Bài 1
Ds 11,25-29; Mc 9,38-43.45.47-48
Chủ đề: Tính đố kỵ của con người và lòng quảng đại nhưng không của Thiên Chúa.
* Ds 11,29: anh ghen tỵ giùm tôi à? phải chi YAVÊ ban Thần Khí trên toàn dân.
11,25b: YAVÊ lấy một phần Thần Khí trên Môsê mà đặt trên 70 kỳ mục.
* Mc 9,39.40: Đức Giêsu nói với Gioan: đừng ngăn cản người ta, Quả thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
Lời Chúa của Chúa Nhật XXVI B Mùa Thường Niên tiếp tục chủ đề các Chúa Nhật trước: đường lối của Thiên Chúa và đáp trả từ phía con người trước đường lối đó. Khía cạnh được Chúa Nhật XXVI B quan tâm đến đó là TÍNH CÁCH và MỤC ĐÍCH của ân huệ Thiên Chúa trao ban cho con người.
Trong ý định của Thiên Chúa thì ân huệ Chúa trao ban là ân huệ NHƯNG KHÔNG và mang tính phổ quát. MỤC ĐÍCH là để cứu tất cả mọi người. Vì là NHIỆM THỂ của Đức Giêsu, nên mỗi chi thể sẽ chỉ đảm nhận một phận vụ nhất định và vì thế cũng chỉ nhận được những đặc ân thích hợp. Nét đặc thù của các hồng ân không nhằm phục vụ riêng cho cá nhân, cho chi thể đó mà NHẰM BỔ SUNG cho nhau hầu toàn thể nhiệm thể hưởng trọn vẹn ơn cứu độ.
Thiên Chúa quảng đại, bao dung! Dự tính, đường lối của Chúa là như thế! nhưng từ khi sa ngã, con người có khuynh hướng muốn quy tất cả mọi lợi lộc về cho bản thân hoặc cho bè nhóm mình: họ muốn chiếm đoạt hồng ân Thiên Chúa – kể cả muốn chiếm Thiên Chúa – làm của riêng mình để rồi cậy dựa vào đó mà thống trị kẻ khác.
Hệ quả là cá nhân (như trường hợp Giôsuê trong bài 1) hoặc là NHÓM “chúng ta” như 12 tông đồ trong Tin Mừng đã có những phản ứng lạc xa đường Chúa, thậm chí bản thân thành chướng ngại, cản trở hồng ân cứu độ của Thiên Chúa chậm đến với mọi người. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai muốn làm môn đệ Chúa hãy điều chỉnh lại nội tâm, thái độ ứng xử của mình cho phù hợp với ơn cứu độ phổ quát, nhưng không của Thiên Chúa. Riêng Đức Giêsu, trong TIN MỪNG, còn đòi hỏi quyết liệt hơn nữa: tất cả những gì “làm cớ cho anh sa ngã” (tức đi ngược đường lối Chúa) thì phải can đảm dứt bỏ kể cả chặt tay, móc mắt…cách nói quá như thế hàm ý: điều quan trọng là ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI; Muốn thế phải theo đường lối Thiên Chúa ngay từ hôm nay.
Bài đọc 1 kể lại việc Chúa ban Thần Khí cho 70 kỳ mục đã được tuyển chọn để họ trở thành trợ tá giúp Môsê chia sớt gánh nặng phục vụ dân Chúa. Họ được triệu tập tới Lều Hội Ngộ; Thiên Chúa ngự đến, lấy một phần Thần Khí mà Chúa đã ban cho Môsê đặt trên 70 kỳ mục và họ đã trở thành ngôn sứ cộng tác viên của Môsê. Tuy nhiên có 1 sự cố đã xảy ra: có 2 trong số 70 kỳ mục đã được chọn đó, không đến tụ họp tại Lều Hội Ngộ; Thế nhưng họ vẫn được ơn Thần Khí như 68 vị kia. Sự kiện ấy đã được một thanh niên chạy đến báo cho Môsê biết. Giôsuê, người tín cẩn của Môsê có mặt ở đó liền xin Môsê “ngăn cản họ!” (c.28). Nhưng Môsê trả lời: “anh ghen dùm tôi à? phải chi YAVÊ ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (c.29)
Phản ứng của Giosuê bị ông Môsê coi là “ghen”, ganh tỵ. Ghen vì hai lý do: – Anh ta là người thân cận của Môsê mà không được chọn: – kẻ được chọn lại không đến họp mặt tại Lều Hội Ngộ mà vẫn được ơn. Vô tình Giôsuê đã nhốt ơn Chúa vào trong phạm trù tình cảm thân, sơ; đóng khung ơn Chúa vào một nơi chốn dù là lều Hội Ngộ đi nữa; Trong khi đó, ơn Chúa là NHƯNG KHÔNG, được ban cho ai được CHỌN.
Tính phổ quát và nhưng không của ơn Chúa được nhấn mạnh, chuẩn bị cho bài đọc Tin Mừng.
Thật vậy, phần đầu của câu chuyện trong Tin Mừng cũng được cấu tạo với những tình tiết tương tự như trong bài một. Tông đồ Gioan đến thưa với Đức Giêsu về việc ông ấy đã ngăn cản một người làm phép lạ trừ quỷ vì người ấy không thuộc về nhóm theo Đức Giêsu. Đức Giêsu không đồng tình như thế. Người trách Gioan: “đừng ngăn cản người ta!”. Và Người có một cái nhìn đầy thiện cảm đối với những ai CHƯA thuộc về Nhóm của Người, nhưng vẫn sống theo thiện chí ngay lành: Người khẳng định họ là những kẻ “ủng hộ chúng ta”. Trong Đức Giêsu, mọi thiện chí của con người đều được Chúa coi trọng, đáng được Chúa ân thưởng xứng đáng (cc 40.41).
Và Tin Mừng kết thúc bằng một lời ngăm đe nghiêm khắc, đáng sợ. Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm tới là TỪNG CÁ NHÂN của các môn đệ: “…nếu tay ANH…chân ANH…mắt ANH làm anh sa ngã thì hãy chặt chúng đi” Chính mình đừng làm cớ vấp phạm cho bản thân mình. Trong chủ đề phụng vụ hôm nay, cơn cám dỗ muốn chiếm ân huệ của Thiên Chúa, muốn chiếm chính Thiên Chúa làm của riêng mình, dành độc quyền trên Thên Chúa, cản trở những người “ủng hộ” Thiên Chúa nhưng không thuộc về phe mình… bị Đức Giêsu coi là cớ vấp phạm nghiêm trọng, có nguy cơ đưa tới làm mất ơn cứu độ cho chính mình. Do đó Đức Giêsu cảnh cáo rất mạnh “nếu …thì chặt đi, móc đi…để được vào Nước Trời”.
Trong ý định Thiên Chúa, tất cả mọi ơn riêng Chúa ban cho cá nhân này, tập thể nọ đều nhằm mục đích phục vụ ơn cứu độ phổ quát cho mọi người. Dành riêng Chúa cho mình là đi ngược đường lối của Thiên Chúa. Tất cả mọi cái cản trở ơn cứu độ phổ quát đều là cớ vấp phạm. Hãy can đảm loại bỏ để dự tính của Thiên Chúa thành sự nơi chúng ta.
Bài 2
Đừng ngăn cản người ta, vì… quả thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. (Mc 9,39-40).
Phụng vụ Lời Chúa Mùa Thường Niên XXVI B tiếp tục chủ đề của hai Chúa Nhật trước, mời gọi chúng ta suy niệm về đường lối của Thiên Chúa và phản ứng đáp trả từ phía con người trước đường lối đó. Trong hai Chúa Nhật XXIV B và XXV B, Lời Chúa nói trực tiếp đến con đường Thập Giá, đường dâng hiến hy sinh phục vụ; Trong khi đó tư tưởng xâm chiếm đầu óc của các môn đệ lại là tìm an toàn, thụ hưởng, thống trị kẻ khác. Đức Giêsu đang khổ công chỉnh sửa những sai lệch ấy. Lời Chúa hôm nay tiếp tục cho thấy những phản ứng lạc xa đường lối Chúa của những con người được Chúa chọn làm cộng tác viên của Chúa trên con đường cứu độ.
Hai nhân vật nổi bật trong Lời Chúa hôm nay là Giôsuê (bài đọc 1) và Gioan (Tin Mừng). Đứng trước những tình huống đột xuất, bất ngờ, cả hai đều bộc lộ ra một khuynh hướng xấu cơ bản của phận người tội lỗi: đó là ganh tỵ, đố kỵ, khi thấy kẻ khác được hưởng những ân huệ đặc biệt mà bản thân mình không được hưởng.
Nói chung, ganh tỵ (l’envie – The envy) là thái độ khó chịu, buồn bực, tức tối khi thấy người khác có của cải, tài năng, danh vọng, thành công… hơn mình. Ganh tỵ là một trong bảy mối tội đầu. Theo thánh Âu Tinh “ganh tỵ sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác gặp may lành” (Từ điển Công Giáo – Ganh tỵ, sự). Để khắc phục thói cấu này cần có đức ái “yêu người chớ ghen ghét” (Kinh “bảy mối tội đầu”).
Đọc kỹ lại St 3, tội ganh tỵ này đã có trước khi hai nguyên tội phạm tội ăn trái cấm. “Con Rắn” vì ganh tỵ nên mới bày mưu, gài bẫy làm hại con người (x.St 4,3-8; Kn 2,24). Vì vậy thánh Âu Tinh mới coi ganh tỵ là “thói xấu của ma quỷ” (GLHTCG 2539). Rồi sau khi bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, nhân loại bắt đầu sinh sôi nẩy nở, thì tội đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng nhân loại cũng là “ganh tỵ”: Cain ganh tỵ với Aben và đã dẫn tới cái chết của Aben (St 4,1-8).
Chúng ta phải loại trừ sự ganh tỵ ra khỏi trái tim mình… vì khi sự ganh tỵ nổi lên thì việc gì người ta cũng có thể làm (x.2Sm 12,1-4; 1V 21,1-29…), đưa con người tới việc làm tồi tệ nhất: “chúng ta đấm đá nhau, đó là vì sự ganh tỵ võ trang cho chúng ta chống lại nhau… Nếu mọi người đều cố phá rối thân thể Đức Kitô, thì rồi chúng ta sẽ đi tới đâu? Chúng ta đang làm cho Thân Thể của Đức Kitô thành một xác chết…” (Gioan Kim Khẩu) (x.GLHTCG 2540).
Thói xấu này cực kỳ nguy hiểm nó len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc đời, tấn công luôn vào những việc làm thánh thiện nhất: các thừa sai đều ra đi rao giảng Tin Mừng, vậy mà vẫn còn ganh tỵ nhau (Pl 1,15; 2,3; Gl 5,26), vẫn còn chia bè chia phái (1Cr 1,12-13), tranh giành ảnh hưởng, tìm lôi kéo môn đệ về phe mình, chê bai kẻ khác không phải là tông đồ (x.1Cr 9,1-2: chính vì thế mà Phaolô đã viết một đoạn dài để biện hộ cho chức vụ tông đồ của mình 1Cr 9,3-27). Rồi trong việc thiện, việc phục vụ góp phần giúp đỡ các thừa sai… “các thiện nguyện viên” cũng không tránh khỏi xích mích với nhau (x.Pl 4,2-3). Mối hiểm nguy do thói xấu đó mang lại là lớn lao, đe dọa phá tan sự hiệp nhất, chia năm xẻ bảy Nhiệm Thể Đức Kitô (1Cr 1,13-14). Cùng một tâm trạng, thánh Gioan Kim Khẩu cũng la lên…: “…chúng ta xưng mình là một chi thể của cùng một thân thể, vậy mà chúng ta lại xâu xé nhau như những thú rừng” (GLHTCG 2538).
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy niệm về chủ đề này, đồng thời mời gọi nhân loại chỉnh sửa lại tầm nhìn của mình theo đường lối, dự tính của Thiên Chúa.
Bài đọc 1: Ds 11,25-29
Đây là một đoạn văn nhỏ trích từ khối văn chương nói về cuộc hành trình thứ hai trong sa mạc, từ núi Sinai cho đến Cadesh (x.Ds 10,35; và Đnl 9,22-23). Dân Chúa đã có Lề Luật và Hòm Bia đã đồng hành với dân. Tại Cadesh dân đã vào dò thám đất hứa (Ds 13,2); lẽ ra là họ đã phải vào chiếm đất hứa rồi, nhưng vì thiếu lòng tin họ đã không vào (Đnl 9,22-23; Ds 13,30 – 14,4); Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ phạt họ luẩn quẩn ở đó trong sa mạc 38 năm để tẩy luyện dân (Đnl 2,14).
Trong cuộc hành trình hai này, đám dân nô lệ, cứng đầu cứng cổ này tiếp tục làm khổ Môsê, chống lại Thiên Chúa: đòi ăn, nhớ lại thịt cá Ai Cập, họ nói chán Manna rồi (Ds 11,3; 21,5); Họ muốn quay về lại Ai Cập (Ds 14,4). Ngay cả Mariam và Aharon cũng ganh tỵ, chống đối Môsê (Ds 12,1-3) …Giữa bao nhiêu áp lực như thế, Môsê cảm thấy không đủ sức gánh vác trách nhiệm một mình, ông xin được chết (Ds 11,10-15). Thiên Chúa can thiệp, thiết lập hàng kỳ mục để phụ giúp công việc cho Môsê (11,16-17).
* Cách thức Thiên Chúa làm (Ds 11,16-17)
– Truyền Môsê chọn ra 70 kỳ mục
– Đem họ tới Lều Hội Ngộ, đứng chung với Môsê
– Chúa sẽ lấy một phần Thần Khí đang ngự trên Môsê và chia sẻ cho các kỳ mục ấy và họ sẽ cùng với Môsê gánh vác dân.
“Lều Hội Ngộ” (Cha Thuấn dịch là “Trướng Tao Phùng”): đó là một cái lều được Môsê dựng ở bên ngoài khuôn viên dân chúng đóng trại để dân chúng ai muốn thỉnh ý Yavê thì ra đó (Xh 33,7-8). Hòm Bia Thiên Chúa được để trong Lều này. Chỉ có một mình Môsê được vào trong Lều này, dân chỉ đứng từ xa nhìn theo ông thôi. Đây là Đền Thờ di động thời 40 năm sa mạc.
“Kỳ mục” ở đây là những viên chức vừa về mặt dân sự lẫn tôn giáo, được thiết đặt căn cứ trên quyền trưởng tộc đứng đầu một nhà từ đường, một gia đình (hiểu nghĩa rộng bao gồm tất cả những người có chung một ông tổ) hoặc một bộ tộc (x.1V 8,1-3; Tl 8,14.16). Các kỳ mục điều khiển dân, làm cố vấn cho dân và giữ gìn công lý. Có nhiều cấp bậc kỳ mục: của một thành, của một bộ tộc và cao nhất là của một quốc gia (Nouveau dictionnaire biblique – “anciens”).
Yavê ban một phần Thần Khí của Môsê cho các kỳ mục: trong Cựu Ước, mầu nhiệm “Thiên Chúa Ba Ngôi” chưa được mặc khải. Thần Khí được hiểu như là sức mạnh của Thiên Chúa, chỉ được trao ban cho một số người được tuyển chọn như Môsê, Đavit, vua, ngôn sứ… để họ hoàn tất tốt sứ mạng được Chúa trao cho. Ở đây 70 kỳ mục được Yavê ban Thần Khí để họ trợ giúp Môsê trong việc cai trị dân.
* Sự cố: nơi chốn các kỳ mục phải tập họp để đón nhận Thần Khí là “Lều Hội Ngộ” (11,24). Thế nhưng có hai vị là Enđát và Mêđát không đến, vẫn cứ ở trại cá nhân, mà vẫn được nhận ơn Thần Khí và phát ngôn (11,26). Sự cố này khiến cho Giôsuê có phản ứng:
– Ông vội vã đi trình báo sự việc lên cho Môsê (11,27)
– Và bạo gan đề nghị Môsê ngăn cản hai kỳ mục lỗi luật. (11,28)
* Đáp trả của Môsê (11,29)
– Môsê xem “thiện chí” của Giôsuê hàm ẩn hậu ý “ganh tỵ” Giôsuê là người rất thân tín của Môsê ngay từ hồi còn nhỏ (11,28) vậy mà không được Môsê chọn, Giôsuê lại được đặc ân thường xuyên túc trực gần Lều (Xh 33,11b). Chính trong vị thế được ưu đãi như thế, Giôsuê đi “méc” hai kỳ mục.
– Ước gì Yavê ban Thần Khí cho toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ”: hồng ân Chúa ban là để biến đổi tận căn làm con người nên ngôn sứ của Chúa, nói lời Chúa cho thế giới, nối kết mọi người với Thiên Chúa. Hồng ân Chúa ban không nhằm phô trương các việc lẻ tẻ tôn vinh cá nhân, phe nhóm mà là hồng ân xây dựng cộng đoàn và từng bước một trao ban lại cho mọi người, khi đến thời đến buổi, hồng ân mà hiện tại chỉ là một số được thụ hưởng. Tất cả mọi người, trước sau đều đạt tới mức hoàn thiện trong ơn gọi Chúa ban cho mỗi người, có gì đâu mà ganh tỵ.
Thật vậy, điều ước mơ của Môsê chính là dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa sẽ được Người thực hiện vào thời Mêsia (x.Ge 3,1-2). Những gì xảy ra ở đây, sẽ được gặp lại trong bài đọc Tin Mừng.
TIN MỪNG: Mc 9,38-43.45.47-48
Bản văn phụng vụ của bài đọc Tin Mừng hôm nay không có câu 44 và 46. Vì nội dung hai câu đó chỉ cùng một nội dung với câu 48 và các thủ bản quan trọng cũng không ghi lại hai câu đó, nên ở đây cũng không giữ lại.
Bài đọc hôm nay là đoạn tiếp theo ngay sau đoạn được đọc trong tuần trước, nói lên phản ứng của các môn đệ trước mặc khải Thập Giá lần thứ hai của Đức Giêsu, và những điều Người chỉnh sửa dành riêng cho các ông. Khi nghe Thầy loan báo Thập Giá lần thứ hai (9,30-31), các môn đệ chẳng hiểu gì nhưng không dám hỏi lại cho rõ (9,32), có lẽ rút kinh nghiệm từ việc Phêrô bị mắng là Satan. Đã thế, các ông còn đi sâu thêm vào những sai trái của mình qua hai thái độ mang tính bè phái, tranh giành đặc quyền đặc lợi:
-
Nội bộ: các ông tranh nhau xem ai lớn nhất, nhưng không dám cho Đức Giêsu biết. Người phải vạch mặt, điều chỉnh, sửa sai (9,33-37: Mùa Thường Niên XXV B)
-
Đối ngoại: tính bè phái, cuộc bộ được biểu lộ qua thái độ ganh tỵ, dành đặc quyền cho phe nhóm mình của Gioan (9,38) – Đức Giêsu lại phải dạy dỗ, điều chỉnh (9,39-40) rồi giáo huấn thêm về nhiều vấn đề (9,41-50).
Tin Mừng hôm nay trích đọc phần “đối ngoại”, bỏ hai câu 49.50. Nội dung chính là lời dạy dỗ của Đức Giêsu trước thái độ ganh tỵ, bè phái của Gioan.
1/ Sự kiện (9,38-39)
Phải đặt sự kiện ganh tỵ này trong bối cảnh gần của Tin Mừng Marcô. Đức Giêsu đang nỗ lực đào tạo riêng, thêm cho Nhóm Mười Hai… Thế nhưng sau biến cố Hiển Dung, các ông “không có sức” trị nổi “thằng quỷ con”; Đức Giêsu phải dạy các ông bí quyết “cầu nguyện” (9,14-29), rồi báo thương khó lần hai (9,30-31); Các ông không hiểu, thay vì “cầu nguyện” như Đức Giêsu dạy (9,29) hoặc thỉnh ý Đức Giêsu (9,32) thì các ông lại sử dụng sức con người tranh giành địa vị với nhau, nội bộ xáo tung lên, cá nhân nép mình lại thinh lặng che dấu cái sai của mình (9,34). Và giờ đây, đứng trước một thực tế đáng xấu hổ, lẽ ra phải tự xét mình thì lại “diệu võ dương oai” trấn át kẻ khác.
* Cách hành xử của Gioan 9,38
– Sự kiện là có một người không thuộc về Nhóm Mười Hai lại làm được một việc mà không ai trong nhóm có sức làm: nhân danh Đức Giêsu trừ quỷ và thành công.
– Tự ái, ganh tỵ, cả nhóm (“chúng con”) đã cố gắng cản anh ta làm công việc tốt đẹp ấy. Ở đây tính bè phái nổi bật hẳn lên: cả nhóm làm sai lại còn muốn kéo Đức Giêsu hùa vào với họ nữa. Do đó Gioan mới đi méc Đức Giêsu tưởng rằng sẽ được Người ủng hộ. Chi tiết này hoàn toàn ăn khớp với lối ứng xử của Giôsuê trong bài đọc 1, bị Môsê cho là GANH TỴ.
Đặc ân Chúa trao ban là để PHỤC VỤ (9,35) và ĐÓN NHẬN kẻ bé mọn (9,36) mà Đức Giêsu vừa mới dạy, các ông đã quên mất. Một khi trốn chạy Thập Giá thì cung cách ứng xử của Con Rắn (tranh hơn thua, ganh tỵ) sẽ thống trị hồn ta.
*Phản ứng tức thời của Đức Giêsu (9,39a)
“Đừng ngăn cản người ấy”. Như vậy đối với Đức Giêsu, cách hành xử của Gioan là sai (so với Môsê trách Giôsuê trong bài 1). Rõ ràng “tư tưởng” của Gioan (so Mc 8,33c), thực ra là của cả Nhóm không là “tư tưởng” của Thiên Chúa. Cùng một tội như Phêrô, nhưng giờ đây được tỏ lộ ra trên bình diện tập thể. Đây không phải là cơn cám dỗ riêng cho cá nhân nào, mà là một điểm yếu của nhân loại sau khi nguyên tổ sa ngã. Chúng ta có thể nêu lên những chuyện cụ thể trong Kinh Thánh để minh họa: Cain – Aben (St 4,1-8); các con của Giocóp – Giuse (St 37); Giosuê – hai kỳ mục (Ds 11,29); Bà Miriam và ông Aharon – Môsê (Ds 12,2); Saolê – Đavit (1Sm 18,8-9); và chóp đỉnh cái ác của ganh tỵ là các Thượng Tế – Đức Giêsu (Mc 15,10; Mt 27,18).
2/ Giáo huấn giải thích của Đức Giêsu (9,39b-41)
Đức Giêsu đưa ra ba lý do giải thích câu 39a: Thật vậy trong bản văn hi lạp, cả ba câu 39b, 40, 41 đều mở đầu bằng từ “gar” có nghĩa là “bởi vì”, “quả thế”. Do đó có thể coi 9,39b-41 là những lý do giải thích tại sao “đừng ngăn cản người ấy”.
*Vì không có ai nhân danh Thầy… (39b): câu này nhấn đến tương quan với cá nhân Đức Giêsu. Đức Giêsu cho thấy trọng tâm của vấn đề không nằm ở một sự kiện (phép lạ) mà là ở mối tương quan với Đức Giêsu: dù chưa hoàn toàn thuộc về Đức Giêsu như Nhóm Mười Hai, nhưng người này không thể là kẻ chống đối Đức Giêsu được. Chẳng những thế, đã có người được cứu khỏi quỷ nhờ người này nhân danh Đức Giêsu. Phải chăng đây là nền tảng của việc Giáo Hội cho phép các người ngoại giáo, dù bản thân chưa tin Đức Giêsu, nhưng có biết về Người, biết phép rửa Công Giáo, vẫn được phép cử hành bí tích rửa tội cho những ai nguy tử muốn gia nhập Công giáo (GLHTCG 1256).
*Vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta (40)
Lời giáo huấn này nhấn mạnh tới khía cạnh hiệp thông trong cộng đoàn. Thành phần dân Chúa đa dạng, nhưng chỉ được điều động bởi một Thần Khí vì lợi ích chung của toàn thể (1Cr 12). Do đó thái độ phân biệt, ganh tỵ của Gioan sẽ là đầu mối đưa tới chia rẽ nội bộ giữa những người đã có chút hiểu biết nào đó về Đức Giêsu và đã tin vào Người (x.1Cr 1,12-13). Thái độ ganh tỵ, khuynh hướng muốn độc chiếm Đức Giêsu và tham vọng ngăn cản kẻ ngoài Nhóm cậy dựa vào Đức Giêsu đã ngăn cản việc loan truyền danh Chúa và khu trừ mà quỷ (Nhóm Mười Hai trừ quỷ chưa được, nhưng thấy người ta làm được thì lại cấm: quỷ mở tiệc ăn mừng) và cũng là phá hoại sự hiệp thông trong Giáo Hội nữa. Trong tầm nhìn hiệp thông toàn Nhiệm Thể như thế thì mọi hành vi khống chế quyền lực ma quỷ, mọi hoạt động mang lại hạnh phúc cứu độ cho tha nhân đều là hành vi ủng hộ Đức Giêsu, cộng tác với đoàn môn đệ thi hành sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu.
*Vì ai cho anh em uống một chén nước…(41)
Lời giáo huấn này mời các môn đệ nhìn việc làm của người bên ngoài Nhóm dưới ánh sáng của Mc 9,37 trước đó: làm một việc thiện gì cho ai (“đón tiếp”: c.37; “trừ quỷ”: c.38; “cho chén nước”: c.41) mà NHÂN DANH (cả ba câu đều dùng từ “onomati” = “tên”) Đức Giêsu là làm cho chính Chúa. Như vậy người trừ quỷ kia đã làm một việc thiện cho đoàn môn đệ. “Cho uống một chén nước thôi” mà còn có phần thưởng thì huống chi làm cả một phép lạ trừ quỷ. Vậy “đừng ngăn cản người ấy”.
TÓM: thay vì ganh tỵ, loại trừ, Đức Giêsu mời môn đệ hoán cải sống mầu nhiệm hiệp thông, đón tiếp, phục vụ nhau như các chi thể và thân thể phục vụ hiệp thông với nhau, tất cả vì lợi ích của toàn Nhiệm Thể.
3/ Giáo huấn cảnh cáo (9,42-48)
a/ Nếu tách đoạn này ra khỏi văn mạch, có thể hiểu tổng quát:
*Đừng làm cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn… (42). “Kẻ bé mọn” ở đây là những kẻ đã tin vào Đức Giêsu nhưng còn “bé nhỏ” trong đức tin nghĩa là đức tin còn yếu kém. Để hiểu cụ thể, ta mượn thực trạng của các cộng đoàn của Phaolô. Thánh Phaolô cho ta biết có nhiều loại Kitô hữu trong các giáo đoàn và họ có ảnh hưởng trên nhau: những người có trí tri có thể trở thành cơ hội sa ngã cho những kẻ yếu kém muốn bắt chước họ dù không có trí tri như họ (x.1Cr 8,7-13; 9,22; 10,24-29; Rm 14,1-23). Khi phạm đến người anh em và làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ như thế là đã có tội phạm đến Đức Kitô (so với Mc 9,37.41; x.1Cr 8,12). (x.Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật B trang 503).
* Đừng làm cớ vấp phạm cho chính bản thân mình (43.45.47): lời dạy nhằm chống lại các dịp tội cách dứt khoát cắt bỏ liên hệ với tất cả những gì có thể gây cớ vấp phạm cho mình. Vấn đề không nằm ở hành vi cụ thể mà là ở ý nghĩa của hành vi ấy trong tương quan với Đức Giêsu và với phần rỗi của bản thân. Chắc chắn, Đức Giêsu không muốn thiên đàng là nơi toàn những người khuyết tật mù, què, điếc… Hạnh phúc thiên đàng phải là trọn vẹn, hoàn chỉnh. Mặt khác, việc cắt bỏ các chi thể không loại trừ được nguy cơ phạm tội.
Bài học khá rõ: điều Đức Giêsu mang đến cho chúng ta là Nước Thiên Chúa kèm theo lời mời chọn lựa: sẵn sàng đánh đổi tất cả để được Nước Thiên Chúa.
b/ Còn nếu ta đọc đoạn này trong văn mạch Đức Giêsu trả lời cho thái độ ganh tỵ của Gioan thì lời giáo huấn khuyên môn đệ bằng mọi giá phải loại tính ganh tỵ ra khỏi cộng đoàn lẫn cá nhân. Nó là căn nguyên của mọi hiểm họa cho kẻ bé mọn lẫn người mạnh khỏe.
Để khắc phục được tật xấu này và lòng ham thống trị, tranh giành hơn thua (9,34), “đường Thập Giá” là giải pháp triệt để. Vì từ chối Thập Giá, các môn đệ đã là “mồi ngon” cho các thảm họa trên. Hãy thay thế óc thống trị bằng tinh thần phục vụ đón nhận nhau. Hãy chặt bỏ tay chân “đố kỵ”, hãy móc bỏ cặp mắt “ghen tương” và thay vào bằng tình bác ái kitô giáo: làm mọi sự vì Đức Kitô, vì ơn cứu độ phổ quát của toàn Nhiệm Thể.
Ds 11, 25-29 MTN 26 B Mc 9,38-43.45.47-48
TÌM HIỂU 2 BÀI BỌC
Chủ điểm phụng vụ:
Lời Chúa hôm nay tiếp tục mời tín hữu đi sâu hơn vào chủ đề: đường lối cứu độ của Thiên Chúa và thái độ đáp trả tiêu cực từ phía con người. Đúng hơn đó là những phản ứng bộc trực, tức thời, tiền suy tư làm lộ ra cái bản chất đố kỵ, bè phái, ích kỷ tự nhiên của 1 nhân loại bị tội lỗi chế ngự.
Trong Chúa Nhật 26B, “đường lối Thiên Chúa” được biểu lộ cụ thể qua việc Thiên Chúa rộng rãi thông ban hồng ân cứu độ, cho mọi người thiện chí được thông hiệp với quyền năng cứu độ của Người, không hề bị ràng buộc vào nơi chốn, phe nhóm, đơn vị…Tính phổ quát của ơn cứu độ được đề cao. Mọi ân huệ được trao ban đều nhằm đến việc phục vụ cho ơn cứu độ phổ quát cho mọi người.
Tuy nhiên trong tương quan với thân phận làm người của chúng ta, cách thức hành động cụ thể được Thiên Chúa áp dụng để thực thi dự tính cứu độ phổ quát lại là TỪNG BƯỚC MỘT nghĩa là từ từ tiến hành theo từng giai đoạn lịch sử: Chúa không dùng quyền năng thần linh của Người để chỉ cần phán một lời là tất cả mọi người đều tức khắc có ngay một đức tin hoàn hảo cùng một lúc và như nhau. Vì thế trong thực tế, phải có người được ơn trước, kẻ được ơn sau; Và ai có được trước phải trở thành cầu nối, ống dẫn đem ơn Chúa cho những kẻ chưa có. Đó là đường lối của Thiên Chúa.
Thế nhưng kể từ khi tổ tông sa ngã, tầm nhìn của nhân loại bị biến chất, con người chỉ biết tìm an toàn, phần hơn cho mình, chỉ nghĩ tới quyền lợi bè nhóm, tệ hơn nữa là chỉ còn nghĩ tới bản thân (bất kỳ ai, kể cả cha mẹ con cái… nếu làm tổn hại đến quyền lợi cá nhân, phe đảng là triệt luôn). Hai bài đọc hôm nay cho thấy một phần thực tại đáng buồn trên: kể cả những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn (Giôsuê trong bài 1) và các môn đệ là những người đã được Đức Giêsu tuyển chọn để kế nghiệp của Người, lại cũng rơi vào cơn cám dỗ tạo phe lập nhóm muốn dành độc quyền ơn Chúa cho cá nhân, phe phái của mình gây cản trở đáng kể cho tiến trình loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi các môn đệ Đức Giêsu phải điều chỉnh lại lối suy nghĩ, cách ứng xử của mình sao cho phù hợp với tính phổ quát của ơn Thiên Chúa cứu độ.
Bài đọc 1 thuật lại việc Yavê lấy một phần Thần Khí đang đậu trên Môsê chia sẻ cho 70 kỳ mục đã được tuyện chọn để trợ giúp Môsê trong việc cai trị, dẫn dắt Dân. Một sự cố xảy ra là trong khi Yavê trao ban Thần Khí tại Lều Hội Ngộ, thì có hai kỳ mục không có mặt, họ vẫn ở lều riêng, tuy vậy họ vẫn nhận được Thần Khí nên đã mở miệng tuyên sấm như ngôn sứ. Điều đó khiến cho cậu thanh niên Giôsuê ganh tỵ, đi tố cáo với Môsê. Tuy nhiên Môsê điều chỉnh lại cái nhìn của Giôsuê bằng một lời mà ý nghĩa của nó vượt quá tầm nhìn của thời ấy: “Phải chi Yavê ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ”.
Điều Môsê mơ ước được Thiên Chúa thực hiện trong Tân Ước, nhờ Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: Có một người không thuộc Nhóm Mười Hai đã nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ và thành công, trong khi đó các tông đồ không trừ được quỷ (x.Mc 9, 14 -18). Điều này khiến Nhóm Mười Hai bực tức, nhất là Gioan, nên ông đã ngăn cản người ấy và lại còn đến méc với Đức Giêsu mong rằng Người sẽ đồng tình với ông. Nhưng thật bất ngờ, Đức Giêsu đã tuyên bố “đừng ngăn cản người ta… Ai không chống lại là người ủng hộ chúng ta”.
Bài đọc Tin Mừng kết bằng lời dạy của Đức Giêsu cho các tông đồ: đừng làm gì gây ngăn trở cho sự phát triển hồng ân cứu độ; Bất cứ điều gì gây cớ sa ngã thì hãy can đảm loại bỏ đi kể cả một phần của thân thể mình.
Noi gương Đức Giêsu, vì hồng ân cứu độ phổ quát cho mọi người nên Giáo Hội đã cho phép mọi người, dù không là công giáo, có ý ngay lành và biết cách cử hành nghi thức rửa tội đúng quy định của Giáo Hội thì đều có thể rửa tội cho những người đang nguy tử ao ước chịu phép rửa. Và bí tích THÀNH SỰ.
BÀI ĐỌC I: Ds 11, 25 – 29
Văn mạch:
Thuộc phần trình thuật nói về giai đoạn hai của hành trình sa mạc: Từ Sinai cho đến Cadesh. Ngựa quen đường cũ, Dân lại kêu ca chống đối khiến Chúa nổi giận phạt Dân, nhưng vẫn chịu đựng đáp lại những đòi hỏi của dân: ban Manna (Ds 11,1-9) và chim cút (11,18-23.31- 35). Đến ch 12, Mariam và Aharon cũng ganh tị chống đối Môsê (12,1-3); Chúa bênh vực Môsê, phạt Mariam, Aharon phải nhận lỗi (12,4-12); Môsê lại phải cầu xin Chúa tha thứ cho 2 người (12,13- 16). Đến chương 13, dân tới Cadesh, được sai đi dò thám đất và một dịp nữa cho thấy sự cứng lòng, thiếu tin tưởng của dân.
Giữa những tiêu cực trên của dân, sách Dân số chèn vào một trình thuật nói về phản ứng tiêu cực của Môsê: thấy không kham nổi, nản lòng, xin chết (11,10-15) và Thiên Chúa đã can thiệp thiết lập hàng kỳ mục để phụ giúp Môsê bằng cách thông ban cho họ 1 phần Thần khí mà Chúa đã ban cho Môsê (11,16-17).
Bài đọc 1 chính là phần tiếp theo, thuật lại những điều xảy ra trong biến cố thông ban thần khí cho các kỳ mục (11,24-30).
CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH
-
Thần Khí được thông chia cho các kỳ mục (Ds 11,25-26)
-
ban Thần Khí: Yavê đến, nói chuyện với Môsê, rồi lấy Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên 70 kỳ mục (25ab)
-
dấu chỉ được đầy Thần Khí: các ông phát ngôn ngay lúc ấy nhưng về sau không tái diễn (25c)
-
trường hợp bất thường: Enđát và Mêđát thuộc nhóm 70 nhưng không đến họp ở Lều Hội Ngộ, nhưng Thần Khí vẫn ngự xuống trên họ và họ tuyên sấm (26)
Lều Hội Ngộ: là lều trong đó có đặt Hòm Bia. Đó là nơi Chúa đến gặp Môsê và dân.
Kỳ mục là những viên chức vừa về mặt dân sự lẫn tôn giáo, được thiết đặt căn cứ trên quyền trưởng tộc đứng đầu một nhà từ đường, một gia đình (hiểu nghĩa rộng gồm tất cả những người có chung một ông tổ) hoặc một bộ tộc (1V 8,1-3; Tl 8,14.16). Các kỳ mục điều khiển dân, làm cố vấn cho dân và gìn giữ công lý. Có nhiều cấp bậc kỳ mục: của 1 thành, của 1 bộ tộc và cao nhất là của 1 quốc gia (Nouveau dictionnaire biblique – “anciens”).
Thần Khí: trong Cựu Ước, mầu nhiệm Ba Ngôi chưa được mặc khải.
Thần Khí được hiểu như là một sức mạnh của Thiên Chúa chỉ được trao ban cho một số người được tuyển chọn như Môsê, Đavít, các vua, ngôn sứ… để họ thực thi sứ mạng Chúa trao cho họ. Đó là một bảo chứng rằng sứ mạng chắc chắn sẽ thành công. Người được chọn một khi đi ngược đường Thiên Chúa thì sẽ bị rút lại Thần khí (1Sm 16,13-14) như trường hợp vua Saolê. Khi thời Mêsia đến, dấu chỉ giúp nhận ra là Thần khí được trao ban rộng rãi cho mọi người (Ge 3, 1- 3). Đến Tân Ước, nhờ Đức Giêsu, Thần khí được mặc khải là Ngôi Ba Thiên Chúa và được ban rộng rãi cho tất cả tín hữu Kitô (Cv 2).
Biến cố được bài 1 mô tả hôm nay (Thần khí được ban cho 70 kỳ mục, kể cả cho 2 vị không tụ họp tại Lều Hội Ngộ) là một dọn đường cho tính phổ quát của hồng ân Thần khí: “Phải chi Yavê ban Thần khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ’.
Mục đích của việc ban Thần khí là để có người phụ giúp Môsê trong việc cai trị dân, Sách Ngũ Thư kể lại việc này hai lần:
– Lần 1 mang tính cơ cấu, tổ chức đời trong Xh 18,23-26: chính Giêtrô, người Mađian, nhạc phụ của Môsê, nhận thấy Môsê bị quá tải trong công việc xét xử cai trị dân, nên khuyên Môsê “ chọn những người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính, thì đặt họ làm chỉ huy: điều khiển 1000, hay 100, hay 50, hay 10 người”. Họ sẽ giải quyết những việc thông thường, chừng nào có gì lớn, Môsê mới can thiệp. Cách chọn người cộng tác theo lối này phản ánh môi trường cung đình, tổ chức cộng đoàn để cai trị dân cho hợp lý. Chi tiết này cũng cho thấy ảnh hưởng của Mađian đối với việc tổ chức dân (CGKPV – Ngũ Thư – trang 210 nốt “m”)
– Lần 2 ở đây Ds 11,25- 29 mang đậm nét đặc sủng ngôn sứ: Môsê than thở với Thiên Chúa về những khó khăn trong sứ vụ cai trị dân, về sự cứng lòng của dân luôn kêu ca đòi hỏi làm ông chịu không thấu. Chính Yavê khuyên Môsê chọn những người trợ tá: tiêu chuẩn chọn lựa không phải là tài năng đạo đức như trong Xh 18,21, nhưng là do ơn gọi (kỳ mục là những người được thiết đặt sẵn trong cơ cấu chi tộc của dân Chúa) và được Thiên Chúa ban Thần khí và họ tuyên sấm. Các chi tiết trên cho thấy bản văn này được soạn thảo trong môi trường ngôn sứ.
– Trường hợp của Enđát và Mêđát cho thấy ân tặng Thần khí không lệ thuộc vào nơi chốn; nhưng cũng không phải là ân ban tình cờ. Ân đó chỉ được thông ban cho những người đã được Thiên Chúa chọn qua trung gian của Môsê (TOB). Chi tiết này cho thấy sự tự do của Thần Khí. Tóm lại Thần Khí được trao ban cho mỗi người là vì lợi ích chung của toàn nhiệm thể (1Cr 12,7).
– Cách thức Yavê trao quyền cho các kỳ mục: Người lấy Thần khí đang đậu trên Môsê và đặt trên 70 kỳ mục. Điều này hàm ý:
– chỉ có 1 Thần Khí, 1 cội nguồn sứ vụ, 1 sức mạnh thần linh
– Các kỳ mục chỉ thông phần Thần Khí mà Yavê chỉ ban riêng cho Môsê để ông giải cứu dân và hướng dẫn đưa dân về Đất Hứa, chứ không nhận một Thần Khí nào mới trực tiếp từ Thiên Chúa. Vậy các kỳ mục cũng phải hoàn tất cùng 1 sứ vụ với cùng 1 thần lực như Môsê bằng cách chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm với ông, đồng thời lệ thuộc vào ông, theo cùng đường lối như ông.
– Dấu chỉ được đầy Thần Khí là các ông tuyên sấm, tuy nhiên về sau không tái diễn nữa. Điều này chắc là muốn nói ơn Thần khí chỉ lãnh nhận vào 1 thời điểm nhất định và chỉ 1 lần thôi thì cũng đủ để các ông thi hành sứ mạng cộng tác viên với Môsê rồi.
– Tiền ảnh chức linh mục trong Tân Ước: qua các yếu tố trình bày trên, truyền thống Kitô giáo luôn so sánh việc phân phát Thần Khí ngự nơi Môsê cho 70 kỳ mục với việc linh mục đoàn được thông dự vào chức tư tế của Giám mục, vào 3 chức vụ tư tế, hoàng vương và ngôn sứ của Người (x. Paroles sur le chemin B p. 420).
2) Phản ứng của phàm nhân và sự điều chỉnh lại của Môsê, người của Chúa (Ds 11, 27 – 29b)
-
Một thanh niên thông tin về sự kiện phát ngôn của hai ông Enđát và Mêđát (27); Giosuê người từ bé đã theo hầu Môsê phản ứng: xin Môsê ngăn cản hành vi của 2 ông (28)
-
Điều chỉnh của Môsê:
-
Trách thái độ ganh tị của Giosuê: anh ghen dùm tôi à? (29a)
-
Điều chỉnh lại: “Ước gì Yavê ban Thần khí cho toàn dân… để họ đều là ngôn sứ” (29b)
-
Nguyên do khiến Môsê dám ao ước như vậy: “vì Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ” tức trên các kỳ mục kể cả 2 người không đến Lều Hội Ngộ.
Lời đề nghị của Giôsuê (c.28) bị Môsê coi là ganh tị. Ganh tị là do ta thấy người khác được hưởng điều mà ta mong ước nhưng không được. Tội này có trước cả tội nguyên tổ của loài người. Satan ganh tị với hạnh phúc con người nên dụ con người đi vào chỗ chết (St 3,4: Kn 1,24a); Rồi cũng vì ganh tị mà Cain giết Abel (St 4,1-8); các con của Giacob muốn giết Giuse; Saolê muốn giết Đavít… Ở đây Giosuê không muốn cho Enđát và Mêđát được hưởng ân huệ Thần khí và ngôn sứ chỉ vì 2 ông này không có mặt ở Lều Hội Ngộ. Khuynh hướng bảo vệ những người bám vào nơi tế tự bị chống đối. Nét đặc sủng, ngôn sứ được nổi bật ở đây.
Lời điều chỉnh của Môsê hé mở mặc khải chung cuộc của Thiên Chúa là sẽ ban rộng rãi Thần khí của Người cho toàn dân để tất cả đều trở nên ngôn sứ của Người (Ge 3,1-2). Và thực tế, qua mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã rộng ban Thánh Thần trên toàn thể dân Kitô, và mọi Kitô hữu đều lãnh nhận 3 chức vụ tư tế, hoàng vương và ngôn sứ của Đức Kitô nhờ phép Rửa.
TÓM KẾT:
Để giúp Môsê giải quyết những bế tắc trong việc quản cai dân Chúa, Chúa đã đề ra phương thức trợ giúp Môsê. Nhưng sự trợ giúp này không là 1 giải pháp thần linh làm thay cho con người: Chúa giúp Môsê khai thác tiềm năng của chính dân Chúa để cộng tác với ông: chọn các kỳ mục trong dân, rồi Chúa sẽ thánh hiến ban Thần khí cho họ trở thành ngôn sứ công tác viên của Môsê
Phản ứng của Giosuê trước trường hợp của Enđát và Mêđát giúp ta nhận ra sự tự do của Yavê và của Thần Khí Người, và tất cả hồng ân được trao ban đều để phục vụ chương trình cứu độ của Chúa, phục vụ phần rỗi dân Chúa. Đừng ganh tị! Hãy thanh thản nhận ra hồng ân Thiên Chúa nơi tha nhân để tạ ơn Chúa, đón nhận nhau, cộng tác với nhau.
Lời đáp của Môsê hé mở tính phổ quát của ơn Thần Khí và ngôn sứ. Điều này sẽ nên hiện thực trọn vẹn trong Đức Giêsu.
Người của Chúa phải luôn tỉnh táo nhận ra và khai thác hồng ân của Chúa được đặt để trong công trình sáng tạo, trong cấc biến cố thời đại; luôn tôn trọng tuân giữ nghiêm túc các luật lệ, thể chế; nhưng không bị gò bó trong bất kỳ cơ cấu nào. Tất cả vì danh Chúa cả sáng, vì ơn cứu độ nhân loại. Tất cả là công cụ. Luôn mở lòng cho Thần Khí tự do của Chúa, can đảm tuân theo và quảng đại cộng tác.
TIN MỪNG: Mc 9, 38-43. 45. 47-48
Văn mạch
Phần 2 của Tin Mừng Maccô được mở đầu bằng lời loan báo thập giá và việc này được lặp lại tới ba lần. Cứ mỗi lần như thế, Maccô lại cho thấy phản ứng tiêu cực của các tông đồ, rồi Đức Giêsu phải điều chỉnh và giáo huấn thêm (x. CN 25B)
Khi nghe loan báo thập giá lần 2 (9, 30-31), các môn đệ chẳng hiểu gì, nhưng vì sợ không dám hỏi lại (9,32); và sự vô tri về thập giá còn được tô đậm thêm bằng hai thái độ mang tính bè phái, tranh đặc quyền đặc lợi;
– tranh giữa các ông xem ai lớn nhất, Đức Giêsu phải điều chỉnh, dạy dỗ (9, 33-37)
– tính bè phái, cuộc bộ được biểu lộ qua thái độ ghen tị, dành đặc quyền của Gioan (9, 38). Đức Giêsu lại phải điều chỉnh (9, 39-40) và đưa thêm một loạt các giáo huấn về nhiều vấn đề (9, 41-10, 31)
Tin Mừng hôm nay trích đọc thái độ ganh tị của Gioan, việc điều chỉnh của Đức Giêsu và lời giáo huấn của Người về phục vụ (9,41), về thái độ phải có quyết liệt chọn lựa Nước Trời cho dù phải hy sinh một phần thân thể (9,42-48). Hai câu 44 và 46 có nhiều dị bản không có, bản văn phụng vụ cũng không sử dụng.
CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH
-
Thái độ phe phái cục bộ của Gioan trước việc trừ quỷ của một người lạ (Mc 9,38).
-
Có người nhân danh Đức Giêsu trừ quỷ
-
Phản ứng của Gioan: CHÚNG CON đã CỐ ngăn cản
-
Lý do: người ấy không theo chúng ta
Trong Giáo hội tiên khởi, có nhiều trường hợp trừ quỷ Nhân danh Đức Giêsu, nhưng họ đã thất bại (Cv 19,13-16). Điều này hàm ý người ta không thể lạm dụng Danh Đức Giêsu như 1 công thức phù chú. Trái lại, ở đây việc trừ quỷ thành công. Điều này có nghĩa là người trừ quỷ ấy có được 1 đức tin nào đó với Đức Giêsu, có sự gắn bó tối thiểu nào đó với Người để có thể nhân danh Người và thành công. Như vậy, có rất nhiều cách để liên kết với Đức Giêsu và với cộng đoàn các môn đệ Người, điều cần là đừng cố ý chống lại Đức Giêsu.
Tuy nhiên nhân danh Chúa chỉ để làm việc này việc nọ thì chưa đủ để thuộc về cộng đoàn cứu độ chung cuộc của Chúa (Mt 7,22-23); Điều quan trọng là thể hiện ý Cha (Mt 7,21). Nhân danh Chúa cũng chưa đủ để kết hiệp với Đức Giêsu cách mật thiết, nếu không tin vào mầu nhiệm Nhập thể của người, đây là tiêu chuẩn phân biệt ngôn sứ thật hay giả (1 Ga 4,1-3) (ngôn sứ là người hoạt động nhân danh Chúa, thế nhưng có những ngôn sứ giả mạo nhận nhân danh Chúa, nên cần có chuẩn mực phân biệt).
Có lẽ vì chỉ thấy vài hiệu năng bên ngoài (trừ quỷ, làm vài phép lạ…tuy nhiên ở mức độ sơ đẳng các pháp sư dân ngoại cũng làm được vài dấu lạ bên ngoài: Xh 7,11-12a.22), lại thêm lòng ganh tỵ vì thấy nhóm của mình không làm được việc trừ quỷ như thế (Mc 9,14-29) nên Gioan đã cấm cản người kia.
Ngôn từ là của cá nhân Gioan, nhưng Marcô trình bày như là lời đại diện cho cả nhóm: Chúng con; lý do là vì người ấy không thuộc phe chúng ta: khuynh hướng muốn độc chiếm Chúa làm của riêng mình. Nhìn một góc cạnh khác, đó là thói bè phái mà chúng ta gặp thấy trong cộng đoàn Côrintô (1Cr 1,12). Vậy bài học là môn đệ Chúa phải có lòng quảng đại, khoan dung.
-
Điều chỉnh của Đức Giêsu (Mc 9,39-40)
* Phủ nhận hành vi của Gioan: “đừng ngăn cản người ta”
* Lý do trong nố cụ thể của Gioan: người ta không thể nói xấu về
Đức Giêsu ngay sau khi vừa nhân danh Người mà làm phép lạ.
* Tổng quát hoá vấn đề: “quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”
Lời trách của Đức Giêsu cho thấy hành vi của Gioan là sai trái. Và qua phần đầu của câu đáp, Đức Giêsu đã cho thấy trọng tâm của vấn đề không nằm ở việc làm phép lạ, nhưng là ở tương quan với Đức Giêsu: dù chưa hoàn toàn thuộc về Đức Giêsu như Nhóm Mười Hai, nhưng người này không thể là kẻ chống đối Đức Giêsu. Ở đây Marcô đề cập tới mức độ thấp nhất: chỉ mới biết Đức Giêsu, để có thể “lấy danh nghĩa Người” và không chống lại Đức Giêsu, không nói xấu về Người. Vấn đề chính là vì ích lợi của tha nhân: giải cứu con người khỏi ách của quỷ. Phải chăng đây là nền tảng của việc Giáo Hội cho phép người ngoại giáo, bản thân không tin Đức Giêsu, nhưng biết Người, biết Phép rửa Công giáo, được phép rửa tội cho những ai nguy tử muốn gia nhập Công Giáo (Sách Giáo Lý của GH Công Giáo số 1256).
“Ai không chống lại chúng ta, là ủng hộ chúng ta”: đây là một lời tích cực và lạc quan. Lời này dường như mâu thuẫn với Lc 11,23 và Mt 12,30: Ai không đi với Ta tức là chống lại Ta, và kẻ không cùng Ta thu họp tức là làm tan tác. Cả 2 đều nằm trong khung cảnh trừ quỷ. Tuy nhiên ở Luca và Matthêu thì người thực hiện phép lạ là chính Đức Gêsu và các Biệt Phái đã phản ứng bằng lời vu khống: Đức Giêsu trừ quỷ bởi Beelzeboul. Đó là thái độ chống đối của biệt phái ganh tị với chính Đức Giêsu (Ta). Còn nơi Marcô, người làm phép lạ là người không thuộc Nhóm Mười Hai, nhưng anh ta biết, tin vào Người, không chống đối Người và kẻ ganh tị lại là Nhóm Mười Hai (Chúng tôi) mà Gioan là đại diện: Ở đây mang tính chia rẽ nội bộ giữa những người đã có chút hiểu biết nào đó về Đức Giêsu và tin vào Người. So sánh hai câu nói của Đức Giêsu trong Mc 9,40 và Lc 11,23; Mt 12,30, ta có thể kết luận rằng lời Đức Giêsu điều chỉnh Gioan hàm ý thái độ ganh tị của Gioan tương đương với thái độ chống lại Người. Vì sự ganh tị ấy ngăn cản việc loan truyền danh Chúa và khu trừ ma quỷ; và cũng là chống lại sự hiệp thông trong Giáo Hội nữa (chúng ta): “khuynh hướng muốn độc chiếm Chúa Giêsu của họ và tham vọng ngăn cản kẻ ngoài nhóm cậy dựa vào Người biểu lộ một ý chí quyền lực đối nghịch trực tiếp với thái độ của vị Thầy đang tiến dần đến cái chết…(Jean Delorme, Assemblées du Seigineur 57 xem Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm B tr. 500).
-
Đối với thái độ độc quyền, Đức Giêsu giáo huấn phải phục vụ:
-
Dù chỉ cho anh em một chén nước lá vì danh Đức Giêsu thì cũng không mất phần thưởng.
-
Đừng làm cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn, thà buộc cối đá vào cổ nó (41) ném xuống biển thì hơn (42)
-
Đừng làm cớ vấp phạm cho chính mình: thà mất một phần chi thể mà khỏi sa hỏa ngục, mà được vào cõi sống, mà được vào Nước Thiên Chuá thì hơn là đủ tất cả mà bị ném vào hỏa ngục (43, 45.47)
Sau khi dạy môn đệ về bổn phận phải có đối với người xa lạ có thiện cảm đối với Đức Giêsu (9, 39-40), giờ đây Đức Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về thái độ đối với nhau, với những kẻ bé mọn và với ơn cứu độ của chính mình. Chữ AI trong văn mạch (x. 9,35.38) ám chỉ toàn thể các môn đệ trước tiên, sau đó mới ám chỉ những ai có dịp nghe hoặc đọc đoạn văn này. Ý chính nối với cc 39-40 trên vẫn là nhấn mạnh đến mối tương quan phải có với Đức Giêsu hơn là giá trị, hiệu năng bên ngoài của một việc làm nào đó. Ở câu 41, một chén nước trong cuộc sống bình thường không đáng giá bao nhiêu, nhưng mối tương quan vì anh em thuộc về Đức Kitô sẽ làm cho việc ấy đem lại kết quả lớn là sẽ không mất phần thưởng. Nối kết với phần sau (cc. 42-47). Phần thưởng chính là ơn cứu độ (so Mc 9, 37 và Mt 25, 31-45).
Kẻ bé mọn ở đây là những kẻ đã tin vào Đức Giêsu nhưng còn “bé nhỏ” trong đức tin nghĩa là đức tin còn yếu kém. Để hiểu cụ thể, ta mươn thực trạng của các cộng đoàn Phaolô. “Thánh Phaolô cho ta biết có nhiều loại Kitô hữu trong các giáo đoàn và ảnh hưởng của họ trên nhau: những người có “trí tri” có thể trở thành cơ hội sa ngã cho những kẻ yếu kém muốn bắt chước họ dù không có trí tri như họ (1Cr 8,7-13; 9,22; 10,24-29; Rm 14,1-23). “Khi phạm đến người anh em và làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ như thế là anh em có tội phạm đến Chúa Kitô” (1Cr 8,12). Xác quyết này của Phaolô, 1 cách khác, nhấn mạnh đến sự liên đới nối kết Chúa Giêsu với kẻ nhỏ nhất trong các tín hữu theo Mc 9,42…” (CGPACN năm B trang 503). Một lần nữa mối tương quan với Đức Giêsu và những kẻ bé mọn được nhấn mạnh hơn là hiệu năng, giá trị của một việc làm.
Đừng làm cớ vấp phạm cho chính mình, chống lại các dịp tội bằng cách dứt khoát cắt bỏ với tất cả những gì có thể gây cớ vấp phạm cho mình. Cũng như 2 trường hợp đã chú thích ở trên, vấn đề không nằm ở hành vi cụ thể mà là ở ý nghĩa của hành vi ấy trong tương quan với Đức Giêsu và với phần rỗi của bản thân. Chắc chắn Đức Giêsu không muốn chúng ta vào thiên đàng với một thân thể chột, què, cụt, điếc… Hạnh phúc thiên đàng phải là trọn vẹn, hoàn chỉnh. Ở đây cách nói mang tính biểu tượng. Do đó thật vô ích khi cố tìm xem những tội nào mà bàn tay, bàn chân hay con mắt có thể là cơ hội. Vả lại, việc cắt bỏ chúng không loại trừ được nguy hiểm đâu. Chúng tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà tất cả các Kitô hữu có thể tìm thấy trong chính bản thân hay trong những tương giao với bên ngoài. Và chúng cho thấy sự trừ tuyệt được đòi hỏi phải trả 1 giá thật đắt. Đức Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “vương quốc Thiên Chúa”, (đó là) tiêu chuẩn dứt khoát của mọi chọn lựa của con người” (Sđd 505).
TÓM KẾT:
Theo Đức Giêsu, làm môn đệ Người chính là cùng Người tiến bước trên đường thập giá, nghĩa là quảng đại dâng hiến đời mình để sống chan hoà với mọi người: người xa lạ, kẻ bé mọn, với anh em và với bản thân.
Chưa hiểu được sứ điệp thập giá mà lại sợ không dám hỏi, nên các môn đệ đã có những phản ứng đi ngược lại với đường cứu độ qua thập giá của Đức Giêsu: các ông ngăn cản người thiện tâm nhân danh Đức Giêsu trừ quỷ; các ông đầy óc bè phái cuộc bộ muốn nhốt ơn cứu độ Thiên Chúa trong vòng tay nhỏ bé của mình. Đức Giêsu phải điều chỉnh lại: – Người môn đệ phải mở rộng lòng nối kết mọi người thiện chí, không ganh tị, bè phái – phải sẵn sàng phục vụ nhau vì Đức Kitô ngay trong những việc nhỏ hèn nhất như chỉ cho 1 ly nước – và với bản thân: chuẩn mực, lẽ sống của người môn đệ là Nước Trời. Đó là chuẩn mực tối thượng cho mọi chọn lựa của người môn đệ. Tóm lại mọi hành động của môn đề đều nhắm tới việc tạo tương quan tốt với Đức Giêsu và tha nhân và đích đến là ơn cứu độ cho mọi người.
Frère Pierre Đình Long FSC