CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN C

Am 8,4 – 7 ; Lc 16,1 – 13

            Chủ đề: Mối tương quan giữa con người- Thiên Chúa -Tiền Của.

            * Am 8,4a. 7b : Hãy nghe đây hỡi những ai đàn áp người cùng khổ… Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.

            * Lc 16,13b : Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.

            Lời Chúa của Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên đề cập đến một vấn đề thiết thân với cuộc sống của con người, luôn mang tính thời sự, đầy lôi cuốn, hấp dẫn, nhưng cũng ẩn chứa nhiều cạm bẫy, lo âu, kể cả hiểm họa cho mọi thời, mọi nơi, mọi người, mọi giới…Ai nấy đều quan tâm vì vấn đề này có liên quan không nhiều thì ít đến cuộc sống cụ thể của mọi người, từng người. Và trong một chừng mực nào đó, vấn đề này còn là yếu tố quyết định, xoay chuyển tình huống cuộc sống. Đó là vấn đề TIỀN CỦA.

            Nói cách chính xác hơn, đó là vấn đề CÁCH THỨC SỬ DỤNG tiền của. Nghĩa là chúng ta phải sử dụng tiền của như thế nào, phải có một lập trường, tương quan như thế nào để tiền của – vốn tự bản chất chỉ là phù vân, mang một giá trị tạm thời nơi cõi thế này – có thể mang lại lợi ích bền vững, kể cả mang lại phúc trường sinh cho những ai mang nhiều của cải, lẫn người nghèo khó.

            Lời Chúa mời gọi chúng ta, ngay từ thế tạm này, trong phút giây hiện tại, phải sống làm sao để khi ra trình diễn Chúa thì được Chúa khen thưởng. Phải có một chọn lựa dứt khoát ngay bây giờ ! Vậy điều quan trong không nằm ở chỗ CÓ NHIỀU hay CÓ ÍT tiền của, mà nằm ở mối tương quan được “cái tôi” tạo ra giữa bản thân tôi với tiền của, với Thiên Chúa và với tha nhân. Đặc biệt, trong Tin Mừng, điều Đức Giêsu để tâm cảnh cáo là đừng mê muội gán cho tiền của một giá trị ảo đến độ đánh mất phẩm giá làm người để “làm tôi tớ của tiền của”, và còn tồi tệ hơn nữa khi coi tiền của như Thần Linh, rồi trao phó vận mạng, cuộc đời mình cho thứ NGẪU TƯỢNG do sự ngu dốt, khờ khạo, cứng đầu của mình tạo ra.

            Bài đọc 1 trích từ sách ngôn sứ Amos. Các sấm ngôn này được công bố vào thời kỳ đất hứa bị phân chia thành hai vương quốc : Bắc quốc gọi là Israel, còn Nam quốc là Giuđa. Amos là một người chăm súc vật và chăm sóc cây sung, ông cư ngụ ở Giuđa, Nam quốc, nhưng bị Thiên Chúa “bắt cóc” phải ra Bắc quốc là Israel, tuyên sấm, vạch mặt các tội ác của vua dân Bắc quốc (x. Am 1,1; 7,14 – 15), kèm theo lời ngăm đe Thiên Chúa sẽ xét phạt (x. Am 8,7). Trong bài đọc 1 hôm nay, đối tượng chính mà sấm ngôn Amos nhắm tời là những kẻ giàu có nhờ buôn gian bán lận, đầu cơ bóc lột người nghèo. Chúa sai Amos tới vạch mặt cảnh cáo họ.

            Amos nặng lời gọi họ là “những người đàn áp người cùng khổ”, là bọn ác nhân muốn “tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ” (x. Am 8,4) ; Ngôn sứ phơi bày ra ánh sáng những âm mưu buôn thần bán thánh, mua gian bán lận của chúng. Thời gian nghỉ ngơi trong các dịp lễ, trong ngày sabat là để có thêm giờ tôn vinh, thờ phượng Chúa, thì chúng lại  dùng để tính kế bày mưu hãm hại người nghèo, làm giàu bất chính, mua dư bán thiếu : “chúng làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm ; … làm lệch cân để đánh lừa thiên hạ” (8,5), để rồi khi ngày lễ nghỉ qua đi, chúng đem cái trò gian trá ấy ra bóc lột thiên hạ. Người nghèo là kẻ bị thiệt hại, chịu nhiều bất công nhất: chúng ép người nghèo phải mua lúa nát, gạo hư ; Phải chịu vay với tiền lời cắt cổ đến độ món lợi chỉ bằng giá một đôi dép thì chúng cũng có thể “phù phép” làm nên nguyên cớ để chiếm đoạt vợ con, bắt người nghèo làm nô lệ (8,6).

            Chúa quyết tâm can thiệp ! Các điều chúng toan tính, âm mưu, “thầm nghĩ” (8,5a) đều không qua khỏi cặp mắt công thẳng của Chúa, Người sẽ tính sổ, đòi lại lẽ công bình (8,7).

     Lời Chúa ngầm bảo ta : hãy lo hoán cải kịp thời để ngày Chúa can thiệp là ngày vui cho ta.

            Chủ đề mối tương quan giữa Thiên Chúa – con người – tiền của được Tin Mừng minh họa rõ nét bằng một dụ ngôn : Ông chủ là Thiên Chúa; Người quản gia với thời gian còn lại ngắn ngủi có thể sử dụng được phần gia sản Chủ giao là biểu tượng cho từng người chúng ta khi còn đang sống tại thế ; Còn số tài sản của Chủ mà anh còn có quyền sử dụng trong một thời gian ngắn nữa chính là những gì Thiên Chúa đã ban cho từng người trong cuộc sống này.

            Dụ ngôn kể rằng anh quản gia sắp bị cách chức ! Anh có thể lạm dụng thời gian ngắn ngủi còn tại chức để gom thu tích lũy thêm cho mình một số vốn để khi mất việc anh có chỗ dựa an toàn. Coi bộ cũng hợp lý ! Nhưng đừng quên, Đức Giêsu không dạy ta giải quyết các vấn đề trần thế ; Người đang chỉ lối cho ta vào Nước Trời, nên Đức Giêsu giải quyết, ngang qua thái độ của anh quản gia, bằng một cách ứng xử khác. Đức Giêsu ngầm bảo: tiền của tích lũy ở trần gian không có giá trị trong Nước Trời. Chỉ có tình yêu, tình người mới đưa được chúng ta vào Nước Trời và sống hạnh phúc. Đó là điều Đức Giêsu muốn gửi tới chúng ta qua dụ ngôn.

            Anh quản gia đã không tích lũy thêm của cải từ những con nợ (có lẽ vì ham những thứ đó mà anh bị đuổi việc (?)). Anh đã tặng lại cho họ bằng cách ghi lại biên lai nợ với số nợ ít hơn. Tầm nhìn của anh không đặt vào yếu tố “có thêm nhiều tiền” ; Anh có một chính sách khác “có người đón rước anh về nhà họ” sau khi anh bị đuổi việc. Trong tương quan đó anh tiếp tục được các con nợ đối xử kính trọng như là một ân nhân của họ. Vật chất anh khỏi lo vì đã được tình người đùm bọc do các kẻ nghèo, con nợ của anh.

            Bài học cho kitô hữu : ở đời này, chúng ta chỉ là quản gia về tiền tài, thời giờ, sức khỏe, tài năng… Hãy sử dụng thế nào để khi lìa thế sẽ có người đón rước chúng ta ! Ai đón rước ta! Thiên Chúa và người nghèo mà ở thế nay ta đã rộng tay giúp đỡ vì Đức Giêsu cũng nói Nước Trời là của người nghèo mà (x.Lc 6,20). Vậy cuộc đời này chính là nơi chúng ta quyết định vận mạng ĐỜI SAU của mình : chọn Thiên Chúa, tha nhân hay chọn tiền ? Yêu người, phụng sự Chúa hay mê tiền chạy theo ngẫu tượng ?

Frères Đình Long FSC