Bài 1
Is 35,4-7a; Mc 7,31-37
Chủ đề: Dấu chỉ giúp nhận biết thời thiên sai đã tới: ơn phục hồi.
* Is 35,5: Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được…
* Mc 7,35 : Đức Giêsu nói “hãy mở ra”. Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.
Thời thiên sai đã tới! Thiên Chúa đã thứ tha tội con người qua việc Người sai Đấng Mêsia đến chữa lành, khắc phục các hậu quả của tội, hồi phục nhân loại và vũ trụ. Dấu chỉ cụ thể giúp nhận ra thời thiên sai đến, đó là các bệnh tật được chữa lành và thiên nhiên cằn cỗi được phục hồi sức sống nhờ có đầy đủ nguồn nước (bài đọc 1); và người nào thực hiện được việc chữa lành ấy thì đó chính là Đấng Mêsia. Tin Mừng hé mở cho thấy Đấng đó chính là Đức Giêsu, ngang qua phép lạ chữa lành cho bệnh nhân bị điếc ngọng (Tin Mừng).
Đó là chủ điểm của Lời Chúa Chúa Nhật XXIII B Mùa Thường Niên. Hai bản văn Is 35,4-7a và Mc 7,31-37 được phụng vụ chọn làm bài đọc 1 và Tin Mừng cho Chúa Nhật XXIII B Mùa Thường Niên đều quy về một điểm chung: đó là việc chữa lành các bệnh tật đã được Thiên Chúa dùng làm DẤU CHỈ giúp dân Chúa nhận ra Đấng Mêsia, nhận ra thời thiên sai đã tới. Thật vậy, những gì Thiên Chúa loan báo cho DÂN RIÊNG Chúa trong Cựu Ước (bài đọc 1), để củng cố đức tin của Dân, vực dậy niềm cậy trông của họ, kiên trì trung tín chờ thời điểm Chúa can thiệp cứu Dân, thì trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã biến lời hứa đó thành những sự thật cụ thể, khi Người chữa lành cho một người ĐIẾC – NGỌNG.
Và còn đi xa hơn những gì Cựu Ước đã loan báo, việc chữa lành không chỉ dành riêng cho dân Do Thái mà còn được mở rộng ra cho dân ngoại: việc chữa lành Đức Giêsu làm hôm nay là ở vùng đất dân ngoại Tyr-Sidon- Thập Tỉnh. Tin Mừng nhấn mạnh thêm TÍNH PHỔ QUÁT của ơn phục hồi do Đức Giêsu mang tới. Người là Đấng Mêsia của dân Do Thái, vừa là Đấng Cứu Độ trần gian (Ga 4,42b), là Thiên Chúa.
Bài đọc 1 trích phần đầu của Is 35, Chúa sai ngôn sứ ngỏ lời cùng đám dân đang trong cảnh khốn cùng, đang nản lòng rủn chí, mất dần nhuệ khí, khủng hoảng niềm tin vào Thiên Chúa, trở thành “kẻ nhát gan”. Lời ngôn sứ khích lệ dân Chúa “Hãy can đảm lên, đừng sợ!”. Lý do không sợ là vì “Thiên Chúa của ANH EM đây rồi”: “có Chúa ở cùng, con sợ chi nguy khốn” (Tv 23,4). Cách nói “Thiên Chúa của ANH EM” cho thấy Thiên Chúa đã thứ tha giao hòa với dân (so với lối nói như “hờn dỗi” khi dân phạm tội: “Thiên Chúa của tôi” Is 7,13c); Và chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em. Tuy nhiên lời khích lệ cũng hàm ẩn một đòi hỏi Dân phải có đáp trả tương xứng qua cách nói lưỡng diện về Ngày của Chúa: Đó vừa là “NGÀY THƯỞNG CÔNG” nhưng cũng là “NGÀY PHẠT TỘI”. Vậy phải có thái độ đáp trả thích hợp.
Tiếp theo lời khích lệ, bài đọc 1 đưa ra những DẤU CHỈ giúp dân Chúa có điểm tựa nhận ra thời thiên sai đã tới. Đó là việc PHỤC HỒI:
-
Phục hồi con người qua việc chữa lành các bệnh tật; – Và phục hồi vũ trụ qua việc đồng hoang khô cháy trở thành nơi phì nhiêu đầy nước.
Những gì đã được báo trước trong bài đọc 1, đã trở thành hiện thực cụ thể trong Tin Mừng: một người bị bệnh ĐIẾC – NGỌNG đã được Đức Giêsu chữa lành. Nhiều chi tiết có giá trị mặc khải, chúng ta cần lưu ý trong phép lạ này:
1/ Nơi phép lạ diễn ra là vùng đất dân ngoại: Đức Giêsu đang hoạt động trong vùng Tyr – Sidon – Thập Tỉnh. Chi tiết này nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ do Đức Giêsu mang tới: dân ngoại cũng được Chúa chữa lành.
2/ Người bệnh bị chứng ĐIẾC – NGỌNG do đó anh bị cắt đứt phần lớn các mối liên hệ với xã hội, anh không nghe nói về Đức Giêsu, anh không tự mình đến với Đức Giêsu được. Yếu tố nhân loại giúp anh được chữa lành là ĐỨC TIN CỦA CỘNG ĐOÀN: Mc viết NGƯỜI TA (tức cộng đoàn) ĐEM anh đến với Đức Giêsu và NGƯỜI TA XIN Đức Giêsu chữa lành cho anh. Tầm quan trọng của đức tin cộng đoàn được nhấn mạnh.
3/ Trong tiến trình Đức Giêsu làm phép lạ, Marcô khéo léo sử dụng:
a/ Những điển tích kinh thánh để kín đáo bày tỏ dung mạo thần linh của Đức Giêsu:
*c.33, “Đức Giêsu kéo anh ta ra khỏi đám đông”, chữa lành, rồi cấm anh kể lại, nhưng mọi người đều biết vì thấy kết quả tỏ tường. Trong Kinh Thánh, những việc Thiên Chúa làm, con người không CHỨNG KIẾN tận mắt được, nhưng nhận ra là có nhờ thấy KẾT QUẢ (dựng Eva; kết ước với Abram; Đức Giêsu phục sinh).
*c.37, “ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp” gợi St 1,31: mọi việc Thiên Chúa làm đều tốt đẹp.
b/ Đồng thời cũng mô tả những nét rất con người nơi Đức Giêsu: đụng vào nhổ nước miếng… than Epphata… cho thấy Đức Giêsu cũng là một con người.
Vậy con người xác thịt mà đám đông thấy trước mắt, người đó là Mêsia, hơn nữa là Thiên Chúa, Người đến hoàn tất Ý Cha, phục hồi nhân loại, khai mạc thời thiên sai. Hãy tin vào Người!
Bài 2
Đức Giêsu… đặt ngón tay vào lỗ tai anh và lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ep-pha-tha… lập tức tai anh mở ra, lưỡi anh hết bị buộc lại và anh nói được rõ ràng. (Mc 7,33-35).
Lời Chúa của Chúa Nhật XXIII B Mùa Thường Niên thổi vào cuộc đời khổ đau của nhân loại một luồng khí tươi vui, hy vọng. Khổ đau, chết là chuyện không thể tránh được của kiếp người. Trong đức tin Kitô giáo, khổ đau là hậu quả của tội do con người chối từ những dự tính yêu thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của chúng ta. Và với tự sức mình, con người không thể thắng vượt khổ đau, tự tìm ra cho mình hạnh phúc chân thật và trọn hảo vững bền. Một trong những khổ đau lớn của kiếp người là bệnh tật; Thêm vào đó là những “trở chứng” của thiên nhiên, xáo trộn thất thường của đất trời làm cho cuộc đời, sự ổn định của kiếp người bị chao đảo, bất hạnh. Vì thế người ta thường cầu chúc nhau sức khỏe, làm ăn thịnh đạt, thuận buồm xuôi gió…
Chủ đề của lời Chúa XXIII B đáp trả đúng vào những khát vọng ấy của con người. Bài đọc 1, sách Isaia loan báo thời thiên sai sẽ tới. Dấu chỉ giúp nhận ra thời hồng phúc đó đang hiện diện giữa loài người là: – các tật bệnh được chữa lành – và thiên nhiên trở nên thân thiện đáng yêu đối với con người. Trong bài đọc Tin Mừng, lời loan báo hy vọng đó trở thành sự thật nơi con người Đức Giêsu mà việc chữa lành anh bệnh ngọng – điếc chỉ là một minh họa.
Đức Giêsu đã đến! Các mầm sống, dấu chỉ thiên sai cũng đã chớm nở. Thế nhưng tại sao, sự dữ vẫn tồn tại: dịch bệnh, thiên tai thêm nhân họa vẫn dẫy đầy? Vì công trình sáng tạo và cứu độ của Chúa không phải là một “phòng triển lãm” trong đó Thiên Chúa phô trương những tác phẩm đã hoàn mỹ của Người và khán giả chỉ tới ngắm, mua rồi đem về chưng diện thôi. Công trình sáng tạo, cứu chuộc của Chúa là một “trường đào tạo”, một “đại học sư phạm” trong đó Thiên Chúa ươm mầm con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, là “chủ vũ trụ”, là sinh vật sống được nhờ “hơi thở” của Chúa. Và Thiên Chúa muốn, qua dòng thời gian, qua nhiều thế hệ được đào tạo với những kết quả tốt có và xấu cũng có, chính con người (dưới môi trường đào tạo của Chúa) sẽ đưa công trình của Chúa đến chỗ hoàn thiện.
Chỉ một lần duy nhất trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa dựng nên mọi sự từ hư vô. Sau sáu ngày, cái nền tảng của công trình Chúa đã vững chắc, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ. “Nghỉ” nghĩa là chấm dứt việc sáng tạo từ hư vô, chứ không phải là nghỉ sáng tạo, nghỉ làm việc. Sau này Đức Giêsu điều chỉnh lại: “cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
Thiên Chúa sáng tạo nên cái nền móng, cái “cơ sở hạ tầng”, ban tặng cho con người đất, nước, khí, lửa, môi trường với các định luật của chúng, rồi cây cối, sinh vật với quy luật sống… Rồi Thiên Chúa cấp “Sổ Đỏ” vĩnh viễn cho chúng ta. Còn trên cái nền đó, con người muốn xây dựng lên cơ ngơi, trang trại, kho xưởng… hay bất kỳ thứ gì thì đó là quyền được Thiên Chúa trao ban cho con người. Chúa duy trì tất cả bằng tình yêu quan phòng, nhưng vẫn tôn trọng tự do của con người. Chỉ khi nào có nguy cơ quá lớn đe dọa sự tồn vong của nhân loại thì Thiên Chúa mới ra tay can thiệp trực tiếp để vũ trụ khỏi diệt vong.
Lời Chúa hôm nay gợi cho chúng ta vài chi tiết cụ thể giúp nhân loại nhận ra dấu hiệu chỉ đường của Thiên Chúa và đáp trả phù hợp:
Bài đọc 1: Is 35,4-7a
Bài đọc 1 trích từ Is 35. Is 34-35 được gọi là Tiểu Khải Huyền, còn Is 24-27 là Đại Khải Huyền. Được gọi như vậy là vì những đoạn này đã dùng những hình ảnh của văn chương truyền thống cho thấy sự phù vân, mỏng manh của vũ trụ này mà loan báo ngày tận thế của thế giới và cũng là ngày Chúa can thiệp mạnh mẽ biểu lộ ơn cứu độ của Người. Theo cấu trúc hiện tại của sách Isaia thì Is 34-35 thuộc về Isaia đệ nhất (Is 1-39), nhưng giọng văn và nội dung thì gần hơn với Isaia đệ nhị (Is 40-55): loan báo sự can thiệp của Thiên Chúa phạt chư dân và kẻ ác; đồng thời khơi dậy nơi Israel niềm vui sắp được giải phóng khỏi những khổ đau, áp bức – cụ thể là giải phóng khỏi cảnh lưu đày Babylon. Nội dung Lời Thiên Chúa hứa trong bài đọc 1 gồm ba ý:
1/ Một lời khích lệ (c.4): kêu mời tin tưởng, thay đổi thái độ trước nghịch cảnh vì Thiên Chúa sắp can thiệp.
2/ Hai dấu chỉ giúp nhận ra thời điểm Chúa can thiệp giải cứu:
-
Các tật bệnh được chữa lành (câu 5-6a)
-
Thiên nhiên hồi phục sức sống (câu 6b-7a)
Chúng ta mở đầu bài suy niệm, bằng việc phục hồi của Thiên Chúa:
*Phục hồi con người: chữa lành bốn bệnh mù, điếc, què, câm. Bốn loại bệnh này khi đã được hồi phục thường được Kinh Thánh trưng dẫn để mô tả niềm vui của thời cứu thế (x.Is 29,18; 42,7.18). Trên bình diện y khoa, bốn bệnh này không thuộc dạng nguy hiểm đưa tới cái chết; Nhưng chúng làm cho con người bị cô lập, hoặc tạo nên những tương quan què quặt, lệch lạc với thế giới bên ngoài lẫn với nhau. Chúng đưa con người rơi vào tình trạng thiếu tương quan, buộc lòng phải quay lại tình trạng “ở một mình không tốt”. Rồi về mặt tôn giáo, cái nhìn Cựu Ước còn gán cho các bệnh đó là hình phạt của tội (x.Ga 9,1-3). Do đó, chữa lành cho ai khỏi các bệnh đó có nghĩa là hồi phục, thứ tha tội cho người đó, là cho người đó hội nhập lại trọn vẹn với cộng đoàn nhân loại và hơn nữa còn được gia nhập vào cuộc sống mới của thời Mêsia. Đó là dấu chỉ thời Mêsia đã tới và người thực hiện các dấu chỉ đó chính là Đấng Mêsia, Đức Giêsu đón nhận như thế (Mt 11,2-5).
*Phục hồi thiên nhiên, vạn vật (6b.7a): khô cằn, nóng cháy là tình trạng của đất khi Thiên Chúa chưa can thiệp ban sự sống (St 2,5b), hoặc đó là dấu chỉ của hình phạt do tội (1V 17,1). Đất đai có mưa, thấm đầy nước có nghĩa là được Chúa chúc lành, được tràn đầy sinh lực (St 2,6.10), hoặc là dấu chỉ được thứ tha (1V 18,41-46). Vậy sa mạc, hoang địa trở thành nơi trào vọt nước là cách nói diễn tả hồng ân thời Mêsia thật là lớn lao vượt mọi sự mong đợi của con người, ơn thứ tha vượt xa tội lỗi. Nước trào vọt trong hoang địa còn nhắc lại biến cố Xuất Hành, dân được Chúa dưỡng nuôi bao bọc, thời ân tình mặn nồng giữa Chúa và dân.
*Thời thiên sai: Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa, Đức Giêsu đã tới! Thời thiên sai đã hiện diện giữa cuộc sống của chúng ta. Thế sao nhân loại vẫn khổ? Với cách trình bày biểu tượng của Kinh Thánh, nhiều tín hữu cứ tưởng lầm rằng Thời thiên sai là thời Thiên Chúa tái lập lại Vườn Địa Đàng cho nhân loại (Is 11,6-9). Không! Thiên Chúa không tái lập lại Eđen giữa thế giới chúng ta đang sống: Thiên Chúa không làm sẵn hết mọi sự và nhân loại chỉ thọ hưởng cách thụ động để rồi cái nguy cơ sa ngã như Ađam Eva có thể xảy ra lần nữa. Đừng quên Con Rắn vẫn luôn rình sẵn đó và tìm đủ mọi cách để kiềm chế con người.
Thế giới thời thiên sai cũng chính là thế giới ta đang sống, là nơi tạm trú khi chúng ta bị Chúa đuổi ra khỏi Eđen, với tất cả những hậu quả của tội. Nhưng nhờ Đức Giêsu đến, Người biến đổi đất lưu đày đồng khô cỏ cháy thành đất đai phì nhiêu, hồi phục sinh lực cho con người, tạo điều kiện thuận lợi để con người ra tay tái thiết.
*Điều Chúa mong đợi nơi con người (c.4)
– Đừng nhát gan nữa: trong Kinh Thánh, nhát đảm, sợ hãi là do yếu đức tin không tin tưởng đủ vào quyền năng, tình yêu của Thiên Chúa (Xh 14,5-14; Ds 13,25 – 14,9; Tl 6,11-18…). Chúa kêu mời đám dân đang thất vọng vì cảnh lưu đày hãy can đảm và tin rằng Chúa sắp can thiệp.
– Chúa can thiệp để thưởng công phạt tội: lời sấm này làm rõ nghĩa lời kêu gọi “can đảm lên đừng sợ”. Can đảm tiếp tục tuân giữ luật Chúa cách trung thành giữa cảnh thế sự thăng trầm. “Cơ sở hạ tầng” Chúa đã ban, đã hồi phục, giờ chúng ta hãy can đảm tuân theo Luật Chúa để xây dựng cơ ngơi vì Thiên Chúa đã tới gần, Người can thiệp thưởng phạt phân minh để những nỗ lực sống tốt của chúng ta, kẻ tin không bị uổng phí.
Thiên Chúa đang mong đợi sự cộng tác đó của kẻ tin để Người đưa công trình “phục hồi con người”, “phục hồi thiên nhiên” mà Người đã khởi công mau đến chỗ hoàn tất. Thời thiên sai tới rồi với những hồng ân tràn trề của Thiên Chúa không phải là thời “ngồi chơi xơi nước” mà là thời cật lực chiến đấu: đón nhận các ân huệ dồi dào Chúa ban. Khai thác tối đa… nhờ đó đất án phạt, đất lưu đày trở thành lãnh địa thiên sai, nơi tình yêu, quyền năng Thiên Chúa trổ sinh hoa trái.
TIN MỪNG: Mc 7,31-37
Sau khi xóa bỏ những rào cản, do truyền thống phàm nhân bịa thêm vào, của Luật Sạch Dơ, Đức Giêsu tuyên bố: mọi thức ăn đều thanh sạch (Mc 7,19b) và điều làm cho con người ra ô uế là các tà niệm phát xuất từ nội tâm (7.20-33), Đức Giêsu rời Galilê, tiến vào vùng đất của dân ngoại. Tại đây, Marcô cố ý tạo một đối xứng, Đức Giêsu cũng đã thực hiện cho dân ngoại những ân huệ mà Người đã làm cho dân Do Thái ở đất Galilê (7,24 – 8,9 so với 6,30-56). Như vậy ơn cứu độ là phổ quát cho mọi người: chuyện phân chia bên ngoài Do Thái, Hy Lạp không còn là cản trở nữa; Yếu tố chính để được hưởng hồng ân cứu độ là tín thác vào Đức Giêsu, đón nhận đường lối hành động của Người. Bài trích đọc Tin Mừng của Chúa Nhật XXIII B là phép lạ thứ hai, Đức Giêsu làm tại đất dân ngoại.
*Nơi chốn: “miền Thập Tỉnh” (7,31): là vùng đất dân ngoại theo văn hóa hy lạp gồm mười thành phố ở tả ngạn sông Giođan, phía đông xứ Palestin. Được Rôma thành lập sau cuộc chinh phục năm 63 TCN. Dân cư vùng này được hưởng quyền tự trị và không bị ảnh hưởng của Do Thái giáo (x.Từ điển Công Giáo – “Miền Thập Tỉnh”).
*Bệnh nhân: một người “điếc – ngọng” (x.Bài đọc 1 “phục hồi con người”) bệnh nhân bị cô lập, bị cắt đứt khỏi mối hiệp thông với những người chung quanh; không nhận, không hiểu thông tin của tha nhân vì “điếc”; không thể làm cho tha nhân hiểu được mình cách rõ ràng đầy đủ vì “ngọng”; ở ngay giữa cộng đoàn mà như bị cô lập.
Đây là hình ảnh của người môn đệ trong Marcô. Thật vậy, các môn đệ ở với Đức Giêsu ngay từ đầu sứ vụ của Người mà họ chẳng hiểu, chẳng hiệp thông với Người bao nhiêu (x.Mc 6,52; 7,18); Vì thế Đức Giêsu thấy cần phải tìm nơi thanh tịnh để có dịp mở tai, mở miệng và cả mở mắt nữa (x.8,22-26) để giúp các môn đệ nhận ra Người là Đức Kitô (8,29).
*Tác nhân chữa lành: vai trò của cộng đoàn (7,32): Người làm phép lạ đương nhiên là Đức Giêsu. Tuy nhiên trong chuyện chữa lành này, yếu tố đầu tiên góp phần quan trọng vào việc chữa lành, được Marcô nhấn mạnh là tính LIÊN ĐỚI CỘNG ĐOÀN: “Người ta đem đến với Đức Giêsu một người vừa điếc vừa ngọng, và nài xin Người đặt tay trên anh” (7,32). Do tật bệnh, anh ta không thể tự đến với Đức Giêsu được vì thiếu thông tin, không được nghe nói về Người (điếc), khó lòng mở lời cầu xin Người (ngọng). Ở đây cũng như ở Mc 2,3-4, tính liên đới cộng đoàn được Marcô nhấn mạnh.
Vậy khởi đầu cho phép lạ chữa lành về thể xác là một phép lạ về tình người, tình liên đới. Anh điếc được làng xóm cưu mang, chia sẻ nỗi đau của anh, nên khi nghe biết Đức Giêsu đến với làng xóm của mình, thì họ đã không nghĩ tới quyền lợi của họ trước, trái lại họ đã tích cực ưu tiên đem anh đến với Đức Giêsu trước và còn nài xin Người chữa lành cho anh nữa.
Thật là một bài học đáng cho môn đệ Đức Giêsu phải bắt chước, lưu tâm. Đức tin, tình người của cộng đoàn tín hữu phải là yếu tố quan trọng, mở đầu cho các phép lạ. Đức Giêsu cần đến đức tin và tình người của cộng đoàn và cá nhân các tín hữu để cứu thế giới. Thế giới hôm nay là một thế giới “điếc – ngọng” tự cô lập hóa mình, nhốt mình trong vi tính, điện thoại. Chúa cần đến đức tin, tình người của cộng đoàn tín hữu đem đến cho Người và nài xin Người chữa lành, ban ơn phục hồi, cứu thế giới chúng ta.
*Chữa lành:
Diễn tiến việc chữa lành khá rườm rà. Đức Giêsu xem ra phải khổ sở mệt nhọc mới trị được bệnh. Thực ra Marcô đang kín đáo mặc khải dung mạo thần linh của Đức Giêsu qua một khuôn mẫu văn chương hy lạp đã có sẵn về việc chữa lành (x.Chúa giải Phúc Âm Chúa Nhật Mùa Thường Niên B 429)
-
Người kéo riêng anh ra khỏi đám đông: những việc làm của thần linh thường được hoàn thành trong bí mật, mắt trần không thể chứng kiến được (x.1V 17,19; 2V 4,4.33; 9,5-6; Mc 5,37-40; 8,23). Tuy vậy phàm nhân vẫn chắc rằng Thiên Chúa có can thiệp nhờ thấy được kết quả của việc đó. Ví dụ: lúc Chúa tạo dựng Người Nữ thì Adam đang ngủ, nhưng khi tỉnh dậy thì thấy có một sinh vật mới đang đứng trước mặt mình (St 2,22-23); Chúa kết giao ước với Abram đang khi ông ngủ, thức dậy thấy lễ vật đã được thiêu đốt (St 15). Với chi tiết này, Marcô kín đáo nói rằng việc Đức Giêsu làm là đến thừ trời và Đức Giêsu có nguồn gốc thần linh, thượng giới.
-
Các tiếp xúc thể lý và nước miếng (7,33-34): các hành vi Đức Giêsu làm trong hai câu này, đám đông không thấy vì Đức Giêsu đã kéo riêng anh bệnh ra khỏi đám đông. Đây là một thông tin của Marcô dành riêng cho các độc giả của sách Tin Mừng thứ hai. Ngang qua trình thuật phép lạ này với các chi tiết đặc biệt như thế, Marcô muốn nói với họ rằng hành động của Đức Giêsu là một hành động thần linh, nhưng phương thức Người sử dụng lại rất phàm trần, đó là những hành động của một nhà chữa lành thời đó thường làm. Vậy chính qua nhân tính của Người mà quyền năng thần linh của một vị Thiên Chúa được biểu lộ. Đó chính là nét đặc thù của Tin Mừng thứ hai (x. Mc 1,1). Tin Mừng chính là tin nhận được rằng Đức Giêsu, một con người như chúng ta chính là Đức Kitô (8,29) và cũng chính là Con Thiên Chúa (Mc 15,39)
Qua một loạt những việc làm cụ thể (x.7,33-34) giống như nghi thức khi một pháp sư dân ngoại làm phép lạ (đừng quên anh “điếc – ngọng” này là một người dân ngoại, đang ở trong vùng đất dân ngoại và theo văn hóa hy lạp), Marcô muốn hội nhập Đức Giêsu vào thế giới Người đang sống: Người là một con người thật với tất cả những gì là đặc thù của thời đại Người; Thế nhưng chính nơi con người thật một trăm phầm trăm ấy, Thiên Chúa đã biểu lộ trọn vẹn quyền năng, dự tính thần linh của Người.
-
Sau một loạt nghi thức và lệnh truyền Epphatha của Đức Giêsu thì “LẬP TỨC” anh được lành bệnh và NÓI ĐƯỢC RÕ RÀNG. Một sự chữa lành tức khắc và đạt mức trọn hảo ngay (nói được lưu loát ngay khi vừa được chữa lành). Các hiệu quả có ngay lập tức gợi lại quyền năng sáng tạo: “Hãy có”, tức thì có. Ngoài việc chữa lành vật chất, anh còn được chữa lành về tâm linh nữa. Từ nay anh được tự do thể hiện con người mình. Một con người bao năm khép kín trong chính mình từ nay được khai thông mở ra cho thế giới. Đức Giêsu trả lại, hồi phục cho anh ơn gọi “làm người cộng đoàn” mà Thiên Chúa đã dựng nên trong sáng tạo.
*Lệnh truyền bất khả thi (7,36): dưới cái nhìn khách quan về một sự việc thì phép lạ Đức Giêsu làm là công khai, kết quả lại hết sức tỏ tường… làm sao che giấu được. Vấn đề là tương quan giữa dấu lạ với căn tính của Đức Giêsu. Phép lạ là một dấu giúp nhận ra Đấng Thiên Sai; Nhưng Đấng Thiên Sai không phải là Đấng đến để làm phép lạ. Đừng đến với Đấng Thiên Sai để tìm phép lạ (x.Ga 6,26). Vì vậy lệnh của Đức Giêsu là bảo đám đông đừng đồn thổi phép lạ lên. Điều quan trọng là phải nhận ra Người là ai và tin vào Người.
*Dung mạo của Đức Giêsu còn ẩn giấu (7,37): đám đông không nghe lời Đức Giêsu vì họ muốn làm theo cơn phấn khích của họ trước phép lạ. Họ ca ngợi phép lạ: ông ta làm kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được (37b) nhưng không nhận ra Đức Giêsu là ai, họ chỉ nhận ra “ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp” và dừng lại ở đó. Trong khi đó “làm mọi sự đều tốt đẹp” là một thuộc tính của Thiên Chúa: so với St 1,4.10.12… và Hc 39,16: mọi sự Thiên Chúa làm ra đều tốt đẹp.
Với Đức Giêsu, một tạo thành mới bắt đầu và kẻ tin phải là cộng tác viên cho công trình ấy: phải đưa người ngọng, điếc, mù, què đến với Đức Giêsu để họ được chữa lành và nhất là nhận ra Người là Thiên Chúa.
Bài 3
Is 35, 4-7a
Mc 7, 31-37
TÌM HIỂU 2 BÀI ĐỌC
Chủ điểm phụng vụ:
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời tín hữu suy niệm công trình tái tạo, phục hồi của Thiên Chúa đối với con người và vạn vật.
Trong St 3, con người bất tuân lệnh Thiên Chúa, muốn thay thế vị trí làm Chúa của Người nên trật tự tốt lành Thiên Chúa đã an bài trong công trình Sáng Tạo bị xáo trộn, sự ổn định, trật tự hài hòa giữa các thọ tạo bị đảo lộn khiến con người phải sợ hãi trốn lánh Thiên Chúa. Sự sợ hãi, trốn tránh, thiếu vắng Thiên Chúa đó phát sinh ra tình trạng “tội lỗi” gây nên bao nhiêu khổ đau bất hạnh cho nhân loại, và vì sai lầm, tội lỗi của loài người thiên nhiên cũng bị vạ lây, trở nên cằn cỗi, phát sinh gai góc góp thêm phần làm khổ con người tội lỗi.
Vậy trong cái nhìn đức tin kitô giáo, mọi khổ đau bất hạnh của con người – mà bệnh tật, thiên nhiên cằn cỗi chỉ là 1 khía cạnh – đều phát xuất từ căn nguyên sâu xa là vì con người đã bất tuân lệnh Thiên Chúa, phá vỡ đi trật tự hài hòa hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt để trong công trình Sáng Tạo; Và rồi tự sức mình nhân loại không thể phục hồi lại được, giống như bệnh nhân một khi đã ngã bệnh nhất là bệnh nặng thì không tự mình mà khỏi bệnh được, phải cần can thiệp của y khoa, bác sĩ, thuốc…
Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu và Công Chính nên Người tiếp tục công cuộc của Người bằng lời hứa cứu độ, phục hồi, tha thứ sẽ được thực hiện trong dòng lịch sử nhân loại và hoàn tất trong Đức Kitô. “Bệnh tật được chữa lành”, “Thiên nhiên được phục hồi sức sống”; Đó là những dấu chỉ cho biết rằng Thiên Chúa đã thứ tha; Thời cứu độ đã đến.
Lời Thiên Chúa hứa trong bài đọc 1: nguời mù thấy được, người điếc nghe được, người què nhảy nhót, người câm nói được… thì trong bài đọc Tin Mừng điều đó thành hiện thực: qua phép lạ chữa lành cho anh bị ngọng- điếc (và nhiều phép lạ khác), Macrcô đã kín đáo hé mở mặc khải Đức Giêsu chính là Đấng Mesia, và thời cứu đô đã tới.
Trong bài đọc 1, phần đầu (Is 35,4), Isaia khích lệ dân Chúa đang ở trong cảnh khốn cùng vì lưu đây hãy can đảm lên, vì giờ cứu độ đã tới gần giờ Thiên Chúa giải phóng dân Người khỏi ách kẻ áp bức họ đã tới gần.
Phần thứ hai (Is 35, 5-7a), ngôn sứ đưa ra hai dấu chỉ giúp dân nhận ra thời cứu độ, thứ tha đã tới:
-
Bệnh hoạn tật nguyền của con người sẽ được chữa lành (35, 5-6a)
-
Sức sống của thiên nhiên sẽ được phục hồi…(35, 6b-7a)
Việc hồi phục thiên nhiên, chữa lành bệnh tật là những dấu báo trước ơn thứ tha tội lỗi, hồi phục linh hồn.
Trong chiều hướng đó, phép lạ Đức Giêsu chữa lành cho anh ngọng-điếc là dấu chỉ loan báo thời Mesia tới rồi và Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai tới, là hồng ân thứ tha, phục hồi của Thiên Chúa đang hiện diện giữa dân và ra tay hồi phục, chữa lành, cất đi những nỗi khổ của dân lẫn nhân loại.
Tin Mừng còn cho thấy tính phổ quát của hồng ân thiên sai: thật vậy phép lạ được thực hiện cho một người dân ngoại, bên ngoài vùng đất Israel.
Khía cạnh cộng đoàn, liên đới với nhau cũng là nét mới mẻ của Tin Mừng hôm nay: bệnh nhân do ngọng và điếc nên không tự ý đến trình bày tình trạng của mình cho Đức Giêsu được, chính “người ta” đem anh đến và xin Đức Giêsu đặt tay trên anh (Mc 7, 32). Đức Giêsu chẳng những chữa lành bệnh mà hơn nữa còn hồi phục tình người.
BÀI ĐỌC I: Is 35, 4-7a
Văn mạch
Is 34-35 được gọi là Tiểu Khải Huyền, còn Is 24-27 là Đại Khải Huyền. Gọi vậy là vì những đoạn này đã dùng những hình ảnh của truyền thống cho thấy sự phù vân, mỏng manh của vũ trụ này mà loan báo ngày cùng tận của thế giới và cũng là ngày Chúa can thiệp mạnh mẽ biểu lộ ơn cứu độ của Người. Theo cấu trúc hiện tại của sách Isaia, chương 34-35 thuộc về Isaia đệ nhất, nhưng giọng văn và nội dung thì gần hơn với Isaia đệ nhị (40-55): công bố sự can thiệp của Thiên Chúa phạt chư dân và kẻ ác, đồng thời loan báo cho Israel niềm vui sắp được giải phóng khỏi cảnh lưu đày Babylon:
Chương 34 loan báo cho mọi người cuộc trừng phạt tận thế mà cảnh tượng tàn sát, tiêu diệt Eden là một minh họa. Ở đây Êđom được dùng như biểu tượng của những thế lực chống phá dân Chúa; Vì Êđom vốn là anh em với nhà Giuđa, rồi là chư hầu của Giuđa; thế nhưng khi Giuđa bị Babylon tàn phá Êdom đã lợi dụng “nước đục thả câu”, báo oán và thừa cơ bóc lột Israel (2V 24,2; Gr 27, 1-11). Nhiều ngôn sứ tuyên sấm chống Êdom (Ôv 10-11; Ed 35, 3), và sau biến cố năm 587 TCN, Êdom trở thành kẻ thù tiêu biểu của Giuđa.
Chương 35 khích lệ dân Chúa hãy vững tin, mạnh bạo lên vì ngày Thiên Chúa can thiệp cứu độ đã đến rồi (3-4), mọi sự sẽ được đổi mới tận căn:
– thiên nhiên khô cằn được trở nên đầy sức sống, sa mạc nở hoa, trở nên phong nhiêu như rừng Libăng, núi Carmen, đồng bằng Sharon (1-2); Nước ngập tràn những nơi khô cháy (6 b -7), nơi đó một thánh lộ sẽ được vạch ra cho những ai được cứu độ; kẻ ác, dã thú không bén mảng tới đó được (7 b – 9); – Phần con người cũng được hồi phục: mù được thấy, điếc được nghe, què được đi, câm được nói (5- 6 a ) và nhất là dân Chúa được thoát cảnh lưu đày, khổ đau tan biến, hân hoan trở về Đất Hứa (10).
Bài đọc 1 trích phần đầu chương 35, từ câu 4 -7, gồm những lời khích lệ đám dân đang nản lòng rủn chí vì cảnh lưu đày hãy vững tin trông cậy vì Chúa sắp ra tay giải cứu: kẻ tật nguyền được chữa lành, thiên nhiên được hồi phục.
CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH
-
Lời khích lệ (Is 35, 4)
-
Đối tượng: “những kẻ nhát gan”
-
Nội dung: “can đảm lên, đừng sợ!”
* Lý do đừng sợ: “Thiên Chúa của anh em đây rồi
sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công phạt tội
Chính Người sẽ đến cứu anh em”
“Kẻ nhát gan”: trong Kinh Thánh, nhát đảm , sợ là do yếu tin, không tin tưởng đủ vào tình yêu, quyền năng YAVÊ có thể giải cứu, bảo vệ dân (x.Xh 14, 5 -14; Ds 13, 25 – 14,9; Tl 6, 11-18; 1Sm 23,3; Is 7, 2-4…). Kẻ nhát gan ở đây ám chỉ dân Giuđa đang trong cảnh lưu đày. Thực tế khắc nghiệt trước mắt, nhất là trong giai đoạn đầu: Không còn được nghe lời Chúa, không còn nghi lễ, đền thờ, phụng tự…; Lãnh thổ vua quan cũng chẳng còn…Các điều ấy khiến những kẻ yếu tin rủn chí, sờn lòng buông xuôi. Cõi lòng dân, niềm tin tôn giáo nên như sa mạc khô cằn, như nguồn nước cạn kiệt không còn sức sống. Nhắm vào họ nhằm vực dậy lòng tin của họ vào Chúa, lời sấm này đã được tuyên ban.
“Can đảm lên, đừng sợ!”: công thức quen thuộc trong Kinh Thánh, hàm ý Thiên Chúa sắp can thiệp mạnh mẽ để giải cứu dân. Ngược lại với nhát đảm, can đảm là thái độ phải có của kẻ cậy tin trước những thử thách đang đe doa trước mắt (Xh 14,13; Gs 1,6-9; Gr 1,8..). Lời mời hàm ý phải kiên tâm tuân giữ luật Chúa, đó chính là thái độ nền tảng về phía con người để được cứu (Gs 1,8).
“Thiên Chúa anh em đây rồi”: khi con người phạm tội, Kinh Thánh trình bày hình ảnh: Thiên Chúa bỏ con người, Thiên Chúa không nói chuyện, không hiện diện với con người nữa, bỏ mặc dân Chúa cho kẻ thù quấy phá. Khi thứ tha, Thiên Chúa lại đến hiện diện giữa dân. “Thiên Chúa ở cùng” luôn là một bảo đảm cho thành công, an bình, sứ mạng chắc chắn được hoàn tất. Đối với dân lưu dày, đây là lời sấm mang đến hy vọng: Thiên Chúa đã thứ tha, Thiên Chúa sắp đến ở cùng dân trở lại, Thiên Chúa sắp cứu.
“Ngày báo phục…” là ngày Thiên Chúa can thiệp hoàn tất ý định cứu độ của Người. Ngày này mang tính lưỡng diện: ngày vui, ân thưởng cho người lành, nhưng là ngày đáng kinh sợ, xét phạt cho kẻ ác.
-
Những dấu chỉ giúp nhận ra thời thiên sai đến (Is 35,5-7a)
-
“Bấy giờ”
-
Phần con người: được chữa lành các tật bệnh mù, điếc, què, câm.
-
Phần thiên nhiên: nước trào vọt trong các vùng sa mạc, khô cằn.
“Bấy giờ”: ở đây ám chỉ thời Thiên Chúa can thiệp, thời Đấng Thiên Sai đến để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Việc Chúa đến trong uy quyền được đánh dấu bằng những điều kỳ diệu xảy ra cho thiên nhiên lẫn con người.
Phần con người: các bệnh mù, điếc, què, câm là những bệnh làm con người bị cô lập, hoặc có những tương quan què quặt, lệch lạc, với thế giới bên ngoài lẫn với nhau: Chúng đưa con người rơi vào tình trạng thiếu tương quan, buộc lòng phải “ở một mình không tốt”: Rồi về mặt tôn giáo, cái nhìn Cựu Ước còn cho đó là hình phạt của tội (Ga 9,1-3). Do đó chữa lành là cho con người hội nhập lại trọn vẹn với cộng đồng nhân loại, là được thứ tha, hơn nữa lại còn được đi vào cuộc sống mới của thời Mêsia đã tới. Thật vậy khi Gioan Tẩy Giả, trong Tin Mừng, âu lo sai muôn đệ đến hỏi Đức Giêsu rằng Người có phải là Đấng Mêsia hay không thì Đức Giêsu đã đáp lại “các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan…người mù xem thấy, kẻ què được đi…” (Mt 11,2-5).
Phần thiên nhiên: khô cằn, nóng cháy là tình trạng của đất khi Thiên Chúa chưa can thiệp ban sự sống (St 2,5b), hoặc là dấu chỉ của hình phạt do tội (1V 17,1). Có mưa, đầy nước nghĩa là được đầy sinh lực (St 2,6.10) hoặc là dấu chỉ của tha thứ (1V 18,41-46). Vậy sa mạc, hoang địa trở thành nơi trào vọt nước cho thấy hồng ân thời Mêsia thật lớn lao vượt sự mong đợi của con người, ơn tha thứ vượt xa tội lỗi.
Nước trào vọt trong hoang địa còn nhắc lại biến cố Xuất Hành, dân được Chúa dưỡng nuôi bao bọc, thời ân tình mặn nồng giữa Chúa với dân.
Bible annotée AT7 có gợi lên một hình ảnh ý nghĩa: “miền nóng bỏng…” (7a) gợi lên một ảo giác mà lữ khách đang mệt,khát nước thường gặp khi đi trên vùng khô cháy dưới nắng gay gắt của mặt trời: họ thấy xa xa trước mắt như có ao hồ, nhưng đi hoài chẳng thấy. Thời Mêsia, ảo giác ấy biến thành ao hồ thật. Hình ảnh ấy hàm nghĩa: những khao khát đợi trông từ bao đời tường chừng tuyệt vọng thì nay được thể hiện vượt mọi mong chờ. Chính vì thế dân Chúa hãy can đảm lên, đừng sợ nũa, vì Thiên Chúa đây rồi, Người sắp cứu.
TÓM KẾT :
Tin vui cho dân lưu đày: họ sắp được giải cứu: Thiên Chúa đã thứ tha! Người trở lại với dân, đang ở giữa dân và sắp ra tay cứu dân, Chúa sẽ cho những dấu chỉ giúp nhận ra thời thiên sai tới nơi con người lẫn nơi thiên nhiên. Tất cả sẽ được hồi phục vượt hơn mọi mong đợi, mơ ước của con người. Tất cả sẽ được hòa nhập lại với nhau, hiệp thông trọn vẹn: con người được chữa lành, thiên nhiên lại hào phóng ban cho con người sinh lực, sức sống của nó.
Những điều tốt đẹp ấy trong tương lai mời con người đổi mới lối sống trong hiện tại: đừng sợ hãi, nản chí nữa; Hãy sống tin tưởng, can đảm xứng với địa vị con dân của Chúa. Điều này cũng hàm ý phải thay đổi não trạng, sám hối, từ bỏ lối sống tội lỗi trong quá khứ, mở lớn mắt và cõi lòng để nhận ra được các dấu chỉ thiên sai đang tỏ lộ nơi con người lẫn thiên nhiên ( đọc ra được ý nghĩa các biến cố thời đại trong, đức tin) và dọn lòng đón nhận giây phút hồng ân đang tới.
TIN MỪNG : Mc 7, 31 – 37
Văn mạch
Sau cái chết của Gioan (6, 17 – 29) Macco thuật lại việc các tông đồ trở về báo cáo cho Đức Giêsu thành quả tốt đẹp mà họ gặt được trong đợt thực tập xa Thầy và Đức Giêsu muốn các ông rút lui vào nơi thinh lặng để nghỉ ngơi (6 ,30 – 32). Thế nhưng người ta lại kéo đến! Dự tính nghỉ ngơi đành dời lại; Và Đức Giêsu phải đón tiếp đám đông: giảng dạy, chữa lành, nuôi dưỡng họ qua phép lạ nhân bánh lần một bên bờ tây (6, 33 – 44).
Tiếp đó Đức Giêsu đinh qua bờ đông tại Betsaiđa (6, 45), có lẽ để tiếp tục dự tính tìm chút nghỉ ngơi, nhưng rồi cơn bão đêm dù đã được Đức Giêsu trấn áp, đã đưa thuyền về lại bờ tây tại Ghenêsaret (6, 45 – 56), lại phải làm việc chữa lành, rồi đụng độ với các biệt phái về vấn đề sạch dơ ( 7, 1 – 23). Tiếp tục ý định tạm thời rời bỏ vùng đất Do Thái, Đức Giêsu lần này ẩn tránh về phía bờ biền đến Tyr nhưng rồi người ta cũng nhận ra Người ( 7, 24): Đây là đợt hoạt động ngắn của Đức Giêsu ngoài Galilê,trong vùng đất dân ngoại khởi từ Tyr, qua Xidon, Biển hồ, Thập Tỉnh và về lại bờ tây tại Đanmanutha (7, 24 – 8,10) (xem CGKPV Tân Ước trang 113 nốt “ a” ). Tại vùng đất dân ngoại, Đức Giêsu đã làm ba phép lạ: hai phép lạ chữa lành vì lời người khác xin thay cho bệnh nhân; phép lạ thứ ba là nhân bánh lần hai do lòng nhân lành của Đức Giêsu đi bước trước. Tại bờ tây lại bị các biết phái đến gây sự, Đức Giêsu lại trở về bờ đông (8, 11 – 13). Trên đường Người cố gắng “ mở mắt” các môn đệ nhưng thất bại (8,14 – 21). Thuyền cặp bến bờ đông tại Bétsaiđa ( 8,22a). Tại đây chỉ riêng Mc kể lại chuyện chữa anh mù do người khác mang đến xin Chúa cứu (8,22-26). Với Macco, đây là một can thiệp mạnh của Đức Giêsu giúp môn đệ vượt qua cái mê muội của mình hầu có thể tuyên nhận Người là Đấng Kitô trong trình thuật tiếp theo sau (8, 27-30) (xem sđđ 205 ‘n’). Tin Mừng hôm nay là phép lạ thứ hai Đức Giêsu làm trong cuộc hành trình ngắn nơi vùng đất dân ngoại, miền thập tỉnh, chữa lành một người điếc – ngọng do người ta đem đến và xin Người cứu giúp.
CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH
-
Khung cảnh địa lý (Mc 7,31)
-
Đức Giêsu đi từ Tyr, qua Sidon, qua bờ đông Biển Hồ rồi vào Thập Tỉnh.
Sau đợt thực tập truyền giáo, Đức Giêsu muốn các môn đệ tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi: hai lần đi về phía sông Giođan, bắc biển hồ đều thất bại vì gặp đám đông không thể nghỉ ngơi được; lần này Đức Giêsu đi về hướng biển đến Tyr, lại thất bại vì gặp một bà dân ngoại xin chữa lành cho con gái bà. Xong việc Đức Giêsu bỏ Tyr, đi một vòng trong đất dân ngoại tới Thập Tỉnh; tại đây đã xảy ra phép lạ chữa người điếc – ngọng mà Tin Mừng hôm nay trích đọc. Dân ngoại cũng được huởng đủ các hồng ân thiên sai nhờ lòng tin cá nhân hoặc cộng đoàn.
-
Diễn tiến của phép lạ (Mc 7, 32 – 34)
2.1. Vai trò trung gian (c. 32)
-
Đối tượng xin được chữa lành: 1 người điếc – ngọng
-
Lòng tin của các người khác: “người ta đem anh bệnh đến với Đức Giêsu”
Chính những người này “xin Đức Giêsu đặt tay trên anh
“một người điếc – ngọng”: bệnh nhân bị cô lập, cắt đứt khỏi mối hiệp thông với những người chung quanh: không nhận, không hiểu thông tin của tha nhân vì điếc; không thể làm tha nhân hiểu được mình rõ ràng đầy đủ vì ngọng. Ở giữa cộng đoàn mà như bị cô lập.
Đây là hình ảnh của người môn đệ trong Mc. Thật vậy các môn đệ ở với Đức Giêsu ngay từ đầu sứ vụ mà họ chẳng hiểu, chẳng hiệp thông với Người tí nào (x. Mc 6,52; 7,18), vì thế Đức Giêsu thấy cần tìm nơi thanh tịnh để có dịp mở tai, miệng và cả mắt (sẽ đọc ở 8,22-26), để giúp các môn đệ nhận ra Người là Đức Kitô (8,29). Để đạt được điều này, Đức Giêsu đã phải vất vả đào tạo môn đệ nhiều lần: Mc diễn tả ý tưởng ấy bằng cách lập lại hai lần các biến cố: kết lần một bằng mở tai, mở miệng; lần hai bằng mở mắt; rồi kế đó mới tuyên xưng đức tin được. Cụ thể:
-
Phép lạ nhân bánh 6,30-44 8,1-9
-
Một chuyến vượt biển hồ 6,45-53 8,10
-
Một cuộc tranh luận với địch thủ 7,1-15 8,11-13
-
Một lời giáo huấn các môn đệ 7,17-23 8,14-21
nhưng môn đệ chẳng hiểu 7,18 8,18.21
-
Phải đi ra vùng dân ngoại 7,24 8,22
-
Đức Giêsu phải can thiệp mở tai, miệng, mắt: 7,25-37 8,23-26
-
Nhờ vậy môn đệ mới tiếp cận được mà khám phá phần nào dung mao Đức Giêsu: 8,27-30
“Người ta đem đến… với Đức Giêsu và nài xin Người…”. Thiếu thông tin, không hiểu Đức Giêsu, anh điếc – ngọng không thể tự mình đến với Người được, phải nhờ trung gian những người khác. Hàm ý những người này phải hiểu biết và tin phần nào vào Đức Giêsu, mặc dù chủ đề đức tin không được đề cập đến ở đây. Mầu nhiệm hiệp thông rõ nét hơn nhờ lòng tin và lời van nài của “người ta”, Thiên Chúa vẫn thực hiện ơn cứu độ cho đối tượng miễn là người ấy đừng chống đối.
2.2. Đức Giêsu thực hiện phép lạ (cc- 33- 34)
-
Tách đối tượng ra khỏi đám đông
-
Chữa lành bằng tiếp xúc thể lý và dùng nước miếng:
– Đặt ngón tay vào lỗ tai
– Nhổ và bôi nước miếng vào lưỡi
-
Và cầu nguyện: ngước mắt lên trời – rên – và nói “Epphatha”
-
Kết quả: lành bệnh (c- 35)
-
Tai mở ra
-
Lưỡi hết buộc lại
Diễn tiến phép lạ khá rườm rà. Đức Giêsu xem ra khổ sở mệt mỏi mới trị được bệnh. Thực ra Maccô đang kín đáo mặc khải dung mạo thần linh của Đức Giêsu qua một khuôn mẫu văn chương Hy Lạp đã có sẵn về việc chữa lành (chi tiết xin xem Giáo Hoàng Piô X Học Viện Đà lạt. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật B thường niên trang 429). Khuôn mẫu này còn gặp lại trong trình thuật chữa lành anh mù ở Betssaida 8, 2- 25, cả hai đều là riêng của Maccô. Đối với những người đương thời của Maccô, họ dễ dàng nhận ra sứ điệp của trình thuật.
“Người kéo riêng anh ra khỏi đám đông”: Những cuộc can thiệp từ trên thường được hoàn thành trong bí mật, mắt trần không được chứng kiến (1V 17, 19; 2V 4, 4, 33; 9, 5- 6; Mc 5, 37 – 40; 8, 23). Dù không chứng kiến diễn tiến, nhưng phàm nhân vẫn chắc rằng có Thiên Chúa can thiệp là nhờ thấy được KẾT QUẢ của việc đó: Chúa đem người nữ đến cho người nam (St 2, 22- 23); Chúa kết giao ước trong khi Apraham ngủ (St 15). Với chi tiết này Maccô muốn nói việc Đức Giêsu làm là đến từ trời, hàm ý Đức Giêsu có nguồn gốc thượng giới.
Các tiếp xúc thể lý và nước miếng: Những đụng chạm thể lý này vẫn thường được xem như là khởi đầu cho việc chữa trị (Sđđ 431) “… Người ta nhận thấy rằng các trình thuật HyLạp về việc chữa lành thường chú trọng nhiều đến kỹ thuật trị liệu. Các chi tiết Maccô mô tả đều có trong trình thuật ấy…” (sđđ 429). Tuy nhiên ở đây theo văn mạch thì các cử chỉ này, cũng như lời cầu nguyện sau đó, nằm ngoài tầm chứng kiến của đám đông. Đây là một thông tin của Maccô dành riêng cho các độc giả của sách Tin Mừng thứ 2. Đối với họ, hành động của Đức Giêsu vừa là hành động thần linh, nhưng phương thức Người sử dụng lại rất phàm trần của một nhà chữa lành thời đó thường làm. Vậy chính qua nhân tính của Người mà quyền năng thần linh của một vị Thiên Chúa được biểu lộ. Đây chính là nét đặc thù của Tin Mừng thứ hai (Mc 1, 1): Tin Mừng chính là nhận tin rằng Đức Giêsu, con người như chúng ta chính là Kitô, là Con Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Cử chỉ “ngước mắt lên trời” có thể hiểu như một cử chỉ cầu nguyện, van lơn (Tv 121,1; 123,1 Lc 18, 13; Cv 7, 55); trong một trình thuật phép lạ, cử chỉ này cho thấy nguồn gốc từ đó Đức Giêsu chờ đợi và lấy được quyền năng của mình (Mc 6,41-42; Ga 11,41). “Thở dài” = “rên”: biểu lộ một cử chỉ thiết tha kêu cầu mãnh lực thần linh, với ý thức rằng có một sức chống đối mạnh mẽ cần phải lướt thắng (so sánh Mc 8,12; Rm 8,22-27; 2Cr 5,2-4). Và nói “Epphatha”: lời được trích dẫn bằng tiếng Aram như bao lời quan trọng khác của Đức Giêsu trong Tin Mừng Marco (14,36). Nhưng trong một trình thuật phép lạ được viết bằng tiếng và theo lối Hy lạp thì nét này muốn gợi lên các công thức huyền bí của các nhà thần thông chữa bệnh đương thời (Sđđ 432).
Rõ ràng Marco muốn hội nhập Đức Giêsu vào thế giới Người đang sống: Người là một con người thật với tất cả những gì là đặc thù của thời đại Người; thế nhưng chính nơi con người thật 100% ấy quyền năng thần linh đã được thể hiện.
Kết quả: Lời nói hiệu nghiệm ngay tức khắc “lập tức”, gợi lại quyền năng sáng tạo: “Hãy có.” tức thì có… Ở c.35 này bệnh anh ta được trình bày như là bị một thế lực nào đó cầm giữ lại khiến anh không nghe, không nói được. Lời Đức Giêsu giải thoát anh khỏi những cầm giữ đó. Từ nay anh được tự do. Con người khép kín trong chính mình từ nay được khai thông mở ra cho thế giới. Đức Giêsu là Đấng giải phóng anh khỏi nỗi cô đơn, tách biệt.
-
Lệnh truyền của Đức Giêsu và phản ứng của đám đông (Mc 7,36 – 37)
* ĐGS bảo không được kể chuyện này với ai.
* Càng cấm, họ càng đồn đãi
* Họ kinh ngạc: “ Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả…”
Tạm che dấu căn tính của Đức Giêsu là một nét đặc biệt của Marco. Tuy nhiên văn mạch các trình thuật phép lạ cho thấy lệnh cấm ấy là bất khả thi (1,44; 5,43; 7,36; 8,26) và nhất là với các độc giả vì khi đọc bản văn họ đã biết Đức Giêsu đã làm phép lạ. Vậy bí mật Thiên sai có 2 mục đích: không muốn người ta hiểu Mesia theo lối trần tục điều này ngăn cản con đường thập giá là cách mà Thiên Chúa và Đức Giêsu đã chọn để thực thi ơn cứu độ. Và đi xa hơn, việc bảo mật là một cách mặc khải căn tính thần linh của Đức Giêsu; thêm nữa đối với Marco, chỉ có thập giá mới là phương thế mặc khải căn tính đích thật của Đức Giêsu (15,39). Và đây cũng là sứ điệp chính cho độc giả Marco: Phải vượt qua mọi dạng thức bên ngoài dù là vinh quang hay thất bại để nhận ra Đức Giêsu là ai và chỉ nhận ra được qua thập giá.
Lời kinh ngạc của đám đông: Họ chỉ thấy kết quả phép lạ, không chứng kiến diễn tiến. Nét này hợp với lời kinh ngạc càng làm sáng tỏ căn tính thần linh của Đức Giêsu: mọi sự Người làm đều tốt đẹp (so với St 1,34.10 … mọi sự Thiên Chúa làm ra đều tốt đẹp: Hc 39,16)
Ông ấy làm cho kẻ điếc nghe được, kẻ NGỌNG nói được: câu này quy chiếu Is 35,3-6. (Trong toàn bộ Kinh Thánh chỉ có 2 chỗ này dùng chữ “NGỌNG”: mogilalos (Mc 7,32). Vậy Đức Giêsu là Mesia hoàn tất lời ngôn sứ. “Quyền lực thần linh biểu lộ nơi Đức Giêsu, không những làm cho Người được thừa nhận như Đấng có lắm quyền năng đặc biệt (x.Cv 2,22) mà còn báo hiệu giờ Thiên Chúa giữ lời và đến, giờ tin tưởng và can đảm. Đấng sắp đến ĐÃ đến rồi. Và công cuộc của Đức Giêsu đã phác họa cuộc tân sáng tạo (sđd 435).
TÓM KẾT:
Qua những nét đặc thù của Tin Mừng thứ 2, Marco kín đáo mặc khải cho các độc giả của mình Đức Giêsu là ai: Đấng giải phóng, Đấng hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa, Đấng đưa dòng thời gian tới hồi viên mãn, là Mesia, và trên hết Người chính là Thiên Chúa đang đến với ta trong xác phàm Giêsu để tái tạo và đưa công trình sáng tạo của Thiên Chúa tới chỗ hoàn tất. Tuy nhiên căn tính ấy phải tạm ẩn dấu chờ giờ Thập Giá được giương cao; vì chỉ trong Thập Giá, mầu nhiệm Đức Giêsu mới được mặc khải trung thực và được đón nhận cách thỏa đáng. Khi chọn Is 35,4-7 làm bài đọc 1 đi đôi với Marco 7,31-37, phụng vụ đã muốn bày tỏ các ý trên. Vậy chúng ta hãy mở lòng ra cho Đức Giêsu: Từ đó nhận ra con đường làm người của chúng ta, chấp nhận con đường thập giá là phương thế duy nhất và tuyệt hảo nhất để tin nhận Đức Giêsu và can đảm theo Người.
Frère Pierre Đình Long FSC