“Mình biết phải làm gì rồi, để… sẽ có người đón rước mình… và chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo…” (Lc 16,4. 8a ).
Trong cuộc sống thực tế, chúng ta thấy tiền của có một quyền lực rất lớn, nó khuynh đảo, chi phối mọi việc trong cuộc sống con người. Tiền của là gì mà lại có một sức mạnh ghê gớm như thế ? Bình tâm suy nghĩ thì thật ra tiền của, tự nó, nó chẳng có giá trị, quyền lực gì ? Nó là vật vô tri ! Chính con người đã tạo nên tiền của và ban cho nó một giá trị quy ước nhằm giúp việc giao dịch giữa con người được dễ dàng, thuận lợi hơn. Nó chỉ là công cụ trong tay con người ! Lẽ ra con người phải làm chủ tiền của, và như thế, con người có được một phương tiện tuyệt vời đề thờ phượng Chúa và tạo hạnh phúc cho nhau. Hình ảnh không tích lũy của nguyên tổ trong vườn Địa Đàng là một minh họa. Thế nhưng khi con người bị rơi vào tình trạng xa cách Thiên Chúa, sống ngoài vườn Eden, thì mối tương quan “con người – tiền của” bị thay đổi. Và những cái nhìn lệch lạc dần dần xâm chiếm tâm trí con người:
– Gán cho tiền của những năng lực mà tự nó, không hề có : “có tiền mua tiên cũng được”. Chắc không ? Tiền của có thể đem đến cho tôi nhiều kẻ hầu người hạ chiều chuộng tôi, nhưng không cho tôi được một NGƯỜI YÊU ; Tiền của có thể mang lại cho tôi nhiều tiện nghi khoái lạc, nhưng không thể cho tôi bình an hạnh phúc; Tiền của có thể mang đến cho tôi nhiều lời tâng bốc, tôn vinh nhưng không tạo cho tôi NHÂN CÁCH, lòng kính trọng ; còn nhiều thứ nữa… và nhất là tới lúc Thần Chết viếng thăm thì… ; Và trong đức tin, Đức Giêsu cảnh cáo: được cả thế giới mà mất mạng sống thì ích gì (x. Mt 16,26) và có lo lắng đến đâu đi nữa thì cũng không kéo dài sự sống thêm một gang tấc (x.Mt 6,27).
– Biến tiền của thành ra lẽ sống của đời mình: đồng tiền nối liền khúc ruột”, nên đâm ra hà tiện, keo kiệt, chỉ lo thu gom, tích lũy, bóc lột tha nhân… để rồi cuối cùng ra đi với hai bàn tay trắng. Sách Giảng Viên nói lên sự thật phũ phàng ấy : “phù vân, tất cả chỉ là phù vân: (1,2) ; Mọi lao nhọc, tích lũy của tôi đều phải để lại cho kẻ khác (2,21).
– Biến mình trở thành nô lệ cho ngẫu tượng do chính mình bịa ra, một sự tha hóa đến cùng cực, tiền của phù phép trở thành thần linh MAMON : thần tài. Con người thay vì hưởng dùng, làm chủ những gì do mình làm ra thì lại đi tôn thờ chúng. Mà vì chúng là cát bụi nên ai tôn thờ chúng cũng sẽ “trở về với cát bụi”.
Nhằm giúp nhân loại hồi phục, Đức Giêsu đã nhập thể mang xác thân cát bụi, để ai tin vào Người thì thân cát bụi ấy (thay vì trở về cùng cát bụi) được nâng lên hàng Con Thiên Chúa (x.Ga 1,12). Tin Mừng hôm nay, qua dụ ngôn “người quản gua bất lương”, trình bày cho chúng ta hai bộ mặt trái ngược nhau của tiền của, đồng thời mời gọi chúng ta hãy có một thái độ chọn lựa thích hợp theo Thánh Ý Thiên Chúa.
– Giai đoạn trước khi biết tin bị đuổi việc : anh quản gia đã tích lũy, tôn thờ tiền của… nên đã gây ra tiếng dị nghị, oán hờn… và tiếng xấu đã tới tai chủ. Kết quả : mất việc “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa” (16,2).
Có thể nói rằng đồng tiền, hoặc đúng hơn, chính cách anh sử dụng sai trái tiền của đã được chủ giao đã khiến anh phải mất việc; Và với một con người quen thói “ăn trên ngồi trước”, “lao động thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”. Cuộc sống tương lai của anh thật là đen tối, bế tắc.
– Thế nhưng khi nghe tin sẽ bị mất việc, anh đã thay đổi hẳn mối tương quan với tiền của và với các con nợ : anh không tìm cách bóc lột con nợ, thu vén tích lũy tiền của cho bản thân nữa ; Trái lại, anh phân phối của cải, bớt nợ cho các khổ chủ qua việc thay đổi nội dung giấy nợ.
Trước kia anh coi rẻ tình người, chỉ chạy theo tiền của… Giờ đây trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi mà chủ cho để tính sổ sách, anh đã thay đổi hẳn cung cách ứng xử, đổi hẳn các mối tương quan: anh bỏ tiền của, mua lấy tình người. Anh muốn sau khi bị đuổi việc, anh sẽ sống chung với những con người chứ không phải sống lủi thủi, cô độc với đống tiền mà anh tích lũy bất chính lúc trước: anh tính toán “sau khi mất chức, sẽ có người đón rước anh về nhà họ” (x.Lc 16,4). Anh đang xây dựng tương lai của anh trên tình người ! Đó là điều mà Đức Giêsu khen anh KHÔN KHÉO.
Chính vì ham chạy theo tiền của, coi thường ân chủ, tình người nên anh mất tất cả. nhưng nhờ quyết định cứng rắn của chủ, anh tỉnh ngộ, thay đổi tương quan, quyết xây dựng tương quan tình người bằng những tiền của mà anh còn tạm được sử dụng cách hợp pháp. Anh đã tỉnh ngộ và làm một quyết đính cách mạng, đổi đời : ĐỔI cái chóng qua để LẤY điều vĩnh cửu. Anh đã thi hành quyết định đổi đời ấy ngay trong hiện tại, ngay lúc chỉ còn một thời gian ngắn ngủi để sử dụng quyền còn lại của mình.
Đây là một dụ ngôn ! Chúng ta đừng quá bận tâm đến các tiểu tiết. Cái khôn ngoan mà Đức Giêsu khen anh quản gia, và cũng là sứ điệp mà Người muốn gởi đến chúng ta, các môn đệ Người, là hãy tận dụng thời gian, tiền của, sức lực, tài năng… tất cả những gì Chúa trao và để chúng ta hoàn toàn tự do tính toán, sử dụng tại trần thế này (đặc biệt trong Tin Mừng hôm nay là tiền của) để chuẩn bị cho tương lai của chúng ta trong Nước Trời. Khi chết, bước vào thế giới đời sau, mọi tiền của tích lũy đều chẳng còn giá trị gì mà lắm khi còn là vết tích để kết tội chúng ta ; chỉ những tiền của cho đi mới thành passeport (hộ chiếu), thành visa (giấy nhập cảnh) đưa ta qua cửa khẩu giới hạn tiến vào quê trời vĩnh cửu.
Tiền Việt Nam không xài được ở Mỹ ! Tiền trần gian không mua được Nước Trời! Chỉ những gì cho đi mới là kho tàng vĩnh cửu cho ta trên thiên quốc (x.Lc 18,22). Sứ điệp Tin Mừng: hãy trả tiền của về lại vị trí tôi tớ của nó. Hãy sử dụng nó để tôn thờ Thiên Chúa, xây dựng tình người, kiến tạo hạnh phúc cho nhau, chuẩn bị cho cuộc SỐNG SUM HỌP trong Nước Trời ngay tại thế này.
Frères Đình Long FSC