Lc 14,1.7-14.
Tin mừng chúa nhật 22 Thường Niên Năm C, Luca 14,1.7-14, hôm nay thuật lại cho chúng ta việc một ngày sabát kia, Chúa Giêsu được mời đến dùng bữa tại nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha ri siêu và trong khi ở đó, Người nhận thấy nhiều khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, vì thế Người đưa ra một bài học nhân bản, đó là Khiêm Nhường.
Nhưng, trước khi nói về khiêm nhường, chúng ta hãy nói về kiêu ngạo.
Kiêu ngạo đã xâm nhập vào thế gian ngay từ khi Thiên Chúa tạo dựng con người.
Kinh Thánh cho thấy: Lucifer được vào hàng ngũ các Thiên thần thiêng liêng sáng láng, nhưng lại dám đòi bằng Thiên Chúa, nên bị giáng xuống hỏa ngục. Ma quỷ đã cám dỗ Adam Evà bất phục tùng Thiên Chúa, muốn ngang bằng Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ đã bị đuổi khỏi vườn địa đàng.(St 3). Con cháu lại rủ nhau xây tháp Babel chọc trời, Thiên Chúa đã phạt phải phân tán, lưu lạc, và chia rẽ nhau.(St 11).
Chẳng ai ưa kẻ kiêu ngạo:
“Đức Chúa và người phàm đều chê ghét tính kiêu căng, đều coi gian tà là khả ố. (Hc 10,7).
Ta ghê tởm tính kiêu căng của Gia cóp’(Am 6,8).
Kẻ kiêu ngạo làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường.(Mt 23,5-6;Lc 14,7-14).
Không chỉ người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường, thích địa vị cao, các tông đồ Giacôbê và Gioan cũng thích ngồi hai bên tả hữu Thầy Giêsu.
Tâm lý chung ở đời ai cũng thích địa vị. Ai cũng thích vinh dự. Ai cũng thích được tung hô.
Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
(Gc 4,6).
Khiêm nhường trong Kinh Thánh trước hết là sự khiêm tốn, ngược lại lối khoe khoang, tự phụ trái lẽ. Người khiêm tốn không tin tưởng vào ý kiến riêng của mình :”Đừng tự coi mình là khôn ngoan. Hãy kính sợ Đức Chúa và tránh xa sự dữ”. (Cn 3,7)
Chính Chúa Giêsu cũng đã dậy: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. (Mt 12,29).
Trong cuộc đời trần thế, Người đã chọn thân phận làm người, sống nghèo khó, đơn giản, hòa nhã và thân thiện với mọi người. Chúa đã yêu thương, gần gũi, chăm sóc những người nghèo đói, ốm đau bệnh tật. Cuối cùng, Người đã chết để cứu chuộc muôn người. Và Người vẫn còn yêu thương mãi mãi.
Thánh Phaolô tông đồ còn nhấn mạnh:
Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. (Pl 2,6-9).
“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”. (Mt 23,12).
Có thể nói, khiêm nhường như Chúa dạy, chính là nhận mình là không, còn Chúa là tất cả, nên chỉ cậy dựa vào Chúa mà hy sinh, mà phục vụ và yêu thương mọi người. Chỉ có những ai hạ mình xuống như thế mới đáng được Chúa tôn lên.
Mẹ Maria khiêm nhường, nhận mình là tôi tớ của Thiên Chúa, nên đã được tôn làm Mẹ Thiên Chúa.
Noi gương Chúa Giêsu và mẹ Maria, trong Giáo Hội mọi nơi mọi thời đều có biết bao thánh nhân đã âm thầm hy sinh, phục vụ những người đói khát, ốm đau, bệnh tật; điển hình trong dịch bệnh covid vừa qua, trên toàn thế giới.
Lòng khiêm tốn và nhân hậu chính là nền tảng của đạo đức.
Như vậy, khiêm tốn có nghĩa là bắt chước Chúa, không sống cho riêng mình, nhưng sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ, không phải cho bản thân và lợi ích riêng của cá nhân, mà là cho người khác.
Thời nào cũng vậy, người khiêm tốn luôn được mến phục, kính yêu. Trái lại, kẻ kiêu ngạo thì đều bị khinh chê. Sách Huấn ca dạy: “Con ơi… càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa”.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52).
Lạy chúa, xin dạy chúng con biết sống khiêm nhường như Chúa dạy. Tránh xa lối sống kiêu căng, vì kiêu căng là đầu mối của mọi thứ tội.
Nguyễn Đức Lân