CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B 

Mc 10,35-45

Đức Giáo Hoàng Francis hôn chân một tù nhân nữ ở nhà tù Rebibbia, Rome

      Quyền và tiền là những thứ mà con người mọi thời, mọi đời, mọi nơi đều tìm kiếm.Thậm chí người ta còn tranh giành, chà đạp nhau, giết nhau để có quyền. Quyền cũng có thể có được, nhờ ân ban, bổng lộc, nhờ phe cánh, quen biết, nhờ mua bằng tiền hay bằng rất nhiều tiền.

      Trong tin mừng Mác cô 10,35-45 hôm nay thánh sử thuật lại việc hai người con Ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu, để được ngồi bên tả bên hữu Chúa (xin chức cao, quyền lớn) trong ngày Chúa được vinh quang. Khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa và Triều Đại Thiên Chúa (Mc 1,14-15), các môn đệ tức tốc đi theo Chúa; Ta không khỏi ngạc nhiên, khi Ngài nói: Các anh hãy theo tôi, họ vội vã, bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ biển, thậm chí bỏ cả cha mẹ, gia đình, vợ con đi theo Chúa.

       Các môn đệ đi theo Chúa, nghe lời Chúa dạy, thấy các việc Chúa làm, nhất là các phép lạ Chúa thực hiện cho người mù được sáng, người què đi được, người phung cùi được sạch, người chết được sống lại…Các ông thật phấn khởi, sung sướng.

       Chúa còn hứa: Thầy bảo thật anh em, anh em là những người đã theo Thầy thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tỏa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên 12 tòa mà xét xử 12 chi tộc Israel. (Mt 19,28), nên các ông càng yên tâm, vững dạ đợi chờ.

        Một thời gian không thấy Thầy đá động gì đến việc khôi phục nước Israel, các ông đã sốt ruột hỏi Thầy: Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được lại gì?.(Mt 19,27). Chúa đã hứa ban gấp bội. Thế nên trong tâm tư của các ông, cũng như trong quan niệm của người Do Thái, Đấng Mêsia sẽ khôi phục triều đại vương quyền Đavít. Vì thế, không lạ gì, các ông lo chạy ghế, chạy chức.Tin mừng Matthêu 20,20- 28 còn thuật lại chính bà mẹ của hai ông đến can thiệp với Chúa :Xin Thầy truyền cho 2 con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong nước thầy.(Mt 20,21). Lời hứa về thời Tái sinh trên kia đã khiến bà mẹ và hai người con mơ ước được hai chỗ danh dự nhất, nhờ đó tham gia tích cực hơn vào quyền bính của Chúa. Bên tả, bên hữu không chỉ có nghĩa là chỗ danh dự nhất, mà còn có nghĩa là sự thân tình với người có quyền.

       Chúa Giêsu hỏi lại: Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? (Mc 10,38).

       Chén ám chỉ Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, theo nghĩa cuộc Thương Khó là việc Thiên Chúa phán xét thiên hạ, mà một mình Chúa Giêsu phải lãnh chén thịnh nộ của Thiên Chúa. Nhưng cuộc thương khó cũng là một hy lễ, là chén cứu độ Chúa Giêsu tự nguyện dâng lên Chúa Cha.

       Các ông háo hức, trả lời ngay: Thưa uống nổi. (Mt 20,22).Uống chén của Thầy nghĩa là người môn đệ được tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Thầy. Chắc hẳn Chúa muốn nói đến cuộc tử đạo của các tông đồ sau này.

       Chúa Giêsu đáp lại: Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. (Mc 10,39).Thánh sử Marco dùng cả hai hình ảnh chén và phép rửa. Hai hình ảnh bổ túc cho nhau. Chén tượng trưng nỗi đau khổ. Chén diễn tả cơn thịnh nộ và hình phạt của Thiên Chúa:

Vì này tay Chúa cầm chén rượu, chén rượu đầy mùi vị đắng cay, rót cho bọn gian ác trên đời, tất cả đều phải uống, uống không chừa cặn.( TV 75,9)

Thức dậy, thức dậy đi, đứng lên nào, Jerusalem hỡi! Từ tay Đức Chúa, ngươi đã nhận, đã uống chén lôi đình, ngươi đã cạn chén nồng choáng váng.(Is 51,17).

Mác cô còn dùng từ Chén trong lời cầu cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá: Ap-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. (Mc 14,36)

       Phép rửa gợi lên hình ảnh nước: người chịu phép rửa bị nhận chìm, tràn ngập trong cảnh đau khổ và tai họa như bị nhận chìm, tràn ngập trong nước. Khi diễn tả cuộc thương khó của Đức Giêsu, Luca cũng dùng từ phép rửa: Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! (Lc 12,50). Mác cô dùng hình ảnh chén và phép rửa để chỉ cuộc Thương Khó của Đức Giêsu.

        Nghe biết lời thỉnh cầu của hai anh em ông Giacôbê và Gioan, 10 môn đệ khác rất tức tối. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông: Anh em biết những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. (Mc 10,42). Chúa Giêsu nêu lên thói thường ở đời, để khuyến cáo các môn đệ không nên theo đường lối người đời. Nhưng phải theo đường lối của Thiên Chúa: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.(Mc 10,43-44)

     Quyền lực tự nó không xấu. Quyền lực đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói với Phi la tô: Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài.(Ga 19,11). Quyền lực được xếp đặt để đem lại bình an và trật tự cho xã hội, cho con người. Nhưng nếu người đời coi quyền lực để đứng đầu, để ăn trên ngồi trước, để đè đầu đè cổ thiên hạ, để tham ô, thì ngược lại, Chúa Giêsu lại nói phải làm người rốt hết và phải phục vụ mọi người.

        Các Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Phaolô 6 thường ký các văn kiện công đồng Vatican 2 dưới khẩu hiệu Servus Servorum-Tôi Tớ Của Các Tôi Tớ. Các ngài là tôi tớ thực sự, chứ không phải là những khẩu hiệu sáo rỗng, giả tạo: Đầy tớ của nhân dân.

 Gương mẫu cho môn đệ, chính là Chúa Giêsu: Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mc 10,45).

Chúa Giêsu là Con Người tức là Vị Thẩm Phán tối cao Thiên Chúa đã chỉ định để phán xét thế gian và lập nước cánh chung:…Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. …Đấng Lão thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong. (Đn 7,13-14)

       Nhưng ở trần gian, Người lại là kẻ hầu hạ và sau cùng hy sinh tính mạng để nhân loại được sống. Người chính là người Tôi Trung của Thiên Chúa, đã chết thay cho tất cả mọi người khác. (Is 53). Người chuộc lấy nhân loại: Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. (1Cr 6,20).

         Lạy Chúa, xin dạy chúng con, dẫu ở địa vị nào cũng luôn biết phục vụ Chúa nơi những người đau khổ, nghèo đói, theo khả năng của chúng con.

Nguyễn Đức Lân.