CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B

 Mc 7,1-8;14-15;21-23

   Ngay từ khi vào học nhà trẻ, các cháu bé đã được các cô, các dì dạy cho cách rửa mặt, rửa tay. Trong đại dịch Covid, người dân còn được hướng dẫn tỉ mỉ cách đeo khẩu trang, cách rửa tay, từng kẽ tay, từng móng tay. Việc vệ sinh thường thức này có lẽ được áp dụng mọi nơi, mọi thời trong các nền văn hóa khác nhau .

      Hôm nay Tin mừng thánh Mác cô đoạn 7 thuật lại cho chúng ta nghe việc người Pharisiêu và các kinh sư tranh luận với Chúa Giêsu về việc rửa tay trước khi ăn.

 Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy người Pharisêu và các kinh sư thường đối đầu, xét nét Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài trong mọi hành động, mọi việc làm, lớn nhỏ. Trong tiếng Pháp Pharisien và tiếng Anh Pharisee ngoài nghĩa là nhóm Pharisiêu, Biệt Phái, còn có nghĩa là người giả hình, người đạo đức giả, người không trung thực. Nhưng việc người Pharisiêu và các kinh sư thắc mắc hôm nay hợp lý quá chứ, sao Chúa Giêsu lại trách móc họ?

      Việc rửa tay mà người Pharisiêu đề cập hôm nay không phải chỉ là việc vệ sinh thường thức như chúng ta hiểu ngày nay. Trong Cựu Ước, khái niệm thanh sạch và ô uế được ghi chép tỉ mỉ trong các sách luật, đặc biệt là sách Lê Vi và Đệ nhị luật.

Sách Lê Vi đoạn 11 liệt kê những con vật được coi là thanh sạch và những con vật được coi là ô uế, con người không được ăn.[Sau này trong một thị kiến, Phê rô đươc Chúa nói hãy giết mọi thứ mà ăn, vì không có gì là ô uế (Cv 10, 9-15)] Đoạn 12 đề cập giai đoạn ô uế và thanh sạch của người phụ nữ. Đoạn 13  và 14 nói đến tính ô uế và việc thanh tẩy của các thứ bệnh, đặc biệt là bệnh phung. Đoạn 15 năm nói đến giai đoạn ô uế của đàn ông và đàn bà. Sách Đệ Nhị luật chương 14 lặp lại những động vật thanh sạch và những động vật ô uế mà dân không được ăn.

      Người Biệt phái và luật sĩ rất khắt khe về luật thanh sạch; Luật Do Thái có 613 khoản, nhưng họ còn đặt ra nhiều chi tiết tỉ mỉ, thành văn và bất thành văn; họ coi việc giữ trọn lề luật là giữ đạo; họ giản lược đạo thành luật. Không giữ luật là không giữ đạo. Không rửa tay trước khi ăn là ô uế . Ô uế là tội lỗi, tội lỗi là không trung thành với đạo, là phạm đến Thiên Chúa.

      Vì nói với các Kitô Hữu không phải là người Do Thái (Tin mừng Mác Cô được viết cho lương dân, những người ngoài Do Thái), nên thánh Mác cô phải giải thích : “Người Pharisiêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng”. (Mc7,3-4)

Thực ra, người Pharisiêu và luật sĩ đã coi những truyền thống của tiền nhân (Mc7,5)  này như lề luật và họ buộc mọi người phải tuân theo. Điều đáng trách là họ lấy những yếu tố bên ngoài này làm chính, mà bỏ quên yếu tố quan trọng bên trong. Duy trì truyền thống của người phàm, mà bỏ điều răn của Thiên Chúa. Nên Chúa Giêsu đã mượn lời tiên tri Isaia để khiển trách họ: Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân (Is 29,13). Chúa Giêsu nói với người Do Thái nên Ngài trích dẫn tiên tri Isaia .Vì họ là những người  thông hiểu Kinh Thánh.

      Chúa Giêsu gọi họ là giả hình vì họ giữ sạch bên ngoài mà không giữ sạch bên trong; họ rửa chân tay mà không rửa tâm hồn. Chả thế mà đã có lần Chúa so sánh họ với mồ mả tô vôi, bên ngoài sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong là xương cốt hôi thối, ô uế (Mt 23,27).

      Họ thực hiện những nghi thức tỉ mỉ bên ngoài, mà không có chiều sâu căn bản bên trong, nên mọi việc làm trở nên vô nghĩa. Họ đọc kinh, cầu nguyện, ăn chay cốt để trình diễn, phô trương ; làm việc bác ái, bố thí để người khác ca ngợi, tán tụng. Còn Chúa dạy: ”Khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”  (Mt 6,3) .

     Cái Tâm mới quan trọng. Cái bên trong mới đáng kể. Người đời nói: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Thật đáng sợ những kẻ  miệng nam mô, bụng một bồ dao găm. Nơi con người chúng ta, lương thực thực phẩm từ ngoài vào trong chúng ta không thể làm chúng ta ra ô uế, nhưng chỉ những ý định xấu xa phát xuất từ tâm hồn chúng ta mới làm cho chúng ta ra ô uế: Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.(Mc 7,21-23)

      Mọi việc làm, mọi hành động đều cần có Tâm. Tâm có sáng thì việc làm mới tốt lành; Tâm tăm tối  dẫn đến những việc làm độc ác. Các việc làm, dẫu rất nhỏ bé, bình thường, nhưng làm với Tâm tốt, vẫn có giá trị cao đẹp, tuyệt vời. Thánh Tê rê xa Hài Đồng Giêsu không làm việc gì to tát, vĩ đại, nhưng đã trở nên đại thánh trong Giáo Hội.

      Khi cơn đại dịch Covid hoành hành, nhiều cá nhân, đoàn thể, nhiều nhà hảo tâm, nhiều mạnh thường quân ra tay giúp đỡ các nạn nhân. Môn Đệ Chúa Kitô, bằng nhiều cách khác nhau, cũng tận tình giúp đỡ, nhưng với một tinh thần yêu thương đặc biệt, với một động cơ siêu nhiên. Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi. Caritas Christi urget nos.(2Cr 5,14). Các chứng nhân tử đạo cũng hy sinh, cũng chết như các anh hùng liệt sĩ, nhưng chỉ có các ngài được gọi là thánh. Thánh Phaolô nói: Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1Cr 13,3.) Nền tảng của mọi hoạt động phải là Đức Mến. Không có Đức Mến mọi việc làm chỉ là phèng la, não bạt và chẳng có giá trị gì .

     Người Pharisiêu quá chú trọng lề luật mà quên mất yêu thương, nhưng Thánh Phaolô nói: yêu thương là chu toàn lề luật.( Rm 13,10).Thực thế, giới luật của Chúa thì nhiều, nhưng chỉ tóm lại một chữ yêu.

            Lạy chúa xin dạy chúng con làm những việc bình thường bằng một tình yêu phi thường.

 Nguyễn Đức Lân