Is 66, 18 -21; Lc 13, 22 – 30
Chủ Đề: Tính phổ quát của ơn cứu độ
-
Is 66, 18: Ta sẽ đến tụ họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, họ sẽ đến và thấy vinh quang của Ta.
-
Lc 13, 29: Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa
Chủ đề chính của Chúa Nhật 21C Mùa thường niên là tính phổ quát của ơn cứu độ. Ơn cứu độ là cho cả nhân loại và từng người. Tôn trọng thân phận loài người , vốn là do chính Chúa dựng nên, nên Thiên Chúa đã thực hiện ơn cứu độ cách tiệm tiến, từng bước môt, tùy theo từng giai đoạn lịch sử. Và Thiên Chúa đã có sẵn dự tính để cuối cùng thì ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả mọi người; Mỗi người, giai đoạn lịch sử đều có vai trò trong chương trình của Chúa dù lắm khi chúng ta không hề hay biết. Thật vậy, kinh thánh cho biết: ban đầu Thiên Chúa tạo dựng chỉ có Một nhân loại, chỉ có Một ơn cứu độ. Giống như chiếc xe máy mới xuất xưởng: mọi thành phần, mọi chi tiết đều phối hợp nhịp nhàng với nhau cách tuyệt hảo; mọi sự đều tốt đẹp! Nhưng dần dần qua dòng thời gian – với nhiều lý do – các thành phần bị hư hao. Thế là có những lần tu sửa cục bộ! và cho tới lúc, đến thời đến buổi (x. Gl 4, 4; Dt 1,2). Thiên Chúa làm mới lại toàn diện trong Đức Kitô, chuẩn bị cho nhân loại bước vào “Trời đất mới” (x. Kh 21, 1).
Trong quá trình chỉnh sửa tiệm tiến ấy, bước đầu tiên là Thiên Chúa chọn một con người giữa bao người, tên là Abram, rồi từng bước đào tạo đức tin cho ông, biến một ông già vô sinh thành cha một dân đông đúc và đổi tên cho ông thành ABRAHAM. Từ đó dân Do Thái từng bước hình thành; Rồi Chúa ban cho dân ấy một lề luật, một giáo ước biến họ thành dân Chúa, dân tư tế chuyên phụng sự Chúa, và qua họ Chúa ngỏ lời cùng toàn thể nhân loại.
Như vậy ơn cứu độ là CHUNG CHO MỌI NGƯỜI. Người được phúc đón nhận trước sẽ phải là cầu nối, là máy chuyển ơn cứu độ mình đã lãnh nhận được cho những kẻ phải đến sau, không được giữ riêng cho mình. Phần Chúa, Chúa đã mở rộng cánh của cứu độ cho mọi người; Tuy nhiên, phần con người, cho dù là Do Thái hay dân ngoại đều phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp” (Lc 13, 24). Đó là đòi hỏi của Đức Giêsu mà lời Chúa hôm nay nhắc nhở thêm cho chúng ta.
Bài đọc 1 trích từ chương 66, chương cuối cùng của sách Isaia. Is 66 mở đầu bằng hình ảnh bội phản của dân Chúa, Có tội thì đương nhiên là phải bị phạt! Nhưng vì thương Giêrusalem, Chúa vẫn tìm ra được cách phục hồi (66, 5 – 17) ngang qua việc người ngự đến xét xử (câu 15). Xét xử không chỉ Israel mà còn toàn thể chư dân vì các tội đã phạm (câu 16 -17). Để biểu lộ vinh quang thần linh cho “Số còn sót lại” của dân Chúa, lẫn của chư dân để cứu họ tất cả, những người tin Chúa là Đấng Cứu Độ (x. Is 45, 20 – 25).
Các chi tiết trong bài đọc một đều qui về chủ đề tính phổ quát của ơn cứu độ. Chúa sẽ đến để:
-
Tập họp chư dân cho họ thấy vinh quang Chúa (câu 18)
-
Biến đổi “ số còn sót lại của chư dân”, tức là những người quay về với Đức Chúa của Israel, trở thành Thừa sai loan báo Danh Chúa đến những nơi chưa hề thấy vinh quang của Người (câu 19).
-
Nhờ vậy, chu dân đều trở thành an hem với dân Chúa; Họ cũng sẽ được hiến thánh cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa: Tất cả chư dân đều được đưa về “ làm lễ phẩm tiến Dâng ĐỨC CHÚA” (câu 20)
-
Và còn tuyệt vời hơn nữa khi Chúa chọn một số người trong “ số còn sót lại của chư dân” làm trở thành “ tư tế” thành “ Thầy Levi” của Chúa ( câu 21).
-
Tóm lại, mọi đặc quyền, trước kia chỉ dành riêng cho Israel, thì nay đã được mở rộng ra cho chủ dân. Tất cả những ai đáp lại lời hiệu triệu của Thiên Chúa, tôn nhận, thờ lạy vinh quang thần linh của Người đều được nên mộ với dân Chúa (x. Gl 3, 28; Rm 10, 12; 1Cr 12, 13). Tính PHỔ QUÁT của ơn cứu độ đã được loan báo trước từ trong Cựu ước.
Và Tin Mừng khẳng định thêm: “THIÊN HẠ sẽ từ ĐÔNG TÂY NAM BẮC đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (x. Lc 13, 29). Tuy nhiên con cái trong nhà lắm chỉ dân Do Thái) lại có thể rơi vào nguy cơ “ bị đuổi ra ngoài” (13, 28b) Vậy bài đọc Tin Mừng nhấn mạnh hơn tới điều kiện phải có từ phía con người để được hưởng ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa: “ Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp” ( 13, 24a). “qua cửa hẹp” ám chỉ việc bước theo Đức Giêsu “ trên đường tiến về Giêrusalem” (x. Lc 13, 22a), nghĩa là bước theo Người trên con đường Thập Giá.
Đó là lời đáp của Đức Giêsu cho một người Do Thái hỏi “những người được cứu thì ít có phải không?” Như vậy có nghĩa là sẽ có người bị Thiên Chúa loại trừ? câu đáp của Đức Giêsu hàm ý: ơn cứu độ không loại trừ ai ; tuy nhiên để được hưởng thì phải “ chiến đấu để qua cửa hẹp”, phải tin vào đường Thập Giá của Đức Giêsu . Và Đức Giêsu cảnh cáo: đời người có giới hạn, vậy hãy kíp nhanh chân theo Đức Giêsu vào cửa hẹp, vì nếu chần chờ, một khi chủ khép cửa lại rồi thì vô phương cứu vãn (13 ,25)
Đường dẫn tới ơn cứu độ đã được Đức Giêsu mở ra cho mọi người, và từng người đều có đường chạy, có khở điểm riêng. Không ai bị loại trừ! không gì phải chen lấn ! Hiệu kỳ xuất phát là Thập Giá cũng đã phất lên rồi .Ai tin nhận và lao vào đường chạy thì đều sẽ là người được “ lên hang đầu” ( 13,30) trong Nước của Thiên Chúa.
Frères Đình Long FSC