(Lc 16,29).
“Chúng đã có Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”
Tin Mừng Chúa Nhật XXVI mùa thường niên tiếp tục mời độc giả suy tư về tương quan mỗi người phải có đối với tiền của và tha nhân. Phải cư xử thế nào trong cuộc sống này để những nỗi khốn cùng của tha nhân, để cách sử dụng tiền của của chúng ta đừng là các nguyên cớ gây nên thảm họa cho ta trong cuộc sống đời sau. Một lần khác, Tin Mừng nhắc nhở tín hữu : trần thế này không phải là nơi đăng kí thường trú của chúng ta ; Mọi sự rồi sẽ qua đi ! Chúng ta đang lữ hành tiến về quê thật, vĩnh cửu với hạnh phúc trường tồn mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta. Các hạnh phúc thần linh ấy lại được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn cho chúng ta và mời chúng ta nếm cảm trước, thông hiệp NGAY KHI CÒN Ở THẾ TẠM NÀY, ngang qua việc sử dụng tiền của, liên hệ với tha nhân.
Tin Mừng tuần trước cho thấy tiền của mà anh quản gia bất trung sử dụng là tiền của bất chính. Khi anh quá dính bén vào nó, lệ thuộc nó, không nghĩ tới tình người, nghĩa chủ thì anh ta đã đi tới chỗ mất tất cả; Nhưng khi anh tỉnh ngộ, anh đã dứt bỏ được sự lệ thuộc của tiền của, nỗ lực với thời gian còn sử dụng được chức vụ dù thật là ngắn ngủi, để buông bỏ tiền của, xây dựng tình người.. lúc đó, anh tạo được cho mình một tương lai ổn định.
Ngược lại, tiền của mà người phú hộ sử dụng trong Tin Mừng XXVI thường niên C là tiền của hợp pháp: nó thực sự là của ông một cách chính đáng. Tuy nhiên cũng như anh quản gia bất trung thuở ban đầu : ông phú hộ đã bị tiền của cầm tù trong cái ích kỷ, thụ hưởng riêng cho bản thân, ông ta “mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (x.Lc 16,19); và lối sống ích kỷ, xa xỉ ấy đã làm cho lương tâm, ý thức, tình người nơi ông ta bị mù quáng đến độ cảnh nghèo đói, khốn cùng của Lazarô diễn ra hằng ngày trước mắt ông mà ông vẫn vô cảm, bình chân như vải. Ông quên luôn Luật Chúa do Môsê và ngôn sứ dạy (x.Lc 16,31) là phải trợ giúp người nghèo. Sự vô cảm đã làm con tim, lý trí, phán đoán, lương tâm của ông hóa đá trước thực tế khổ đau của tha nhân phơi bày lồ lộ mỗi ngày ngay trước mắt.
Xét theo pháp lý dân sự, người ta không thể luận tội và kết án nặng cho ông phú hộ này được. Nhưng xét dưới cái nhìn của giao ước, ông là Dân của Chúa thì ông đáng tội vì Chúa đã ban cho Dân Lề Luật, riêng ông phú hộ lại giàu có và lại có cơ hội thuận tiện xuất hiện mỗi ngày, ngay trước cửa nhà là anh nghèo Lazarô để ông thi hành Luật Chúa trợ giúp người nghèo, nhưng vì vô cảm, lương tâm chai cứng nên ông đã không chụp lấy cơ hội đó để sống như là Thần dân của Chúa, như là con cháu của Abraham. Cuộc sống vô vảm của ông đã hủy diệt căn tính “con cái Abraham” nơi ông, nên ông ta không thể hưởng được phúc lộc “ở trong lòng tổ phụ” Abraham được (16,23).
Tóm lại, tội vô cảm của ông phú hộ này “không thể tha thứ được vì ông ta biết Thánh Kinh như mọi người Do Thái khác; ông có đầy đủ của cải; ông đã thấy nỗi khốn cùng tột độ của người nghèo ; đồng thời ông cũng có luôn khả năng để cải thiện tình trạng khốn cùng đó. Nhưng ông đã không làm gì cả, vẫn bỏ rơi người nghèo bên vệ đường, kiếm ăn dơ dáy, bị mụn nhọt hành hạ khổ sở” (GHHV “Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật” năm C trang 330).
Một sứ điệp khác, dụ ngôn gửi đến cho ta và có lẽ là quan trọng hơn : bởi đâu một con người bình thường không làm gì bất công gian ác lại đắm chìm trong vô cảm như thế ? Cuộc đối thoại giữa ông phú hộ và tổ phụ Abraham là câu trả lời :
Sau khi chết, phải chịu cực hình trong âm phủ, ông phú hộ mới nhận ra được rằng lối sống vô cảm của ông trên trần thế là một trọng tội, đáng phải chịu hình phạt nặng nề nhất. Tuy nhiên ông không tỉnh ngộ để nhận ra được căn nguyên sâu thẳm đưa ông đến tội vô cảm. Vì thế ông xin tổ phụ Abraham ban cho năm người anh em của ông còn sống trên trần thế một DẤU LẠ để cảnh cáo họ : đó là cho Lazarô hiện về báo mộng cho họ; ông ta tưởng rằng dấu lạ đó sẽ làm họ sám hối (Lc 16,27- 30). Chi tiết này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy ông phú hộ đáng tội :
– Cả gia đình ông đều biết rõ Lazarô cùng khốn nhưng vẫn làm ngơ, vô cảm.
– Đồng thời cho thấy tới mức độ này mà cặp mắt đức tin của ông phú hộ vẫn còn đóng kín. Ông vẫn ở lì trong sai lầm chung từ bao đời của dân tộc ông: để tin, người Do Thái thường đòi điềm thiêng dấu lạ (x. 1 Cr 1,22 ; Ga 2,18 ; Mc 8,11…).
Tổ phụ Abraham, qua lời đáp của ông phú hộ, gởi đến cho người Do Thái và cho cả chúng ta nữa một sứ điệp : “chúng đã có Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16,29). Còn Đức Giêsu, trước lời đòi dấu lạ của người Do Thái, Người đáp : “không có một dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giôna” (x.Lc 11,29 ; Mt 12,38-39 ; Mt 16,4). Dấu lạ lạ lùng và hiệu quả nhất: đường cứu độ là đường Thập Giá. Tất cả những điều đó, Chúa đã ban cho rồi. Tổ phụ Abraham muốn thức tỉnh dân Do Thái ra khỏi ảo tưởng “đòi dấu lạ” từ bao đời của dân tộc họ, mời họ chiêm ngắm lại dấu lạ lớn nhất Chúa đã làm cho họ : Xuất Hành. Chúa cứu họ khỏi diệt chủng, ban Lề Luật, chọn họ làm dân riêng, ban Lời Hứa cứu độ, Đấng Cứu Tinh… . Đó là dấu lạ tuyệt vời. Vậy hãy tin vào Lời Chúa, vào dự tính cứu độ yêu thương của Người. Lời Chúa là thần dược bảo vệ, làm tăng trưởng đức tin của ta, bảo vệ ta thoát cạm bẫy mọi cơn cám dỗ, giúp ta sống xứng đáng là con Chúa, là anh em với nhau.
Tóm lại, căn nguyên sâu xa đưa con người rơi vào lối sống vô cảm là chạy theo những dấu lạ hào nhoáng bên ngoài mà lãng quên đi – cố tình hay vô ý – những đòi hỏi của Lời Chúa. Một khi đã làm ngơ trước lệnh truyền của Chúa thì con người không thể nào quan tâm đến nhau đúng mức được ; Trái lại lúc đó, con người còn là kẻ thù, kẻ hãm hại nhau: mười một chương đầu Sách Sáng Thế cho ta bài học đó!
Vô cảm đang là một thảm hỏa cho thế giới, ngày càng lan tràn, có người còn coi đó là lẽ sống, là một phương thức để giải quyết những tranh chấp. Vô cảm giữa các cá nhân, giữa các cộng đoàn, giữa các quốc gia… Vô cảm qua áp bức bóc lột ; vô cảm qua khủng bố, trả thù !
Nhân loại ngày nay còn vô cảm tệ hại hơn ông phú hộ: chẳng những vô cảm trước những nỗi đau của người khác, ngày nay cái vô cảm còn lạnh lùng đến độ tìm đủ cách để gây tai họa khổ đau cho kẻ khác: vu oan, chụp mũ, khủng bố… và còn cảm thấy hả hê vì thấy tha nhân khốn khổ do tay mình gây ra; lắm khi còn đem cả Thiên Chúa ra để biện minh cho hành vi vô cảm của mình. Vô cảm đe dọa phá hoại môi trường, xóa sổ dần sự sống, hủy diệt trái đất và nhân loại.
Tất cả đều phát xuất từ lòng người, những con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình và thay vào đó bằng lợi nhuận. Mọi nỗ lực nhân loại đều mang tính nhất thời, đối phó. Chỉ có Lời Chúa trong Đức Giêsu kitô mới cho ta giải pháp tận căn hoán cải lòng người, tiêu diệt vô cảm.
Sứ điệp cho mọi kitô hữu : LẮNG NGHE LỜI CHÚA và ĐEM RA THỰC HÀNH. Lời cho ông phú hộ chính là cho chúng ta : Lc 16,29.
Frères Đình Long FSC