Bài 1
Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ga 6,54a.60-69
Chủ đề: Đáp trả phải có từ phía con người trước bao hồng ân đã được Chúa ban tặng.
* Gs 24,18b: Chúng tôi sẽ phụng thờ YAVÊ Vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.
* Ga 6,68: Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời.
Chúa Nhật XXI B Mùa Thường Niên là Chúa Nhật cuối cùng trong loạt 5 Chúa Nhật năm B trích đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan. Chủ đề chính được Lời Chúa hôm nay hướng đến là THÁI ĐỘ ĐÁP TRẢ TỪ PHÍA CON NGƯỜI trước những mặc khải, hồng ân mà Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng cho nhân loại.
Thiên Chúa là Đấng Công Chính, luôn trung tín với các dự tính của mình, chắc chắn sẽ hoàn tất tốt đẹp những gì Người đã đoan hứa, vì thế Thiên Chúa tìm đủ mọi cách để thể hiện hiệu quả tình yêu của Người đối với các loài thọ tạo Người đã dựng nên; Người quyết làm cho kỳ được bất chấp mọi thăng trầm, nóng lạnh kể cả phản loạn từ phía con người. Trong Đức Kitô, tất cả những gì cần trao tặng, tất cả những gì cần làm vì ơn cứu độ, vì hạnh phúc của nhân loại, Thiên Chúa đã hiến tặng tất cả: vượt mọi ơn huệ vật chất lẫn thiêng liêng, THÁNH THỂ của Ngôi Lời nhập thể và cả THÁNH THẦN cũng đã được thông ban cho chúng ta.
Tuy nhiên Thiên Chúa không ép buộc ai! Ân huệ Thiên Chúa chỉ trổ sinh hoa trái tốt nơi ai mở lòng đón nhận. Vì vậy THÁI ĐỘ ĐÁP TRẢ của con người, của từng người cho bản thân mình là không ai có thể thay thế mình được. Mỗi thế hệ, mỗi nhóm, mỗi cá nhân phải đích thân đón nhận, đáp trả, làm thành của mình những gì đã được Thiên Chúa thương ban.
Bài đọc 1 trích phần kết của sách Giôsuê. Thiên Chúa đã hoàn tất lời đã hứa với Abraham (St 15,18) với Môsê (Xh 3,8; 6,8): Dân đã hoàn toàn làm chủ Đất Hứa, mỗi chi tộc đã được lãnh phần gia nghiệp của mình (x.Gs 24,11-13). Cái gì Thiên Chúa hứa ban, dân đã cầm chắc trong tay. Trước tình yêu bao la như thế của Thiên Chúa đối với dân, dân đã đáp trả lại như thế nào?
Giôsuê đã tập họp toàn dân lại ở Sikem, đặc biệt là các kỳ mục, thủ lãnh, thẩm phán, ký lục; Rồi mời tất cả nói lên lập trường của mình: chọn lựa phụng thờ YAVÊ hoặc là chạy theo các tà thần dân ngoại? Chúa đã trao tất cả mọi sự cho dân rồi để tránh cho họ tình trạng bị ép buộc phải theo Chúa để có được phần chia đất đai. Chúa không hề ép buộc, làm áp lực trên dân; Chúa muốn dân có một quyết định hoàn toàn tự do và biệt vị.
Về phần mình, Giôsuê khẳng định lập trường của ông và gia đình ông là nhất quyết đi theo và phụng thờ YAVÊ (Gs 24,15b). Trước lập trường vững chắc và quyết liệt của Giôsuê, toàn dân cũng đã đồng thanh, nhất trí tuyên xưng đức tin của họ vào YAVÊ. Họ nhìn nhận những gì Chúa đã làm cho cha ông họ cũng chính là làm cho họ. Vì thế giờ đây, họ đích thân lập lại Giao Ước mà cha ông họ đã ký kết cùng Thiên Chúa. Mỗi người, mỗi thế hệ phải nhận ra rằng ân huệ Chúa làm cho cha ông cũng là làm cho chính mình, để rồi đích thân đi vào giao ước với Thiên Chúa: “về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ YAVÊ vì Người là Thiên Chúa của CHÚNG TÔI” (Gs 24,18b).
Trong Tin Mừng, trước những lời mặc khải quyết liệt, không cần giải thích của Đức Giêsu – Bánh Trường Sinh chính là THỊT MÁU Người; Phải ăn thịt và uống máu Người mới có được sự sống đời đời (Ga 6,54-55) – thì phần lớn các môn đệ bị dội, xốc: “Lời này chướng tai quá! Ai nghe cho nổi?” (6,60). Họ không tin Lời của Đức Giêsu vì họ phán đoán theo cái nhìn phàm tục giới hạn: họ tưởng Người là con bác thợ Giuse (6,42). Với tầm nhìn sai lạc như thế thì việc mổ xẻ một con người đang sống để chia thịt máu thì đúng là phi lý, vô luân không chấp nhận được. Tuy nhiên điều mà Đức Giêsu muốn mang tới cho nhân loại MỌI THỜI không là những khối thịt máu người chết mà là NHÂN TÍNH PHỤC SINH của Người gồm Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Người (GLHTCG 1374). Do đó Người chỉ mở rộng mặc khải cho thấy cội nguồn thần linh của Người “Nếu anh em thấy Con Người lên nơi Người đã ở trước kia thì sao?” (6,62). Câu trên báo trước điều Người sẽ thực hiện trong buổi Tiệc Ly, trên Thập Giá, qua Phục Sinh và Thăng Thiên. Chính cái thân thể phục sinh là thân thể có THẦN KHÍ (x.1Cr 15,44) mới ban sự sống đời đời. Mặc khải ấy đã đặt các môn đệ trước một CHỌN LỰA: chọn nhìn theo xác thịt, hay chọn nhìn theo Thần Khí? (x.6,63). Cuối cùng chỉ còn lại Nhóm Mười Một (Giuđa về sau bội phản) đáp lại lời cật vấn, chất vấn của Đức Giêsu (6,67): “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời… chúng con tin và nhận biết Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (6,68-69). Đó cũng là lời ĐÁP TRẢ mà Đức Giêsu đang và hằng mong đợi nơi mỗi tín hữu chúng ta.
Bài 2
Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con sẽ đến với ai? Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa. (Ga 6,68-69).
Hôm nay, Chúa Nhật XXI B Mùa Thường Niên, trích đoạn Tin Mừng đọc trong lễ này là phần kết của loạt bài được vay mượn từ Tin Mừng Gioan để đọc bổ sung các bài đọc trích từ Marcô năm B. Trong bốn Chúa Nhật liên tiếp: XVII, XVIII, XIX, XX B, chúng ta đã thấy Đức Giêsu nỗ lực tìm cách tỏ bày dung mạo Mêsia của Người cho dân Do Thái và mời gọi họ hoán cải, tin vào Người. Tất cả những thắc mắc, nghi ngờ, tranh luận chẳng những không cản trở được những mặc khải của Đức Giêsu mà còn trở nên những chất liệu, những bậc thang để Người khai thác đưa họ tới mặc khải chung cuộc.
Trong Ga 6, chúng ta đã thấy Đức Giêsu kiên trì từng bước một dìu dắt đoàn chiên dân Chúa đi từ “tấm bánh mì” chỉ nuôi được thân xác một bữa ăn, đến một thứ lương thực thần linh, từ trời xuống, có thể ban cho toàn thể con người sự sống vĩnh hằng, thường tồn. Và điều bất ngờ, vượt mọi tưởng tượng phàm nhân, gây sốc cho đám đông, nhưng đó lại là cái chóp đỉnh mà Đức Giêsu muốn mặc khải trong Ga 6 này: loại bánh trường sinh ấy chính là THỊT và MÁU của Người.
Sau khi bày tỏ hết huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa cho đám đông, Đức Giêsu mời gọi họ hãy ăn thịt và uống máu của Người để có được sự sống đời đời, Người mong mỏi đợi trông sự đáp lời của họ. Mời họ suy tư, biện phân và chọn lựa: Tin hoặc khước từ Người. Vận mạng của từng cá nhân, của mỗi tập thể tùy thuộc vào sự chọn lựa của mình.
Tin Mừng Mùa Thường Niên XXI B lẫn bài đọc một đều mời gọi con người hãy suy nghĩ cho chín chắn rồi dứt khoát chọn cho mình một quyết định: theo Chúa hoặc là chống lại Người.
Thiên Chúa không đòi hỏi con người quá mức; Thiên Chúa không để chúng ta phải chọn lựa “chay”, phải mò mẫm biện phân trong đêm tối, không có định hướng.
Trong Ga 6, cũng như trong bài đọc 1 hôm nay, Thiên Chúa đã ban cho con người những hồng ân cụ thể, đã được thụ hưởng trước mọi ân lộc Chúa ban:
-
Trong bài 1, dân đã chiếm được Đất Hứa rồi, các chi tộc đã được lãnh phần đất của mình rồi, mọi sự đã ổn định cả rồi. Chính trong tình trạng bình an và thoải mái, không bị chút áp lực nào, họ được mời CHỌN LỰA.
-
Trong Tin Mừng cũng thế! Đám đông đã được ăn bánh no nê rồi, họ đã được Thiên Chúa lôi cuốn đến với Đức Giêsu rồi, họ đã tranh luận chất vấn Đức Giêsu, được Người soi sáng rồi. Và họ được Đức Giêsu đặt trước “cây trái cấm”: ăn hay không ăn thịt máu Người.
Bài đọc 1: Gs 24,1-2a.15-17.18b
Bài đọc 1 trích từ chương cuối của sách Giôsuê.
Việc đánh chiến Đất Hứa và chia phần đã hoàn tất. Dân Chúa được bảo vệ sống an bình, ngẩng cao đầu trong đất Chúa đã hứa ban cho tổ tiên họ (x.Gs 21,43-45). Yêu mến Yavê, trung tín với Luật Người đó là khiên che thuẫn đỡ bảo vệ dân vui hưởng dài lâu phúc lộc của Chúa; Trái lại, nếu bội phản, bất trung thì bất hạnh sẽ giáng xuống trên dân (x.Gs 23,6-16).
Như vậy Chúa đã hoàn tất mọi sự cho dân. Mỗi chi tộc, thị tộc gia đình đều đã lãnh phần của mình. Mọi sự lành, họ đã nắm hết trong tay rồi; Chúa không dùng phần thưởng, lời hứa làm áp lực để đòi buộc họ phải tuân giữ Luật Chúa. Vấn đề còn lại là họ đừng phung phá, nhưng phải biết giữ gìn, trân trọng và phát huy hồng ân Chúa đã ban để hạnh phúc họ đang có không chỉ là nhất thời mà là trường tồn, vĩnh cửu.
Nhìn lại những chặng đường đã qua, dân Chúa đã biết cách Thiên Chúa làm việc như thế nào rồi: thưởng, phạt, khen, chê họ đã từng nếm trải. Những hậu quả đắng cay của hành trình sa mạc còn in đậm trong tâm trí họ: Nghĩa là họ biết rõ phải làm gì để giữ được bền lâu phúc ân đang được hưởng. Chính trong một bối cảnh như thế, Giôsuê đã tập họp các đại biểu của dân lại tại Sikhem mời họ làm một chọn lựa, ký kết một giao ước với Yavê. Chọn lựa trong tư cách là những nhân vị tự do, trưởng thành, đã có gia sản trong tay, tràn đầy kinh nghiệm sống, ý thức được trách nhiệm việc mình làm.
*Sikhem: nằm giữa núi Evan và núi Garidim (x.Ga 20,7). Đó là một nơi thánh (c.26), có liên quan đến lịch sử các tổ phụ: Abraham (St 12,6-7), Giacob (St 33,18-20; 35,4). Vì ở miền trung nên Sikhem trở thành nơi các chi tộc dễ dàng tụ họp (x.CGKPV “Các sách lịch sử” năm 1999 trang 82 nốt “y”) (Cha Thuấn “Kinh Thánh” trang 490).
Đến thời song quốc, Sikhem trở thành thủ đô của vương quốc phía bắc với tên là Samari, đó cũng là Xykha trong Ga 4,5 (x.Comprendre la Parole năm B cuốn 3 trang 160 nốt “l” ).
*Cuộc quy tụ (Gs 1,1)
Cách nói của Gs 1,1 cho thấy đây là cuộc quy tụ toàn dân. Đây là quyết định, sự chọn lựa của từng cá nhân nhưng cũng là của một cộng đoàn đồng tâm nhất trí. Mỗi người phải nhận trách nhiệm như một nhân vị trưởng thành, độc lập, nhưng cũng trong tư cách là thành viên của cộng đoàn. Mỗi người lẫn toàn dân được Chúa đặt đứng trước “cây trái cấm” của mình và phải chọn.
Đám người này là những ai? Đương nhiên họ là con cái Israel; Tuy nhiên nhóm này (trừ Giôsuê và Caleb) chưa ai ký giao ước với Chúa cả. Vì lúc cha ông họ kết ước với Thiên Chúa tại núi Sinai thì nhóm này chưa chào đời hoặc chỉ là một vài ấu nhi. Họ chỉ thừa hưởng được Lề Luật do cha ông họ để lại, nhưng họ đã sống và có kinh nghiệm với Luật này. Cha ông của họ kể cả Môsê, Aharon đều chết trong hoang địa. Người cầm vũ khí chiến đấu và giữ Luật chính là họ. Và lời hứa ban đất đã hứa cho Abraham, giờ Chúa hoàn tất nơi họ. Phần thưởng mà Chúa hứa cho cha ông, họ đang hưởng đây rồi, nhưng còn lời cam kết của cha ông họ thì sao? (x.Xh 19,8; 24,3.7.8)
*Mời dân chọn lựa (Gs 24,15)
Đức tin là gia sản Chúa ban cho mọi người, nhưng đức tin không phải gia sản cha truyền con nối. Đức tin nơi mỗi người là hoa trái của ơn Chúa, của đức tin cộng đoàn, nhưng nhất là của sự chọn lựa, đón nhận và sống của từng cá nhân. Vì vậy Giôsuê nói thẳng với dân: “hôm nay, anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ…” (24,15a). Phần thứ hai 24,15b cho thấy cho đến giờ phút chiếm được Đất Hứa thì lòng dân vẫn còn có người ít nhiều dính bén với các ngẫu tượng mà họ đã thờ trong quá khứ, hoặc vừa tiếp cận trong hiện tại. Đó là cơn cám dỗ muôn thuở luôn rình rập con người. Con Rắn địa đàng luôn bám sát theo ta, ngay cả khi chúng ta đang ở trong Vườn Địa Đàng, đang an bình trong Đất Hứa, để lôi cuốn chúng ta đi xa lìa Chúa, chạy theo cơn cám dỗ nội tâm của chúng ta (nhắc lại: Rắn không xúi người Nữ ăn trái cấm: St 3,6). Vậy phải luôn cẩn trọng và bám sát vào Lời Chúa. Có vậy chúng ta nới hiểu được ý nghĩa của Đnl 6,4-9: Phải để mình chìm ngập trong môi trường Lời Chúa.
Về phần tôi, và gia đình tôi…sẽ phụng thờ Yavê, đức tin cũng không là một sự hùa theo lập trường của đám đông. Tuy nhiên cộng đoàn nền của nhân loại là gia đình vẫn phải là cái nôi cho đức tin bám rễ và lớn lên.
*Đáp trả của dân (Gs 24,16.17.18b):
Rất may, chọn lựa của dân ở đây là tích cực. Họ đã tin nhận làm gia sản của chính mình, tất cả những gì Chúa đã làm cho toàn thể dân tộc họ, mọi thời trước đó (24,17). Và họ chọn lựa “phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Yavê, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi”.
TIN MỪNG: Ga 6,60-69
Trong Ga 6, mối tương quan giữa Đức Giêsu và các thính giả được diễn tả bằng ba cách gọi khác nhau: “đám đông”, rồi “người Do Thái”, cuối cùng là “môn đệ”. Thoạt nhìn tưởng rằng mối liên hệ giữa họ và Người càng ngày càng thân thiết. Thật ra, tên gọi càng thân thì chống đối càng dữ dội. Thật vậy, trước những mặc khải tiệm tiến của Đức Giêsu thì phản ứng của người nghe ngày càng gay gắt:
-
“Đám đông” thì phản ứng còn chút kính tôn nể phục
-
“Người Do Thái” thì thái độ nghi ngờ, đòi dấu lạ, chống đối ngày càng gia tăng, dường như họ không muốn đối thoại với Người nữa.
-
“Môn đệ” thì phản ứng mạnh rồi bỏ đi.
Thái độ của các môn đệ chính là phần đầu của trích đoạn Tin Mừng hôm nay. Phần thứ hai là phản ứng của Nhóm Mười Hai. Trước mặc khải chung cuộc và dứt khoát của Đức Giêsu, Ga 6,60-69 cho thấy có hai phản ứng hoàn toàn khác nhau.
1/ Chống đối (6,60-66)
*Môn đệ: lần này những kẻ chống đối ra mặt rồi có thái độ quyết liệt bỏ đi lại là các môn đệ. Trong các sách Tin Mừng từ này có nghĩa rất rộng, các tông đồ cũng được gọi là môn đệ (x.Ga 9,2…). Tuy nhiên trong văn mạch của Ga 6,68-69 thì Nhóm Mười Hai không thuộc thành phần chống đối. Chắc các môn đệ này là những người tin và theo Đức Giêsu một thời gian rồi, nhưng động cơ chỉ vì thấy phép lạ (Ga 2,23-25). Họ chạy theo phép lạ nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất chứ không nhằm theo Đức Giêsu để làm học trò, nên khi thấy mặc khải của Người vượt quá tầm nhìn giác quan của họ thì họ bỏ cuộc.
*Lý do bỏ cuộc: “lời này chói tai quá! Ai nghe nổi” (6,60). Vì chỉ muốn chạy theo phép lạ, nên điều họ mong đợi là những gì Đức Giêsu nói, Người phải thực thi ngay trước mắt, thấy nhãn tiền như chuyện nhân bánh vừa xảy ra. Nếu hiểu và mong đợi như thế thì lời đó đúng là “chói tai”. Nhưng điều Đức Giêsu muốn mặc khải không phải là giải quyết vấn đề lương thực vật chất ngay bây giờ của trần thế này; Điều Người muốn chính là tái lập lại vĩnh viễn mối tương quan “ở lại trong” giữa Người và kẻ Tin và với Cha (6,56-57).
Nhưng làm cách nào để con người được kết hợp mật thiết với thần linh? Yavê Thiên Chúa đã dọn sẵn phương tiện cho Đức Giêsu: ĂN. Khi dâng lễ vật KỲ AN tức lễ HIỆP THÔNG thì người dâng được ăn một phần lễ vật mà mình đã dâng để được hiệp thông với Thiên Chúa (x.Lv 7,12-19; 22,29-30) (x.CGKPV “Ngũ Thư” 1999 trang 269 nốt “u”). Ở Ga 6, Đức Giêsu mặc khải trước Người sẽ hiến tế chính Người thay cho lễ vật kỳ an, và chỉ dâng một lần là đủ. Và cần lưu ý là phần lễ vật mà con người phải ăn không là thịt chết mà là “thịt đã được Thiên Chúa đoái nhận và ban cho trở lại”. “Thịt” đó mới có năng lực ban bình an, thánh hóa, hiệp thông con người với Thiên Chúa.
Như vậy “Thịt Máu” mà Đức Giêsu mời chúng ta hưởng dùng không phải là thân xác vật chất của Người mà là HIẾN TẾ GIÊSU trên Thập Giá ĐÃ ĐƯỢC CHA ĐOÁI NHẬN và ban lại cho nhân loại. Thịt Máu mà Đức Giêsu ban cho chúng ta là Thịt Máu của Đấng Phục Sinh là cội nguồn sự sống vật chất lẫn linh hồn chứ không phải là thịt của một xác chết. Và cần lưu ý: Thịt mới này chỉ những ai trong sạch mới được ăn (Lv 7,19b).
Và Đức Giêsu mời các môn đệ chọn: chọn theo lối suy nghĩ mà họ vốn có, hoặc chọn theo mặc khải mời của Đức Giêsu?
*Từ chối (6,66): tiếc thay họ đã chối từ lời Đức Giêsu, “nhiều môn đệ rút lui không còn đi theo Đức Giêsu nữa”.
2/ Tuyên tín (6,67-69)
Từ hơn năm ngàn “Fan” bánh mì, giờ chỉ còn lại mười hai tin chọn ăn thịt Đấng Phục Sinh. Đức Giêsu mời họ nói lên lập trường, chọn lựa của Nhóm (c.67).
*“Bỏ Thầy, chúng con biết đến với ai?” Đức tin không phải là một hành trang có sẵn, đó là một LỘ TRÌNH. Một lộ trình có định hướng và có người hướng dẫn không dựa trên hiểu biết tùy tiện cá nhân (cây trái cấm): “không ai đến được với Thầy nếu Chúa Cha không ban cho” (6,65). Đức Tin cốt yếu là gắn kết với con người Đức Giêsu: Người đã kêu mời tất cả như thế (6,29), nhưng chỉ Nhóm Mười Hai đáp lại.
“Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”: lời tuyên tín tóm lược mầu nhiệm Lời Sự Sống, sứ mạng của Ngôi Lời: Lời sáng tạo, lời nhập thể, lời ban cho kẻ tin quyền làm con Thiên Chúa, lời cội nguồn mọi ân sủng và Lời là Thiên Chúa (x.Ga 1,1-18).
“Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”: trong Tin Mừng Gioan không có ba lần báo Thập Giá, không có lời tuyên tín của Phêrô tại Césaré Philipphê. Các tông đồ bắt đầu nhận ra căn tính thiên sai của Đức Giêsu và bắt đầu lộ trình khám phá.
Hồng ân của Chúa, đức tin, giao ước không phải là những “ổ bánh mì” cứu đói, nhưng bài toán đã được giải đáp sẵn để đối phó cho qua cơn ngặt nghèo của những nhu cầu thời vụ. Nhưng đó chính là những hạt giống thần linh được Chúa gieo vào lòng của loài thọ tạo để dòng nhựa thần linh tùy môi trường, tùy giai đoạn thấm dần vào mọi tế bào của tạo vật, dọn đường cho sự sống mới của Chúa sẽ tràn đầy mọi nơi khi trời mới đất mới tới.
Vì vậy, trong hiện tại, mỗi nhân vị, mỗi cộng đoàn, mỗi thế hệ đều phải canh tân, cập nhật các chọn lựa của mình để cho những hạt mầm hồng ân Chúa đã vãi gieo luôn lớn lên dồi dào trong từng giai đoạn tăng trưởng và cuối cùng là MÙA GẶT cánh chung mỹ mãn.
Ga 6, 54a. 60-69 – Gs 24,1-2a.15-17. 18b
TÌM HIỂU 2 BÀI ĐỌC
Chủ điểm phụng vụ:
Trong phần “Tóm kết” của Chúa Nhật 20B Mùa Thường Niên, chủ đề đức tin đã được đề cập tới. Đức tin là sự đáp trả thuận thảo, tích cực của người nghe trước những mặc khải của Thiên Chúa, nhờ đó những ân huệ Chúa muốn thông ban thực sự sinh hoa trái, trở thành sản nghiệp của người nghe. Bàn tiệc “mừng tân gia’ của Đức Khôn Ngoan, bàn tiệc “THỊT MÁU” của Đức Giêsu luôn mở rộng cửa chờ đón những ai tin vào dự tiệc và hưởng trọn ven hồng ân thần linh được ở trong Chúa và có Chúa ở cùng ngay tại thế này.
Lời Chúa Chúa Nhật 21B tiếp tục khai thác chủ đề ĐỨC TIN. Thiên Chúa đang chờ nghe lời đáp trả “xin vâng” từ phía con người trước những mặc khải đầy lòng quan phòng, săn đón, nhưng cũng đầy bất ngờ và không ít thách đố của chính Chúa.
Về mặt cấu trúc, sắp xếp các bài đọc trong năm phụng vụ, 21B là Chúa Nhật cuối của loạt 5 Chúa Nhật trong đó bài đọc Tin Mừng được trích đọc từ Ga 6, thay vì đọc Tin Mừng Marcô. Phần cuối của Ga 6, chủ đề “Bánh” nhường chỗ lại cho chủ đề ĐỨC TIN: Thiên Chúa đang chờ đợi lời đáp trả chung cuộc từ phía con người.
Lời Chúa trong bài đọc 1 lẫn Tin Mừng đều cho thấy rõ rằng về phía Thiên Chúa những gì cần ban thì Thiên Chúa đã tặng ban đầy đủ rồi: tất cả đã được mặc khải trọn vẹn trong Đức Giêsu, nhưng phần đáp lại từ phía con người thì sao? Con người hoàn toàn có đủ tự do để chọn theo hoặc chối từ kể cả chống phá đường lối của Thiên Chúa.
Bài đọc 1 trích từ phần kết của Sách Giôsuê. Phía Thiên Chúa, Người đã hoàn tất lời đã hứa với Abraham: dân đã chiếm được và hoàn toàn làm chủ Đất Hứa. Chính trong tình trạng đầy đủ, đã có tất cả mọi sự rồi trong tay như thế, ông Giôsuê mới đặt dân Chúa trước một chọn lựa “nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Yavê thì hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ… Về phần tôi (tức Giôsuê) và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Yavê”. May thay, lần này dân đã nhận ra được các kỳ công Chúa đã thực hiện cho họ từ lúc cứu khỏi Ai Cập, rồi suốt hành trình sa mạc, cuối cùng đưa họ tới chiếm được đất này, nên họ đã đồng lòng tuyên xưng đức tin vào Yavê và kết Giao ước: “về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Yavê vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”
Trái lại trong bài đọc Tin Mừng, sự chọn lựa mang nét tiêu cực nhiều hơn: trước mạc khải quyết liệt của Đức Giêsu: “ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời”, thì tất cả đám đông, kể cả các môn đệ đã khước từ đón nhận, không tin lời mặc khải của Đức Giêsu, họ nói: “lời này chướng tai quá! ai mà nghe nổi”, và nhiều môn đệ đã rút lui không theo Đức Giêsu nữa.
May thay, còn lại số nhỏ là Nhóm Mười Hai. Phêrô đã đại diện anh em tuyên xưng đức tin ” bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
Chính nhờ niềm tin của Nhóm Mười Hai nhỏ bé ấy, Bí tích Thánh Thể đã hiện diện giữa nhân loại, để từ nay, bất kỳ ai, ở đâu, lúc nào tin nhận đều được hưởng dùng lương thực thần linh ấy và được có sự sống đời đời. Thật vậy, nhờ kết hiệp nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi ngày cách mật thiết đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, người tín hữu đã được mầm sống thần linh bám rễ vào thân xác phải chết của phàm nhân, để rồi khi xác thân ấy phải trở về cát bụi, thì chính những bụi đất ấy (đã nhờ Thánh Thể nuôi dưỡng khi sinh tiền) lại trở nên dưỡng chất làm mầm sống thần linh trong ta lớn lên chờ ngày thành sự sống vĩnh cửu cho thân xác chúng ta trong ngày Đấng Phục Sinh quang lâm.
Lòng từ ái quảng đại của Chúa thì vô biên nhưng không thể thay thế được sự quyết định tự do của mỗi người; Do đó sự cộng tác tích cực của mỗi người là tuyệt đối cần thiết để ơn Chúa tặng ban thực sự trở thành gia sản riêng của từng người và góp phần làm máng chuyển thiên ân đến cho muôn thế hệ tương lai của nhân loại cho đến ngày tận thế.
BÀI ĐỌC I: Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b
Văn mạch:
Sách Giôsuê trong Bộ Kinh Thánh Công Giáo là sách đầu tiên trong bộ sách Lịch sử. Nó được đặt ngay sau Bộ Ngũ Thư. Sách thuật lại sự việc ông Giôsuê lãnh đạo dân đánh chiếm Đất Hứa (Gs 1,1-12,24); Rồi tiếp đó là chia đất cho 12 chi tộc Israel (Gs 13,1-21,45). Phần cuối của sách nói về những biến cố cuối đời của Giôsuê (Gs 22,1-24,33).
Liên quan đến việc chiếm đất, sách Giôsuê trình bày một hình ảnh lý tưởng về các biến cố: cuộc chiếm đất được đơn giản hóa và được trình bày tất cả là công trạng Giôsuê. Ông đã liên kết 12 chi tộc cách chặt chẽ và hướng dẫn dân chiến đấu thắng lợi cách gọn gàng. Thực ra đất hứa chỉ hoàn toàn được chinh phục vào thời vua Đavit. Cách trình bày ngắn gọn, đơn giản của sách Giôsuê là một bản anh hùng ca tiếp nối sách xuất hành nhằm làm nổi bật yếu tố chính yếu: chiến thắng là của Thiên Chúa, “Yavê Thiên Chúa chiến đấu cho Israel” (Gs 10,42). Người tiếp tục can thiệp cách trực tiếp và ngoạn mục để bênh đỡ dân Người và hoàn tất lời hứa của Người.
Tuy nhiên để ơn Chúa sinh hoa trái nơi mình, dân phải trung thành, thờ phượng Thiên Chúa, không làm gì ngược lại với phán lệnh của Người, nếu không thì hậu quả bất hạnh sẽ chụp xuống trên đầu dân không sao tránh được. Trong sách Giôsuê, chuyện thất bại trước thành “Ai” nhỏ xíu là một minh họa (x.Gs 7). Vì thế sách Giôsuê đã kết thúc bằng hai biến cố nhắc lại việc dân phải trung tín, chọn thờ Yavê:
-
Gs 23 là bài diễn từ cuối cùng của Giôsuê nhắc dân, Thiên Chúa trung tín thì dân cũng phải tín trung: Lòng trung tín đó là điều kiện thiết yếu Israel cần thực hiện để chiếm được Đất Hứa và tồn tại với tư cách là dân được Chúa chọn (x.CGKPV, “các sách lịch sử” trang 51 nốt “v”).
-
Gs 24 thuật lại đại hội Sikhem. Đây là bài huấn dụ nhưng mang tính khiêu khích, Giôsuê buộc dân phải cam kết lại Giao Ước với Thiên Chúa. Vì khi cha ông họ kết Giao Ước Sinai, 50 ngày sau khi rời Aicập, thì đám hậu nhân này chưa chào đời.
Israel vào từng gian đoạn lịch sử, mỗi thế hệ phải lập lại lời cam kết mà cha ông họ đã ký kết với Yavê tại Sinai. Lời cam kết “quyết chọn thờ phượng Yavê” phải là lời của mỗi thế hệ, của đích thân từng người trong dân Chúa.
CẤU TRÚC Và CHÚ THÍCH
-
Cuộc quy tụ của Giôsuê (Gs 24, 1-2a)
-
Nơi chốn: Sikhem (c.1a)
-
Đối tượng: Toàn dân: Mọi chi tộc ….các thủ lãnh, Thẩm phán… ký lục (c.1b)
-
Giôsuê nói với toàn dân (c.2a)
Sikhem: Nơi này nằm ở miển trung, trung tâm của xứ sở nên trở thành nơi cho các chi tộc dễ dàng tụ họp. Ngoài ra thời các tổ phụ, đây cũng là nơi thánh mà các vị đã đến và xây bàn thờ ở đó. Đây là nơi đầu tiên Abram đã dừng chân khi tới đất Canaan và dựng nên bàn thờ đầu tiên cho Thiên Chúa (St 12, 6-7). Cũng tại Sikhem này, Giacob đã mua một mảnh đât (St 33, 18-20) rồi sau đó đi chôn dưới gốc cây các thần tượng dân ngoại mà các người của ông vẫn còn mang theo họ (St 35, 4). Việc làm đó hàm ý từ bỏ các ngẫu thần cũ mà họ trước giờ vẫn gắn bó. Chọn nơi này mời dân dự đại hội, Giôsuê muốn gởi họ sứ điệp hãy bắt chước tổ phụ Giacob, từ bỏ mọi ngẫu thần mà tới giờ vẫn còn vương vấn để phụng thờ một Yavê mà thôi.
Giôsuê nói với toàn dân: các câu Gs 24, 2-15 là diễn từ của Giôsuê (không trích đọc trong phụng vụ, trừ c.15) nhắc lại những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử Israel từ lúc gọi Abraham bên kia Sông Cả cho đến lúc đưa dân vào Đất Hứa (24, 2-13). Tất cả đều là hồng ân của Yavê. Vì thế Giôsuê kêu mời dân hãy dứt khoát từ bỏ mọi ngẫu tượng để chỉ thờ lạy Yavê là Thiên Chúa mà thôi.
-
Thách thức chọn lựa (Gs 24, 15 -17, 18b).
-
Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Yavê (c.15a).
-
Thì tùy ý hãy chọn ngẫu tượng mà thờ (c.15b).
-
Hoặc thờ các ngẫu tượng của cha ông xưa bên Sông Cả
-
Hoặc thờ các ngẫu tượng của người Êmôri mà dân đang chiếm đất (c.15c).
-
Chọn lựa của Giôsuê: ông và gia đình chọn phụng thờ Yavê (c. 15d)
-
Đáp trả của dân: tuyên tín
-
Không hề có ý lìa bỏ Yavê để thờ thần khác! (c.16)
-
Vì Yavê đã cứu dân khỏi Ai Cập nô lệ đã thực hiện dấu lạ, giữ gìn dân trên mọi chặng đường (c.17)
-
Chọn lựa: chúng tôi phụng thờ Yavê vì người là Thiên Chúa của chúng tôi (c.18b)
Thách thức chọn lựa: Thiên Chúa không làm áp lực trên dân. Tới giờ phút này, dân đã có được tất cả: đất đai đã được chia ra cho từng chi tộc, cho từng gia tộc. Họ đã nắm tất cả trong tay. Họ không còn bị áp lực phải chọn Chúa để được ban đất. Một chọn lựa hoàn toàn tự do, tùy ý chọn theo điều mình thích.
Đức tin vào Yavê và những gì dân đang thụ hưởng trong hiện tại là gia sản của tiền nhân để lại. Giờ đây họ và từng cá nhân phải đích thân trong một tình trạng hoàn toàn tự do và ý thức đầy đủ – chọn lựa biến gia sản tiền nhân thành “xương máu”, sự sống cho riêng mình.
Nếu không phụng thờ Yavê thì hãy chọn…các ngẫu thần khác mà thờ. Và Giôsuê 24, 15-17 kể ra tên ba địa phương mà từ đó phát sinh ra các ngẫu thần cám dỗ dân Chúa:
-
“bên kia Sông Cả” tức vùng Lưỡng Hà gốc gác của Abraham
-
“Êmôri (Cha Thuấn: Amôri) (x.Gs 24, 8.11): ám chỉ cách chung các dân bản địa sống lân cận với đất Palestin mà dân Chúa phải tiếp xúc thường ngày.
-
“Ai Cập nô lệ” (c.17): trong câu đáp của dân có đưa ra tên Ai Cập. Đó là nơi mà trong suốt hành trình tiến về Đất Hứa, mỗi khi gặp chút khó khăn là dân nổi loạn đòi về Ai Cậ
Suốt dòng lịch sử của mình, dân Chúa luôn bị cám dỗ quay về với các ngẫu thần đó. Ở đây Giôsuê nhắc lại cái cốt lõi của đạo Yavê: chỉ có một mình Yavê là Thiên Chúa, còn các ngẫu thần chỉ là những bức tượng do tay con người làm ra.
Cơn cám dỗ lúc này thì thờ phượng Thiên Chúa, lúc khác lại chạy theo các ngẫu tượng do các đam mê nhất thời của mình tạo ra (bằng cấp, địa vị, tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, khoa học….) luôn là một thách đố cho nhân loại muôn thuở.
Chọn lựa của Giôsuê và gia đình (c. 15d) và của dân (c.18b). Như vậy toàn dân từ người lãnh đạo đến những thành phần nhỏ nhất trong dân đều ý thức và tự do chọn thờ phượng Yavê.
Đức tin chỉ có một và chung cho cả nhân loại mọi thời, nhưng mỗi thế hệ, từng cá nhân với tất cả sự tự do và nhân phẩm của mình phải biến đức tin cộng đồng ấy thành lời tuyên xưng “TÔI TIN…”. Lúc đó mọi chi thể mới thật sự hiệp nhất nên một Nhiệm Thể có cùng một sức sống trong Thiên Chúa.
Động lực để tin: qua các kì công Thiên Chúa thực hiện trong dòng lịch sử toàn dân, cũng như trong cuộc đời của từng cá nhân, mọi người phải nhận ra mối tương quan mật thiết giữa mình với Thiên Chúa:
-
Yavê là Thiên Chúa của chúng tôi (của tôi)
-
Người là Đấng giải cứu khỏi nô lệ mọi thứ
-
Người là Đấng quan tâm, đồng hành với chúng ta trong mọi tình huống
-
Người là Đấng bảo vệ, đưa chúng ta vượt mọi chướng ngại, tới đích.
Tóm lại: Thiên Chúa là Đấng trung thành đã hoàn tất mọi lời hứa cho dân thì dân của Chúa cũng phải là dân trung thành (x. Lv 11, 44a-45b) bằng cách thờ phượng Yavê. Động lực chính yếu giúp dân trung thành là nhận ra rằng “chính Yavê là Thiên Chúa của chúng tôi” mà Yavê là Đấng trung thành tuyệt đối.
TÓM KẾT:
Sau khi đưa dân vào Đất Hứa, phân chia đất đai cho từng chi tộc, gia tộc, Giôsuê tụ họp toàn dân tại Sikhem để mời họ làm một cuộc chọn lựa. Lúc đó họ không còn là một đám người lang bạt, vô gia cư nữa mà đã thực sự là chủ nhân có đất đai, tài sản trong tay. Họ thực sự có đủ tự do và tư cách để quyết định cho vận mạng của mình.
Chính trong tư cách, vị thế mới đó, họ cần khẳng định lại cách rõ ràng, dứt khoát mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa; Mối tương quan mà Yavê đã thiết lập với cha ông họ tại Sinai khi cứu bậc tiền nhân khỏi Ai Cập (Xh 19, 4-6). Những gì mà xưa kia Môsê vâng lệnh Yavê đề nghị với tổ tiên họ thì nay Giôsuê cũng lập lại cho họ dưới dạng thức mới (Gs 24, 15).
Để giúp dân quyết định, Giôsuê nhắc lại kỳ công Yavê đã làm cho dân trong quá khứ: Gs 24, 2-13 (so với Xh 19,4), không đọc trong phụng vụ. Nhờ vậy đám dân hiện tại nhớ lại, tri ân Thiên Chúa vì bao ân huệ đã ban cho họ (Gs 24,17) để rồi tiếp tục mở rộng lòng ra cho Thiên Chúa, khẳng định tiếp tục đón nhận phụng thờ Yavê vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi. Thời gian đổi thay, các biến cố, sự kiện luôn mới mẻ, dầu vậy Thiên Chúa vẫn là Chúa của dân và dân là dân của Chúa. Đó là nền tảng bảo đảm hạnh phúc thật và vững bền những ai tin vào Chúa.
TIN MỪNG Ga 6, 54a. 60-69
Văn mạch:
Trong phần Tóm kết của bài đọc Tin Mừng chúa Nhật 20B. chúng ta đã nói tới vai trò quan trọng của đức tin nơi các thính giả để họ có thể hưởng được những phúc lộc thần linh do bữa tiệc của Đức Khôn Ngoan (bài đọc 1) và do bữa ăn “thịt Máu Người” do Đức Giêsu thiết đãi. Lời Chúa Chúa Nhật 21B tiếp tục khai thác chủ đề đức tin, tức là sự đáp trả của con người trước những mặc khải đầy yêu thương nhưng cũng đầy bất ngờ và thách đố của Thiên Chúa.
Về mặt cấu trúc năm phụng vụ: “21B” là Chúa Nhật cuối trong loạt 5 Chúa Nhật liên tiếp của Mùa Thường Niên năm B trích đọc Ga 6 thay cho Tin Mừng Marcô. Bài diễn từ của Ga 6 kết thúc ở câu 58. Phần cuối của Ga 6,60-71 không đề cập đến chủ đề “Bánh” nữa, nhưng chuyển sang chủ đề “ĐỨC TIN”, chú tâm đến việc đáp trả từ phía con người trước mặc khải của Thiên Chúa.
Hai đối tượng đáp trả lời mặc khải về “Thịt Máu Người” của Đức Giêsu trong cuối chương 6 này không còn là ” đám đông “, là “người do thái” nữa mà là “nhiều môn đệ của Đức Giêsu (6,60) và ” Nhóm Mười Hai ” (6,67), Và kết quả là có 2 đáp số khác nhau. Nhóm “nhiều môn đệ” đã không tin và bỏ Đức Giêsu mà đi. Nhóm Mười Hai “tin”… Nhưng thực ra chỉ còn 11 vì 6,70-71 (không đọc trong phụng vụ hôm nay) đã báo trước sự bội phản của Giuđa. Bản văn phụng vụ dừng lại ở c.69 là lời Phêrô tuyên tín Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Bản văn phụng vụ muốn nhấn mạnh đến thái độ đáp trả tích cực của Nhóm Mười Hai; Đó là nền tảng đức tin Kitô giáo.
CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH
Ga 6, 54a lấy lại từ một câu của tuần trước để làm điểm khởi động cho những phản ứng của hai đối tượng tiếp theo.
-
Khước từ mặc khải (Ga 6, 60-66):
-
Thái độ của “nhiều môn đệ”: lời chướng tai, ai nghe cho nổi (c.60)
-
Đáp trả của Đức Giêsu:
– Tự mình biết được các môn đệ xầm xì
Người lặp lại ý của họ: “điều đó làm anh em chướng tai?” (c.61)
-
Và mặc khải giải thích liên quan tới Thánh Thể:
-
Thăng thiên: nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? (c.62)
-
Sự bất lực của xác phàm trước mặc khải Thánh Thể, chỉ có Thần khí mới làm cho sống (c.63a).
-
Những gì Đức Giêsu đã nói là Thần Khí và là sự sống (c.63b)
-
Mặc khải sự bội phản của Giuđa:
-
Trong anh em có những kẻ không tin (c.64a)
-
Đức Giêsu biết trước kẻ đó, biết y sẽ nộp Người (c.64b)
-
Nguyên do: không ai đến được với Thầy nếu Chúa Cha không ban ơn ấy (c.65: xem chú thích cc 43-46 ở Chúa Nhật 19B)
-
Kết quả chung cuộc: nhiều người đã rút lui, không theo Người nữa (c.66)
Phần này mở đầu bằng lời xầm xì chống đối: “lời chướng tai ai nghe cho nổi” (c.60); Đức Giêsu cố giải thích (cc. 61-65); nhưng vô ích, cuối cùng nhiều người đã rút lui, không theo Đức Giêsu nữa (c.66).
Nhiều môn đệ: đối tượng không tin Đức Giêsu lần này không là “đám đông” hay “người Do Thái” vốn đã có thành kiến với Đức Giêsu, nhưng lần này là “môn đệ” tức là những người đã có một mối tương giao thần phục nào đó đối với Đức Giêsu nên mới theo làm đệ tử đón nhận giáo huấn của Người như một bậc thầy. Ấy vậy mà trước mặc khải “ăn thịt uống máu Ta” họ đã đổi chiều một cách mau chóng.
Anh em lấy làm CHƯỚNG? (c.61b) anh em lấy làm xì-căng-đan? Ý nghĩa đầu tiên của từ “skandalon” là một “chướng ngại” cản lối làm người ta bị vấp, như một khối đá nhô lên giữa đường nơi không ai ngờ tới khiến khách bộ hành phải vấp ngã. Ăn bánh, ăn thịt là chuyện bình thường ai cũng thích, thế nhưng đột ngột nghe một người sống đang đối thoại với mình bảo rằng hãy xẻ thịt của y và ăn thì đúng là cú xốc. Thực ra họ đã hiểu sai lời của Đức Giêsu (x. Chúa nhật 20B “TIN MỪNG”, cấu trúc và chú thích số 2).
Nguyên nhân cốt lõi là vì họ không tin vào lời của Đức Giêsu
Đức Giêsu tự mình biết: Cách nói hàm ý rằng Đức Giêsu đọc biết được những ý nghĩ của người khác. Thấy được điều bí ẩn trong lòng, đó là một đặc điểm thần linh (x. 1Sm 16,7); Thiên Chúa là Đấng thấu suốt những gì kín đáo (Mt 6, 4-6. 18). Với tư cách là “Đấng thấu nhìn nơi bí ẩn”, Đức Giêsu đã đáp lại lời xầm xì của các môn đệ.
Ám chỉ Thăng thiên: Câu 62 không có nghĩa là Đức Giêsu mời các môn đệ lên trời kiểu Phaolô (2Cr 2,12) để thấy được “nơi Người ở trước kia” hầu chứng minh cho họ thấy nguồn gốc thần linh của Người.
Về nguồn gốc thần linh của Người, nhiều lần Đức Giêsu đã hé lộ qua các lần dạy bảo: Ga 1, 51 ; 3,13. 14. 31…nhưng họ vẫn chưa hoặc không tin. Vì thế ở Ga 3,14 và ở đây 6,62, Đức Giêsu đã nói rõ chỉ khi nào Người được tôn vinh, được giương cao thì họ mới nhận ra được dung mạo thần linh của Người và lúc đó mới hiểu và tin được điều “chướng tai” là “phải ăn Thịt và Máu Người” thì mới có được sự sống đời đời.
Mà trong Tin Mừng Gioan, “giương cao” có 2 nghĩa: Vừa ám chỉ Thập Giá (13,18-19) vừa hé mở mầu nhiệm Thăng thiên “Lên cùng Cha” (Ga 20,17) (x. CGKPV – “Bốn sách Tin Mừng”, 2004, trang 320 nốt “r” và trang 352 nốt “q”).
Vậy Ga 6,62 muốn nói rằng chỉ khi nào phía con người nhận ra được Đức Giêsu “từ trời mà đến” thì họ mới mở lòng ra được trước sự thật làm chướng tai : Thịt Máu Đức Giêsu là lương thực thần linh.
Thật ra cho tới đây, họ đã tiếp cận được với mầu nhiệm dung mạo thần linh của Đức Giêsu qua các phép lạ Người làm ngay trước mắt họ và từ sự được chứng kiến tận mắt ấy, họ đã có những suy nghĩ rất đúng về căn tính, cội nguồn thần linh của Người:
-
Sau dấu lạ chữa lành 1 bệnh nhân nan y đã 38 năm, Đức Giêsu mặc khải “Cha tôi và tôi vẫn làm việc” thì họ nhận ra ngay Đức Giêsu muốn nói Thiên Chúa là Cha của Người và Người coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (5,17-18).
-
Sau dấu lạ nhân bánh, họ nhận ra Người là. “VỊ ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian (6,14) tức là vị Ngôn Sứ đặc biệt mà Chúa đã chuẩn bị từ ngàn xưa và báo trước cho Môsê biết là Thiên Chúa sẽ gửi tới đúng thời đúng buổi để dạy dỗ, hướng dẫn dân Người đi đúng đường lối của Thiên Chúa (x. Đnl 18,15.18).
Tiếc thay họ đã bị cái xác phàm nhân của Người gây xì-căng-đan làm chướng ngại cản họ đi tới đức tin. Do đó chỉ tới khi cái xác phàm gây chướng ngại đó phải được cất đi, đúng hơn là được thăng hoa biến đổi từ bị “giương cao trên Thập giá” đến được “giương cao (tôn vinh) trong Thăng Thiên” nhờ Phục sinh thì phàm nhân mới thực sự khởi đầu tiến vào kết hiệp nên một với mầu nhiệm “ăn thịt và uống máu Đức Giêsu”.
“Thần Khí mới làm cho sống…(c. 63a)
-
Trước tiên lời này gợi lại công trình sáng tạo: “tượng đất Ađam” chẳng được tích sự gì, chỉ khi được Chúa thổi sinh khí vào thì mới trở nên một sinh vật (St 2,7).
-
Trong Ed 37, đống xương khô vô dụng chỉ làm ô uế đất đai, thế nhưng khi có Thần Khí thổi vào do Yavê truyền lệnh cho Edekien làm thì đám xương mục nát ấy thành một đạo binh hùng cường.
Vậy Ga 6,63 muốn nhắc cho các độc giả Tin Mừng chân lý này là nếu nhân loại chỉ dựa vào xác thịt, nghĩa là năng lực phàm nhân trần thế thôi thì không cách chi tiếp cận được với các mầu nhiệm do Đức Giêsu mang đến. Sự thật ấy đã được Đức Giêsu nói rõ cho Nicôđêmô (Ga 3,5.12). Phải nhờ “Thần Khí” , “Ơn trên”, cần được sinh ra 1 lần nữa (3,3.6.7). Chỉ có Thần Khí mới là sức mạnh, là cội nguồn phát sinh sự sống.
“Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (c.63b)
Câu này nhắc lại Đnl 8,3b: Điều nhìn thấy trước mắt là dân Do Thái sống 40 năm trong sa mạc là nhờ ăn Manna. Nhưng thực ra Manna không tự nhiên mà có; Đó là ân ban từ LỜI của Thiên Chúa hứa với Môsê sẽ nuôi muôn dân và làm dân nhận ra Người là Yavê, Thiên Chúa của họ (Xh 16,4a. 12); Và dân chỉ hưởng trọn vẹn hồng ân khi TIN và làm ĐÚNG LỆNH TRUYỀN của Yavê (Xh 16, 4b. 14-31).
Trong Bí tích Thánh Thể cũng vậy: Chất liệu mà tín hữu ăn uống không là “Thịt và Máu” mà lành Bánh và Rượu; Nhưng nhờ LỜI và LỆNH TRUYỀN của Đức Giêsu được lưu truyền qua các thừa tác viên chính thức mà bản chất của lương thực ấy đã thực sự là THỊT MÁU của Đức Giêsu.
Chính LỜI Đức Giêsu là nguồn sống cho nhân loại cho đến tận thế.
Loan báo sự bội phản của Giuđa (c.64)
Về mặt niên biểu lịch sử, chắc chắn vào thời điểm này, bắt đầu năm 2 của sứ vụ công khai của Đức Giêsu theo Tin Mừng thứ 4, thì Đức Giêsu không thể loan báo quá sớm 1 điều liên quan tới Giuđa bội phản, chỉ thực sự diễn ra vào cuối cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, trong bữa Tiệc Ly theo Nhất Lãm.
Tuy nhiên sách Tin Mừng 4 được soạn thảo vào khoảng cuối thế kỷ I Công nguyên, nghĩa là hơn 50 năm sau khi Đức Giêsu phục sinh và thăng thiên, và việc cử hành Lễ Bẻ Bánh, tức Bí Tích Thánh Thể cũng đã là một truyền thống ổn định vững chắc trong toàn Giáo Hội thời đó.
Do đó, tác giả sách Tin Mừng 4, sau nhiều suy tư trên các biến cố lịch sử và được Thần Khí soi dẫn, đã làm một tổng hợp mọi thực tại liên quan tới Bí Tích Thánh Thể xếp chung vào 1 bản văn ngắn gọn là Ga 6 như chúng ta đang thấy hôm nay. Vậy với chi tiết này (x. c 64) và vài câu tiếp theo (Ga 6,67-71), tác giả muốn công khai nói rằng toàn bộ những gì được thuật lại trong Ga 6 là 1 hình ảnh báo trước rõ ràng và minh nhiên hướng về Thánh Thể.
Câu 65: Xem Chúa Nhật 19B phần “Cấu trúc và chú thích” bài đọc Tin Mừng các câu 43-46.
Phản ứng chung cuộc của “nhiều môn đệ” (c.66)
“Từ lúc đó” = ek tôutôu. Ngoài nghĩa thời gian còn có thể có nghĩa nguyên nhân. Gioan muốn bảo rằng sự đào ngũ đông đảo mà ông đang đề cập, có nguyên nhân trực tiếp là giáo thuyết mà Đức Giêsu vừa đề ra (Chú giải PA Chúa Nhật B trang 404).
Họ rút lui vì họ không tin vào LỜI DẠY của Người.
-
Lời tuyên tín của Nhóm Mười Hai (Ga 6,67- 69)
* Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: Anh em cũng muốn bỏ đi? (c.67)
* Ba yếu tố chứa mặc khải dung mạo thần linh của Đức Giêsu:
– Lạy Chúa (Kuriê), bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
– Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời (c.68)
– Chúng con đã tin và nhận biết Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c.69)
Nhóm Mười Hai: Số “fan” theo Đức Giêsu sút giảm nhanh chóng: từ “đám đông” (5.000 người) (c.22), thu hẹp lại chỉ còn “người Do Thái” (c.41. 52), rồi xuống “nhiều môn đệ” (c.60. 66), cuối cùng chỉ còn lại “Nhóm Mười Hai”. Họ tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa.
Về mặt phê bình bản văn và lịch sử, chắc chắn, vào thời điểm này Nhóm Mười Hai chưa có thể nhận ra thần tính của Đức Giêsu như lời Phêrô tuyên xưng ở đây. Đây là đáp số chung cuộc chỉ có được sau phục sinh.
Ga 6, 68-69 đã quy tụ lại nơi đây những yếu tố mà các tín hữu tiên khởi đã dùng để tôn vinh Đức Giêsu là Thiên Chúa:
-
Kuriê = Lạy Chúa (BJ + TOB) = “Thưa Thầy” (CGKPV). Là tước hiệu mà các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi đã dùng để tôn vinh Đức Giêsu là CHÚA ngang bằng Chúa Cha (Cv 2,36; Rm 10,9; Pl 2,11; Ga 20,28)
Trong xác tín Đức Giêsu là Kuriê, Phêrô tuyên tín: “Bỏ Thầy con biết theo ai?”. Tin cốt yếu là gắn bó với con người của Đức Giêsu, đừng để bất kỳ mối bận tâm nào khác chi phối (x. Ga 21,19.22).
-
“Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (c.68b): Tin vào Đức Giêsu thì cũng xác tín rằng LỜI NGƯỜI LÀ LỜI TÁC SINH (St 1; 2; 7) và là LỜI TÁI SINH (Ed 37) (x.Ga 6,63 và chú thích ở trên).
-
“Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c.69): “THÁNH” là từ đặc biệt dùng để chỉ phẩm tính của Thiên Chúa (Is 1,4; 57,15; Hs 11,9). Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thánh nghĩa là tin Người là Con Thiên Chúa (Lc 1,35b) và cũng là Thiên Chúa (x. Lc 1,43).
Như vậy, qua việc mặc khải Thánh Thể, Tin Mừng 4 công bố Đức Giêsu là Thiên Chúa.
TÓM KẾT:
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay chuyển trọng tâm từ lời mời tin vào Thánh Thể sang tin vào Lời Chúa:
-
Mở đầu là lời chối từ nói rằng LỜI của Đức Giêsu chướng tai…(c.60)
-
Đức Giêsu giải thích và chóp đỉnh là “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống (c.63).
-
Và kết thúc là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô vào LỜI: “Thầy mới con những lời đem lại sự sống đời đời” (c.68b).
Vậy kết thúc của trình thuật Ga 6 liên quan đến Thánh Thể lại là 1 lời tôn vinh LỜI CHÚA: “Lời Chúa là Thần Khí, là sự sống: Lời Chúa mới đem lại sự sống đời đời”. Thế nhưng trong cuộc sống thực tế, các tín hữu, kể cả một số linh mục, tu sĩ rất tôn sùng Thánh Thể nhưng có vẻ không tôn kính đủ đối với Lời Chúa. Mỗi tín hữu tự xét mình lại xem sao? Nên nhớ rằng để có Thánh Thể, trước tiên phải có Lời Chúa và tin vào Lời Chúa! Không có Lời Chúa sẽ không có Thánh Thể, ngược lại không có Thánh Thể, Lời Chúa vẫn tồn tại. Và một khi dòng lịch sử chấm dứt việc cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng ngưng theo nhưng Lời Chúa vẫn vĩnh tồn vẫn là nguồn sống cho Trời mới Đất mới.
Frère Pierre Đình Long FSC