Bài 1
Xh 32, 7 – 11. 13 – 14; Lc 15, 1 – 32
Chủ đề: Tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với phàm nhân tội lỗi
* Xh 32, 14: Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.
* Lc 15, 20b: Người cha chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXIV C Mùa Thường Niên mời gọi chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với phàm nhân tội lỗi. Lòng thương xót ấy biểu lộ ra bằng tình yêu tha thứ vô điều kiện; Và còn hơn nữa, Thiên Chúa ban cho tội nhân những phương tiện, cơ hội để họ được hồi phục lại phẩm giá mà Thiên Chúa đã muốn tặng ban cho họ. Tình yêu Chúa là nhưng không, vô điều kiện và luôn lớn hơn so với tội lỗi của con người. Cả 2 bài đọc đều cho thấy tội con người là tày đình, đáng phải lãnh những án phạt nặng nề nhất; Nhưng rồi Thiên Chúa cũng thứ tha tất cả, ngay cả khi từ phía con người chưa có một chút dấu hiệu nào của lòng hối hận, sám hối. Chúa hành động như thế vì Chúa là Tình Yêu, là Đấng Trung Tín luôn trung thành với những gì Người đã dự định và nhất là trong mặc khải Tân Ước: Thiên Chúa là CHA. Trong thâm tâm của Thiên Chúa, con người có ứng xử như thế nào đi nữa thì Người vẫn coi tất cả là con; Tất cả đều đáng hưởng lòng thương xót của Người.
Bài đọc 1 trích từ sách Xuất Hành, thuật lại một lỗi phạm tày đình của dân Chúa: vi phạm Giao Ước, lãng quên Thiên Chúa, cúi lạy Bò Vàng. Thực vậy, nghi thức kết Giao Ước vẫn còn đang diễn ra: Môsê đang ở trên Núi Thánh để nhận Bia Giao Ước do Chúa viết ra (x. Xh 31, 18), thì ở chân núi, dân đã làm loạn: họ ép Aharon phải đúc Bò Vàng theo như sở nguyện lệch lạc của họ, rồi họ sụp lạy tôn thờ tượng đó, tuyên xưng rằng đó là “vị thần đã giải cứu, đưa họ ra khỏi Ai Cập” (x. Xh 32, 8). Việc kết Giao Ước chưa hoàn tất thì đám dân nô lệ đã xé bỏ Giao Ước, họ chối từ Thiên Chúa chân thật rồi vẽ ra một Thiên Chúa theo những dục vọng thấp hèn, riêng tư của họ. Ngay khi vừa kết Giao Ước mà đã phản bội tức thời như thế, thì trong tương lai sẽ còn tệ hại như thế nào nữa?
Theo tinh thần, ý nghĩa của một giao ước được ký kết bằng máu (x. Xh 24, 6 – 8) là kẻ nào vi phạm giao ước thì máu nó sẽ đổ ra, số phận kẻ ấy sẽ ra như con vật đã bị sát tế để ký giao ước. Nguy cơ bị tiêu diệt đang treo lơ lửng trên đầu dân tội lỗi. Dân không biết cái chết cận kề, cứ vô tâm dấn thân sâu vào tội lỗi, ăn chơi đú đởn (x. Xh 32, 6). Môsê đang ở trên núi cũng chẳng hay biết chi! Chỉ có Chúa là thấu rõ mọi hệ quả căn nguyên. Chúa báo cho Môsê biết tội phạm của dân và số phận phải bị hủy diệt của họ và chính Chúa sẽ thi hành lẽ công minh theo Giao Ước (x.xh 32, 7- 10)
Thoạt nhìn ta tưởng rằng Thiên Chúa là vị quan tòa mặt sắt, cứ luật mà xử. Thật ra Chúa là Thiên Chúa của lòng xót thương. Vì nếu Chúa cứ thinh lặng thực thi công lý ngay lúc đó thì dân đã bị tiêu diệt. Việc Chúa nổi cơn thịnh nộ này tỏ ý muốn phạt dân cho Môsê lại là cách thức khéo léo Chúa nhắc nhở Môsê (sau này khi xuống núi Môsê đã trị tội 3000 tên đầu sỏ: x.Xh 32, 25-28) nhờ đó Môsê đã năn nỉ Chúa cho dân và cuối cùng Chúa đã tha thứ. Cơn thịnh nộ của Chúa là cơn thịnh nộ của một người cha rất mực yêu con mình: ông không thể dằn lòng trước sự dại khờ của đứa con cứ đâm đầu vào chỗ chết, nên ông phải nặng lời, can thiệp mạnh để giải cứu con.
Mặt khác, lý do Môsê đưa ra để nài nỉ Chúa là dựa vào danh dự, lời hứa của Chúa với các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob (x. Xh 32, 11-13; Ds 14, 13-16…). Sự tha thứ chính là cách tuyệt vời Thiên Chúa biểu lộ sự công chính, lòng trung tín của Người. Đó là đường lối thần linh mà Chúa đã chọn ngay khi tổ tông vừa phạm tội (x. St 3, 15). Cuối cùng, vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã thứ tha (Xh 32, 14).
Qua bài đọc Tin Mừng, Luca thuật lại 3 dụ ngôn diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Hai dụ ngôn đầu cho thấy động cơ của việc tha thứ hoàn toàn phát xuất từ nơi ông chủ. Không cần ai lý luận, nài xin, ông Chủ tự ý đi tìm cái đã bị mất, và tìm với quyết tâm “tìm cho kỳ được” (15, 4b.8b). Tìm được rồi, không một lời trách mắng mà còn “vác lên vai”, còn vui mừng,…Niềm vui đó không là niềm vui cá nhân mà còn là niềm vui cho cả cộng đoàn, cho toàn thể triều đình thiên quốc ( 15, 8.10). Điểm nhấn là cả cộng đoàn vui với chủ vì đã tìm được cái đã mất.
Qua bài dụ ngôn 3, lòng thương xót của Chúa được biểu lộ qua NGƯỜI CHA. Theo chủ đề của Chúa Nhật XIV C là lòng thương xót và thứ tha của Chúa thì vai trò của người cha trong dụ ngôn là điểm suy tư chính yếu hôm nay.
Đây là một người Cha bất hạnh: ông mất cả 2 đứa con: con thứ bỏ nhà ra đi biền biệt; con trưởng chăm chú làm ăn, ở riết trong nhà nhưng sống như một nô lệ (15, 29) : Bỏ qua mọi chi tiết nhỏ, chỉ chú trọng đến một tội: 2 đứa con cho dù cách sống khác nhau nhưng đều nuôi trong mình một tội ĐẠI BẤT HIẾU. Tội này là căn nguyên của mọi cách ứng xử bất hiếu với Cha. Đó là tội tự coi mình là nô lệ chứ không là CON.
* Nơi đứa con thứ, tội này lộ ra rõ lúc nó quyết định quay về với Cha. Nó quay về với một toan tính: xin cha nhận nó làm KẺ LÀM THUÊ độ nhật (x Lc 15, 19b). Anh không muốn về ở với Cha, anh chỉ muốn làm thuê độ nhật: sáng tới làm, chiều nhận lương ra về (x. Mt 20, 14).
* Còn đứa con trưởng khi Cha năn nỉ, anh đáp “…đã bao năm trời, tôi làm nô lệ ông” (15, 29a). Ở bên Cha mà sống như một nô lệ.
Cha hồi phục 2 con: muốn chúng phải sống như con của Cha và như anh em với nhau. Chỉ có lòng thương xót Chúa mới đưa ta vào hạnh phúc thật mà Chúa muốn dành cho ta.
Bài 2
Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng (c.2) … Cậu con thứ hồi tâm và tự nhủ: … Thôi ta đứng lên đi về cùng Cha và thưa với Người: … xin coi con như một người làm công cho Cha vậy (cc.18a. 19b). Nhưng người Cha liền bảo …: mau đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại … (cc.23. 24a).
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi tín hữu suy ngắm về lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với phàm nhân tội lỗi. Tình yêu ấy được biểu lộ qua việc tha thứ vô điều kiện Chúa luôn tuôn tràn cho dù về phía tội nhân, sự sám hối dường như không rõ nét. Điểm nhấn của 2 bài đọc hôm nay là: lòng thương xót của Thiên Chúa là nhưng không, Tình Yêu là vô vụ lợi; Còn phần con người lòng sám hối thực sự là không hề có.
* Đó là điều cần lưu tâm. Vì nếu một tội nhân thực tâm hoán cải thì những con người trần tục thân thiết nhau cũng có thể tha thứ cho nhau. Và chính Đức Giêsu cũng khẳng định mạnh hơn là nếu phải có điều kiện qua lại kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” thì ngay cả những kẻ gian ác cũng yêu thương, tha thứ được đối với người thân của chúng. (Lc 6, 32 – 34; Mt 5, 46 – 47). “Thương xót vô điều kiện” đó là bản chất của Thiên Chúa tình yêu (x. 1Ga 4, 8).
* “Thương xót” và “thịnh nổ”:
Phận hèn tội nhân thường lẫn lộn tha thứ với bao che tội lỗi cách mù quáng; lấy tình cảm ủy mị phủ lấp, che đi tội lỗi bất chấp hậu quả, tác hại của tội. Tha thứ không có nghĩa là dung dường tội lỗi. Vì tuy Thiên Chúa luôn tha thứ cho tội nhân, nhưng không bao giờ để cho tội lỗi tồn tại. Vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa và Đức Giêsu đã đến để xóa bỏ tội lỗi, trước tiên là nơi bản thân Người: nơi Người không hề có tội lỗi (1Ga 3, 4b – 5). Và Người đã tìm ra được cho nhân loại phương dược hủy diệt tội lỗi và Tử Thần. Đó chính là Thập Giá và Phục Sinh. Thần dược ấy được ban tặng miễn phí cho con người. Như vậy nhân loại đã được cứu; Nhưng con người có tự do, nên phần cá nhân mỗi người vẫn có thể chối từ hồng ân của Chúa và ở lì trong tội lỗi.
Trong trường hợp một nhóm hay cá nhân tỏ ra cứng lòng, đi sai quá mức thì Thiên Chúa cần can thiệp mạnh tay để thức tỉnh họ và nhất là để cứu họ khỏi rơi vào cảnh diệt vong, vĩnh viễn làm nô lệ cho sự ác. Tương tự như một bệnh nhân chối từ mọi phương dược nhẹ nhàng để chữa trị, thì tới lúc buộc lòng phải dùng đến phẫu thuật để cắt bỏ đi mọi khối u diệt vong để cứu mạng người ấy.
Vì thế trong dòng lịch sử nhân loại – tập thể lẫn cá nhân – lòng thương xót, tha thứ của Chúa, trong một khoảng thời gian nào đó là được tỏ bày bằng các “cơn thịnh nộ”, buộc lòng cắt bỏ các tế bào ung thư để toàn thân được sống. Nhiều khi cuộc cắt bỏ thật toàn diện, tận căn, khủng khiếp: thay tim, thay phổi, lọc máu…Không có “cơn thịnh nộ chữa lành” đó là chết chắc (như trường hợp Tào Tháo trong truyện Tam Quốc Chí, vì nghi ngờ, đa nghi thêm dốt nát về y khoa đã không cho Hoa Đà mổ sọ não, nên đã chết vì bệnh). Đối với Thiên Chúa, “cơn thịnh nộ” hoặc “lòng thương xót” là hai mặt của cùng một Tình Yêu mà chỉ khi mọi sự đã hoàn tất thì nhân loại mới nhận ra tính thống nhất của hai thực tại tưởng chừng mâu thuẫn ấy.
* Lời Chúa hôm nay trình bày cho ta 2 dạng mâu thuẫn nhau nói trên của Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa.
– Bài đọc 1: Đối tượng được Tình Yêu Chúa nhắm đến là một tập thể, một cộng đoàn: dân Chúa. Bản văn mở đầu bằng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, đòi tiêu diệt dân. Tuy nhiên cần lưu ý chi tiết này: Chúa không có ý tiêu diệt toàn dân, Chúa tiêu diệt TỘI PHẠM. Trong vụ này Môsê vô tội, nên Chúa định gầy dựng lại dân trung tín với Giao Ước từ một con người “vô tội” này. Hình ảnh báo trước chương trình VĨNH CỬU Thiên Chúa sẽ thực hiện trong Đức Giêsu. Còn những lần nổi cơn thịnh nộ: Hồng Thủy – Sôđôma – đòi diệt dân… chỉ là những đợt “phẫu thuật” cần thiết nhất để tẩy luyện, giải độc và cứu dân.
– Bài đọc Tin Mừng: Đối tượng của lòng thương xót Chúa là 2 anh em ruột, nhưng có 2 lối sống trái biệt nhau. Thoạt nhìn bên ngoài thì dễ bị lầm rằng con thứ là hoang đàng, còn con trưởng là có hiếu, đạo đức. Thật ra cả 2 đều là bất hiếu: tự coi mình là nô lệ và đối xử với cha với nhau y như 2 tên nô lệ. Cả hai đều cần tình yêu tha thứ, thương xót của Cha chữa trị.
BÀI ĐỌC I: Xh 32, 7-11 – 13-14
Đám Do Thái nô lệ vừa được cứu khỏi Ai Cập – Một cuộc đổi đời tận căn, thay da đổi thịt, biến đám người nô lệ, ô hợp, vô trách nhiệm, vô kỉ luật thành một dân tự do, dân tư tế, dân riêng của Chúa ( Xh 19, 5-6). Vấn đề tiếp theo là phải duy trì, nâng cao tình trạng tốt đẹp ấy. Để giúp dân, Yavê đã ban chọ họ Luật Giao Ước gồm “ Mười Lời” tại núi Sinai ( còn gọi là núi khoreb). Việc ký kết Giao Ước đã được tiến hành trang trọng theo nghi thức thời đó:
-
Nội dung Giao Ước được đọc công khai cho dân nghe và họ đã nhất trí là sẽ giữ vững các điều ấy ( Xh 19, 7- 8; 24, 3.7)
-
Chúa ban cho họ Mười Lời ( Xh 20, 1-17)
-
Môsê lập bàn thờ và làm nghi thức ký kết: – chép lại lời Giao Ước; – đọc lại cho dân nghe Lời Giao Ước – dân đáp “ chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” – Môsê đổ máu tế vật giao ước trên bàn thờ và rảy trên dân ( Xh 24, 3-8).
-
Sau đó Môsê lên núi mang theo bản chép tay lề luật để trao cho Thiên Chúa, phần Chúa, Người cũng sẽ trao lại Bia Luật do Người khắc cho dân.
Như vậy là hoàn tất nghi thức kết Giao Ước.
Vậy mà, việc ký kết chưa kịp hoàn tất trọn vẹn: Môsê đang còn ở trên núi để nhận Bia Đá Giao Ước do Thiên Chúa trao ban, thì ở chân núi, đám dân vừa mới tuyên bố 3 lần “ chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” Luật Chúa đã vi phạm Giao Ước , đúc tượng Bò Vàng thờ lạy và gọi nó là đấng đã đưa họ ra khỏi Ai Cập ( Xh 32, 1-6). Mặc dù thể xác của họ đã được tự do, nhưng đầu óc, dòng máu nô lệ vẫn còn nguyên trong họ. Cần phải “ thay máu”, đổi não trạng để họ có thể sống được Luật Chúa, sử dụng đúng ơn tự do Chúa ban và sau này thật sự làm chủ Đất Hứa: Việc đổi mới này sẽ được thực hiện suốt hành trình vượt qua sa mạc.
-
Tội phạm của dân và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (32, 7 – 10)
* Yavê báo cho Môsê biết dân vi phạm Giao Ước
– Hãy đi xuống vì “DÂN NGƯƠI” … (c.7) Không còn là “DÂN TA”, “con đầu lòng của Ta” nữa (Xh 3, 7; 4, 22 – 23; 19, 5 – 6 …). Thái độ bất trung của dân đã loại họ ra khỏi mối tương giao thân tình với Chúa. Hậu quả chắc chắn là án phạt, là diệt vong (c.10). Tin Mừng hôm nay cũng trình bày một tình huống tương tự: “Thằng con của ông”.
– Chúng đã … đúc một con bê, rồi sụp lạy … “đây là thần” (c.8) “con bê” (x. CGKPV- “Ngũ thư”, ấn bản 1999, 243 “y”), ở đây không hẳn là thờ ngẫu tượng cho bằng là tội “tạc tượng Yavê (x. Xh 20, 4 và nốt “a”; xem thêm Sđđ 243, “x”)
* Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
– Ta đã thấy … đó là một dân cứng đầu cứng cổ (c.9): vấn đề chủ yếu không phải là vi phạm một điều khoản Luật, mà là việc vi phạm ấy làm lộ ra bản chất bất hảo của dân: “một dân cứng đầu cứng cổ” và Yavê đã nhìn thấy rõ cái ẩn chứa thâm sâu bên trong ấy.
Thật ra không có sự vi phạm một điều khoản Luật nào có thể đưa con người tới chỗ chết, vì Thiên Chúa quảng đại không chấp nhất một vụ sai phạm. Tuy nhiên chính cái tâm, cái bản chất sâu xa “cứng đầu cứng cổ” luôn ngầm thúc đẩy con người chống lại Ý Chúa, chính cái đó mới đưa con người đến diệt vong. Điều này được Tin Mừng lặp lại: Cha quảng đại không chấp nhất mọi tội phá sản của con thứ, tội hỗn láo của con cả; hai tội ấy không ngăn cản hai con được vào nhà Cha và được dự tiệc vui mừng nhưng nếu hai con “cứng đầu cứng cổ” không nhận tình Cha, ở lỳ trong sai phạm của mình thì cái đó mới làm họ ra kẻ tôi đòi, người xa lạ.
-
Yavê đòi tiêu diệt Dân (c.10a) Giao Ước vồn là dấu chỉ của liên đới và tình thân nhưng lại được thể hiện và được bảo đảm bằng một nghi thức pháp lý: sát tế một con vật, đổ máu trên bàn thờ và rảy máu trên Dân (24,6-8). Do đó, một khi mối tương giao thân tình không còn nữa thì sự diệt vong sẽ không tránh khỏi theo đúng tinh thần pháp lý của Giao Ước.
-
Lập Môsê thành tổ phụ một dân mới (c. 10b) (Đây là đường lối của Thiên Chúa. Không bao giờ Người tiêu diệt tất cả. Người luôn để lại một số nhỏ rồi gầy dựng lại công cuộc của Người. Cuối cùng Người tu chỉnh lại mọi sự một cách hoàn hảo trong Đức Giêsu, thật sự là một con người thuộc dòng Israel, thuộc nhân loại. Chúa luôn nhất quán trong công cuộc của Người: chỉ một công trình sáng tạo, một công trình cứu độ.
Yavê dự định làm một cuộc thanh luyện tựa như Hồng Thủy thời Nôê. Môsê người công chính, không bị vấy nhơ bởi vụ Bò Vàng sẽ được Yavê sử dụng để khởi đầu cho một công trình mới).
May thay, Yavê không phải là một Thiên Chúa vụ Luật. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chỉ là thái độ quyết liệt cần có để đập vỡ sự cứng đầu của Dân hầu mở ra cho Dân con đường sống. Thật vậy, cái nguy cho Dân (và cho cả Môsê nữa) là Dân đang ở trong tình trạng tội, đang tiến về chỗ chết mà họ không biết cứ vui vẻ ăn chơi giống như nhân loại thời Nôê (so Xh 32,6 với St 6,5-13 và Mt 24,38-39a). Chính Thiên Chúa đã vạch trần sự thật; và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa lại là bước mở đường để Môsê nhận ra hiểm họa cận kề của tội Dân và nài xin Thiên Chúa thương xót, nhờ đó con đường sống đã được mở ra cho Dân: Chúa thương tha thứ. Trong thực tế, Yavê nổi cơn thịnh nộ đòi tiêu diệt Dân, nhưng rồi Người chẳng giết ai; trong khi Môsê nài xin Chúa tha cho Dân, chính ông ra lệnh thi hành án tử cho 3.000 người (Xh 32,38). Vậy đây là cơn thịnh nộ của lòng thương xót. Nó đã mở ra con đường sống cho Israel. Cứu Dân khỏi án tử dù họ đã vi phạm Giao Ước được ký kết bằng máu (24, 8 ). Cơn thịnh nộ của tình yêu đã giải cứu Dân khỏi ách pháp lý lẽ ra đã đưa họ tới diệt vong.
-
Lời cầu xin của Môsê (32, 11-13)
-
Môsê cố làm dịu nhan Yavê là THIÊN CHÚA CỦA ÔNG, mối tương quan thân mật giữa Thiên Chúa và Môsê vẫn còn nguyên: “Thiên Chúa của ông”. Chính trong tình thân này mà Môsê chuyển cầu cho dân tội lỗi.
-
Nài xin Chúa lập lại mối tương giao: “Lạy Chúa, … với DÂN CHÚA…” (c.11) (đáp lại lời đoạn tuyệt của Chúa: “Dân ngươi”, Môsê khẳng định: Không! Đây là “DÂN CHÚA”. Ông nhắc lại ý định từ ban đầu của Yavê là Chúa đã vui nhận Israel làm dân con của Chúa, đã tự ý tìm đến giải cứu họ khỏi Ai Cập; Từ đó vinh quang Yavê gắn liền với vận mạng Dân. Như vậy qua Lời này, Môsê nài xin Chúa nối lại tình thân, xin Người rộng lòng dung thứ.)
-
Chỗ Môsê cậy dựa để nài xin: lòng trung tín của Thiên Chúa đối với các tổ phụ (c. 13): nhắc lại lời hứa vô điều kiện của Chúa với các tổ phụ (St 15, 5; 22, 16-17; 35, 11-12). Lời nài van dựa vào chính Chúa: Đấng tuyệt đối tín trung.
-
Thiên Chúa thứ tha (14)
-
Đức Chúa đã thương không giáng phạt…: tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa là thứ tha, vì Người là Đấng yêu thương, thành tín. Bản chất Thiên Chúa là tình yêu. Án phạt chỉ là một phương thế sư phạm mang tính giai đoạn. Tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa luôn là yêu thương, tha thứ cách quảng đại. Chỉ cần một người công chính, Chúa tái thiết, phục hồi, cứu vớt cả nhân loại: Nôê, Môsê là những tiền ảnh của Đức Giêsu Công Chính (Lc 23, 47).
-
Sứ điệp
Bài đọc 1 nhấn mạnh đến lòng nhân hậu thứ tha của Thiên Chúa. Người tín trung, nhất quán trong ý định cứu độ đầy yêu thương của Người; Cụ thể là tình yêu tha thứ vô điều kiện trước một tội tày trời đáng chết của Israel.
Sự bội phản của dân đã đe dọa sự tồn vong của họ, nhưng rồi cơn thịnh nộ của Đức Chúa đã thức tỉnh họ và mở ra cho họ con đường sống. Tất cả mọi sự nơi Thiên Chúa đều là tình yêu và sự sống. Điều Thiên Chúa theo đuổi là tìm cách ban ơn cứu độ cho con người: vạch tội là để thức tỉnh và thứ tha chứ không nhằm bắt bẻ, tiêu diệt. Người có giận thì chỉ trong giây lát, nhưng yêu thương thì suốt cả đời. Và tình yêu dung thứ ấy của Thiên Chúa luôn tăng dần theo dòng thời gian và đạt tới chóp đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Người mời gọi chúng ta đi sâu hơn vào tình yêu của Thiên Chúa: chẳng những thứ tha, Thiên Chúa còn mời ta là tội nhân vào dự tiệc hân hoan của Thiên Chúa như các người con đã được thứ tha, phục hồi. Đồng thời Chúa cũng mời ta bắt chước Chúa, tha thứ cho anh em mình.
Đó là chủ đề của Tin Mừng hôm nay.
TIN MỪNG: Lc 15, 1-32
Đức Giêsu vẫn đang tiếp tục giai đoạn 2 của cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để hoàn tất thập giá cứu độ. Đám đông vẫn nô nức kéo theo Người, nhưng với tâm tình mục đích khác hẳn. Ai cũng muốn tranh phần tốt, phần hơn các đặc quyền, lợi lộc, nhất là những người tự cho mình là tốt lành, công chính. Điều đó được biểu lộ ra qua câu hỏi: “ những người được cứu thoát thì ít có phải không?” ( 13, 23).
Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, phong phú với vấn đề, Đức Giêsu đã dần dạy họ đừng bận tâm “ ít nhiều”, nhưng hãy có những lối ứng xử thích hợp theo lời dạy của Đức Giêsu thì chắc chắn sẽ có phần trong nước Thiên Chúa. Vì nước Thiên Chúa thì chắc chắn là rộng rãi, dư chỗ; bàn tiệc vui của nước Thiên Chúa thì luôn mở rộng đón mời mọi người… Vậy vấn đề là cứ thay đổi tầm nhìn của mình theo chuẩn mực nước Thiên Chúa, rồi tới dự tiệc vui.
Các Chúa Nhật trước đã cho chúng ta nếm cảm phần nào ý định của Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu tiếp tục mở rộng lời đáp cho con người : Bàn tiệc người Cha thiết đãi hôm nay không loại trừ ai… Chỉ cần đổi não trạng, chịu chung vui với Cha, với anh em là cứ vào. Lòng thương xót Cha quảng đại, niềm vui Cha trao ban là bao la, phủ trùm hết mọi người, đừng bận tâm vấn đề ít hay nhiều người được cứu độ.
Tuy nhiên trong Chúa Nhật 24 C, phối hợp với bài đọc 1 thì chủ đề nổi bật của hôm nay là LÒNG THƯƠNG XÓT,THỨ THA của Thiên Chúa. Dung mạo trỗi vượt là Thiên Chúa.
Còn trong Chúa Nhật “vui” IV C Mùa Chay, bài đọc Tin Mừng hôm nay lại được nối kết với Gs 5, 9-12 thì chủ đề trọng tâm được chuyển sang “niềm vui”; Đặc biệt là niềm vui của dân được đổi đời, đi vào cuộc sống mới. Niềm vui được ơn Chúa giúp, dân đã vượt thắng bao sa ngã, yếu đuối, cám dỗ và giờ đây được đặt chân vào Đất Hứa. Dung mạo nổi bật là con người, con người vừa được Chúa cứu và đạt tới đích mà Chúa muốn.
Suy niệm về dụ ngôn “đứa con hoang đàng” Lc 15, 11-32, đã được chia sẻ trong Chúa Nhật IV C Mùa Chay. Ở đây chúng ta chỉ nhấn mạnh thêm những chi tiết làm nổi bật “lòng thương xót”, “thứ tha” của Thiên Chúa theo chủ đề phụng vụ của Lời Chúa Mùa Thường Niên XXIV C. Tin Mừng của Chúa Nhật này đọc cả 3 dụ ngôn của Lc 15. Qua đó, chúng ta cùng xét mình, điểm mặt những bội phản của con người trước tình yêu bao la của Thiên Chúa.
-
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
-
Trong 2 bài dụ ngôn đầu:
* đây là một dụ ngôn kép: cùng một nội dung nhưng được trình bày dưới 2 dạng thức khác nhau. Cả 2 cùng theo 1 cấu trúc văn chương:
15, 4 – 7 15, 8 – 10
1.1/ Thiên Chúa đi tìm kiếm tội nhân
C.4: người nào … có 100 con chiên mà bị mất 1 …
lại không để … đi tìm cho kỳ được …
-
8: người phụ nữ nào có 10 đồng quan mà … đánh mất 1 lại không thắp đèn … moi móc tìm cho kỳ được
1.2/ Niềm vui tìm thấy
-
5: Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác trên vai
C.9 a: Tìm được rồi
-
6a: Người ấy mời bạn bè hàng xóm lại và nói:
C.9b: Bà ấy mời bạn bè hàng xóm lại và nói:
C.6b: Xin chung vui với tôi đã tìm được con chiên bị mất đó
C.9c: Xin chung vui với tôi vì tôi tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.
1.3/ Áp dụng:
C.7: cũng thế, trên trời ai nấy sẽ vui mừng
C.10: Cũng thế giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng.
* Không hề thấy khái niệm “sám hối”, “hoán cải” trong 2 dụ ngôn trên. Trong khi đó, những từ được lập lại nhiều lần: “bị mất” (5 lần); “tìm lại được” (6 lần) và nhất là ý niệm “niềm vui” được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau.
Hai dụ ngôn trên chỉ cho thấy rõ tình thương của chủ đối với đối tượng đã bị mất: ông (bà) sắp xếp mọi công việc để dồn tâm trí vào việc đi tìm vật đã mất; “Tìm cho kỳ được”, dứt khoát tìm không bỏ cuộc; khi tìm được rồi, không một lời trách phạt mà còn tỏ thái độ VUI MỪNG tưởng chừng là quá đáng và không thể có trong thực tế trần gian: “vác chiên lên vai”; và trong cả hai dụ ngôn đều nói đến NIỀM VUI ẤY PHẢI ĐƯỢC CHIA SẺ, nói đến TÍNH CỘNG ĐỒNG của niềm vui: bản văn lặp lại cùng những từ như nhau để nói lên tâm trạng của chủ (so cc.5-7 với 9-10: xem “1/2” trên.)
* Vậy chủ điểm trọng tâm là LÒNG THƯƠNG XÓT vô điều kiện, không bờ bến, vượt mọi sức tưởng tượng của phàm nhân, không loại trừ ai, kể cả tội nhân, kể cả người chưa chịu đón nhận. Trong xã hội nhân loại hiện tại, con người so đo, toan tính, đố kỵ, loại trừ nhau, mưu đồ giành giật hơn thua, nhiều ít…thì Đức Giêsu đến mặc khải Nước Thiên Chúa là như thế đó. Ai muốn vào hãy tập sống trước từ ngay bây giờ những gì mà Đức Giêsu đang giảng dạy, để cho lòng thương xót và cung cách ứng xử của Thiên Chúa thấm vào con người, ngôn ngữ, hành vi của chúng ta.
Đối với Thiên Chúa, từng cá nhân của mỗi con người, dù là tội nhân, dù là bội bạc như thế nào đi nữa thì vẫn là đáng giá, là bất khả thay thế. Vì là vật quý hiểm duy nhất nên chủ mới sẵn sàng để lại, tạm gác qua một bên các bận tâm khác để dành ưu tiên cho việc đi tìm cái đã mất và quyết tâm tìm cho kỳ được.
Mỗi người đều có một vị thế duy nhất, bất khả thay thế trong TIM của Thiên Chúa.
-
Trong dụ ngôn “Tình Cha”
Ý nghĩa của dụ ngôn quá phong phú, chúng ta giới hạn các suy tư chỉ trong các tình tiết làm nổi bật lòng thương xót, quảng đại, tha thứ vô điều kiện của Cha.
Để hiểu được dụ ngôn này, chúng ta phải nhớ rằng Đức Giêsu đang giảng dạy chúng ta về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu đang mang đến một cái gì đó rất mới mẻ, rất khác với những gì chúng ta đang ôm ấp, theo đuổi hôm nay. Không có vẫn đề lắc léo, tìm thỏa hiệp giữa những đòi hỏi của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa với lối sống buông thả, thụ hưởng mà thế giới hiện tại đang đề cao, theo đuổi.
Cụ thể trong lời dạy của Đức Giêsu hôm nay, cần phải ý thức rõ rằng không có người nào trên trần thế này, từ cổ chí kim, có lỗi hành xử xem ra ngớ ngẩn, ngờ nghệch như người cha trong dụ ngôn. Thế nhưng đó là điều mà Thiên Chúa đang hành xử, là cách thức mà Thiên Chúa đang đối xử với nhân loại chúng ta, người tốt cũng như kẻ xấu, trong và qua Đức Giêsu. Và điều Thiên Chúa mong đợi chung cuộc là toàn thể nhân loại, xấu tốt, tới lúc đều vào dự tiệc vui sum vầy trong nhà Cha. Các dấu hiệu của lòng thương xót Chúa trong Lc 15, 1-32 đặc biệt trong dụ ngôn 3:
*Sự hiện diện của Đức Giêsu giữa dân Chúa (15, 1-3)
Bất kể là tội nhân hay công chính, Đức Giêsu đều đến gặp gỡ. Đó là dấu rõ và lớn nhất của tình yêu thương xót, thứ tha của Thiên Chúa. Trong vườn Eden, tội nhân đã trốn Chúa và bị loại khỏi Eden, không được tới gần Cây Sự Sống. Giờ đây Thiên Chúa tỏ lòng thương xót, thứ tha qua việc đi tìm “con chiên mất”. Đức Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót ấy. Người đến tìm tội nhân và nói cho họ biết dự tính yêu thương của Thiên Chúa.
*Lòng thương xót là bản chất của Thiên Chúa (15, 4-10)
Chúng ta thường nói: phải hoán cải, Thiên Chúa mới thứ tha. Không đúng! Trong 2 dụ ngôn trên, Ông Chủ tự động đi tìm, Ông sắp xếp mọi việc để dành ưu tiên cho việc đi tìm “cái đã mất”. Bản văn không nói gì đến đòi hỏi “phải hoán cải”. Thực sự hoán cải là cần, nhưng đó không phải là điều kiện đi trước. Thiên Chúa luôn đi bước trước! Hoán cải là lời đáp trả của tội nhân khi gặp được lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa. Hoán cải vẫn rất cần để hạt giống tha thứ Chúa gieo vào lòng người có được điều kiện thuận lợi để sinh hoa kết trái, làm cho tội nhân thật tâm hoán cải, nhận ra sai trái, tội lỗi của mình; từ đó không chạy trốn Chúa nữa, mà để Chúa vác lên vai, chịu về ngồi cùng bàn dự tiệc với Chúa. “Từ nay, công việc của ân sủng Chúa sẽ là ngăn chặn sự chạy trốn này và buộc con người nhìn lại chính bản thân mình với thực trạng của nó: đó là khởi điểm duy nhất để thực sự trở về với Thiên Chúa” (S. de Diétrich – “Le dessein de Dieu” p. 27). Thiên Chúa đi tìm vì bản chất Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4, 8b).
Tình yêu đó không chỉ nhắm vào tội nhân; mà vào toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, tất cả mọi sự đều được mời tham dự vào niềm vui tha thứ của Thiên Chúa (15, 6. 7. 10). Việc tội nhân hoán cải được mừng vui không chỉ là chuyện riêng của tội nhân mà là cả các thiên thần…Vì đó là dự tính từ ngàn đời của Thiên Chúa.
* Người Cha chia gia tài cho hai con (15,11-13)
Cha biết rõ tính khí hư hỏng của người con thứ, nhưng Cha vẫn cứ chia gia tài đúng phần cho anh; Và chia luôn cho con cả, dù anh này không xin. Như thế Thiên Chúa vẫn trao ban đầy đủ mọi hồng ân mà Chúa đã dự tính trong công trình sáng tạo để con người hoàn tất sứ mạng “hình ảnh Thiên Chúa” và “bá chủ vũ trụ”. Không phải con người phải làm được mọi việc thì Chúa mới ban ơn. Đúng hơn, Chúa trao ban mọi sự trước là để tạo điều kiện thuận lợi (giúp con người biết sử dụng tự do, biết lãnh trách nhiệm, khai thác các phương thế Chúa ban) để con người làm được việc. Dù biết con người có nguy cơ rơi vào bất xứng, nhưng Thiên Chúa không rút lại những ân huệ Chúa muốn thông ban cho con người trong công trình sáng tạo. Và Cha trao đủ phần gia tài cho mỗi đứa con.
Đó là đường lối hành động của Thiên Chúa! Sự khôn ngoan theo kiểu loài người có thể nói Thiên Chúa là điên rồ thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ ấy để cứu những người tin (1Cr 1,21b); Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người và cái yếu đuối của Thiên Chúa thì còn hơn cái mạnh mẽ của loài người (1Cr 1,25).
* Lòng thương xót của Cha đối với con thứ (15, 14-24)
– biểu lộ qua việc HẰNG NGÀY ra ngóng chờ con.
– bản văn cũng cho thấy hình ảnh con được Cha ghi tâm khắc cốt, cho dù anh ta thay đổi cỡ nào Cha cũng nhận ngay ra anh, dù anh còn ở rất xa.
– những phản ứng ngoại lệ của một người lớn tuổi, giàu có, vị vọng:
-
Hấp tấp; vội vã chạy ra ôm chầm lấy con (CGKPV “Tân Ước” 1995 tramg 334, nốt “y”)
-
“Ôm hôn” là dấu chỉ tha thứ tất cả (x. 2Sm 14,33). Hôn bất chấp sự dơ bẩn hôi thối của con, hôn trước khi cậu con kịp “đóng kịch” sám hối.
-
Tình Cha còn biểu lộ qua việc chuẩn bị sẵn mọi thứ để phục hồi quyền làm con cho quý tử: áo, dép, nhẫn, bê vỗ béo để đãi tiệc.
Và đặc biệt là Cha thông chia luôn tình thương của mình đối với cậu con cho mọi thành viên trong trang trại của ông. Do đó khi ông ra lệnh đi lấy đồ mới cho cậu, giết bê làm tiệc…thì tất cả tuân hành răm rắp lập tức không cần phải hỏi đi hỏi lại; mọi sự như đã được an bài sẵn hết rồi, đâu ra đó và ai cũng thông suốt mọi sự rõ ràng. Tình yêu con không còn chuyện riêng tư mà là bao trùm toàn thể mọi thứ thuộc về Cha.
-
Phục hồi quyền làm con ( 15, 22-23)
-
Cậu con bất hiếu:
-
Cậu con không hề có tâm tình sám hối chút nào cả. cậu phải hồi tâm, nhìn lại con người mình, vì sắp chết đói. Dù đã xuống tận đáy ô nhục: chăn heo, muốn như con heo có cám mà ăn cho đỡ đói cũng không có, cái chết vẫn đang rình chờ cậu.
-
Lúc ấy đầu óc cậu không hề nhớ đến Cha, không nghĩ đến nhà Cha, mà chỉ nghĩ đến “ những người làm thuê” = misthioi ( tới làm việc từng ngày, không ở lại nhà chủ) và anh ta so sánh mình với họ và mong được như họ thôi.
-
Anh ta không hề nghĩ đến Cha như là một đứa con. Anh phải trở về là vì có nguy cơ bị chết đói. Con người nội tâm tệ hại của anh không hề có chút thay đổi nào so với lúc bỏ nhà ra đi. Đối vói anh, Cha chỉ là công cụ để anh thực hiện khát vọng, mưu đồ của anh mà thôi: Trước kia anh đòi quyền lợi , bây giờ anh chẳng còn quyền gì để đòi anh đành dựng vở kịch sám hối nhằm làm mủi lòng “ ông già” may ra có được cái gì nhét cho đầy bụng. khi xin được làm thuê, anh đã lấy lòng dạ bất lương, hẹp hòi của mình để đo lòng nhân từ, quảng đại của Cha; Như vậy làm sao anh có lòng sám hối chân thật được? Bản chất anh ta đã vốn ích kỷ vô ơn; Thời gian sa đọa sống theo bản năng thấp hèn ấy chỉ có thể làm những nét xấu ấy lớn lên thêm. Các tâm tình thanh khiết, sám hối… khó có được nơi anh. Với đầu óc lệch lạc như thế, anh ta chỉ có thể lắt léo để đời đỡ khổ, không mong gì tự sức mình anh có thể vươn lên được.
Bản văn không lý tưởng hóa tội nhân. Chân dung của cậu con thứ được Đức Giêsu vạch ra hoàn toàn phù hợp với lòng mong đợi của người biệt phái: hắn thật tồi tệ, đáng tội, không đáng được tha tội tí nào cả. do đó khi muốn sửa chữa chân dung đàng điếm, trơ trẽn của anh ta thành mẫu gương của một tội nhân sám hối là ta đã đánh mất đi ý nghĩa đích thực của bài dụ ngôn. Bởi vì từ lâu rồi trong Israel, người ta biết rõ là Thiên Chúa thích tha thứ cho những kẻ tội lỗi biết ăn năn sám hối mà truyện trong sách Giona là 1 điển hình. Nếu đứa con hư thật lòng sám hối trở về thì nhóm biệt phái lấy cớ gì gây sự với Đức Giêsu? Anh ta không sám hối! lại còn phỉ báng tình Cha khi xin Cha coi anh như người làm thuê từng ngày. Vậy mà Cha vẫn đón nhận anh như người con. Tình Cha là ở đó!
-
Bài “ diễn văn” bất nghĩa ( 15, 18-19)
Chính trong tâm trạng tội lỗi, khốn cùng đầy mặc cảm, không muốn về ở chung với Cha, chỉ muốn kiếm ăn thôi, anh ta đã soạn trước một bài “ diễn văn” với hy vọng làm Cha mủi lòng rồi thỏa đáp cái ước mơ vô tình đoạn nghĩa mà anh sẽ xin. Bài diễn văn gồm 3 ý:
B1. Thú nhận tội: “Thưa Cha, con thật đắc tội với trời và với Cha”. Anh ta phải muối mặt trở về, muối mặt nhận tội vì chối thế nào được nữa. Tình trạng bi thảm trước mắt của anh là một lời tố cáo phủ đầu những toan tính sai lầm của việc anh đòi chia gia tài và dứt gói ra đi. Anh muốn thoát khỏi tình yêu tác tạo và quan phòng của Cha; ngờ đâu, không có Cha, cuộc đời anh rơi vào vực thẳm bi thảm như thế này. May thay trong anh vẫn còn dòng máu “hình ảnh Thiên Chúa” của Cha nên anh không muốn người khác thấy thảm trạng sẽ đến cho anh: một ngày nào đó, người ta sẽ khám phá ra một xác chết quắt queo chỉ còn da bọc xương nằm bên cạnh bầy heo mập ú và nồi cám heo dư đầy. Phải muối mặt quay về, nhận lỗi thôi. Đó là con đường duy nhất để thoát được thảm trạng trên.
B2 “chẳng còn đáng được gọi là con Cha nữa”: và ý thức luôn án phạt nặng nề mà tội trên mang tới cho anh. Điều đó cũng phải nhận thôi vì thực tế bản thân anh ta là 1 minh họa sống động.
-
Anh ta buộc lòng phải thú tội, buộc lòng phải gánh lấy hậu quả! Nhưng vấn đề là anh ta có ý thức được rằng tội anh phạm bản chất là tội gì hay không? Tội gì nặng đến độ bứng anh ra khỏi nhà Cha, tước đoạt của anh quyền làm con của Cha? Tội gì làm anh phải sống vất vơ vất vưởng vô gia cư, chết cô đơn vô địa táng còn nhục thua cả 1 con heo?
Khi phải thú tội, chắc là anh ta cũng nghĩ đến 1 thứ tội giống như ông anh cả của mình: “tội làm táng gia bại sản, hủy hoại gia phong” (15, 30).
-
Tội của anh cốt lõi là LOẠI CHA RA KHỎI CUỘC ĐỜI CỦA ANH; Anh muốn và sống như Cha không hiện hữu trong đời anh: anh đã rơi vào ảo tưởng rằng anh tự hiện hữu, tự mình có thể tồn tại và có thể sống, lớn lên theo phong cách riêng tư mà anh muốn; Hoặc cùng lắm là coi như Cha có đó nhưng chỉ giống như “người giữ kho” ngoan ngoãn chỉ biết xuất hàng theo những gì mà anh ta mong muốn. Tội này ăn sâu vào tâm khảm trong vô thức của anh ta và phải lộ ra rõ nét trong lúc thập tử nhất sinh không còn sức để che đậy được nữa. Tội ấy lộ ra trong ý thứ 3 mà anh định thưa với cha.
B3. “Xin cha coi con như 1 trong những “người làm thuê” của cha (15, 19b)
Buộc lòng phải nhận tội (B1), nhận án phạt (B2). Thế nhưng giải pháp anh ta đưa ra xin cha để giải quyết vấn đề đã làm lộ rõ bản chất vô ơn, chối bỏ cội nguồn, thay tình “cha – con” thành “chủ – tớ” đang ẩn sâu trong anh.
Nếu điều anh xin được như ý thì anh ta đang dấn bước trên con đường phá hoại dự tính từ muôn đời của cha nơi chính bản thân anh và qua đó hủy diệt luôn tương quan huynh đệ với người khác trong gia đình, gia tộc. Làm thế nào mà cha chấp thuận một lời xin dại khờ chứa đầy nọc độc hủy diệt như thế.
C/ Tình cha đối với con thứ (15, 22 – 24)
-
Cốt lõi vấn đề nằm ở cách cha giải quyết vấn đề cậu con đặt ra:
Cha nhận lời thú tội và tự kết án của con vì điều đó là sự thật. Nhưng Cha đã chận lại không cho cậu nói lời thứ 3: xin được LÀM THUÊ. Và Cha đã thay chữ LÀM THUÊ bằng LÀM CON. Rồi ngay tức khắc phục hồi cho cậu quyền LÀM CON:
-
“Mau đem áo mới, dép mới, nhẫn mới mang cho cậu”: “áo đẹp nhất” là áo dành riêng cho con cưng, áo mặc các dịp đại lễ; “Nhẫn” biểu tượng quyền bính (x. St 41, 42; Et 3, 10; 8, 2); “Dép” dấu chỉ là người tự do – nô lệ không được mang dép. Như vậy cha phục hồi tự do, quyền làm con mà anh ta đã đánh mất.
-
“Đi bắt con bê đã vỗ béo … mở tiệc ăn mừng”: “con bê đã vỗ béo”, các chi tiết này cho thấy cha luôn mong anh trở về, bất kỳ vì lý do nào và cha luôn ở tư thế sẵn sàng cho giây phút vui mừng ấy. Niềm vui ấy phải được chia sẻ, trở thành niềm vui cộng đoàn của cả trang trại. Hồi phục quyền bính, nhân phẩm cho con không phải là chuyện riêng tư giữa cha con mà của toàn thể mọi người đang sống trong tình Cha. Cha muốn mọi người phải biết rằng thằng chăn heo xơ xác trước mặt họ đây đích thật là con của Cha. Mọi người phải nhìn nhận sự thật đó trong hân hoan và ngay giây phút này. Đó là ý Cha trong phút giây hiện tại.
* Lòng thương xót của Cha đối với con cả
– Hồi phục tư cách làm con (15, 31): Khác với cậu em, cả đời anh lớn sống mẫu mực chí thú làm ăn. Tuy nhiên tận thâm sâu, anh vẫn coi mình như “nô lệ” = DouLos (c.29). Anh bùng phát lên cái ẩn ức che đậy từ lâu khi cha ra mời anh vào chung vui với “thằng đàng điếm, con của ông”. Hóa ra bao lâu nay anh ép mình sống như 1 nộ lệ. Cha hồi phục tư cách làm con cho anh: ở trong nhà Cha thì hãy làm mọi việc trong tư cách là CON; Mọi sự của Cha đều là của con mà (15, 31).
– Hồi phục tương quan huynh đệ (15, 32): tương quan đố kị, hằn học “con của ông” được Cha đổi lại bằng tương quan huynh đệ: “em của con”. Đức Giêsu đến là để mời chúng ta thay đổi tương quan theo chiều hướng tốt đẹp đó.
Đức Giêsu đến không để xây dựng 1 Nước Thiên Chúa dựa trên luân lý, công nghiệp, mà là xây dựng một gia đình sum họp đặt nền trên lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa, biến đổi tất cả chúng ta thành con Chúa, thành anh chị em hòa thuận trong tình Cha.
Frère Pierre Đình Long FSC