CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Mc 9,30-37  KHIÊM HẠ và PHỤC VỤ

       Quyền,Tiền,Tình là những cám dỗ muôn thuở đối với con người mọi thời, mọi đời, mọi nơi.

       Quyền thường có trước Tiền và Tình.Tuy nhiên, đôi khi cũng lại ngược lại.

       Quyền có được là nhờ tranh giành.Trước mỗi cuộc bầu cử, tranh cử, ta đều thấy các ứng cử viên ra tranh cử, sau khi được đề cử, thường tìm cách phóng đại tô màu hình ảnh mình lên. Đồng thời thóa mạ, bôi đen, thậm chí, bịa đặt, chụp mũ đối thủ.

       Quyền cũng có thể có được, nhờ ân ban, bổng lộc, nhờ phe cánh, quen biết, nhờ mua bằng tiền hay bằng rất nhiều tiền.

      Trong đoạn Tin mừng Mác cô 9,30-37 hôm nay, Chúa Giêsu lại loan báo về cuộc Tử Nạn Phục Sinh của Ngài: “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.”(Mc 9,31). Đây là lần thứ 2 Chúa Giêsu loan báo về cuộc Tử Nạn Phục Sinh của Người. Lần thứ nhất Mc,8,31.Theo Tin Mừng Mác cô, Chúa còn thông báo lần thứ ba: Mc,10, 33-34. Nhưng các ông như để ngoài tai, không hiểu, không muốn hiểu và không tìm hiểu.

      Khi chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa và Triều Đại Thiên Chúa (Mc 1,14-15), các ông tức tốc đi theo Chúa; Ta không khỏi ngạc nhiên, khi Ngài nói: Các anh hãy theo tôi, họ vội vã, bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ biển, thậm chí bỏ cả cha mẹ, gia đình đi theo Chúa. Có người còn bỏ cả công việc đang hái ra tiền, là  nghề thu thuế, để đi theo Chúa. Không biết có kịp bàn giao giấy tờ, sổ sách, hóa đơn không?

      Một thời gian không thấy Thầy đá động gì đến việc khôi phục nước Israel, các ông đã sốt ruột hỏi Thầy:Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được lại gì?.(Mt 19,27). Chúa đã hứa ban gấp bội. Thế nên trong tâm tư của các ông, cũng như trong quan niệm của người Do Thái, Đấng Mêsia sẽ khôi phục triều đại vương quyền Đavít. Vì thế, không lạ gì, các ông lo chạy ghế, chạy chức.Trước đó bà mẹ của 2 con ông Dê bê đê cũng đã xin với Chúa:Xin Thầy truyền cho 2 con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong nước thầy.(Mt 20,21).

     Và hôm nay nữa, mặc cho Thầy tiên báo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Thầy, các ông cứ mải tranh cãi xem ai là người lớn hơn cả. Nghĩa là ai sẽ là người có chức  vị cao hơn? Ai sẽ ngồi ghế cao hơn?

     Có lẽ, các ông cũng hiểu việc cãi vã tranh giành này không hợp ý Thầy, nên khi Chúa Giêsu hỏi lại, các ông đều làm thinh. Nhưng Chúa Giêsu, đi guốc trong bụng các ông rồi, Ngài bình tĩnh ngồi xuống, gọi các ông lại và nói: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người. (Mc 9,35).

     Quyền lực tự nó không xấu. Quyền lực đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói với Phi la tô: Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài.(Ga 19,11). Quyền lực được xếp đặt để đem lại bình an và trật tự cho xã hội, cho con người. Nhưng nếu người đời coi quyền lực để đứng đầu, để ăn trên ngồi trước, để đè đầu đè cổ thiên hạ, để tham ô, thì ngược lại, Chúa Giêsu lại nói phải làm người rốt hết và phải phục vụ mọi người.

     Nói làm người rốt hết là nói khiêm hạ, khiêm nhượng. Khiêm nhượng đối nghịch với kiêu căng, kiêu ngạo. Chính trong khiêm hạ, Xin vâng, Mẹ Maria đã mở đầu công cuộc cứu độ loài người. Chính khi Xin Vâng ý cha, Chúa Giêsu đã thực hiện việc cứu độ nhân loại.

Ngược lại, kiêu ngạo là đầu mối mọi tội lỗi. Chúng ta đọc trong kinh Bẩy mối tội đầu: Cải tội bảy mối có bảy đức, thứ nhất khiêm nhường chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo đã có từ khi có loài người. Chính vì kiêu ngạo, Adam và Eva đã truyền lại án phạt cho toàn thể nhân loại. Lu xi phe kiêu ngạo muốn bằng Thiên chúa, đã bị đuổi khỏi thiên đường. Loài người kiêu ngạo muốn xây tháp Babel lên tới trời, nên bị phân ly, chia cách.

Người khiêm hạ, biết giới hạn của mình, thì kêu van:

Lạy trời mưa xuống.
Lấy nước tôi uống.
Lấy ruộng, tôi cày.
Lấy đầy bát cơm…

Người kiêu căng thì nói: Ông trời đi chỗ khác chơi. Để cho nông hội đứng lên làm trời. Trong và sau bão lũ, đăc biêt là bão số 3, bão Yagi, chẳng thấy Nông hội đâu.

Trong cơn đại dịch covid 19, từ các quốc gia giàu có, hùng mạnh đến các đất nước nghèo đói, yếu kém, đều lo lắng, hoảng loạn. Người giàu cũng chết. Người nghèo cũng chết. Quan cũng chết, dân cũng chết. Người ta tìm chống dịch như chống giặc. Giặc chỉ là một con virus li ti, mắt thường không thấy được. Nhưng nó giết chết hàng triệu người, từ đông sang tây, từ bắc chí nam, phá nát nền kinh tế của nhiều quốc gia.Thế mới biết con người chẳng là gì trong vũ trụ bao la, vô tận này. Vậy thì có gì để vênh vang, để huênh hoang, để phét lác. Có gì để nổ?

Làm người phục vụ mọi người. (Mc 9,35).Cũng như trong Hiến chương nước trời.(Mát thêu.5,3- 11). Chúa Giêsu đảo ngược bậc thang giá trị của người đời, khi Chúa nói:Người muốn làm lớn phải là người phục vụ mọi người. Chúa Giêsu dạy:Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.(Mt11,29). Suốt những năm đi rao giảng, Chúa dạy dỗ dân chúng, chữa lành người ốm đau, bệnh tật. Chúa còn nhấn mạnh:  “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.”(Mc 10,45). Chúa luôn phục vụ những người đau khổ, tội lỗi. Thầy còn rửa chân cho các môn đệ.

Các Đức Giáo Hoàng Gio an 23 và Phaolô 6 thường ký các văn kiện công đồng Vatican 2 dưới khẩu hiệu Servus Servorum-Tôi Tớ Của Các Tôi Tớ. Các ngài là tôi tớ thực sự, chứ không phải là những khẩu hiệu sáo rỗng: Đầy tớ của nhân dân.

      Noi gương Thầy chí thánh, suốt trong lịch sử Giáo Hội có biết bao thánh nhân đã hiến thân phục vụ, đặc biệt phục vụ những người nghèo khó, bị bỏ rơi. Mới đây, trong đại dịch Kovid 19, người ta vẫn còn thấy môn đệ của Thầy chí thánh hăng say đi vào các hang cùng ngõ hẻm, tìm những người đói khổ để phục vụ. Những gói mì, bát cơm, bó rau, quả trứng làm ấm lòng những người nghèo đói, vô gia cư. Các môn đệ Chúa, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, thiện nguyện viên là những người xung phong đi đầu. Những cá nhân, những đoàn thể khác cũng giúp đỡ những người khốn quẫn, do lòng từ tâm,( cũng phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa). Nhưng môn đệ Chúa Kitô còn hăng say đi giúp đỡ người nghèo là do lời dạy của Thầy chí thánh, do lòng yêu mến Thiên Chúa.Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi. Caritas Christi urget nos.(2 Cr 5,14).

       Nhiều người đã nhìn ra khuôn mặt Chúa Kitô. Họ thấy người Kitô hữu, khác với những gì họ đã được học, được thông tin, tuyên truyền, không phải là những người mê tín, dị đoan, vọng ngoại. Người Ki tô hữu không đóng kịch để quay phim, chụp hình, lên TV, không làm màu, phô trương, khoe mẽ. Họ yêu thương người đau khổ, nghèo khó cách âm thầm, cụ thể, chân thành.

      Và để minh họa cho những lời dạy trên, Chúa Giêsu đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy.Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. (Mc 9,36-37)

      Ở đây, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến khía cạnh bé nhỏ, ít giá trị của em bé. Vì thời Chúa Giêsu, phụ nữ và trẻ em không được đánh giá cao, không được coi trọng.

       Đón tiếp, phục vụ những người bé nhỏ, hèn kém là đón tiếp chính Chúa, là đón tiếp chính Đấng đã sai Ngài.

      Lạy Chúa, xin dạy chúng con, dẫu ở địa vị nào cũng luôn biết phục vụ Chúa nơi những người đau khổ, nghèo đói, theo khả năng của chúng con.

                                                      Nguyễn Đức Lân.