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên. (Lc 12,49).

      Trong Cựu Ước, Lửa thường là dấu hiệu Thiên Chúa tỏ mình ra.

      Thiên Chúa ký kết giao ước với Abraham: Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật bị xé đôi. (St 15,17). 

       Chúa hiện ra với Mô-sê: Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. (Xh 3,2)

      Lửa cũng thường được dùng để thanh luyện. 

Ta sẽ đưa một phần ba này qua lửa, sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc, và thử chúng như thử vàng. (Dcr 13,9). Người Việt chúng ta cũng nói lửa thử vàng gian nan thử đức

      Các ngôn sứ cũng thường được thanh luyện trước khi được sai đi. 

Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói:  Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.(Is 6,7). 

      Lửa cũng là hình phạt của Thiên Chúa. 

Lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ; lửa đã thiêu rụi hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay.(G 1,16)

     Thiên Chúa cũng tiêu hủy thành Sôđôma và Gômôra bằng diêm sinh và lửa từ trời.(St 19,24).

     Trong thời gian đi rao giảng, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nói đến việc cành nho khô, cỏ lùng, trấu lép đều sẽ bị quăng vào lửa.

      Ngọn lửa Chúa Giêsu đề cập hôm nay không phải là ngọn lửa của án phạt hay huỷ diệt, cũng không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê xin Chúa đổ xuống thiêu hủy một làng Samari.(Lc 9,54) Đây là lửa Thánh Thần, lửa yêu thương, ngọn lửa hâm nóng hai môn đệ đang tuyệt vọng trên đường Emmau.

      Tác dụng của lửa là ánh sáng và sức nóng.

     Ánh sáng dùng để soi chiếu, để phá tan u tối. Sức nóng dùng để sưởi ấm khi mùa đông về và đốt cháy những gì ô uế.

       Thực vậy, đời sống chúng ta phải nóng bằng sự thánh thiện, bằng ơn Chúa. Phải sáng bằng những gương mẫu bác ái, hy sinh. Đừng để ngọn lửa ấy tắt lụi trong tâm hồn và trong cuộc đời. 

       Khi thân xác, tâm hồn kiệt quệ, ủ rũ, đờ đẫn, rã rời… Đó là lúc “hết lửa”. Đó là lúc  giá băng, tê liệt, hết sức sống !Hết “lửa” là hết độ “nóng”. Hết “nhiệt”!

Hết “nhiệt thành”, hết “nhiệt tâm”, hết “nhiệt tình”, hết “nhiệt huyết” …
Khi thân xác hồi sinh, thì cơ thể ấm dần lên.
Khi tình người được cải thiện, thì tình thân ấm dần lên…
Khi con tim biết yêu thương, thì cuộc sống cháy bùng lên…

       Nói chung, Lửa trong Cựu Ước tượng trưng sự hiện diện đáng sợ và quyền năng tối thượng của Thiên Chúa. Lửa có tính cách tác động thanh luyện. Tiến xa hơn, Tân Ước nhìn thấy trong lửa, biểu tượng của tình yêu vô biên và khả năng biến đổi của Thiên Chúa đối với loài người. Nói về lửa Người mang đến thế gian, Chúa nghĩ nhiều nhất đến sứ mạng của Người. 

        Chúa Giêsu còn nói: Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. (Lc 12,51).

      Có lẽ nhiều người chúng ta ngỡ ngàng, vì chúng ta vẫn hiểu Chúa Giêsu được mệnh danh là hoàng tử Hòa Bình.Trong ngày Chúa giáng sinh các thiên thần đã hát xướng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Vậy mà hôm nay Chúa lại nói Ngài đem đến sự chia rẽ.

      Thực ra, khi Chúa đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đã có nhiều người nghe theo; Nhưng cũng có không ít người chống đối. Nếu dân chúng lũ lượt đi theo Chúa, thì ngược lại, các kinh sư, luật sĩ đã phản đối, khi âm thầm, khi kịch liệt. Ngày nay cũng thế, trong một gia đình cũng có người nghe theo lời Chúa, nhưng cũng có người mãnh liệt chống đối. 

       Giáo sư Stêphanô NGUYỄN KHẮC DƯƠNG, nguyên trưởng Ban Triết học và Quyền Khoa trưởng Văn khoa của Đại học Đà Lạt trước 1975; người đã góp công rất lớn trong việc đào tạo nên những nhà tri thức cho Giáo hội và xã hội Việt Nam. Có rất nhiều Tu sĩ, Linh mục và cả Giám Mục… đã là môn sinh của thầy.

       Thầy Nguyễn Khắc Dương sinh ngày 24-9-1925, trong một gia đình Nho Giáo tri thức. Tuổi thơ thầy sống với cha mẹ tại làng Thịnh Xá, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; trực thuộc Giáo họ Bình Hòa, Giáo xứ Đông Tràng, Giáo phận Vinh.

       Thân phụ, cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, là một nhà nho nổi tiếng học giỏi, đức độ. Cụ là một vị quan thanh bạch, trung chính, không lấy danh vị làm vinh, và nổi tiếng thanh liêm nên được dân chúng rất mến phục.

     Thầy Dương là em ruột của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một trong các lý thuyết gia hàng đầu về văn hóa của Cộng Sản Bắc Việt.

     Sinh ra trong một gia đình Nho Giáo, nên từ nhỏ, thầy Khắc Dương không mấy thiện cảm với Kitô giáo, thậm chí là khinh thường. Tuy nhiên, nhờ được học trong trường Thiên Hựu ở Huế, thầy đã có cơ hội tìm hiểu về Đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội ngày 9 tháng giêng năm 1949, tại nhà thờ Nghĩa Yên.

       Việc trở thành người Kitô hữu của thầy Khắc Dương, đã gặp sự chống đối rất lớn từ gia đình và dòng họ, nhất là mẹ của thầy. Bà mẹ chất vấn thầy rằng: “Ông bà tổ tiên của mày có tội gì, mà mày phải cúi đầu cho người ta rửa tội nguyên tổ? Tội của mày là tội bất hiếu, tội này có cạo hết tóc trên đầu cũng không sạch được, vậy chỉ một chút nước trên đầu thì sao mà rửa sạch được chứ”.

      Chia rẽ và xung khắc trong gia đình giáo sư Nguyễn Khắc Dương cũng là chia rẽ và xung khắc trong nhiều gia đình Việt Nam hôm nay. 

    Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con biết nối lửa với Chúa, để đốt nóng trái tim chúng con và để soi chiếu môi trường xung quanh chúng con. Xin cho chúng con biết chọn đường đi của Chúa hơn đường lối thế gian.

Nguyễn Đức Lân