Bài 1
Is 22,19-23; Mt 16,13-20
Chủ đề: Thiên Chúa trao quyền, chìa khóa cho Đấng Chúa tuyển chọn.
* Is 22,22: chìa khóa nhà Đavit, Ta sẽ đặt trên vai nó.
* Mt 16,19: Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.
Có người gọi Chúa Nhật XXI A Mùa Thường Niên là Chúa Nhật “CHÌA KHÓA”, vì bài đọc một lẫn Tin Mừng đều nói đến việc Chúa TRAO CHÌA KHÓA cho kẻ được Chúa tuyển chọn. Đó là một hành động biểu trưng. Chủ đề chính của Lời Chúa hôm nay là MẦU NHIỆM TUYỂN CHỌN CỦA THIÊN CHÚA. Chúa muốn chọn ai thì Người cất nhắc, bảo vệ, trao ban quyền bính để người ấy trở thành tôi tớ, cộng tác viên của Chúa lo cho công cuộc của Người.
Trong Lời Chúa hôm nay, việc tuyển chọn được tỏ lộ qua một hành động biểu trưng: TRAO CHÌA KHÓA kèm theo lời ủy nhiệm TRAO BAN QUYỀN BÍNH: quyền ĐÓNG – MỞ CỬA. Đó là quyền bính thần linh, cội nguồn đến trực tiếp từ Thiên Chúa, nền tảng của quyền này là chính Chúa. Thiên Chúa là Đấng Bảo Vệ, củng cố cho người được chọn và là nơi nương tựa duy nhất cho người ấy. Và dĩ nhiên là người được Chúa chọn, trao quyền phải hết lòng tận dụng quyền Chúa ban để cùng Người hoàn tất công trình cứu độ. Cụ thể trong Lời Chúa hôm nay, Chúa muốn người được Chúa chọn – tới phiên mình – cũng phải là nơi cậy dựa cho kẻ khác: trong bài đọc một, người được chọn phải đảm nhận vai trò là “CHA đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa” (Is 22, 21b); Còn trong Tin Mừng thì Simon trở thành “Tảng Đá” trên đó Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh Người.
Trong Bài đọc một, Ngôn sứ Isaia việc Thiên Chúa tuyển chọn En-gia-kim thay vào vi trí tể tướng của Sep-na. Việc phế lập được thực hiện qua những nghi thức biểu tượng: lấy “áo thụng”, “cân đai” của kẻ bị phế truất trao cho người được chọn và trao “chìa khóa” và quyền bính.
“Áo thụng”: trong nghi thức trao quyền tư tế có việc trao ban phẩm phục (x.Xh 29,8-9; 40, 14; Lv 8,7). Vậy trao phẩm phục lại cho ai tức là trao quyền kế thừa chính thức (Ds 20,26.28).
“Cân đai” tức là đai lưng. Tháo đai lưng của ai là tước lấy được sức mạnh của y (x.G 12,18). Thắt đai lưng cho ai là ban cho người ấy sức hùng, dũng lực (x.Tv 18,33); là nói lên lòng ưu ái gắn bó với người ấy (x.1Sm 18,4); hoặc ân thưởng cho một công lao to lớn (2Sm 18,11). Đai lưng còn là biểu tượng của công lý, tín thành (x.Is 11,5).
“Chìa khóa” là biểu tượng của quyền bính; “Đóng, mở cửa” là cách nói rằng từ nay En-gia-kim là người điều hành, sắp xếp công việc triều chính. Tuy nhiên quyền bính này cũng là một TRÁCH NHIỆM: trong Kinh Thánh, người được Chúa chọn luôn là để đảm nhận một trách nhiệm vì lợi ích của cộng đoàn (x.Xh 3; Tl 6,11-24). Vì vậy “chìa khóa” phải được “ĐẶT TRÊN VAI” (x.Is 9,5: Hài Nhi Mesia “gánh vác quyền bính trên vai) nghĩa là phải tận dụng sức lực toàn thân để gánh vác, chứ không chỉ là nhẹ nhàng cầm trên tay để đóng, mở.
Trách nhiệm Chúa trao cho En-gia-kim là “CHA đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa”, nghĩa là vận mạng, an bình của dân Chúa nằm trong tay En-gia-kim.
Để bảo đảm công việc thành công, Chúa hứa củng cố bảo vệ người Chúa chọn (c.23).
Bài đọc Tin Mừng thuật lại một biến cố quan trọng là bước ngoặc trong cuộc đời của Simon-Phêrô. Ông đã thay mặt các tông đồ tuyên xưng Đức Giêsu “là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên tín công khai đó được Đức Giêsu xem như là DẤU CHỈ rằng Phêrô đã được Chúa Cha tuyển chọn. Thật vậy, Đức Giêsu bảo Simon: “Này Simon con ông Giona, anh thật là người có phúc…vì chính Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã mặc khải cho anh điều ấy”.
Và rồi, dựa trên nền tảng Ý CHA cùng với lời đáp trả của Simon, Đức Giêsu đã thực hiện việc trao quyền bính và trách nhiệm cho Simon.
-
Trước tiên, Đức Giêsu đổi đời Simon qua việc đổi tên: từ nay anh là PHÊRÔ, là TẢNG ĐÁ.
-
Mục đích Đức Giêsu nhắm tới và cũng là trách nhiệm của Phêrô: thiết lập ông làm nền tảng Giáo Hội Chúa: “trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”.
-
Để trợ giúp ông, Người hứa bảo vệ, củng cố: quyền lực Tử Thần không thắng nổi Phêrô, không thắng nổi Giáo Hội.
-
Và trao quyền, cũng qua cách nói biểu tượng: Thầy sẽ trao CHÌA KHÓA Nước Trời và quyền đóng mở cửa cho Phêrô (x.bài đọc một).
Xây dựng Nước Trời là công trình của Chúa, nhưng Người vẫn tiếp tục đường lối mời nhân loại cộng tác. Mỗi tín hữu có sẵn sàng, trong chừng mực Chúa thương gọi, dám đón nhận trách nhiệm giữ chìa khóa phần mình để từng bước một, cùng với Chúa tiếp tục và đưa công trình cứu độ của Chúa đến chỗ hoàn tất.
Bài 2
Thiên Chúa hằng sống”…Đức Giêsu nói: “…anh là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,16.18).
Sau “bài giảng bằng dụ ngôn”, kết quả đạt được về phía các môn đệ là tương đối khả quan: các ông hiểu được Lời Người (13,51-52). Nhưng đối với các thành phần khác trong dân thì ngược lại:
-
Tại quê hương Nadaret, dân chúng đố kỵ không tin, khước từ Người đến độ Người chỉ làm được vài phép lạ (13,53-58).
-
Rồi cái chết tức tưởi của Gioan Tẩy Giả là dấu chỉ sự suy đồi của đạo đức, sự lộng hành của lối sống vô luân: mạng sống của một ngôn sứ không bằng giá trị của một bài múa mua vui (14,3-12).
-
Người ta còn bám víu vào Đức Giêsu chỉ để hưởng nhờ phép lạ, chút lợi ích vật chất chóng qua. Vì lòng thương, Đức Giêsu vẫn đón tiếp đám đông, nhưng trong cả khối văn chương Mt 14-17, không thấy một lời dạy dỗ nào cho họ, chỉ có vài cuộc tranh luận với biệt phái, Xađốc.
Đức Giêsu muốn né tránh đám đông, lui dần vào những nơi hoang vắng để đào tạo nhóm môn đệ thân tín, chuẩn bị các ông đương đầu với sứ mạng Thập Giá mà Người sắp hé lộ. Sau nhiều lần tách đưa các môn đệ ra các vùng hoang vắng kế cận Galilê, Đức Giêsu đều không yên thân được vì đám đông cứ đuổi bám riết để đòi phép lạ. Để thoát sự đuổi bám ấy, lần này, Đức Giêsu đưa các môn đệ đi thật xa, ra khỏi hẳn vùng đất Galilê của Herode, đi đến tận vùng núi Césare của tiểu vương Philipphê, hầu đưa nhóm môn đệ nhỏ bé này tiến vào một bước ngoặc quan trọng trên hành trình theo Người: Người công khai tỏ lộ căn tính thiên sai của Người cho các ông, đồng thời thiết đặt nền tảng cơ bản cho Giáo Hội tương lai của Người.
“Bắt đầu từ đây, Đức Giêsu hầu như dành mọi thời giờ cho Nhóm Mười Hai. Hơn nữa trong lúc từ trước đến nay, ý niệm Nước Trời chiếm một vị trí chủ yếu thì bây giờ chính CON NGƯỜI CỦA ĐẤNG MÊSIA đau khổ và chịu sỉ nhục lại trở thành tâm điểm rao giảng của Đức Giêsu. Và trong giáo huấn đó, thập giá sắp được trình bày như một sự cần thiết vừa đối với Đấng Mêsia, vừa đối với những kẻ muốn theo Người” (Sđd 234). Chính trong bối cảnh ấy, Đức Giêsu muốn rà soát lại xem, sau một thời gian hoạt động, dư luận nói gì về Người và nhất là để xem các môn đệ thân tín có tiến bộ gì chăng trong nhận thức về Người. Lời tuyên tín của Phêrô đã thúc đẩy Đức Giêsu tiến thêm một bước nữa trong sứ vụ của Người: thiết lập GIÁO HỘI và NỀN TẢNG của Giáo Hội. Lời tuyên tín của Phêrô vào Đức Giêsu là nền tảng cho tòa nhà Giáo Hội.
-
Nơi mặc khải: thành Césarê Philipphê, nằm ở cực bắc đất Palestin, bên tả ngạn sông Giođan, cách hồ Galilê độ 50 km về phía bắc. Đây là thành phố hi hóa, xa cách ảnh hưởng tôn giáo của Giêrusalem, không chịu ảnh hưởng của thuyết Mêsia chính trị cực đoan của dân Do Thái. Chính trong bầu khí thuận tiện, thanh thản ấy, Đức Giêsu gợi ý mặc khải cho Nhóm Mười Hai.
-
Người ta nói “Con Người” là ai? “Con người” là tước hiệu tự xưng của Đức Giêsu. Ngoài chính Người ra, không ai trong bốn Tin Mừng gọi Người bằng tước hiệu đó.
Trong Cựu Ước, ngôn sứ Edêkien, được Thiên Chúa gọi là “Con người” (x.Ed 2,1.3). Và Thiên Chúa trao cho ông sứ mệnh là truyền ban thần khí để hồi phục đám xương khô nên một đạo binh hùng mạnh (x.Ed 37). Như vậy việc hồi sinh dân Chúa và nhân loại đã được báo trước; Và nhân vật được Thiên Chúa chọn để thực hiện công cuộc này là một vị ngôn sứ lưu đày, được Thiên Chúa gọi là “con người”.
Lần khác hình ảnh “con người” xuất hiện trong sách Đaniel. Trong Đn 7,13-14, “con người” được trình bày như một hữu thể thần linh đang ngự giá mây trời mà đến, được “Đấng Lão Thành” (là biểu tượng Thiên Chúa) trao quyền thống trị vạn vật.
Vậy qua câu hỏi thăm dò trên với cách tự xưng “Con Người”, Đức Giêsu đang bắt đầu hé cho môn đệ thấy căn tính vừa thần linh vừa nhân loại của Người. Đồng thời chờ đợi xem phần nhân loại (người ta) và phần môn đệ đáp trả thế nào trước mặc khải đó.
-
Theo dư luận: có ba dung mạo tiêu biểu được gán cho Đức Giêsu:
-
Gioan Tẩy Giả: dân coi ông là ngôn sứ (x.Mt 14,5).
-
Elia: truyền thống Do Thái coi ông là ngôn sứ dọn đường cho Đấng Mêsia theo sấm ngôn Ml 3,23-24 đã báo (x.Mt 11,14; 17,11-13).
-
Giêrêmia hay một trong số các ngôn sứ: theo truyền thống Do Thái, ngôn sứ vụ Israel chấm dứt với ngôn sứ Malaki, phong trào ngôn sứ tạm gián đoạn (x.1Mcb 9,27; Tv 74,9); Và lúc ấy, Israel sống trong sự mong chờ sự tái xuất hiện của trào lưu ngôn sứ (x.1Mcb 4,46; 14,41). Ngôn sứ tái xuất hiện là dấu chỉ thời Mêsia đến. Chính vì thế khi Gioan xuất hiện dưới những nét của một ngôn sứ thì toàn dân nô nức kéo đến với ông.
Như vậy, cách chung, dư luận chỉ mới xem Đức Giêsu như là một ngôn sứ và như thế thì triều đại Mêsia đã đến. Người có phải là Đấng Mêsia hay là còn phải chờ ai khác? (x.Mt 11,3). Nhiều yếu tố đến từ chính bản thân người khiến họ luôn phân vân. Chính trong khung cảnh đó, Đức Giêsu thấy cần can thiệp giúp các môn đệ của mình làm một bước nhảy vọt trong đức tin bởi vì giờ Thập Giá sắp tới mà môn đệ còn đầy giới hạn (x.Mt 16,12).
-
Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Thầy là:
“ĐẤNG KITÔ, CON THIÊN CHÚA hằng sống!”. Đây là một ân huệ đến từ trời, là một bước nhảy vọt trong đức tin. Tự sức của Phêrô và các tông đồ (xem Mt 16,8-12) không thể nào đạt đến tầm cao của đức tin như thế. Thật vậy sau khi nghe lời đáp của Phêrô, Đức Giêsu đã khẳng định: “này Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy nhưng là CHA CỦA THẦY, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Chi tiết gợi ý trong câu hỏi của Đức Giêsu “CON NGƯỜI” là ai? Và sự can thiệp mặc khải của Cha đã đưa các môn đệ bước vào một bước ngoặc mới trong đức tin.
-
Đấng Kitô: gốc từ tiếng Do Thái là “Mêsia”; bản LXX chuyển qua tiếng Hi lạp là “Khristos”; còn tiếng việt phiên âm thành “Kitô”, dịch nghĩa là “Đấng được xức dầu”, nghĩa là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn, dành riêng để thực hiện một công cuộc nào đó của Chúa hầu hướng dẫn dân Chúa theo ý Chúa. Trong Cựu Ước, việc xức dầu này được dành cho tư tế (x.Xh 28,41), vua (x.Tv 2,2) và ngôn sứ (x.1V 19,16). Mặc dù không trực tiếp tự xưng mình là Đấng Mêsia, nhưng Đức Giêsu hoàn tất sứ mạng của Đấng được xức dầu qua những hoạt động công khai, và các môn đệ đã tuyên xưng Người là Mêsia. Đấng Mêsia là điểm tới của niềm hi vọng thiên sai của dân Do Thái, của Cựu Ước. Khi tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, Phêrô xác tín Người là Đấng phải đến, hoàn tất mọi lời hứa Cựu Ước. Người là Đấng thực hiện trọn vẹn, hoàn chỉnh công trình của Thiên Chúa, là Mesia, là Vua, Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã thay đổi ý nghĩa tước hiệu này bằng cách trở nên vị vua bị hạ nhục. Đó là điều mà Đức Giêsu mặc khải ngay cho môn đệ sau lời tuyên tín của Phêrô (x.Mt 16,21). Đức Giêsu Kitô hoàn tất Cựu Ước đồng thời đưa Cựu Ước vào nhiệm cục mới. Môn đệ vừa tuyên xưng vừa góp phần thực hiện dự tính đó của Thiên Chúa bằng cách đổi mới não trạng và vác thập giá mình mà theo Đức Kitô (x.Mt 16,24).
-
Con Thiên Chúa hằng sống: trong đức tin Công Giáo, rõ ràng đây là lời tuyên xưng đức tin vào thần tính của Đức Giêsu. Tuy nhiên, lúc tuyên tín, liệu Phêrô đã đạt tới đỉnh cao của đức tin đó chưa? Chắc là chưa! Vì ngay sau đó khi nghe Đức Giêsu mặc khải về Thập Giá, ông đã cản lối và bị mắng là Satan (x.Mt 16,22-23). Tuy nhiên lời chúc lành mà Đức Giêsu dành cho ông: anh thật có phúc vì đó là mặc khải CHA dành cho anh (x.Mt 16,17). Lời tuyên tín đó biến đổi con người Phêrô tận căn, cho dù những yếu hèn phàm nhân vẫn còn đó nơi Phêrô. Chính trên nền tảng lời tuyên tín ấy mà Đức Giêsu đã tuyên bố con người tầm thường Simon, một ngư phủ, trở thành TẢNG ĐÁ, nền tảng cho Giáo Hội Người.
-
Hoa trái của đức tin: “anh là PHÊRÔ, nghĩa là TẢNG ĐÁ”
Này anh Simôn…: đổi tên là đổi đời, là chuẩn bị cho một sứ vụ mới (x.St 17,5-15; 33,10; Ds 13,16; 2V 23,34; 24,17…). Simôn trong ý Đức Giêsu, sẽ là Tảng Đá móng, vững bền, trên đó Đức Giêsu xây Giáo Hội Người. (Sđd 241).
Trong Cựu Ước, “Tảng Đá” là biểu tượng của Yavê, Người là nơi nương tựa cho dân (x.2Sm 23,3; Tv 94,22; 95,1). Đôi khi Chúa cũng thông ban cho các tôi tớ thân tín của Người chức năng này: Thần Học của các giáo sĩ, dựa trên Is 51,1-2, dạy rằng Abraham là “tảng đá”, là “hầm đá” trên đó, Thiên Chúa xây dựng thế giới. Vào thời Tân Ước, chắc chắn nền móng Giáo Hội phải là Đức Giêsu (x.1Cr 3,10-11; 1Pr 2,6-8; Ep 2,20…). Nhưng Người đã thông ban quyền bính của Người cho Phêrô, đặt ông làm nên móng hữu hình của Giáo Hội sau cuộc ra đi của Người về cùng Chúa Cha.
-
Trên Tảng Đá này, Thầy SẼ xây Giáo Hội của Thầy”.
“Tảng đá này” là ai? Trong đoạn văn Mt 16,13-23, nhân vật được Đức Giêsu gọi là “Tảng đá” có được nhiều dung mạo khác nhau, theo thứ tự:
-
Trước tiên là một lời nhắc khéo của Đức Giêsu “người ta bảo CON NGƯỜI là ai?”, trong khi hỏi đã gợi ý trả lời “Thầy là CON NGƯỜI”.
-
Hỏi là cho cả cộng đoàn “còn anh em…?”
-
Nhưng người trả lời lại một cá nhân với dung mạo “hơi xa lạ” tên là “Simôn Phêrô” (câu 16a: lúc này Đức Giêsu chưa đổi tên cho Phêrô). Cái tên kép này vừa ám chỉ con người tự nhiên yếu hèn của Simôn; nhưng đây cũng là người được Thiên Chúa chuẩn bị trước để trao cho sứ vụ làm “Phêrô = Tảng đá”.
-
Chính trong danh xưng kép này mà “Simôn Phêrô” tuyên tín vào Đức Giêsu.
-
Chính với lời CÔNG KHAI tuyên tín “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” mà Đức Giêsu – “Con Người” – chúc phúc cho Simôn, làm lộ ra dự tính của Cha đối với ông, đổi số mạng từ Simôn thành “Phêrô = Tảng đá”.
Vậy “Tảng đá này” chính là con người Simôn Phêrô trong dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa mà cho đến phút này mới được Đức Giêsu công khai mặc khải sau lời tuyên tín của Simôn Phêrô. Nền tảng đức tin Giáo Hội là “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Nếu lời tuyên tín này mà bị bóp méo đi thì “Phêrô = Tảng đá” (câu 23) ngay tức khắc thành tảng đá vấp phạm là Satan.
Tất cả đều là hồng ân! Simon yếu hèn trở nên Tảng đá xây Giáo Hội; Trong Đức Kitô mỗi tín hữu là một viên đá nhỏ sống động xây Đền Thờ của Chúa (x.1Pr 2,5). Mỗi gia đình kitô hữa là một “tảng đá nhỏ” để Chúa xây “Hội Thánh tại gia” “Tảng đá đó” là niềm xác tín “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Frère Pierre Đình Long FSC