Lc 1,26-38
Ngày 1 tháng 10, Chúa nhật đầu tháng, Giáo hội mừng kính Đức Mẹ Mân Côi. Giáo hội dành 2 tháng trong năm để kính Đức Mẹ, đó là tháng 5 và tháng 10. Lịch phụng vụ Công Giáo gọi tháng 10 là tháng Mân côi.Trong tháng này Giáo Hội hướng về Đức Mẹ và cầu nguyện đặc biệt bằng chuỗi Mân Côi.
Tiếng La Tinh gọi Kinh Mân Côi là Rosarium.
Cuốn sách Giáo Lý Công Giáo đầu tiên của Việt Nam là Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông do linh mục thừa sai Giêrônimô Majorica soạn vào năm 1623 chưa biết tới từ Mân Côi hay Tràng Hạt, nên ngài đã phiên âm tiếng Bồ Đào Nha Rô Sa Riô (Rosario) và Cô Rô Na (Corona) để chỉ kinh Mân Côi và tràng hạt. Nhiều nơi còn gọi là lễ Đức Mẹ Rosa
Tác phẩm Thánh Giáo Kinh Nguyện có kinh cầu Đức Bà bằng Hán Văn mà ta quen gọi là Kinh Cầu Chữ có 2 câu sau đây: (1) Huyền Nghĩa Văn Côi. (2) Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu. Đến năm 1924, các giáo sĩ san định lại kinh sách Công Giáo và dịch hai câu trên ra việt ngữ như sau:
Huyền Nghĩa Văn Côi: Đức Bà Như Hoa Hường Mầu Nhiệm Vậy
Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu: Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi.
Theo âm Hán Việt, Mân Côi còn có nhiều cách gọi khác là Môi Khôi, Mai Khôi, Văn Côi, Vân Côi…
Chuỗi Mân Côi được chia thành từng chục và bao gồm 200 kinh.
Mỗi chục sẽ gồm một kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 Mầu Nhiệm chính, mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa như Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng.
Mỗi mùa đại diện, tưởng nhớ, suy niệm những sự kiện khác nhau. Cụ thể:
Mùa Vui suy niệm sự kiện Chúa Giáng Sinh.
Mùa Thương tưởng nhớ đến việc Chúa chịu chết trên Thập Giá.
Mùa Mừng tưởng nhớ đến việc Chúa Phục Sinh.
Mùa Sáng hay Mầu Nhiệm Sự Sáng, mới có từ năm 2002 dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi Chúa lập phép bí tích Thánh Thể.
Qua nhiều thời đại các đức giáo hoàng rất quan tâm đến Kinh Mân Côi.Thế kỷ XV Đức Giáo Hoàng Sixtô IV đã chính thức châu phê việc tôn sùng chuỗi Mân Côi trong Giáo Hội Công Giáo. Vào thế kỷ XV các tu sĩ dòng Đa Minh đã hăng say phổ biến việc tôn sùng Kinh Mân Côi. Sang thế kỷ XVI, Cha Antonio Ghislieri, một thần học gia dòng Đaminh, sau này là Giáo hoàng Piô V, đã sắp xếp chuỗi Mân côi vào 15 mầu nhiệm như hình thức hiện nay (Tông Sắc Consueverunt Romani,1569) và chọn ngày 7 tháng 10 từ năm 1571 để mừng lễ Đức Mẹ Mân côi.
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 2002 đã thêm 5 mầu nhiệm Sáng vào chuỗi Mân côi .
Từ năm 1571 đến 2002, tất cả các vị Giáo hoàng không ngừng khuyến khích và cổ võ các Kitô hữu siêng năng lần chuỗi Mân côi. Như vào tháng 9 năm 1893, Đức Leô XIII (1878-1903) đã công bố Tông thư Laetitiae sanctae, (Niềm Vui Thánh).
Ngài đã viết tổng cộng 11 thông điệp về Kinh Mân Côi.
Hai năm trước thế chiến thứ hai, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã công bố Tông thư về “Những sự dữ thời đại” (Ingravescentibus malis,) hay còn được gọi là Tông thư về Phép Lần Hạt Mân Côi,
Đức Giáo Hoàng Piô XII khuyến khích đọc kinh Mân Côi. (Thông điệp Ingruentium Malorum [15/09/1951] )
Đức Gioan XXIII đọc kinh Mân côi, cầu nguyện cho những trẻ sơ sinh
Vào ngày 4 tháng 5 năm 1963, trong khi Giáo hội khai mở Công đồng Vatican II, Ngài đã tiếp đón một cuộc hành hương phát động chuỗi Mân côi sống đầu tiên ở Ý; Ngài đã cam kết sẽ lần chuỗi Mân côi hàng ngày để cầu nguyện cho các trẻ thơ.
Năm 1961, ngài công bố Tông thư “Lòng sùng kính phép Mân Côi” (Il religioso convegno),
Cũng như trong Tông thư “Kinh Mân Côi” (Encyclical Grata Recordatio) năm1959, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII khuyến khích các tín hữu hãy đọc kinh Mân côi hàng ngày, và ngài tuyên bố rằng Kinh Mân côi là một phương tiện cầu nguyện tuyệt diệu.
Sau Công đồng Vatican II, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã công bố tông huấn Lòng tôn sùng Đức Maria (Marialis Cultus), trong đó ngài cổ súy và khuyến khích việc phục hồi lại truyền thống của lòng tôn sùng phép thánh Mân côi.
Ngài nhấn mạnh:
“Không còn nghi ngờ gì nữa, sau khi cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ, đỉnh cao mà lời cầu nguyện gia đình có thể đạt tới, thì Kinh Mân Côi nên được coi là một trong những lời cầu nguyện chung tốt nhất và hữu hiệu nhất mà gia đình Kitô hữu được mời đọc”. Christi Matri,Thông điệp về lời cầu nguyện cho hòa bình (15/09/66) và Tông huấn Marialis Cultus (02/02/74).
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hết lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria. Mọi sự của con là của Mẹ (Totus Tuus) là phương châm giám mục của Ngài). Trong suốt 27 năm trên tòa thánh Phêrô, ngài đã nhiều lần khuyến khích đọc kinh Mân côi.
Ngày 16 tháng 10 năm 1978, trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng sau khi đắc cử Giáo Hoàng, ngài đã ký thác sứ vụ của ngài cho Đức Mẹ Maria và giới thiệu lại Kinh Mân Côi cho toàn thế giới như là “lời kinh diệu kỳ”.
Hai mươi lăm năm sau, dịp mừng Ngân khánh Giáo Hoàng, trong Tông thư “Kinh Mân Côi”, một lần nữa, ngài ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác tín: Kinh Mân Côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Vatican II khi Phụng Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.
Năm 2002, Ngài đã công bố Tông Thư (Rosarium Virginis Mariae).
Chính trong Tông thư này, Ngài công bố thêm năm mầu nhiệm sự sáng vào tràng chuỗi Mân côi và mở ra một năm thánh về Kinh Mân Côi được bắt đầu từ tháng 10 năm 2002 đến hết tháng 10 năm 2003; trong năm thánh này, Thánh Giáo hoàng mời gọi các tín hữu hãy chiêm ngưỡng Đức Maria qua chính diện mạo của Chúa Kitô.
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng cùng một tâm tình và quyết tâm làm sống lại lòng sùng mộ kinh Mân côi.
Trong một Tông thư gửi đến những người trẻ Công Giáo ở Hà Lan, Ngài đã chia sẻ rằng Bí mật của việc đọc kinh Mân côi có thể giúp bạn học được nghệ thuật cầu nguyện với một sự đơn sơ nhưng đầy sâu sắc của Mẹ Maria.
Trong một buổi triều yết vào tháng 5 năm 2006, ngài đã mời gọi các tín hữu hãy bồi đắp lòng sùng mộ kinh Mân Côi. Ngài mời gọi đọc kinh Mân côi trong gia đình như một khoảnh khắc làm thăng tiến tâm linh dưới cái nhìn đầy trìu mến của Đức Trinh Nữ Maria.
Tháng 10 năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẩn xin tất cả các tín hữu hãy lần chuỗi Mân côi hàng ngày, để Đức Trinh Nữ Maria giúp Giáo hội vượt qua được một giai đoạn đen tối của những tội lạm dụng tình dục, quyền lực và lương tâm của nhiều linh mục tu sĩ đang dấy lên những phẫn nộ, phân rẽ trong Giáo hội…
Nhiều nhà bác học cũng rất yêu mến Kinh Mân Côi.
Trên tuyến xe lửa đi Paris, có một sinh viên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu,xem chừng không thể nào chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng:
– Thưa ông, ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à ?”.
Cụ già thản nhiên trả lời :
– Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao ?
Người thanh niên xấc xược trả lời :
– Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên :
– Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không ?
Người sinh viên nhanh nhảu trả lời :
– Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.
Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi :”Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris”.
Ngoài Blaise Pascal và André-Marie Ampère còn có thể kể nhiều bác học khác rất yêu mến Kinh Mân Côi,
Vâng, Kinh Mân Côi là kinh phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đức Phaolô VI trong Tông huấn Marialis Cultus đã gọi Kinh Mân Côi là “cuốn Phúc Âm rút gọn”,
“Ad Jesum per Mariam” Qua mẹ Maria đến với Chúa Giêsu.
Trong mọi tình huống cuộc đời, nhất là những lúc khó khăn, chuỗi Mân Côi luôn là nguồn nâng đỡ thiêng liêng và tâm lý. Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung kể lại: Trong những năm tháng khó khăn 1960 – 1963, tại vùng truyền giáo sát biên giới Lào-Việt, khi cái chết cận kề, có ngày tôi lần 13-14 chuỗi. Trong đời chưa bao giờ lần chuỗi mỗi ngày nhiều như thế, chiều chiều, sáng sáng. Trong những ngày tháng kinh hoàng không gì đem lại nâng đỡ cho bằng những lời kinh dâng lên Mẹ thân thương. Sống chết trong tay Mẹ khi nay và trong giờ lâm tử. Tôi vừa lần hạt vừa đi qua đi lại trong phòng hoặc ngoài hiên, mỗi bước đi mang theo tất cả những hồi hộp lo sợ đồng thời những niềm an ủi và khích lệ, vì chuỗi mân côi gói ghém tất cả vui, thương, mừng. Thật, đây là những giờ thân thiết nhất giữa Mẹ và con. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu thường nói: khi chúng ta lần chuỗi thì Mẹ cầm dây chuỗi một đầu, chúng ta một đầu. Đúng thế lời này làm tôi rất thích thú. Mẹ níu con, con níu Mẹ. Mẹ con gắn bó thân thiết.
(Trích hồi ký Kơbey của đức cha Phêrô Trần Thanh Chung-nguyên giám mục Kontum)
Điều thuận lợi của chuỗi Mân côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh… Nhiều người già thích đi bộ đến nhà thờ vì trong khi đi đường có thể lần chuỗi.
Đi lên đi xuống cầu thang nhà lầu cũng có thể lần chuỗi.
Từ nhà ra chợ, lên rẫy cũng có thể âm thầm lần chuỗi.
Đi xe đò, xe khách cũng là dịp để lần chuỗi.
Nhiều hội đoàn, nhiều giáo họ có thói quen đọc Kinh Mân Côi sống, chia mỗi người một chục kinh đọc mỗi ngày.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn yêu mến và đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày theo lời Mẹ nhắn nhủ.
Nguyễn Đức Lân
( Viết theo tài liệu trên internet)