Bài 1
Is 22,19-23; Mt 16,13-20
Chủ đề: Thiên Chúa trao quyền, chìa khóa cho Đấng Chúa tuyển chọn.
* Is 22,22: chìa khóa nhà Đavit, Ta sẽ đặt trên vai nó.
* Mt 16,19: Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.
Có người gọi Chúa Nhật XXI A Mùa Thường Niên là Chúa Nhật “CHÌA KHÓA”, vì bài đọc một lẫn Tin Mừng đều nói đến việc Chúa TRAO CHÌA KHÓA cho kẻ được Chúa tuyển chọn. Đó là một hành động biểu trưng. Chủ đề chính của Lời Chúa hôm nay là MẦU NHIỆM TUYỂN CHỌN CỦA THIÊN CHÚA. Chúa muốn chọn ai thì Người cất nhắc, bảo vệ, trao ban quyền bính để người ấy trở thành tôi tớ, cộng tác viên của Chúa lo cho công cuộc của Người.
Trong Lời Chúa hôm nay, việc tuyển chọn được tỏ lộ qua một hành động biểu trưng: TRAO CHÌA KHÓA kèm theo lời ủy nhiệm TRAO BAN QUYỀN BÍNH: quyền ĐÓNG – MỞ CỬA. Đó là quyền bính thần linh, cội nguồn đến trực tiếp từ Thiên Chúa, nền tảng của quyền này là chính Chúa. Thiên Chúa là Đấng Bảo Vệ, củng cố cho người được chọn và là nơi nương tựa duy nhất cho người ấy. Và dĩ nhiên là người được Chúa chọn, trao quyền phải hết lòng tận dụng quyền Chúa ban để cùng Người hoàn tất công trình cứu độ. Cụ thể trong Lời Chúa hôm nay, Chúa muốn người được Chúa chọn – tới phiên mình – cũng phải là nơi cậy dựa cho kẻ khác: trong bài đọc một, người được chọn phải đảm nhận vai trò là “CHA đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa” (Is 22, 21b); Còn trong Tin Mừng thì Simon trở thành “Tảng Đá” trên đó Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh Người.
Trong Bài đọc một, Ngôn sứ Isaia nói đến việc Thiên Chúa tuyển chọn En-gia-kim thay vào vi trí tể tướng của Sep-na. Việc phế lập được thực hiện qua những nghi thức biểu tượng: lấy “áo thụng”, “cân đai” của kẻ bị phế truất trao cho người được chọn và trao “chìa khóa” và quyền bính.
“Áo thụng”: trong nghi thức trao quyền tư tế có việc trao ban phẩm phục (x.Xh 29,8-9; 40, 14; Lv 8,7). Vậy trao phẩm phục lại cho ai tức là trao quyền kế thừa chính thức (Ds 20,26.28).
“Cân đai” tức là đai lưng. Tháo đai lưng của ai là tước lấy được sức mạnh của y (x.G 12,18). Thắt đai lưng cho ai là ban cho người ấy sức hùng, dũng lực (x.Tv 18,33); là nói lên lòng ưu ái gắn bó với người ấy (x.1Sm 18,4); hoặc ân thưởng cho một công lao to lớn (2Sm 18,11). Đai lưng còn là biểu tượng của công lý, tín thành (x.Is 11,5).
“Chìa khóa” là biểu tượng của quyền bính; “Đóng, mở cửa” là cách nói rằng từ nay En-gia-kim là người điều hành, sắp xếp công việc triều chính. Tuy nhiên quyền bính này cũng là một TRÁCH NHIỆM: trong Kinh Thánh, người được Chúa chọn luôn là để đảm nhận một trách nhiệm vì lợi ích của cộng đoàn (x.Xh 3; Tl 6,11-24). Vì vậy “chìa khóa” phải được “ĐẶT TRÊN VAI” (x.Is 9,5: Hài Nhi Mesia “gánh vác quyền bính trên vai) nghĩa là phải tận dụng sức lực toàn thân để gánh vác, chứ không chỉ là nhẹ nhàng cầm trên tay để đóng, mở.
Trách nhiệm Chúa trao cho En-gia-kim là “CHA đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa”, nghĩa là vận mạng, an bình của dân Chúa nằm trong tay En-gia-kim.
Để bảo đảm công việc thành công, Chúa hứa củng cố bảo vệ người Chúa chọn (c.23).
Bài đọc Tin Mừng thuật lại một biến cố quan trọng là bước ngoặc trong cuộc đời của Simon-Phêrô. Ông đã thay mặt các tông đồ tuyên xưng Đức Giêsu “là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên tín công khai đó được Đức Giêsu xem như là DẤU CHỈ rằng Phêrô đã được Chúa Cha tuyển chọn. Thật vậy, Đức Giêsu bảo Simon: “Này Simon con ông Giona, anh thật là người có phúc…vì chính Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã mặc khải cho anh điều ấy”.
Và rồi, dựa trên nền tảng Ý CHA cùng với lời đáp trả của Simon, Đức Giêsu đã thực hiện việc trao quyền bính và trách nhiệm cho Simon.
-
Trước tiên, Đức Giêsu đổi đời Simon qua việc đổi tên: từ nay anh là PHÊRÔ, là TẢNG ĐÁ.
-
Mục đích Đức Giêsu nhắm tới và cũng là trách nhiệm của Phêrô: thiết lập ông làm nền tảng Giáo Hội Chúa: “trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”.
-
Để trợ giúp ông, Người hứa bảo vệ, củng cố: quyền lực Tử Thần không thắng nổi Phêrô, không thắng nổi Giáo Hội.
-
Và trao quyền, cũng qua cách nói biểu tượng: Thầy sẽ trao CHÌA KHÓA Nước Trời và quyền đóng mở cửa cho Phêrô (x.bài đọc một).
Xây dựng Nước Trời là công trình của Chúa, nhưng Người vẫn tiếp tục đường lối mời nhân loại cộng tác. Mỗi tín hữu có sẵn sàng, trong chừng mực Chúa thương gọi, dám đón nhận trách nhiệm giữ chìa khóa phần mình để từng bước một, cùng với Chúa tiếp tục và đưa công trình cứu độ của Chúa đến chỗ hoàn tất.
Bài 2
Is 22, 19-23
Mt 16, 13-20
Simon Phêrô thưa: “ Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c.16)…
Đức Giêsu nói: “ Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy (c.18)….Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời…”
Chủ đề Lời Chúa của Chúa Nhật 21A Mùa Thường Niên là QUYỀN BÍNH. Dưới góc nhìn nhân loại, quyền bính là phương thế mà con người tìm đủ mọi cách để thủ đắc được hầu có thể giương danh, thống trị, đè đầu đè cổ kẻ khác, bắt mọi sự phải phục vụ mình (x. Mt 20, 25). Thậm chí, khi đã đắc chí, họ chẳng coi Thiên Chúa Trời Đất ra gì cả; Và dĩ nhiên cuối cùng là giáng hoạ cho tha nhân, phân tán, chia rẽ, chuốc hoạ vào thân.
Trong Kinh Thánh, quyền bính là để phục vụ, để hiệp nhất, tạo phúc cho tha nhân (Mt 20, 26). Trong đức tin, tín hữu xác tín rằng, quyền bính không tự mình mà có, mà là ân huệ Thiên Chúa trao ban để tiếp tục công trình của Thiên Chúa, góp tay chung sức với Người để hoàn tất dự tính yêu thương của Người cho mọi loài thọ tạo (Trong sách St 1, Thiên Chúa ban cho con người quyền làm “ bá chủ vũ trụ”; Nhưng con người chỉ thực sự nắm quyền bá chủ khi sống đúng vai trò, tương quan là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Trái lại một khi đã chối bỏ Thiên Chúa thì vũ trụ sẽ chống lại con người và con người chống lại nhau).
Trong công trình hồi phục, cứu chuộc, Thiên Chúa vẫn trung tín với đường lối mà Chúa đã hành động trong công trình sang tạo: mời gọi con người cộng tác để đưa dự tính của Chúa đến chỗ hoàn tất. Để nhân loại cũng như mỗi người hoàn tất được dự tính thần linh, Thiên Chúa cũng ban cho phương tiện, quyền lực. Và một khi Chúa đã chọn ai thì Người đã thấy được trong người đó năng lực có thể hoàn tất được dự tính của Người. Vậy “quyền bính” là một khía cạnh của mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa. Được tuyển chọn và trao quyền bính là để trở thành cánh tay nối dài của Thiên Chúa để hoàn tất dự tính yêu thương của Chúa, theo cách thức, đường lối của Chúa; Làm mọi sự với tư cách là “ cộng tác viên”, “thừa tác viên” của Thiên Chúa; Với phương tiện là ơn huệ Chúa ban và vì hạnh phúc chân thật, bền vững của nhân loại và của toàn thể tạo thành.
Hình ảnh ấn tượng được Lời Chúa hôm nay sử dụng để diễn tả mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa và việc trao quyền bính cho người được chọn là: TRAO CHÌA KHOÁ, kèm theo lời UỶ QUYỀN ĐÓNG, MỞ. Do đó, có thể gọi Chúa Nhật 21A này là “ Chúa Nhật CHÌA KHOÁ” (Monique Piettre – “ Comprendre la Parole A3, p. 151).
Bài đọc 1 thuật lại việc Chúa loại bỏ Sepna ra khỏi vị thế tề tướng, rồi chọn Engiakim. Chúa còn trao cho vị tân chức này quyền đóng mở. Chúa củng cố địa vị cho ông và là nơi nương tựa vững chắc cho ông.
Bài đọc Tin Mừng thuật lại lời tuyên tín của Simon tại vùng đất dân ngoại Xêdarê Philipphê khi được Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “ Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đại diện anh em, Simon đáp: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên tín đó là nền móng mà trên đó, Đức Giêsu đã thiết lập toà nhà Hội Thánh.
Nghe lời tuyên tín đó, Đức Giêsu liền khen ngợi, chúc phúc cho Simon và mặc khải cho ông rằng lời tuyên tín đó là ý Cha tác động nơi ông, để ông nói ra. Tiếp đó, Người đổi tên ông thành PHÊRÔ, chọn đặt ông làm nền để thiết đặt HỘI THÁNH của Người; Đồng thời còn trao luôn cho ông CHÌA KHOÁ NƯỚC TRỜI kèm theo quyền xét xử: cầm buộc, tháo cởi. Trích đoạn bài đọc kết thúc với lời hứa của Đức Giêsu bảo đảm cho sự vững bền của Hội Thánh, bất chấp sự chống phá của các thế lực thù nghịch: “quyền lực tử thần sẽ không thắng được”.
BÀI ĐỌC 1: Is 22, 19-23
Trích đoạn này nằm trong Isaia Đệ Nhất (Is 1-39). Bài đọc 1 nằm trong khối văn chương Is 13-23 gồm các sấm ngôn chống lại các dân ngoại từ Babylon, Ai Cập cho đến các tiểu quốc lân bang của Israel và Giuđa. Và rồi chính Israel cũng bị Thiên Chúa trách phạt: ở chương 17, xen vào giữa các lời sấm chống lại các dân ngoại, bỗng lộ ra một lời hạch tội Israel (Is 17, 9-11) và ở đây Is 22, 1-25 là lời sấm chống lại Giêrusalem.
Tuy nhiên chủ đề phụng vụ hôm nay không phải là “ trách phạt” mà là “mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa”. Do đó, bài đọc 1 chỉ có câu 19 là nói về vấn đề trách phạt Sepna và rồi tiếp ngay sau đó của bài 1 là việc Chúa chọn Engiakim thay thế vị trí của Sepna. Và bài đọc 1 dừng lại ở chỗ Chúa ủng hộ Engiakim.
Như vậy, phụng vụ nhấn mạnh tới mầu nhiệm tự do tuyển chọn của Thiên Chúa.
CẤU TRÚC Is 22, 19-23
1/ Yavê truất phế tể tướng Sepna (c.19) được mô tả:
“tống khỏi chức vụ”
“đuổi khỏi địa vị”
2/ Yavê chọn Engiakim thế vào vị trí của Sepna (cc. 20-22) mô tả việc Engiakim được tuyển chọn:
– Engiakim được Yavê gọi là “ Tôi Tớ Ta” (c.20)
– Yavê lấy xiêm y, cân đai, quyền bính của Sepna trao lại cho Engiakim (c.21a).
– Trao cho ông “chìa khóa nhà Đavit” (c. 22a).
3/ Yavê củng cố uy quyền của Engiakim qua các lời hứa:
– Nó sẽ là cha đối với cư dân Giêrusalem và nhà Giuđa (c. 21b).
– Nó mở ra thì không ai đóng được… (c. 22b).
– Ta sẽ làm nó vững chắc như đinh đóng cột (c. 23a).
– Nó nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó (c. 23b).
SỨ ĐIỆP PHỤNG VỤ CỦA BÀI 1
Yavê tuyển chọn Engiakim làm người lãnh đạo dân Chúa. Ngài củng cố quyền bính, địa vị của ông trên dân và làm ông trở nên ngai tòa vinh quang của dân Người. Kết hiệp với Tin Mừng, sứ điệp bài 1, vượt qua hơn lầm lỡ của một cá nhân, chứa đựng hậu cảnh thiên sai: người lãnh đạo dân này được trao sứ mạng nắm giữ chìa khóa nhà Đavit với quyền đóng, mở tuyệt đối do chính Yavê trao ban. Vai trò nhất thời của Engiakim báo trước vai trò của Phêrô và các người kế vị được đề cập đến trong bài Tin Mừng.
SUY NIỆM
* Sepna là ai?
Is 22, 15 gọi y là “ chủ nhân cung điện” trong Kinh Thánh Hi Bá, từ này cũng được dùng trong St 41, 40 để chỉ chức vụ của Giuse (TOB). Sepna không phải là một tên gốc Aram (DEB), có lẽ là gốc Ai Cập và là một người hãnh tiến (vì không thấy Kinh Thánh nói đến các tiền nhân, gốc gác gia tộc của người này), do gặp thời nên leo lên bậc cao danh vọng trong xứ Giuđa, có lẽ dưới triều Khitkiyahu (Edekia). Có thể ông này là một trong những nhân vật quan trong trong triều chủ trương thân Ai Cập.
* Tại sao Sepna lại bị truất phế?
Xem c.16, y chỉ là một ngoại tộc hành tiến, bạo phát trên đường danh vọng, nên không có gốc gác, đất đai gì ở Giuđa. Được ưu đãi, lẽ ra y phải lo phục vụ triều đại cho phải đạo, đằng này về mặt chính trị y đã xúi dại Giuđa hãy theo khuynh hướng thân Ai Cập, đây là điều Isaia rất ghét và coi đó như là bất trung với Thiên Chúa (x. Is 30 -31); về cá nhân y đã lạm quyền chỉ lo tư lợi, tìm cách lưu danh cho mình ngang qua việc chiếm đất trái phép để lo chuyện hậu sự cho mình. Bởi vì theo luật xưa thì dân ngoại đương nhiên là không có đất đai do tổ tiên để lại ở Israel, do đó muốn lo chuyện hậu sự thì mình không thể tự ý tùy tiện chọn đất cho phần mộ của mình; Thái độ phù hợp là phải thương lượng xin dân địa phương cho mình một phần đất theo thỏa thuận (x. St 23, 4c). Thế mà tên này lại ỷ quyền tự chọn cho mình phần mộ “ở nơi cao” (c.16). “Ở nơi cao” phải chăng là ở Sion nơi an táng các vua nhà Đavit (x. 1V2, 10); 2 Sb 32, 33)?
Thêm nữa, tình hình chính trị tại Cận Đông lúc Sepna bị truất không cho phép vua Khitkiyahu (Edekia) để một người thân Ai Cập ở một địa vị đứng đầu triều đình được.
* “Ta sẽ gọi…” những gì Engiakim có được đều là hồng ân, sáng kiến của Thiên Chúa: Người kêu gọi và tặng ban.
“Tôi tớ Ta”: tước hiệu vinh dự chỉ dành cho những nhân vật có được vị trí quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (x. Chúa nhật 2A Thường niên). “Người tôi tớ” là người được chủ tín nhiệm, chọn và sai đi để làm một công trình nào đó của chủ. Vậy phải ý thức mình tùy thuộc vào Chủ, chỉ làm công việc của Chủ với những phương tiện Chủ trao ban, như ý Chủ mà thôi.
“Áo thụng” = kuttonet; “cân đai” = ‘avanet/ ‘abnet: để diễn tả việc Yavê truất phế Sep-na và chọn En-gia-kim thay thế, Isaia sử dụng hai hình ảnh: – lấy áo thụng của Sep-na mặc cho En-gia-kim – và lấy cân đai của Sep-na thắt cho En-gia-kim; và ngay sau đó là lời giải thích: quyền bính của Sep-na sẽ được trao lại cho En-gia-kim.
Áo thụng là áo mặc trong của người Do Thái thường dài đến đầu gối và tay áo ngắn. Tuy nhiên cũng có áo dài hơn với tay áo dài. Lúc ở nhà thì áo thụng để buông, khi du hành, làm việc, chiến đấu thì được thắt gọn sát người bằng một đai lưng (cân đai) (x. Xh 12,11; 2V 4,9; 9,1). Trong nghi thức trao quyền tư tế có việc trao ban phẩm phục (trong đó có kuttonet và ‘avanet) (x. Xh 29, 8-9; 40,14; Lv 8,7), và khi trao phẩm phục lại cho ai tức là trao quyền kế thừa chính thức (Ds 20, 26.28). Khi tặng ai một kuttonet đặc biệt là hàm ý người ấy được sủng ái đặc biệt (x. St37, 3).
Cân đai tức là đai lưng, dây nịt, thường sử dụng chung với áo thụng. Tháo đai lưng ai là tước lấy đi sức mạnh của y (x. G 12,18); Thắt đai lưng cho ai là ban cho người ấy sức hùng dũng lực (x. Tv 18,33 “Chúa Trời, Đấng lấy hung tráng thắt đai lưng tôi”: Cha Thuấn). Tặng đai lưng nói lên lòng ưu ái; gắn bó (x.1Sm 18,4), hoặc đó là một phần thưởng cho một công lao đáng kể (x. 2Sm 18,11). Đai lưng còn là biểu tượng của công lý, tín thành (x. Is 11,5).
Vậy việc bị lấy lại áo thụng, cân đai là dấu Sep-na bị thất sủng và bị truất phế. Ngược lại, được trao đai áo là dấu En-gia-kim được sủng ái và được trao ban quyền bính. Vấn đề là quyền bính được trao là để làm gì. Có quyền mà chỉ nghĩ đến lợi lộc bản thân và thân quyến thì cũng sẽ đến lúc “đinh bị gãy” vì thất sủng thôi.
* “Nó sẽ là CHA”: vua, quan, các người có uy tín giàu có được dân coi như cha mẹ (x. Is 9,5; St 45,8; G 29,16). Cha mẹ không phải để hiếp đáp nhưng là để lo cho dân, nhất là trong những cảnh cùng khốn. Giuse được coi là “cha của Pharao”, là “tể tướng Ai Cập” nhưng là để tìm kế sách lo cho dân chuẩn bị cho dân đối phó với thiên tai đói kém. Lúc phong nhiêu không tích lũy cho mình, lúc thất mùa phải mở kho cứu đói chẳng những cho Ai Cập mà cả các lân quốc. Vậy “Cha” ở đây là một trách nhiệm, chứ không như Sepna chỉ lo cho bản thân mình. En – gia – kim được chọn, được trao quyền bính là để phục vụ dân cư Giêrusalem trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” trước các đợt tấn công của Sennakerib. Chúa muốn ông đóng vai trò Mesia của Gierusalem.
*Thật vậy, Yavê đã đặt chìa khóa nhà Đavit trên vai ông:
“Chìa khóa” là biểu tượng của quyền bính. Từ nay, việc ra vào hoàng cung, giờ giấc mở đóng là tùy thuộc vào En – gia – kim. Việc tổ chức sắp xếp chầu, triều yết là do ông sắp đặt.
Tuy nhiên quyền bính này cũng là gánh nặng, một trách nhiệm mà ông phải đảm nhiệm. Trong Kinh Thánh, người được Chúa chọn luôn là để đảm nhận một trách nhiệm vì công ích của cộng đoàn (x.Xh 3: ơn gọi Môsê; Tl 6, 11-24: Gedeon…). Vì vậy nên chìa khóa phải được “đặt trên vai” (x.Is 9,5: Hài nhi Mesia “gánh vác quyền bính trên vai”), nghĩa là phải dùng sức toàn thân để gánh vác chỉ không chỉ là cầm xâu chìa khóa nhẹ nhàng để đóng mở.
*Chiều kích, ý nghĩa Mesia của sứ điệp: câu nói “đặt chìa khóa nhà Đavit trên vai En – gia – kim” nếu hiểu hạn hẹp theo nghĩa đen thì En – gia – kim sẽ kế thừa ngai Đavit, sẽ làm vua. Điều này thực tế đã không xảy ra. Vậy đây là cách nói đề cao vai trò người được Chúa chọn; và dù ở địa vị nào tất cả đều hướng về một cùng đích duy nhất. ; còn ý nghĩa tuyệt đối của câu nói này phải được hướng về Đấng Mesia. Thật vậy chúng ta tìm thấy cách hiểu này trong Kh 3,7 khi nói về “Con Người” trong thị kiến Gioan “… Đấng giữ chà khóa vua Đavit, Người mở ra thì không ai đóng được, Người đóng lại thì không ai mở ra được”. Và trong thực tế, En – gia – kim cũng không tại vị lâu: cc 24 – 25 (phụng vụ không đọc) cho thấy ông đã thất sủng. Lí do là vì cả dòng tộc, tông phái nhà ông, tất cả bu bám lấy ông, nên “cây đinh” dù được Chúa đóng sâu vào tường đến đâu thì cũng sẽ oằn rồi gãy.
c.23: Chúa là Đấng bảo vệ, nơi nương tựa vững chắc cho En – gia – kim:
Hình ảnh được sử dụng là cây đinh được đóng sâu vào cây cột vững chắc, không ai có thể nhổ bẻ nó được.
Và như thế En – gia – kim là danh thơm tiếng tốt cho cả dòng tộc.
Bản văn phụng vụ dừng lại ở đây.
Tuy nhiên đọc tiếp cc 24-25, ta sẽ thấy: được Chúa đóng vào cột và bảo vệ nên “cây đinh En – gia – kim” là vững chắc an toàn. Nhưng nếu ông không dứt khoát chỉ sử dụng quyền lực để phụng sự Chúa, mà lại để bà con bu vào… thì tới lúc nào đó sức nặng của quyền lợi gia tộc sẽ làm gãy cái đinh En – gia – kim dù đầu đinh vẫn còn gim vào cột.
TÓM: qua hình ảnh Thiên Chúa chọn một người không thuộc dòng Đavit để trao cho ông chìa khóa nhà Đavit, Giáo Hội muốn dọn đường cho chúng ta tiếp nhận một cuộc “trao chìa khóa” khác tương tự nhưng tầm cỡ quan trọng hơn nhiều: đó là Đức Giêsu sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho một con người không thuộc thiên giới, mà chỉ là một phàm nhân. Cử chỉ ưu ái này của Thiên Chúa đã mở lại cửa Nước Trời cho tạo vật và mời con người bước vào quỹ đạo thần linh của Thiên Chúa.
TIN MỪNG Mt 16, 13-20
Trích bài đọc Tin Mừng hôm nay đưa tín hữu đến một bước ngoặt quan trọng trong Tin Mừng Mathêu: Đức Giêsu bắt đầu hé mở cách công khai mầu nhiệm căn tính thần linh của Người cho đoàn môn đệ thân tín, đồng thời mặc khải luôn cho họ mầu nhiệm Thập Giá, Phục Sinh (3 lần).
Sự cứng lòng của người Do Thái, nhất là của các thủ lãnh tôn giáo đã buộc Đức Giêsu phải thu hẹp lại phạm vi hoạt động của Người: Người đầu tư công sức nhiều hơn vào nhóm môn đệ thân tín. Thật vậy:
Sau “bài giảng bằng dụ ngôn”, kết quả đạt được về phía các môn đệ là tương đối khả quan: các ông hiểu được Lời Người ( Mt 13, 51-52). Nhưng đối với các thành phần khác trong dân thì ngược lại:
– Tại quê hương Nadaret, dân chúng đố kỵ không tin, khước từ Người đến độ Người chỉ làm được vài phép lạ (Mt 13, 53-58).
– Rồi cái chết tức tưởi của Gioan Tẩy Giả là dấu chỉ sự suy đồi của đạo đức, sự lộng hành của lối sống vô luân: mạng sống của một ngôn sứ không bằng giá trị của một bài múa vui (Mt 14, 3-12).
– Người ta còn bám víu vào Đức Giêsu chỉ để hưởng nhờ phép lạ, chút lợi ích vật chất chóng qua. Vì lòng thương, Đức Giêsu vẫn đón tiếp đám đông, nhưng trong cả khối văn chương Mt 14-17, không thấy một lời dạy dỗ nào cho họ, chỉ có vài cuộc tranh luận với biệt phái, xa đốc.
Đức Giêsu muốn né tránh đám đông, lui dần vào những nơi hoang vắng để đào tạo nhóm môn đệ thân tín, chuẩn bị các ông đương đầu với sứ mạng Thập Giá mà Người sắp hé lộ. Sau nhiều lần tách đưa các môn đệ ra các vùng hoang vắng kế cận Galilê, Đức Giêsu đều không yên thân được vì đám đông cứ đuổi bám riết để đòi phép lạ. Để thoát sự đuổi bám ấy. lần này, Đức Giêsu đưa các môn đệ đi thật xa, ra khỏi hẳn vùng đất Galilê của Herode, đi đến tận vùng núi Césare của tiểu vương Philipphê, hầu đưa nhóm môn đệ nhỏ bé này tiến vào một bước ngoặt quan trọng trên hành trình theo Người: Người công khai tỏ lộ căn tính thiên sai của Người cho các ông, đồng thời thiết đặt nền tảng cơ bản cho Giáo Hội tương lai của Người.
Bắt đầu từ đây, Đức Giêsu hầu như dành mọi thời giờ cho Nhóm Mười Hai. Hơn nữa, trong lúc từ trước đến nay, ý niệm Nước Trời chiếm một vị trí chủ yếu thì bây giờ chính CON NGƯỜI CỦA ĐẤNG MÊSIA đau khổ và chịu sỉ nhục lại trở thành tâm điểm rao giảng của Đức Giêsu. Và trong giáo huấn đó, thập giá sắp được trình bày như một sự cần thiết vừa đối với Đấng Mêsia, vừa đối với những kẻ muốn theo Người (Chú giải Phúc Âm Năm A MTN trang 234). Chính trong bối cảnh ấy, Đức Giêsu muốn rà soát lại xem, sau một thời gian hoạt động, dư luận nói gì về Người và nhất là để xem các môn đệ thân tín có tiến bộ gì chăng trong nhận thức về Người. Lời tuyên tín của Phêrô đã thúc đẩy Đức Giêsu tiến thêm một bước nữa trong sứ vụ của Người: thiết lập Giáo Hội và NÈN TẢNG của Giáo Hội. Lời tuyên tín của Phêrô vào Đức Giêsu là nền tảng cho tòa nhà Giáo Hội.
CẤU TRÚC Mt 16, 13-20
1/ Đức Giêsu tỏ mình và lời tuyên tín của Phêrô (Mt 16, 13-16)
* Địa điểm: Xêdarê Philipphê, vùng đất của dân ngoại
* Cách thức tỏ mình: đi từ xa tới gần, Đức Giêsu gợi ý giúp các môn đệ nói lên xác tín của các ông về bản thân Người; và cũng là một cách đi bước trước hé mở cho thấy Người là ai qua câu hỏi gợi ý:
– Người ta bảo CON NGƯỜI là ai? Gợi ý Đức Giêsu là “Con Người”
– Tất cả các ông cùng đáp: dư luận cho rằng Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả, hoặc là Elia, Giêrêmia hoặc là một trong các ngôn sứ (c.14)
– Còn anh em, anh em hỏi Thầy là ai? (c.15)
– Tuyên tín của Simon Phêrô: “Đấng Kitô_Con Thiên Chúa hằng sống” (c.16).
2/ Đức Giêsu tuyên bố thiết lập Giáo Hội trên nền đá tảng Phêrô (Mt 16, 17-19).
* Phản ứng của Đức Giêsu trước lời tuyên tín của Phêrô (c.17):
– chúc phúc: “này Simon…anh có phúc….”
– lý do Simon có phúc: vì được Cha của Đức Giêsu mặc khải điều ấy
– Đổi tên: “Anh là PHÊRÔ (nghĩa là TẢNG ĐÁ”).
(Trong Cựu Ước, “Tảng Đá” là biểu tượng của Thiên Chúa (2Sm 23,3; Tv 95, 1; 94, 22). Vậy Đức Giêsu cho Phêrô được thông phần vào sứ vụ thần linh).
* Thiết lập Giáo Hội (c.18)
– “ Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”.
– Hội Thánh bền vững: “quyền lực âm phủ không thắng nổi”.
* Trao ban quyền bính (c.19)
– Trao chìa khóa Nước Trời
– Trao quyền tháo cởi/ cầm buộc.
3/ Lệnh cấm tiết lộ (c. 20): tạm giữ bí mật điều vừa được mặc khải cho Nhóm Mười Hai.
Vậy bài đọc Tin Mừng hôm nay:
Trọng tâm là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, đại diện của Nhóm Mười Hai. Lời tuyên xưng này là hoa trái của ân huệ thần linh, của mặc khải của Cha. Đức tin này của Phêrô được Đức Giêsu sử dụng làm nền tảng để thiết lập Hội Thánh của Người, bằng cách biến đổi con người ông (đổi tên), thông ban cho ông uy lực thần linh (gọi ông là ĐÁ TẢNG), trao cho ông quyền bính (chìa khóa Nước Trời và quyền đóng mở).
Phối hợp với bài đọc 1 thì trọng tâm nhấn vào việc Thiên Chúa tuyển chọn người để lãnh đạo Dân Người, rồi trao quyền bính và phù trợ để người ấy hòan thành tốt được sứ vụ đã được trao ban.
SUY NIỆM
* Césarée Philipphê: thành phố nằm ở cực bắc Palestin, bên tả ngạn sông Gio-đan, cách hồ Galilê độ 50km về phía bắc. Thành do quân vương Herode Philipphê xây vào năm 2 TCN để kính nhớ hoàng đế Augusto. Đây là thành Hi hóa, dân ngoại. Đức Giêsu không vào thành, có lẽ Người hướng về phía thượng nguồn nơi phát xuất sông Giođan, thiên nhiên an bình tránh mọi tranh chấp. Chính trong hành trình yên ổn ấy, Đức Giêsu đã khảo nghiệm niềm tin các môn đệ. Mặc khải được thực hiện trong vùng đất của dân ngoại. Trước đó tại Biển Hồ, các môn đệ khi qua nguy cơ hốt hoảng đã nhận ra Người là “CON THIÊN CHÚA” (x. Mt 14, 33). Giờ đây trong bầu khí an bình – thật xa Giêrusalem, xa môi trường Do Thái tôn thờ 1 Mêsia thuyết chính trị cực đoan, Đức Giêsu cũng muốn giúp họ nhận ra Người là ai. Trong mọi lúc, Đức Giêsu luôn là duy nhất, là Con Thiên Chúa cho chúng ta.
* Người ta bảo Con Người là ai?
Đức Giêsu làm một cuộc thăm dò dư luận nơi các môn đệ? Người dư biết những gì thiên hạ nghĩ về Người! Điều Người muốn biết không phải là dư luận quần chúng, nhưng là suy nghĩ của các môn đệ về Người. Người có một dự tính muốn làm và dự tính này tùy thuộc vào tương quan các môn đệ có đối với Người: Người muốn xây dựng Hội Thánh của Người trên nền tảng Tông Đồ. Người không dừng lại ở sứ mạng hiện tại của Người; Người muốn hướng lòng về tương lai, hướng đến sự hoàn tất chung cuộc.
Vậy câu hỏi thứ nhất chỉ có mục đích dẫn vào câu hỏi 2. Đức Giêsu muốn các tông đồ xác định tương quan biệt vị giữa họ đối với Người. Tuy nhiên, ngay trong câu hỏi này, Đức Giêsu cũng đã hé mở mặc khải, nhắc khéo các ông: Người là Con Người.
Con Người: không ai tuyên xưng Đức Giêsu bằng tước hiệu này, chỉ có Người tự xưng mình như thế, một tước hiệu có ý nghĩa mơ hồ mượn từ sách Đaniel và khải huyền Do Thái. Có thể hiểu:
– Con Người đơn giản là con cái của loài người, là một phàm nhân bình thường giữa bao con người khác. Lần đầu tiên Mathêu sử dụng tước này cho Đức Giêsu là để nói lên sứ khó hèn, khiêm hạ, không chút dính bén gì với danh vọng trần gian khi có một kinh sư muốn theo Người (x. 8, 20: qua câu đáp này Đức Giêsu hàm ý hỏi lại ông kinh sư: ông muốn tìm cái gì? Ông tưởng sẽ được cái gì khi theo tôi?). Trong cách hiểu này, chúng ta có thể thêm vào rằng Đức Giêsu là Con Người lý tưởng, tuyệt hảo, là Ađam thứ hai, Ađam mới, là đại diện và là kiểu mẫu cho nhân loại được tái tạo.
– Con Người gợi lên hình ảnh một nhân vật kỳ bí từ thiên cung mà đến, trong Đn 7, 13, được trao ban vương quyền vĩnh cửu trên toàn vũ trụ. Người đến trên mây trời giữa triều thần thánh để xét xử vũ trụ. Trong Mt 24, 30 và Mt 26, 64, Đức Giêsu khẳng định Người chính là nhân vật thiên cung này, và chính vì thế mà Người bị kết án tử hình không cần bằng cớ, nhân chứng nào nữa (Mt 26, 65).
– Trong đoạn văn chúng ta đang khảo sát, tước Con Người do Đức Giêsu tự xưng chắc là để cân bằng lại với lời tuyên tín của Phêrô: Đức Giêsu = Con Thiên Chúa. Qua đoạn văn Mathêu ngầm gợi ý: Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, điều đó là đúng rồi, nhưng ông ta có ngờ rằng quyền năng của Con Thiên Chúa sẽ được biểu lộ ở mức độ cao nhất nơi một con người khiêm hạ đang sống giữa các ông và rồi sẽ chết như một tử tội? Ông có ngờ rằng Con Thiên Chúa lại chia sẻ trọn vẹn phận người như chúng ta với tất cả hậu quả của phận người tội lỗi không?
Thật vậy, nếu không xác tín được thực tại kép này nơi Đức Giêsu (vừa là Thiên Chúa, vừa là con người) thì làm sao có thể sống trọn niềm tin phó thác vào con người lẫn đường lối hành động của Người để cứu thế giới. Thái độ Phêrô ngay sau đó cản trở con đường thập giá của Đức Giêsu là một minh họa hùng hồn (Mt 16, 21-23) cho nhận định trên. Chúng ta chỉ thật sự sống trọn vẹn mầu nhiệm Đức Giêsu là Con Thiên Chúa khi dám tín thác vào Người trong thân phận phàm nhân của Người với tất cả những hậu quả xấu nhất của nó. Để rồi một khi mọi sự đã hoàn tất, chúng ta sẽ nhận ra con người yếu hèn ấy lại chính là Vị Thẩm phán tối cao, chung thẩm của toàn vũ trụ. Thực tại này được Phaolô chiêm ngắm và diễn tả tuyệt vời trong bài ca tụng Đức Giêsu tự hạ, đi đến tận đáy thân phận làm người chịu chết trên thập giá nên cuối cùng đã đựợc Thiên Chúa tôn vinh “ Giêsu là KURIOS” của cả vũ trụ, cả thiên cung lẫn âm phủ (x. Pl 2, 6-11).
* Câu đáp của các môn đệ: (c.14):
– Họ nói: Tất cả cùng lên tiếng, nhưng đây không phải là câu trả lời, mà chỉ là lập lại tiếng đồn (so với c.16: “trả lời, Simon Phêrô nói”).
– Gioan Tẩy Giả: giả thuyết cho rằng Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả tái sinh đã có thể thịnh hành trong giới thân cận của Tiểu Vương Hêrôđê Antipas (x. Mt 14,2).
– Elia: giả thuyết xem Người như là Elia phát xuất từ sấm ngôn Ml 3, 23-24, và như vậy dư luận xem Đức Giêsu như là vị tiền hô của Đấng Mêsia.
– Giêrêmia: chỉ có Mathêu thuật lại chi tiết này. Theo một truyền thuyết Do Thái, còn giữ lại trong 2 Mcb 2, 1-8 thì Hòm Bia đã được Giêrêmia đem cất giấu trong một hang bí mật tại núi Sinai để chờ thời điểm của Yavê (“ bấy giờ” : 2 Mcb 2, 8). Hòm Bia sẽ tái hiện trong vinh quang. Một đoạn khác 2Mcb 15, 13-16 nói rằng Giêrêmia đã ban cho Giuda Macabê một thanh gươm (15, 13-16) để ông này sẽ đánh tan quân địch để cứu dân… Vậy khi nói Đức Giêsu như là Giêrêmia, người ta ám chỉ Người là Đấng phải đến để phục hồi lề luật, giải phóng dân Chúa. Đấng giải phóng thời cuối cùng đã đến rồi.
– Một trong số các ngôn sứ: theo truyền thống Do Thái, ngôn sứ vụ Israel chấm dứt với Malaki, phong trào ngôn sứ tạm gián đoạn (x. 1 Mcb 9, 27; Tv 74, 9); và lúc ấy Israel sống trong sự mong chờ sự tái xuất hiện của ngôn sứ (1 Mcb 4, 46; 14, 41). Đó còn là dấu chỉ thời Mêsia đã đến. Chính vì thế khi Gioan xuất hiện dưới những nét của một ngôn sứ thì toàn dân nô nức kéo đến với ông.
Như vậy, cách chung, dư luận xem Đức Giêsu như là một ngôn sứ. Điều này kéo theo hệ quả là họ cũng tin rằng thời Mêsia đã tới. Vì thế, họ háo hức đợi chờ giây phút được tận hưởng những ân huệ thiên sai. Tuy nhiên, không ai trong họ ngờ được rằng Đấng Mêsia là chính Đức Giêsu; Niềm háo hức đơi trông không đủ để giúp họ khám phá ra căn tính đích thực của nhân vật thiên sai đang đồng hành với họ trên các nẻo đường Palestin. Chỉ có mặc khải của Cha mới đưa con người đi sâu vào được huyền nhiệm Giêsu. Đó là điều mà Đức Giêsu chờ đợi nơi môn đệ, để từ đó Người mới có cơ sở để thiết lập Nước Trời tại thế. Vì thế Đức Giêsu lập lại câu hỏi với một chút khác biệt: “ Còn anh em nói THẦY là ai?”
* Câu đáp của Phêrô: không phải cả nhóm đồng thanh trả lời, mà chỉ là Simon Phêrô với tư cách là người đại diện nhóm
*Thầy là Đấng Ki tô, Con Thiên Chúa hằng sống:
– Đấng Kitô: phiên âm của từ Hi Lạp, Khristôs, dịch từ tiếng Do Thái: Mêsia. Danh xưng chỉ chức năng, sứ mạng. Dịch ra Việt Ngữ “Đấng Thiên Sai”, “Đấng được xức dầu”, nghĩa là Đấng được Thiên Chúa chọn, tấn phong, dành riêng để thực hiện một công cuộc nào đó của Thiên Chúa. Đấng Mêsia là điểm tới của niềm hi vọng thiên sai của Do Thái Giáo, của Cựu Ước. Khi tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, Phê rô của Mattheu muốn nói Người là Đấng phải đến hoàn tất mọi lời hứa Cựu Ước. Người là Đấng thực hiện cách trọn vẹn và ở mức độ cao nhất công trình của Thiên Chúa. Người là Vua thiên sai mà Cựu Ước đã loan báo. Vì vậy, sau này tước hiệu này trở thành tên thứ hai của Đức Giêsu.
– Con Thiên Chúa hằng sống: đây là nét riêng của Mattheu. Lúc Phêrô tuyên tín, ông có xác tín được tử hệ thần linh của Đức Giêsu chưa? Điều này khó mà trả lời chính xác. Tuy nhiên với chúng ta ngày nay, sứ điệp quá rõ ràng: lời tuyên xưng ấy hàm ý xác nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa.
Và lời chúc phúc của Đức Giêsu ngay sau đó (c.17) khẳng định cho lối hiểu trên: đó là mặc khải của CHA và dựa trên đó Đức Giêsu đã đặt Phêrô làm nền tảng để thiết lập Giáo Hội (c.18) (x. GKPV “4 sách Tm “80 “S”, hoặc “Tân Ước “114, “g”).
Và vấn đề nhấn mạnh tầm mức của lời tuyên xưng. Mattheu thêm vào tính từ “hằng sống”: Thiên Chúa mà Phêrô tuyên xưng là Thiên Chúa sống động đối nghịch lại với các ngẫu thần vô tri, bất động mà phàm nhân vẫn thờ lạy, và trình bày Thiên Chúa là cọi nguồn duy nhất của sự sống của toàn thể vũ trụ, dưới đất cũng như trên trời.
*Phúc cho anh Simon, con Giona…một mối phúc nữa trong Tin mừng Mattheu. Đó là hạnh phúc của những người được Cha chọn và mặc khải cho biết Con của Người. Việc nhận ra được căn tính của Đức Giêsu không phải là kết quả của những nỗ lực phàm nhân, mà là hoa trái của ân sủng. Khi Cha đã mặc khải cho Phêrô điều đó là Người muốn chuẩn bị ông vào một sứ mạng đặc biệt mà Đức Giêsu sẽ công bố ở (c.18-19)
* “Anh là Phê rô, nghĩa là TẢNG ĐÁ…”
– Đổi tên là đổi đời, là chuẩn bị cho một sứ vụ mới (x. St 17, 5. 15; …33,10; Ds 13,16; 2V 23, 34; 24,17). Ở đây ý nghĩa thật quá rõ: Simon sẽ là tảng đá móng, vững bền trên đó Đức Giêsu xây Giáo Hội Người.
– Trong Cựu Ước. “TẢNG ĐÁ” là biểu tượng của Ya vê, Người là nơi nương tựa cho dân (x. 2Sm 23,3; Tv 94, 22; 95,1…). Đôi khi Chúa cũng thông ban cho các tôi tớ thân tín của Người chức năng này: Thần học của các Giáo Sĩ, dựa trên Is 51, 1-2, dạy rằng Apraham là “tảng đá” “hầm đá” trên đó Thiên Chúa xây thế giới.
Vào thời Tân Ước, chắc chắn nền móng Giáo Hội phải là Đức Giêsu (1Cr 3, 10-11; 1Pr 2, 6-8; Ep 2, 20) nhưng Người đã thông ban quyền bính của Người cho Phêrô, đặt ông làm nền móng hữu hình của Giáo Hội, sau cuộc ra đi của Người.
*Trên ĐÁ này, Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta: vào thời điểm Phêrô tuyên tín, Đức Giêsu đặt ông làm nền tảng cho Giáo Hội. Còn việc xây dựng Giáo Hôi tùy thuộc vào thời gian.
“sẽ xây”: thì tương lai, hướng về sự việc sẽ thực hiện sau phục sinh. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, Giáo Hội mới chính thức xuất hiện sau Phục Sinh và sau khi các kẻ tin được tràn đầy Thánh Thần.
Vì Giáo Hội này khai sinh từ biến cố Đức Giêsu thiết đăt Phêrô làm TẢNG ĐÁ của Giáo Hội nên Mattheu viết “Giáo Hội của Ta” tức Giáo Hội của Đức Giêsu. (xem thêm CGKPV Tân Ước 115, “h” hoặc “bốn sách Tin Mừng” 81, “t”).
*Quyền lực âm phủ: “âm phủ” = Hades trong tiếng Hy lạp và Shêol trong tiếng Do thái, là nơi giam giữ người chết theo quan niệm Do Thái xưa (Ds 16,33). Vậy “quyền lực âm phủ” ám chỉ quyền lực tử thần.
Thời Cựu Ước, Do Thái giáo chưa xác tín có đời sau nên họ cho rằng sau khi chết tất cả đều dồn về một nơi cả xác lẫn hồn, công chính cũng như tội phạm (G 30, 23). Và ở đó vĩnh viễn không ra được nữa. (G 7, 9). Đến thời Macabe, cái nhìn đức tin về âm phủ có tiến triển: Chúa sẽ viếng thăm vào một ngày nào đó để thưởng người công chính và phạt kẻ dữ, không có chuyện lẫn lộn tốt xấu ở chung (x.2Mcb 7, 9b-14b, Kn 3, 7-12). Nghĩa là niềm tin có đời sau đang được mặc khải. Từ đó, người ta có quyền hy vọng, tin “âm phủ không thống trị địa cầu” và “đức công chính thì trường sinh bất tử” (Kn 1, 14b-15). Đức Giêsu đã khai thác những điểm trên để mặc khải vai trò của Giáo Hội trong chương trình Cứu độ.
Vậy “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” có nghĩa là từ nay với Đức Giêsu, qua Giáo Hội, quyền lực Âm phủ không còn lộng hành được nữa. Nghĩa là sau khi chết, con người không còn bị rơi vào một nơi tăm tối thê lương như Cựu Ước mô tả nữa (x.G7, 9; Is 38, 18; Tv 88, 11-13; 30,10…). Từ nay trong Đức Kito, trong Giáo Hội Những ai đã chết và nhuộm áo mình trong Máu Con Chiên (cho dù họ không biết Người: các Anh Hài, hoặc vì một lẽ công chính: Gioan Tẩy Giả) thì tất cả đều thuộc về Giáo Hội được muôn đời vui vẻ ca ngợi Con Chiên và được giải phóng khỏi mọi giam giữ của kiếp người, của sự dữ (x.Kh 7, 9-17).
Tuy nhiên mặc khải vẫn còn tiến triển. Vì cái nhìn trên còn bị kẹt trong vấn đề nơi chốn. Vấn đề là mối tương quan. Ý nghĩa của Âm ty được chuyển từ “ nơi chốn” thành một “tương quan”, một chọn lựa từ phía con người. Thật vậy, với lời truyền của Đức Giêsu, giờ đây âm phủ tự nó không còn quyền chi trên những người thuộc về Giáo Hội. Thế nhưng cũng như tình trạng dân chúng thời Balaam: Với sự che chở của Chúa, chẳng quyền lực trần thế hay thần linh nào có thể hại dân Chúa được; thế nhưng nếu dân Chúa tự mình đánh mất thiên ân “Dân Thánh” của mình bằng những tội phạm thì sao? Âm phủ không có quyền nhưng con người lại tự đút đầu vào ách Âm hủ khi phạm tội. Âm phủ lúc đó thành HỎA NGỤC. Thế nhưng cả ngay lúc này, khi còn sống, nếu con người muốn, vẫn có khả năng thoát quyền lực Âm phủ: nhờ Giáo Hội và các Bí tích. Vậy thực sự quyền lực Tử Thần không lay nổi Giáo Hội.
*Trao chìa khóa và quyền cầm buộc, tháo cởi (x. CKPV. T.Ư. 115 “k”). Không hề có nghĩa là bằng mọi giá và bất cứ trường hợp nào Thiên Chúa trên trời đều phải nghe lệnh cầm buộc, tháo cởi của Giáo Hội, Phêrô (và kế vị). Quyền năng là được trao ban (chứ không tự bản chất của Giáo Hội), do đó nó được dùng để phục vụ Nước Thiên Chúa. Chỉ khi nào thừa tác viên thực sự kết hiệp với Đức Giêsu, đi đúng đường lối Chúa thì năng quyền mới hữu hiệu; và chỉ có giá trị trong lãnh vực chống lại quyền lực Tử Thần, cứu tha nhân chứ không nhằm biểu lộ uy quyền thế giá cá nhân, nhất là khi tìm sự an toàn, trốn Thập Giá như trong trình thuật Đức Giêsu mắng Phêrô (Mt 16, 21-23); Trong trường hợp này, Phêrô đã hành động theo máu huyết chứ không theo ý Cha thì không thể được ơn tháo buộc.
*Lệnh cấm của Đức Giêsu (c.20): có lẽ Đức Giêsu sợ rằng một việc tiết lộ không phải lúc phẩm chức thiên sai của Người sẽ khởi lên cơn sốt quốc gia chủ nghĩa. Người ta đã chẳng muốn tôn phong Người làm Vua sau phép lạ hóa bánh ra nhiều đó sao? (x. Ga 6, 15). Nhưng việc phong vương của Người chỉ sẽ được thực hiện qua cái chết, điều mà những kẻ đương thời và ngay cả các môn đệ của Người (dù đã được mặc khải Cha soi sáng) không thể nào hiểu được.
TÓM KẾT: mặc dù còn nhiều yếu đuối và khiếm khuyết, nhưng nhờ được Chúa sáng soi tuyển chọn, Phêrô đã dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kito, vị thiên sai của Thiên Chúa đến đáp trả mọi khát khao mong chờ của đoàn dân Chúa; và còn đi xa hơn nữa, ông tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa hằng sống đã hồi phục toàn thể công trình sáng tạo của Thiên Chúa và đưa tới tầm mức viên mãn bằng chính cuộc sống trần thế, nhất là qua cái chết và phục sinh của Người. Việc nhận ra căn tính Đức Giêsu ẩn tàng trong xác phàm yếu đuối và tin vào Người, đó không phải công trình của xác phàm. Chính vì thế, lời tuyên xưng mạnh mẽ của Phêrô (dù ông còn đầy hèn yếu…) đại diện Nhóm Mười Hai đã cho phép Đức Giêsu nhận chân ra cách chắc chắn rằng họ là nhóm Còn Sót Lại mà các Ngôn sứ đã loan báo. Chính vì thế, Đức Giêsu đã dựa trên họ mà thiết lập Giáo Hội. Với và qua Giáo Hội này, Đức Giêsu vô hiệu hóa quyền lực Âm phủ, nọc độc của Tử Thần. Từ nay vận hội mới của nhân loại đã khởi sự: Người Con của Người Nữ (x.St 3, 15) và tất cả những ai được Người trao ban quyền bính (tức Giáo Hội và chúng ta với tư cách là thành phần của nhiệm thể cũng được thông phần) đã đạp đầu con rắn. Với lời hứa này của Đức Giêsu, Giáo Hội chắc chắn là kẻ chiến thắng. Tuy nhiên phần cá nhân, bất kỳ ai, đều có thể bị trở thành Satan (x.16, 23) nếu không kết hiệp với Đức Giêsu và đi con đường của Người.
Frère Pierre Đình Long FSC