Bài 1
Is 55,6-9; Mt 20,1-16a
Chủ đề: Phải chấp nhận đường lối Chúa, vì đường lối Chúa khác xa và vượt hẳn đường lối con người.
* Is 55,9: Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối, tư tưởng của Ta cũng cao hơn của các ngươi như vậy.
* Mt 20,14: Hãy cầm lấy phần của các bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.
Lời Chúa Chúa Nhật XXV A trình bày cho chúng ta hai cách SUY TƯ (tư tưởng) dẫn đến hai lối HÀNH ĐỘNG (đường lối) khác nhau: một của Thiên Chúa và một của con người. Khổ thay, hai lối suy tư và hành động này lại TRÁI NGƯỢC nhau. Điều ấy đưa đến sự việc là con người phản kháng lại tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa, trên bình diện lịch sử dân tộc (bài một) lẫn trên bình diện cá nhân của từng người (Tin Mừng).
Trước thực tế đó, Lời Chúa hôm nay thuyết phục con người hãy chấp nhận tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa, bởi vì đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa khác xa, VƯỢT TRỘI so với tư tưởng, đường lối phàm nhân. Từ đó Lời Chúa mời con người thay đổi não trạng, lo hoán cải để có thể khám phá ra đường lối Thiên Chúa ngay trong cuộc sống mình qua mọi biến cố và sẵn sàng tuân theo đường lối đó. Để có thể làm được điều khó khăn đó:
-
Trước hết con người phải cố tâm, kiên trì biện phân tìm xem đường lối, tư tưởng Chúa là gì?
-
Rồi xin ơn Chúa để có thể khiêm tốn đón nhận Ý Chúa.
-
Và cuối cùng là THỜ LẠY THÁNH Ý CHÚA TRONG ĐỜI MÌNH (Gioan Lasan) và chỉnh sửa mọi sự theo đường lối tư tưởng Chúa.
Và Lời Chúa cũng nhắc nhở cho chúng ta rằng: cho dù là những biến cố lớn lao xảy ra trong dòng lịch sử, hoặc chỉ là những sự việc nhỏ nhặt thường ngày của kiếp người thì TẤT CẢ đều có thể là nơi Thiên Chúa dùng để bày tỏ tư tưởng và đường lối của Chúa. Xin Chúa giúp ta sáng suốt biện phân.
Bài đọc một là lời mời gọi, là một sứ điệp trấn an, khích lệ của Isaia đệ nhị gởi đến cho đám dân Do Thái đang bị lưu đày Babylon. Họ đang mỏi mòn chờ đợi ơn cứu độ đã được Chúa hứa; Nhưng gần 50 năm lưu đày rồi mà không thấy một dấu chỉ hi vọng nào: dân thì yếu đuối, bé nhỏ, xa quê, không có chính quyền, không vũ khí…làm sao thoát ách được khỏi tay Babylon hùng mạnh, đầy quyền năng. Thực tế ấy đã nảy sinh trong dân những tâm tình thất vọng, những tư tưởng nghi ngờ đường lối, ý định của Thiên Chúa: Chúa đã bỏ dân rồi, Chúa đã ẩn mặt khép kín từ tâm. Từ đó họ mất niềm hi vọng, họ buông thả, không còn tìm kiếm, khẩn cầu Chúa nữa.
Chính trong cảnh tối tăm cả hồn lẫn xác ấy, lời ngôn sứ lại đến với họ nhằm khích lệ, vực dậy lòng tin của họ. Bài đọc một bắt đầu bằng một lời thức tỉnh dân, cứu họ khỏi tư tưởng tuyệt vọng: Thiên Chúa đang ở kề bên dân, Thiên Chúa muốn dân đến gặp, khẩn cầu Người. Cách nói trên hàm ý Chúa đã THỨ THA, tội dân đã đền xong, án phạt đã thực hiện dư thừa rồi (x.Is 40,2). Vậy hãy vượt qua sợ hãi, thất vọng mà quay về với Thiên Chúa. Cụ thể là từ bỏ đi những tội ác, bất trung của quá khứ; Hãy bỏ đi những lối suy nghĩ, hành vi lầm lạc trước kia, chuẩn bị mình đón nhận tư tưởng, đường lối mà Thiên Chúa sắp tỏ hiện. Và ngôn sứ chỉ giải thích cách ĐƠN GIẢN: vì tư tưởng, đường lối của Thiên Chúa trổi vượt hơn của con người giống như trời cao hơn đất. Rồi một biến cố lịch sử đã chứng minh cho lời ấy của ngôn sứ: Kyrus, một ông vua dân ngoại Thiên Chúa đã dùng để cứu dân.
Trong Tin Mừng để minh họa cho chủ đề đường lối, tư tưởng Chúa vượt trội, ĐỨC GIÊSU kể ra một dụ ngôn quen thuộc đối với chúng ta. Đó là dụ ngôn: “Ông chủ thuê thợ làm vườn nho”. “Thợ” ở đây thật ra là những người thất nghiệp, thường tụ tập lại ở một nơi công cộng chờ có người đến thuê đi làm (câu 6-7). Công nhật một ngày là một đồng và chủ bao ăn cả ngày. Ông chủ trong dụ ngôn đã thuê thợ làm nhiều đợt với hai lời thỏa thuận:
-
6 giờ ông ra thuê một nhóm: Lương thỏa thuận một đồng một ngày, bao ăn. Đối với người thất nghiệp đây là niềm vui lớn, một ước mơ.
-
9 giờ ông ra tìm và gặp một đám thất nghiệp khác….rồi 12 giờ, 15 giờ, thậm chí 17 giờ. Tất cả đều được mời làm vườn nho với lời hứa “tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bình”.
Đến 18 giờ, chủ sai đầy tớ trả lương cho thợ. Sự việc xảy ra thật bất ngờ: tất cả thợ đều được một đồng như nhau. Thế là những thợ làm từ 6 giờ đã so đo rồi trách chủ. Hai tầm nhìn khác nhau đã đưa tới xung đột.
1/ Tầm nhìn so đo ganh tỵ dựa trên những gì mình làm được mà quên mất phận thất nghiệp của mình và tiền lương đã được thỏa thuận.
2/ Tầm nhìn do lòng tốt, lòng quảng đại thương đến phận hèn của người cùng khốn và muốn nâng họ lên.
Tóm lại đã chọn tin theo Chúa thì phải có tầm nhìn của Chúa. Xin thương hoán cải chúng con biết chỉnh sửa đời mình theo tư tưởng và đường lối Chúa.
Bài 2
Is 55, 6-9
Mt 20, 1-16a
Này bạn….Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao?…Còn tôi….chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức? (Mt 20, 13.15)
Lời Chúa hôm nay cho thấy Thiên Chúa là Đấng có dự tính và đường lối hành động bất ngờ vượt xa những gì con người phàm nhân tội lỗi có thể suy nghĩ, tưởng tượng đến. Bởi vì Thiên Chúa là độc nhất, duy nhất: chỉ có một mình Người là Thiên Chúa, còn tất cả chỉ là tạo vật của Người. Khi sáng tạo vũ trụ và con người, Thiên Chúa muốn tất cả mọi loài đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc thần linh của Chúa theo như dự tính yêu thương của Người. Tình yêu quan phòng của Thiên Chúa muốn che chở mọi loài dưới bóng của Người.
Thế nhưng, từ ngày ăn Trái Cấm, sa ngã, con người đã lẩn tránh Thiên Chúa, để rồi ngày càng đi lệch xa đường lối của Thiên Chúa và có những suy nghĩ, hành động ngày càng xa cách Người (St 6, 5). Thiên Chúa vẫn trung tín với dự tính yêu thương của Người và dùng đủ mọi cách để mong đưa con người về lại hưởng vinh phúc của Chúa.
Khổ thay, kể từ khi xa lánh Chúa, mất tất cả, con người đã đi tìm bù trừ hạnh phúc trong những thụ tạo, đã sử dụng mọi phương thức kể cả gian ngoa để giành giựt, chiếm đoạt hạnh phúc cho riêng mình bất chấp những tai họa, thiệt thòi có thể giáng trên kẻ khác hoặc trên cả cộng đồng.
Vui mừng khi thấy người khác mắc họa; Hoặc buồn sầu, ganh tị khi thấy kẻ khác được mừng vui may mắn. Đó là điều thường xảy ra trong xã hội loài người tội lỗi. Tâm tình tiêu cực như thế chắc chắn đưa đến những toan tính, hành động sai trái; Nếu không ngăn chặn kịp thì nguy cơ diệt vong là khó lòng tránh khỏi.
Để tránh khỏi tai họa và hưởng lại được hạnh phúc Thiên Chúa đã ban, con người phải quay về lại với Thiên Chúa, tìm gặp Người, bỏ đường lối mình đang theo, đi theo đường lối Chúa. Cần thay đổi não trạng và xác tín rằng:
Đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa khác xa, vượt trổi đường lối tư tưởng của con người. Từ đó Lời Chúa hàm ý mời con người lo hoán cải để có thể khám phá ra đường lối Thiên Chúa ngay trong cuộc sống và đón nhận, tuân theo đường lối đó.
Trong bài 1, đường lối của Thiên Chúa chính là lòng thương xót được biểu lộ qua lòng tha thứ mời tội nhân bỏ đường tội lỗi, mời gọi người tìm gặp Thiên Chúa khi Người còn cho gặp.
Trong Tin Mừng, đường lối Thiên Chúa được biểu lộ ra nơi lòng xót thương quảng đại, nhạy cảm trước cảnh cùng khốn của con người. Hình ảnh cùng khốn là các người làm thuê thất nghiệp: còn lòng thương xót quảng đại của Thiên Chúa biểu lộ qua cách hành xử của ông chủ vườn: thuê người làm cách rộng rãi không so đo giờ giấc, trả lương với mức cao nhất.
Trước đường lối Thiên Chúa như vậy, Lời Chúa cũng hàm ý mời con người phải có thái độ đáp ứng lại thích hợp. Bài 1 mời hoán cải, nỗ lực tìm Chúa khi còn có dịp.
Tin Mừng mời gọi hãy vui mừng thọ hưởng ngày an bình lao động và tiền công Chúa ban, đừng tị nạnh phân bì với kẻ khác vì tất cả đều là hồng ân, vì đường lối tư tưởng của Thiên Chúa tuyệt đối vượt xa hơn con người và đem lại lợi ích thật cho con người.
BÀI ĐỌC I: Is 55, 6-9
Dân Chúa đang bị lưu đày Babylon, họ mỏi mòn chờ mong ngày Chúa đến giải thoát . Thế nhưng thực tại trước mắt: đế quốc hùng mạnh, dân bị lưu đày, phân tán, không binh đội, không vũ khí, không có thủ lãnh… Vậy lấy gì, dựa vào đâu để thoát ách đế quốc đây? Họ nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa. Chúa bỏ họ rồi! Isaia được Chúa sai đến vực dậy lòng tin của Dân và chỉ cho dân các việc cần làm để đón chờ ngày Thiên Chúa giải cứu.
Isaia đệ nhị được kết thúc với chương 54 và 55. Chủ đề chung là hướng về ngày hồi hương. Chương 54 lập lại lời loan báo tin mừng giải phóng, được hồi hương bằng những hình ảnh quen thuộc trong truyền thống Israel. Hình ảnh I là tương quan phu phụ (54, 1-10): phụ nữ son sẻ sẽ thành mẹ đông con; góa phụ nay lại được Đức Chúa sánh duyên cầm sắc; trước bị ruồng bỏ nay được đón về tái hợp. Hình ảnh 2 là canh tân nên mới (54, 11-17): Đền thờ và tường thành Giêrusalem được xây bằng đá quý; con cái Israel được chính Thiên Chúa dạy dỗ, Chúa đảm nhận trách nhiệm bảo vệ Giêrusalem khỏi mọi mưu mô tác hại.
Chương 55 nói lên bản chất và điều kiện của hạnh phúc kể trên. Nói cách khác, để cuộc hồi hương thật sự là hạnh phúc cho dân thì họ phải có tinh thần, thái độ như thế nào trong tương quan với biến cố đó: Trước tiên đó là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Người mời gọi dân đến tận hưởng vô điều kiện; Thái độ cần phải có là tin tưởng phó thác hoàn toàn, đừng chạy theo những toan tính phàm nhân. Ý tưởng trên được diễn tả bằng hình ảnh một bữa ăn miễn phí Thiên Chúa thiết đãi toàn dân, cứ tự do đến hưởng dùng, đừng phung phí công sức tiền của vào những chuyện không ích gì cho sự sống (55, 1-2a). Thái độ tiếp theo là chăm chú lắng nghe Lời Chúa để được Chúa đưa vào Giao Ước vĩnh cửu của Người, được Người che chở và làm cho được hiển vinh trước mặt chư dân (55, 2b-5). Trong phần này, Is 55, 1-3 được chọn làm bài đọc 1 của Chúa Nhật 18A thường niên.
Thái độ cuối cùng được kể ra ở đây là hãy tìm kiếm Chúa, kêu cầu Đức Chúa, bỏ đường gian ác, tư tưởng mình đang có mà về lại với Đức Chúa (Is 55, 6-7). Lý do là vì đường lối, tư tưởng của Thiên Chúa vượt xa con người (55,8-9), và cũng vì Chúa khẳng định rằng Lời Chúa một khi đã phát ra chắc chắn sẽ mang về kết quả (55, 10-11). Các câu 10-11 được chọn làm bài I của Chúa Nhật 15A thường niên.
Chương 55 và cả “Sách An Ủi” kết thúc bằng cách nhắc lại niềm vui ngày trở về (c.12) và cuộc đổi đời ngoạn mục làm sáng danh Đức Chúa (c.13).
Bài I hôm nay là Is 55, 6-9.
CẤU TRÚC Is 55, 6-9
và SUY NIỆM
1/ Tận dụng thời gian hồng ân để tìm gặp Chúa, hoán cải (Is 55, 6-7a)
* Thời gian hồng ân: “Khi Người còn cho gặp”; “lúc Người ở kề bên”
* Thái độ phải có: tìm kiếm khẩn cầu
* Cụ thể: kẻ ác phải từ bỏ đường lối tư tưởng đang có về lại với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.
* Hoa trái: và Thiên Chúa sẽ xót thương
Thời hồng ân: trong Kinh Thánh, để nói lên sự thất sủng, sắp bị phạt, các từ thường được dùng là “ẩn mặt”, “lánh xa”, “không cùng đi”…Xh 33, 3b; Tv 13,2.3; 22,2.12; 27,9; 28,1…Thời gian lưu đày có thể coi là thời gian sống xa Chúa, bị phạt, Chúa im hơi lặng tiếng…Giờ đây, “Chúa cho gặp”, “Chúa ở kề” hàm nghĩa Chúa đã thứ tha, Chúa sắp hồi phục, thời hồng ân đã trở lại.
Vậy thái độ phải có là tận dụng thời hồng ân để “tìm kiếm”, “khẩn cầu” Chúa ngay khi đang còn trong đất lưu đày. Đừng ở lì trong tâm trạng thất vọng vì những tiêu cực trong quá khứ lẫn hiện tại. Đừng mất thời gian than khóc nữa, hãy tin lời ngôn sứ, hoán cải, mở lòng ra đón nhận hồng ân Chúa sắp thực hiện.
Đối tượng được nhắm tới là dân Chúa, nhưng được mô tả bởi các cụm từ “kẻ gian ác”, “người bất lương”. Cách nói này hàm nghĩa tình trạng dân đang chịu là vì họ đã sống gian ác, bất lương. Tuy nhiên giờ đây, với Isaia đệ nhị, Thiên Chúa công bố phạt như vậy là đủ rồi (40, 1-2). Thời hồng ân tha thứ đã tới. Vậy hãy hoán cải bỏ đi lối suy tư, ý tưởng u buồn của lưu đày, trở lại cùng Thiên Chúa đầy lòng thương xót hưởng ơn tha thứ. Hãy dẹp đi các tâm trạng: Chúa bỏ dân rồi; Chúa kém quyền năng hơn thần Babylon; Chúa không giữ lời đoan thệ cùng tổ phụ…Hãy hoán cải trở về cùng Thiên Chúa, nhận cái sai của mình. Chúa xót thương, đã tha thứ nhưng điều kiện để ơn Chúa nở hoa nơi tội nhân là phải nhận ra cái sai của mình mà hoán cải.
2/ Lý do phải tận dụng thời gian và hoán cải (Is 55, 7e-9)
* Vì Thiên Chúa thương xót sẽ rộng lòng thứ tha.
* Vì tư tưởng, đường lối của Thiên Chúa không phải là của con người: “Thật vậy…”
* Và còn hơn nữa, đường lối, tư tưởng của Thiên Chúa vượt xa của con người.
Hình ảnh minh họa cho sự trổi vượt trên: Trời cao hơn đất
Căn nguyên của ơn giải cứu, của đường lối lạ kỳ của Thiên Chúa chính là lòng thương xót của Người được biểu lộ qua hành vi “tha thứ”. Động từ sâlah được dùng một lần duy nhất trong Isaia, với Thiên Chúa làm chủ từ. Dịch bình thường: “tha thứ”, nhưng trong tiếng Do Thái động từ này bao hàm một sắc thái là càng ngày càng tăng, trổi vượt hơn; Nghĩa là Thiên Chúa càng ngày càng tha thứ, cường độ tha thứ càng tăng, nói cách khác là tha thứ không giới hạn như sau này Đức Giêsu dạy môn đệ “tha 70 lần 7” và Phaolô cũng đã khám phá “nơi nào có tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20b). Trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, “tội dù đỏ như son cũng sẽ được tẩy sạch trắng như tuyết” (Is 1, 18), dân Chúa đừng thất vọng, chỉ cần hoán cải trở về với Người thì hồng ân tha thứ sẽ nở hoa nơi họ.
Tư tưởng, đường lối của Thiên Chúa và của loài người. Cụ thể với dân thời Isaia đệ nhị, tư tưởng của họ là tuyệt vọng, Chúa đã bỏ dân, làm sao thay đổi tình huống được, làm sao Đấng Mêsia cứu dân lại là một kẻ dân ngoại như Is 45,1 loan báo, một kẻ ô uế không cắt bì lại là Đấng Cứu Tinh sao? Còn dân Chúa thì không có một tí vũ khí trong tay không có tướng tài lãnh đạo, làm sao cứu? Hoán cải là bỏ lối suy tư đó, chỉ dựa vào vào sức phàm nhân của mình, để tuân theo tin vào đường lối của Thiên Chúa.
Và thực tế của lịch sử đã cho ta thấy hiệu quả đường lối của Thiên Chúa: dân đã được cứu mà không tốn một mũi tên, kẻ giải phóng là vua Ba Tư: Kyrus, dân được hồi hương với đầy ưu đãi. Như vậy, rõ ràng đường lối Thiên Chúa vượt xa đường lối con người: vượt xa như trời cao hơn đất.
Thiên Chúa là quyền năng, là siêu việt. Điều này ai cũng dễ chấp nhận và Israel đã kinh nghiệm về điều này ngang qua những kỳ công Chúa làm trong quá khứ, những lần Chúa phạt rồi cứu, và giờ đây là lưu đày. Điều bất ngờ ở đây là quyền năng Thiên Chúa (cách nói khác: đường lối, tư tưởng) lại được biểu lộ qua tha thứ, “Thiên Chúa ngày càng tăng thêm để tha thứ”. Đây là điều mà tư tưởng con người không sao nghĩ tới được. Và lòng tha thứ xót thương của Thiên Chúa tăng mãi đến dộ “tặng ban Con Một”, “giương cao Người” để cứu, tha cho thế gian.
Vậy lời mời gọi là hãy trở nên giống Chúa, hoán cải, bỏ đi lối suy nghĩ, đường lối phàm nhân mà đi vào đường lối Thiên Chúa sống cái selihâh (tha thứ) của Thiên Chúa.
-
TÓM KẾT:
Sống trong cảnh lưu đày, mất tất cả, dù có lời ngôn sứ vực dậy, nhưng niềm hy vọng sao xa vời…, người dân lưu đày đã có lối suy nghĩ, tư tưởng lạc xa đường lối Thiên Chúa, Isaia đệ nhị đang cố gắng khơi lại niềm tin yêu hy vọng, mời dân thay đổi não trạng, lối suy tư, tin vào đường lối của Thiên Chúa, về lại với Người là Thiên Chúa thương xót, giàu thứ tha, dù tội có đỏ như son, Người cũng làm nên trắng tinh như tuyết, Người sẽ đưa dân về lại Đất Hứa.
Đường lối tư tưởng của Chúa vượt xa sức tưởng tượng của con người, vậy hãy phó thác tất cả cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Trong bản văn này, tác giả mời chúng ta chiêm ngắm tình yêu, quyền lực, sự siêu việt của Thiên Chúa ngang qua việc Chúa thứ tha, thứ tha không ngừng và ngày càng tăng cho đến độ sẵn sàng tặng ban Con Một, tặng luôn Thần khí để rồi cả Ba Ngôi Thiên Chúa đến ngự trong lòng tín hữu. Đó là dự tính, đường lối của Thiên Chúa sẽ hoàn tất trong Thập Giá Đức Giêsu. Hãy tin vào đường lối Chúa.
TIN MỪNG: MATTHEU 20, 1-16
Từ lúc bắt đầu rao giảng công khai (Mattheu 4,12) cho đến hết Mattheu 18, địa bàn hoạt động của Đức Giêsu chủ yếu là ở vùng Galilê. Sau bài diễn từ 4, nói riêng cho Nhóm môn đệ thân tín (18, 1), về đời sống cộng đoàn trong Giáo Hội, Đức Giêsu rời Galilê, bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem (19,1). Những gì Đức Giêsu thực hiện trong cuộc hành trình này được Tin Mừng Mattheu tóm lại trong 2 chương 19 và 20. Qua chương 21, Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem.
Sứ điệp của Mattheu 19-20 qui về 1 điểm: có sự đối nghịch giữa đường lối của Thiên Chúa và đường lối của con người. Thật vậy:
– Cuộc hành trình này mở đầu bằng một cuộc đối kháng về vấn đề hôn nhân: đường lối của con người là cho phép trẩy vợ, còn Đức Giêsu thì không cho (19, 3-9). Điều đó gây xốc cho các môn đệ: vậy thì đừng lấy vợ còn hơn (19,10). Lợi dụng dịp đó, Đức Giêsu mời các môn đệ sống tình trạng khiết tịnh độc thân tự nguyện vì Nước Trời (19, 11-12).
– Người đời thì tôn trọng kẻ lớn, còn Đức Giêsu dạy rằng Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ em (19, 13-15)
– Trong tương quan với tiền của và sự sống đời đời: con người cậy dựa vào công nghiệp, vào giàu có; Đức Giêsu đòi bỏ tất cả những thứ đó để đi theo Người (19, 16-22), và Người công bố ai dám bỏ mọi sự mà đi theo Người thì sẽ được phần thưởng xứng đáng là sự sống đời đời làm gia nghiệp (19, 27-29).
– Một nét đối nghịch khác giữa Thiên Chúa và Con Người đó là động cơ của mọi hành động: Thiên Chúa hành động vì yêu thương, quảng đại tốt bụng vì lợi ích của tha nhân còn con người hành động vì ghen tức, vì so đo, chỉ thấy “công nghiệp” của mình, tưởng rằng Thiên Chúa đối xử bất công với mình (20,1-15).
– Và chóp đỉnh của sự đối nghịch là con đường Thập Giá (20,17-19): Trong lúc Đức Giêsu hướng về Thập Giá thì, ngay cả Nhóm môn đệ thân hữu lại ghanh tị nhau, tranh nhau đi tìm địa vị (20,20-23); các ông muốn làm lớn để tìm hưởng thụ thì Đức Giêsu tìm phục vụ (20, 24-28).
– Cuộc hành trình đầy những đối kháng này kết thúc bằng một phép lạ tại Giêricô, trước khi Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem: mở mắt cho 2 anh mù nhờ đó họ mới “nhìn thấy được và đi theo Người”( 20,29-34). Phép lạ cuối cùng của Đức Giêsu làm trước đám đông trong Tin Mừng Matthêu.
Qua phép lạ cuối cùng này và được đặt ở văn mạch này, có lẽ Matthêu muốn gửi tới các độc giả của sách Tin Mừng thứ nhất một sứ điệp: các môn đệ lẫn đám đông (có 2 anh mù) để có thể “nhìn thấy được” (hiểu là con đường thập giá) và dám “đi theo Người” (20,34) thì cần phải có sự can thiệp mạnh của Thiên Chúa mở mắt họ ra giải cứu họ khỏi những tư tưởng đối nghịch với đường lối của Thiên Chúa mà cho đến giờ này vẫn còn che mắt họ.
Bài đọc tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về cách thức trả lương công nhật lạ lùng của một ông chủ áp dụng cho các thợ công nhật được ông thuê vào làm vườn nho của mình. Cách làm này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều người vì họ cho rằng chủ đối xử bất công với họ. Nhưng đó lại là cách ứng xử của Thiên Chúa nhằm ban ơn cứu độ cho TẤT CẢ mọi người. Ơn cứu độ trước tiên là một ân huệ cho không do lòng tốt của Thiên Chúa chứ không phải là “tiền công” mà con người, khi làm được chút việc nào đó cho Chúa, có quyền đòi hỏi theo chuẩn mực do mình tưởng tưởng thêm ra (20,10), bất chấp giao kèo đã được vui mừng tự nguyện cam kết (20,2.13).
Một chi tiết cần lưu ý: dụ ngôn này Đức Giêsu nói đặc biệt cho Nhóm môn đệ thân tín (19,23-27), họ đang cố gắng đi theo con đường mà Đức Giêsu đang đi dù chưa hiểu rõ lắm, chưa mặn mà lắm với con đường Thập Giá lạ lùng đó của Người. Họ vẫn còn lấy những chuẩn mực trần thế để ứng xử với nhau. Đức Giêsu không ngừng cảnh tỉnh họ. Vì nơi Đức Giêsu sắp đưa họ đến là Nước Trời; Một nơi mà cách ứng xử hoàn toàn khác với những gì mà người đời lẫn môn đệ thường mơ tưởng.
Câu chuyện Đức Giêsu sắp kể ra đây là câu chuyện về Nước Trời, chuyện xảy ra trong Nước Trời. Thật vậy trong cõi đời này không có ông vua nào lại ứng xử kỳ lạ như ông vua ở trong dụ ngôn này. Đức Giêsu đem chuyện Nước Trời kể cho người trần là để mời họ NẾU muốn vào SỐNG TRONG NƯỚC TRỜI thì bây giờ hãy lo chuẩn bị tập sống theo cung cách ứng xử như được kể trong dụ ngôn.
CẤU TRÚC Mt 20, 1-16a
và SUY NIỆM
-
Tình huống ban đầu (20,1-7)
(chủ nhà thuê thợ làm vườn nho với giao kèo hẳn hoi)
-
Câu mở đầu vào dụ ngôn: “Nước Trời giống như chuyện”
-
Chủ nhà ra ngoài thuê thợ làm vườn nho
-
Vào tảng sáng thuê nhóm 1 với giao kèo 1 quan tiền 1 ngày.
-
Thuê các nhóm khác lần lượt lúc 9h rồi 12h rồi 15h; giao kèo: “tôi sẽ trả cho các anh HỢP LẼ CÔNG BẰNG”
-
Nhóm cuối cùng được thuê lúc 17h: không giao kèo, chỉ có cuộc đối thoại
-
Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?
-
Vì không ai mướn chúng tôi
-
Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!
“Nước Trời GIỐNG NHƯ” đây là một hình ảnh so sánh gợi ý. Không chi tiết nào trong dụ ngôn ám chỉ Nước Trời cả. Vấn đề nằm trong mối tương giao giữa các tình tiết trong dụ ngôn. Chính cái tổng thể ấy giúp ta có được một cảm nghiệm gần đúng về một nét nào đó của thực tại Nước Trời.
“ Đã đi ra mướn thợ” những người thất nghiệp hoặc làm thuê thường tụ tập ở các công trường hay cổng thành vào sáng sớm hy vọng có người đến thuê đi làm. Tiền công nhật của thợ bình thường là 1 quan tiền, tạm đủ cho 1 gia đình bình dân sống 1 ngày. Lẽ thường là vậy, nhưng thời xưa chưa có công đoàn, nên người lao động nghèo thường bị bóc lột (x.Đnl 24,14-15; Gr 22, 13; Ml 3,5): Chủ có thể giam tiền công hoặc ép giá. Điều này cho thấy tình trạng của người chờ được thuê làm việc là bấp bênh: số phận họ nằm nơi ông chủ.
“thỏa thuận tiền công nhật là 1 quan tiền”. Ông chủ này công bình trả lương đúng giá không ép kẻ đang cần có việc làm. “Đã thỏa thuận” hàm ý hai bên đều vui, đều có lợi. vậy khi trả 1 quan, chủ không hề bất công, chèn ép nhóm thợ đầu tiên.
Ông chủ đi ra thuê thợ nhiều đợt: hàm ý công việc chắc là nhiều. Thợ thuê càng trễ chắc là phải kém chất lượng hơn, vì thợ mạnh khỏe thì các chủ khác đã thuê từ sáng sớm.
“Tôi sẽ trả cho các anh HỢP LẼ CÔNG BÌNH” phần lợi thế nằm hết trong tay ông chủ. Tuy nhiên vẫn còn có tiêu chuẩn “hợp lẽ công bình”. Cụ thể là ít hơn 1 quan.
Nhóm cuối, thuê vào lúc 17h: qua câu hỏi, rõ ràng ông chủ quan tâm đến tình trạng khốn cùng của nhóm này hơn là hiệu năng công việc. Rồi câu đáp “vì không ai mướn chúng tôi” : có thể vì các ông chủ khác không cần nhân công nữa và có lẽ đúng hơn là vì những người này có dáng vẻ làm việc kém. Dù sao tình trạng họ là đáng thương: ngày mai gia đình có nguy cơ đói, mà đói thì yếu sức, yếu thì không ai mướn…Chúng ta thử tưởng tượng nỗi khổ tâm của người thất nghiệp bị cái đói đe dọa.
“Cả các anh nữa hãy đi vào vườn nho” không giao kèo, không hứa hẹn. Chỉ có lời mời: “cứ đi vào vườn nho”. Mọi sự tùy chủ.
Qua 3 tình huống hợp đồng làm việc, bản văn ngày càng đề cao quyết định chung cuộc của ông chủ: ban đầu là GIAO KÈO, kế là LỜI HỨA, cuối cùng là cứ vào làm đi rồi TÍNH SAU tùy chủ. Nghĩa là chủ hoàn toàn không còn bị gò bó gì nữa, tiêu chuẩn quyết định là tình thương ông chủ. Tới đây mọi sự diễn tiến bình thường, sự thay đổi xuất hiện kể từ quyết định hơi lạ của chủ vào cuối ngày.
-
Yếu tố làm đảo ngược tình huống: cách trả lương của ông chủ (20, 8-15)
-
Chiều đến, chủ ra lệnh trả lương trước tiên cho nhóm làm chót hết
-
Bất ngờ: mỗi người 1 quan tiền
-
Không nói gì tới nhóm 2,3,4: có lẽ cũng mỗi người 1 quan
-
Tình huống trên khiến nhóm một nghĩ rằng họ sẽ được nhiều hơn
Thực tế họ cũng chỉ nhận được một quan
Phản ứng: cằn nhằn trách chủ bất công
Lý do họ đưa ra: họ làm cả ngày… còn nhóm chót chỉ làm một giờ
Họ so đo ghen tỵ mà quên mất giao kèo.
-
Giải thích của ông chủ:
-
Lý lẽ khách quan: không bất công, vì làm đúng theo thỏa thuận và ông có quyền sử dụng tiền của theo ý riêng
-
Gán cho một ý nghĩa luân lý: ông chủ làm vậy do tốt bụng
Nhóm một phản ứng là do ghen tức
Có chuyện là do cách trả lương của ông chủ mang tính khiêu khích đối với nhóm một: ông trả cho họ trước, cho về, sau đó muốn làm gì thì làm. Tất cả sẽ ổn.
Yếu tố thứ hai gây ra vấn đề: hai cái nhìn theo tiêu chuẩn khác nhau gợi ý lại bài một: đường lối tư tưởng của Thiên Chúa khác con người. Nhóm một so đo giữa điều họ làm được với điều nhóm chót làm được: họ lấy cái kết quả hữu hạn trước mắt để làm chuẩn. Họ đã chuyển hệ chuẩn mực từ giao kèo với Thiên Chúa qua sự so đo công sức với những người thiếu may mắn không sớm tìm được việc làm. Còn tiêu chuẩn của Thiên Chúa chính là lòng nhân ái của Người.
Cách giải thích luân lý của ông chủ là chìa khóa giúp hiểu ý nghĩa của dụ ngôn. Động lực việc chủ làm là lòng tốt bụng. Điều này làm lộ bộ mặt thực của nhóm một: lòng ghen tức. Phần đáp khách quan của chủ là sứ điệp chính: Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong việc ban ân sủng, Người không để ai phải thiệt. Người mời gọi con người đối xử với nhau đừng theo lòng ghen tức của họ, nhưng theo sự tốt bụng như Người.
Kết quả: Nhóm một vẫn được hưởng một quan tiền cách công bằng đúng như công sức của họ. Điều gì Thiên Chúa hứa ban, Người không lấy lại. Nhưng chúng ta đón nhận và hưởng ân huệ đó trong tâm trạng nào? Biết ơn hay ghen tỵ?
Nếu “ganh tị” thì ân huệ Nước Trời thành nỗi ấm ức cho ta. Ông chủ trở thành người bất công, áp bức. Việc làm cả ngày của tôi là một khổ dịch, chứ không còn là niềm vui “có được công ăn việc làm” (20, 12).
Vậy hãy mở rộng lòng ra mà đón nhận Nước Trời với lòng biết ơn, đừng so đo ganh tị. Hãy tôn trọng đường lối của Thiên Chúa và thờ lạy cách cư xử của Người. Lưu ý, bài dụ ngôn này là câu đáp của Đức Giêsu cho Phêrô khi ông đặt vấn đề với Người: “Thầy coi…chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (19, 17). Đặt vấn đề như vậy khác nào là “kể công” với Đức Giêsu! Đó chính là nguyên nhân đưa tới ganh tị trong dụ ngôn. Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của “công nghiệp” (x. Mt19, 17c. 20-21; 20, 28-29), nhưng như nói theo kiểu toán học: “công đức” chỉ là điều kiện “ắt có” nhưng “chưa đủ”. Đức Giêsu bổ sung: chính lòng tốt của chủ mới là căn nguyên đích thực của việc Nước Trời được ban nhưng không, vô điều kiện cho ta.
Hãy đón nhận Nước Trời với tấm lòng biết ơn và quảng đại vui mừng với mọi người khi thấy Thiên Chúa ban tặng Nước Trời cho tất cả mọi người.
-
Kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu… (chương 20, câu 16a)
Không ăn khớp lắm với ý nghĩa của dụ ngôn. Thực sự việc đảo ngược tình huống chỉ xảy ra vào ngày cánh chung. Câu 16a có lẽ được thêm sau để hướng dụ ngôn vào ý nghĩa cánh chung. Trong dụ ngôn, Nhóm thợ một không kêu trách về việc trả lương trước (đầu), sau (cuối) mà là tiền lương: làm nhiều, vất vả hơn mà lương bằng nhau với Nhóm cuối. Vậy ý tưởng “đứng đầu, đứng cuối” không là sứ điệp chính của dụ ngôn.
-
TÓM KẾT:
Tùy đối tượng mà dụ ngôn nhắm tới, ta có thể có sự điệp ở ba mức độ áp dụng:
* Nếu đối tượng là biệt phái (tổng thể chương 19-23 nhất là chương 19 câu 3) thì sứ điệp là đừng cậy dựa vào công lao giữ Luật mà so bì trách Đức Giêsu khi Người thân mật với hạng tội lỗi.
* Nếu đối tượng là toàn dân Do Thái: đừng so đo khi thấy dân ngoại cũng được hưởng cùng một ơn cứu độ như mình.
* Nếu đối tượng là môn đệ (19, 23-27) thì sứ điệp chính yếu là hạnh phúc Nước Trời là một ân sủng nhưng không của Thiên Chúa; vậy hãy mở rộng lòng ra mà đón nhận với lòng biết ơn, đừng so đo ganh tị với người khác: Hãy tôn trọng đường lối của Thiên Chúa và thờ lạy cách cư xử của Người. Thật vậy bài dụ ngôn này là câu đáp của Chúa Giêsu cho Phêrô khi ông này đặt vấn đề với Người “ Thầy coi… chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”. Cách đặt vấn đề như là kể công với Đức Giêsu: “ Chúng con đã bỏ mọi sự” so với “chúng tôi đã phải nặng nhọc làm việc suốt ngày…” Đây chính là nguyên nhân đưa tới ganh tị trong dụ ngôn. Đức Giêsu không phủ nhận công nghiệp: các môn đệ sẽ được gấp bội và được cả sự sống đời đời là điều mà anh thanh niên đầy “công đức” (19,20) khao khát (19, 16). Tuy nhiên Đức Giêsu điều chỉnh: Phần được hưởng đó không phải do hy sinh, do “làm điều tốt” (19,16) mà là do lòng tốt của chủ: hôti êgo agathos êimi (20,15). Vậy trong tương quan với Nước Trời, tất cả đều là hồng ân. Hãy vui vẻ lãnh phần trong tạ ơn.
Frère Pierre Đình Long