CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B

Mc 9,38-43.45.47-48. XA TRÁNH DỊP TỘI

     Cha sở đang khỏe mạnh bình thường. Hằng ngày chăm lo giảng dạy và làm mục vụ. Đùng một cái, buổi tối, cha kêu đau bụng. Giáo xứ đưa ngài ra Pleiku cấp cứu. Sau khi khám nghiệm và hội chẩn, các bác sĩ kết luận: Viêm đại tràng cấp. Giải phẫu gấp. Xe cấp cứu Caritas giáo phận tức tốc chở ngài về Sài Gòn. Trực chỉ bệnh viện Đại học y dược Sài Gòn. Và phẫu thuật cấp tốc. Cắt đi một khúc ruột già, vì bị K. Cha cảm nhận thế nào là đoạn trường: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. (Truyện Kiều). Còn phải xạ trị 3 tuần một lần. Xạ trị 6 lần để ngăn tế bào ung thư di căn.

    Người phụ nữ đi chợ về, bị một chiếc xe container ép té, cán nát chiếc xe gắn máy và ống quyển bên trái. Máu tuôn xối xả. Không kịp đưa đi Sài Gòn nên phải đưa vào bệnh viện tỉnh lẻ. Các bác sĩ quyết định phải tháo khớp. Một thời gian sau khi lành bệnh, chị còn phải ráp chân giả. Từ nay chị mất chân thật! Chị rất lo lắng vì chồng chị thường nói chỉ yêu người chân thật.

    Khi một phần cơ thể bị viêm nhiễm, ung thư hay vỡ nát, hoại tử, buộc y khoa phải cắt bỏ, nếu muốn cứu sống người bệnh.

Trong đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu dậy:” Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi. Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ 2 tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt.(Mc 9,43).Tương tự như thế, Chúa cũng nói về chân và mắt. Nếu làm cớ sa ngã, thì hãy chặt bỏ, hãy móc đi.(Mc 9,45-46).

     Nếu thực hiện Lời Chúa theo từng chữ, mot à mot, literally, thì xã hội sẽ la liệt người tàn tật. Và thiên đàng là một trường khuyết tật khổng lồ.

Nhớ lại hồi trước, bọn “trẻ nghé” đổi lời bài Ngày dài trên quê hương, của Trịnh Công Sơn:

Một người mù xem tivi,
một người câm đang tập hát,
một người què đang nhún nhảy,
một người thọt nhảy slow…
[ Chuyện này chỉ có trong Nước Thiên Chúa: Người què nhảy như nai… (Isaia)]

Không, Chúa không dạy chúng ta thực hành theo nghĩa đen. Vì như thế, lấy đâu ra tay, lấy đâu ra chân mà chặt hoài? Lấy đâu ra mắt mà móc mãi? Chưa kể lỗi điều răn thứ 5.

     Y khoa có thể cắt bỏ những bộ phận nhiễm bệnh, còn đạo đức buộc chúng ta phải để ý đến những bộ phận có thể làm ta sa ngã, phạm tội. Chúa chỉ nhấn mạnh để chúng ta triệt để cảnh giác.

     Nhưng cám dỗ là có thật:

Con người mọi thời, mọi nơi, già trẻ, lớn bé, sang hèn, đều luôn gặp cám dỗ. Đọc Kinh Thánh ta thấy từ nguyên tổ Ađam Evà, Luxiphe rồi dân Do Thái, các vua chúa, đặc biệt như vua Đavit đến chính Chúa Giê su cũng bị ma quỷ cám dỗ: Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu satan cám dỗ.(Mc 1,13). Kể cả các môn đệ Chúa như Phêrô, như Giuda …cũng đều bị cám dỗ.

Các thánh nhận định: “Trên đời này không ai là không bị cám dỗ”.

Trần Tế Xương cũng than phiền:

                                        Một trà, một rượu, một đàn bà,
                                       Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta.

     Ngày xưa còn bé, chúng ta được học giáo lý về ba thù: Ma quỷ, thế gian, xác thịt. Chúng ta được xem những hình ma quỷ cám dỗ bà Eva. Một hình ảnh quái vật, có 2 sừng, có đuôi, mắt đỏ ngầu, lưỡi thè dài. Có lẽ chỉ riêng bà Eva có thể nghe lời cám dỗ của một thực thể như vậy. Ngày nay, nếu ma quỷ hiện hình như thế, trẻ con sẽ khóc thét và người lớn sẽ chạy xa. Chúng xuất hiện dưới nhiều hình ảnh đẹp đẽ, duyên dáng, quyến rũ. Chúng mới lôi kéo được người ta chứ.

     Thế gian cũng rất ngọt ngào: “A lô, Chào anh/chào chị, Công ty em rất hân hạnh được biết số điện thoại của anh/ chị đã trúng thưởng của công ty em. Xin mời anh chị nhận một chai nước hoa ngoại free, trị giá một triệu rưỡi. Shipper sẽ giao hàng tận nhà anh/ chị. Chỉ cần trả tiền ship thôi”.Trò lừa đảo sơ đẳng, nhưng giọng nói rất dịu dàng, ngọt lịm.

     Cám dỗ cũng có thể nằm ngay trong những sinh hoạt tôn giáo, đạo đức, thánh thiện, như: lễ sinh, ca đoàn, giới trẻ, giáo lý viên, huynh trưởng thiếu nhi Thánh Thể, Con Đức Mẹ, Hiền mẫu….Ngay cả trong những hoạt động bác ái, thiện nguyện…

     Nhưng nếu ma quỷ, thế gian là những thế lực ngoại tại, thì xác thịt lại là thế lực nội tại. Nó nằm ngay trong chính chúng ta. Kẻ nội thù rất khó diệt. Quốc gia, tổ chức nào cũng đều phải đối mặt.

     Ai trong chúng ta cũng yêu thương, trân trọng thân xác mình, lo cho thân xác ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp. Chúng ta khắt khe với người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình. Chúng ta phóng đại, tô đen lỗi người khác, nhưng lại biện hộ giảm khinh, nếu không muốn nói là che giấu lỗi lầm của mình.

Nhiều vị thánh đã phải chiến đấu với chính mình bằng cách lăn ra tuyết, lăn vào bụi gai.

Chúa Giêsu chỉ có ý nói cách thậm xưng, cách quyết liệt để ta phải dứt khoát với tội. Thực ra, cám dỗ nhiều khi cũng cần thiết: Lửa thử vàng gian nan thử đức. Thánh Phêrô cũng dậy: Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em, là thứ quý hơn vàng gấp bội. (1Pr1,7). Nếu những cấm cách gian nan làm nhiều người bỏ đạo, thì cũng chính những thử thách, cực hình đó đã đem lại triều thiên Tử Đạo cho nhiều chứng nhân anh dũng .

      Ta cần tránh tội và cũng cần tránh những dịp tội. Chàng trai yêu một cô gái cùng trường, nhưng bố mẹ không ưng thuận, nên ông bà tìm cách gửi con trai sang Mỹ du học .(Tránh xa chước cám dỗ, theo quan điểm của ông bà).

Đứa con trai, trong dịch covid, ham nhậu với bạn bè, mang virus corona về cho cả nhà. Bố mẹ và các em đều phải đi cách ly. Mười ngày sau, bố mẹ trở bệnh nặng rồi từ trần. Ba tuần sau những thành viên khác trong gia đình được về nhà, nhưng bố mẹ chỉ còn là 2 hũ tro. Chàng trai buồn bã, hối tiếc, nhưng đã quá trễ.( Không tránh xa dịp tội).

      Chúa Giêsu còn quở trách những người làm gương mù cho trẻ em: Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (Mc 9,42).

Năm tuổi, đã luôn phải đi mua rượu cho bố, thì không lạ gì lớn lên em sẽ nghiện rượu. Mười tuổi, đã phải ngồi chia bài, thì cứ sự thường, lớn lên em không bài bạc mới là lạ. Người xưa dạy rằng gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là thế.

      Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống theo lời Chúa: Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kiểu sa chước cám dỗ (Mc 14,38).

 Nguyễn Đức Lân