CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bài 1

Đnl 4,1-2.6-8; Mc 7,1-8a.14-15.21-23
Chủ đề: Phải nghiêm túc thực hành đúng mực lệnh truyền của Thiên Chúa.

* Đnl 4,2: Anh em đừng thêm bớt gì… nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Thiên Chúa.
* Mc 7,8a : Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm.

Lời Chúa của Chúa Nhật XXII B Mùa Thường Niên đề cập đến một chủ đề thiết thân và luôn mang tính thời sự của thân phận con người thọ tạo: con người phải tuân thủ, thực thi các lệnh truyền của Thiên Chúa. Lệnh truyền ấy lại được Thiên Chúa biểu lộ ra trong ngôn ngữ giới hạn và bất toàn của con người: đó là các giới răn của Chúa.

Ngoài ra, trí tuệ con người tội lỗi cũng bị suy thoái, do đó những bất cập, sai lạc trong cách hiểu cũng như thực thi lệnh truyền của Chúa là điều không thể tránh khỏi. Cần luôn khiêm tốn, tỉnh thức, cầu nguyện, điều chỉnh luôn.

Yếu tố được Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh là CÁCH THỨC GIỮ LUẬT Chúa:

  • Phải giữ và đem Luật Chúa ra thi hành cách nghiêm túc, đúng mực, “đừng thêm gì vào… cũng đừng bớt gì”, trong niềm xác tín Luật Chúa là ân huệ Chúa thương ban để dân được khôn ngoan, thông minh, hạnh phúc, được có Thiên Chúa ở gần, lắng nghe và đáp lại lời kêu cầu của dân (bài đọc 1).

  • Thế giá của Luật Chúa phải vượt trên tất cả những cơ chế phàm nhân: đừng đồng hóa hoặc cào bằng Luật Chúa với các tục lệ, thể chế, truyền thống đến từ những đòi hỏi nhất thời của phận người.

  • Và nhất là đừng dựa vào những sản phẩm phàm trần đó mà kết án tha nhân, và lãng quên đi chính Luật của Thiên Chúa (Tin Mừng).

Việc thích nghi, ứng dụng Luật Chúa vào những hoàn cảnh, thời điểm, nơi chốn, tình huống cụ thể là cần thiết; Nhưng phải luôn khiêm tốn cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta đừng sa vào những sai lạc, hiểm nguy, cám dỗ mà Lời Chúa nhắc ở trên.

Đó là những trá hình tinh vi của tội nguyên tổ thâm nhập vào cuộc sống cộng đồng của nhân loại trong tương quan với việc giữ luật, thi hành mệnh lệnh Chúa. Đó là lấy việc tuân giữ tập tục con người thế vào vị trí tối cao của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Trong bài đọc 1, trích từ sách Đệ nhị Luật, Môsê nồng nhiệt khuyến dụ dân Chúa hãy hết lòng gắn bó với Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với cha ông họ:

Trước tiên Môsê khơi dậy niềm tự hào tri ân của dân vì đặc ân Chúa thương ban riêng cho họ đó là các thánh chỉ, quyết định của Chúa mà Môsê truyền lại cho dân hôm nay (câu 1 đối xứng câu 8); Tiếp đến là lời động viên dân phải gìn giữ và đem Luật Chúa ra thực hành (c.1b đối xứng c.6a); Hoa trái là sẽ được sống và được vào Đất Hứa (c.1c), được chư dân thán phục là dân khôn ngoan và thông minh (c.6), luôn được Thiên Chúa ở gần và nhận lời khi cầu xin (c.7) (câu 1c đối ý với c.6 và c.7).

Như vậy cấu trúc của bài đọc phụng vụ làm nổi bật câu 2 là ý tưởng trung tâm. Điểm nhấn chính là CÁCH THỨC TUÂN GIỮ và THI HÀNH LUẬT CHÚA: tin tưởng, nghiêm túc thi hành Luật Chúa ĐÚNG MỰC, không thêm thắt vì đó là Ý CHÚA. Sứ điệp thật là rõ ràng: dân phải nhận ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của mình, và là dân thì phải GHI TÂM KHẮC CỐT Lời Chúa (x.Xh 19,5-6; Gr 31,33). Luật Chúa không là một áp lực đến từ bên ngoài mà là SỨC SỐNG phát xuất từ tâm (x.Gr 31,34a). Do đó dù một chấm, một phẩy của Luật cũng không được bỏ qua (x.Mt 5,17-19).

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là một minh họa cụ thể, tỏ tường cho thấy cái nguy cơ khi phàm nhân tùy tiện thêm thắt vào Luật Chúa những giáo lý phàm nhân và bám víu vào đó đến độ lấn át luôn cả điều răn của Thiên Chúa: “các ông đã gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8). Việc ứng dụng, thích nghi Luật Chúa vào từng hoàn cảnh cụ thể là cần thiết để Luật Chúa hướng dẫn mọi chi tiết cuộc đời ta. Thế nhưng nếu đem CÀO BẰNG giá trị những tập tục ấy ngang bằng Luật Chúa, thậm chí gạt bỏ luôn Luật Chúa thì đó là SAI TRÁI. Cái TINH SẠCH mà Thiên Chúa muốn là từ nay, khi đã kết giao ước với Chúa, thì dân trở thành “sở hữu riêng của Chúa”, thành dân riêng, dân tư tế của Chúa (x.Xh 19,5-6), không để bất kỳ thứ gì làm mất đi bản chất “THÁNH” “THUỘC DUY NHẤT VỀ CHÚA” của dân. Thế nhưng kinh sư, biệt phái đã đánh mất cái hồn của Luật sạch dơ và thế vào một lô những tập tục như rửa tay, chén, dĩa…; Biến chúng thành những gánh nặng không sao gánh nổi (Lc 11,46; Cv 15,10); Và tệ hơn nữa còn lấy đó làm chuẩn mực để xét đoán tha nhân (Mc 7,2-5).

Lời Chúa nhắc ta phải nghiêm túc giữ Luật đúng mực như Chúa muốn: qua việc giữ Luật chúng ta tuyên tín YAVÊ  là Thiên Chúa của mình, hoàn toàn tùy thuộc phó thác vào Chúa trong xác tín đó mới là hạnh phúc đích thật của chúng ta. 

Bài 2

-“Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” – “các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,5-8a).

Phụng vụ bước vào Chúa Nhật XXII B Mùa Thường Niên. Loạt bài đọc được vay mượn từ Ga 6 đã chấm dứt. Bài đọc Tin Mừng trở về lại với những đoạn trích từ sách Marcô. Theo Marcô, sau phép lạ nhân bánh, sách Tin Mừng không nói gì tới phản ứng trực tiếp của đám đông (còn phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt biển: Mc 6,45-52 là dành riêng cho nhóm tông đồ) mà chỉ đề cập đến khuynh hướng chung của họ là tìm bám theo Người để hưởng mọi thứ phép lạ.

Nhưng Tin Mừng Marcô lại kéo chú ý của độc giả đến với thành phần thông luật trong dân: các người Pharisêu và một số kinh sư (7,1), và nhóm này còn là phát xuất từ trung tâm tôn giáo Giêrusalem chứ không phải là các nhóm địa phương. Chắc là lúc đó, Đức Giêsu đã có ít nhiều uy tín: làm nhiều phép lạ; tầm hoạt động của Người đã mở rộng: sai môn đệ đi rao giảng (6,7-13); Nhóm Mười Hai hoạt động thành công (6,13), lôi cuốn được dân chúng đến với họ (6,30-31)… Vì thế nhóm trí thức tôn giáo trung ương mới kéo nhau tới, “tụ họp quanh Đức Giêsu” rồi gây sự với Người (7,1-2.5).

Chắc là họ chú tâm theo dõi mọi hoạt động của nhóm Đức Giêsu vì thế họ mới “thấy vài môn đệ của Người” vi phạm luật sạch dơ: trước khi ăn không rửa tay. Bắt được quả tang tại trận, họ mạnh miệng chỉ trích dựa trên uy tín là “truyền thống của tiền nhân” (7,5). Còn Đức Giêsu biện hộ là dựa trên “điều răn của Thiên Chúa” (7,8).

Đức Giêsu không ngụy biện, không chống lại việc giữ luật cách nghiêm minh. Người chỉ nhắc lại cần biện phân cho minh bạch đâu là:

  • Luật đích thực, nền tảng là những gì do chính Thiên Chúa truyền ban. Đó là những móng nền vĩnh cửu có giá trị chuẩn mực vững bền.

  • Luật ứng dụng là những gì con người thích nghi với những điều khoản cụ thể phù hợp theo từng hoàn cảnh.

Rồi thêm nữa, mỗi khi áp dụng Luật thì phải ghi nhớ rằng: mỗi con người, mỗi trường hợp, mỗi sự kiện là đặc thù, độc đáo. Không thể cào bằng, công thức hóa mọi tình huống một cách xơ cứng, máy móc.

Và nhất là đừng quên cùng đích của Luật là gì? Thiên Chúa ban Luật là để biến đám nô lệ thành dân riêng của Chúa, dân tư tế, dân tự do (Xh 19,5-6). Luật là những quy định, ranh giới cụ thể được Thiên Chúa ấn định nhằm giúp con người biết được quyền lợi cũng như giới hạn của mình, để con người bớt đi những sai trái, đừng liều mình vượt qua các định luật của Chúa khiến thế giới rơi về lại tình trạng hỗn độn, tình trạng không có Thiên Chúa. Luật luôn cần thiết vì đó là những cột mốc cắm chặng chỉ đường được Thiên Chúa trao ban giúp con người nhận định và đi đúng hướng trên con đường thiên lý xa vời về nhà Cha.

Thế nhưng, những kẻ có quyền đã lạm dụng biến các cột cắm chặng, hướng dẫn ấy thành những “chốt kiểm soát”, những “trạm dừng khai báo” bầy ra đủ thứ thủ tục, giấy tờ ngăn cản bước tiến con người về nhà Cha.

Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta phân định lại và sống tốt tinh thần của Luật theo như ý Chúa muốn.

Bài đọc 1: Đnl 4,1-2.6-8

Bài đọc 1 trích từ phần cuối của bài diễn từ thứ nhất của Môsê. Nội dung chính của Sách Đệ Nhị Luật được trình bày như là ba bài diễn từ của Môsê: – diễn từ 1 (Đnl 1,1-4,43); – diễn từ 2 (4,44-28,68); – diễn từ 3 (28,69-30,20). Trung tâm của bài diễn từ 2 là Bộ Đệ Nhị Luật (12,1-26,15), và sách Đệ Nhị Luật kết thúc bằng những việc làm cuối đời và cái chết của Môsê gồm trong bốn chương Đnl 31-34.

Trong bài diễn từ 1, Môsê ôn lại những biến cố chính trong hành trình sa mạc từ núi Khoreb – sau khi nhận Giao Ước – cho đến lúc chia đất bên bờ đông sông Giorđan cho chi tộc Rưuvên, Gat và nửa chi tộc Mơnassê. Các biến cố được nhắc lại là: – cuộc nổi loạn của dân không chịu vào chiếm Đất Hứa tại Cadesh và hậu quả (Đnl 1,19-46); – nói cách chung chung dân phải sống ba mươi tám năm trong sa mạc (2,14), đó là hậu quả việc bất tuân (2,1-25). Sau đó là tới bờ phía đông sông Giođan, đánh chiếm vương quốc của vua Xi-khôn (2,26-37), và của vua Ốc (3,1-11); – sau đó là chia phần đất đã chiếm được cho chi tộc Rưuvên, Gat và nửa chi tộc Mơnassê (3,12-17). Và dân đã tạm dừng cuộc chiếm đất tại Bết Pơ-o (3,29).

Từ những biến cố được nhắc lại ở trên, Môsê rút ra bài học cho dân. Bài học là những lời khuyến dụ khuyên dân tin tưởng Chúa và tuân giữ lời Người. Các lời của Môsê được trình bày theo ba chiều kích:

  • Quá khứ (3,18-28), được đánh dấu bằng trạng từ “Thời ấy”. Lời khuyên ấy được nói cho dân (3,18), cho Giôsuê (3,21) và cho cả Môsê nữa (3,23). Tiếc thay những lời xin cho cá nhân mình lại không được Chúa chấp nhận vì lỗi lầm của Môsê (Đnl 3,36; Ds 20,12) (x.CGKPV-Ngũ thư 461 “l”).

  • Hiện tại (4,1-8) với trạng từ “Giờ đây”. Kinh nghiệm của quá khứ phải là bài học cho hiện tại: mỗi người, mỗi thế hệ phải trung tín thực thi điều này để bảo đảm phúc lành của Chúa vĩnh tồn nơi bản thân. Đoạn này được phụng vụ chọn làm bài đọc 1 hôm nay.

  • Hướng về tương lai (4,9-20): bản thân phải trung tín suốt đời và còn phải có trách nhiệm truyền lại cho con cháu (4,10).

Phần tiếp theo của chương 4 như một lời ngăm đe báo trước án phạt lưu đày nếu không giữ Luật, nhưng Chúa luôn trung tín sẽ thứ tha và dân phải nhận ra việc được Chúa can thiệp vào cuộc sống như thế là một hồng ân (x.CGKPV Ngũ Thư trang 469 nốt “r” và 470 nốt “u”).

Sứ điệp bài đọc 1:

1/ Lệnh truyền cho Israel (4,1a.2.6a)

*Hãy lắng nghe: đức tin có được là nhờ “nghe” (x.Rm 10,17). Phương tiện chính để Thiên Chúa tỏ mình và ý định của Người cho nhân loại là “LỜI”. Nội dung Thiên Chúa mặc khải cho dân là “Mười lời” (Xh 20,1; 34,1b). Trong Cựu Ước có ba nơi nói về “Mười lời” của Thiên Chúa:

– Mười lời sáng tạo vũ trụ với con người: “Thiên Chúa phán” mười lần (St 1,3-30).

– Mười lời qua trung gian Môsê, phạt Pharao và cứu dân (Xh 7,14-11,9).

– Mười lời răn dạy Israel làm họ nên dân Chúa (Xh 20,3-17) (CGKPV “Ngũ Thư” trang 471 “v”).

Như vậy với “Lời”, Thiên Chúa đã sáng tạo giải cứu và giáo dục con người nên tự do, nên dân, nên con Chúa. Để đáp lại ân tình đó của Thiên Chúa và để thông hiệp vào công cuộc của Người, việc “lắng nghe” Lời Chúa và đem ra thực hành là bổn phận buộc và chính yếu. Người Do Thái đạo đức đọc lại lời kinh “Hãy nghe đây, hỡi Israel” (Đnl 6,4; Mc 12,29. VTB). Lời đó người Do Thái gọi là kinh “Sơ-ma” = “nghe đây” và được coi như “Kinh Tin Kính” tuyên xưng đức tin của người Do Thái (Ngũ Thư 479 “t”).

*Nghe gì? Thánh Chỉ và Quyết Định mà tôi dạy cho anh em.

Nghe Lời Chúa, Luật Chúa chứ không phải lời của Môsê. Lúc Chúa ban Luật tại núi Sinai, sự uy linh vĩ đại của Chúa làm dân kinh khiếp và họ đã nài xin Môsê làm trung gian tiếp xúc với Chúa rồi nói lại cho họ nghe Lời Chúa (Xh 20,18-19; Đnl 5,27). Và Thiên Chúa khen dân xin như thế là đúng, là phải (Đnl 5,28-29).

Như vậy những gì Môsê nói, làm lẽ ra tất cả phải là ý Chúa, đến từ Thiên Chúa. Tiếc thay trong cuộc sống thực tế, người của Chúa như Môsê vẫn có giây phút yếu lòng hùa theo ý dân (x.Đnl 1,23) hoặc tự kiêu làm theo ý riêng mình (x.Ds 20,12) (xem thêm Ngũ Thư 461 “l”). Và đương nhiên là sẽ có hậu quả không tốt.

*Thánh Chỉ, Quyết Định cụ thể là gì? Không phải bất kỳ lời nói, mệnh lệnh nào của Môsê đưa ra đều là ý Chúa (cũng vậy đối với ơn “bất khả ngộ” của Đức Giáo Hoàng). Văn mạch của diễn từ hôm nay, đưa chúng ta về lại biến cố kết Giao Ước Sinai với lời kêu xin của dân lúc đó thì “thánh chỉ”, “quyết định” ấy chính là “Mười Lời”, tức Luật Giao Ước (x.Đnl 5,27.30.31; 4,12-14).

2/ Thái độ phải có của Israel (Đnl 4,1b.2.6a)

*Để đem ra thực hành (4,1b). Nơi Thiên Chúa, “tư tưởng”, “lời nói”, “hành động” là một: tất cả những gì Chúa muốn, Chúa nói ra, thì chắc chắn Chúa sẽ hoàn tất. Dân đã chiêm ngắm được công trình sáng tạo, công cuộc giải phóng dân; Và giờ đây dân đã được thành lập, đã biết Ý Chúa, đã được Chúa ban cho Luật Chúa, nghĩa là được mời gọi tham gia vào công cuộc của Chúa… thì phải giống Chúa: thực hiện những gì đã nghe được từ Thiên Chúa. Đối với dân, “giữ Luật” không phải là một món nợ phải trả, luôn là gánh nặng đè trên tâm hồn mình; nhưng Luật là một hồng ân, một dấu ấn được Thiên Chúa khắc ghi trong bản thể mình, là một “thẻ căn cước” chứng nhận mình là con dân của Chúa. “Việc giữ Luật” là một quyền lợi, là cách thể hiện quyền công dân, là phương thức hữu hiệu biểu lộ cho muôn dân biết ơn gọi, căn tính là dân, là con Thiên Chúa của mình.

Hồng ân là như thế! Nhưng nếu bội phản? vấn đề không phải là chuyện vi phạm một điều răn mà là cắt đứt tương quan có nguy cơ đưa đến việc đoạn giao với giao ước, đánh mất tình thân. Do đó “đem Lời Chúa ra thực hành” là vấn đề sống còn của dân. Thiên Chúa không đòi con dân của Chúa “làm công” (tức giữ Luật) để “trả nợ”; Thiên Chúa đang tạo điều kiện (ban Luật), hướng dẫn dân cách thức để họ trở nên người con, người công dân trưởng thành, hữu ích.

*Không được thêm bớt vào Luật Chúa:

Hiểu theo như những chia sẻ trên thì con người không có quyền chỉnh sửa, thay đổi chút nào Lời Chúa. Bởi vì “đó là Lời Chúa”. Thật vậy Thiên Chúa đã lấy danh dự thần linh, tôn danh chí thánh của Người để ban cho dân “Mười Lời” nền tảng đó: “Ta là YAVÊ, Thiên Chúa của người, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2; Đnl 5,6), Yavê đó cũng là Tạo Hóa chủ tể vũ hoàn (St 1,4b), Đấng làm chủ dòng lịch sử, chọn lựa các tổ phụ… (Xh 3,15-16).

 Với quyền uy thần linh bao trùm vũ trụ và dòng lịch sử như thế, nhưng cốt yếu là Yavê đã đến kết giao ước với dân. Vậy giá trị của Luật không nằm ở các điều khoản hệ tại hoàn toàn vào uy quyền của Đấng công bố Luật ấy. Nếu không tôn trọng Thiên Chúa, gắn bó với “Mười Lời” của Người thì lề luật sẽ bị con người làm biến thái, phù phép thành những bó nặng chất lên vai không ai gánh nổi (Mt 23,4; Lc 11,46; Cv 15,10)

“Mười Lời” là nền tảng ổn định thế giới. Đó là điều bất biến giữa thế gian vạn biến.

3/ Hoa trái của việc nghe và thi hành Luật (Đnl 4,6-8)

Giữ Luật sẽ làm dân trở nên khôn ngoan, thông minh; Được chư dân thán phục vì có được thần minh ở gần. Vậy Luật trở thành lời Thiên Chúa tôn vinh dân Chúa giữa chư dân và việc dân giữ luật trở nên chứng từ cho chư dân nhận biết vinh quang Thiên Chúa, được mời bước vào con đường cứu độ, do đó cũng sẽ đón nhận Lề Luật và tin vào Yavê; Để cuối cùng thì Ai Cập, Assur, Israel đều được hưởng quyền làm con dân của Thiên Chúa (x.Is 19,25).

TIN MỪNG: Mc 7,1-8.14-15.21-23

Bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật XXII B Mùa Thường Niên trích từ Mc 7,1-23. Đoạn văn này là bài rao giảng thứ hai của Đức Giêsu có kèm theo một nội dung cụ thể trong Tin Mừng Marcô (các “lời rao giảng” khác thường chỉ nói trống: 1,21.38;2,2… và bài có nội dung thứ nhất là bài giảng bằng dụ ngôn 4,1-34. Thoạt đầu chúng ta có thể nghĩ rằng đối tượng trực tiếp của bài giảng bằng dụ ngôn là đám đông dân chúng: 4,1; Nhưng thực ra chủ ý của Đức Giêsu là đào tạo các môn đệ: 4,10-13.21).

Đối tượng trực tiếp của lời rao giảng thứ hai được Đức Giêsu nhắm tới là “những người Pharisêu và một số kinh sư đến từ Giêrusalem” (7,1). Chủ đề xoay quanh việc tuân thủ, thi hành luật “sạch dơ” như thế nào để phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa. Ba vấn đề cụ thể được nêu lên ở Mc 7,1-23 là: rửa tay trước khi dùng bữa (7,1-7); việc thực hành một truyền thống có tên là “coban” (7,8-13); Luật sạch dơ trong tương quan tới thức ăn (7,14-23). Riêng phần nói về sạch dơ 7,14-23, Đức Giêsu mở rộng ra cho dân chúng (7,14) và cũng nhắm đào tạo các môn đệ (7,17).

Điểm đặc biệt nữa của đoạn văn này là nó được Marcô đặt vào vị trí trung tâm của một loạt 6 phép lạ, được Marcô trình bày đối xứng nhau qua đoạn văn trung tâm 7,1-23: ba phép lạ được thực hiện cho dân Do Thái ngay trong đất Do Thái (6,30-56); Và ba cho dân ngoại ngay tại đất dân ngoại (7,24 – 8,9). Ý thần học của Marcô khá rõ ràng qua cách trình bày đối xứng đó:

Tất cả những gì dân Do Thái được hưởng thì giờ đây Đức Giêsu đều mang đến ban cho dân ngoại một cách đầy đủ ngay trên phần đất của họ (7,24.31); Tính phổ quát của ơn cứu độ được tỏ lộ nơi đây. Điều khiến cho họ cũng được hưởng, thông phần phong phú ân lộc của tuyển dân chính là lòng tin vào Đức Giêsu (7,29; 7,32: đức tin cộng đoàn, so với Mc 2,3-5; 8,2: họ ở lại với Đức Giêsu tới ba ngày và không có gì ăn).

Tuy nhiên yếu tố nào đã tạo nên sự xoay chuyển ngoạn mục ấy, bởi vì dân ngoại trước giờ vẫn đã bị người Do Thái coi khinh và loại trừ khỏi ơn cứu độ (7,27)?

  • Yếu tố chính, đó là lòng thương xót của Đức Giêsu: lòng chạnh thương của Người đối với đám dân Do Thái (6,34), giờ đây, đã tới lúc, tuôn tràn trên dân ngoại đang kiên trì đến nghe lời Người (8,2).

  • Tuy nhiên, yếu tố cụ thể biểu lộ ra bên ngoài tỏ tường trước mắt mọi người: đó là việc Đức Giêsu công khai xóa bỏ vách tường ngăn cách giữa dân Do Thái và dân ngoại đã tồn tại bao đời qua Luật sạch dơ. Thực ra đó là những ứng dụng cục bộ, sai lầm, vì “Mười Lời” của Chúa không có luật sạch dơ.

Việc xóa bỏ bức tường ngăn cách được Marcô trình bày ở 7,1-23. Bài đọc Tin Mừng chỉ trích ra một phần đoạn trên, liên quan tới vấn đề “sạch – dơ” thôi.

1/ Rửa tay trước khi dùng bữa (7,1-8)

*Đây không phải là Luật: không tìm thấy việc thực hành này trong Ngũ Thư tức Torah Do Thái. Chỉ là Truyền thống! “Truyền thống” là lời của tiền nhân đối lại với Luật Môsê và cả Kinh Thánh. Thực tế đây là các ý kiến, giáo lý và quyết định của các ráp bi Do Thái, rất tỉ mỉ, nhiều khi được coi như ngang hàng, hay là hơn cả chính Luật nữa. Đức Giêsu tỏ ra rất nghiêm khắc với đảo lộn như thế (x.Mt 23) (CGKPV-Kinh Thánh Tân Ước 2008 trang 109 d).

*Phản ứng của Đức Giêsu (7,6-8)

Đức Giêsu mắng họ là bọn giả hình, đạo đức giả. Trong tiếng hi lạp hupokrites = “diễn viên hài kịch” nghĩa là điều mà người ta thấy được nơi diên viên là đồ giả, được diễn viên cố ý hết sức diễn tả ra, chứ thật ra người đó bản chất không là như thế. Áp dụng vào lãnh vực tôn giáo, người giả hình là người chỉ chăm chút thực thi cho đúng cái mã bên ngoài, còn tâm hồn thì không có chút đạo đức nào, không hề hướng lòng về Chúa. Đức Giêsu đã dùng Is 29,13 mô tả chính xác khái niệm “giả hình” đó: chỉ thờ Thiên Chúa ngoài môi miệng còn lòng thì xa Thiên Chúa.

Đức Giêsu không lên án việc “rửa tay”. Cái mà Người lên án là cái tâm khi thực hành nghi thức đó: coi trọng nghi thức bề ngoài đó đến độ bỏ luôn riều răn của Thiên Chúa (7,8). Đây là một biến thái của tội nguyên tổ: thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa bằng khát vọng của con người. Và Đức Giêsu  minh họa bằng một truyền thống sai quấy mang tên là “cô-ban” mà các đối thủ của Người vẫn thực thi (7,9-13: phụng vụ không sử dụng đoạn này trong bài đọc Chúa Nhật XXII B).

2/ Luật “sạch dơ” liên quan tới lương thực:

*Trong sách Lv 11 có liệt kê rõ ràng danh sách những vật nào được phép ăn, những vật nào cấm (Lv 11,46-47). Từ sau lưu đày, người Do Thái phải sống lẫn lộn giữa chư dân, ngoài lòng trung tín với Yavê, mộ mến đạo giáo ở nội tâm, thì có ba yếu tố bên ngoài giúp họ nhận ra nhau và giúp giữ vững căn tính dân tộc, lẫn tôn giáo của họ. Đó là luật cắt bì, luật giữ ngày Sabat và luật về “sạch dơ”. Chuyện không ăn vật ô uế là lẽ sống của họ, là “thẻ căn cước” xác nhận họ là dân Chúa: câu chuyện của ông già Êlêazarô (2Mcb 6,18-34) và bảy anh em tử đạo (2Mcb 7,1-42) là những gương điển hình.

*Thế rồi khi lòng đạo suy giảm, thời thế ngặt nghèo qua đi, các thể chế được dễ dàng thực hiện… người ta dần đánh mất ý nghĩa của các thể chế mà chỉ còn giữ lại cái hình thức vô hồn. Điều ấy các ngôn sứ không ngừng cảnh cáo: “phải cắt bì tâm hồn” (Gr 4,4;9,24); phải ăn chay tâm hồn chứ không chỉ là kiêng cữ hình thức… (Is 58,3-7).

Và giờ đây, Đức Giêsu làm một cuộc cải cách tận căn và cố ý nói cho cả đám đông “Người gọi đám đông đến mà bảo” (Mc 7,14): vấn đề Người muốn là loại trừ luôn khái niệm “sạch dơ” về lương thực: cái làm con người ra ô uế không phải là do thức ăn từ bên ngoài vào mà là những gì từ tâm tưởng con người phát ra (7,15). Sau đó Đức Giêsu giải thích thẳng thừng không úp mở nói bóng gió cho các môn đệ (7,16-20: không đọc trong phụng vụ).

*Phải làm một sự hoán cải tận căn: không còn chuyện lương thực sạch dơ nữa. Vì chuyện kiêng cữ ăn uống là một cản trở lớn lao cho tính phổ quát của ơn cứu độ do Đức Giêsu sắp mang tới. Thời thiên sai tới rồi, bức tường ngăn cách dân ngoại và Do Thái phải được phá bỏ. “Khi cái hoàn hảo tới thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi” (1Cr 13,10); Khi đã trưởng thành thì phải từ bỏ những gì là con nít (1Cr 13,11). Con nít thì phải kiêng thứ này, cữ thứ kia, nhưng khi trưởng thành rồi thì có thể ăn mọi thứ.

*Mc 7,21-23: điều mà Đức Giêsu muốn truyền lại cho các môn đệ là cho họ thấy quyền lực gây chết chóc của sự dữ, của “dơ bẩn” đè nặng trên con người thật sự phát xuất từ đâu. Không phải bởi thức ăn đến từ bên ngoài; nhưng mà là do sự dơ bẩn của tâm hồn, của con tim là trung tâm của mọi chọn lựa, quyết định… Sự dơ bẩn đích thực, duy nhất là sự dơ bẩn mà con người mắc phải khi tự do chọn lựa sự ác (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm B trang 413).

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ cho môn đệ như thế rồi, Đức Giêsu cùng với môn đệ tiến vào đất dân ngoại (7,24.31) và ban cho tất cả những ai tin, và theo Người tất cả những hồng ân mà Người đã thực hiện cho người Do Thái. Trong Đức Giêsu, tất cả nên một, bình đẳng trước ơn cứu độ. Chính trong vùng dất dân ngoại, mà Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia; Và cũng chính trong vùng đất dân ngoại mà các tín hữu tin Đức Kitô được mang tên Kitô hữu (Cv 11,26).

*Trong tương quan với Giáo Hội, việc xóa bỏ luật sạch dơ về mặt lương thực là cần thiết. Bởi vì cộng đoàn tín hữu, có dân ngoại lẫn Do Thái, sau khi cử hành bí tích Thánh Thể sẽ có bữa ăn huynh đệ agape, lúc đó việc kiêng cữ món ăn này nọ sẽ là một cản trở cho sự hiệp nhất vì tín hữu gốc dân ngoại không kiêng cữ gì. Lúc đó họ sẽ bị các tín hữu gốc Do Thái coi là “ô uế” và như thế là không thể cùng tham dự một bàn ăn với nhau được, không cộng tác với nhau được.

Thiên Chúa đã giải cứu dân và ban Luật (Mười Lời) để gìn giữ họ bền vững trong tình trạng tự do mà họ đã có. Tuy nhiên qua dòng lịch sử, với bao lo toan của kiếp người, Luật của Thiên Chúa bị con người cải biến thành những nhân luật, truyền thống phàm nhân cản trở con người không hiển lộ ra được tự do của người con Thiên Chúa. Đức Giêsu mời ta biện phân, sáng suốt để Luật Thiên Chúa hướng dẫn đời ta.

TÌM HIỂU 2 BÀI ĐỌC

Đnl 4,1-2.6-8
Mc 7, 1-8a.14-15.21-23,

Chủ điểm phụng vụ:

Năm phụng vụ bước vào Chúa Nhật 22B Mùa thường niên. Bài đọc Tin Mừng quay về lại với Tin Mừng Marcô. Lời Chúa hôm nay hướng về chủ đề hãy lắng nghe và thực thi luật Chúa với tất cả chân tâm ngay chính. Điểm Lời Chúa nhấn mạnh là thái độ tôn trọng tuyệt đối, lương tâm chính trực đối với Lời Chúa: không thêm bớt, bóp méo, thao túng việc giữ luật theo những lợi ích trần tục của mình.

Luật nói ở đây không là những điều khoản pháp lý, những tập tục qui ước xã hội mà tất cả mọi cộng đoàn, tập thể, quốc gia hay cơ chế tôn giáo nào cũng phải có (và tuỳ nghi thay đổi thích ứng cho phù hợp với cuộc sống thực tế) để các sinh hoạt của cộng đoàn được nhịp nhàng ăn khớp với nhau bảo đảm an ninh, hạnh phúc cho mọi người, xã hội ổn định, trật tự.

Luật ở đây là LUẬT CHÚA, là ân huệ thần linh, nhưng không, Thiên Chúa trao ban cho nhân loại để giúp con người biết cách sống hài hòa với Thiên Chúa, với tha nhân với bản thân và với toàn vũ trụ. Một cách nhìn khác, Luật ở đây là Tình Yêu Tha Thứ được Người gởi đến cho một nhân loại đã sa ngã và lìa xa Thiên Chúa nhằm giúp con biết đường và giúp can đảm quay về lại với Thiên Chúa, từ đó khôi phục lại mọi mối tương quan hài hoà tốt đẹp mà Thiên Chúa ngay từ đầu đã đặt để trong công trình sáng tạo của Người.

Tuy nhiên trong phận người mỏng dòn hèn yếu vốn đã bị Satan dụ dỗ và đã ngã thua, nên con người dễ có khuynh hướng muốn uốn nắn Lời Chúa, thao túng việc giữ Luật Chúa theo những suy tư cảm hứng nhất thời, giới hạn, sai lạc của mình thay vì thi hành nghiêm chỉnh, tuân giữ triệt để các dự định từ đời đời của Thiên Chúa. Do đó theo dòng thời gian, những bụi bặm, rỉ sét thế trần làm cho dân Thiên Chúa dần thoái hóa, biến Lời Chúa sinh động, tràn đầy sức sống trở thành những tập tục phàm nhân cứng ngắt, là gánh nặng không sao vác nổi.

Và rồi, tệ hại hơn nữa, dần dần những tập tục do con người bày ra lại lấn chiếm vị thế chính yếu của Luật Chúa đến độ Đức Giêsu phải trực diện điều chỉnh quở trách nặng lời  “các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” Và Người mắng họ là hạng đạo đức giả.

Trong bài đọc một, trích đoạn sách Đệ Nhị Luật Môsê nhắc lại cho dân rằng Luật chính là hồng ân Thiên Chúa trao ban cách đặc biệt cho dân Israel để họ trở thành dân riêng của Chúa: Luật là nguồn sống, là nguồn mọi phúc lộc của dân. Nhưng để đạt được kết quả như Chúa mong muốn, phía của dân, phải nghiêm túc tuân giữ lời Chúa thi hành cách đúng đắn không tuỳ tiện thêm hoặc bớt. Lúc ấy Luật sẽ làm cho dân nên khôn ngoan vĩ đại. Vĩ đại, khôn ngoan không vì binh đội (quân sự), kinh tế, đất đai, văn hóa … mà là vì dân CÓ LUẬT CHÚA. Luật làm cho dân nên gần gũi Chúa. Đó là đặc ân Thiên Chúa ban cho tất cả những ai biết và nghiêm chỉnh tuân hành Luật Chúa đều trở nên “vĩ đại”, “khôn ngoan”

Bài đọc Tin Mừng thuật lại một sự cố: Đức Giêsu đang giảng dạy ở Galilê, vậy mà có những người Pharisêu và kinh sư từ Giêrusalem đến họp nhau gây sự với Người. Họ trách Đức Giêsu về việc Người để cho vài môn đệ của người chưa rửa tay trước khi ăn. Như vậy là ô uế, vi phạm luật sạch đơ, đúng hơn là vi phạm những tập tục do họ bịa ra. Đáp Lại Đức Giêsu đã trích lời Is 29,13 để trách họ là “những kẻ đạo đức giả đã” gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7, 6.8), và bài đọc Tin Mừng, kết thúc bằng lời Đức Giêsu giải thích cho ĐÁM ĐÔNG: cái làm cho người ra ô uế không từ bên ngoài nhập vào mà là từ con người xuất ra.

BÀI ĐỌC I: Đnl 4,1-2.6-8

Văn mạch:

Cái tên “Đệ nhị Luật” (Cha Thuấn: Thứ Luật) có lẽ xuất phát từ Đnl 17,18 trong bản dịch LXX. Đây là cuốn cuối của bộ Ngũ Thư theo cách gọi của Công Giáo (Do Thái giáo gọi là Torah=Luật). Cuốn này không phải là một bộ mới mà là một bản cải biên của bộ luật Môsê đã có trước đó (x. CGKPV, “Ngũ Thư” phần “tựa đề sách” trang 451 và trang 509 nốt “d”)

Giáo lý chính của sách quy về bốn điểm:

  • một TC duy nhất

  • một nơi thờ phượng duy nhất

  • một tình yêu chung thủy đã tuyển chọn một dân riêng, lập ra với dân một giao ước, ban hành cho dân Luật yêu thương và tặng cho dân một vùng đất

  • một vị trung gian xuất chúng: ông Môsê, qua một bộ sách Luật (sđd 455).

Về mặt cấu trúc văn chương, phần chính của sách được trình bày dưới dạng ba bài diễn từ của Môsê: bài 1 (1,1-4,43); bài 2 (4, 44 – 28, 68); bài 3 (28,69 -30, 20), và sách kết thúc với “những việc làm cuối cùng của Môsê” rồi Môsê qua đời (ch 31- 34).

Bài đọc 1 là tách đoạn phần cuối của diễn từ 1. Nội dung chính của diễn từ một: Môsê ôn lại lịch sử hành trình trong sa mạc của dân Israel và tiên báo cuộc lưu đày như hình phạt tội bất trung, nhưng cũng cho thấy lòng trung tín của Thiên Chúa sẽ từ từ đưa dân trở về để sám hối và được hồi hương (sđd trang 459 nốt “c”).

Trong bài đọc 1, Môsê kêu mời dân hãy trung tín giữ Luật Chúa ban cách nghiêm túc không thêm bớt vì Luật Chúa sẽ làm dân nên khôn ngoan và vĩ đại (xem chủ điểm phụng vụ).

CẤU TRÚC CHÚ THÍCH

  1. Lời kêu mời Môsê ngỏ cùng dân Israel (Đnl 4, 1-2):

* Ý chính: Giờ đây, hỡi Israel hãy nghe những thánh chỉ, quyết định mà tôi dạy cho anh em.

* Mục đích để anh em đem ra thực hành (c.1a)

* Hoa trái : anh em sẽ được sống và chiếm được miền đất

        mà Yavê, Thiên Chúa của cha ông, ban cho anh em (c. 1b).

*Cảnh báo: phải giữ đúng những mệnh lệnh của Yavê

                     mà tôi truyền cho anh em, không được thêm bớt (c.2)

       Giờ đây, hỡi Israel, hãy nghe:  sau phần ôn lại lịch sử hành trình của Israel trong sa mạc (ch 1-3), ông Môsê mở đầu phần “giảng thuyết” của ông. Đây là những lời khuyến dụ thiết tha, nồng nhiệt để nói với lương tri và con tim của từng người dân, thuyết phục họ gắn bó với Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa của họ, nghĩa là tuân giữ mệnh lệnh của Người (sđd trang 469 nốt “r”).

“Thánh chỉ và quyết định” là cách nói của Sách Đệ Nhị Luật ám chỉ luật Giao Ước (4,14; 5,1; 6,1; 12,1), hoặc “ mệnh lệnh” (8,1; 11,8), hoặc “mệnh lệnh và thánh chỉ” (27,10)

   Trong sách Đệ nhị luật còn có cách nói “Nghe đây, hỡi Israel” và không có bổ túc từ đi theo sau, nhưng tiếp theo sau là một mệnh đề mở đầu bằng trạng từ “HÔM NAY” nhắc lại một biến cố quan trọng trong cuộc lữ hành về Đất Hứa của dân: Nghe đây, hỡi Israel !

  • 9,1: HÔM NAY, anh em sắp qua sông để trục xuất những dân tộc lớn và mạnh hơn anh em…

  • 20,3: HÔM NAY, anh em sắp giao chiến với kẻ thù.. đừng sợ hãi…

  • 7,9: HÔM NAY anh em đã trở thành dân của Yavê…

Đây như là một lời mời dân Chúa mọi thời (hôm nay) tuyên xưng vào sự quan phòng bảo vệ mà Yavê luôn dành cho dân để đưa họ tới đích là đất hứa vượt sông Giođan (9,1), chiến đấu (20,3) và chia đất, kết giao ước (27,9). Đó là tóm kết 3 bước phải làm để chiếm Đất Hứa theo sách Giôsuê.

Và cụm từ “ Nghe đây, hỡi Israel !” dần trở thành công thức mở đầu lời tuyên xưng đức tin của dân Do Thái vào Yavê Thiên Chúa của họ, là Thiên Chúa duy nhất (x.Đnl 6,4 và sđd trang 479 nốt “t” ).

Mục đích: Nghe biết để đem ra thực hành mỗi ngày (luôn là HÔM NAY). Vì chính khi thi hành thánh chỉ, quyết định, mệnh lệnh của Chúa thì dân được sống. Vậy cái đích mà dân có được là sức sống thần linh được Thiên Chúa trao ban qua việc giữ luật. Chính nhờ sức sống thần linh ấy mà dân nên khôn Ngoan, vĩ đại trước chư dân.

Mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Thiên Chúa là LƯƠNG THỰC thần linh.

Còn việc thi hành Luật chính là đón nhận, ĂN và TIÊU HÓA lương thực đó để trở thành máu thịt sức sống của người ăn.

       Vậy hoa trái chính yếu của việc thực thi Lời Chúa không là những lợi lộc vật chất phù du đến từ bên ngoài chỉ làm bận tâm, vướng víu chân tay, nhưng là nguồn sinh lực nội tại đang hoạt động trong dân làm dân được sống. Đó chính là dòng máu đang lưu chuyển trong huyết mạch, trong từng tế bào của dân; Đó chính là bộ xương làm nên cái khung sườn vững chắc giúp dân luôn đứng vững trước mọi thách đố.

       Còn chiếm được Đất Hứa có thể ví như là cái Chúa ban thêm (x. Mt 6, 33) vừa là để dân có điều kiện thuận lợi và an tâm thi hành Luật Chúa, vừa là để làm dấu chỉ hữu hình tỏ tường cho chư dân thấy có Thiên Chúa đang hoạt động trong dân.

       Hoa trái chính là sức sống nội tại trong dân chắc chắn Chúa không lấy lại vì nếu Chúa lấy lại dân sẽ bị diệt vong (x. Ed 37); Còn “cái Chúa ban thêm” sẽ tạm cất đi để làm lời cảnh cáo dạy dỗ dân.

       Cảnh báo: điều kiện để hưởng phúc lộc thần linh là dân phải tuyệt đối tôn trọng Luật Chúa, không được tùy tiện thêm bớt, thao túng suy diễn cắt nghĩa Lời Chúa theo các chuẩn mực, nhu cầu nhất thời cục bộ trước mắt của mình. Tiếc thay trong thực tế, dân đã không ngừng nhào nặn, chế biến Luật Chúa thành những tập tục, truyền thống do con người tùy thời tùy lúc bịa ra. Và trong bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu đã cực lực lên án hành vi tiếm quyền này.

  1. Hiệu năng của Luật (Đnl 4, 6-8)

* Nhắc lại: nhờ thi hành Luật, dân Chúa được chư dân nhìn nhận là dân khôn ngoan, thông minh (c. 6a)

* Những lời nể phục của chư dân đối với Israel

  • “dân vĩ đại”: ý chủ lực lặp lại đến 3 lần và được đặt ở đầu của 3 câu 6.7.8

  • dân khôn ngoan và thông minh (c. 6b)

  • dân có được thần minh là Yavê ở gần khi kêu cầu (c.7)

  • dân có được những thánh chỉ và quyết định công minh được chính Yavê trao tặng qua tay Môsê (c.8)

Dân vĩ đại: được lập lại đến 3 lần như là cội nguồn của các ân huệ khác. Trong thực tế lịch sử, chưa bao giờ Israel là một dân vĩ đại theo nghĩa đất đai, kinh tế, quân sự, văn hóa… hay bất cứ trên lãnh vực trần thế nào khác. Cái vĩ đại của dân ở đây chủ yếu là vì dân được Chúa chọn và trao ban cho Lề Luật đúng như những gì dân đang có. Sự vĩ đại của Nó là một ân huệ nhưng không đến từ Thiên Chúa: Thiên Chúa chọn Nó, ngỏ lời với Nó để rồi qua Nó, Thiên Chúa ngỏ lời với thế giới. Nó là phương tiện Chúa dùng để đem ơn cứu độ đến cho thế giới (Ga 4,22b: “ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái”; Rm 9,5b: “xét theo huyết thống, chính Đức Kitô cũng cùng một nòi giống với họ”).

Dân vĩ đại vì nhờ họ giữ và đem ra thực hành luật mà chư dân được biết, tiếp cận với thánh chỉ Thiên Chúa (Đnl 4,6b).

Dân khôn ngoan : “khôn ngoan” ở đây không là khôn ngoan phàm nhân có được nhờ giáo dục, kinh nghiệm đời mà là một THUỘC TÍNH của Thiên Chúa được dành riêng cho Thiên Chúa và chỉ ban cho, ngang qua ân sủng, những con người đặc biệt như Giuse, Môsê, Đavit, Salomon, Đaniel… để phục vụ công trình cứu độ của Thiên Chúa (DEB “Sagesse”).

Như trường hợp vua Salomon: vua xin Chúa ban cho ơn biết lắng nghe, ơn khôn ngoan và hiểu biết để phân biệt, xét xử công minh dân Chúa, sao cho phù hợp với Ý Chúa (1V 3,9-11; 2Sb 1,10-12).

Vậy “Dân khôn ngoan” là dân được Thiên Chúa thông ban cho sự khôn ngoan của Chúa để họ biết biện phân, sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và biết chọn lựa những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó (GLHTCG 1835).

 Tuy nhiên, dựa vào đâu để phân định? LUẬT, thánh chỉ, mệnh lệnh của Thiên Chúa.

 Và thông minh: ơn thông minh là ánh sáng thiêng liêng đến từ Thiên Chúa, soi chiếu tâm trí để tín hữu có cái nhìn sâu rộng hơn về các chân lý siêu nhiên (Từ điển Công Giáo – Thông minh, ơn). Vậy đây là ơn Chúa giúp nhạy cảm, mau dễ nhận ra và tiếp thu nhanh các mặc khải của Thiên Chúa.

Và cái nền của ánh sáng này cũng chính là Lời Chúa: Lời Chúa là đèn soi lối cho con bước đi (Tv 119, 105).

Dân có được thần minh là Yavê ở gần: thật vậy, Yavê ở giữa dân, đồng hành với dân, ở trong lều trại như dân dưới dạng HÒM BIA LỀ LUẬT, GIAO ƯỚC. Vậy Luật chính là phương thức hữu hình Thiên Chúa muốn dùng để ở giữa dân, dạy dỗ dân và nghe dân cầu nguyện.

Và tuyệt vời hơn nữa: “này sẽ đến những ngày…Ta sẽ lập một Giao ước mới…Ta sẽ ghi vào dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta…” (Gr 31, 31-33) (xem thêm CGKPV – trang 329 nốt “q”)

TÓM KẾT:

Thiên Chúa Yavê đã trao tặng cho dân Israel Luật Giao Ước. Đó là cội nguồn sự sống, là nền tảng mọi phúc lộc của dân (vào Đất Hứa). Và nhất là Luật làm cho dân thay thân đổi thân phận: từ một đám nô lệ, ô hợp có nguy cơ bị diệt chủng, nay trở nên một dân vĩ đại, khôn ngoan, thông minh, có được thần linh ở cùng, đồng hành, lắng nghe những gì dân thân thưa, cầu khấn.

Để hồng ân đặc biệt ấy vĩnh tồn và sinh hoa trái trong dân thì việc nghiêm túc đem Luật ra thực hành là điều bắt buộc, không được thêm hoặc bớt những gì Thiên Chúa đã mặc khải và được Môsê truyền lại. Luật ở đây là MƯỜI LỜI.

Thi hành Luật không có nghĩa là cố gắng hoàn tất một số qui định, điều khoản pháp lý mà là tuân phục, trung tín, gắn bó với Yavê. Điều Yavê mong đợi khi ban Luật Giao Ước, trước tiên không nhằm thiết lập một cơ chế (một dân, một đất nước…chỉ mang tính giai đoạn thôi) mà là tạo lập một mối tương quan: Luật giúp cho bất kỳ ai thi hành đều trở thành DÂN CHÚA và dân này không khép kín mình lại trong sự hoàn thiện cá nhân, đoàn thể riêng mà phải là cầu nối để mọi dân đều có thể biết Luật, thi hành và nên dân Chúa, tất cả không trừ ai.

       TIN MỪNG : Mc 7,1-8a. 14-15. 21-23

Văn mạch:

Hôm nay các bài đọc Tin Mừng quay về lại với Marcô. Theo cấu trúc, Mc 6,30-52 cũng nói tới phép lạ nhân bánh và Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ. Vài câu cuối Mc 6,53-56 là một tóm tắt nói về việc Đức Giêsu làm nhiều phép lạ cho tất cả các bệnh nhân được mang đến với Người tại Ghenêsaret, Galilê. Vậy mà lại có những biệt phái và kinh sư từ tận Giêrusalem kéo đến gây sự với Người (Mc 7,1).

Mc 7 mở đầu bằng cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và nhóm Pharisêu, kinh sư đó liên quan đến việc giải thích luật sạch dơ và cách ứng dụng theo truyền thống (7,1-23); Sau đó Đức Giêsu rời Galilê đi về vùng đất dân ngoại Tyr dường như để tạm ẩn mặt ít lâu, nhưng không được (7,24), Người phải thực hiện 3 phép lạ cho người dân ngoại:

  • Tại Tyr, chữa lành con gái 1 bà gốc Phênixi xứ Syri (7,25-30)

  • Và tại miền Thập Tỉnh, chữa 1 người điếc – ngọng (7,31-37)

  • Phép lạ hoá bánh ra nhiều lần 2 (8,1-10)

Bài đọc I là trích đoạn gồm những câu không liên tục của cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và nhóm thông luật đến từ Giêrusalem về chủ đề sạch dơ. Điểm nhấn là cách thức giữ luật. Nhóm Giêrusalem đã vi phạm thánh chỉ Yavê nói ở bài đọc 1: Đã thêm bớt, bóp méo luật Thiên Chúa, nên bị Đức Giêsu mắng là “những kẻ đạo đức giả” rồi Người vạch mặt: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm (7,8).

Bản văn phụng vụ kết thúc với lời Đức Giêsu dạy dỗ ĐÁM ĐÔNG (7,14a): cái làm con người ra ô uế không từ bên ngoài mà đến, nhưng chính là những cái từ con người xuất ra (7,15). Đó là trộm cắp, giết người, tà dâm…(7,21-23).

CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH

  1. Cuộc tranh luận về việc giữ luật sạch dơ (Mc 7,1-8)

  • Nhóm gây hấn: Những người Pharisêu và một số kinh sư đến từ Giêrusalem, họ tụ họp lại quanh Đức Giêsu (c.1)

  • Sự cố: Họ thấy VÀI môn đệ của Đức Giêsu dùng bữa mà chưa rửa tay (c.2). Nên họ hỏi Đức Giêsu: Sao các môn đệ của Người vi phạm truyền thống tiền nhân (c.5)

  • Cc 3-4: Lời giải thích của Marcô vì sao có sự cố trên

  • Đức Giêsu trả lời:

– Dựa vào Is 29,13, lột mặt nạ những kẻ giả hình (cc. 6-7)

– Kết tội: Họ gạt bỏ những điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống con người (c.8)

Những người Phariêu: Là một nhóm tín đồ Do Thái giáo, thông thạo lề luật, giữ luật cách nhiệm nhặt…tự cho mình là thánh thiện, sống tách biệt với dân nghèo và dân ngoại (Từ điển Công giáo – “Biệt phái”).

Kinh sư: Là người thông thạo Thánh Kinh Do Thái giáo, chuyên nghiên cứu và giải thích Lề Luật (Sđd – “kinh sư”).

Xét về mặt các thành phần của Dân Chúa thì “những người Pharisêu” thuộc Các Nhóm Tôn Giáo (CGKPV Tân Ước 1965 trang 32); Còn các “Kinh sư” thì thuộc Các Nhóm Xã Hội (CGKPV trang 30).

Họ tụ họp quanh Đức Giêsu: Chi tiết này cho thấy vào thời Đức Giêsu, vấn đề được đặt ra ở đây không là chuyện cá nhân hay phe nhóm riêng mà là chuyện liên quan tới cả đạo (tôn giáo) lẫn đời (xã hội), nghĩa là có liên quan mật thiết đến cuộc sống thường ngày của cả cộng đồng Dân Chúa.

Luật sạch dơ: Cụ thể ở đây là không rửa tay trước khi dùng bữa (cc.3-4). Các luật về sạch dơ phải giữ theo đúng nghi thức được ghi trong Lv 11-16. Đó là đối tượng của những giải thích tỉ mỉ và của vô vàn những giáo huấn phát xuất từ các bậc thầy “Rabbi”. Từ đó người ta đánh giá việc có thực sự gắn bó với Thiên Chúa hay không ngang qua việc tuân thủ chi li những cử chỉ bên ngoài: rửa tay cẩn thận trước khi ăn (c.3); rửa chén, bát, bình lọ, đồ đồng (c.4). Thực ra đó là các giải thích ứng dụng do các Rabbi diễn giải ra chứ sách luật Lv 11-16 không đề cập đến

Vậy những lời dạy dỗ này (cc.3-4) đến từ con người chứ không đến từ Lời Chúa. Vì trong Kinh Thánh không có (x. Paroles sur le chemin B. p.397).

C.c 6-7: Đức Giêsu vạch mặt “những kẻ giả hình” = hupôkriton dịch sát nghĩa là “các diễn viên sân khấu” mang mặt nạ và diễn một vai khác với con người thật của mình.

Vậy kẻ giả hình (đạo đức giả) là một con người mà những gì người khác thấy hắn biểu lộ ra bên ngoài bằng lời nói, cử chỉ hay bất kỳ cách nào khác đều là diễn kịch chứ không phải là con người thật của hắn. Hắn đang cố gắng hoàn tất thật tốt một vai diễn để làm vui lòng khán thính giả, để có được danh tiếng, tiền tài, địa vị, lợi ích qua những nét giả dối bên ngoài đó. Khi hắn mang mặt nạ và cố gắng diễn xuất thì con người thật của hắn hoàn toàn biến mất.

Tình trạng ấy hoàn toàn đúng với những gì mà Đức Giêsu nói về họ ngang qua sấm ngôn của Is 29,13. Cần phải lột mặt nạ ra và phô bày con người thật của họ ra để cứu. Những gì họ đang làm, đang cho là đúng và nhân danh những cái đó để bắt bẻ, lên án kẻ khác chỉ là cái mặt nạ của một vai diễn. Điều Chúa cần là tấm chân tình thờ phượng Chúa.

C.8: gạt bỏ điều răn Thiên Chúa, duy trì truyền thống phàm nhân.

Và Đức Giêsu đưa ra một nố đặc biệt gọi là COBAN để minh hoạ cho sự giả hình, sự bỏ luật Thiên Chúa để duy trì truyền thống phàm nhân của họ (7,9-13). Phần này không trích đọc trong Tin Mừng hôm nay.

Như vậy theo Marco, “đạo đức giả” không phải là hạng người “nói mà không làm” như trong Mt 23. Nhưng theo chủ đề phụng vụ Lời Chúa hôm nay, thì đó là kẻ đã cả gan thêm bớt lời Thiên Chúa (bài 1), thao túng tự bày chế ra các tập tục phàm nhân thay vào vị trí của Lời Chúa, rồi cố gắng làm, đồng thời bắt kẻ khác tuân giữ theo như ý họ muốn mà lãng quên luôn luật Chúa.

Vậy khi ra sức làm và bắt người khác làm những cái bên ngoài: rửa tay, rửa chén bát… họ cho rằng đó là đang phụng thờ Thiên Chúa, hoá ra họ đang ra sức “xây tháp Babel” cho mình, đang âm thầm “ăn trái cấm” với ảo tưởng là sẽ thay thế được vị trí, vai trò của Thiên Chúa trong cõi nhân sinh này.

  1. Mặc khải cái sạch/dơ đích thật (Mc 7, 14 -15, 21 -23)

  • Đối tượng được mặc khải: Đám đông (c.4)

  • Nguyên tắc tổng quát:

  • Không có gì từ bên ngoài vào… có thể làm con người ra ô uế (c.15a)

  • Hình ảnh minh hoạ cụ thể: chuyển tầm nhìn từ những nghi thức thực hành bên ngoài qua góc nhìn đạo lý:

  • Từ lòng người phát ra những ý định xấu: Tà dâm, trộm cắp.. (cc 21-22)

  • Những điều đó từ bên trong xuất ra và làm con người ra ô uế (c.23)

Đám đông:  đối tượng lần này Đức Giêsu nhắm tới không chỉ hạn hẹp trong nhóm tri thức muốn chất vấn, gây sự với Chúa nữa mà là đám dân đen ít học, không thông thạo lề luật. Vì thế Đức Giêsu đã biến nội dung tranh luận về luật và truyền thống trên thành những hình ảnh cụ thể giúp đám đám dân đen cũng có thể thông phần được vào cái mới mẻ mà Người mang tới, nhờ đó họ có thể tự do chọn lựa.

Nguyên tắc tổng quát:  Lời Đức Giêsu dạy cho đám đông được gom làm hai vế:

1/ không có gì từ bên ngoài vào có thể làm con người ra ô uế (c.15a), cái từ bên ngoài vào đó là gì? Chính là những tập tục liên quan đến sạch, dơ nhưng do con người bịa ra. Đó là những tập tục mà Đức Giêsu trách các Pharisêu, Kinh sư đã bịa ra để thay thế luật Thiên Chúa: Rửa tay, rửa chén bát, rửa các đồ đồng… Như vậy, Đức Giêsu tuyên bố từ nay các tập tục bịa đặt ấy bị huỷ bỏ. Thời Mêsia đã tới, thời mà Luật Chúa được khắc ghi vào tim đã khởi đầu (Gr 31, 31).

       Sự xoá bỏ những ngăn cách về nghi thức tập tục trên là một chuẩn bị cho cuộc xoá bỏ khác quan trọng hơn: đón nhận dân ngoại (vốn bị người Do Thái khinh là ô uế, là dơ) và cho họ hưởng các phép lạ thời thiên sai (trừ quỷ, chữa lành) và nhất là cả khối dân ngoại cũng được hưởng phép lạ  nhân bánh như người Do Thái (x. Mc 7, 24 -8,9). Từ nay, bức tường ngăn cách sạch, dơ, phân rẽ Do Thái với dân ngoại chính thức được huỷ bỏ (x. Gl 3,28; Rm 10,12).

2/ Chính cái từ con người xuất ra là cái làm con người ra ô uế (c.15 b). Những thứ đó là gì?  Đức Giêsu khai triển cụ thể trong các câu 21, 22: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác…

       Như vậy với đám đông, Đức Giêsu mời họ làm một cuộc tẩy luyện nội tâm, luân lý: Khi con người loại bỏ được những tật xấu thói hư luân lý ra khỏi đời mình thì họ nên trong sạch. Sau khi giúp đám đông Do Thái đập vỡ bức tường ngăn cách sạch dơ về các nghi thức bên ngoài do Pharisêu, kinh sư bịa ra thì Đức Giêsu tiến vào vùng đất dân ngoại để phá vỡ bức tường ngăn cách Do Thái và dân ngoại.

TÓM KẾT:

Trong bài đọc 1, Yavê truyền dân phải thi hành thánh chỉ, mệnh lệnh của Người cách chính xác, nghiêm túc không được thêm bớt. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu lại trách các pharisêu và kinh sư quá tỉ mỉ trong việc áp dụng thi hành luật . Điều quan trọng mà lời Chúa hôm nay nhắc nhở là phải tôn trọng, thi hành Lời Chúa, tuy nhiên đừng để rơi vào cơn cám dỗ nhào nặn, thao túng biến Lời Chúa thành các tập tục do mình bịa ra.

Đây là cơn cám dỗ ở Vườn Địa Đàng được lặp lại cho nhân loại mọi thời: Lời Chúa là “Cây Trường Sinh” được Thiên Chúa trao ban để nhân loại hưởng dùng và được sống, được vào và vĩnh cư trong đất Chúa ban. Thế nhưngcon người đã rơi vào cơn cám dỗ biến luật Thiên Chúa thành những tập tục do tri thức con người bịa ra (cây biết Thiện Ác) rồi coi đó như là chuẩn mực cho bản thân mình và còn ép buộc mọi người phải theo nữa. Đức Giêsu đến cảnh báo bằng lời trách mắng “đồ giả hình”. “Các ông gạt bỏ điều răn Thiên Chúa mà duy trì những truyền thống của con người”.

Theo tầm nhìn trên thì thế giới hôm nay đang rơi vào cơn cám dỗ “ĐỒ GIẢ HÌNH”. Thật vậy với tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, tâm lý, y khoa,… Con người ảo tưởng rằng mình có thể thay thế được Thiên Chúa, tự mình lấy mình làm chuẩn mực kể cả về luân lý lẫn niềm tin,… Do đó con người thời nay đã bịa ra những luật lệ đi ngược lại với công trình Sáng tạo và Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa nhân danh tự do, tiến bộ: cho phép ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính,… Những điều đó khiến nhân loại mất dần cảm thức về tội. Nguy cơ diệt vong đang đe doạ nhân loại.

Cầu xin Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội và mỗi tín hữu can đảm sống nghiêm túc, trung thực với Luật Chúa, để cho thói GIẢ HÌNH không còn nơi để bám rễ, hầu đưa thế giới về lại với luật sự sống, Tình Yêu của Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC